Wednesday 28 October 2009

Tất cả các Thánh

Năm phụng vụ vẫn gồm thời lễ vận kỳ và thánh lễ vận kỳ, nhưng tựu trung chỉ mừng một mầu nhiệm duy nhất. Mầu Nhiệm Cứu Độ: Chúa Yêsu Kitô đã chết và sống lại vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta.

Thời lễ vận kỳ quy về chính Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ: Ngài là Con Thiên Chúa nhập thể, đã sinh ra, đã chết và sống lại, lên trời, gửi Chúa Thánh Thần đến cùng Hội Thánh.

Thánh lễ vận kỳ nói lên thành quả của ơn cưu độ : Mỗi vị Thánh được tôn vinh hằng ngày là một bằng chứng sống động về sự thành công của ơn cứu độ. Thánh lễ vận kỳ lại có hai cao điểm:

Lễ Đức Mẹ Lên Trời là chiều cao chiều sâu của ơn cứu độ: Thiên Chúa cứu độ là cứu cả hồn xác, toàn diện con người: “Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người… đã làm cho những điều cao cả…” (Lc 1,48-49)

Lễ Các Thánh: như là chiều rộng của ơn cứu độ. “Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia…” (Lc 1,50).

Nhà Cha lớn rộng vô hạn như lòng Chúa.

Lễ tất cả các Thánh là lễ mừng Nhà Cha lớn rộng như Lòng Thiên Chúa, đủ chỗ cho mọi chi tộc trong dân. Tác giả Khải Huyền trước tiên “đã nghe nói số những kẻ được niềm ấn là 144 ngàn, thuộc mọi chi tộc con cái. Nói cho ngay, 144 ngàn không phải là nhiều nhặn gì. Không bằng dân số một quận Tp.HCM. Chỉ đông gấp đôi số khán giả bóng đá trong một sân vận động tầm cỡ quốc tế. Quả bom nguyên tử nổ ở Hirôsima năm 1945 đã giết chết gần bấy nhiêu người. Nhưng 144 ngàn trong Khải huyền là một con số tượng trưng, một con số “đẹp”, tròn đầy (12 x 12 = 144). Số kẻ được niêm ấn là tròn đầy. Và điều tuyệt diệu là trong thị kiến Khải Huyền, chi tộc nào cũng có số người được niêm ấn như nhau. 12 ngàn thuộc chi tộc Yuđa, 12 thuộc chi tộc Ruben, 12 ngàn thuộc chi tộc Gađ. v.v… không tên họ nào lấn lướt, không tên họ nào bị loại trừ, các chi tộc đều được Thiên Chúa thương đầy mời đủ.

Không chỉ riêng được thương mời. “Sau đó, tôi còn mải nhìn, thì này: một đoàn lũ không biết cơ man nào mà kể, thuộc mọi nòi giống, dòng họ, dân tộc, tiếng nói…” Quả là đang trở thành hiện thực lời Chúa Yêsu đã thốt lên khi gặp được lòng tin của viên bách quản: “Ta bảo các ngươi: nhiều kẻ tự phương Đông, phương Đoài mà đến và được dự tiệc cùng Abraham, Issac và Yacob trong Nước Trời…”

Hội Thánh trong ngày Lễ tất cả các Thánh nhìn lên trời có thể vui ca như cô gái Sion trong một thánh ca của Hoàng Kim tóm ý
“Vui lên nào thiếu nữ Sion
Hãy đưa mắt tư bề
Muôn dân Đông Tây đang tập trung tới Người
Các cháu con Người đang đi từ miền xa về

Lân bang tiễn chân đi đang tay bế tay bồng
Các thánh đông đảo: “Không biết cơ man nào mà kể” trong Nhà Cha. Cho nên mừng lễ Các Thánh, người tín hữu có thể vui trong một nhãn giới lạc quan căn bản, có thể tin rằng Thiên Đàng có nhiều chỗ hơn Hỏa Ngục, lớn rộng hơn Hỏa Ngục. Không phải vì thiếu kinh nghiệm về tội lỗi trên thế giới hay trong đời mình. Không phải vì thiếu ý thức về sự có mặt quái ác của “Sự Dữ”, của Kẻ Dữ. Nhưng vì cũng biết rằng “con đầy tràn ơn biết bao trên nhiều người, ơn của Thiên Chúa, lộc trong ơn của một người, Đức Yêsu Kitô !... Ơn đã siêu bội!”(Rm 5,15-21).

Đã hẳn niềm tin tưởng lạc quan ấy có vẻ nghịch thường: con đường đi tới phải là con đường hẹp, nhưng cửa Nước Trời lại được Thiên Chúa mở rộng thênh thang. Tuy nhiên niềm tin lạc quan ấy lại được gắn bó với lòng cậy trông ở Thiên Chúa giàu lòng thương xót bởi lòng yêu mến lớn lao Người đã yêu mến ta… Vì chính bởi ơn huệ mà anh em đã được cứu, nhờ lòng tin, vả lại không phải do tự anh em: đó là ơn Thiên Chúa ban, không phải do tự việc làm, để đừng có ai vênh vang tự đắc”. Há Lễ tất cả các Thánh chẳng phải cũng có mục đích là để bày tỏ cho thấy sự phong phú tuyệt vời của ơn huệ Người, nhờ bởi lòng nhân hậu của Người trên ta, trong Đức Kitô Yêsu hay sao? (Ep 2,4-9).

Tất cả những người thân đã ra đi

Lễ tất cả các Thánh là lễ tưởng nhớ, mừng vui, hiệp thông với cả những cha mẹ, anh em, bạn bè, tất cả những người thân của chúng ta đã ra đi trước chúng ta “mà chỉ một mình Chúa biết lòng tin của họ”, khi chúng ta có thể hy vọng họ được gia nhập vào hàng ngũ các Thánh trên trời. Đừng phải đợi đến ngày mồng hai tháng Mười Một mới nhớ tới họ. Không phải vô tình mà Hội Thánh vẫn mừng các Thánh trước khi tưởng nhớ cầu nguyện cho các linh hồn ở chốn thanh luyện.

Chốn thanh luyện dẫu sao chỉ là một thời gian tạm trú. Không ai có “hộ khẩu thường trú” ở đó. Nói cách khác, chốn thanh luyện chỉ như một chuyến đò ngang, Thiên Đàng mới là bờ bến. Nói cách khác nữa, không ai phải dừng lại mãi bên chum nước rửa chân trước thềm nhà, nhưng bên trong Nhà Cha mới là chốn yên vui vĩnh viễn.

Đừng cứ phải đợi đến ngày 2. 11 mới nhớ tới người thân đã khuất bóng. Có lẽ còn nên dành cả tháng 11 để tạ ơn Chúa vì nhiều người thân đã được “về với Chúa”. Gọi tháng 11 là tháng các Thánh thay vì như theo một thói quen nào đó gọi là “tháng bảy xá tội vong nhân”! Cần phải thâm tín rằng Thiên Chúa giàu lòng thương xót”không chỉ “xá tội”, không chỉ xí xóa, bạch hóa thôi. Ơn tha thứ đồng thời cũng là ơn thánh hóa, thăng hoa: đứa con trở về nhà Cha không chỉ được tha thứ mà được trọng đãi và “ăn khao mà mừng chớ”(Lc 15 20-32).

Tháng các Thánh, tưởng nhớ đến người thân đã về với Chúa, phải vang vọng mãi lời hoan ca ngày 1/11 thay vì mang màu sắc phải nói là ảm đạm của ngày 2/11. Hallêluyah!

Kể cả chúng ta đang sống trên mặt đất này.

Có những nhà xã hội học, dân tộc học như Jean Herbert (Introduction à l’ Asie, chương VI: L’espace) nhận xét rằng không gian trong các văn hóa Á đông là không gian chung cho người sống và kẻ chết. Chỉ tư tưởng Do Thái-Kitô giáo mới tách biệt kẻ chết ra khỏi không gian người sống, khi phân biệt thụ tạo với tạo thành, thế giới tự nhiên với thế giới siêu nhiên.v.v…

Thật ra trong ý thức đức tin thì không hẳn đã có sự tách biệt giữa “Hội Thánh còn ở dưới thế này” với các Thánh. Đã “về nhà Cha” thật, nhưng các Thánh lại gặp gỡ chúng ta, hiệp thông, chung sống với chúng ta trên một bình diện còn thiết thân, cốt yếu, “thật” hơn nhiều. Vì nếu không còn một không gian chung thì vẫn có một nguồn sống chung, một sức sống chung giữa các Thánh và chúng ta: tuy cách khác nhau, tất cả cùng được sống trong Chúa Kitô, nhờ Ngài và với Ngài. Tin “các Thánh thông công” là như vậy. Các Thánh trên Thiên Đàng, các Thánh ở chôn thanh luyện và các Thánh là chính chúng ta nữa.

Sự thánh thiện cốt yếu, căn bản và quan trọng nhất của người tín hữu không phải là sự thánh thiện theo nghĩa đạo đức học làm bằng những nhân đức này nọ, lối sống gương mẫu, v.v… Sự thánh thiện cốt yếu, căn bản là ơn thánh hóa, đời sống mới được ban cho chúng ta từ khi được thanh tẩy trong Đức Kitô Yêsu”(Rm 6,13). Nói được là một nhân cách mới và còn hơn một nhân cách mới, “ta là con cái Thiên Chúa”, đã được chịu lấy Thần Khí của hàng nghĩa tử, nhờ đó ta kêu lên: Abba, Cha ơi!”. Không phải ai cũng được Hội Thánh ‘phong Thánh’ và không dễ gì được Hội Thánh ‘phong Thánh’. Nhưng được Hội Thánh phong Thánh vẫn không quan trọng, không căn bản bằng được chính Thần Khí chứng thực cho thần hồn ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa, mà nếu là con thì cũng là kẻ thừa tự, thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô, một khi ta cùng chịu khổ (với Ngài) để rồi cùng chia phần vinh hiển (với Ngài)Rm 8,12-17).

Căn cứ vào sự thánh thiện cốt yếu và quan trọng như thế, ngay từ thuở đầu của Hội Thánh và trước khi có lệ hay luật phong thánh, Thánh Phaolô đã luôn luôn gọi các tín hữu, tất cả các tín hữu là thánh. Thư từ Ngài gửi cho các tín hữu đã thường có địa chỉ” rõ ràng: chư thánh.

Kính gửi anh em hết thảy ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu mến, chư thánh được Người hiệu triệu… (Rm 1,7).

“Kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa tại Côrinthô những người được tác thánh trong Đức Kitô Yêsu, chư thánh đã được (Thiên Chúa) hiệu triệu”
Kính gửi các thánh (ở Êphêsô) cũng là những người thành tín trong Đức Kitô Yêsu
Kính gửi hết thảy các thánh trong Đức Yêsu, ở Philip…”
Kính gửi các thánh ở Côlôsê

Họa hoằn như ở đầu thư gửi tín hữu Galat và hai thư gửi tín hữu Thessalônikê, mới không thấy Thánh Phaolô “kính gửi chư thánh”. Hai thư gửi tín hữu Thessalônikê là những thư đầu tiên của Thánh Phaolô (năm 51-52). Còn thư gửi tín hữu Galat, Ngài đã viết trong lúc nổi giận và nổi giận vì các tín hữu Galat đã “chóng tráo trở, quên mình đã được tác thánh nhờ lòng tin ân sủng Chúa Kitô để ỷ lại vào lề luật,đã khởi sự nơi Thần Khí để nay hoàn tất nới xác thịt (Gl 3,3. Để biết Thánh Phaolô hùng hồn như thế nào khi nổi cơn thịnh nộ thì thư gửi tín hữu Galat là… nhất).

Cuối các thư cũng thế, Ngài “gửi gắm với anh em chị Phêbê (…) mong anh em tiếp đón chị trong Chúa, một cách xứng đáng với các Thánh” (Rm 16,1). Gửi lời chào Prisca và nhân thể, Hội Thánh họp tại nhà họ” (Rm 16,5 và 1Cr 16,19: năm ba tín hữu họp lại cũng là Hội Thánh!). “Gửi lời chào Philôgô và Giulia… và hết thảy các thánh sum họp với các ông ấy” Rm 16,14-15). “xin anh em chào mừng hết thảy các thánh từng người một trong Đức Kitô Yêsu”
Các tín hữu ở với Thánh Phaolô, ở gần Ngài thì cũng là “các thánh hết thảy gửi lời chào anh em” (2Cr 13,12; Pl 4,22).
Là thánh vì được Thiên Chúa yêu mến, hiệu triệu, vì được tác thánh trong Đức Kitô Yêsu, vì cũng là những người thành tín trong Đức Kitô Yêsu. Nguyên cách Thánh Phaolô đề “địa chỉ” đã đủ nói lên những nét căn bản, cốt yếu và quan trọng nhất. Trong Hội Thánh, tôi là Thánh, anh là Thánh, chị ấy là Thánh, chúng tôi là Thánh, anh chị em là Thánh, họ là Thánh, Phaolô đã “chia” đầy đủ động từ “là thánh”…

Không phải vì sự thánh thiện căn bản, cốt yếu và quan trọng nhất ấy mà Thánh Phaolô coi rẻ hay bỏ qua đòi hỏi đạo đức phải sống thánh thiện, phải thực hành các nhân đức. Các thư của Ngài hết có phần cảnh cáo những sai trái, sa đọa về mặt đạo đức thì lại có phần “khuyến thiện”. Thần học luân lý nào mà chẳng có thể dựa vào Thánh Phaolô? Nhưng vẫn cần chú ý và đừng bao giờ quên là theo chiều thuận luân lý của Thánh Phaolô: không phải là sống thánh thiện để nên thánh nhưng chính vì đã được thánh hóa, đã là thánh mà phải sống thánh thiện “Noblesse oblige”): Ta là những kẻ đã chết cho tội làm sao ta sẽ còn sống trong tội nữa? Hay anh em không biết rằng…” (Rm 6,11). Biết mình đã được tái sinh, đưa vào đời sống mới, trở thành con cái Thiên Chúa, anh em đồng thừa tự với Đức Yêsu Kitô, được tác thánh, đã là thánh thì phải sống cho xứng đáng, cho thích hợp với tư cách, bản chất mới của mình: con người mới.

Vậy, theo tư cách là thánh được Thiên Chúa chọn và yêu mến, anh em hãy mắc lấy lòng lân mẫn biết chạnh thương, đức nhân hậu, khiêm nhu hiền từ, đại lượng…” Cl 3,12).

Trong từng chi tiết nếp sống đạo đức, Thánh Phaolô cũng theo cái chiều thuận lý xuyên suốt ấy. Tránh tà dâm không phải là để giữ mình trong sạch (Marie Claire Pichaud từng hát: "Malheur à vous qui croyez être purs, et qui gardez votre corps comme l’on garde son chat”… Tránh tà dâm phải là vì “thân mình anh em là Đền thờ của Thánh Thần (…) không còn thuộc về anh em nữa” (1Cr 7,19-20). Tiếp đón chị Phêbê thì lại phải “một cách xứng đáng với các thánh cơ! Và chính vì là giữa các thánh với nhau cả cho nên mới “hãy chào nhau, hãy áp má hôn nhau cách thánh thiện” (Rm 16,1-2 và 16). Toàn là những chuyện không… dễ!

Lễ Các Thánh, lễ tất cả Các Thánh, Các Thánh trong Nhà Cha, đã được phong thánh hay không. Các Thánh còn phải qua một thời gian thanh luyện. Các Thánh là chúng ta tất cả. Các Thánh thông công. “Ấy vậy anh em không còn là khách lạ, là ngụ cư, nhưng đã nên người cũng một nước với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ, các Tiên Tri mà đỉnh góc là chính Đức Yêsu Kitô. Trong Ngài, tất cả lâu đài mộng khớp ăn với nhau mà cao lên thành một cung thánh trong Chúa; trong Ngài, anh em cũng được xây cất làm một với nhau trong Thần Khí, làm lâu đài cho Thiên Chúa ngự” (Ep 2,19-22).

Các thánh ở đây, hôm nay trong từng họ đạo, từng giáo phận và trong Hội Thánh toàn cầu…

Nguyễn Ngọc Lan

Sunday 25 October 2009

MỘT THOÁNG DI DÂN

Vũ Khởi Phụng

Những người trẻ ấy ngồi một đám trong sân Nhà Thờ. Ánh điện hòa lẫn ánh trăng, họ nói chuyện râm ran; hình như sau một ngày lao động mệt mỏi, đây là những phút thư giãn. Cha Th., một Linh Mục trẻ, cùng ngồi đấy trao đổi với họ về những chuyện xảy ra trong ngày. Lâu lâu tôi có dịp ghé qua cái Xứ Đạo nằm kề Khu Công Nghiệp Sóng Thần bên xa lộ Đại Hàn này, nhưng ở lại qua đêm thì lần này mới là một. Cho nên cũng chỉ lần này mới có dịp tán gẫu với mấy công nhân trẻ vào lúc chiều tối thanh thản.

Tiếng nói của các bạn trẻ đặc giọng “Khu Tư”, không Nghệ An thì cũng Hà Tĩnh. Hỏi thăm, mấy bạn bảo: “Quê chúng cháu ở Hương Khê”. Ồ, thế thì tôi biết. Tôi mới đi qua vùng này tháng trước. Tôi đã đi lên Trường Sơn.
"Qua ngã ba Đồng Lộc đã ngả nón chào mười ba cô gái chết vì bom đang an nghỉ dưới một đài kỷ niệm những phận người bi tráng trong cuộc chiến tàn khốc. Từ đấy tôi đã đi lên Xứ Đạo Thượng Bình nằm giữa cỏ cây xanh ngút ngàn. Tôi còn muốn đi thêm lên một Xứ Đạo nữa gần sát biên giới Lào, nơi 60 năm không có Linh Mục, nếu không kể vị Thừa Sai già ở dưới mộ. Vị Thừa Sai này làm việc bên Lào, không hiểu vì sao được giải về chết ở đây, nghe nói, bên mộ vị Thừa Sai xảy ra nhiều điều lạ. Hằng năm đến ngày giỗ cha, người xa kẻ gần viếng mộ đông đúc. Cha Xứ mới đang thu thập tài liệu để làm báo cáo về Tòa Giám Mục Xã Đoài.

Tôi muốn lên cái xứ sở huyền hoặc ấy, vậy mà một cơn áp thấp nhiệt đới, gió rừng, mưa núi, thác ghềnh, mây mù cản đường, chưa tan cơn đã phải xách gói đi nơi khác, tiếc mãi. Hóa ra hôm nay lại gặp những người trẻ ấy giữa cái xã hội công nghiệp xô bồ này. Mấy bạn nói: “Tháng trước Cha Xứ Thượng Bình vừa ghé đây thăm tụi cháu”.

Vậy đấy, từ vị Thừa Sai chết rũ trên Trường Sơn rồi nổi tiếng hay làm phép lạ đến mấy ông Linh Mục trẻ thời này, từ những cô gái nằm sâu lòng đất ở ngã ba Đồng Lộc đến thế hệ trẻ công nhân lang bạt kiếm sống ở miền Nam thời đổi mới, công nghiệp hóa, kinh tế thị trường, mỗi một con người mang trong mình một phần li ti nào đấy của lịch sử dân tộc Việt. Cả khi xa nhau, thậm chí không quen biết nhau, thì vẫn chung nhau làm nên một chuyện dài, một lịch sử từ những ngọn nguồn chảy xuôi vào hôm nay, vào ngày mai còn ẩn mặt.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từng nói: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.
Những người trẻ này không phải là một hình ảnh lý tưởng, mà là một hình ảnh hiện thực của con thuyền Giáo Hội lênh đênh chở Niềm Tin trên dòng lịch sử. Khoảng mười mấy năm trước, ngôi Nhà Thờ này quạnh hiu với vài mươi hộ dân có Đạo ở chung quanh. Lễ Chúa Nhật xong, cha Quản Xứ pha cà-phê mời mọi người dừng chân chuyện trò, coi như một sáng kiến mục vụ để gây dựng tinh thần cộng đoàn Hội Thánh. Nhưng bà con còn bận lo chuyện khác, chẳng ai thảnh thơi để nhâm nhi tinh thần cộng đoàn Hội Thánh trong tách cà-phê của cha Xứ.

Thế rồi Khu Công Nghiệp dựng lên, rồi việc cần người. Hiện tượng di dân bùng lên. Nhà Thờ chứng kiến ngày ngày từng đoàn người trên xe hơi đặt chân xuống đất Thủ Đức, từ trên xe lửa đặt chân xuống ga Sóng Thần. Những người tha phương kiếm sống vẫn bám chặt lấy nhau trên xứ lạ. Ở các Xứ Đạo miền Bắc, miền Trung cũng vậy, thanh niên, nhất là thanh nữ đi từng đoàn, chỗ này là những nhóm trẻ quê ở các Xứ Đạo Hà Nam, Phủ Lý; chỗ kia là mấy nhóm Nam Định, Thái Bình, hay như ở đây tối nay, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tự nhiên ngôi Nhà Thờ quạnh quẽ cứ nóng lên từng ngày. Xa quê kiếm được thêm ít tiền, nuôi mình và giành giụm cho gia đình ở quê, biết vậy; nhưng còn cái phần tinh thần, bơ vơ đấy. Cuộc sống thì gian nan, những ngôi nhà trọ rẻ tiền ẩm thấp ngột ngạt, để kiếm được đồng tiền phải chấp nhận một không gian tù túng, xô bồ, thiếu vệ sinh cả thể chất lẫn tinh thần. Xã hội được xây dựng trên lợi nhuận thì năng xuất là chính, cạnh tranh cũng là chính, tất cả diễn dịch ra thành con số, thành tiền, còn cái nhân đạo thì ngoài miệng chả ai dám coi thường, nhưng trên kế hoạch cũng chẳng cần tính đến, và như Chúa nói, “những sự lo lắng đời này làm cho nó chết ngạt đi”.

Nói cho cùng, người các nước đến mở xí nghiệp ở xứ mình chẳng qua là sức người ở ta không cao giá.

Vậy rồi các công nhân trẻ giữa những cơn stress, có khi nhớ lại câu ca dao phổ biến ở mấy Xứ Đạo nhà quê:

“Thiên Đàng Địa Ngục hai bên,
Ai khôn thì lại, ai dại thì qua.
Đêm nằm nhớ Chúa nhớ Cha,
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn.
Linh hồn, ơi hỡi linh hồn...”

Suy cho cùng, cái nơi có thể gửi gắm một chút phần thâm sâu của mình lại vẫn là Nhà Thờ. Mà nhiều công nhân trẻ vẫn chưa hề quên những tình cảm Nhà Thờ đã làm kết tinh nơi mình khi còn ở quê. Về phần mình, Nhà Thờ, Giáo Xứ, mấy Dòng Tu cũng sốt sắng đáp ứng, cũng rộng tay chào đón; đàng sau sự niềm nở đó có cả tấm lòng nặng những lo âu trước hiện tượng di dân như biển người. Chẳng biết do sự trùng hợp nào mà nhà ga bên cạnh đây lại mang tên Sóng Thần. Cơn Sóng Thần này không chết người, nhưng vẫn cứ là một “Tsunami” đối với vùng ngoại vi thành phố Sài-gòn. Từ năm ngoái, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã nói rằng một triệu rưỡi người đang hợp thành một vành đai di dân quanh thành phố. Nhưng liền đó ngài nói thêm rằng ấy là dựa vào những số liệu chính thức, còn nếu tính thêm số người vì nhiều lý do đã tới đây không giấy tờ, không đăng ký, trong thực tế là đang sống ngoài vòng kiểm soát của pháp luật và hành chính, thì con số một triệu rưởi đó sẽ phải tăng bội lên không biết là bao nhiêu.

Xưa nay cốt cách của con người, sự quân bình tinh thần, cũng như sự nẩy nở tâm linh sở dĩ có những thành tựu cũng là nhờ một quá trình lâu dài được một xã hội, một nền văn hóa ổn định nào đó hun đúc. Dẫu mọi xã hội và mọi nền văn hóa đều có mặt giới hạn, người ta vẫn nhờ đó mà định hình nhân cách. Khi thời cuộc đi vào khủng hoảng, những giá trị xã hội và văn hóa bị phá vỡ, tất nhiên tinh thần người ta cũng khủng hoảng theo. Với những biến đổi cực kỳ mau lẹ trong thế giới ngày nay, chuyện gì sẽ xảy ra khi cả một thế hệ đột ngột chuyển từ nếp sống làng quê cổ truyền, Xứ Đạo cổ truyền sang một xã hội công nghiệp còn ở bước đầu hỗn độn mà đã có hơi hướng toàn cầu hóa ? Đâu là chỗ hiểm nghèo ? Sẽ mất cái gì và được cái gì ? Cái gì đáng mất và cái gì đáng còn mà vẫn mất ? Cái gì sẽ thành đổ nát và những thứ hoa cỏ nào sẽ mọc lên ? Hoa thơm hay cỏ độc ? Những giá trị chân chính cũ sẽ mang lấy những diện mạo mới nào ? Và những giá trị mới sẽ từ đâu đến ?

Chẳng ai trả lời chính xác được những câu hỏi ấy. Bởi những giá trị, những hoa thơm cỏ lạ của ngày mai không phải là những sản phẩm tiền chế. Đó là những thứ phải phát sinh từ trong hồn, từ nội lực của những con người như những người đang ngồi trong sân Nhà Thờ đây. Chỉ biết có một điều, Dân Chúa, gồm cả Nhà Thờ sở tại và những bạn mang theo mình Đức Tin trên đường di dân, sẽ phải giúp nhau gieo mầm Lời Chúa, gieo mầm Đức Tin trên mảnh đất mới này, trên cái thổ ngơi này. Thánh Phao-lô nói: “Những kho tàng vô giá ấy, chúng tôi mang trong những bình sành lọ đất”. Thánh Tông Đồ mà còn nói thế, huống hồ là mấy bạn trẻ di dân!

Vị Linh Mục ngày xưa pha cà-phê mời khách mà khách không buồn nhắp không còn đây, đã đi làm Giám Mục ở một Giáo Phận ngoài Bắc. Nhưng các anh em trong Dòng đang ra sức lao động trong Vườn Nho Chúa. Mỗi Chúa Nhật bây giờ có bốn, năm Thánh Lễ đầy ắp Nhà Thờ, các sinh hoạt Giáo Xứ do di dân đảm nhận phần lớn. Nhà Dòng mua thêm đất, xây thêm nhà, mở lớp dạy nghề. Các lớp Giáo Lý Dự Tòng, Giáo Lý Hôn Nhân đông người. Có cái gì nói rõ ước muốn sống lâu bền trên một miền đất mới cho bằng ý định lập gia đình trên vùng đất ấy ?

Nhưng tối nay, câu chuyện lại đang xoay quanh chương trình về quê ăn Tết. Chúa Th. thông báo một cuộc họp mặt Tất Niên, sau đó nhiều bạn sẽ lên đường về quê. Những bạn nào không về thì đây cũng là dịp gặp mặt nhau tất cả để mừng tuổi nhau, cũng bánh chưng xanh, dưa hành cùng thập cẩm mứt. Những người ở lại miền Nam suốt mấy ngày Tết, hẳn là sẽ có nhiều nước mắt trong ngày Tất Niên ấy. Nói như thơ Nguyễn Bính:

“Tết này em chắc không về được,
Em gửi về quê một tấm lòng...”

Có điều bài thơ của Nguyễn Bính đượm một nỗi buồn ngao ngán, còn những người trẻ này dẫu buồn cũng cứ hừng hực đấu tranh cho cuộc sống. Trong nhóm này có những người vừa tham gia mấy cuộc đình công. Chả là suốt tuần lễ từ 5 tháng 1, đình công nổ liên tiếp, nổ dây chuyền trong các xí nghiệp, từ Khu Chế Xuất Linh Trung, Thủ Đức, đến Khu Công Nghiệp Sóng Thần, Bình Dương. Hỏi thăm một cô công nhân đang học thêu: “Ai tổ chức đình công, có phải công đoàn không ?” – “Không phải công đoàn, công đoàn hoàn toàn bị động”. – “Nhưng phải có ai lãnh đạo thì mới có thể đình công lớn vậy chứ ?” – “Không biết ai lãnh đạo, chỉ thấy những mảnh giấy công nhân chuyền tay nhau. Đọc lên thấy hợp lý, hợp tâm trạng mình quá, vậy là đình công”. Cô công nhân cho biết trong giấy phân tích rõ ràng, vật giá mấy năm qua biến động thế nào, tỷ giá đồng đô-la lên xuống ra sao.

Hay như những phản ứng bộc phát mà báo chí ghi lại. Chị Duyên quê ở Nghệ An: Chị T.M. ở Sài-gòn: “Đa số công nhân tụi tui chỉ nhận được mức lương cơ bản là 634 ngàn đồng một tháng... Mỗi tháng tui phải trả tiền gửi con nhỏ đã hơn 350 ngàn đồng!”

Cô X., trong nhóm ngồi ở sân Nhà Thờ cũng vừa tham gia đình công. X. may mắn hơn, cô làm việc tại một xí nghiệp công nhân trình độ lớp 12 đã được đào tạo chuyên môn, chỉ sau mấy tiếng đồng hồ đình công, lương tháng từ 700 ngàn đã được tăng lên hơn 800 ( tăng 14%). Mấy người khác nhìn X. có vẻ thèm thuồng: “Mấy người này chỉ ngồi yên ca hát vài tiếng đồng hồ mà cũng được tăng lương”. Chẳng bù với mấy xí nghiệp khác, công nhân ném đá bảo vệ, lật đổ xe hơi, đập phá nhà xưởng.

Vậy là những người trẻ xuất thân ở nông thôn của chúng ta đang học được những luật chơi của cái thế giới không khoan nhượng mà họ đang phải đương đầu. Có vẻ như chính quyền thành phố, Sở Lao Động, lẫn công đoàn không được hoan hỉ lắm với chuỗi đình công đầu năm dương lịch này. Báo đài chỉ thông tin qua loa, kèm với nhận định là công nhân đã có những đòi hỏi không thỏa đáng. Nhưng rồi chính các cơ quan ngôn luận nhìn nhận hoàn cảnh lầm than của công nhân.
Vũ Khởi Phụng,
Sài-gòn 15.1.2006 (còn tiếp lần sau)

MỘT THOÁNG DI DÂN ( tiếp theo )
Tuần báo CG và DT ( số 1541, tuần lễ từ 13 đến 19.1.2006 ) viết: “Chúng ta đang đi sau những đòi hỏi quyền lợi chính đáng của anh chị em công nhân. Hầu hết các cuộc đình công là do tự phát, có cả những hành động quá khích, không có sự tham dự của công đoàn trong các doanh nghiệp FDI ( tức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ) nên dĩ nhiên các cuộc đình công là sai nguyên tắc. Nhưng tại sao công nhân không liên hệ với công đoàn ? Câu hỏi này đã được một số người có trách nhiệm phân tích trên phương tiện thông tin rồi: Công đoàn ăn lương của các doanh nghiệp FDI, nên không thể ăn lương của ông chủ rồi đứng về phía công nhân để bênh vực quyền lợi của công nhân được. Nhưng như vậy thì bao giờ công đoàn tại các doanh nghiệp FDI hoạt động có hiệu quả?”

Thu An viết trên Tuổi Trẻ Online ngày 9.1.2006: “Không kể một vài hành vi quá khích, người ta dễ đồng cảm với hàng ngàn người lao động lẽ ra đang phải làm việc miệt mài để kiếm thêm những đồng thu nhập cuối năm lại bất đắc dĩ tham gia một sự kiện không mong muốn. Vì sao ? Có người nói “tức nước vỡ bờ”.

Cũng phải thôi, khi mà trước sự kiện này nhiều người mới giật mình “nhớ” ra đã sáu năm rồi người lao động khu vực này không được tăng lương tối thiểu, phải nhận đồng lương không đúng sức lao động, kéo theo đó là nhiều quyền lợi hợp pháp khác của người lao động như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, các khoản trợ cấp... cũng thiệt hại (vì đều căn cứ theo lương ).

Chưa kể họ thường xuyên bị vắt kiệt sức vì tăng ca quá mức, vì chế độ ăn uống không bảo đảm... Nhưng rồi không có ai kiểm tra, giám sát tới nơi tới chốn để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ngay cả tổ chức công đoàn cơ sở – mà bộ Luật Lao Động quy định rất rõ là được thành lập tại doanh nghiệp “để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và tập thể lao động” – thì người lao động cũng không mấy trông mong vì thực chất nhiều công đoàn cơ sở gần như không còn vai trò với cơ chế hoạt động như hiện nay. Còn công đoàn cấp trên thì lại càng... xa xôi, thường chỉ có mặt khi sự việc đã rồi. Và người lao động đành phải sử dụng “vũ khí” cuối cùng: đình công!

Ai bảo vệ quyền lợi người lao động ? Ai giúp người lao động biết cách đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình một cách hợp pháp, chính đáng để không xảy ra những sự cố đáng tiếc ? Tất nhiên, không chỉ có tổ chức công đoàn, mà các cơ quan quản lý Nhà Nước và cả hệ thống pháp luật Việt Nam phải thực hiện vai trò này. Điều đáng tiếc là pháp luật của chúng ta vẫn còn những quy định chưa hợp lý, chưa sát thực tế.

Đơn cử, khoản 2 điều 173 bộ Luật Lao Động quy định: “Việc đình công do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký”. Nhưng như trên đã nói, luật đã “trao quyền” cho một tổ chức rất khó thực hiện vai trò thật sự của mình trong thực tế. Vì vậy, người lao động khó có thể cậy nhờ tổ chức đại diện của mình một cách chính thức.

Sự kiện “tức nước vỡ bờ” trên có lý do từ việc người lao động bị bỏ rơi quyền lợi quá lâu; các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không đủ để bảo vệ họ. Vì vậy, tăng lương tối thiểu chỉ có thể là một trong nhiều giải pháp cần kíp. Bên cạnh đó, không thể không ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà Nước, đổi mới hoạt động công đoàn và sớm sửa đổi những quy định pháp luật đã không còn tính khả thi.

Sự ngược đời là ở một vùng đất mang danh hiệu xã hội chủ nghĩa, công đoàn (nghiệp đoàn) lại gắn bó với chủ nhiều hơn với công nhân, và công nhân để bảo vệ quyền lợi của mình, lại không biết đến công đoàn. Như thế là có những cái không ở đúng chỗ của nó trong cách xã hội đang vận hành. Xét cho cùng những cái không ở đúng chỗ thì nhiều lắm. Không phải công nhân muốn, nhưng trong xác, trong hồn, trong cuộc đời của công nhân cũng có nhiều cái trật chỗ.

Theo các bác sĩ ở bệnh viện, các công nhân trẻ của chúng ta phải ngồi nhiều quá, thế là bệnh trĩ gia tăng. Ở nơi làm việc công nhân đông, nhà vệ sinh ít, kỷ luật nhà máy nghiêm ngặt đối với việc rời chỗ làm để giải quyết nhu cầu tự nhiên, công nhân đâm ra lười uống nước để khỏi có vấn đề, thế là sạn thận gia tăng. Đường đi bây giờ nhiều xe, nhiều bụi, môi trường ô nhiễm quá, bệnh viêm xoang liền tăng đột biến. Các cô gái nhiều khi còn rất mực ngây thơ, đột ngột chuyển từ nông thôn thoáng đãng vào môi trường công nghiệp sống trong cảnh o ép, vừa chẳng có kiến thức gì về mặt sinh lý phụ nữ, vừa e thẹn ngượng ngùng, thế là cứ cam lòng chịu đựng các chứng bệnh phụ khoa. Trong xí nghiệp có phòng y tế, nhưng công nhân sợ mất việc, không chịu đến khai bệnh, thế là bệnh này tật kia chồng chất. Ngay trong thân xác công nhân, đã có bao nhiêu thứ trật chỗ, méo mó rồi.

Còn từ những méo mó, sai chỗ của thân xác, chuyển sang những méo mó biến dạng của tinh thần, thì có Trời mới kê khai hết được mọi nông nỗi. Chiều nay, Dì Phước ở một cộng đoàn bên cạnh Nhà Thờ cười cười bảo: “Tôi dạy Giáo Lý cho mấy cô gái, cô nào cô nấy tròn vo”. Ý dì muốn nói các cô đều có bầu với mấy anh công nhân bên Đạo, nay xin vào Đạo để làm phép cưới. Tôi kêu: “Ôi, thế là mấy anh đó làm Tông Đồ cho Chúa à ?” Nhưng xét ra không cười được đâu. Cả thế giới Nhà Đạo lẫn những người làm công tác tâm lý xã hội đều đang phát hoảng lên vì mấy cô gái đến từ nông thôn nhiều khi chẳng có một chút kiến thức nào về phái tính, về sinh lý nam nữ, có cô mang thai đến tháng thứ năm mà vẫn không biết mình mang thai.

Trong hoàn cảnh đó, những đôi trai gái muốn tiến tới với nhau, xây dựng gia đình bền vững, còn là một điều phúc đức. Dù vậy, Đức Hồng Y Mẫn vẫn than: “Gia đình tạm bợ, vỡ tan như bọt nước”. Nhưng còn biết bao nhiêu mối tình bèo bọt, hay hỗn loạn, biết bao nhiêu vụ phá thai (nghe nói có lần người ta phát hiện thai nhi trong nhà vệ sinh của xí nghiệp!)

Thôi thì Chúa dựng nên người ta có nam có nữ. Nhưng tại sao có những môi trường khiến cho người nam và người nữ cảm nhận được thế nào là “đạo vợ chồng”, lại có những môi trường khác dạy cho người nam nữ sự rẻ rúng, rẻ rúng lẫn nhau và rẻ rúng ngay cả mạng sống con người. Ấy là chưa nói gì đến hai sát thủ ma túy và HIV/ AIDS cũng tung hoành, nẩy nở. Tại sao có những miền đất sinh trái chín ngọt, và có những miền đất mà trái cứ xanh mãi, chua mãi, không bao giờ chín? Chúng ta đang tạo ra thứ đất gì, tạo ra nền văn hóa nào và loại người nào?

Cha Th. chua xót nhận định: “Suốt từ Sóng Thần đây về cho đến Thủ Đức, chẳng có một cơ sở sinh hoạt văn hóa nào”. Các công nhân đi làm về, muốn thư giãn một chút xa cái phòng trọ ngột ngạt của mình, chỉ còn biết la cà ngoài đường, rồi ghé vào quán cà phê hay Karaoke. Một cõi đời mà người ta nuôi xác bằng mì ăn liền, nuôi tinh thần bằng Karaoke, e rằng người ta cũng không biết cách nào phá vỡ sự cô đơn tù túng của mình ngoài con đường của những mối tình vụn vặt, phù du, dăm ba bữa rồi “vỡ tan như bọt nước”, theo cách nói của Đức Cha Mẫn.

Một khía cạnh vừa tự nhiên vừa dị kỳ nữa là các xí nghiệp chỉ thích nhận công nhân nữ. Họ cho rằng công nhân nữ dễ bảo, còn công nhân nam thì hay bướng bỉnh. Hậu quả là một lượng cực lớn nữ thanh niên đổ bộ vào vùng công nghiệp. Thế quân bình âm dương tương đối trong dân số bị phá vỡ, gây ra nhiều thảm kịch gia đình và nhiều thanh niên địa phương hóa hư hỏng.

Những công trình lớn trong lịch sử, từ Kim Tự Tháp đến Vạn Lý Trường Thành, đều xây trên xương máu của người nghèo. Một công trình lớn và thần kỳ của thời cận đại và hiện đại là nền kinh tế. Nền kinh tế cũng có những chúa tể của nó, và cũng được xây dựng trên máu thịt của người nghèo, của những thế hệ công nhân vô danh. Nhiều cuộc đời và từng mảng lớn của xã hội phải bị nghiền, bị tán, bị hy sinh để làm ra nền văn minh hiện đại. Không phải chỉ có ngày xưa vị Ngôn Sứ mới phải kêu khóc: “Trinh nữ, con gái dân tôi, đã bị đánh nhừ đòn, vết trọng thương hết đường cứu chữa” ( Gr 14, 17 )Nhưng rồi cũng đến một lúc, những “con gái của dân tôi” không còn cam tâm chịu nhừ đòn. Các xí nghiệp chuyên tuyển dụng con gái, vì con gái không cứng đầu như con trai. Vậy mà lần này chính mấy cô gái lại đình công, đã lật nhào xe hơi, đã đập phá nhà xưởng. Trong cái đám người đang ngồi bình an nói chuyện trời trăng bên góc sân Nhà Thờ đây, cũng có mấy cô mới đi đình công về. Đình công là phản ảnh của một cuộc sống chung làm bằng sự đối địch, bằng những mâu thuẫn quyền lợi khiến cho người ta cắn xé nhau mà sống. Có thể coi sự thể ấy là bình thường trong cuộc tranh sống. Nhưng xét về một phương diện nào khác, chẳng lẽ cuộc đời chỉ làm bằng những cắn xé nhau vì quyền lợi ? Hay đúng hơn, chuyện cắn xé chỉ là mặt trái của một thực tại mà mặt phải bao gồm những ước mơ tích cực khác. Đối với những người trẻ này thì Nhà Thờ là không gian để ươm những ước mơ tích cực ấy.

Nhưng rồi cũng đến một lúc, những “con gái của dân tôi” không còn cam tâm chịu nhừ đòn. Các xí nghiệp chuyên tuyển dụng con gái, vì con gái không cứng đầu như con trai. Vậy mà lần này chính mấy cô gái lại đình công, đã lật nhào xe hơi, đã đập phá nhà xưởng. Trong cái đám người đang ngồi bình an nói chuyện trời trăng bên góc sân Nhà Thờ đây, cũng có mấy cô mới đi đình công về. Đình công là phản ảnh của một cuộc sống chung làm bằng sự đối địch, bằng những mâu thuẫn quyền lợi khiến cho người ta cắn xé nhau mà sống. Có thể coi sự thể ấy là bình thường trong cuộc tranh sống. Nhưng xét về một phương diện nào khác, chẳng lẽ cuộc đời chỉ làm bằng những cắn xé nhau vì quyền lợi ? Hay đúng hơn, chuyện cắn xé chỉ là mặt trái của một thực tại mà mặt phải bao gồm những ước mơ tích cực khác. Đối với những người trẻ này thì Nhà Thờ là không gian để ươm những ước mơ tích cực ấy. Hết nói chuyện Tất Niên, chuyện về quê ăn Tết, chuyện đình công, lại đến giờ cầu nguyện chung với nhau. Và tự nhiên không còn chỉ là một nhóm nhỏ nữa. Đúng giờ, từ mấy nhà trọ quanh đây những công nhân trẻ kéo đến cả trăm, đa số vẫn là nữ, nhưng cánh con trai cũng đếm được kha khá. Họ vừa lần hạt vừa bước đi từ đầu sân đến cuối sân như một làn sóng biển ập vào bờ rồi lại rút xa. Từng chục, từng chục kinh nối tiếp nhau. Ban ngày Khu Công Nghiệp nói với họ những điều gì đó, và buổi tối Nhà Thờ lại nói với họ về một điều gì khác nữa.

“Thứ hai thì ngắm: Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave, ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Lẽ đấu tranh và lẽ yêu người. Nhà Thờ chia sẻ với những người bạn trẻ một niềm tin bao đời vẫn truyền cho nhau, từ nơi quê nhà xa xôi đến vùng đất cháy nắng này. Chia sẻ không là khẩu hiệu suông. Cha Th. chẳng hạn, đi vận động từng chút một để cải thiện cuộc sống cho các công nhân trẻ. Hôm nay chủ nhà trọ đồng ý làm thêm một lớp trần để ngăn bớt cái nóng như thiêu đốt từ mái nhà tôn ập xuống. Hôm sau chủ nhà trọ lại đồng ý trổ thêm cái cửa sổ nho nhỏ ở tường sau cho căn phòng thêm thoáng khí, bữa khác nới rộng nhà vệ sinh. Cha Th. vận động các bạn trẻ trồng mấy luống hoa tươi dọc dãy phòng trọ, tạo một sân phơi quần áo giữa khoảng nắng thoáng đãng. Vấn đề sức khỏe nữa: Hạnh là cô bé khai man tuổi để được làm công nhân. Hôm nay nó lên cơn sốt hầu như bước đi không nổi. Bảo nó đừng sợ mất việc làm mà không chịu đi bệnh viện, v.v... Tiến thêm chút nữa: có cách nào đừng ở chung đến sáu người trong căn phòng 10 mét vuông, ở ba người thôi, hai người thôi, v.v...

Xét ra những việc phải làm thì còn nhiều lắm. Đình công mấy ngày, lương tháng khoảng ngoài 600 ngàn nhích lên trên 700 ngàn một tí, thấm vào đâu. Tiền thuê nhà tăng, giá cả cũng tăng, có đi vay tiền lãi xuất cũng tăng nhưng được bấy nhiêu đã líu ríu đi làm tiếp. Còn nghèo dài dài.

Đọc lại những thông điệp của Hội Thánh về vấn đề xã hội, suốt từ Đức Giáo Hoàng Leo XIII đến Công Đồng Vatican II và Đức Gio-an Phao-lô II, tuy nội dung và hoàn cảnh có nhiều điểm khác nhau, nhưng vẫn có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt: kinh tế là vì con người, chứ con người không vì kinh tế, không thể hy sinh con người vì hiệu quả kinh tế. Hễ không tôn trọng nguyên tắc này, thì mọi sự sẽ đặt sai chỗ. Nhưng đến bao giờ nguyên tắc ấy mới thật sự được tôn trọng?

Báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật ra ngày 15.1.2006 trích lời Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI: “Con người của thời đại công nghệ có nguy cơ trở thành nạn nhân của chính những thành công do trí thông minh của mình tạo nên cũng như những thành quả do khả năng hành đọng của mình làm nên... nếu như con người để cho sự què quặt tinh thần và sự vô cảm thống trị mình...”Lời của Hội Thánh dĩ nhiên là hay. Nhưng những người giữ lấy Lời và thi hành chỉ giống như một con suối nhỏ quanh co giữa biết bao nhiêu trở ngại gập ghềnh. Mái Nhà Thờ này, với Thánh Lễ, kinh cầu, với lớp Giáo Lý Hôn Nhân và lớp Giáo Lý Dự Tòng mỗi năm đón chừng 200 người vào Đạo, với nhóm trẻ đang vừa đi vừa lần hạt đây, sẽ phải gánh nhiệm vụ nặng nề giữ cho Tin Mừng sống mãi giữa một thế giới dường như vô cảm đối với Tin Mừng. “Đàn chiên bé nhỏ” này phải là đoàn chứng nhân giữa biển người, âu là không biết lượng sức mình chăng ? “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ?... Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất thì nhỏ li ti, thua mọi thứ hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến độ chim trời tìm về nương náu dưới bóng nó” (Mc 4, 30 – 32).

Lời của Hội Thánh dĩ nhiên là hay. Nhưng những người giữ lấy Lời và thi hành chỉ giống như một con suối nhỏ quanh co giữa biết bao nhiêu trở ngại gập ghềnh. Mái Nhà Thờ này, với Thánh Lễ, kinh cầu, với lớp Giáo Lý Hôn Nhân và lớp Giáo Lý Dự Tòng mỗi năm đón chừng 200 người vào Đạo, với nhóm trẻ đang vừa đi vừa lần hạt đây, sẽ phải gánh nhiệm vụ nặng nề giữ cho Tin Mừng sống mãi giữa một thế giới dường như vô cảm đối với Tin Mừng. này phải là đoàn chứng nhân giữa biển người, âu là không biết lượng sức mình chăng?

Thứ năm thì ngắm: Đức Bà tìm được Đức Chúa Giê-su trong Đền Thánh, ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn”. Lạy Chúa, rồi chúng con sẽ đi tìm Chúa, sẽ phải giữ nghĩa cùng Chúa luôn ở chỗ nào giữa cõi nhân sinh hỗn mang loạn xạ này, mà lại thoáng hiện trước mắt chúng con ngôi Đền, để chúng con như Đức Mẹ sau ba ngày đôn đáo được tìm thấy Chúa ? Chúng con cứ đi như Áp-ra-ham, đến vùng đất Chúa sẽ chỉ cho”.Năm sự Vui của “mầu nhiệm rất Thánh Mân Côi” đã kết xong tràng chuỗi năm mươi. Cả nhóm dừng lại trước hang đá Đức Mẹ. Cha Th. có những lời dặn dò cuối ngày. Cha bảo các bạn đình công thì được, nhưng đừng ném đá người ta, đừng lật nhào xe hơi, đừng đập phá nhà xưởng. Cha lại lưu ý kỳ nghỉ Tết đã gần. Ai về quê thì về. Những người ở lại nên vui chơi một cách đúng mực. Cha bảo mới hôm qua, cha gặp ba cô gái đi nhậu về, xay xỉn, ôm eo nhau nôn thốc nôn tháo bên lề xa lộ. Vui chơi như thế là đánh mất nhân phẩm. Nhất là con gái ai lại như thế!

Năm sự Vui của “mầu nhiệm rất Thánh Mân Côi” đã kết xong tràng chuỗi năm mươi. Cả nhóm dừng lại trước hang đá Đức Mẹ. Cha Th. có những lời dặn dò cuối ngày. Cha bảo các bạn đình công thì được, nhưng đừng ném đá người ta, đừng lật nhào xe hơi, đừng đập phá nhà xưởng. Cha lại lưu ý kỳ nghỉ Tết đã gần. Ai về quê thì về. Những người ở lại nên vui chơi một cách đúng mực. Cha bảo mới hôm qua, cha gặp ba cô gái đi nhậu về, xay xỉn, ôm eo nhau nôn thốc nôn tháo bên lề xa lộ. Vui chơi như thế là đánh mất nhân phẩm. Nhất là con gái ai lại như thế ! Rồi cha nhắc lại chương trình những ngày sắp tới: sẽ có buổi họp mặt Tất Niên. Người về quê, kẻ ở lại cùng kết tình thân ái. Giáo Xứ bên cạnh cũng tổ chức Tất Niên cho công nhân, có mời cánh ta, chúng ta cũng sẽ đến góp mặt. Sau hết, Chúa Nhật tới (15.1.2006) là Ngày Di Dân, sẽ có tập họp lớn của các nhóm di dân chung quanh Đức Hồng Y Tổng Giám Mục ở Giáo Xứ Phao-lô Bình Chánh, ở đường Trịnh Như Khuê, quận Bình Chánh. Đó là Giáo Xứ do cha Phạm Trung Dong coi sóc, cha Dong là người đặc trách Mục Vụ Di Dân của Tổng Giáo Phận. Ngày hôm đó, Đức Hồng Y sẽ cử hành Thánh Lễ và ban phép Thêm Sức cho hơn một trăm bạn trẻ di dân. Dĩ nhiên cánh ta ở Sóng Thần cũng sẽ thuê vài xe ca đi tham dự và đóng góp vài tiết mục.

Tôi bắt đầu có ấn tượng về nhóm tín hữu di dân đang tìm cách “nối vòng tay lớn”. Một vành đai di dân đã thành hình bao lấy thành phố. Xem ra Giáo Hội ở thành phố Sài-gòn cũng đang muốn kiến tạo một vành đai những cộng đoàn di dân. Có lúc Đức Hồng Y Mẫn ngẫu hứng nói rồi ngài cũng là di dân từ Cà Mau lên thành phố lập nghiệp. Ngài nói như thế hôm Đức Hồng Y Sepe đến thăm di dân cũng ở Giáo Xứ Phao-lô Bình Chánh.
Giờ Kinh Tối cùng với những lời dặn dò đã xong. Mọi người hát dâng Đức Mẹ một bài ca kết thúc: “Mẹ ơi, bao người lạc bước lưu đầy, ngày tháng chơi vơi như thuyền nan giữa khơi. Đoàn con xin Mẹ, Mẹ hãy thương tình dìu dắt con đi qua hiểm nguy cõi đời...”

Lm Vũ Khởi Phụng, CssR
Sài-gòn thứ bảy 21.1.2006

Thursday 22 October 2009

Khai mạc Tổng Công hội XXIV của Dòng Chúa Cứu Thế

Tổng Công hội (TCH) Dòng Chúa Cứu Thế sáng nay đã chính thức khai mạc bằng thánh lễ đồng tế. Cha Joseph Tobin, Bề trên Tổng quyền (BTTQ)chủ tế thánh lễ. Phó Bề trên Tổng quyền, cha Serafino Fiore và cha Juan Lasso de la Vega, nguyên Bề trên Tổng quyền, đứng bên cha Tobin cùng với 104 Đại biểu khác đại diện cho 5300 tu sĩ DCCT trên thế giới có mặt trên 78 quốc gia. Thánh lễ được cử hành trong nhà nguyện của Dòng Salesien.

TCH là cơ chế tối thượng điều hành nội bộ Dòng (Hiến pháp 104). TCH đầu tiên diễn ra vào năm 1743 sau cái chết của Đức Cha Tommaso Falcoia, người hướng dẫn hội Dòng ngay từ thuở khai sinh. Thánh Anphong đã triệu tập TCH đầu tiên tại Ý.

TCH đầu tiên này gồm có 9 linh mục và 6 thầy trợ sĩ. Một trong những mục đích của TCH này là bầu ra vị Bề trên Tổng quyền tiên khởi. Thánh Anphong đã đắc cử sau 4 vòng đầu phiếu. Quy mô của TCH lần thứ 24 hôm nay phản ánh sự lớn mạnh của Dòng và sứ mạng hiến mình cho ơn Cứu Chuộc chứa chan cho những người bị bỏ rơi nhất.

Trong bài giảng sáng nay, cha Tobin nhắc lại với các đại biểu rằng TCH giúp cho chúng ta đặt lại một số vấn đề. Ngài đề xuất một số câu hỏi, trong số đó có câu: “Thưa anh em, vậy chúng ta phải làm gì?”
Ngài tiếp tục: “anh em DCCT khắp nơi trên thế giới, cùng với vô số anh chị em giáo dân cộng tác với chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng hôm nay trở về đây trong tư cách là những thành viên TCH lần thứ 24 với câu hỏi: ‘Thưa anh em, vậy chúng ta phải làm gì?’ (Cv 2,37)
… Dĩ nhiên, chúng ta không thể trả lời câu hỏi này ngay hôm nay, vì chúng ta cần ngồi lại với nhau và cầu xin sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Trong những ngày tới đây,chúng ta cần lắng nghe nhau và suy nghĩ trong thinh lặng, tìm kiếm để ‘nghiệm ra dưới ánh sáng chân thực ý định cứu rỗi của Thiên Chúa và cuối cùng phân biệt được thực và hư.’” (HP 24)

Bản văn đầy đủ bài giảng của cha BTTQ được đưa vào tư liệu bằng các ngôn ngữ khác nhau trong phần tin tức TCH.

Vào buổi chiều, TCH giải thích và cho chạy thử hệ thống bầu cử điện tử. Sau đó, cha Father Brehl giới thiệu từng thành viên TCH. Tới lượt nhóm phiên dịch được giới thiệu, rồi đến những nhân viên hỗ trợ và nhân sự của Ban truyền thông và nghe/nhìn cũng được giới thiệu.

Cha Brehl công bố cho các đại biểu biết các Ủy ban khác nhau trong TCH và các Ủy ban này sẽ làm việc trong suốt thời gian diễn ra TCH.

LM. Joseph C.Ss.R

Monday 19 October 2009

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời

Nguyễn Ngọc Lan

Mừng lễ Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời ngay ngày đầu năm cũng như ngày ngày vẫn xin “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con”, Hội Thánh mừng và tuyên xưng tước hiệu, danh nghĩa cao cả nhất của Đức Mẹ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cũng là quả quyết đầu tiên đã được Hội Thánh xác định cho Đức Tin của mình về Đức Mẹ, từ Công đồng Êphêsô năm 431.

Bởi đâu mà Maria được như vậy?

1. Thánh Maria là “Đức Mẹ Chúa Trời” là do hồng ân Thiên Chúa”.

Đức Mẹ Chúa Trời không phải là một thứ bà tiên mẫu, một ‘siêu Thiên Chúa’. Ngôi sao điện ảnh, bóng đá còn có ‘siêu sao’. Người mẫu còn có ‘siêu người mẫu’. Thậm chí chợ búa cũng còn có ‘siêu thị’. Người nói chung thì bảo là siêu nhân. Thiên Chúa dứt khoát thì không có siêu Thiên Chúa. “Chỉ có Chúa là Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao”, Hội Thánh tôn vinh Chúa Kitô và tôn vinh tuyệt đối như vậy, “cùng với Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha”.

Nhưng chính vì có Mầu nhiệm Chúa Kitô mà có Mầu nhiệm Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời. Mầu nhiệm này gắn liền với Con Thiên Chúa làm người.
Trong lịch sử Hội Thánh, chỉ sau khi xác nhận chân tướng Đức Chúa Yêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật Hội Thánh mới xác định “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”. Nếu Chúa Yêsu Kitô chỉ là Thiên Chúa thôi hay Thiên Chúa… giả làm người (Nestorius?), thì không làm gì có “Mẹ Thiên Chúa” như một ‘siêu Thiên Chúa’. Hoặc nếu Yêsu Kitô chỉ là người thôi, cho dẫu là một ‘siêu nhân’ đi nữa (Arius) thì Thánh Maria càng không thể là ‘Đức Mẹ Chúa Trời’.

Ngày nay trong khi chúng ta tuyên xưng đức tin thì vẫn là thế. Mầu nhiệm Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời ở bên trong Mầu nhiệm Nhập thể: “Ngài là Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha… vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Ngài đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người…” Tin nhận Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời chính là do bởi và bên trong lòng tin Đức Yêsu Kitô, Đấng Cứu Độ vừa thật là Thiên Chúa vừa thật là người. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời chẳng qua là ơn huệ gắn liền với ơn huệ lớn lao nhất cho cả loài người, “Thiên Chúa đã thương yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16), và cũng là ơn huệ lớn lao nhất cho chính người “đầy ơn phúc” và “có ơn phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1,28 và 42).

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời vì “là kẻ đã tin”.
Đức Maria làm “Mẹ Thiên Chúa” không phải như người ta trúng số độc đắc. Không phải chỉ do sự rủi may của liên hệ máu huyết. Ngày nào đó, khi Chúa Yêsu đang rao giảng, ‘thì giữa dân chúng một bà cất tiếng nói với Ngài “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang ông và vú đã cho ông bú”. Bà này đã chỉ mừng cho “bà cố” của Chúa như… gặp may , đã trúng số. Chúa Yêsu hoàn toàn gạt bỏ lối nhìn trần tục ấy: “Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ”(Lc 11,27-28). Như một người đàn bà khác là Êlisabet, từ lâu rồi, nhờ “được đầy Thánh Thần”, đã biết mừng cho Đức Mẹ một cách thật đúng đắn: “Phúc cho người là kẻ đã tin rằng viên thành sẽ đến cho mọi điều Chúa truyền phán dạy cho người!”(Lc 1,45).

Mối phúc thật kia tin và giữ Lời Thiên Chúa không phải chỉ vượt trổi “phúc” làm mẹ Thiên Chúa do máu huyết mà còn là điều chính yếu làm nên thực chất và phẩm chất của phúc làm mẹ này. Không thể hiểu Mc 3,31-35 một cách nào khác cho dẫu đây là một trong những chuyện khó nuốt nhất đối với não trạng người đời xưa nay. “Mẹ Ngài và các anh em Ngài đến. Và đứng ngoài, họ sai người vào gọi Ngài”. Họ… ngon thật vì họ cứ yên trí hơn là “cả họ được nhờ” huống hồ họ còn đang hộ tống bà mẫu hậu! Và thiên hạ cũng nghĩ như họ thôi: “Người ta nói với Ngài: “Này Mẹ Thầy và anh em Thầy đang tìm Thầy ở ngoài”. Có lẽ “đám đông ngồi xung quanh Ngài” đã sẵn sàng dạt cả ra để chừa lối đi… Nhưng Đức Yêsu trong chính giây phút ấy lại thản nhiên nói với họ: “Ai là mẹ Ta và là anh em Ta?” Rồi nhìn quanh mình các người ngồi vòng quanh Ngài, Ngài nói: “Này là mẹ Ta và anh em Ta. Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh em chị em và là mẹ Ta” (Mc 3,31-35 có thể đối chiếu thêm với Mt 3,9).

Chúa Yêsu tuyệt đối không theo chủ nghĩa lý lịch. Ngài không ưu đãi thân mẫu của Ngài theo lề thói người đời. Nhưng không phải là Ngài đã phủ nhận thân mẫu của Ngài. Ngài chỉ đặt những dấu chấm trên các chữ i. Ngài nhắc nhở cho biết phải tôn vinh Đức Mẹ cho đúng đắn là ở bình diện nào. Thiên chức Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời không phải là kết quả một cuộc xổ số. Thiên Chúa không bao giờ xổ số. Ngài giao tiếp, kết giao với con người. Ngài tự ý ban ơn nhưng là để con người tích cực ưng thuận và đón nhận.

Thánh Maria là Mẹ Thiên Chúa do bởi được thương chọn và cũng là với sự ưng thuận và đón nhận như thế.

Lời ca tụng Đức Mẹ đích đáng nhất, lời mừng Đức Mẹ đúng đắn hơn cả vẫn là từ Êlisabet:“Phúc cho bà là kẻ đã tin”. Thánh mẫu học chính thống trong Hội Thánh vẫn phải luôn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt hai tiếng "xin vâng” (Fiat), như chính cuộc đời Đức Mẹ và như chính vị trí Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

Cũng là Tin Mừng lớn lao cho tất cả những kẻ tin.
1. Nếu chính liên hệ máu huyết mới là đáng kể thì chúng ta chỉ như kẻ đúng ngoài nhìn vào “Thánh Gia”, nhìn lên “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời” và nhiều lắm chỉ có thể trầm trồ khen ngợi theo kiểu bà nọ trong Lc: “Phúc cho lòng dạ…”. Nhưng “con quan thì lại làm quan, con nhà kẻ khó đốt than tối ngày”. Mẹ quan thì hơn cả con quan còn bà nọ và chúng ta thì dẫu là cùng một loài người với Đức Yêsu, bà con với Ngài, nhưng dây mơ rễ má xa lắc xa lỡ, vẫn cứ phải cam phận… đốt than thôi.

Còn nếu Thánh Maria là Đức Mẹ Chúa Trời chủ yếu vì là đã tin, nghe lời Thiên Chúa và noi giữ, làm theo ý Thiên Chúa thì Mầu Nhiệm Đức Mẹ Chúa Trời cũng là Tin Mừng cho chúng ta, cho mọi người, liên hệ trực tiếp đến chúng ta, đến mọi người. Thánh Gia không phải chỉ gồm có Chú Yêsu và Đức Mẹ, góp ghép thêm Thánh Yuse. Thánh Gia không phải chỉ có ba người. Thánh Gia, gia đình Chúa làm người là gia đình mở ngỏ. Nhìn quanh mình, nhìn vào nhân loại hôm nay, nhìn vào Hội Thánh trên thế giới ngày nay, Đức Kitô vẫn còn đó, vẫn là “Chúa ở cùng anh chị em”, để khẳng định: “Này là mẹ Ta và anh em Ta. Ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.

Tin và giữ lời Thiên Chúa thì “không còn là người xa lạ, là khách cư ngụ (Ep 2,19) “Vì hết thảy anh em là con cái Thiên Chúa nhờ bởi lòng tin trong Đức Kitô Yêsu” (GI 3,26). Thiên Chúa “bởi lòng yêu mến, đã tiền định cho ta được phúc làm con, nhờ Đức Yêsu Kitô”(Ep 1,5). “Tiền định cho được nên đồng hình đồng dạng với hình ảnh Con của Người nên trưởng tử giữa một đoàn em đông đúc” (Rm 8,29). “Nhà Cha” không phải chỉ sau này (Ga 14,2) mà ngay bây giờ vẫn “có nhiều chỗ ở”.

2. Ai cũng được mời gọi nhập vào gia đình của Chúa trở nên anh em đích thực của Chúa Kitô, con cái Cha trên trời.

Chúng ta thường hay dừng lại ở điều gọi là “quyền nghĩa tử” (Gl 4,5; Ga 1,12) và hiểu “nghĩa tử” theo mẫu “con nuôi”, một cách thuần pháp lý. Đó là ngộ nhận thật đáng tiếc. Chúng ta là “nghĩa tử”, chỉ là không như Đức Yêsu Kitô, Con có một không hai của Thiên Chúa, là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”.

Nhưng đồng thời người tín hữu cũng phải hiểu và thâm tín rằng tuy là “nghĩa tử của Thiên Chúa” mình là con cái Thiên Chúa một cách còn thiết thân, sâu sắc, toàn diện hơn là con cái của cha mẹ sinh ra mình:

Về mặt tự nhiên, nguyên việc “được tạo thành” có nghĩa là tâm hồn con người do Thiên Chúa trực tiếp tác tạo và tất cả sự hiện hữu của con người cũng như mọi thụ tạo hoàn toàn tùy thuộc Thiên Chúa tự hữu. Trên bình diện siêu nhiên, là “nghĩa tử” đâu chỉ là một thứ quyền tại ngoại như chỉ là một tư cách pháp lý. Đừng dừng lại ở chữ nghĩa ấy, chúng ta mới được loan báo Tin Mừng về thực tại, thực chất siêu nhiên như thế nào. Tin mừng theo Thánh Yoan: “Còn những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa… Họ không do máu huyết mà sinh ra, cũng không phải do ý xác thịt, cũng không phải do ý của nam nhân, nhưng chính do bởi Thiên Chúa mà được sinh ra”(Ga 1,12-13).

Thư gửi tín hữu Galat:“… Ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử. Mà bởi vì anh em là con cái, thì Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Người đến trong lòng anh em, (Thần Khí) kêu lên: Abba. Cha ơi!” (Gl 4,6).

Thư gửi tín hữu Rôma có gọi Thần Khí này là “Thần Khí của hàng nghĩa tử” thì vẫn là chính “Thần Khí Của Con Người”. Chính Thần Khí này “dẫn đưa chúng ta” từ nội tâm, làm cho chúng ta sống, chia sẻ, hiệp thông chính sự sống của Thiên Chúa. Chính nhờ đó chúng ta kêu lên, từ ruột gan của mình, như nhu cầu, như hơi thở của đời sống siêu nhiên, chứ không phải chỉ do “được phép”, có quyền “pháp lý”, kêu lên: "Abba, Cha ơi!"

“Các người đừng xưng hô ai dưới đât là “Cha” của các người, vì Cha của các ngươi chỉ có một, Cha ở trên trời”. Trong mạch lạc Mt 23,8-11. Chúa Yêsu chỉ đề cập đến mối tương quan với các bậc Thầy trong dân Do Thái.

Nhưng ở đây chúng ta có thể quả quyết theo tinh thần như Rm và thư Gl: Thần Khí đã đến trong lòng kẻ tin mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!”, thì đương nhiên chỉ có kêu lên với Thiên Chúa, không thể với cha mẹ nào khác ở trần gian, vì cũng đúng là “Cha của các ngươi chỉ có một, Cha ở trên trời”.

Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội”. Nhưng cũng vui với chúng con là con cái Thiên Chúa một khi chúng con cũng là kẻ tin, nghe lời Thiên Chúa và noi giữ, làm theo ý Thiên Chúa. Như Đức Mẹ đã xin vâng. Là con cái Thiên Chúa như Thánh Maria là Mẹ Thiên Chúa. Cầu xin phúc cho Đức Mẹ cũng là phúc cho chúng con. Mừng vì phúc cho chúng con cũng không khác chi phúc cho Đức Mẹ. Bởi Lòng Mến của Thiên Chúa “khi này và trong giờ lâm tử”. Tạ ơn Chúa muôn đời.

Nguyễn Ngọc Lan

Friday 16 October 2009

THÂN PHẬN VÀ TÌNH YÊU


Tôi lang thang đến khu du lịch Bình Quới, ghé nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn. Trịnh để lại đây một bức thư pháp: ”Giữa đời này, chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.

Trịnh đã đi những con đường, qua những trải nghiệm nào để nhập vào một nhận thức rất “Phúc Âm” như thế ? Không chỉ “Phúc Âm” do nội dung, mà đến tận ngôn từ: “Tình yêu, cứu chuộc, thập giá”. Chúa Giê-su dạy: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, anh nghe tiếng gió, mà không biết gió từ đâu tới và gió đi đâu” (Ga 3, 6).

Bên bức thư pháp ở Bình Quới hôm ấy, tôi cũng nghe thấy tiếng gió.

NGƯỜI HOÀ BÌNH 2006

Nước láng giềng Nam Á, 141 triệu dân, cũng là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Giải Nobel Hòa Bình năm nay được trao cho một người vì những cống hiến của ông để thăng tiến dân nghèo bằng những phương tiện nghèo, là một tín hiệu rất đáng phấn khởi.

Sự nghiệp của Muhammad Yunus cũng giống như một hạt giống nhỏ li ti mà mọc lên thành cây lớn. Năm 2004, Yunus nói với Hãng Thông Tấn An Phong rằng “giây phút eureka”, tức là giây phút giác ngộ, giây phút vỡ lẽ xảy đến khi ông nói chuyện với một người phụ nữ rụt rè, những ngón tay chị chai sần vì luôn phải đan các vật dụng bằng tre. Năm ấy, 1974, ông gặp chị Sufia Begum, 21 tuổi mà đã một nách ba con. Ông hỏi chị kiếm được bao nhiêu tiền, chị nói mỗi sản phẩm chị phải đi vay 5 taka ( khoảng 2.500 đồng Việt Nam ) của một tay trung gian để mua tre, trả nợ xong thì chị còn được khoảng 1 taka ( 500 đồng Việt Nam ). Yunus nói: “Tôi thầm nghĩ, Chúa ơi, vì 5 đồng taka mà cô ấy sống thân nô lệ. Khéo tay thế mà sao lại nghèo thế !”

Ngày hôm sau, Yunus dẫn các sinh viên của mình (ông ấy là giáo sư kinh tế học) về làng của chị Sufia để khảo sát, nghiên cứu. Thầy trò phát hiện rằng vốn liếng của 43 người lao động trong làng được khoảng 856 taka, tương đương với 27 USD. “Tôi chịu hết nổi. Tôi đưa ra 27 USD và bảo họ rằng họ có thể tự giải thoát lấy mình, đừng qua trung gian nữa, khi nào có tiền thì trả lại tôi”.

Sau hơn một năm, dân làng dành dụm trả lại cho Yunus đủ số 27 USD, từ đó Yunus có sáng kiến mở ngân hàng cho dân nghèo; nhưng ngân hàng cho dân nghèo thì không giống như các ngân hàng khác. Yunus tin rằng người nghèo là những khách hàng đáng tin cậy và họ cũng là những người làm việc hăng say. Vì thế, các ngân hàng khác cho vay những món tiền lớn, thì ngân hàng Grameen của Yunus cho vay những món tiền lẻ. Các ngân hàng khác đòi phải có nhiều giấy tờ, thì Frameen lại chuyên phục vụ những dân mù chữ. Ông toàn làm ngược lại các ngân hàng khác. “Thậm chí Yunus có cả một chương trình để giúp đỡ 55.000 người hành khất.

Nhưng chiến lược của Yunus là tập trung vào phụ nữ, vì phụ nữ thường là những người lo toan cho các nhu cầu của gia đình nhiều nhất. Đây là một bước phá khẩu với một xã hội Hồi Giáo truyền thống như Yunus phải mất sáu năm mới đạt được hoài bão của ông: 50 phần trăm khách hàng của Frameen là phụ nữ. Theo Grameen, lãi suất để vay tiền ngân hàng là 0% đối với hành khất, 5% với sinh viên, 8% đối với các gia đình và 20% nếu vay vốn để làm ăn quy mô. Người ta vay tiền để mua bò sữa, nuôi gà lấy trứng, hay khi làm ăn khá hơn thì mua điện thoại di động. Khách hàng được chia thành tổ 5 người, khi nào hai đã được vay thì ba người kia chờ đợi cho những người đã vay trả xong nợ thì đến lượt mới.

Sáng kiến của Yunus làm cho phong trài “tín dụng nhỏ” lan tràn khắp và khắp Nam Á, lan đến các nước nghèo đang phát triển khác. Phương pháp của Yunus du nhập vàp cả Quỹ Phát Triển của Liên Hiệp Quốc, nhiều công ty lớn của Phương Tây cũng muốn cộng tác với Grameen để đóng góp vào công cuộc phát triển.

Ngày nay, ngân hàng Grameen ở Bangladesh do Yunus điều khiển đã cho 5.3 triệu người vay hơn 5 tỷ USD. Còn trên khắp thế giới thì theo thống kê năm 2005, có chừng 3.200 tổ chức tín dụng nhỏ phục vụ hơn 2 triệu khách hàng. 75% những người này khi vay tiền lần đầu tiên đang nghèo mạt rệp.

Uûy ban Nobel khi tuyên bố tặng giải Hoà Bình cho Yunus: “Mỗi người trên trái đất này đều vừa có tiềm năng vừa có quyền sống một cuộc đời hợp với nhân phẩm. Xuyên qua các nền văn minh, văn hoá, Yunus và Ngân Hàng Grameen đã chứng minh rằng cả những người nghèo nhất cũng có khả năng tự phát triển”.

Yunus năm nay 65 tuổi. Ông rạng rỡ khi biết tin mình được giải: “Là người Bangladesh, tôi hãnh diện vì chúng tôi đã cống hiến được một điều gì đó cho thế giới. Ông nói sẽ dùng số tiền thưởng 10 triệu Knonors Thuỵ Điển (khoảng 1,30 triệu USD) để “tìm những phương cách mới” giúp người nghèo. Ông muốn tạo lập một công ty chuyên sản xuất thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng giá rẻ. Đối với ông “Hoà bình và nghèo đói dây dưa với nhau”.

Một người Nam Á vừa được giải Nobel Hoà Bình, thì một người Đông Á lại được phó thác nhiệm vụ chăm lo hoà bình cho thế giới từ năm 2007 – 2012. Nhà ngoại giao Hàn Quốc, ông Ban Ki Moon vừa được bầu làm Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc một cách dễ dàng và sẽ nhận chức vào đầu năm tới.

Người ta đang thắc mắc không biết vị Tổng Thư Ký sẽ đối phó ra sao, khi mà Liên Hiệp Quốc đang phải giáp mặt với một số mâu thuẫn và xung đột cực kỳ hóc búa: võ khí hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, cuộc xung đột Israel – Palestine, sứ mạng ggìn giữ hoà bình ở Liban, khủng hoảng nhân đạo ở Darfur. Chưa kể những xung đột Liên Hiệp Quốc không trực tiếp can dự nhưng rất có thể một lúc nào đấy cũng phải can thiệp như Iraq và Afganistan. Ngoài những chảo nóng trên đây, còn những vấn đề gian khó toàn cầu: nguy cơ thay đổi khí hậu, dịch HIV/AIDS, nạn nghèo đói và nhu cầu cải tổ Liên Hiệp Quốc. đến độ vị Tổng Thư Ký sắp mãn nhiệm, có lúc đã gọi sứ mạng của Liên Hiệp Quốc là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Về phần mình, ông Ban Ki Moon không phải là không có kinh nghiệm. Oâng từng phục trách vụ Liên Hiệp Quốc ở bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, Đại sứ ở Washington, hai nhiệm kỳ, cố vấn an ninh và đối ngoại cho tổng thống Hàn Quốc. khi làm đại sứ ở Aùo, ông làm chủ tịch Uûy ban chuẩn bị Tổ chức Hiệp Ước cấm thử võ khí hạt nhân. Ông cũng tích cực tham gia các hoạt động về quan hệ Liên – Triều, làm phó chủ tịch Uûy Ban Liên Hợp Kiểm Soát Năng Lượng Hạt Nhân. Năm 2005, làm ngoại trưởng Hàn Quốc, ông có vai trò hàng đầu trong cuộc thương lượng sáu bên về vấn đề võ khí hạt nhân của Cộng Hoà Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. Việc Bắc Triều Tiên thử bom hạt nhân mới đây cho thấy các hoạt động của ông trong vụ việc nóng bỏng này đã thất bại. Trong nhiệm vụ mới, không biết ông có chiêu gì hiệu nghiệm hơn không ?

Sau khi Hội Đồng Bảo An, coi như đầu não của Liên Hiệp Quốc, hầu như nhất trí đề cử (trừ Nhật Bản, là nước xưa nay vẫn thường mâu thuẫn với Hàn Quốc), Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc nhất trí vỗ tay bầu ông Moon vào chức vụ Tổng Thư Ký cho nhiệm kỳ tới. Như vậy là ông đắc cử vẻ vang, và dễ dàng hơn nhiều so với các vị tiền nhiệm.

Nhưng đây đó vẫn có những ý kiến ái ngại. Người ta cho rằng Ban Ki Moon “hiền” quá, “mềm” quá, “tẻ” quá, làm việc thì cần mẫn, tỉ mỉ đấy, nhưng thiếu hẳn một tầm nhìn chiến lược bao quát, làm sao lèo lái được con thuyền Liên Hiệp Quốc trong thời đại sóng gió này. Ban Ki Moon trả lời: “Nhiều người ăn to nói lớn và khoa chân múa tay một cách hoành tráng. Nhưng tôi nghĩ mình cũng có sự quyến rũ riêng” (Theo cách dịch của Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 8.10.2006, mục “Theo dòng sự kiện).

Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cũng tiến lên bênh vực ứng viên chính thức của nước mình: “Theo văn hoá Phương Đông thì tài lãnh đạo được xác lập một cách khác. Ông ấy có thể rất nhã nhặn, mềm mỏng, nhưng trong lòng thì cương quyết... Phong thái là một nhẽ, nhưng kiên định và quyết đoán là một việc khác... Ông ấy biết cách bất đồng ý kiến mà vẫn hoà nhã”.

Người ta lại nói vị Tổng Thư Ký sắp mãn nhiệm, ông Kofi Annan, đã nhiều phen làm nước Mỹ nóng mặt, vì đã dám cản mũi Mỹ trong những vụ như Iraq chẳng hạn, vậy mà nay nước Mỹ đề cử Ban Ki Moon một cách dễ dàng, vậy Moon là người để cho Mỹ giật dây chăng. Nhưng nếu thế tại sao một thành viên lớn khác của Hội Đồng Bảo An, hay cạnh tranh hay mâu thuẫn với Mỹ, là Trung Quốc, lại cũng ủng hộ Ban Ki Moon ngay, dù trước đây họ đã nhiều lần thương thuyết gay go với Moon?

Vậy phải chăng Trung Quốc đã nhận ra ở Moon một cái gì có thể làm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ ở Liên Hiệp Quốc ? Giáo sư Kennedy, dạy lịch sử quốc tế ở Đại Học Yale và cũng là một chuyên gia về Liên Hiệp Quốc. Tin rằng ông Moon đắc cử vì ông được cả Mỹ, là nước có khuynh hướng can thiệp vào các nước khác, lẫn Trung Quốc, là nước rất kỵ sự can thiệp đó, đồng thanh ủng hộ: “Nếu có ai đó bắc cầu nối hai bên với nhau, thì phải là một người như ông này được cả hai bên ủng hộ vì ông không thích kiểu làm lớn chuyện”. Trong thực tế, trong năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết của Hội Đồng Bảo An, thì những nước có quyền lợi chiến lược mâu thuẫn với nhau nhất là Mỹ, Nga, và Trung Quốc lại nhất trí ủng hộ ông Moon nhiều nhất, khiến cho hai nước Châu Aâu còn do dự muốn tìm một ứng viên “ấn tượng” hơn, cũng quay ra ủng hộ ông Moon hơn.
Về phần mình, ông Moon nói: “Tôi sẽ cố gắng giảm thiểu sự bất đồng giữa các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, nhất là giữa những nước đang phát triển và những nước phát triển. Tôi sẽ đóng vai một nhà phối hợp”.

Ngày ông Moon đắc cử cũng là ngày Bắc Triều Tiên cho nổ bom nguyên tử, làm xôn xao cả thế giới. Dù chưa chính thức nhận chức, ông Moon quyết định đi Bắc Hàn ngay để tìm cách tháo gỡ căng thẳng. Âu cũng là cách khẳng định ý muốn làm cầu nối của ông, mặc dù cho tới nay chưa có ai, kể cả ông, thành công với Bình Nhưỡng. Ít ra thì cũng cho thấy ông không ngại gian khó, không tránh trút vấn đề, không né nguy cơ.

Về đời sống tư, Moon có vợ và ba con, một trai hai gái. Về tôn giáo, ông xưng mình là một Ki-tô hữu không thuộc Giáo Hội nào. Ông là thành viên của “Phong trào vô Giáo Hội” ( "Nonchurch Movement” – Mugyohoe ). Phong trào này do một người Nhật là Uchimora Kanzo sáng lập và đã lan đến Triều Tiên trong những năm 1920. Các thành viên của phong trào này phần lớn là các trí thức muốn lấy Tin Mừng làm nguồn cảm hứng cho mình trong đời sống tư cũng như trong công vụ.

Vậy là một người Á Đông, một Ki-tô hữu “vô Giáo Hội” đang muốn mang chất Á Đông và chất Tin Mừng ở nơi mình đi vào những xâu xé âm u của thế giới đau thương hiện đại. Với hành trang tinh thần ấy, ông sẽ làm được gì ? Thế giới đang chờ xem...

Vũ Khởi Phụng, CssR

Monday 12 October 2009

Hành hương là hành hương

Hành hương là hành hương và là để hành hương vì:

-Hành hương là dấu chỉ cho cả cuộc đời chúng ta phải luôn luôn đi tìm kiếm Chúa, tìm tới gần Đức Mẹ hơn, tìm kiếm Nước Trời.

Hành hương là dấn bước theo Chúa Yêsu và Đức Mẹ, sống cuộc đời mình theo đường lối Chúa Yêsu và Đức Mẹ.
Trước tiên, hành hương là dấu chỉ cho cả cuộc đời kẻ tin phải luôn luôn tìm kiếm Chúa, tìm tới gần Đức Mẹ hơn, tìm kiếm Nước Trời.

“Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa!” Đó là lời Chúa kêu gọi thường xuyên mỗi tín hữu. Có được mang danh nghĩa là Kitô hữu từ bao nhiêu năm đi nữa, có sống lành sống thánh đến thế nào đi nữa, có thông thạo giáo lý, thần học tới đâu đi nữa, thì vẫn phải tìm về gần Thiên Chúa hơn mãi vì “chỉ có Chúa là Đấng Thánh” và vẫn phải mở tắt, mở lòng, mở trí hơn mãi để “hội ra được mọi chiều rộng dài cao sâu (của Lòng Mến) để biết Lòng Mến của Đức Yêsu Kitô siêu vời vượt quá sự hiểu biết”(Ep 3,18-19).

Sống đức tin là trở lại không ngừng, lột xác không ngừng, ngày càng bỏ đi con người cũ tội lỗi để càng trở nên con người mới trong ơn nghĩa Chúa, ngày càng sống hợp với Tin Mừng hơn, đúng theo Thánh Ý Thiên Chúa hơn.

Hội Thánh không ngừng nhắc nhở chúng ta là phải đi mãi như vậy, phải tiến tới mãi như vậy, phải hành hương mãi như vậy. Phụng vụ hàng năm vẫn có Mùa Vọng, Mùa Sám Hối để kêu gọi chúng ta “hãy dọn đường cho Chúa đến”, “hãy sám hối và và tin vào Tin Mừng”. Cũng như ngày ngày ở đầu mỗi thánh lễ : “Hãy nhìn nhận tội lỗi của chúng ta” và ở cuối mỗi thánh lễ: “Hãy ra đi bằng an”.

Ngày đầu Mùa Sám Hối thường hay trùng với một trong ba ngày Tết. Đó không phải là chuyện rủi ro mà trái lại đó là cả một điều may mắn, một duyên kỳ ngộ : nhờ sự trùng hợp này, chúng ta được dịp thấm thía rằng có thể hoãn một việc xức tro, có thể hoãn một ngày chay vì đều không phải là những điều thiết yếu, nhưng trở lại, đổi mới cuộc đời thì ngày nào, lúc nào cũng đúng ngày đúng lúc, cũng cần thiết. Kể cả ba ngày Tết cũng có cách trở lại, đổi mới cuộc đời trong ba ngày Tết : bớt ăn chơi, phung phí chẳng hạn mà thêm tình nghĩa, thêm san sẻ vv… Mùa sám hối mà bắt đầu với một trong ba ngày đầu năm thì càng là cơ hội cho chúng ta thấm thía hơn lời kêu gọi: “Hãy tìm nước Thiên Chúa trước đã, và sự công chính của Người” trước đã, rồi điều nọ điều kia “sẽ được ban thêm cho anh em”

Hành hương còn là bước theo Chúa Yêsu và Đức Mẹ, sống cuộc đời mình theo đường lối của Chúa Yêsu và Đức Mẹ.
Hành hương là một buổi thì chỉ là con đường từ nhà tới một ngôi thánh đường. Hành hương vài tuần, một hai tháng thì có thể chỉ là đường bay đưa kẻ hành hương từ quê nhà mình tới đất Thánh, tới Lộ Đức hay tới Mộ Thánh Phêrô. Nhưng cuộc hành hương lớn nhất, dài ngày nhất, quan trọng nhất là cả cuộc đời chúng ta thì không phải là con đường nào có thể vạch ra được trên một bản đồ. Đó chính là lối sống của Chúa Yêsu và Đức Mẹ, là chính con đường Chúa Yêsu và Đức Mẹ đã đi về với Chúa Cha và đưa chúng ta về với Chúa Cha, là chính đường lối Tin Mừng.

Đường lối đó của Chúa Yêsu là vâng phục Chúa Cha và hiến thân phục vụ cứu độ loài người cho đến chết và chết trên thập giá. Nhìn vào cuộc đời của Chúa Yêsu là có thể như các đồ đệ của Yoan Tẩy Giả, ghi nhận cho mình và tin lại cho anh em đồng loại được biết mọi điều tai nghe mắt thấy: “Mù được sáng mắt và què đi được, phung hủi được sạch, và điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại, và người nghèo khó được nghe loan báo Tin Mừng”
Suốt năm phụng vụ, Hội Thánh vẫn ôn lại, diễn lại và quảng diễn từng bước một của đường lối đó. Riêng trong cuộc hành hương minh niên Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tín hữu có thể nhìn lên Đức Mẹ Hằng Cưu Giúp để có thể nhận ra một nét chính yếu của con đường Đức Mẹ đã đi để đi theo Chúa Yêsu.

Có thể nói danh hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp không hẳn chỉ là một danh hiệu như các danh hiệu khác. Danh hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tiêu biểu cho cả lối sống của Đức Mẹ khi còn ở trần gian, cho cả vai trò, sứ mệnh của Đức Mẹ trong đời Ngài cũng như ở trên Trời. Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chẳng qua là Đức Mẹ đã luôn luôn khiêm tốn tận tình phục vụ bên cạnh Chúa Yêsu, cùng với Chúa Yêsu.

Tin Mừng không có mấy trang nói về Đức Mẹ, những hễ nói tới Đức Mẹ là nói tới thái độ phục vụ của Ngài, nói tới việc “hằng cứu giúp” của Ngài. Ngày Truyền Tin, Đức Mẹ đã xin vâng để dấn thân phục vụ công trình cứu độ của Chúa Yêsu. Mang nặng Chúa Yêsu trong lòng dạ mình, “chỗi dậy, đon đả ra đi lên miền sơn cước” để thăm bà Êlisabet (Lc 1,39). Ở đầu cuộc đời công khai của Chúa Yêsu, tại tiệc cưới Canna, Đức Mẹ đã có mặt và lên tiếng đúng lúc cần thiết nhất cho hai họ nhà trai nhà gái được nhờ (Ga 2,3). Rồi ở điểm cao hơn hết, quyết định hơn hết là trên Núi Sọ, kề bên Chúa Yêsu đã bị đóng đinh trên thập giá, thân cô thế cô, Đức Mẹ lại đứng đó với trọn vẹn lòng tin vâng phục như ngày Truyền Tin, vâng phục đường lối cứu độ của Thiên Chúa. Nếu đối với Chúa Yêsu không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu” Ga 15,13), thì đối với Đức Mẹ - các bà mẹ mới có thể hiểu và làm chứng về điều này hơn ai hết – đối với Đức Mẹ, hy sinh mạng sống Con mình, còn hơn là hy sinh mạng sống của chính mình, mới đích thị là lòng mến hơn hết.

Kề bên thập giá Chúa Yêsu, Đức Mẹ đứt ruột nát gan hơn ai hết nhưng lại đứng vững hơn ai hết để đồng tình với Con của mình hy sinh mạng sống mà cứu rỗi chúng ta, anh em của Chúa Yêsu, con cái của Đức Mẹ.

Ngày nay ở trên Trời, Đức Mẹ “hằng cứu giúp” vẫn là tiếp tục cuộc sống phục vụ tận tình và mọi mặt kia, nhưng nếu con cái Đức Mẹ có thể mong chờ Ngài hằng cứu giúp mình thì lại cũng có nghĩa vụ sống theo đường lối của Ngài, tiếp tay cho Chúa Yêsu và Đức Mẹ mà hết lòng phục vụ mọi người trở nên những con cái hằng cứu giúp của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Làm sao quên được lời di chúc của Chúa Yêsu: “Nếu Ta là Thầy, là Chúa mà đã rửa chân cho an hem, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Ta đã nêu gương cho anh em, ngõ hầu như Ta đã làm cho anh em thế nào, anh em cũng làm cho nhau như vậy” (Ga 13,14-15). Rửa chân ở đây không phải chỉ là một nghi lễ “cảm động” Thứ Năm Tuần Thánh, mà phải là tất cả cuộc sống hằng ngày và suốt đời khi nào cũng sẵn sàng phục vụ, giúp đỡ nhau, quên mình vì kẻ khác. Vợ chồng chăm sóc cho nhau không chỉ như một, cha mẹ ra công sức nuôi dạy con cái không chỉ như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn chảy ra nhưng còn phải như Chúa Yêsu! Anh em trong gia đình dìu dắt, giúp đỡ, đùm bọc nhau, bạn bè lối xóm tận tình tận nghĩa đối với nhau, lá lành đùm lá rach, đồng bào bầu bí một giàn thương nhau, cùng biết để tâm đến lợi ich chung, không đội trên đạp dưới, biết ăn ngay nói thật, góp phần cho xã hội ngày càng lành mạnh hơn, no ấm hơn, an hòa hơn.

Có như thế kẻ hành hương mới thật sự là con cái của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, mới làm vinh dự cho Đức Mẹ, mới thực sự làm chứng cho Chúa Yêsu.

Hành hương, tìm đến với Đức Mẹ để tin tưởng trao phó cho Ngài mọi lo lắng, ưu tư, mọi trông chờ, ước vọng của mình khi nhìn vào năm mới hay nghĩ đến tương lai của mình, của người thân, của bạn bè, đó là điều chính đáng. Nhưng điều quan trọng hơn và cũng là điều Đức Mẹ chờ đợi ở từng người hành hương là còn biết tự hỏi mình và hỏi Đức Mẹ: rồi đây sẽ có thể làm được gì, sống như thế nào để thật sự là con cái hằng cứu giúp của của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp

Để còn đi mãi. Để suốt đời mãi mãi hành hương.

Nguyễn Ngọc Lan

Friday 9 October 2009

CÂY THÁNH GIÁ GIẢ

Nguyễn Đức Thông, CssR

Trời đã nhá nhem. Dân cư chung quanh Đan Viện Thiên Ân đang vội vã kéo nhau từ ruộng đồng về. Tiếng cười nói lúc nhỏ, lúc to, cộng với tiếng trâu bò, tiếng bước chân lép xép, huỳnh huỵch làm huyên náo cả một vùng trời. Trong Đan Viện, cuộc họp của ban quản trị cũng đang đi dần tới hồi kết thúc. Tiếng chuông chiều nỉ non, ai oán, ngân nga như tiếng ông lão ăn xin đầu làng, rên rỉ mỗi khi nghe tiếng bước chân người qua lại. Nghe chuông, bốn con chó châu đầu vào nhau tru tréo, mỗi con một giọng, hệt như một bản hợp xuớng lạc điệu.

Chuông nhà thờ rồi. Cha Hùng, đan viện phụ nói. “Thưa anh em, ta đã bàn xong những chuyện chính, còn một chuyện nữa, khá tế nhị, ta cũng phải bàn nốt cho xong”.

Nghe vậy, những khuôn mặt bải hoải, những ánh mắt mệt mỏi, hướng về phía cha Hùng, thắc mắc: “Chuyện gì thế?

Cụ Ngữ muốn về Việt Nam ở luôn, không biết anh em nghĩ sao?
- Nhà rộng, cụ muốn về thì ta đón cụ về. Cha Long nói cho qua chuyện.
- Tôi lại nghĩ khác. Cha Hòa nghiêm mặt nói. “Cụ đã già, lại ở ngoại quốc bốn mươi năm, về Việt Nam không thích nghi được, mình phải thích nghi với cụ thì khốn. Vả lại, giới trẻ bây giờ, ta còn không chịu nổi huống chi cụ”,
- Cha Hòa nói đúng. Cha Luyến chen vào. “Về Việt Nam cụ sẽ chết sớm thôi”.
- Thì cụ muốn về đây để chết mà! Viện phụ nói.
- Không nên để cụ về. Cha Hòa nói chắc như đinh đóng cột.
- Không được đâu. Cha Hùng nói.
- Sao lại không được. Cha Hòa giận dữ nói: “Quyền trong tay ta!
- Đất này cụ mua. Nhà này cụ xây. Cha Hùng nhẹ nhàng giải thích. “Nhờ cụ mà hôm nay ta mới được thế này. Vả lại, cụ không phải là người bị buộc phải đi lưu vong. Cụ đi xây dựng các cộng đoàn, đi làm nhiệm vụ quốc tế. Nay cụ muốn về chết ở quê hương, ta không cho cụ về, thì bất nhân quá, người ta sẽ chửi cho thối mặt ra, các em trẻ sẽ không còn tin ta nữa, vì ta chỉ biết nói mà không làm. Ta sẽ không thể mở miệng giảng dạy về bác ái, yêu thương được nữa.
- Vậy thì để cụ về. Cha Luyến nói trong tiếng ngáp.
- Về bây giờ ở đâu. Cha Hòa gắt lên.
- Ở phòng cụ trước đây, chứ còn ở đâu nữa. Sau khi viện phụ Oánh qua đời, phòng vẫn để không, có ai ở đâu.
- Vấn đề không phải là ở đâu, mà phải ở thế nào. Cha Hòa nói giọng vẫn gay gắt.
- Cụ già đã gần tám mươi rồi, cụ muốn ở sao chẳng được. Vả lại, cụ là người quân bình, mẫu mực. Tôi nghĩ chẳng có chuyện gì phải lo đâu. Cha Hùng nói.
- Vấn đề không phải ở cụ mà ở ta. Cụ về, ta không thể sống thế này được, ta phải thay đổi, phải trở về với truyền thống, phải khiêm tốn, không được vênh vang, tự đắc, tự mãn, làm ít nói nhiều, làm bằng miệng hơn bằng chân tay, trí óc. Đó mới là vấn đề, phải không, thưa cha Hòa? Cha Phán vừa nói vừa nhìn cha Hòa bằng ánh mắt bực bội.

Mặt cha Hòa đỏ lên đến tận hai tai. Cha Hùng, Cha Luyến gật gù, đồng ý. Gió chiều Đông thổi nhẹ. Côn trùng bắt đầu rên rỉ. Chuông Nhật Một buông từng tiếng chắc nịch, phá vỡ bầu khí ngột ngạt, căng thẳng,
- Vậy ta nhất trí đón cụ về nhé! Cha Hùng nói.
- Đương nhiên rồi. Cha Phán nói.
- Khi nào về? Cha Luyến hỏi.
- Khoảng một tháng nữa. Ta nghỉ nhé. Cám ơn anh em.

Trời đã khuya. Bên ngoài, tuyết đã phủ trắng các cành cây trụi lá. Trong nhà, mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ từ lâu. Cụ Ngữ vẫn ngồi thờ thẫn trong ánh đèn ngủ mờ ảo, mơ hồ hồi tưởng lại những nơi cụ đã đi qua trong đời. Việt Nam
Thụy Sĩ, Tokyo, lần lượt hiện lên trong trí cụ. Cả tuần nay chẳng mấy đêm cụ được tròn giấc. Cụ sắp nói lời từ biệt xứ sở Phù Tang, nơi mỗi độ Xuân về hoa anh đào lung linh khắp phố. Những khuôn mặt thân thương cụ đã gắn bó suốt hơn mười năm qua đang khiến cụ bâng khuâng, do dự. “Về hay ở”. Càng gần tới ngày từ biệt, cụ càng băn khoăn hơn. Tình anh em thắm thiết trong cộng đoàn, những sinh hoạt đã thành tập quán, những tiếng kinh ngâm nga sáng, trưa, chiều, tối, những con đường trong nhà, ngoài ngõ, hương hoa, cỏ, lá… đã thành một phần xương thịt cụ, đang làm cho cuộc ra đi thành một nỗi đớn đau, sâu xé. “Về hay ở, ở hay về” đang trở thành một điệp khúc u hoài trong lòng cụ.

Đi ngang, thấy phòng cụ cửa còn he hé, cha Suzuki, đẩy cửa, bước vào, nhẹ hỏi: “Cha có làm sao không? Sao cha thức khuya thế?”
- Tôi không ngủ được cha ạ!
- Tại nôn nóng muốn về Việt Nam chứ gì!
- Có lẽ thế.
Suzuki nắm tay cụ nhỏ nhẹ: “Cha ạ. Cả nhà này khi nghe cha quyết định trở về Việt Nam đều ái ngại cho cha. Cha không còn làm viện phụ nữa, nhưng cả đan viện này ai cũng trân trọng, cũng mến thương cha. Cha vẫn là một chỗ dựa vững chắc của mọi người trong nhà này. Về Việt Nam là nơi cha đã bỏ đi bốn mươi năm rồi, xã hội đã thay đổi, con người cũng đã đổi thay. Nhà cửa, ruộng vườn không còn như xưa nữa. Đan Viện Thiên Ân do cha tạo lập thật nhưng dấu vết của cha chắc chắn đã nhạt nhòa theo thời gian, năm tháng. Những người đồng trang lứa với cha có còn ai nữa đâu. Học trò cha bây giờ ai cũng có nhiệm vụ riêng, ai có giờ đâu mà chăm sóc cha. Giới trẻ có biết cha là ai đâu, nên rất có thể buông ra những lời xúc phạm làm cha mất bình an trong những ngày chuẩn bị cho cuộc bình an vĩnh cửu. Cha sẽ cô đơn, sẽ lạc lõng giữa anh em…” Suzuki ngưng lại một lát chờ xem phản ứng của cụ. Một cơn gió nhẹ thoảng qua làm hai người run lên cầm cập. Cụ Ngữ vẫn thẫn thờ, đờ đẫn. Suzuki tiếp: “Cả tuần nay, con thấy cha trằn trọc suốt đêm. Chắc là cha băn khoăn lắm?”
- Phải. Tôi băn khoăn lắm. Tôi cố hình dung ra những khó khăn đang chờ đợi tôi ở Việt Nam. Về bây giờ là liều lĩnh nhưng Đan Viện Thiên Ân cứ như tiếng mẹ hiền tha thiết gọi con về, tôi không sao cưỡng lại được”.
- Con biết. Con rất thông cảm. Con chỉ mong cha hạnh phúc và bình an trong những ngày còn lại của đời cha thôi. Cám ơn cha. Xin cha cầu nguyện cho tôi để xem ý Chúa thế nào”.
Đã lên giường từ lâu, mà cha vẫn không sao chợp mắt được. Bên ngoài thỉnh thoảng gió vẫn rì rào, đẩy bay những hạt tuyết li ti đang lờ lững trên không. “Ở hay về, về hay ở” một thắc mắc chưa có lời giải đáp, cứ dằn vặt cha mãi. Cha cố quên đi mà không sao quên được. Có lúc cha buông tiếng thở dài, bất lực. “Hay thôi, không về nữa!” cha buột miệng. Nhưng lời cha vừa thốt ra đã vội ta chìm trong màn đêm dầy đặc tuyết sương.

Thưa quí khách. Máy bay đang hạ thất độ cao, để đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Xin quí khách trở về chỗ ngồi, bật thẳng lưng ghế, thắt dây an toàn…” Lời của một nữ tiếp viên hàng không, nhẹ nhàng, thánh thót làm cha tỉnh giấc. Cha mở choàng mắt, dáo dác ngó ra cửa sổ, háo hức muốn được nhìn lại thành phố cha đã xa cách bốn mươi năm. Thành phố lỏng chỏng những căn nhà trọc trời, ngất ngưởng dưới ánh hoàng hôn vàng chóe. “Sàigòn đây à!” Cha ngạc nhiên, thảng thốt. “Đâu có thua gì. Lòng cha trào lên một niềm tự hào khó tả. Bên ngoài, các nhân viên hàng không tha thướt trong bộ đồng phục, áo dài xanh, quần trắng, dáng khoan thai, bước nhẹ nhàng, nhởn nhơ như bướm, miệng e ấp, gật đầu chào duyên dáng. “Đẹp hơn kimono nhiều!” Cha tự nhủ.

Bước vào phi trường, tới chỗ làm thủ tục nhập cảnh, mọi vẻ lịch thiệp, duyên dáng cha vừa thấy, vụt tắt như ánh đèn thình lình cúp điện. Các nhân viên an ninh, mình mặc quân phục. Mặt đanh như tượng đá. Mắt sắc như dao. Thỉnh thoảng có kẻ còn nạt nộ du khách hệt như công an đang khảo cung tội phạm. Du khách, mặt ai cũng căng thẳng như tội nhân đang chờ giờ nghị án. Một nhân viên an ninh, đau đáu nhìn cha hồi lâu, mới cúi xuống đóng dấu vào hộ chiếu, lạnh lùng, lẳng lặng trả lại hộ chiếu cho cha, không một lời nói, không nụ cười. Bước chân đi bỗng nặng chình chịch, cha có cảm giác mơ hồ mình như cá vừa chui vào rọ. Đẩy hành lý ra khỏi cửa, cha thấy cả một rừng người nhấp nhô chen lấn. Tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới vang lên giữa những bảng tên dập dình trông hệt như một cuộc đình công. Cha đang dáo dác thì cha Hùng chạy tới: “Chào cha”. Vừa nói cha Hùng vừa ôm choàng lấy cha thắm thiết. “Cha có mệt lắm không?” Cha chưa kịp trả lời, thì đằng sau nghe tiếng người bực bội: “Tránh ra cho người ta đi. Muốn ôm thì về nhà mà ôm!” Cha quay lại, giọng thành khẩn: “Tôi xin lỗi”.
- Lỗi phải gì. Người thanh niên trông rất trí thức; cặp kính trắng xệ xuống gần hai cánh mũi; áo quần tươm tất, chiếc cà vạt màu nâu đỏ lủng lẳng theo nhịp bước vội vàng, hất mặt về phía sau, khinh khỉnh nói: “Coi kìa!”, rồi lẳng lặng bỏ đi. Cha Hùng vừa đẩy xe hành lý, vừa nói: “Thôi, về cha ạ! Xe tới kia rồi”.
Tới chỗ xe, cha Hùng đưa tay giới thiệu: “Đây là cha Long, học trò của cha ngày trước. Còn đây là cha Phán, thầy Tuyên, thầy Hiệp”. Cha bắt tay mọi người thân thiện. Những vui buồn, đẹp xấu buổi đầu hội ngộ đang bùng vỡ trong cha tạo thành một nụ cười hơi héo hắt khiến cha trầm tư hơn.
- Từ đây về nhà còn bao xa?
- Dạ, còn bốn mươi cây số nữa, đi mất khoảng một giờ.
- Con thấy cha không khác trước bao nhiêu, chỉ hơi già hơn, tóc hơi bạc hơn một chút. Mắt vẫn sáng, vẫn nhanh nhẹn như xưa. Cha Long nói.
- Cha thấy Việt Nam bây giờ thế nào? Cha Phán hỏi.
- Khác quá! Khác quá! Mọi sự đều khác. Đẹp cũng có mà xấu cũng nhiều.
- An tượng nhất đối với cha là chuyện gì? Hiệp hỏi.
- Những chiếc áo dài thướt tha trong chiều tím. Kimono thua áo dài Việt nam xa. Và một điều không nên có, đó là an ninh sân bay. Mặt thì đanh như tượng đá. Mắt thì sắc như dao, nhìn cứ như thể sắp ăn tươi, nuốt sống người ta vậy. Những khuôn mắt ấy đang làm méo mó đặc tính hiền lành, tế nhị của dân ta.
Cha còn đang nói thì xe thắng phịch lại, làm cha chúi đầu về phía trước. “Chuyện gì thế?” Cha hỏi.
- Có lẽ tai nạn, cha ạ. Vì ở chỗ này có khi nào kẹt xe đâu. Hiệp nói.
- Đúng rồi, nhưng là tai nạn giả. Tuyên chen vào.
Mắt cha Ngữ trợn tròn, miệng há hốc ngạc nhiên. “Sao lại gọi là tai nạn giả?
- Thưa cha. Cha Hùng giải thích: “Tai nạn giả nghĩa là bọn côn đồ tạo ra tai nạn để ăn cướp”. Thấy cha Ngữ còn ngơ ngác, cha Hùng tiếp: “Tuần trước cũng ở đoạn đường này. Một cô đi chiếc Nouvo mới cáo. Và một anh khác đi chiếc cub 81 xập xệ, phóng tới, quẹt nhẹ vào xe cô ta, rồi làm bộ lăn đùng ra. Cô này vội vã dừng lại, chống xe, không kịp tắt máy, đỡ anh ta lên và một anh khác, đi xe đạp phóng tới, vứt xe đạp, nhảy lên xe cô ta vọt mất”. Cha Ngữ phá ra cười tê tái: “Ai chà! Thủ đọan ghê gớm!
-Có bắt được hắn không?”
- Chắc không, thưa cha. Dù ai cũng biết chúng là đồng bọn, nhưng không có bằng chứng, không bắt được.
Cha Ngữ gật gù: “Như thế gọi là tai nạn giả à!
- Vâng thưa cha.
- Tai nạn mà cũng giả được, hay thật.
- Bắt giả còn hay hơn cha ạ! Cha Long hào hứng nói.
- Bắt giả là làm sao?
- Nghĩa là bắt y như thật vậy: cũng còng tay, xích chân, cũng môtô kèn hụ, cũng đưa vào đồn thật. Nhưng khi những người hiếu kỳ, hay dân chúng không để ý nữa là tháo còng, mở xích để mặc nó tha hồ trốn.
- Sao lại thế nhỉ? Không đưa ra tòa à? Cha Ngữ sững sờ hỏi.
- Đưa ra tòa làm gì, cha. Tốn tiền nuôi nó trong những ngày tạm giam, rồi tiền luật sư, tiền bồi thẩm, chánh thẩm, đủ mọi thứ án phí khác nữa. Nó có bị tù thì nhà nước cũng lại phải nuôi. Mãn hạn tù, nó vẫn chứng nào, tật nấy, có khi còn tệ hơn trước nữa, thì bắt thật làm gì cho mệt, cứ bắt giả như thế để dân khỏi kêu.

Mặt cha Ngữ đuỗn ra, thờ thẫn. “Đã tai nạn giả lại còn bắt giả nữa. Tôi chịu thôi, không thể hiểu được”.
- Thưa cha, cái gì chứ những thứ giả ấy ở Việt Nam đầy. Cha Hùng tê tái nói.
- Thưa cha, bên ấy có hàng nhái không ạ? Tuyên hỏi.
- Có. Cha Ngữ hào hứng kể. “Nhiều lắm. Hầu như phố nào cũng bán. Hàng tốt lắm. Các bình oxy, kính đeo, cả chân ếch nữa… cha có biết lặn đâu mà mặc đồ ấy vào lặn ngon lành lắm”. Cha càng kể, mọi người trong xe càng cười to. Thấy hố, cha hỏi: “Ở đây có thứ hàng nhái khác hả?”
Cha Hùng hích cha Long, nói nhỏ: “Cụ còn nhanh nhạy lắm. Thế này thì còn lâu mới chết”.
- Hàng nhái ở bên này khác, cha ạ. Tuyên trả lời.
- Thế thì cha chịu thôi.
- Hàng nhái ở bên này có nghĩa là, hàng của cha đang bán chạy, người ta làm mẫu mã giống y như thế, tìm một thương hiệu y hệt, chỉ khác một chút thôi, để cũng bán được như hàng của cha, như Seiko đổi thành Senko, Biti’s đổi thành Bisti… chẳng hạn. Khách hàng đâu biết đấy vào đâu, khi biết thì đã hố rồi.
- Ở bên ấy làm vậy không được đâu. Nguời ta kiện cho chỉ có nước sạt nghiệp. Vả lại, con người còn có lương tâm chứ!
- Không biết ở bên ấy thế nào chứ, ở bên này lương tâm không bằng lương tháng. Tuyên nói.
- Sắp tới nhà rồi, cha ạ. Cha Hùng nói.
- Vậy hả? Cha Ngữ hỏi. Cha nhìn vào con đường ngoằn ngoèo trước mặt, đang nhuộm đỏ ánh hoàng hôn. “Không còn gì là dấu vết của ngày xưa nữa cả”, vừa nói, cha vừa lắc đầu.

Cha Hùng chỉ ngôi nhà thờ cổ kính, ánh hoàng hôn đỏ rực vẫn không che khuất được những đám rêu phong loang lổ, nói: “Đây là nhà thờ Long Thuận, cha có còn nhận ra không?
Cha Ngữ lắc đầu, nói: “Vậy thì sắp đến nhà mình rồi
- Vâng chỉ còn vài trăm mét nữa thôi. Mặt cha Ngữ bỗng ửng lên, hai má bừng bừng, trông e thẹn như người đang háo hức, hồi hộp gặp lại người tình sau nhiều năm xa cách.

Đường gồ ghề. Xe lắc lư, dập dềnh. Cha mở mắt thật to, dán chặt vào cây cối bên đường. “Hàng gõ bốn mươi năm nay chắc là lớn lắm rồi! Bán đi cũng được khối của”, cha tự nhủ.
- Ua! Cha buột miệng. “Nhà mình kia rồi, thế hàng gõ đâu?
- Thưa cha, bão quật ngã hết rồi.
Mặt cha Ngữ bệch ra, ngậm ngùi, tiếc nuối. Nỗi cay đắng, nghèn nghẹn trào lên khóe mắt. “Từ hồi tôi bắt đầu ở đây cho tới lúc đi, gần hai mươi năm trời, làm gì có bão đâu. Nếu có thì cũng không thể quật ngã hàng gõ này được. Sở dĩ tôi chọn mua khu đất này là vì hàng gõ”. Cha nói giọng tiếc nuối pha chút đắng cay.
- Vâng, cha nói đúng. Bão thật không thể quật ngã được hàng gõ này, bão này là bão giả ạ. Cha Hùng nói.
- Sao lại bão giả. Cha Ngữ nói, hơi có vẻ mất bình tĩnh.
- Thưa cha. Cha Hùng giải thích. “Cách đây năm năm, khi cả nhà đang ăn tối, thì có thông báo là đêm ấy bão sẽ đổ bộ vào làng. Mọi người không trừ ai đều phải đi sơ tán. Rồi họ đem xe, chở hết cả nhà đi. Họ nhốt hết vào một trường học trên thị trấn, không cho ai ra vào. Không mưa, không gió gì cả, trời chỉ hơi ui ui một chút, xin về, họ không cho. Hai ngày sau trở về, thì hàng gõ chỉ còn lại những cành ngổn ngang, khô héo.
- Như vậy là lừa đảo, là ăn cắp rồi còn gì. Sao mình không kiện. Cha Ngữ bực bội nói.
- Mình có biết ai đâu mà kiện. Vả lại, ở đây có kiện thì cũng chỉ là con kiến kiện củ khoai thôi. Mình đây còn đỡ, các dòng khác còn mất hết cả đất đai, nhà cửa. Nghe đâu nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đang bị đe dọa giải tỏa, các bà cương quyết không đi, không biết có trụ lại được không. Cha Hùng kể.
- Nhà của người ta đã có gần hai trăm năm nay rồi, sao lại đuổi người ta đi. Cha Ngữ ngạc nhiên hỏi. “Muốn xây đô thị, xây chỗ nào chẳng được, đất còn thiếu gì. Sao bất nhân thế!
- Nghe đâu họ bán cho nước ngoài.
- Sao lại lấy đất của dân mình mà bán cho nước ngoài? Khi còn ở bên ấy, cha đã nghe nhiều chuyện như thế, cha không tin. Bởi không thể tưởng tượng, ai lại có thể trơ trẽn như thế được. Bây giờ được mắt thấy, tai nghe, cha vẫn chưa dám tin, vẫn cứ ngờ ngợ làm sao ấy.
- Cha ơi, tới nhà rồi. Cha xuống đi bộ cho khỏe.

Bước vào Đan Viện Thiên An, cha có cảm giác vừa quen, vừa lạ. Trong các bồn, cỏ xơ xác, chỉ còn lơ thơ vài cọng mảnh mai, luồn bên dưới những cọng khô quắt, chiếc còn, chiếc gãy trông nham nhở. Cây cối trật tự, lớp lang nhưng gốc nào gốc nấy bầy hầy như một bãi rác. Đường lát gạch tàu cáu bẩn, trông hệt như đường đất. Phía bên trái là một biệt thự sừng sững, nguy nga, ánh chiều tàn vẫn không thể che khuất vẻ huy hoàng của nó.
- Đây là nhà gì? Cha Ngữ hỏi.
- Thưa cha, trước đây là nhà kho và chuồng heo. Còn bây giờ là nhà ở của anh em. Cha Hùng giải thích.
- Oi! Sang trọng quá! Cha Ngữ trầm trồ giọng pha chút mỉa mai. “Đẹp hơn nhiều.”
- Thưa cha, tiền cha gửi về đấy ạ. Chứ ở nhà làm gì có tiền mà xây… Cha có tạt qua một chút không?
- Thôi, vào đấy không khéo ta lại đánh mất căn tính của ta thì khốn. Cha nói giọng bôi bác.
Cha Ngữ lững thững đi. Mọi người lẽo đẽo theo. Trời chiều. Muỗi thỉnh thoảng vo ve. Các chú dơi con lượn lờ qua lại. Con Tumi đang cuộn tròn mình trước nhà nguyện, nghe tiếng bước chân, ngóc đầu lên, thấy người lạ, sủa bâng quơ vài tiếng, rồi uể oải đứng dậy, rón rén bước tới gần cha Ngữ, hếch mũi ngửi.
- Thưa cha. Đây là nhà nguyện ạ. Vừa nói, cha Hùng vừa chỉ. Cha Ngữ bỏ nón xuống, bước vào, quì gối, cầu nguyện hồi lâu.
- Nhà nguyện này xây lại hồi nào? Cha hỏi
- Thưa cha, nhà nguyện cũ, con chỉ cho cơi mái lên, và trang trí lại một chút thôi.
- Ngày xưa cột sắt, tường gạch, mái tôn, còn bây giờ mọi thứ toàn bê tông cả mà! Cha Ngữ nhìn thẳng vào mặt cha Hùng nói, giọng ngạc nhiên.
- Thưa không ạ. Bêtông giả ạ. Mọi thứ đều giả. Vừa nói, cha Hùng vừa gõ vào cây cột trước mặt. “Tòan ván ép không thôi, cha ạ”.
- Ô lạ nhỉ! Trông, tôi lại cứ tưởng là bê tông cơ chứ.
- Con sửa lại thế cho đồng bộ với những ngôi nhà mới xây sau này.

Bước ra gần tới cửa, đụng phải một cây cột, cha Ngữ đưa tay gõ. Tiếng lóc cóc vang lên. Cửa nhà nguyện hé mở. Cha đẩy cửa bước ra, bần thần như người vừa rơi vào cõi hoang mang. Con Tumi rụt rè bước theo, vừa muốn làm quen, vừa như canh chừng, cảnh giác. Mọi sự như đang chìm dần vào tăm tối. Côn trùng bắt đầu rên rỉ. Tiếng dế kêu reng réc. Lá ngả màu đen xậm. Xa xa, bên hàng rào dâm bụt, đom đóm vài con lập lòe. “Ơ, đom đóm kìa”. Cha Ngữ reo lên. “Mấy chục năm nay rồi, hôm nay mới lại được thấy”.

- Ở bên đó không có à, cha?
- Không, chẳng ở đâu có cả. Hồi còn bé, cha bắt có khi cả lọ, để trong phòng thay đèn ngủ. Bây giờ chắc không còn nhiều như vậy đâu.
- Dạ, còn ạ. Tuyên kể: “Ở nghĩa trang nhà mình nhiều lắm, bám đầy các cây dành dành trụi lá, lập lòe, chớp tắt, y như các cây Noel vậy. Mùa này ít, mua mưa mới nhiều. Đom đóm, côn trùng làm cho màn đêm thêm rùng rợn, ma quái. Tuyên rùng mình, nhột nhạt như thể đang tiếp xúc với những người thuộc cõi âm. Mặt tái đi, nhợt nhạt.
- Con sợ à? Mặt tái đi rồi kìa. Vừa nói cha Ngữ vừa cười trêu chọc.
- Con sợ người chết lắm. Thỉnh thoảng đi ngang qua nghĩa trang giáo xứ ban đêm, lần nào con cũng nghe những tiếng rên, tiếng hét, sợ lắm. Vừa nói Tuyên vừa lắc đầu, lè lưỡi.
- Nhưng đó có phải là tiếng thật hay tiếng giả, tiếng nhái. Cha Ngữ cười hóm hỉnh.
- Thưa cha, gần tới giờ cơm rồi, mời cha về phòng tắm rửa rồi dùng cơm với cộng đoàn luôn. Cha Hùng nói.
- Về phòng thì về, nhưng dùng cơm thì không, vì tôi vẫn còn no.
- Vâng, vậy tùy cha.

Đi ngang qua ngọn đồi nhỏ hiện chỉ còn loang loáng các đốm mờ trong vùng tối, cha Long hỏi: “Cha có còn nhớ chỗ này không?
Cha Ngữ nheo mắt, gật đầu nói: “Còn, núi đức mẹ sầu bi. Tượng bằng cẩm thạch đỏ, thánh giá bằng bạc, nặng 50 kg, cha đặt ít hôm trước khi sang Thụy Sĩ. Có còn nguyên như xưa không?”

Nghe tiếng động, con chim lợn đang ngủ trên cành, thức giấc, đập cánh phành phạch, bay vút đi, miệng kêu eng éc. Các loài chim khác cũng vỗ cánh bay theo. Chỉ còn lũ chim sâu, nhảy hết cành này sang cành khác, miệng liên hồi chiêm chiếp.
- Phòng cha đây ạ. Cha Hùng nói. “Cha có nhớ chỗ này là chỗ nào không?
- Có. Tôi ở đây từ đầu cho tới lúc đi. Đầu tiên, lúc mới di cư vào, đây chỉ là một dẫy nhà lá, vách tre, nền đất. Rồi sau đó là nhà tôn, tường gạch xi măng, nền gạch tàu. Tôi chọn chỗ này vì gần nghĩa trang, để dễ hướng về cái chết, gần núi Đức Mẹ Sầu Bi, để xin Đức Mẹ bồng bế tôi khi chết, như mẹ đang bồng Chúa Giêsu…. Vậy là sau bốn mươi năm, ta lại được trở về nhà ta. Mặt cha toát lên niềm mãn nguyện.
- Tới giờ cơm rồi, xin phép cha. Thầy Tuyên sẽ ở lại với cha. Cha cần gì, cứ bảo thầy ấy.
- Cám ơn quí cha. Chúc ăn khỏe để có sức phụng thờ Thiên Chúa.

Bước vào phòng, thấy hoa phong lan các loại trưng đầy phòng, cha ngạc nhiên hỏi: “Hoa ở đâu mà nhiều thế?”
- Người ta cho đấy cha ạ.
- Ở đây, người ta trồng được loại này à?
- Thưa, người ta không trồng mà làm ạ. Thấy cha còn ngơ ngác, Tuyên giải thích: “Trồng thì phải chăm bón, mà chỉ nở được một lần, bền lắm là được một tháng. Còn làm thì cũng chỉ nở một lần, nhưng hết thế hệ này đến thế hệ kia vẫn còn nở.
- Họ làm bằng gì?
- Con chẳng biết. Tuyên chỉ cây lan hai màu trên bàn, nói: “Cây này làm bằng đất, cha ạ”.
- Thật không? Bằng đất à? Khéo nhỉ, trông y như thật vậy.
- Cha có thích không?
- Cha rất thích hoa, nhất là loại hoa này nhưng đây có phải là hoa đâu, chỉ là những miếng nylon và đất sét mang hình hoa thôi. Nếu đây là hoa thật thì còn gì bằng. Vì ta không mất công chăm bón, nên ta cũng không có được niềm vui được thấy hoa nở. Được thấy cây kết nụ, rồi nụ hé thành hoa, tuyệt lắm Tuyên ạ. Đúng là một kỳ công của Thiên Chúa. Hoa nở ta vui, hoa tàn cũng để lại trong lòng ta một niềm luyến tiếc. Thế mới là hoa chứ lị!
- Vậy cha có muốn giữlại những bình hoa này không?
- Để lại cũng được mà ném đi cũng chẳng sao. Cha thích một cái gì là thật cơ, dù đó chỉ là một đóa mười giờ xoàng xĩnh.
- Ở bên ấy có đồ giả không, cha?
- Có chứ! Nhưng những thứ giả này không phải để trang trí, làm đẹp mà để phục vụ cho sự sống con người, như răng giả, chân giả, tay giả, tim giả, xương sống giả… mắt giả để người ta khỏi mặc cảm.
- Ở Việt Nam những thứ giả ấy cũng có, mà còn có cả mũi giả, cằm giả, ngực giả, lúm đồng tiền giả, mụn ruồi giả nữa cơ cha ạ.
- Con đi ăn cơm đi, cần gì cha sẽ gọi. Cám ơn con nhiều.

Hôm ấy tại bàn ăn, cha Hùng nhỏ nhẹ. “Hình như cụ không hài lòng lắm thì phải”.
- Tôi đã bảo rồi, không nên đưa cụ về. Bây giờ cụ đã về rồi, đẩy đi thế nào được nữa. Cha Hòa sừng sộ.
- Cụ không hài lòng là vì ta đã đánh mất căn tính đời đan tu của ta. Cha Phán nhìn thẳng vào mặt cha Hòa nói. “Nhà cửa sang trọng quá, làm mất đi tính lữ hành của đời tu và của Hội Thánh, tạo nên hố ngăn cách giữa ta với người nghèo. Bêtông giả trong nhà nguyện, ta bảo để đồng bộ với khu nhà mới, trước mắt cụ và trước mắt nhiều người đã lột mất tính chân thật của đời ta. Nhiều năm nay, ta đã luồn lách, bảo rằng để sống còn, nhưng ta đâu có ngờ là chính sự luồn lách ấy đã phá vỡ tính đơn sơ của chim bồ câu nơi ta. Ta đang đánh mất chính mình, đang bị xã hội bên ngoài đồng hóa, biến ta thành gian dối, huênh hoang, vênh váo như nó. Các cuộc họp của ta không phải là lúc ta chiêm ngắm Chúa Giêsu để điều chỉnh cuộc đời ta cho phù hợp với Người mà chỉ là những lúc ta tâng bốc nhau, khoe thành tích với nhau. Người này, người kia có thành tích, ta không có không được, nên cũng phịa đại ra một thành tích nào đó cho có với người ta. Ta thành gian dối. Nếu không dẹp bỏ ngay tình trạng chạy theo thành tích này, thì một ngày nào đó, Chúa Giêsu chỉ còn là một bình phong để ta che đậy những mưu đồ của ta thôi. Chúa sẽ mất chỗ đứng ngay trong nhà của Người và trong lòng của những kẻ thuộc về Người.
- Cụ mới về làm sao cụ biết được chuyện ấy? Cha Hòa cự lại.
- Cụ chưa biết rõ nhưng cụ đã đánh hơi thấy. Một đan viện đúng nghĩa thì chỉ cần nhìn vào bên ngoài thôi cũng có thể thấy ngay. Là đan sĩ mà cứ thoáng cái lại xách xe chạy rông bên ngoài, ai mà chẳng thấy. Mà xe nào có phải là loại xoàng. Mấy chiếc cub 81 còn tốt vẫn cứ để mốc meo không ai đụng tới.

Ai cũng chỉ muốn chạy tay ga. Bề trên nào mua xe ấy phải chịu trách nhiệm trước Thiên Chúa và lịch sử. Cha Phán giận dữ nói.
- Cha Phán ạ. Cha nói tới trách nhiệm nghe mà xấu hổ. Cha Long nói. “Thiên Chúa người ta còn chẳng coi ra gì, thì nói tới trách nhiệm làm gì cơ chứ. Nếu người ta chỉ để ý một chút tới Thiên Chúa thôi, thì ta đâu đến nỗi này. Thiên Chúa bây giờ là một thứ xa xỉ, nếu không muốn nói là một công cụ trong tay người ta.
- Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Cha Hùng nói, giọng tê tái: “Vì tôi kiêu căng quá. An không nói có, có một nói hai. Chỉ có bằng thạc sĩ mà đi đâu cũng khoe mình là tiến sĩ”. Cha ngưng lại một chút, mặt đượm vẻ xót xa, tiếp: “Tôi sai lầm, cứ nghĩ rằng được bầu làm viện phụ, tôi phải hơn anh em một cái đầu. Nên tôi ôm hết mọi sự, chuyện gì cũng xía vào. Tôi loại trừ những anh em có khả năng hơn mình, sử dụng những anh em dưới cơ để dễ bề thao túng. Vô tình tôi đã tạo ra cả một thế đối lập. Không dám đụng những người ấy, tôi thị uy trên anh em trẻ, nạt nộ, quát tháo. Những anh em có chức nhỏ cũng làm y như thế. Tôi bất lực nhìn đan viện rã ra thành từng mảng. Đáng lẽ tôi phải từ chức để cứu vãn đan viện, nhưng tôi lại không có can đảm. Loại Thiên Chúa đi rồi, tôi chênh vênh như người không có điểm tựa. Tôi tìm mọi cách xuất hiện ở những nơi công cộng để củng cố chỗ đứng của tôi, nhưng tôi chỉ thấy ngả nghiêng hơn. Tôi không còn được ai nâng đỡ, vì những cột chống đỡ, tôi đã chặt gẫy từ lâu. Cụ Ngữ có thể là người chống đỡ tôi, hy vọng khi cụ về, cụ sẽ giúp tôi tìm lại Thiên Chúa, và chính bản thân tôi. Xin anh em cầu nguyện cho tôi…”. Cha Hùng còn đang nói, thì cha Hòa mặt đỏ lên, sừng sộ:
- Này viện phụ. Cụ đang nói về ai đấy? Đừng đấm ngực mình mà giật cùi chỏ vào mặt tôi chứ! Có chửi thì cứ chửi thẳng, đừng chửi xéo như thế.
- Anh Hòa này tức cười thật. Cha Long nói. “Nếu viện phụ nói mà có đụng đến ta, thì ta cũng phải sám hối. Mọi người đều có thời để sa ngã và có thời để sám hối mà”.
- Anh Hòa, bình tĩnh lại nào! Cha Hùng nhỏ nhẹ. “Anh cùng lớp với tôi. Anh biết tôi từ bé. Có bao giờ tôi nói xéo ai đâu. Thú thật với anh là, tất cả những gì vừa nói, đều là những điều tôi đang sám hối thật. Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Thượng công chính như viện phụ Oanh kia, mà hạ còn loạn nữa, huống hồ, tôi chỉ là một kẻ vô tài, bất lực.”
- Có lẽ đã đến lúc ta phải trở về với sự thật rồi. Cha Phán nói, mặt hằn lên nỗi đớn đau. “Chỉ vì không sống thật, không nói thật, ta đã phá vỡ đi nền tảng của mọi mối tương quan, của mọi tình huynh đệ. Chỉ vì đã nhiều lần không nói thật mà hôm nay lời thú tội của cha Hùng đã bị cha Hòa cho là một lời chửi xéo, một cú giật cùi chỏ. Ngay cả tôi cũng có cảm giác như thế”. Ngưng lại một chút, cha Phán tiếp, giọng buồn bã như một lời tự thú: “Xin lỗi viện phụ. Tôi thú thật với viện phụ là tất cả những gì trước kia viện phụ nói, tôi đều không tin. Viện phụ bảo viện phụ gặp đại sứ này, đại sứ khác, bàn bạc với viện phụ Pháp này, viện phụ Canada khác, đi dự hội nghị quốc tế này, hội nghị quốc tế khác, tôi đều không tin. Đến như cụ Ngữ ở ngoại quốc bao nhiêu năm, đi hội nghị quốc tế cụ bảo, chỉ nắm bắt được tám mươi phần trăm những gì đang bàn thảo. Trình độ ngọai ngữ của viện phụ không đủ để đi các hội nghị quốc tế. Dù ngoại quốc có tới dạy viện phụ hằng ngày đi nữa, thì viện phụ cũng không có đủ từ ngữ cơ mà! Vì vậy, khi khoe mẽ, viện phụ có nói được một chút nào nội dung các cuộc họp đâu… Tôi không tin viện phụ, anh em trẻ cũng không tin. Không tin nhau mà người nói vẫn cứ phải nói, người nghe vẫn cứ phải nghe, nên mỗi lần viện phụ lên tiếng là mỗi lần ta lại tra tấn nhau, ghét bỏ, khinh miệt nhau. Vì người nói không thật, người nghe cũng không nghe thật. Thủ phạm của thảm họa này chính là vì ta đã gian dối, đã không thật với nhau. Hôm nay viện phụ đã biết chấp nhận những giới hạn của mình, nên tôi thấy tôi cũng bắt đầu có thể chấp nhận viện phụ. Cầu mong cho mọi người biết bắt đầu lại từ hôm nay”. Cha Phán thở dài nhẹ nhõm như vừa quăng được gánh nặng đã nhiều năm chồng chất trên vai.

Chuông nhà thờ đổ chậm. Chó lại châu đầu tru tréo. Trước mặt mọi người là nồi niêu, chén bát, cái còn, cái hết. Nồi canh rau lỏng chỏng, nước đã đóng thành váng. Những vết mắm trên chén, bát loang lổ, bết lại thành những vệt nâu đỏ. Bên ngoài, ánh trăng nhạt nhòa, không đủ sức xuyên thủng những cành cây, kẽ lá. Không gian chìm sâu trong tĩnh mịch, chỉ còn lại những bước chân chậm rãi tiến vào nhà thờ cho giờ kinh đêm.

Suốt đêm ấy, cụ Ngữ không sao nhắm mắt được. Mọi sự cụ chứng kiến chỉ trong ngày đầu tiên về Việt Nam, cứ như những đợt sóng bạc đầu mùa gió chướng, quất túi bụi lên đời đan tu vốn trầm lặng của cụ. “Tai nạn giả, bắt giả, nhà giả, hoa giả, mũi giả, ngực giả… trước đây đâu có thế.” Cụ nheo mắt tự nhủ. “Mà nếu có, thì cũng không bao giờ xảy ra trong đan viện, nơi các đan sĩ được.” Cụ lại trầm tư. Bên ngoài, mọi sự đã chìm sâu trong cô tịch như nghĩa trang đêm. Thỉnh thoảng mới nghe tiếng chó mèo xục xạo. Con cú ăn đêm cứ đều đều nhả ra những tiếng u buồn não nuột. Cụ vẫn ngồi đờ đẫn. Muỗi vẫn vo ve. “Nhà nguyện bê tông giả cho đồng bộ với các khu nhà mới”. Cụ lắc đầu nguây nguẩy. “Một điều chưa từng xảy ra trong tu viện. Ngay đến cả nhà nguyện mà người ta còn giả dối đến thế, thì còn gì mà họ không giả được! Giới tu sĩ Việt Nam chả lẽ lại xuống cấp nhanh chóng đến thế sao? Nếu còn tin vào Thiên Chúa, người ta không thể tuột dốc không phanh như thế được. Chả lẽ Thiên Chúa không còn chỗ trong lòng người ta nữa rồi sao?” Rồi cụ gật gù. “Có lẽ đúng thế thật. Hèn chi chiều nay Tuyên bảo, ở đây lương tâm không bằng lương tháng. Vậy là Thiên Chúa không bằng tiền bạc. Và khi đồng tiền lên ngôi chúa, thì sẽ không còn Hội Thánh, không còn tu viện, không còn những con người biết được ý nghĩa và cùng đích của đời mình nữa. Mọi nấc thang giá trị sẽ bị đảo lộn hết, sẽ không còn đồng nghiệp mà chỉ còn đối thủ, không còn anh em mà chỉ còn những kẻ gây phiền toái”. Mặt cụ đanh lại. Đêm tối càng thêm tối. Côn trùng vẫn rên rỉ. Gió trên cành xáo xác. Cụ có cảm giác như người vừa rơi xuống vực sâu không đáy.

Cả tháng nay, kể từ hôm về, cha Ngữ không đi đâu, cứ quẩn quanh trong nhà. Sáng nào cụ cũng lủi thủi một mình, quét dọn, lau rửa đường vào nhà nguyện. Các viên gạch tàu sáng bóng, ánh lên một màu nâu đỏ. Các bồn cỏ mượt mà, mơn mởn. Các gốc cây không còn nhếch nhác như xưa. Thấy cụ làm, anh em trẻ cũng nhập bọn làm theo. Vừa làm, cụ vừa kể cho anh em truyền thống đời đan tu. Chen lẫn với những tiếng chổi loét quét, tiếng xô chậu loảng xoảng, tiếng đào bới loạt xoạt, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng cười dòn dã. Nụ cười luôn rạng rỡ trên những khuôn mặt mồ hôi nhễ nhãi. Lâu lắm rồi Đan Viện Thiên Ân mới có được bầu khí ân sủng này. Cha Hòa lúc đầu thấy cha Ngữ làm, nhếch mép cười khinh khỉnh, bây giờ thỉnh thoảng cũng có mặt. Nụ cười hiếm hoi đang đẩy dần những nét nhăn căng thẳng, bất mãn, trông cha bình thản, thanh thoát hơn. Cha Hùng ít huênh hoang, khoe mẽ, bắt đầu để ý tới anh em hơn. Mọi người như đang tìm thấy đan viện là nhà, và những người đang cùng mình chung sống là anh em, nên ít nhìn nhau bằng ánh mắt nghi kỵ, cạnh tranh hơn.

Một sáng nọ, khi đã làm xong mọi sự, một anh em băn khoăn hỏi: “Hôm nay mình làm hết mọi sự rồi, ngày mai làm gì nữa, thưa cha?”.

- Còn khối việc phải làm.
- Mai ra nghĩa trang đi, cha. Tuyên đề nghị. Cha Ngữ bình tĩnh giải thích: “Ta vừa mới khai hoang xong, còn phải bảo trì nữa. Từ nay anh em phải tỉnh táo, cỏ lụa là cỏ thật, còn mọi thứ cỏ khác, kể cả những cây hoa chen vào cỏ không đúng chỗ đều phải nhổ tận gốc. Đó là cỏ dại hay cỏ “giả”, nếu không chỉ một thời gian ngắn thôi, ta sẽ chỉ còn bồn thật, cỏ giả. Các gốc cây cũng vậy, thấy lá, hay giấy, rác là phải lượm đi ngay, nếu không chẳng mấy chốc gốc cây sẽ thành bãi rác. Trước đây vì không để ý, ta đã đánh mất vẻ mỹ quan của đan viện. Cây cối nhiều, toàn cây già, bóng cả, mà không ai dám bước vào che nắng, vì nhơ nhớp quá. Đời đan tu của ta cũng vậy đấy, không tỉnh thức, thì những cái bên ngoài sẽ lẻn vào, phá vỡ vẻ đẹp của đời ta ngay. - Xét về cơ sở vật chất thì không bằng Việt Nam. Họ ở đơn sơ lắm. Tường chỉ quét xi măng, không quét vôi, ốp đá. Nhưng xét về đời tu thì họ hơn ta xa, dù số đan sĩ không bằng ta và chẳng đâu bằng Việt nam. Họ biết cái gì là chính, cái gì là phụ. Cái gì thật, cái gì giả. Cái gì không thật, họ dứt khoát loại trừ bằng mọi giá. Cái gì họ nói có là có, không là không, một là một, hai là hai. Nên mối tương quan trong cộng đoàn không hề có một gợn mây nghi kỵ, sống thích lắm.
- Thanh niên Nhật thì sao, thưa cha?
- Thanh niên Nhật thì lại khác hẳn. Họ không biết mình là ai, nên không biết cái gì là tốt, cái gì xấu. Họ sống hời hợt, bỏ mặc cuộc đời trôi theo những xu hướng của thời đại. Họ không có chiều sâu, không dám im lặng. Vì im lặng, họ phải đối diện với mình mà mình có gì đâu mà đối với lại diện, chính vì thế, về tới nhà là họ mở tivi, bật cassette, không nghe cũng bật. Họ cần tiếng động. Nhưng tiếng động bên ngoài không thể lấp đầy khoảng trống bên trong, đụng chuyện là họ như mắc vào ổ nhền nhện, không tìm được lối thoát, nếu không thì lại có cảm giác như rơi vào vực thẳm, nên tuyệt vọng, tự tử. Họ tự tử nhiều kinh khủng, toàn vì những chuyện không đâu: thi rớt, bồ bỏ, bạn chửi, thất nghiệp…
- Hội Thánh không cứu vãn được tình trạng ấy à, thưa cha?
- Được chứ! Nhưng họ có cần Hội Thánh đâu. Hội Thánh là nơi nói cho ta biết ta là ai, phải không nào? Ta là hình ảnh, là tác phẩm, là người tình, là con Thiên Chúa và là thân mình của Đức Kitô. Đó là phẩm giá cao cả nhất và cũng là căn tính của ta. Đánh mất căn tính này, ta sẽ thấy đời mình vô nghĩa ngay. Ta sẽ bỏ mồi bắt bóng, sẽ chạy theo đủ mọi thứ giả, khi nắm được những thứ ấy rồi, mới thấy mình hớ nhưng đã muộn.

Trời đã xế trưa mà mặt trời mùa Đông như vẫn còn ngái ngủ. Từng tia nắng yếu ớt, hờ hững phả nhẹ lên những tàn cây còn ướt sũng đang cần sưởi ấm. Sương đêm vẫn đọng thành giọt trên các lá cây, ngọn cỏ. Cha Ngữ nhìn những khuôn mặt trẻ trung, mồ hôi bết tóc, bằng ánh mắt thân thương, trìu mến: “Thôi nghỉ, chiều làm tiếp nhé!”.
- Thưa cha. Tuyên nói. “Chiều nay cha đi kiểm tra dự án gì đó ở Dòng Con Đức Mẹ Sầu Bi mà!
- Ừ nhỉ. Cha quên mất. Chiều nay ai chở cha đi đấy?
- Thưa con ạ. Tuyên nói.
- Mai mốt cha đi một mình cho khỏe, khỏi phiền tụi con nữa.
- Cha còn chạy được xe không? Hà hỏi.
- Được chứ! Bên ấy cha vẫn lái xe 250 phân khối đi nông trại mà!
- Vậy thì tốt rồi, không có vấn đề. Thành nói.
- Nhưng ở Việt Nam, đi xe phân khối lớn phải có bằng.
- Vậy hả? Cha Ngữ hỏi. Học bằng lái xe môtô ở đây có khó lắm không?
- Cha khỏi phải học, chỉ cần đưa tên tuổi, hình ảnh cho họ, một tuần sau là người ta đem bằng tới tận nhà. Tuyên nói, vẻ rất sành sõi.
- Không phải thi à? Cha Ngữ hỏi.
- Không cha ạ. Học giả, thi giả mà bằng thật mới hay chứ!
- Thế thì thôi. Cha chẳng chơi với những thứ giả ấy đâu. Quê lắm.
- Đấy là chuyện nhỏ, cha ạ. Người ta còn học giả mà bằng tiến sĩ thật nữa cơ!
- Lấy luận án đâu ra mà bảo vệ?
- Chuyện nhỏ, cha ạ. Vào văn khố nhà trường lấy bừa một luận án của ai đó, về nhà sửa tên, đổi đề tài, rồi bảo vệ. Ai biết đấy vào đâu. Vả lại giám khảo phe ta mà! Thỉnh thoảng có người cũng bị phát hiện, bị báo chí phanh phui nhưng ai dám thu hồi bằng của họ nào? Gốc họ bự hơn cả gốc gõ nhà ta nữa kìa.
- Vậy thì còn gì là trí thức nữa. Giới trí thức đòi hỏi sự liêm chính cao lắm. Trích dẫn của ai, phải nói rõ, không nói, bị phát hiện, coi như rớt.
- Con thấy ở Việt Nam ta chẳng có liêm chính, sự thật hay công bằng gì đâu, cha ạ. Thủy chau mày nói. “Các nhà sách Công Giáo lớn ở ta, bán đầy các sách photo của người ta, trong đó có cả sách luân lý nữa, bán tự nhiên y như bản quyền là của mình vậy”
- Thế thì còn gì là luân lý nữa, và còn gì là lương tâm Công Giáo nữa! Cha Ngữ thảng thốt.
- Vậy còn nhẹ đó, cha ạ. Bằng kể: “Năm vừa rồi, một cha Dòng Chúa Cứu Thế, dạy luân lý cho lớp thần học hè của các nữ tu, mang giáo trình đến, bán giá hữu nghị giảm hơn 20% so với giá bìa. Vậy mà một số nữ tu lấy sách ấy đi photo, hiên ngang sử dụng như không có chuyện gì xảy ra vậy.
- Bảo gì nữa mà bảo, thưa cha. Bằng tiếp: “Còn một cha nữa, đi dạy phụng vụ ở một nơi xa lắm, khệ nệ bê hai thùng sách giáo trình. Tới nơi, không một sinh viên nào mua. Ngài hỏi, họ bảo họ đã photo cho mỗi người một quyển rồi. Tội nghiệp, vác đi lại khệ nệ khuân về”.
- Buồn nhỉ! Cha Ngữ thẫn thờ nói. Mắt xa vắng. Mặt trầm tư, bệch bạc. Trời bỗng tối sầm lại. Gió hây hây lạnh.
- Trời sắp mưa rồi, cha ạ!
- Mùa này làm gì có mưa. Thủy nói.
- Bây giờ lúc nào mà chẳng mưa được. Mồng một tết, còn mưa được cơ mà.
- Mưa thật hả? Cha Ngữ hỏi. “Vậy thôi, nghỉ nhá. Tụi con nhớ để ý, cái gì giả thì phải nhổ cho bằng sạch nhá! Đau cũng phải nhổ. Chỉ có thế ta mới có được vẻ mỹ quan của đời đan tu.
- Nếu nó mọc ở chỗ không nhổ được thì sao, thưa cha? Minh trăn trở nói.
- Có không?
- Dạ có! Cả bọn đồng thanh đáp.
- Nó mọc ở cao lắm, ở tận trên nóc nhà ấy. Thủy nói, giọng chanh chua. “Tụi con ai cũng thấy. Nó trơ trẽn làm sao ấy mà chẳng hiểu sao chỗ ấy không biết ngượng. Tất cả những thứ giả tụi con vừa nói với cha đều mọc hết ở đó. Có cái còn hở hang đến độ cả nước này biết. Vậy thì phải làm sao, hả cha? Thủy vốn hiền lành, ít nói, chẳng hiểu sao hôm nay lại nói nhiều như thế. Giọng the thé, chua ngoa, như con gái, nghe đến lạnh cả xương sống.
- Cái này thì phải quì gối nhổ, con ạ! Cha Ngữ nói.
- Nó mọc cao thế, quì gối sao nhổ được, thưa cha?
- Nó càng cao, càng phải quì gối xuống. Từ mai, ai đồng ý quì gối nhổ cỏ với cha nào, giơ tay lên.
- Tốt. Sau giờ cơm tối có mặt trong nhà nguyện nhá!

Hai giờ rưỡi chiều. Trời vẫn ủ ê. Gió thổi nhẹ. Mưa thưa thớt, lất phất theo chiều gió. Sân chỗ ướt, chỗ khô loang lổ. Cỏ giả bị nhổ chất thành đống, thấy mưa, như đang cố ngóc đầu, vươn dậy. Cửa phòng cha Ngữ vẫn đóng im ỉm. “Không hiểu cụ có sao không mà tới giờ hẹn vẫn chưa thấy mở cửa”. Tuyên bối rối, tự hỏi, rồi đưa tay gõ lóc cóc.
- Con tới chở cha đi đấy ạ. Hai giờ rưỡi rồi.
Cha Ngữ mở cửa ra. “Mưa hả?” Cha ngơ ngác.
- Hèn chi cha thấy người khó chịu. Con điện thoại cho họ báo là ngày mai phái đoàn kiểm tra mới tới nhá. Số điện thoại đây.
- Vâng, thưa cha. Con cám ơn cha.
- Cám ơn con.
- Mai mấy giờ, cha?
- Bảy giờ. Đi sớm chút cho mát.

Ra khỏi đan viện, vừa rẽ ra đường lớn, cha Ngữ bỗng vỗ vai Tuyên: “Chầm chậm lại, con!
- Có chuyện gì, thưa cha?
- Có cái gì giông giống như tiền đô ai làm rơi ấy.
- Không phải đâu, cha. Tiền giả đấy. Tiền âm phủ ấy mà. Một ngàn đồng Việt Nam đổi được cả mấy trăm ngàn đô ấy.
- Am phủ Việt Nam cũng biết xài tiền đô cơ à. Tiến bộ nhỉ. Cha Ngữ cười hóm hỉnh.
- Gần đây, có nghĩa trang của người Hoa, nên tiền này nhiều lắm. Con nghe người ta bảo đấy là tiền mãi lộ. Chẳng biết có mãi được gì không, chỉ thấy vãi tung tóe ra đường. Nói ra không được, vì đụng tới tín ngưỡng của người ta. Ở bên Nhật có vậy không, cha?
- Cha nghe nói trươc đây cũng có, sau chính phủ cấm. Bây giờ đường xá của người ta sạch sẽ lắm.
- Còn ở bên ta thì hết tiền âm phủ lại tới những tờ rơi quảng cáo, rồi rác rến bừa bãi. Không biết bao giờ dân ta mới khá được… Đó là chưa kể họ còn nuôi heo ngay trong thành phố. Dòng Con Đức Mẹ Sầu Bi, lúc nào cũng ngột ngạt mùi heo. Vì bên cạnh họ là trại heo giống cấp I. Còn Dòng Biển Đức Nữ, Dòng Đức Bà Truyền Giáo ở Thủ Đức, đêm nào cũng bị nhà văn hóa tra tấn. Nhạc xập xình suốt đêm, mở Volume hết cỡ. Con không hiểu người ta có biết thế nào là văn hóa không.
- Sao họ không kiện?
- Kiện ai bây giờ. Có kiện thì chỉ kiện lên tới quận mà nhà văn hóa lại do quận quản lý, thì còn kiện làm gì, vô ích…
- Không phải là văn hóa giả mà là phản văn hóa, phi văn hóa…. Ơ coi kìa, Tuyên, cha Ngữ gọi: “Sao có mấy người cứ dứng úp mặt vào tường làm gì thế? Họ bị phạt à?
- Thưa không, họ tiểu đấy.
- Thế à. Lạ nhỉ. Sao lại ra đường mà tiểu thế không biết.
Ngày xưa khi cha mới chịu chức, các cha không được tiểu ở nơi công cộng, phải tiểu vào bình, rồi đem đi đổ.
- Còn bây giờ, Tuyên chép miệng. Con đường Tú Xương có hai dòng nữ, Saint Paul và Nữ Tử Bác Ai, từ lâu đã trở thành một nhà tiểu công cộng vĩ đại, dài cả hơn trăm mét, lúc nào cũng nồng nặc mùi khai. Ngày nào các chị Saint Paul cũng phải xả nước mà vẫn không tẩy được mùi. Hiện đã có nhà vệ sinh công cộng bên cạnh, không biết có đỡ hơn không.
- Sắp tới chưa, con?
- Được hơn nửa đường rồi.
Trời vẫn ủ ê. Gió hây hây lạnh. Trời không mưa nhưng ẩm thấp. Phố xá bụi mịt mù. Đi đường, nữ giới chẳng mấy ai mà không bịt mồm, bịt mặt, chỉ trừ hai con mắt.
- Ua! Sao Việt Nam kỳ này nhiều người theo Hồi Giáo thế?
- Ai ạ! Thưa cha?

Cha Ngữ chỉ những phụ nữ bịt mặt, nói: “Kia kìa”.
Tuyên phì cười, nói: “Thưa cha, đó là Hồi Giáo “giả” ạ.
- Sao lại giả?
- Tại bụi quá, người ta bịt mặt chứ không phải là Hồi Giáo ạ!
- À, thì ra thế, trông y như Hồi Giáo vậy.
Đi được một quãng, cha Ngữ lại vỗ vai Tuyên: “Chầm chậm lại, con nhìn ba ông sư trước mặt kìa. Con thấy chưa?
- Dạ, con thấy rồi ạ.
- Sư này chắc chắn là sư giả.
- Cha cũng nhận ra à?
- Nhà sư thật không bao giờ đi như đi chợ, mắt láo liên, đảo điên như thế kia cả. Nhà sư thật đi khất thực có kiểu, nhìn vào là biết ngay. Mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn về phía trước. Im lặng một lát, cha hỏi: “Người ta làm sư giả làm gì không biết?
- Để không phải làm mà vẫn có ăn, có khi lại còn ăn ngon nữa là khác. Việt Nam mình tuy nghèo nhưng rộng rãi với các nhà tu hành lắm cha ạ, cả lương lẫn giáo.
- Vậy hả?
- Cha ơi, sắp tới rồi đấy!

Tuyên rẽ vào một con hẻm rộng chừng tám mét. Ngay đầu hẻm, người ta treo một tấm bảng lớn bắt ngang hết cả hẻm, với hàng chữ: Trại heo giống cấp I.
- Sao con lại vào trại heo. Cha Ngữ ngạc nhiên hỏi.
- Trại heo nằm ở bên hông, thế mà họ lại dám hiên ngang treo bảng ngay giữa hẻm, làm như mọi người trong khu vực này toàn là heo cả vậy. Còn Dòng Con Đức Mẹ Sầu Bi nằm trực diện với hẻm, lại phải treo bảng ở bên hông. Chéo cẳng ngỗng như thế đấy, cha ạ.
Cổng vào Dòng Con Đức Mẹ Sầu Bi màu xanh lá đậm, mở hé, chỉ vừa cho một chiếc xe gắn máy ra vào.
- Cổng hẹp thế này, cha có phải xuống đi bộ không?
- Không, cha cứ ngồi yên nhá.

Ngay giữa cổng, cách chừng hai mươi mét là tượng Đức Mẹ Sầu Bi bằng cẩm thạch màu đà, dạn dày sương gió. Chếch sang bên trái chừng một mét là một cây đào tiên cổ thụ, bị chặt hết một phần ba, chỉ còn một cành lớn, tán gọn như chiếc dù mở. Lá xác xơ. Quả lác đác. Dưới gốc một vài chiếc hoa màu xám vàng, quắt quéo. Miệng xoắn lại, sũng sương đêm.
- Thưa bác, bác tìm ai ạ? Chị giữ cổng lễ phép hỏi.
- Tôi đi kiểm tra nhà cô nhi. Tôi muốn gặp chị bề trên.
- Xin mời bác. Vừa nói, chị vừa dẫn khách vào phòng, rót nước mời khách xong, chị nói: “Xin bác chờ một xíu ạ!”.

Bên ngoài phòng khách khá xập xệ là một ngôi nhà nguyện, kiểu Á Đông, ngạo nghễ, ngất ngưởng giữa những ngôi biệt thự còn mới vây quanh. Hai bên lối vào nhà nguyện là những cây hoa kỳ lân, trơ trụi, chỉ còn lơ thơ vài chiếc lá vàng sắp rụng. Bên hông nhà nguyện là một cụm thông, lá xanh biếc, vẫn nhởn nhơ, du dương trong gió sớm đầu Đông.
- Chào bác. Kiều Thu, mặt hơi ngơ ngác, tiếp: “Tôi là bề trên tu viện, bác… muốn gặp ai ạ? Chị nhìn cha ngờ ngợ. “Bác có phải là…”.
- Phải. Tôi muốn đi thăm các em mồ côi.
- Bác là phái đoàn kiểm tra ạ? Không đợi cha Ngữ trả lời, chị tiếp: “Phái đoàn có còn ai nữa không ạ?
- Không, chỉ có mình tôi.
- Thế ạ. Mọi lần phái đoàn thanh tra đi đông lắm cơ, bác ạ. Trông bác lạ quá, chắc là bác mới về.
- Tôi mới về được hơn tháng nay, tôi muốn đi thăm các em từ lâu mà hôm nay mới đi được.

Kiều Thu nhìn cha Ngữ, nét băn khoăn, bối rối hiện rõ trên mặt.
- Ay chết. Chị buột miệng. “Mải nói chuyện quá quên mất. Mời bác xơi nước ạ!

Nghe tiếng lép xép ngoài cửa, Kiều Thu ngó ra, thấy thầy Tuyên, vui vẻ nói: “Chào thầy Tuyên. Thầy đi đâu đấy? Lâu lắm rồi hôm nay mới gặp thầy…. Thầy đi với bác này hả?” Kiều Thu hỏi bừa.
- Viện phụ Ngữ đấy chứ bác gì mà bác! Tuyên mỉm cười nói.

Vẻ âu lo tan biến. Đôi mắt linh lợi trở lại. Đôi môi duyên dáng, chín mọng . Kiều Thu nhìn cha Ngữ bằng ánh mắt kinh ngạc đầy trìu mến. “Lạy Chúa tôi, con xin lỗi cha. Từ hôm qua tới giờ con cứ nghĩ là phái đoàn nhà nước cơ. Khi thấy cha, con đã ngờ ngợ nhưng lại không dám tin vào mắt mình. Cha ngồi chờ chút, con đi tìm bề trên.
- Vậy chị không phải là bề trên à?
‑ Thưa phải, nhưng chỉ là bề trên trước mặt người ngoài thôi. Còn trong nhà là người khác.
- Đây là bề trên theo “vụ”, cha ạ. Nghĩa là bề trên theo từng vụ. Tuyên cười hóm hỉnh. “Hay nói như cha con mình mấy bữa nay, đây là bề trên giả”.
- Sao lại có chuyện này, hả Tuyên? Cha cau mày hỏi.
- Vì mỗi lần có bề trên mới phức tạp lắm, cha ạ. Như nhà mình viện phụ Hòa mãi mới xuống được đấy! Nên ai họ đồng ý thì cứ để người ấy tiếp xúc với họ.
- Người ta thọc tay sâu thế vào trong Hội Thánh à! Làm như thế thì có khác gì kiểm soát cả việc chăn gối của vợ chồng người ta, cả những việc trong phòng kín của người ta.
- Cha không biết đấy. Người ta còn huấn đức cả các thầy đại chủng viện, các tu sĩ dòng nữa đấy cha ạ!
- Chuyện ấy là chuyện của giám đốc, ngoài giám đốc ra, không ai làm chuyện ấy cả. Viện phụ cũng không nên làm, trừ phi giám đốc mời, mà lâu lâu mới làm một lần thôi. Mình không có chuyên môn, phải nhờ những người có chuyên môn họ đỡ cho chứ! Nhà nước làm sao đào tạo linh mục Công Giáo được mà đòi huấn đức.
- Thưa cha, Kiều Thu vui vẻ nói: “Đây là chị Vân Yến, bề trên tu viện ạ. Còn đây là viện phụ Ngữ mới từ Tokyo về.
- Chào cha. Con nghe tiếng cha lâu lắm rồi, hôm nay mới hân hạnh được giáp mặt. Cha về lâu chưa ạ?
- Một tháng rồi. Dòng các chị ở Việt Nam có đông không?
- Thưa trên dưới một trăm chị khấn.
- Được bao nhiêu nhà tất cả?
- Được sáu ạ. Nhưng chỉ có nhà này là lớn thôi, còn các nhà khác lụp xụp lắm.
- Lụp xụp có khi lại hay đấy, đúng tinh thần tu trì hơn. Nhà sang quá thế này, ta lại bám vào nhà mà quên cả Chúa thì chết. Mục đích của dòng là gì?
- Thưa chăm sóc cho trẻ mồ côi và con em của những gia đình nghèo ạ.
- Dòng nào cũng chăm sóc người nghèo mà vẫn còn không biết bao nhiêu người bị bỏ rơi. Ơ bên Phi, mục đích của một dòng kia là giáo dục thanh thiếu niên nghèo, thế nhưng người nghèo không bao giờ có thể chen chân vào trường ấy được, toàn con em nhà giàu. Cuối cùng họ phải giải thích là nhận con nhà giàu để có tiền giúp người nghèo… nỗi u hoài hằn trên khuôn mặt, cha hỏi tiếp: “Trại mồ côi của các chị đông không?”
- Thưa được trên dưới một trăm nhưng hết gần một nửa là mồ côi giả. Vì các em có cha mẹ, nhưng nghèo quá.
- Cha đi thăm các em được không?
- Dạ, xin mời cha ạ.

Trại mồ côi là một ngôi nhà hai tầng, tách biệt hẳn với tu viện. Bốn góc sân là bốn cây sakê um tùm. Mùa Đông vẫn chằng chịt lá. Dưới là văn phòng, hội trường, và phòng ăn. Trên là các lớp học và phòng ngủ. Hai cánh là nhà tắm và vệ sinh.
- Xin mời cha vào hội trường, các em đang chờ cha.

Vừa thấy cha bước vào, các em hát vang bài chào mừng. Em nào em nấy áo quần tươm tất, vẫn còn nguyên nếp gấp. Mặt mũi tiều tụy, xanh xao, nhìn xuống chỉ thấy toàn là mắt. Hỏi thăm từng em, cha có cảm giác như các em trả bài thuộc lòng, hơn là trả lời phỏng vấn. Có em vừa trả lời vừa lấm lét ngó các nữ tu. Sau đó Vân Yến dẫn cha đi thăm nhà.
- Chị bảo hơn một trăm cơ mà, đây đâu tới một trăm.
- Thưa những em giả tụi con cho ở nhà hết, vì thành tra.
- Vậy hả? Hèn chi.

Đi ngang nhà cơm, thấy người đang dọn dẹp bia, cam cho vào két, cha Ngữ hỏi: “Sao dẹp những thứ này đi, mang đi cất à?
- Thưa mang đi trả đấy ạ.
- Cha, con nói thật. Mỗi lần có đoàn thanh tra đến, tụi con lại phải sang nhà hàng bên cạnh thuê bia cam, thuê cả thức ăn về bày lên bàn, cho người ta thấy là tụi con lo cho các em chu đáo. Đến giờ ăn, các em vẫn cứ ăn, nhưng không được ăn những thức ấy, chỉ được ngó thôi. Cha thấy tội nghiệp các em như thế đấy.
- Vậy hả? An mà cũng không được ăn thật, phải ăn giả như thế nữa à! Mặt cha hằn lên một buồn mênh mang. “Sao các chị không nói thật để tôi liệu?
- Cha coi. Vân Yến giải thích. “Mỗi suất cha cho, chúng con phải chia ra thành ba suất. Mỗi tháng tụi con phải bù cho mỗi em cả hơn trăm ngàn mới đủ. Tại nhiều em giả quá cha ạ”.
- Trẻ con mà đã phải tiếp xúc với những cái giả dối thế này của người lớn, thì mai mốt chúng nó sẽ chỉ còn bên ngoài là người thật thôi, bên trong là giả hết. Cha Ngữ buột miệng xót xa. Mắt cay xè. Mày cau lại. Môi mím chặt. Mặt đuỗn ra. “Hôm nay, cha cho các em ăn thật. Chị bảo người ta đừng dẹp đi nữa, cứ để nguyên đấy, hết bao nhiêu cha chịu”.
- Vâng, con cám ơn cha. Mặt Vân Yến sáng lên. “Chắc các em thích lắm đấy!
- Chị cho gọi cả các em giả vào nữa nhá.
- Vâng thưa cha… Cha về chơi bao giờ đi?
- Tôi về luôn.
- Vậy… Nét hân hoan trên khuôn mặt Vân Yến như vụt tắt, hằn lên nét âu lo bâng quơ. - Không sao. Tôi đã liệu hết rồi. Trợ cấp của chị vẫn còn nguyên không mất gì đâu mà sợ. Đây là năm trăm ngàn yên, tiền trợ cấp của tháng này và tiền bữa ăn trưa nay. Thôi, chào chị, tôi về kẻo nắng.

Ra khỏi nhà mồ côi, lòng cha Ngữ như chùng xuống. Cha cố tìm mọi cách để biện hộ cho những gì đã chứng kiến mà vẫn không khỏi hoang mang. Chiều hôm ấy, cha ngồi trầm tư suốt buổi trong nhà nguyện. “Nhiều thứ giả quá Chúa ơi. Tai nạn giả, bắt giả, nhà nguyện giả, ngực giả, mũi giả, học giả, bằng giả, tiền giả, Hồi Giáo giả, nhà sư giả, bề trên giả, cô nhi giả đến cả ăn cũng giả nữa. Không biết có còn gì là thật trên đất nước này nữa chăng. Thật giả lẫn lộn thế này thì còn ai tin ai được nữa”. Cha giật mình, hốt hoảng: “Không biết hôm nay các em có được ăn thật không, thật được bao nhiêu phần trăm?

Cả tuần nay, anh em trong đan viện cứ gặp nhau lại xầm xì, bàn tán về chuyện lễ tạ ơn tại nhà tĩnh tâm đan viện. Bức xúc qua, cha Phán đặt thẳng vấn đề với viện phụ Hùng: “Cha có biết chuyện cha Hòa đồng ý cho cha Sơn xứ Long Thuận dâng lễ tạ ơn tại nhà tĩnh tâm đan viện không?”
- Tôi có nghe. Hình như có một anh Việt kiều nào đó, về làm đám cưới giả với một cô thuộc giáo xứ Long Thuận để bảo lãnh cô ta sang Mỹ. Sang được, cô ta sẽ trả cho anh ta hai mươi ngàn đô hay sao ấy. Có đám cưới ở nhà thờ, thì Mỹ dễ tin hơn mà vì không làm đám cưới được nên anh ta mặc đồ chú rể, cô ta mặc đồ cô dâu, đến tham dự thánh lễ, gọi là lễ tạ ơn, rồi chụp hình đưa vào hồ sơ.
- Đúng, cha nghĩ sao?
- Tôi chưa biết phải nghĩ sao.
- Tôi thấy không thể chấp nhận được. Lấy phụng vụ ra để che đậy sự gian dối của mình, lấy Thiên Chúa ra để phỉnh gạt người ta là phạm thượng. Cha Sơn có nhà thờ, sao không làm lễ tạ ơn ở đó mà phải mượn nhà mình. Ong ta sợ tai tiếng nên mượn nhà mình để khỏi tai tiếng. Cha thấy không?
- Bây giờ phải làm sao nhỉ?
- Bảo cha Hòa nói với cha Sơn là viện phụ không đồng ý. Lễ tạ ơn thì được, nhưng không phải là cô dâu, chú rể thì đừng mặc đồ dâu, rể.
- Chuyện tế nhị lắm, cha Phán ạ. Cha Hùng đăm chiêu, suy nghĩ. “Hay đổ thừa cho cụ Ngữ”. Mắt cha Hùng sáng lên, lấp lánh niềm hy vọng.
- Đổ thừa cũng được nhưng phải hỏi ý cụ xem sao.
- Hỏi thì cụ đồng ý là cái chắc rồi, nhưng chỉ sợ cụ hoang mang thêm thôi.

Trưa hôm ấy, nghe cha Hùng nói, tai cha Ngữ lùng bùng. Mắt tối sầm lại, thảng thốt: “Thế à. Thế à”. Một lúc sau, cụ mới bình tĩnh nói: “Dẹp đi thì cũng khó cho cha, nhưng cha nên hỏi họ xem tạ ơn về chuyện gì, và không được để cho họ mặc đồ cưới vào nhà thờ. Không thể lấy Chúa ra chứng giám cho sự gian dối của họ và ta không thể đồng lõa với họ được”.
- Vâng, con cám ơn cha. Đang tính quay đi, như chợt nhớ ra điều gì đó, cha Hùng hỏi tiếp: “Còn chuyện này nữa, thưa cha”.
- Anh em trong nhà mình cứ xin mỗi tuần cho họ dâng lễ bằng tiếng Anh một lần. Con vẫn đang ngần ngại, cha nghĩ sao?
- Lễ tiếng Anh cho ai mới được chứ.
- Cho anh em trong nhà.
- Cha đừng cho. Vì muốn cho ta tham dự trọn vẹn vào phụng vụ thánh, Công Đồng Vatican II đã chấp nhận bị la lối, chống đối, dẹp bỏ tiếng Latinh đã thịnh hành trong Hội Thánh suốt mười lăm thế kỷ. Bây giờ ta lại muốn cử hành phụng vụ bằng một thứ ngôn ngữ lạ hoắc. Không được đâu. Tiếng Anh, tiếng Nhật đã thành như tiếng mẹ đẻ thứ hai của tôi, mà tôi vẫn không thích dâng lễ bằng các thứ tiếng ấy. Tiếng Việt mới là xương, thịt, là máu, là linh hồn tôi. Tôi đến với Thiên Chúa bằng mọi thứ của tôi, chứ không phải bằng những thứ ở ngoài tôi. Nhưng sao họ lại muốn lễ bằng tiếng Anh?
- Họ bảo để anh em tập quen tiếng Anh.
- Như thế là đã lấy cái phụ làm chính rồi, lấy việc gặp gỡ, tiếp xúc và sống với Thiên Chúa để thành phương tiện thực tập tiếng Anh rồi. Tiếng Anh thành mục đích, Thiên Chúa thành phương tiện và một lúc nào đó, không cần phương tiện này nữa, họ sẽ dẹp bỏ luôn. Và hình như hôm này người ta đã đối xử với Thiên Chúa như thế rồi thì phải.
- Hình như vậy. Cha Hùng nói theo cách yếu ớt. Thôi con chào cha.

Cha Ngữ nhìn theo. Hình ảnh cha Hùng nhạt nhòa trước mắt cha. Rồi mọi thứ cũng nhạt nhòa theo. Không gian trước mắt cha chỉ còn là một cõi mơ hồ, không tưởng sâu hun hút. Đầu óc cha như đang bốc thành mây khói. Đất dưới chân cha như đang loãng thành nước. “Đây là thật, hay đây chỉ là giả dối”, tựa hồ như một âm thanh ảo, vọng về từ cõi hư vô.

Cả tháng nay, dù sáng nào cha cũng vẫn đi làm chung với anh em trẻ, nhưng cha vẫn cứ như người mất hồn. Những lúc ngồi một mình trong phòng hay trước Thánh Thể là những lúc cha bị giằng xé nhất. “Ở hay về lại Nhật” đang là vấn đề đòi cha phải quyết định. “Ở lại thì có lợi cho anh em trẻ thật, nhưng những thứ giả dối đang đổ ập xuống trên đầu, không biết mình có đứng vững được chăng”. Cha tự hỏi. “Về lại Nhật thì bình an, nhưng không biết anh em có bảo mình già rồi, làm viện phụ quốc tế bao nhiêu khóa rồi mà vẫn không có lập trường, vẫn nông nổi, bốc đồng chăng. Vả lại, tình anh em bên ấy tuy mặn mà thắm thiết thật nhưng ngôn ngữ, thức ăn, đồ uống, nhà cửa … không phải là Việt Nam, không phải là của mình”. Cha bần thần nhớ bầu khí chân thật trong đan viện Tokyo đến độ có lúc như ngẩn ngơ.

Viện phụ Hùng cũng hoang mang không kém. Từ khi cụ Ngữ về, ông đã điều chỉnh hết chuyện này đến chuyện khác mà vẫn chưa đâu vào đâu cả. Hơn ba mươi năm nay, đời sống Đan Viện Thiên Ân đã mục ruỗng, hệt như một ngôi nhà lá lâu năm, đụng đâu, đổ đó. Bây giờ muốn tái thiết lại đan viện thì phải phá đi làm lại từ đầu. Trong số hơn một trăm anh em khấn, những người sống đời đan tu đúng nghĩa chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. “Nếu có một cuộc thanh lọc thực sự thì mình chắc chắn nằm trong số những người bị sa thải đầu tiên”, ông tự nhủ. Mặt ông đỏ lên. Tai nóng bừng bừng. Môi mím chặt. Ong bực bội với chính mình. “Cây cột chính của đan viện này lại là một cây cột rỗng. Lòng không có Chúa, chỉ có tiền và quyền”. Ong chua chát thốt lên. “Thế mà lại còn muốn làm tiếp khóa nữa!” Ong tự mai mỉa mình. “Nhưng bây giờ mà nghỉ thì biết làm gì?” Rồi, như một bản năng tự vệ, ông nhắm chặt mắt, cố quên đi những day dứt trong lòng. Ong mở choàng mắt ra, kiêu hãnh nói: “Không có tôi, ai xây được nhà này. Không có tôi, ai mời được các chuyên gia ngoại quốc về thường huấn cho anh em. Anh em phải thấy tôi có khả năng mới bầu làm viện phụ chứ… tôi không có khả năng, sao lại được mời vào các ủy ban của hội đồng giám mục…”. Im lặng một lát để nhìn lại những thành tích đã đạt được mấy năm qua, ông nói chắc như đinh đóng cột: “Không, không phải điều chỉnh gì hết cả. Cụ Ngữ muốn ở lại Việt Nam, thì phải thích nghi với Việt Nam, không thích nghi được thì mời cụ về lại Nhật”.

Trời đã nhá nhem. Con chim quốc bắt đầu kêu như khóc. Gió lạnh. Cây lao xao. Từng đàn đom đóm lập lòe trước ngõ. Đan viện hệt như một bãi tha ma.
- Viện phụ đâu rồi. Cha Phán hỏi. “Đi đâu mà phòng vẫn tối thui thế này?
- Tôi đây, có chuyện gì đấy, anh Phán?
- Có tin vui. Cha Phán nói lớn cố ý cho cả nhà cùng nghe. “Thầy Tâm được chịu chức đợt này cùng với một anh Phanxicô và hai mươi lăm anh em chủng sinh khác”.
- Vậy hả? Cha Hùng hỏi hờ hững. “Có chắc không hay lại như những lần trước?”
- Chắc. Quyết định đây.
- Khi nào phong chức?
- Nghe đâu đức cha định sau Noel và trước tết tây.
- Thế cũng tiện, còn gần tháng nữa, lo liệu kịp.

Gần đến ngày phong chức, Tuyên hỏi: “Cha ơi. Ngày mai lễ phong chức của anh Tâm nhà mình đấy, cha có đi không? Anh này tội nghiệp lắm, chờ 18 năm, nay mới được.
- Già rồi bây giờ đi đâu ngại lắm nhưng phải đi để cầu nguyện cho anh em mình chứ. - Cha đi với ai?
- Cha không biết, nhà mình có xe đi không?
- Con nghe nói viện phụ thuê hai chiếc xe cho anh em đi hay sao ấy.
- Vậy hả?

Trời cuối Đông, đã gần chính ngọ mà nắng vẫn nhợt nhạt như mới tàn cơn mưa. Cây cối ủ rũ, như còn ngái ngủ. Chỉ mỗi cây sầu đông, gốc sần sùi, nhăn nheo như một lão ông đã gần trăm tuổi, nhưng lá vẫn đỏ rực, nhụy vàng chóe, thỉnh thoảng lại dập dềnh, đong đưa, nhộn nhạo như lũ trẻ giờ tan học. Vài con chim chích đuổi nhau, ríu rít trên cành cây lá lơ thơ, lác đác. Con Tumi vẫn quấn quít bên chân cha Ngữ, bỗng phóng vụt đi, đuổi theo một con chuột nhắt, đang rụt rè cửa hang. Cha Ngữ vẫn đăm chiêu nhìn hàng mộ thẳng tắp, nằm dưới rặng phi lao, lúc nào cũng du dương. “Đây đúng là cõi bình an, chân thật”, cha tự nhủ.

Sáng hôm ấy, nhà thờ chính tòa, cờ xí rợp trời. Người người tấp nập. Ao quần tươm tất, bảnh bao. Các thiếu nữ, áo dài tha thướt, xếp thành hai hàng làm hàng rào từ cổng vào đến tận cuối nhà thờ nơi khởi hành cuộc rước. Các linh mục đồng tế, tay cầm áo lễ, tụm năm, tụm ba, nói cười rôm rả. Các tiến chức, áo alba mới tinh, trắng muốt, đầu láng bóng, mặt rạng rỡ, đã xếp thành hàng sẵn, chờ đức giám mục. Đội kèn đồng cuối nhà thờ trổi vang bài chào mừng, báo hiệu đức giám mục đã tới. Các linh mục lật đật giở áo ra, choàng vội vào, rồi chen nhau lên phía trước, chẳng ai muốn đứng gần vị chủ tế. Cha Ngữ lững tha lững thững, chẳng biết đứng vào đâu, bị đẩy xuống tận phía sau. Đức giám mục giáo phận, tuổi ngoài năm mươi, miệng luôn mỉm cười, giơ tay chào mọi người giữa những tiếng vỗ tay dài như bất tận, mặt vẫn hằn lên nỗi âu lo.
- Con chào đức cha.
- Ơ. Viện phụ Ngữ. Ngài về Việt Nam hồi nào?
- Con về được hai tháng rồi, muốn lên thăm đức cha mà chẳng biết phải đi bằng cách nào…

Con chúc mừng đức cha. Ở Tokyo, vài năm mới được một linh mục, còn ở đây, năm nào cũng được, năm nay lại được tới hai mươi lăm vị.
- Hai mươi lăm ngọn gió này, nếu là gió lành thì đúng là đại phúc, nhưng nếu chỉ cần một, hai ngọn gió chướng thôi thì có khi phá sập cả một lâu đài đấy, viện phụ ạ. Cầu nguyện nhiều cho các thầy.

Từ ngàn xưa, cha đã yêu con, cha gọi con giữa muôn người…”, bài ca nhập lễ vang lên thánh thót nhịp nhàng đang đưa cha Ngữ trở về lại với kỷ niệm của bốn mươi tám năm về trước, cũng tại đây, giờ này, cha sắp được thụ phong linh mục. Những tâm tình ngày xưa ấy đang sống lại, khiến cha nghẹn ngào, xúc động. Cha có cảm giác lâng lâng như mình đang được ngụp lặn trong biển tình bao la của Thiên Chúa. Suốt bốn mươi tám năm qua, cha đã cảm nghiệm cách rõ ràng mãnh liệt, Thiên Chúa đúng là một Thiên Chúa chỉ biết yêu thương và tha thứ, sẵn sàng chịu thiệt thòi, chịu mất tất cả, kể cả mạng sống để được ta, là những kẻ phản bội. Cha đang đi trên đất nhưng lại có cảm giác như đang bay lượn trên trời, đang ở nơi dương thế nhưng lại thấy như mình đã vào chốn thiên cung. Cha đã gần tám mươi, đã từng bươn chải, ngược xuôi đây đó, nhưng lúc này lại có cảm giác như một em bé đang được bồng ẵm trên tay. Mọi sự như đang mờ dần đi trong mắt cha, tạo nên một bức tranh thủy mạc huyền hoặc, nửa thật, nửa hư. Cha thấy như có một sức mạnh vô hình đang nhấc bổng cha lên, thấy mình nhẹ tênh như một chùm bóng bay. Thình lình, tiếng đôi co, xô xát của một cặp vợ chồng nào đó ở ngay cuối nhà thờ, ném cha trở về lại nơi dương thế.
- Tôi đã bảo, ông muốn đi, thì cứ đi một mình, kéo tôi đi với ông làm gì thế này, để bây giờ chỗ cũng không có mà ngồi.
- Có chỗ chứ sao lại không. Người chồng vẫn nhẹ nhàng, giọng như dỗ dành.
- Nhưng chỗ ấy không phải là của mình. Giọng bà nghèn nghẹn, thỉnh thoảng lại nấc lên: “Tôi cưu mang nó chín tháng trong dạ, ba năm bồng ẵm trên tay cho bú mớm, tã lót, cứt đái một tay này dọn. Ba mươi năm nay, cái ngon không dám ăn, cái đẹp không dám mặc, chắt chịu từng đồng để nó có được ngày hôm nay. Thế mà…”. Bà nói trong tiếng nghẹn ngào, cay đắng. “Nó đã hất bụng dạ đã cưu mang nó, vú đã cho nó bú, bàn tay đã bồng ẵm nó. Bây giờ nó có người khác rồi, nó cần gì mình nữa, đến đây chỉ làm cho nó thêm khó xử thôi. Đi về ông ạ!” Giọt nước mắt tràn mi, lăn dài trên gò má nhăn nheo, khắc khổ.
- Bà nói bé thôi, người ta nghe thấy tội nghiệp nó. Người chồng nói trong nước mắt. “Vì nó có ân, có oán với người ta, nên nó đã phải xin vợ chồng mình cho phép nó để cho người ta mang áo lễ lên mặc cho nó ngày hôm nay. Bà đã đồng ý rồi đấy thây. Sao bây giờ bà lại hờn dỗi thế này”. Ong nắm tay bà. Mắt khép hờ, để rơi giọt nước mắt tủi hờn.
- Mặc áo lễ cho nó là quyền của kẻ đẻ ra nó, không ai được đụng vào quyền thiêng liêng bất khả xân phạm này. Cả đến Thiên Chúa cũng không làm thế. Giọng bà nhẹ lại, ngập ngừng, thì thầm trong từng tiếng nấc. “Thế mà con tôi đã…” Bà giơ tay quệt hàng nước mắt đang trào tuôn lai láng. “Thôi, ông vào một mình đi, tôi đi về đây. Tôi nhục lắm. Con làm linh mục kiểu này không ham!”. Bà mai mỉa.
- Bà không sợ nó buồn à?
- Nó có sợ tôi buồn đâu!
- Bà là mẹ nó, dù sao nó vẫn là con bà, là một phần của thân thể bà. Về bây giờ, bà sẽ vĩnh viễn mất nó, mất cả bản thân bà.
- Tôi đã mất nó từ hôm nó xin cho người ta mặc áo lễ cho nó cơ! Mặt bà đanh lại, mắt ráo hoảnh, bà tiếp: “Bây giờ mất luôn để chỉ phải đau một lần, chứ lúc còn lúc mất thế này, sẽ đau suốt đời”.
- Tôi năn nỉ bà. Con mình xấu, tôi biết, tôi không bênh nó đâu. Tôi cũng đau mà còn đau hơn bà nữa… Ong ngập ngừng: “Nhưng không cầu nguyện cho nó lúc này, thì còn cầu lúc nào nữa. Lời cầu nguyện cùng với nỗi đau này, hy vọng Chúa sẽ biến đổi nó, bà ạ”.

Tai cha Ngữ lùng bùng. Mắt tối sầm. Lòng thắt lại. “Không biết đức giám mục có biết chuyện này không? Không biết ông tiến chức ấy có thấy cảnh này không? Đến cha mẹ ruột mà còn đối xử như thế, thì chắc chắn Thiên Chúa người ta cũng sẽ xử như thế thôi”. Hằng trăm câu hỏi cứ lần lượt hiện lên trong đầu óc cha. Nhìn hai mươi bảy anh em tiến chức, trong những chiếc áo alba trắng tinh, không một nếp nhăn mà cha chỉ thấy thân thể Chúa lõa lồ, trần trụi, đang rỉ máu.

Thánh lễ đã hết phần phụng vụ Lời Chúa mà cha vẫn chưa hết lo ra. Hình ảnh của cặp vợ chồng ban sáng như đang tạo nên một ung nhọt trong lòng cha. “Sau đây là nghi thức phong chức”. Lời của vị dẫn lễ đã kéo cha trở lại với thực tế. Hai mươi bảy tiến chức lần lượt xếp thành hàng ngang trước mặt đức giám mục. Cha nhìn mặt từng người, không sao cưỡng lại cơn cám dỗ tìm xem ai là người đã tước mất của cha mẹ ruột mình quyền được làm cha mẹ trong ngày thụ phong. Hai mươi lăm chủng sinh, người nào, mặt cũng hân hoan xen lẫn với những nét âu lo, căng thẳng. Cha Ngữ bỗng giật mình, khi nghe xướng danh: “Thầy Tôma Nguyễn Công Tâm, Đan Viện Thiên An. “Ong này quen quá”, cha buột miệng. “Sao cả mấy tháng nay mình không gặp ông ta ở đan viện nhỉ… chắc chắn mình đã gặp ông này ở đâu rồi đó”. Cha bắt đầu quay về với ký ức, xục xạo khắp nơi, cố tìm xem cha đã gặp người này ở đâu, mà không sao tìm được.
- Con có hứa vâng phục giám mục giáo phận và bề trên hợp pháp của con không? Đức giám mục chất vấn Tâm.
- Thưa, con hứa.
“Giọng Vinh”. Cha Ngữ chau mày, thốt lên như thể sắp lần ra manh mối. Nghi thức phong chức kéo dài cả tiếng đồng hồ đã sắp kết thúc mà đầu óc cha vẫn rối như một mớ bòng bong. Khi chúc bình an cho Tâm, cha phát hiện một nốt ruồi to nằm ngay giữa lông mày phải. “À. Đúng rồi!” cha buột miệng. Rồi quá khứ của mười năm về trước hiện về trong trí cha. Có lần Tâm sang Tokyo, tự xưng là linh mục, và ngày nào cũng đồng tế với anh em trong cộng đoàn. “Nếu chưa là linh mục mà đã làm lễ, thì không bao giờ được làm linh mục nữa. Đó là luật”. Cha băn khoăn nhắc lại. “Như thế nghĩa là lễ phong chức hôm nay không thành sự”. Cha lại bâng khuâng tự hỏi: “Mà không biết anh này có phải là anh Tâm ấy không. Nếu có một anh Tâm nào đó, trùng tên và trông giống anh ta thì sao? Lỡ anh Tâm sang Tokyo không phải là anh này thì sao?” Hàng loạt những thắc mắc như thế cứ lởn vởn trong đầu cha.

Lễ xong, trời đã quá trưa. Nắng vẫn nhạt nhòa. Khi các tân chức đang tất ba, tất bật với việc chụp hình lưu niệm. Cha Ngữ lẳng lặng đi nhanh về phía giáo dân, cố tìm cặp vợ chồng ban sáng mà không tìm được. “Chắc buồn quá, họ về mất rồi!” cha tự nhủ.

Thấy cha đang dáo dác như thể tìm ai, Tuyên chạy tới: “Cha ơi, cha có dự tiệc không hay về. Ở đây có tục cứ lễ xong, mỗi người được một tô phở và một lon bia thôi”.
- Thế à? Vậy thôi, ta đi về.
- Xe mình cũng đang chờ cha.
- Thế à. Cha vừa đi, vừa như đang cố tìm một cái gì đó. Một tân linh mục đang ôm một bà cụ hom hem. Mặt không son phấn. Ao quần nghèo khổ. Nước mắt dàn dụa. Chỗ khác, các cô gái áo dài tha thướt, phấn son lòe loẹt, đang chen lấn nhau chụp hình chung với các tân chức. Mặt tươi rói.

Vừa thấy cha lên xe, Tấn hỏi: “Lễ hôm nay thế nào, thưa cha?”
- Long trọng quá làm cha nhớ lại 48 năm về trước. Cha cũng chịu chức ở đây, các bài hát cũng gần giống như năm ấy.
- Cha có để ý ông thầy đứng thứ ba từ trái sang không, đứng phía bên cha ấy? Tuyên hỏi. Không đợi cha Ngữ trả lời, Tuyên tiếp: “Ong bà đưa áo lễ lên mặc cho ông ấy không phải là ông bà cố thật”.
- Thế à? Cha Ngữ ngạc nhiên hỏi.
- Ong không biết gì, toàn ăn ốc nói mò không hà! Tấn nhìn Tuyên bực bội nói.
- Thật mà. Nhà ông ấy ở sát bên nhà con mà.
- Sao lạ thế nhỉ? Cha Ngữ làm bộ hỏi. Hình ảnh cặp vợ chồng ban sáng hiện về trong đầu cha. Những lời của họ vang lên trong lòng cha: “Tôi cưu mang nó chín tháng trong dạ, ba năm bồng ẵm trên tay cho bú mớm, tã lót một tay này giặt, cứt đái một tay này dọn. Ba mươi năm nay, cái ngon không dám ăn, cái đẹp không dám mặc, chắt chiu từng đồng để nó có được ngày hôm nay. Thế mà nó đã hất bụng dạ đã cưu mang nó, vú đã cho nó bú, bàn tay đã nâng niu nó đi. Bây giờ nó có người khác rồi, nó cần gì mình nữa, mình đến đây chỉ làm cho nó thêm khó xử thôi. Đi về ông ạ!”
- Ong ấy tên là Như. Từ khi sắp chịu chức, thấy nhà mình nghèo, sợ cha mẹ tổ chức lễ tạ ơn không chu đáo, nên đã nhận cha mẹ nuôi để đỡ gánh nặng cho cha mẹ mình. Mà cha mẹ nuôi này đòi phải để họ mặc áo lễ cho, họ mới chịu… Nghe đâu ông bà cố buồn lắm, không biết hôm nay có đi dự lễ không nữa chứ!
- Có, cha thấy. Nghèo đâu phải là một tội. Lễ tạ ơn đâu phải là lúc để phô trương mà cần phải bày biện làm gì cho khổ cơ chứ.
- Nghe đâu ông cố thì chịu vậy, còn bà cố thì dứt khoát không chịu. Không biết bây giờ thế nào.
- Từ nay, ông này sẽ bắt đầu khốn khổ, sẽ không còn được tự do lo việc Chúa nữa, sẽ thành nô lệ cho gia đình người ta. Gia đình họ có chuyện gì mình cũng phải có mặt. Đi tu không có gia đình để tự do lo việc Chúa, thế mà chỉ vì tiền, người ta đã tự biến mình thành nô lệ cho người khác. Thật buồn. Cha Ngữ lắc đầu nguây nguẩy.
- Đời bây giờ đều thế cả, cha ạ. Có người nhận hai, ba bố mẹ nuôi, để vừa có xe hơi đi, vừa có vi tính xài…
Mặt Tấn đỏ lên, bực bội, nói: “Ong chỉ khéo thêu dệt”.
- Có tật giật mình. Tôi có nhắm ai đâu. Cả trong đan viện mình cũng đầy người như thế.

Cha Ngữ im lặng. Mặt hằn lên nỗi xót xa. Trời vẫn ủ ê. Gió vẫn hây lạnh. Suốt cả chiều hôm ấy, cha thấy bần thần như người đang lên cơn sốt. Hai lần cha định đi gõ cửa phòng viện phụ hỏi cho ra lẽ về chuyện Tâm, nhưng lại thôi. “Đàng nào chuyện cũng đã xong rồi, từ từ nói cũng được” cha tự nhủ.
Sau giờ kinh chiều hôm ấy, cha đang lần chuỗi trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi thì viện phụ tới: “Chào cha”.
- Chào viện phụ. Không cầm được những bức xúc trong lòng, cha cầm tay, kéo viện phụ ra đằng sau tượng Đức Mẹ, hỏi nhỏ: “Từ sáng tới giờ, tôi bức xúc lắm. Đã hai lần tôi định tới gặp cha, nhưng lại thôi. Tôi hỏi thật cha, ông Tâm hôm nay chịu chức có phải là ông đã sang Tokyo cách đây mười năm không?”
- Thưa phải ạ.
- Thôi chết rồi. Cha Ngữ la lên. “Khi sang bên ấy, ông ta đã làm lễ rồi, sao bây giờ mới chịu chức?
- Thưa cha. Xin cha giữ kín cho. Trong nhà này không ai biết, trừ con và cha. Ong ấy đã chịu chức “chui” cách đây mười hai năm rồi, nay nhà nước mới cho phép, nên con ghép ông vào số những người được chịu chức hôm nay để hợp thức hóa cho ông luôn.
- Vậy ra ta đánh lừa cả Thiên Chúa và Hội Thánh à? Bí tích đã thành sự rồi, thì không bao giờ được cử hành lại cả, cha có biết không? Cha Ngữ dằn từng tiếng một, giọng chát chúa.
- Con biết, nhưng …
- Đức cha có biết không?
- Con không trình đức cha.
- Hóa ra hôm nay tôi đi dự lễ phong chức giả của một người anh em mình. Cha đứng chết lặng một lúc thật lâu. Trời đã nhá nhem. Gió lao xao. Tuyên cũng đứng chết lặng đằng sau mà cha Ngữ không biết. Rồi bất thần, cha Ngữ nắm lấy tay cha Hùng hỏi: “Vậy cha là thật hay giả?”

Cha Hùng im lặng, không nói. Thấy cha bước đi loạng choạng, Tuyên chạy vội tới, dìu cha đi.
- Ai đây?
- Con, Tuyên đây ạ
Cha Ngữ nắm lấy cánh tay Tuyên hồi lâu, hỏi: “Con là thật hay giả?
- Dạ. Tuyên nhanh nhẩu. “Lúc thật, lúc giả ạ!”
- Thế à. Cha Ngữ buông tay Tuyên ra, ôm chầm lấy cây thánh giá trước mặt, nói: “Chắc chỉ còn mỗi cây thánh giá này là thật thôi, Chúa ạ”. Nói xong, cha quỵ xuống. Tuyên đỡ cha lên, nói nhỏ: “Cả cây thánh giá ấy cũng không thật ạ. Cây thánh giá nặng năm mươi kg bạc của cha đã bị lấy cắp từ lâu rồi, từ thời bao cấp cơ. Đây là cây thánh giá giả”.
- Hả? Cái gì? Cha Ngữ la lên.

Mắt cha hoa lên. Mọi sự như tối sầm lại. Cha buột miệng: “Tất cả những thứ giả dối này đang làm nên một vết thương thật trong thân mình Chúa”. Nói xong, cha ngã vào tay Tuyên.

Trong tăm tối dầy đặc, cha mơ hồ nghe như có người đang hát: “Cận thân Chúa khiến lìa xa. Chung quanh bầu bạn chỉ là bóng đêm”.

Nguyễn Đức Thông, CssR