Friday, 21 July 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR : HÃY NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG VÌ NUỚC TRỜI VẪN CÒN XA TẦM VỚI!



Đức Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn để dậy chúng ta giáo lý về Nuớc Trời. Trong trình thuật hôm nay, Đức Giêsu trình bầy việc gieo hạt giống của người chủ vuờn. Lọai giống mà ông ta gieo trong thủa ruộng là lọai giống tốt. Tuy là những hạt giống tốt, nhưng nó vẫn gặp trở ngại trong việc đâm chồi nẩy lộc và sinh hoa kết trái. Bởi vì, ngay trong thủa ruộng đó lại có một lọai hạt giống khác mọc chung với nó và hạt giống này là lọai giống độc làm hủy diệt lúa. (Tuy nhiên, mới gần đây tôi nghe một ông chủ nông trại đã chia sẻ rằng: Cỏ lùng hay cỏ dại tuy mang độc tố giết hại cây lúa; nhưng với luợng độc tố nhỏ bé của nó sẽ ngăn các côn trùng đến phá họai thửa ruộng và giúp cho các cây lúa không bị chết ngạt. Tuy nhiên, nếu luơng độc tố của cỏ lùng quá nhiều thì các cây lúa sẽ bị tiêu diệt bởi cỏ lùng.)
Dụ ngôn tiếp tục trình bầy rằng cả hai lọai hạt giống cùng phát triển cho đến lúc lúa trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Những người giúp việc ngạc nhiên và hỏi ông chủ rằng hạt giống ông gieo là lọai hảo hạng, vậy tại sao lại có cỏ lùng? Ông đáp: Kẻ thù của ta đã làm ra chuyện đó. Những nguời giúp tình nguyện đi thu cỏ lùng lại, nhưng ông không cho phép. Bởi vì ông biết khả năng ‘biện phân’ của những người giúp việc. Khi gom cỏ lùng, họ sẽ gặt luôn cả lúa. Hãy chờ ngày mùa rồi ông sẽ có biện pháp xử lý.
Nghe xong dụ ngôn, chúng ta nhận ngay ra tình hình cộng đòan của Thánh sử Matthew, một cộng đòan bao gồm người tốt và xấu. Và, đó cũng là hòan cảnh sống của chúng ta hôm nay. Vẫn biết rằng, hạt giống mà họ và mỗi người chúng ta đuợc uơm trồng là lọai giống tốt, vậy những người xấu từ đâu mà ra? Chúng ta cần chấp nhận một sự thật, cho dù chua cay, nhưng vẫn là sự thật. Đó là trên thế giới, trong gia đình, ngòai xã hội và ngay trong cộng đòan của những kẻ tin vẫn còn bao gồm những người tốt và xấu. 
“Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” vẫn là tiếng kêu cứu của con người trong mọi thời đại.
Việc ông chủ không cho phép những người giúp việc đi gom cỏ lùng lại để đốt đi đuợc giải thích rằng ông thật khoan dung và nhân hậu khi đối xử với người xấu, không trừng phạt ngay nhưng chờ họ trở về. Nhưng, lại có một số người khác diễn giải rằng thái độ và cách ứng xử của ông chủ duờng như hỗ trợ cho sự ác, cho phép bạo động bành truớng và tội ác phát triển. Thật ra, theo tinh thần của bản văn thì hành động của ông chủ đuợc xuất phát từ sự khôn ngoan. Ông biết rõ giới hạn và khả năng ‘phán đóan’ của những nguời giúp việc. Họ, tuy nhiệt thành và hăng say nhưng lại thiếu khôn ngoan trong việc biện phân nên dễ biến thành những người cuồng tín, rồi thay vì đi nhặt cỏ lùng, họ lại đi gom cả lúa vào thì hư hết việc. Kinh nghiệm trong cuộc sống dậy chúng ta rằng: những ai hăng say và nhiệt thành, nhưng thiếu óc phán đóan và khôn ngoan, có nhiều cơ may biến thành ‘hăng máu’; và kết quả thuờng gặp là đụng chạm và đổ vỡ.
Quả thật, thế giới mà chúng ta đang sống, cộng đòan nơi chúng ta đang sinh họat, thậm chí Hội Thánh mà chúng ta là thành phần… vẫn không hoàn hảo. Đây là một thực tế mà không ai trong chúng ta có thể lọai bỏ đuợc!
Như vậy, không lẽ chúng ta cứ sống mãi như thế, đồng lõa với sự ác. Không phải thế. Ngay trong dụ ngôn, Đức Giêsu nói cho chúng ta biết rằng cỏ lùng sẽ bị đốt, tội ác sẽ bị tiêu diệt. Tà không thể thắng Chính. Thời gian mà tội ác hòanh hành trên thế giới, trong gia đình, ngay bản thân của mỗi người chỉ là tạm thời. Những điều tốt đẹp và các việc lành sẽ tồn tại vĩnh cửu. Chúng ta đuợc mời gọi sống trong niềm xác tín rằng rồi mùa thu hoạch chắc chắn sẽ đến. Và, khi mùa thu họach đến, cả thế giới này sẽ tràn ngập niềm vui và tiếng cuời. 
Từ niềm xác tín này chúng ta tiếp tục tìm hiểu và suy niệm dụ ngôn “hạt cải” và “men trong bột” tiếp theo.
Nước Trời đuợc ví như hạt cải nhỏ bé tí nhưng khi lớn lên lại như cây lớn mà chim trời có thể đậu. Và, Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men. (Mt 14: 30-33) Muốn đạt đuợc kết quả như thế, chúng ta nghĩ ngay đến sự can thiệp của một sức mạnh siêu nhiên làm cho hạt cải lớn thành cây đại thụ. Cũng giống như thế về việc cả khối bột dậy men của người đàn bà trong dụ ngôn “men trong bột.” 
Hai dụ ngôn này có thể đuợc viết lại bằng ngôn ngữ của thời đại chúng ta như sau: “Nuớc Trời giống như công việc của một cha xứ trong một thành phố gần 2 triệu dân, mà chỉ có vài chục tín hữu đến nghe ngài giảng. Ngài kiên tâm bền chí rao giảng cho đến khi mọi người trong thành trở lại và tin vào Tin Mừng.” 
Đức Giêsu dùng các dụ ngôn để giảng dậy cho chúng ta về Nước Trời, chứ không phải là lời tiên báo, cho dù về sự phát triển rộng lớn và mạnh mẽ của Giáo Hội.  Qua các dụ ngôn này, Đức Giêsu nói về ngày mùa, ngày gặt hái chung thẩm của Nước Trời sẽ bội thu. Vì thế, thay vì dùng các dụ ngôn như một lời giải thích về sự thành công hay như một đảm bảo cho sự phát triển của Giáo Hội, thì chúng ta nên nghĩ rằng; qua các dụ ngôn này, Giáo Hội luôn đuợc mời gọi để nhìn lại lối sống của mình mà nhận ra rằng: Nuớc Trời vẫn còn nằm ngòai tầm với của chúng ta. Hiện tại, chúng ta cần mở lòng ra chấp nhận nhau, tốt lẫn xấu, cùng bắt tay, nỗ lực hơn trong việc làm chứng về sự hiện của Nuớc Trời bằng lối sống của Đức Giêsu đã dậy và làm guơng cho chúng ta.  

No comments: