Monday, 31 July 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT : CÁ VÀ NƯỚC



Tìm mở trang wikipedia cho chúng ta biết sơ lược về ý nghĩa biểu tượng cá trong các nền văn hóa của thế giới, riêng đối với giới Kitô giáo, biểu tượng cá từ khởi thủy đã mang đậm dấu ấn trong cuộc sống, không chỉ sinh hoạt đời thường nhưng còn là tâm linh.
Từ biểu tượng cá là dấu hiệu cho những người Kitô hữu nhận diện nhau trong thời kỳ cấm đạo khắc nghiệt, biểu tượng cá dần trở nên hình tượng của niềm tin Kitô giáo, và lặng lẽ biểu tượng cá hiện diện trong việc thờ phượng của Giáo Hội. Không khó để nhận ra điều này, chỉ cần rảo quanh một số Nhà Thờ chúng ta sẽ thấy hình cá có mặt ở các vật dụng Phụng Vụ, từ chén thánh, đĩa thánh cho đến cửa nhà chầu ( nhà tạm ), trên tường Nhà Thờ, ở cửa Nhà Thờ, cả trên tấm bánh mà cộng đoàn dùng đế tiến lễ.
Cuộc đời của Chúa Giêsu nhất là trong những năm rao giảng gắn bó với con cá một cách đặc biệt, không chỉ giảng dạy với các dụ ngôn về cá ( x. Mt 13, 47 – 50/ Lc 11, 9 – 13 ), Chúa còn cầm lấy cá để làm phép lạ cho nhiều người ăn ( x. Mt 14, 13 - 21/ 15, 32 – 39 ), nướng cá để phục vụ các môn đệ ở bờ biển sau một đêm nhọc nhằn ướt át ( x. Ga 21, 1 – 14 ), tiếp cận với cá để có đồng bạc nộp thuế ( x. Mt 17, 24 – 27 ), và chính người cũng cầm lấy cá mà ăn trước mặt các môn đệ ( x. Lc 24, 36 – 43 ). Ít là  bốn trong mười hai môn đệ của Chúa làm nghề đánh cá ( x. Mt 4, 18 – 21 ). Nói về sứ vụ của các Tông Đồ Chúa dùng hình ảnh lưới cá ( Lc 5, 4 – 11 ). Khi đề cập dến Nước Trời, Chúa đã dùng hình ảnh lưới cá ( x. Mt 13, 47 – 50 ).
Tháng 4 năm 2016, hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào các bờ biển Việt Nam, đặc biệt hàng trăm cây số bờ biển dọc bốn tỉnh miền Trung ( Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị ), biến cố cá chết với một con số quá lớn nhanh chóng đẩy cuộc sống bao nhiêu gia đình sống tùy thuộc c1 loại thủy hải sản rơi vào cơn khốn quẫn. Và trong suốt hơn một năm vừa qua biển vẫn chưa phục hồi, không còn bóng cá bơi lội quanh vùng biển, người dân sống trong âu lo, chết chóc và mất hẳn kế sinh nhai. Việc chuyển đổi nganh nghề sống vấp phải những khó khăn vô cùng lớn, trước hết đó là ngành nghề cha truyền con nối bao đời, thay đổi kế mưu sinh là thay hẳn các tập quán, sinh hoạt và trật tự làng xã.
Vấn đề sức khỏe cũng là một bài toán hóc búa, những chất độc thải xuống biển đã hòa lẫn vào nước biển, chỉ riêng với những hạt muối, chất độc theo muối lên tất cả các bàn ăn của cả nước, rất nhiều người bị nhiễm độc vào máu gây ra tình trạng suy yếu sức khỏe, phát sinh nhiều bệnh tật, trong đó ung thư là một thảm họa báo động lớn. Đã có những con số thống kê chính thức của nhà nước về ung thư: 320 người chết mỗi ngày, cả nước có 190.000 ca điều trị ung thư và cảnh báo sẽ bùng nổ ung thư tại Việt Nam trong thời gian vài năm tới.
Sau những đợt lên tiếng mạnh mẽ của cả nước, cách riêng một số cộng đồng dân cư vùng bốn tỉnh bị nhiễm độc, doanh nghiệp nước ngoài có tên là Formosa đã chính thức nhận trách nhiệm và xác định nguyên do biển chết là chất thải của doanh nghiệp đổ ra biển. Với số đền bù ít ỏi, người dân vẫn tiếp tục lầm lũi bước vào ngõ hẹp, cho đến nay vẫn chưa có một biện pháp nào về lãnh vực y tế nhằm giảm thiểu và ngăn chặn thảm họa ung thư.
Cá không chỉ chết vào tháng tư năm 2016, trước đó, một số nơi đã có hiện tượng cá chết hàng loạt, biến một số dòng sông lâm vào tình trạng không còn sự sống. Sông Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một thí dụ cụ thể. Sau tháng tư năm 2016, hiện tượng cá chết lan ra ở một diện rộng hơn và nay đã rộng khắp cả nước, cá sống ngoài thiên nhiên ở các ao hồ sông suối chết, cá nuôi ở các lồng bè cũng chết, những đợt cá chết gây thiệt hại lên đế hàng trăm tỉ đồng. Hơn 3.000 sông, hồ, kênh, rạch trong cả nước có còn cái nào sống nữa không ?
Khi nói về một dân tộc, một quốc gia, tiếng Việt tinh tế gọi một vùng dân cư, một vùng quần thể sự sống của con người bằng hai chữ ĐẤT NƯỚC, nay nước chết thì hai chữ đất nước còn ý nghĩa gì nữa không ?
Cá gắn chặt với sinh hoạt với niềm tin của người Kitô hữu, nay cá chết niềm tin ấy ra sao ? sinh hoạt ấy thế nào ?
Những ai mang hai đặc tính: Việt Nam và Kitô hữu, hãy tìm cho mình câu trả lời cuộc sống hôm nay và mai sau.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.7.2017

No comments: