Friday 30 April 2010

Lm Richard Leonard sj: Hy sinh ở đời

“Cô gái Việt Nam ơi!
nếu chữ "hy sinh" có ở đời
tôi muốn nạm vàng muôn cực khổ
cho lòng cô gái Việt
Nam tươi.”

(thơ Hồ Dzếnh)

Nói chữ “hy sinh” ở đời, sao chỉ giới hạn với cô gái Việt Nam, thôi. Hy sinh ở đời, nay vẫn muốn. Những muốn nạm vàng cực khổ, để mọi người vui. Vui vì những “hy sinh” có ở đời, là ý nghĩa mọi cuộc tình. Tình đời. Tình người. Tình Chúa với dân con nhà Đạo. Như trình thuật thánh sử nói hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh sử Gio-an nói về một tình yêu rất đặc biệt. Thứ tình trọn đầy ý nghĩa mà Đức Chúa đã làm gương. Tình Chúa nêu gương, là tình Ngài bày tỏ không chỉ riêng tư, có một người. Như tình người dưới thế, ta luôn có với nhau. Tình Thầy luôn yêu, là tình đượm sắc mầu thương mến, rất hy sinh. Thầy hy sinh cho tất cả. Hy sinh đến chết. Hy sinh để ta được sống. Để ta cứ yêu. Yêu như Thầy vẫn hy sinh.

Ngôn ngữ phàm trần, không thấy có cụm từ nào được người đời biết đến, nhiều bằng từ ngữ “yêu”. Yêu, là phạm trù phổ biến dễ truy cập nhất. Một đề tài nói đến cả trong mọi trường hợp. Mọi địa hạt: từ nghệ thuật đến văn chương, thi tứ. Từ thơ nhạc, cho đến phim ảnh văn xuôi, truyện ngắn. Nhất nhất, nói về tình yêu. Tình yêu có chữ “hy sinh” ở đời, là tình ta nghe biết nhiều nhất.

Với đời thường, tình yêu là cảm xúc ướt át, diễm lệ mọi người quanh ta, hằng đeo đuổi. Đeo và đuổi cho đến khi nào không thể làm gì hơn được nữa, mới thôi. Yêu, theo nghĩa dân gian người phàm, là tình thấy đầy nơi phố chợ. Ở đó, có tình đằm thắm lúc ban đầu. Nhưng, nhạt dần với tháng năm. Tình nào không kèm chữ “hy sinh”, chung cuộc rồi ra cũng sẽ chán. Rất chán, khi vừa xuất hiện đối tượng mới. Đối tượng tươi trẻ, hấp dẫn hơn. Tràn đầy nhựa sống hơn.

Tình đời mau chán, bởi người người chỉ chú trọng đến xác thân. Đến dục tính. Tình đời loại này, thường dẫn đến điểm thoát rất nhanh, nơi đọan cuối của đường hầm, nhiều tăm tối. Nôm na hơn, ta gọi đấy:“tình là tình nhiều khi không rồi có”, hoặc: “tình là tình nhiều lúc có cũng như không”. Tình như thế, tuyệt nhiên là tình không mang dáng vẻ “hy sinh” nghĩa hiệp, nào hết.

Tình “có hy sinh”, là mối tình được thể hiện bằng hành động, chứ không phải bằng lời. Tình đó là tình được dặn dò khuyên nhủ, như một lệnh truyền ngày Chúa giã từ, với chia tay. Lệnh truyền Chúa nơi tình có hy sinh vẫn được nhấn mạnh rất nhiều lần; vì Ngài vẫn thường bảo: “với dấu này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Yn 13: 35)

Làm người, ai cũng từng hơn một lần, đã biết yêu. Là môn đệ của Thầy, người người lại càng phải biết yêu thương nhau nồng nàn hơn nữa. Yêu, say đắm hơn bao giờ hết. Yêu, như Thầy vẫn thương chúng ta. Yêu thương nhau, là thứ tình thực tiễn được đánh giá qua cách thức ta đối xử với nhau. Xử sự với nhau, thật hiền hòa. Thật tử tế. Ta hành xử với nhau thật kiên nhẫn. Rất chịu đựng.

Tình ta thương nhau, là tình của những người đồ đệ theo chân Chúa. Đó là tình không kiêu sa. Cũng chẳng mượt mà, trau chuốt đánh bóng chính người mình. Tình ta thương nhau, như tình Chúa yêu ta là tình không dày đạp người khác. Dày vùi và đạp lên đó để mọi người nhìn mình cho rõ, như người hùng anh cần được yêu. Phải được tôn kính. Tình ta thương nhau, là cùng vui với người vui. Cùng khóc với người đang khóc. Cùng đạt ước nguyện tạo niềm vui cho nhau. Tình ta thương nhau, là biết thương tiếc khóc than vì người khác đã mất mát. Từng khổ đau.

Yêu thương nhau như tình Thầy yêu ta, là biết nói lên sự thật. Với lòng xót thương không bến bờ.Yêu thương nhau như Thầy yêu ta, là yêu thương đấy, vẫn yêu trong hy sinh tha thứ cho người mình thương yêu. Thương yêu rất mực tin tưởng vào người mình yêu thương. Yêu trong kiên định, cả vào những giây phút gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Yêu, cả vào lúc thấy có khổ đau. Những lúc đang trầm mình dưới bùn đen, ở dưới thấp. Yêu như thế, mới giống tình Chúa yêu thương mọi người, không xét nét.

Tình có hy sinh là chấp nhận thua thiệt, để người kia được lợi. Yêu trong hy sinh, là biết tự kiềm chế mọi đam mê, dục vọng. Yêu rất hy sinh, là như thể đang chết dần chết mòn cho những cảm xúc vinh vang, hãnh tiến. Yêu trong hy sinh, là chết đi cho chính mình. Chết cho con người mình. Chết, không phải về thể xác. Mà, chết cho nhu cầu xác thân, tạm bợ. Dù, nhu cầu ấy vẫn chính đáng. Vẫn rất cần.

Yêu trong hy sinh, càng không phải là yêu với mặc cảm tội lỗi. Mặc cảm thâm trầm, vì đã làm điều bất ưng và bất xứng, nay muốn tự hủy. Tự hủy, bằng tâm trạng âm thầm, khúm núm, cúi đầu sợ sệt. Yêu trong hy sinh, càng không phải là những khuyên răn, khích lệ bạn bè nguời thân hãy có cùng tâm trạng hủy diệt, vùi dập thân xác như mình. Nói khác đi, tình “có hy sinh”, là quà tặng Chúa ban nhưng-không gửi đến để người người chấp nhận một chọn lựa. Chấp nhận cơ hội vinh thăng cho tình yêu ta đang có, sẽ ngày càng tốt đẹp hơn lên.

Với dặn dò đàn con biết tỏ bày tình có hy sinh, Đức Chúa đã nêu gương để ta cũng có cử chỉ tự hạ làm người thấp hèn. Ngài tự giáng hạ vào chốn nghèo hèn, để Thiên Chúa là Cha sẽ nâng Ngài lên nơi vinh hiển. Noi gương Chúa, ta cũng tự hạ chính mình nhịn nhường mọi vinh hoa, phú quý sang qua người khác. Nhường nhau, để tạo cuộc sống mới dồi dào sức sống.

Tự hạ, nhưng không tự hủy. Tự hạ, không có nghĩa dứt bỏ phẩm giá con người rất vinh quang. Vinh quang, vì mang thân phận làm con dân Đức Chúa. Tự hạ, là tự giảm chính mình xuống mức thấp hơn người khác. Tự đặt mình ở mức thấp, để người khác được nổi bật hơn, hạnh phúc hơn mình. Thực tế, trong sống đời dân gian trầm hạ, cũng nên tìm ra phương cách hoặc động thái khả dĩ giúp ta cởi thoát những hành vi không mang đặc thù của người con yêu Đức Chúa. Cởi thoát, là tự mình không đòi ở chỗ cao, trên người khác. Hoặc, người khác phải cảm nhận công sức mình, đã bỏ ra. Cởi thoát, là không đòi cho được quyền ra lệnh người khác thực hành ý kiến của mình.

Tham dự tiệc thương yêu hôm nay, ta cầu mong Thầy Chí Thánh giúp ta yêu thương mọi người như một nhân vị, chứ không như sự vật. Cầu và mong sao, ta tạo được cho mình và mọi người những tình tự “có hy sinh” đưa ta vào cuộc sống rất vui. Sống can đảm, để giải quyết mọi bất đồng trong tương quan với mọi người chung quanh. Cầu và mong sao, tình của ta luôn là tình “có hy sinh” như Đức Chúa từng dạy bảo. Và cầu mong sao, trong yêu thương giao dịch, tình của ta với người, vẫn là tình hy sinh ở mức cao độ, như Thầy thương ta.

Trong hân hoan cầu và mong như thế, ta cũng hăng say cùng người nghệ sĩ hát bát ca của người tự do con cái Chúa, hát rằng:

Hôm nay ta yêu, yêu tình nước non ngập lòng,

Hôm nay ta thương, thương khắp nhân lọai trên đời

Lời tha thiết, bài thơ khúc ca ân tình

Ta sẽ xây nguồn vui dựng một ngày mai.

(Xuân Lôi – Y Vân 29/12/1961)

Vâng. Yêu thương, là thương khắp nhân lọai trên đời. Yêu như thế, ta sẽ xây nguồn vui dựng ngày mai. Ngày của trời mới. Đất mới. Nơi, có “chữ Hy sinh” trong mọi thứ tình. Tình ta yêu Chúa. Yêu thương mọi người. Yêu “có hy sinh”. Và, rất trữ tình.

LmRichard Leonard sj

Mai Tá diễn dịch

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào đọ:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Thursday 29 April 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Một người là Con Thiên Chúa cả họ loài người được nhờ


Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Ngài đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”. Nhập thể như thế cũng là “nhập tịch”, đi vào dòng dõi loài người, trở nên anh em bà con với mọi người.

Loài người vốn không phải chỉ là một khái niệm trừu tượng y những khái niệm trừu tượng khác. Cũng không phải chỉ là một tập hợp, một tổng số cá thể có giống nhau đến đâu đi nữa nhưng lại không “ăn nhằm” gì với nhau: một lô xe Cub, một đống gạch, một hũ tương hoặc một lứa cá mè. Loài người là một toàn thể những chủ vị vừa độc đáo, độc lập vừa liên hệ, liên đới với nhau từ nguyên khởi và một cách tất yếu. Có gì tương tự như một dàn nhạc giao hưởng: mỗi nhạc khí vừa có âm sắc riêng vừa chỉ hoàn toàn và thực sự là mình trong mối “giao hưởng” với tất cả các nhạc khí khác.

Nhập thể đối với Ngôi Lời không phải là làm người riêng lẻ - một thứ “anh hùng cô đơn” – mà là nhập vào thực tại liên hệ, liên đới giữa người với người. Con Thiên Chúa làm người với người. Tư cách “Emmanuel” có thể hiểu theo một kích thước sâu xa, căn bản nhất. Ở cùng chúng ta, Ngôi Lời cũng làm người với mỗi người phần nào như vẫn là Thiên Chúa duy nhất với Cha và Thánh Thần. Chúa Giêsu vừa là một vị trong hai bản tính, vừa là một vị trong hai thế liên vị. Ngài vừa là vị trong tương quan với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vừa cũng là Vị ấy trong mối liên đới đại đồng với toàn thể loài người.

a. Chúa Giêsu là vị với toàn thể các nhân vị:

Chúa Giêsu là vị với toàn thể các nhân vị cho nên Ngài chia sẻ, liên đới hết mức có thể được với thân phận con người, liên đới hoàn toàn đến nỗi chỉ ngoại trừ chính tội lỗi là điều tuyệt đối không thể phù hợp với thiên tính trọn lành, chí thánh của Ngài. “Hủy mình ra không”, “lĩnh lấy thân phận tôi đòi”, “trở thành giống hẳn người ta”, “đem thân đội lốt người phàm” (Pl 2,7), Ngài “không phải là người không thể thông cảm với nỗi yếu hèn của chúng ta, song là Đấng đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tự, trừ phi là tội” (Dt 4,15). Trừ phi là tội, nhưng chỉ trừ phi là tội trong cái cốt cách cuối cùng của tội. Vì Ngài đã mang lấy cả “xác thịt tội lỗi” (Rm 8,3), chấp nhận sống dưới chế độ tội lỗi, chịu mọi hậu quả ô nhục và đau đớn của tội lỗi, “cho đến (cả cái) chết, và là cái chết trên thập giá” (Pl 2,8). Trước khi là sự sống lại vinh quang và tràn trề ân sủng, tự nó, cái chết của Ngài là cái chết của “đồ chúc dữ”: “Ngài đã nên đồ chúc dữ vì ta, bởi đã viết: là đồ chúc dữ phàm ai bị treo cây gỗ” (Gl 3,13). Trừ phi là tội, nhưng cũng chính thánh Phaolô không ngại quả quyết: “Đấng không hề biết tội thì vì ta Thiên Chúa cho làm thành sự tội ngõ hầu trong Ngài ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa” (2Cr 5,21).

b. Nhưng cũng chính vị Giêsu đó lại là Vị Con với Vị Cha và Vị Thánh Thần:

Ngài là Con Thiên Chúa. Do đó nhập thể cũng là đổi chiều, đổi hướng từ căn bản, từ nguyên khởi mối quan hệ, liên đới nhân sinh. Vì có một con người cũng là Con một Thiên Chúa, Con chí ái của Thiên Chúa, hoàn toàn vô tội và tuyệt đối thánh thiện, cho nên mỗi nhân vị, từ căn bản, từ chính tư cách làm người của mình đều có liên hệ với Adam mới này, đều cũng được liên đới với sự thánh thiện của Ngài, với ân sủng là chính Ngài. Nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài mọi người đều được đưa vào một mối liên hệ, liên đới mới với nhau và tham dự vào một tương quan hoàn toàn mới mẻ so với tương quan thụ tạo đối với Thiên Chúa. Hay cũng có thể nói, chính vì Ngài đích thân nhập vào “giữa mọi thụ sinh” nên chính tương quan thụ tạo được hoàn toàn biến đổi, thành tương quan thụ tạo “trong Ngài”: Ngài là “trưởng tử giữa mọi thụ sinh, vì trong Ngài vạn vật đã được tạo thành…Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử giữa các vong nhân” (Cl 1,15-18).

Rõ ràng trong nhãn giới Thánh Phaolô vị trí “trưởng tử” này mới là định đoạt, dứt khoát, mới là then chốt, mới là “khởi nguyên” trước mọi khởi nguyên. Tội tổ tông, tình trạng mất tình nghĩa, ân sủng Thiên Chúa do bởi tội Adam là có thật đối với lòng tin, nhưng không thể vì tin có tội tổ tông mà bỏ qua mối liên hệ, liên đới kia với Chúa Kitô, cho dẫu mối liên hệ, liên đới ấy chưa có danh xưng thần học nhất định (1).

c. Liên hệ nguyên khởi giữa mọi người với Chúa Kitô:

1. Là liên hệ ưu thắng, cốt thiết, quyết định hơn liên hệ với Adam cũ. Mỗi chúng ta là người – với – Chúa – Kitô còn hơn là người – với – Adam – cũ, và ngay từ trong tư cách làm người, làm người tự nó là vinh hơn là nhục, một ơn huệ hơn là một rủi ro, một ơn huệ khởi đầu, một ơn huệ căn bản. Như vậy, ngay ở mức suy nghĩ này, ta cũng đã có thể thấy ý nghĩa của quả quyết của Phaolô về sự “còn dẫy tràn hơn biết bao” (Rm 5,12 – 21). Kitô giáo từ căn bản là một cái nhìn lạc quan về con người.

Rm 5,12-21 đáng kể là một đoạn văn quan trọng vào hàng đầu của Thánh Phaolô. Adam và Chúa Kitô. “sự sa ngã của một người” và “ơn của một người” được đối chiếu, so sánh thật rõ ràng. Và cũng rõ ràng không kém là Thánh Phaolô đặt trọng tâm ở vế thứ hai, chỉ nói về Adam và sự sa ngã của Adam là để làm nổi rõ vị trí Chúa Kitô và tầm vóc ơn huệ của Ngài. Ảnh hưởng của Chúa Kitô đối với loài người dứt khoát quan trọng hơn ảnh hưởng của Adam:

Không phải sa ngã sao, ơn huệ cũng vậy. Vì nếu bởi sự sa ngã của một người, nhiều người đã chết, thì còn dẫy tràn hơn biết bao trên nhiều người, ơn của Thiên Chúa, lộc trong ơn của một người, sự chết đã ngự trị vì cớ một người ấy, thì còn hơn biết bao những kẻ được lĩnh ơn và lộc dư dật của đức công chính sẽ ngự trị trong sự sống vì cớ một người là Đức Giêsu Kitô”.

Cách nhìn, lối suy nghĩ khá thông thường thì không còn được như vậy. Vẫn là sự không cân đối nhưng sự không cân đối ngược chiều. Trọng tâm như được đưa về phía tội lụy. Tội nguyên tổ “ám ảnh” nhiều hơn là “ơn của một người” làm hứng khởi niềm tin. Như thể chỉ riêng tội nguyên tổ mới liên hệ tới mọi người và từ bẩm sinh, còn “ơn của một người” chỉ liên hệ tới các tín hữu và chỉ từ bí tích Thánh Tẩy. Với cách nhìn, lối suy nghĩ thông thường ấy là cả một não trạng bi quan về con người, về lịch sử nhân loại, như thể chưa hề bao giờ có một con người tên là Yêsu trên cõi đời này.

2. Là liên hệ có tính chất siêu nhiên, là “ơn huệ” thực sự. Vì là liên hệ dựa trên Mầu Nhiệm Nhập Thể : Chúa Cha ban cho Con Một mình “vì yêu mến thế gian” (Ga 3,16) như một ơn huệ tuyệt vời chứ không phải do một đòi hỏi đương nhiên nào của bản tính con người. Vì là liên hệ thành hình trong chính Mầu Nhiệm Nhập Thể “bởi phép Chúa Thánh Thần” và vì liên hệ đó đưa lại những ơn huệ siêu nhiên:

Trước tiên là ơn kêu gọi làm con cái Cha trên trời ngay trong liên hệ nhân vị với Vị Con Thiên Chúa. Filii in Filio. Chỉ nguyên vì làm người, Chúa Kitô đã đem lại cho mọi người một quan hệ mới mẻ, siêu vời đối với Cha Ngài. Một sự hiện diện của Cha mới mẻ và siêu vời nơi loài người khác với sự hiện diện tạo thành. “Nhưng khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa sai con của Ngài, sinh bởi người nữ… ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (x. Gl 4, 4-5 và x. CL 1, 15-18).

Sau là, như các Giáo phụ vẫn hào hứng nói tới , sự đồng hành trong mầu nhiệm Vượt Qua – Sống Lại. Mọi người nói được là đã “có mặt” với Ngài, được nối kết với Ngài trong suốt quá trình đi tới cái chết – sống lại. Ngài đã kéo tất cả chúng ta đi cùng với Ngài trên suốt con đường từ máng cỏ tới thánh giá và mồ trống:

“Khi đó theo truyền thống các Giáo phụ diễn giải Kinh Thánh, Con Thiên Chúa đã kết hôn với nhân tính và thực sự hợp nhất với nhân tính. Từ đó, một cách không dễ gì giải thích được, nhưng hoàn toàn có thực, Ngài bao hàm trọn vẹn nhân tính này trong Ngài. Chính vì thế mà những hành động cứu thế nhờ đó Ngài trở về với Cha Ngài, nhờ sự chết, mồ huyệt, sự sống lại và lên trời, tóm lại” việc đi đến cùng Cha” (Ga 19,28; 16,5.10; 17,11) đã được thực hiện thực sự vì chúng ta và một cách nào đó, đã được thực hiện bởi chúng ta” (Y. Congar, Vraie et fausse réforme dans l’ Eglise. Paris 1950, p. 95). “Tất cả mọi người đều được đóng đinh vào thánh giá với Chúa Kitô trong cuộc thương khó của Ngài, đều được sống lại trong sự sống lại của Ngài, đạt bên hữu Cha trong cuộc lên trời của Ngài, nhưng là vì tiên vàn họ đều đã được cùng sinh ra với Ngài khi Ngài sinh ra” (xem chẳng hạn Thánh Lêô, bài giảng 26,Pl 54, col. 215).

3. Là liên hệ chỉ mới có tính cách nguyên khởi và sơ khởi. Thân phận con người vần là ở trong xác thịt và trong thời gian. Con người vẫn phải hình thành dần dần. Sự liên đới nguyên khởi cũng còn phải là một quá trình theo hướng nay hay theo hướng khác.

Về mặt tội lỗi: tội nguyên khởi mới chỉ là một tình trạng sơ khởi đặt con người ra ngoài ơn Thánh sủng. Mỗi con người khi đủ trình độ tự do để lựa chọn còn có thể tự ý từ khước Thiên Chúa cách này hay cách khác, phạm “tội mình làm” và có trách nhiệm đang bị đọa phạt đời đời.

Về mặt ân sủng: Mầu Nhiệm Nhập Thể là căn bản nhưng cũng chỉ là khởi điểm. Bản thân Chúa Yêsu còn lớn lên từ Máng Cỏ mà “tấn tới thêm về khôn ngoan, vóc dạng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2, 52). Công trình cứu độ của Ngài, kể cả mối tương quan nguyên khởi với Cha mà Ngài đã đem lại cho loài người từ Nhập Thể, công trình đó con tiếp tục được thực hiện, triển khai, cho đến khi hoàn thành trong sự chết – sống lại. Ngài phải chết dần với mọi giới hạn trần gian cho tới cái chết tận cùng trên thập giá mà được Thánh Thần biến đổi thành Ađam mới để lãnh mang và biến đổi trong chính thân xác sống lại vinh quang của Ngài toàn thể loài người, và để “thâu họp vạn vật dưới một đầu mối trong Ngài” (Ep 1, 10). Nhập Thể hướng về và kêu gọi Mầu Nhiệm Phục Sinh. Về phần mỗi con người từ nguyên khởi bị “vương” tội Ađam cũ nhưng cũng được ân sủng Chúa Kitô chiếu cố, thì còn phải đi tới chỗ tự do lựa cho mình mối liên đới tội lụy hay mối liên đới ơn phúc : tội mình làm hay hành động yêu mến, hoặc chính sự chết – sống lại cùng với Chúa Kitô trong lòng tin và Phép Thánh Tẩy (Rm 6, 2-5). “Ơn cứu độ nguyên khởi” cũng chỉ mới là sơ khởi và phải hướng ta tới ơn tái sinh trong Chúa Kitô, tới đời sống ý thức và tự nguyện được hướng dẫn bởi “Thần Khí của hàng nghĩa tử”… (Rm 8, 14-17).

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào:

www.suyniemloingai.blogspot.com

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com )

Wednesday 28 April 2010

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR: Sách Thánh


Nhập đề:


Phong trào học hỏi Sách Thánh hiện đại.

Vấn đề Sách thánh: Những khó khăn

Lời Thiên Chúa.

Mầu nhiệm:

Đức Tin: Sách thánh là Lời thiên Chúa

Kinh nghiệm: Một loạt sách nhân loại.

I. SÁCH THÁNH: SÁCH NHÂN LOẠI


Ngoại diện: 1Sam 13/I Cv 141, 7, 45, 5-6.9-10.10-14…

Khó khăn về văn bản

Từ ngữ (tiếng Hipri, Hylạp)

Loại văn (tương tợ với các văn chương Sam)

Tác giả, cảnh huống

Nội dung: Nhiều điều không xác đáng:

1/ 103: 5; 58: 5-6)

2/Về lịch sử (So Jos 1-12 với Thẩm phán 1; 1Sam *: 12 với 1Sam 9-10; Mt 1-2/Lc 1-2…)

3/Luân lý thô thiển (stt 4: 15; 34: 25-31; Thẩm phán 8; Tlt 7; 2Sam 12: 8; 1Sam 21: 6; 2Sam 24: 1-10)

4/Đạo lý về Thiên Chúa: Thẩm phán 9: 23; 1Sam 26: 19; 2Sam 24a; 6, 7; Xht 7: 3; 9: 2; 10:20; 27.

Thần khí ác: Thẩm phán 9: 23; 1Sam 16: 14; 1Vua 22: 20-23.

Gây tội: Thẩm phán 14: 4; 2Sam 24: 1.

Trí ý tôn giáo thiếu thốn: báo oán (Cv 59, 109…)

II. SÁCH THÁNH LỚI THIÊN CHÚA


Tiên vàn mọi sự: CHỊU LẤY LỜI THIÊN CHÚA NHƯ THỰC SỰ THIÊN CHÚA BAN (chứ không phải như ta nghĩ thế nào là phải)

THIÊN CHÚA DÙNG LỚI NÓI CỦA NGƯỜI TA


Nhưng hơn thế: THIÊN CHÚA NÓI RA TRONG BIẾN CỐ LỊCH SỬ

Thí dụ: Xuất hành, Yêrusalem thất thủ…

Chung: Lịch sử dân Chúa (từ Abraham đến Yêsu)

Kinh thánh thu tích các chứng chỉ về sự kiện đó. Dõi theo lịch sử đó: Mặc khải tiến triển về mọi phương diện (đạo lý về Thiên Chúa, ơn cứu chuộc…) bày giải ý định Thiên Chúa rõ rang và phong phú hơn cả: đó là lời Thiên Chúa.

Nhưng để kết cấu nơi Chúa Yêsu: Lời sống động của Thiên Chúa (và nơi đây cũng không phải do tuyên ngôn mà là do SINH HOẠT để kết thúc nơi biến cố chung cục: VƯỢT QUA: Sách Tân ước:

Những nỗ lực của tín hữu tiên khởi để nhận định sự kiện Yêsu Nazareth.

THIÊN CHÚA TỎ MÌNH TRONG LỊCH SỬ: HIỆN DIỆN TRONG THỜI GIAN. Đó là hiểu được những khuyết điểm:

-Không xác đáng về khoa hgọc (không có ý dạy về khoa học)

-Không xác đáng về lịch sử (khó hơn)

-Khuyết điểm đạo lý – luân lý – tôn giáo.

Lm Yuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

Sunday 25 April 2010

Lm Chân Tín CSsR: Đối thoại với Phật giáo


Nguyệt san Đức Mẹ hằng Cứu Giúp xưa đã nhiều nói đến vấn đề đối thoại với các tôn giáo khác. Nay nhân dịp lễ truyền Giáo, chúng ta sắp cử hành vào 24/20 này, chúng tôi muốn cùng bạn đọc nêu lên một vài nhận xét trong vấn đề đối thoại với Phật giáo.

Trong thời đại này và trong hiện tình đất nước, người Công giáo chúng ta cần phải hợp tác với anh em Phật tử, để bảo vệ di sản tinh thần của dân tộc đang bị làn sóng vô thần và duy vật đe doạ. Đàng khác, đối thoại với anh em Phật tử còn là bước đầu tiên trong công việc truyền giáo: Nhờ đôi thoại, chúng ta sẽ đánh tan những hiểu lầm, những thiên kiến do hoàn cảnh chính trị phức tạp của quá khứ gây nên và như thế, chúng ta sẽ chuẩn bị cho họ đón nhận Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Kitô.

Trên cương vị các cấp lãnh đạo của hai tôn giáo, chúng ta hân hoan nhận thấy những cuộc gặp gỡ thân thiện, như trường hợp Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình và Đức Minh Trực, giáo chủ Tổng hội Phật giáo, mà bạn đọc thấy hình ở ngoàiì bìa. Nhưng cuộc đối thoại chính thức giữa cấp lãnh đạo tối cao của Công giáo và Phật giáo khó lòng thực hiện, bởi vì hiện nay không những Phật giáo Việt Nam chia ra nhiều môn phái, nhưng còn chia ra nhiều tổ chức biệt lập. Vì thế, cuộc đối thoại giữa Phật giáo và Công giáo chỉ có thể bắt đầu bằng những cuộc tiếp xúc cá nhân hay giữa một vài nhóm nếu những cuộc tiếp xúc ấy được tổ chức trong sự thân mật và tôn trọng lẫn nhau, thì chắc chắn tín hữu đôi bên sẽ hiểu nhau hơn và những thành kiến nghi kỵ sẽ lần lần tiêu tan.

Muốn đối thoại với anh Phật tử, chúng ta cần phải biết rõ về thân thế sự nghiệp của Đức Thích Ca, về đạo từ bi của ngài, về những điểm chính của giáo thuyết của ngài, như tứ thánh đế, bát chánh đạo.

Đàng khác, trong tiếp xúc với anh em Phật tử, chúng ta cần phải biết người đối thoại với ta thuộc Tiểu Thừa hay Đại Thừa, để dễ thông cảm. Phái Tiểu thừa là phái nguyên thuỷ, chú trọng đến lý tuởng một tăng sĩ lo giải thoát cho mình bằng cách cởi bỏ những ảo vọng để tiến tới cõi niết bàn. Trái lại, Đại Thừa không đi tìm sự cứu độ riêng của mình, nhưng cho tất cả mọi chúng sinh trầm luân trong bể khổ. Những vị bồ tát của Đại Thừa chối từ không vào niết bàn bao lâu còn có một sinh linh chìm đắm. Đại Thừa còn lễ bái Phật A Di Đà như một đấng từ bi. Về phương diện này, anh em Phật giáo theo phái Đại thừa sẽ dễ dàng thông cảm với chúng ta trong niềm tin vào một Thiên Chúa nhân ái và từ bi, vào một Đấng Cứu Thế vừa là Thiên Chúa, vừa là người. Nhiều anh em dự tòng cho chúng tôi hay khi họ còn là Phật tử họ đã hướng về Đức Mẹ, vì nét mặt dịu hiền của Mẹ nhắc họ nhớ tới Phật Bà Quan Âm, cũng như các thánh của chúng ta nhắc họ nghĩ đến các vị bồ tát. Ngoài ra, chúng ta có thể trao đổi tư tưởng với Phật tử về đời sống luân lý, về trách nhiệm của mỗi hành vi, về hậu quả của những hành vi ấy ở đời sau.

Trong tất cả những cuộc tiếp xúc ấy, điều cần thiết là tránh cãi vã, tranh luận, chỉ biết đem thông cảm và tình thương để đối thoại. Chúng ta hãy chân thành yêu mến người Phật tử như anh em và cố gắng khám phá trong các ý kiến và tín ngưỡng của họ “những gì là thiện hảo, chân thật và nhân bản”, như lời Đức Phaolô VI.

Lm Chân Tín, CSsR

1965

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào www.giadinhanphong.com )

Friday 23 April 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Người biệt phái và người thu thuế


[ Lc 18,9-14 ]


Nếu có ai phác họa chân dung, biếm họa tài tình thì phải kể đến Đức Yêsu.

Chỉ bằng vài câu, Ngài đã làm rõ nét trước mắt thiên hạ hai mẫu người, hai thái độ không riêng ngày xưa mà cả hôm nay và muôn thuở.


Người biệt phái và người thu thuế. Bà Dòng Ba và cô gái tốt nghiệp trường phục hồi nhân phẩm. Ông hội đồng giáo xứ và chàng nghiệp đoàn rối vợ. Hoặc nơi từng con người một vẫn sẵn cả một ngài biệt phái lăm le đứng dậy lẫn một anh thu thuế mon men đâu đó. Nhãn hiệu nào cũng đều có thể được, nhưng cốt lõi vẫn là hai thái độ tiêu biểu của con người trước Thiên Chúa.


Thái độ với Thiên Chúa mới là chính yếu, có tính cách định đoạt. Đã đành Chúa Yêsu nói lên ví dụ là “với những kẻ khinh miệt khác”. Nhưng chính vì những kẻ ấy “tự tin mình la công chính” mà, như người biệt phái trong ví dụ, tự mãn cả trước Thiên Chúa, khinh miệt kẻ khác cả khi đứng trước Thiên Chúa và lấy đạo đức của mình làm vốn liếng để tính sổ với cả Thiên Chúa.


Nơi người biệt phái có gì đó trầm trọng, sâu xa hơn chỉ một trò ba hoa khoe khoét trên lưng người khác. Thói khoe khoang xét cho cùng chỉ đáng Thiên Chúa mỉm cười, bẹo tai mấy cái hay để cho cuộc sống tạt vài gáo nước lạnh vào mặt cho tỉnh táo trở lại là đủ lắm rồi, không đáng Thiên Chúa phải lên án nghiêm khắc. Như khi Phêrô ba hoa nhất thế giới ngay trong đêm cuối cùng sống với Thầy và trước khi “đến một cái trại có tên là Ghetsemani” (Mc 14,27-32). Nhưng nơi người biệt phái lại là một thế đứng, một cách xử xự thế nào đó đối với chính Thiên Chúa. Cũng như nơi người thu thuế, không phải chỉ có chuyện “đứng lẻn đàng xa”, sau lưng hay khuất mắt kẻ khác, mà là một cách nhận thức về mình trước mặt Thiên Chúa, trình diện với Ngài.



1. Trước tiên là người biệt phái. Người biệt phái không nhất thiết là “biệt phái giả hình” (Mt 23,13-32). Sách công vụ Tông đồ ghi ơn “một người biệt phái tên là Gamaliel, luật sĩ được toàn dân ngưỡng mộ” đã “ đứng dậy giữa công nghị” biện hộ một cách chí lý cho các tông đồ đang bị bắt giam. Còn thánh Phaolô thì từng tự hào là đã “sống theo lề luật như biệt phái” (Pl 3, 5) và hẳn cũng vì đã là Biệt phái mà trong đạo Do Thái, đã vượt xa lắm bạn đồng trang trong dân tộc mình, và rất nhiệt thành với các truyền thống cha ông” (Gl 1,14). Người biệt phái thường kình chống Chúa Yêsu, người biệt phái thường bị Ngài chê trách thì cũng không hẳn vì họ giả hình, chỉ có vỏ mà không có ruột. Nhưng chủ yếu là vì họ có ruột thực sự mà lại coi cái ruột của họ to quá, để cho cái ruột của họ choán hết tầm mắt của họ, khiến họ không còn thấy được tha nhân buồn vui thế nào, không còn thấy được Thiên Chúa làm gì cho họ.


“Người biệt phái đừng riêng ra mà cầu nguyện một mình thế này: Lạy Thiên Chúa, tôi đội ơn Người, vì tôi không phải như những người khác, gian tham, bất lương, ngoại tình, hay như tên thu thuế kia”.


Đứng mà cầu nguyện và đưa hai tay lên là cách thông thường. Ngày nay trong một vài nhà thờ không có “bàn quỳ”, chỉ có thể đứng thì cũng tốt thôi nếu không phải là còn tốt và nghiêm trọng hơn gọi là quỳ mà thực tế chỉ là… nằm dựa quá thoải mái vào “bàn quỳ”.


Người biệt phái lại biết cầu nguyện theo hình thức tốt đẹp nhất: không xin ơn cầu lợi mà “đội ơn”. Cầu nguyện một mình một cõi, đứng trước Thiên Chúa, y đâu dám khoác lác: y phải thực sự không gian tham, bất lương, ngoại tình. Y càng nghiêm chỉnh khi báo cáo thành tích: “Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần, tôi ộp thuế thập phân về hết mọi vật tôi mua”. Những thánh tích vừa có thật vừa vượt chỉ tiêu. Giữ chay theo kiểu người Do Thái không như người Công Giáo bây giờ: phải nhịn cả ăn lẫn uống từ tảng sáng đến tối xuống (Hồi Giáo hiện giờ vẫn còn giữ chay Ramadan như vậy). Mà lại là chuyện không bắt buộc, chỉ tự nguyện làm: không phải để đền tội y làm gì có tội, mà chỉ đền tội thay toàn dân. Còn thuế thập phân là 1/10 hoa lợi mà người Do Thái phải cúng vào đền thờ. Bình thưởng chì người bán có lời mới nộp thuế ấy. Đằng này người biệt phái lại nộp thuế “về hết mọi vật mình mua” là để phòng ngừa trường hợp người bán trốn thuế! Tuân giữ lề luật kỹ và chu đáo đến vậy là cùng!


Người biệt phái này đúng là không thuộc loại “giả hình”. Y giữ lề luật quá kỹ nhưng y còn ý thức và nhớ kỹ hơn nữa những gì y đã làm, những gì y đã cho, tất cả những công trạng của y. Nhớ kỹ và ý thức đến nỗi không còn kể gì, biết gì đến những gì Thiên Chúa đã làm, đã cho. Đành rằng y đã bắt đầu lời cầu nguyện bằng hai tiếng “đội ơn” rất phải phép và lễ độ. Nhưng nếu có sự giả hình thì chính ở cái sự lễ độ và phải phép ấy.


Không hẳn y đã coi trời bằng vung nhưng y đã để cho cái vung thành tích, công trạng của y che lấp luôn cả trời ơn huệ của Thiên Chúa. Y chỉ thấy có chay mỗi tuần hai lần, có thuế thập phân về cả những gì y đã mua. Đã vào hội đoàn nọ, hội đoàn kia. Đã đi hành hương La Vang, Trà Kiệu, xa và xưa thì Lộ Đức, Fatima, Rôma, Đất Thánh. Ăn chay kiêng thịt. Đã đi đủ 52 lễ Chúa nhật hằng năm và cả những lễ hằng ngày trong tuần. Đã rước lễ 90 lần thứ nữa. Đã nhận đủ bảy chức .v.v… Tất cả đều là thật, là tốt, tốt thật và thật tốt. Nhưng tôi của người biệt phái là chỉ biết có bấy nhiêu, chỉ dựa vào đó dám đứng vững trước Thiên Chúa.


Y quên mất rằng sống lòng tin như Abraham là trước tiên nhìn nhận và đón nhận sáng kiến và bước đi trước diệu kỳ của Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng, Đấng Chí Thánh đã luôn luôn là Đấng Khởi Xướng, đã yêu thương chúng ta ngay từ khi chúng ta còn là kẻ tội lỗi, đã tỏ mình ra cho chúng ta, đã cúi xuống đối với chúng ta, đã tuôn ơn huệ của Ngài tràn ngập cuộc đời chúng ta, đã làm tất cả để đưa chúng ta lên với Ngài, để khiến chúng ta trở nên con cái Ngài. Và cuối cùng, “đã yêu mến thế gian như thế, đến nỗi đã ban Con Một của mình… để nhờ Ngài mà thế gian được cứu” (Ga 3,16-17).


Người biệt phái không biết để tin và để nhờ vào Con Một của Thiên Chúa đã đành, nhưng xét cho cùng y không tin vào một Thiên Chúa và không nhờ vào cả Thiên Chúa. Y chỉ “tự tín” ở mình và trông chờ vào công nghiệp của mình. Y không cần Thiên Chúa. Trái lại, sẵn có vốn liếng của y, số ký quỹ, số tiết kiệm của y, ăn chay mỗi tuần hai lần, nộp thuế thập phân về hết mọi vật đã mua, y đến trước Thiên Chúa để chực lãnh phần lời sòng phẳng. Không cần Thiên Chúa phải cho không gì hết. Vô phúc cho y là ở chỗ đó.


Luca đưa vào đây câu “kẻ nào nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống”. Nói cho ngay, Thiên Chúa chẳng phải mất công “hạ” ai xuống cả. Kẻ tự tín, tự mãn thì Ngài chỉ bỏ mặc họ trong sự tự tín tự mãn của họ là đủ vô phúc cho họ rồi. Với thế đứng của người biệt phái, với thứ sổ tiết kiệm là tất cả kia của y, người ta không thể ở thấp hơn, không thể khốn cùng hơn.



2. Cũng may là đằng sau người biệt phái còn có người thu thuế. Và cũng còn may cho mỗi kẻ tin là ở bề sau nào đó trong lòng dạ, bao lâu “những tiếng rên khôn tả” của Thần khí (Rm 8,27) chưa bị dập tắt ở đó, thì cũng còn là cơ hội cho lời kêu cầu của người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi!”


Đây là thái độ, thế đứng của con người khi đến trước Thiên Chúa thì chỉ choáng ngợp vì sự uy nghi, thánh thiện, lòng nhân từ, đại lượng của Ngài khiến là người thu thuế hay không là người thu thuế không còn có thể nghĩ gì, biết gì, nhớ gì đến những điều mình đã làm mà chỉ thấy thân phận bất xứng, nhỏ bé, nghèo nàn của mình. Thái độ không bao giờ dám đặt những gì mình gọi là làm cho Chúa lên cùng một bàn cân với những gì Chúa đã làm cho mình. Không bao giờ tự nhủ: Tôi đã giữ đạo, lập công đủ rồi, bây giờ có thể… nghỉ hưu, sống bằng lãi suất, vốn liếng đạo đức sẵn có trong khi chờ đợi vào Thiên Đàng chiếm ngon chỗ lành đã đặt sẵn trước. Người thu thuế và kẻ tin không biết đâu là giới hạn con đường yêu mến vẫn mở ra trước mắt mình. Có tội thì biết mình vô phương tự mình “đền tội”. Yêu thương như Chúa Kitô yêu thương thì cũng biết nợ nào cũng trả hết được “trừ phi là nợ yêu mến nhau”. (Rm 13,8).


“Người này xuống về nhà thì được giải án tuyên công”. Người thu thuế được công chính hóa vì chỉ biết đón nhận tất cả sự công chính từ Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Như đứa con đi hoang trở về (Lc 15: 11tt). Như người phụ nữ tội lỗi “sa nước mắt đẫm ướt chân Đức Yêsu” (Lc 7: 36tt). Người thu thuế sẽ “được nhắc lên”, vì được “cảm mến nhiều”, và lòng cảm mến, yêu thương này sẽ không thu gọn trong một công thức nào hết, sẽ vươn theo Lòng Mến vô biên của Thiên Chúa. Người thu thuế phó mặc thân phận mình trong hai cánh tay rộng mở của Thiên Chúa, để mặc tình Ngài đưa đi thật xa, đưa lên thật cao…


“Người này xuống về nhà thì được giải án tuyên công”. Không phải qua miệng một nhân vật trong các ví dụ như ở các ví dụ khác, chính Chúa Yêsu đích thân tuyên bố phán quyết của Ngài, với thẩm quyền của Ngài: Người thu thuế được công chính hóa khi ra về, “khác với người kia”. Cho nên, ở đây cũng nên chú ý tương tự như trong trường hợp ví dụ “Người cha nhân hậu”: “Tuy truyện không có một liên lạc nào với chính mình Chúa Yêsu và sự nghiệp của Ngài, lời tuyên bố của Ngài cũng đủ để cho thấy đây không phải là lời dạy dỗ siêu thời gian, trừu tượng, nhưng là lời chứng của Chúa Yêsu về chính công việc của Ngài. Chỉ có Ngài mới tỏ bày Thiên Chúa đích thực thế nào. Không liên lạc với Ngài, không có người công chính trước mặt Thiên Chúa”.


Còn hơn là sự đảo lộn “trật tự” giữa người biệt phái và người thu thuế, có lẽ chính cách Chúa Yêsu tỏ bày chân tướng, sứ mệnh và thẩm quyền của mình như thế là điều khiến những kẻ nghe Ngài nói ví dụ phải ngỡ ngàng và khó nuốt nhất. Nhưng cũng chính trong nhãn giới này, tín hữu Chúa Kitô ngày nay có thể đọc lại Thư gửi tín hữu Rôma (đặc biệt là phần trọng tâm 1: 18 – 8: 39 và đoạn chủ chốt 3: 21-26) và Thư gửi tín hữu Galat, đọc hai thư ấy của Thánh Phaolô như những lời phụ họa, diễn giải đầy đủ nhất cho ví dụ người biệt phái và người thu thuế.



3. Bản thân Thánh Phaolô đã là một minh họa. Phaolô trở lại rồi vẫn không ngại tỏ ra còn “biệt phái” theo một nghĩa nào đó hơn cả người biệt phái trong ví dụ nhưng đồng thời vẫn là “người thu thuế” hơn cả người thu thuế trong ví dụ.


Người biệt phái nào đã nhớ kỹ, nhớ đủ và tự hào về quá khứ của mình bằng Phaolô, tông đồ của Chúa? Lời lẽ người biệt phái trong ví dụ chỉ như một dấu phết phẩy so với gần hai chương trong 2 Cr (11: 5 – 12:13) vừa gọi là “vênh vang chút ít”, vừa tự nhận là “nói như nổi khùng” và Pl 3: 2-10. Sau Lc 18: 9-14 mà nhâm nhi hai đoạn ấy thì không gì thú vị bằng. Cứ thử nghe Phaolô trong 2Cr so sánh mình không phải với một người thu thuế mà với những “tông đồ thượng đẳng” nào đó:


“Những điều gì bất cứ người ta dám làm, thì thật tôi nói như nổi khùng tôi cũng dám. Họ là Hipri ư ? Tôi cũng thế. Họ là Israel ư ? Tôi cũng thế ! Họ là dòng giống Abraham ư ? Tôi cũng thế ! Quả là “có thua gì” (2Cr 11: 5) ai. Mà còn… hơn cơ! “Họ là tôi tớ Đức Kitô ư? Tôi nói rất mực điên khùng, tôi còn hơn gấp mấy! Hơn nhiều bởi công lao; hơn nhiều bởi tù rạc; hơn ngàn trùng bởi đòn vọt; lắm lần bởi đã hầu vong mạng”. Và đây, những con số rất ư là chính xác: “Năm lần, tôi đã bị người Do Thái đánh đòn ba mươi chín trượng ; ba lần tôi đã bị tra tấn; một lần tôi đã bị ném đá; ba lần, tôi đã đắm tàu, và đã qua một ngày đêm chơi vơi trong lòng biển” Phaolô đã chỉ không đếm, nhớ được số viên đá ném vào ngài! Chưa hết, ngài còn hơn họ “bởi hành trình thường xuyên, bởi các nguy hiểm” và Ngài kể ra luôn một loạt đúng 14 thứ nguy hiểm! “Không kẻ các điều khác nữa!”.


Ở Ph 3: 2-10, Phaolô còn nói “nói như nổi khùng” hơn nữa. “Hãy coi chừng những quân chó má; hãy coi chừng hạng thợ bất lương; hãy coi chừng những người thiếu hụt!” Và những điểm trong 2 Cr, Phaolô chỉ bảo là “không thua gì ai” thì ở đây lại cũng ‘hơn’ thiên hạ luôn: “Nếu ai khác tưởng mình ỷ thị được nơi xác thịt, thì huống hồ là tôi: chịu cắt bì đúng tám ngày, thuộc dòng giống Irael, họ Benyamin; Hipri sinh bởi Hipri; sống theo lề luật như biệt phái; nhiệt thành đến nỗi bắt bớ Hội Thánh; chiếu theo đức công chính trong lề luật thì thực vô phương trách cứ!”. Tóm lại cũng là Hipri, người Do Thái, dòng giống Abraham nhưng không như ai mà thuộc loại nguyên chất, chính hiệu: siêu.


Quả là Thánh Phaolô vênh vang cũng “hơn gấp mấy” người biệt phái của ví dụ. Thế mà lại tuyệt đối không như người biệt phái. Ngài không vênh vang trước mặt Chúa mà chỉ vênh vang với những kẻ vênh vang. Vênh vang một cách bất đắc dĩ nhưng không ngại vênh vang mà “nói không đúng theo tinh thần của Chúa, nhưng như thể đang lúc nổi khùng bởi cầm chắc như thể mình cũng có lý mà vênh vang” (2Cr 11: 17). Động cơ duy nhất là vì Phaolô “yêu mến anh em” (c.11) ở Côrinthô, ở Philíp, muốn bảo vệ Tin Mừng Ngài đã rao giảng cho họ, muốn giành lại họ cho bằng được khỏi nhưng mưu ma chước quỷ của đám “tông đồ thượng đẳng” kia là những “tông đồ giả, hạng thợ gian” (c.5 và c.13), “hạng thợ bất lương” (Ph 3,2). Họ vênh vang và “tưởng mình ỷ thị được nơi xác thịt” để hạ uy tín tông đồ Chúa nhằm lôi kéo anh em tín hữu của Ngài trở về con đường cũ. Hẳn không bao giờ bằng “lúc nổi khùng” như thế người ta thấy được tất cả tấm lòng tông đồ của Phaolô: “Tôi vừa phát khùng đó! Chính anh em đã câu thúc tôi!” (2Cr 12: 11).


Phaolô không vênh vang trước mặt Chúa. Trái lại! Tất cả “những điều kể như lợi lộc cho tôi đó, tôi đã coi là thua lỗ, bất lợi vì Đức Kitô…, vì cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Yêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Ngài, tôi đành thua lỗ mọi sự, và coi là phân bón tất cả để lợi được Đức Kitô và được thuộc về Ngài, không có sự công chính của riêng tôi, sự công chính nại vào lề luật, song là sự công chính nhờ lòng tin vào Đức Kitô…” (Ph 3,7-10. Đoạn này có thể coi như kết tinh của Rm và Gl nói trên). Do đó, ngay cả trước mặt người đời, ngoài sự vênh vang đột xuất, bất đắc dĩ và “như khùng” kia, Phaolô chỉ có một niềm tự hào duy nhất và bất biến, bất diệt là tự hào “trong Đức Kitô Yêsu” (Ph 3: 3) và “nếu phải vinh vang, thì tôi sẽ vinh vang về các nỗi yếu đuối của tôi… để quyền năng của Đức Kitô sẽ đậu lại trên tôi”(2Cr11:30-12,10).

Thánh Phaolô quả vẫn là “người thu thuế” hơn cả người thu thuế trong ví dụ. Trường hợp của ngài càng cho thấy rõ thế nào là sự khiêm tốn Kitô giáo đích thực. Không phải là mặc cảm tội lỗi (“chiếu theo đức công chính trong lề luật thì thực vô phương trách cứ”, thậm chí “nhiệt thành đến nỗi… bắt bớ Hội Thánh!”). Không phải là mặc cảm tự ti (“cũng dám, cũng thế…còn hơn gấp mấy”). Càng không phải là thái độ “chịu vậy”, đầu hàng, nhường nhịn kiểu nhường luôn cả chiên cho sói (Phaolô khi chứ đến lúc phải “thí mạng sống mình vì chiên” (Ga 10: 11) thì vẫn sẵn sàng “nổi khùng” lên khi thấy sói đến). Sự khiêm tốn Kitô giáo vừa phải xuất phát từ và đi đôi với niềm tự hào vô song “trong Đức Kitô” vừa có thể, khi cần thiết, đi đôi với cả niềm tự hào “ỷ thị nơi xác thịt”.


Ngay cả người thu thuế trong ví dụ đâu phải cứ phải cúi gầm mãi mặt xuống mà đi giữa đời, đâu cứ phải “đứng lẻ đàng xa” mãi mỗi khi lên đền thờ? Trước sau gì thì hắn cũng phải biết thôi: hắn chỉ dám mong được trở về như tôi tớ, nhưng cha hắn đã đón nhận hắn tưng bừng. Hắn có quyền và phải trút bỏ hết mọi thứ mặc cảm để đáp lại lòng thương thăng hoa của cha hắn. Hắn có thể ngẩng đầu lên mà đi giữa cuộc đời. Hắn có thể ca hát, nhảy mừng ngay trong nhà cha hắn.


Còn hơn cả Thánh Phaolô, lòng tin của Hội Thánh từ thuở ban đầu đã bắt đúng nhịp khiêm tốn mà tự hào, tự hào mà khiêm tốn kia. Lời nguyện cầu tối hảo của Hội Thánh không phải là tiếng kêu của người thu thuế trong ví dụ, nhưng là lời ca Magnificat:


Hồn tôi tôn dương Chúa

Và thần khí tôi nhảy mừng Thiên Chúa, Cứu Chúa của tôi

Vì Người đã đoái nhìn thân phận mọn hèn tớ nữ của Người,

Này từ đầy, mọi đời sẽ khen tôi có phúc,

Vì Đấng Quyền Năng đã làm cho tôi những điều cao cả…

Nguyễn Ngọc Lan

2002

Wednesday 21 April 2010

Gs nguyễn Ngọc Lan: Tin mừng cho kẻ tội lỗi


[ Lc 15,1-32 ] (*)


“Kẻ nghèo khó được nghe báo Tin Mừng”. Chúa Yêsu đã từng mượn lời Tiên tri Ysaya để tóm lược và làm rõ nét sứ mệnh, công việc đời Ngài. “Và phúc cho người không phải vấp ngã vì ta” (Lc 7,22-23). Ngài thừa rõ đây chính là thách thức, cớ vấp phạm cho người đồng thời, đặc biệt là “kẻ nghèo khó” còn có nghĩa là kẻ tội lỗi, hạng người đáng khinh bỉ nhất trong một xã hội có thiếu thốn, mất mát gì đi nữa thì vẫn không thiếu, không mất niềm tự hào là con dân Thiên Chúa.

Chỉ hai câu ngắn gọn ở đầu chương Luca 15 đã nói lên đầy đủ cuộc đụng độ mà Chúa Yêsu đã gặp thường xuyên trên đường rao giảng Tin Mừng (Lc 5,30; 7,34; 19,7) : “Các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi hết thảy thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài. Và Biệt phái kêu trách. Họ nói : “ông tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng”. Trả lời họ, riêng trong chuyện này, Ngài đã từng ví mình với lương y (Lc5.31-32) hoặc dùng ví dụ hai người mắc nợ (Lc 7,41-43). Nhưng lần này là cả một loạt ba ví dụ và những ví dụ rõ nét nhất : Con chiên lạc, đồng bạc bị đánh mất và người cha nhân hậu. Người với chiên, bà góa với đồng tiền là quan hệ với loài vật hay đồ vật. Người cha nhân hậu với đứa con hư, là quan hệ người với người có thể miêu tả, phản ánh đầy đủ hơn quan hệ giữa Cha trên trời với kẻ tội lỗi. Nếu Tin Mừng theo Thánh Luca đặc biệt là “Tin Mừng của lòng lân mẫn cho người nghèo khó, cho kẻ tội lỗi” (Nguyễn Thế Thuấn) thì ví dụ người cha nhân hậu thật đáng kể là chỗ đặc sắc nhất, tinh túy nhất, tuyệt đỉnh của Tin Mừng này.


Xin xử với con như một kẻ làm công


“Người kia có hai đứa con. Con thứ hai nói với cha: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia sản sẽ thuộc về con!”. Vậy người cha đã phân chia của cải cho chúng nó.

Không mấy ngày sau, con thứ thâu góp tất cả gia tư vôn liếng mà trẩy đi phương xa. Và ở đó nó sống trác tang đã phá tan cả sản nghiệp”.

“Khi tiêu sạch cả rồi, thì khắp miền đó lại xảy ra nạn đói khủng khiếp và nó bắt đầu lâm phải cảnh túng thiếu. Nó đi sống bám nhờ vào một người dân trong vùng ấy; và người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó ước gì có thể lấy muồng muồng heo ăn mà ngốn cho đầy bụng nhưng cũng chẳng ai bố thí cho nó”.

Diễn tả sự xa đọa của đứa con đi hoang đến thế là cùng. Trẩy đi phương xa chưa phải là điều đáng kể, đối với một dân tộc không chỉ về sau này mới là “Do Thái lang thang”. Đất nước Palestin thật ra đã chỉ “chãy sữa và mật” một cách rất tương đối vì hầu như chẳng bao giờ đủ sức nuôi mọi kẻ sinh ra ở đó. Đi xa làm ăn là chuyện thường tình. Vào thời Đức Yêsu, số dân Do Thái tha phương cầu thực cũng đã nhiều hơn dân số sinh sống trong nước.

Nhưng đối với gia đình và dân tộc, đạo giáo, người con xem ra đã xa lòng, còn hơn là cách mặt. Tội bắt đầu với cách sử dụng tiền của người cha công lao khó nhọc làm ra, vào việc truy hoan trác tang. Tội, là ở chỗ thất trung với phần gia sản mà người cha đã trao phó cho để làm vốn liếng. Sau đó là những bước sa đọa của kẻ trắng tay. Túng thiếu rồi cùng cực. Nuôi heo là một nghề tội lỗi, chỉ người ngoại đạo mới làm. Có giới luật cấm ăn thịt heo (Lv 11,7) và ai phá giới ở khoản đó và bị kể như bỏ đạo. Chăn heo càng là một việc ghê tởm đối với người Do Thái. Một cách diễn tả tục lệ (Talmud Babylon) bảo : “Kẻ chăn heo là quân bị chúc dữ”. Như thế đứa con đi hoang đã tự đào thải ra ngoài cộng đoàn Do Thái.

Tệ hơn nữa tâm hồn và ước nguyện của hắn còn xuống ngang với thú vật : thấy đàn lợn ăn no nê phè phỡn, hắn không ước mong gì hơn là có thể hết nhờm tởm để nuốt trôi được các thức ăn heo ăn cho đỡ đói!

Thế là vừa bị trục xuất ra ngoài dân tộc, đạo giáo, vừa phải dở sống dở chết bên lề xã hội loài người.

“Hồi tâm lại, hắn nói : Biết bao nhiêu người làm công cho cha tôi có dư thừa bánh ăn, còn tôi thì phải chết đói ở đây! Thôi dậy! Tôi sẽ về cùng cha tôi, tôi sẽ nói với người : “Thưa cha, con đã trót phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không còn đáng gọi là con cha nữa, xin xử với con như một người làm công của cha thôi”.

Hắn trở về, hành trang chỉ gồm chút mộng hờ bé nhỏ đó : được cha bớt giận mà chỉ nhận như người làm thuê.

Đoạn tiếp ngay sau ngắn ngủi, nhưng từng chữ, từng câu như đã được lựa chọn để nói lên hết mức điều dụ ngôn muốn nói :

“Nó còn ở đàng xa, thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương”.

Đúng là ông vẫn ngóng trông thằng đãng tử. Lòng thương con vẫn lớn hơn cơn phẫn nộ. Chạnh lòng thương lúc này chỉ như đợt sóng ngầm vẫn có sẵn mà bây giờ mới nổi lên.

Ông cũng không đợi con kịp lên tiếng trước, và tuy tuổi già thường vẫn phải điềm tĩnh đạo mạo, ông “chạy lại, bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để”. Nguyên cách hôn này đã nói lên sự tha thứ cho phép tái ngộ sum họp đầy đủ. Vì theo phong tục, nô lệ chỉ hôn chân và đầu gối, các thuộc hạ khác thì cũng chỉ hôn tay. Nhưng đứa con trở về không phải chỉ được đối xử ngay như con cái mà sẽ còn được trọng đãi.

“Người con nói với ông : “Thưa cha, con đã phạm tội nghịch với Trời và trước mặt cha, con không còn đáng gọi là con cha nữa!” Nhưng cha nó đã nói cùng tôi tớ : “Mau mau ! đem áo thượng hạng mà mặc cho nó, hãy xỏ nhẫn vào tay nó, và giày vào chân nó; rồi đem con bò tơ béo mà hạ đi ! Ta phải ăn khao mới được, vì này con ta đây : nó đã chết mà lại hoàn sinh, đã mất đi mà lại tìm thấy được”. Và người ta mở tiệc ăn khao”.

Ban “áo thượng hạng” là cách tặng thưởng ngày xưa, không riêng gì ở các nước Tiểu Á. Các vua ở nước ta chẳng hạn, cũng ban áo quý để thưởng công. Ban “nhẫn” là giao cho trách nhiệm, quyền hành trong nhà vì nhẫn vẫn được khắc làm ấn triện. “Giày dép” tiêu biểu cho địa vị của người tự do : đứa con không trở về như nô lệ. Và để ăn khao: một “con bò tơ béo” thường được dành cho những ngày đại lễ.

Chuyện quá khứ không để lại một dấu vết nào nữa. Không còn gì ngoài niềm vui rộn của bữa tiệc sum vầy.


Đã bao nhiêu năm tôi làm tôi ông


Thường thì dụ ngôn “đứa con hoang trở về” chỉ được biết hay được để ý đến đó. Khi mục đích của nó nói lên lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa thì như vậy đã là rất đẹp. Đứa con đi hoang, đứa con trở về, được đón tiếp, được ăn mừng, câu chuyện kết thúc như vậy là có hậu.

Nhưng thật ra câu chuyện còn một phần thứ hai có lẽ quan trọng hơn, nhất là vì Đức Yêsu còn phải đối diện với những người biệt phái. Họ khó chấp nhận cái lối kết thúc có hậu kia. Vì có hậu như thế là có hậu đối với tình yêu thương, không có hậu đối với thứ công bình sổ sách của họ. Cho nên Đức Yêsu còn phải biện hộ cho thái độ của người cha, thái độ của Thiên Chúa, sau khi sẽ cho người anh cả nói lên tâm trạng của họ. Và dụ ngôn còn tiếp :

“Nhưng con cả của ông thì ở ngoài đồng. Thoạt khi nó vừa lại gần nhà, thì nghe có đàn ca múa hát. Chàng gọi lại một tên đầy tớ và dò hỏi xem có gì thế. Tên đầy tớ đáp : “Ấy em cậu vừa về đó, và cha cậu đã cho hạ bò tơ béo vì cụ đã được lại con an lành mạnh khỏe”. Chàng liền nổi giận và không thèm vào nhà. Cha chàng phải ra dỗ chàng. Chàng đáp lại và nói với cha : “Này, đã bao nhiêu năm, tôi làm tôi ông, cũng chưa hề trái lịnh ông, thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê để ăn mừng với chúng bạn. Còn khi thằng con ông đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ béo mà ăn mừng nó”.

“Cha chàng mới nói : “Này con ! con hẳn ở luôn với cha, thì tất cả của cải của cha đều là của con. Nhưng phải ăn khao mà mừng chứ, vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được”.

Người con cả ỷ mình mãi mãi ở trong mà nổi giận vì cuộc vui dành cho đứa em ở ngoài vào. Nhưng có thật hắn đã “ở trong”? Có thật là em hắn vẫn “ở ngoài”? Điều chắc chắn là hắn đang từ khước “không thèm vào nhà” đúng vào lúc em hắn từ muôn dặm xa cách vừa thực sự cách mặt vừa được coi là lòng đang sung sướng giữa nhà cha. Nhưng không phải chỉ lúc này hắn mới “ở ngoài”. Thái độ của hắn đã vô tình tỏ ra từ trước đến giờ hắn vẫn công khai ở trong mà chẳng bao giờ ở trong thực sự, hắn là kẻ có mặt mà xa lòng, và lòng còn xa hơn lòng em hắn. Chưa bao giờ hắn thực sự biết đến hướng tâm tư của người cha. Cho nên hắn mới hoàn toàn kinh ngạc và nổi giận trước cách cư xử hôm nay của cha đối với em hắn. Hắn không thể cảm thông được lòng thương của người cha.

Tình yêu thương của người cha càng bừng sáng càng chỉ làm lộ bộ mặt thực của người anh cả. Thì ra xưa nay hắn chỉ “làm tôi ông”, mồ hôi đổ xuống thật đều và thật nhiều nhưng chỉ làmồ hôi nô lệ. Hắn không bao giờ trái lệnh “ông”, nhưng chỉ như một người làm công cần cù, ngoan ngoãn mà không hề sống với tình nghĩa kẻ làm con. Hắn còn chực lãnh lương : Hắn không vui cái vui của cha mình mà chỉ thèm một con dê để vui riêng với chúng bạn.

Và đến giờ phút sum họp, chính hắn nói lên khoảng cách sâu xa giữa hắn với người cha. Khi đứa con hoang trở về còn giữ trọn được tiếng “cha” để xin tha thứ thì hắn lại bỏ rơi tiếng “cha” đó và hắn không nhìn nhận những liên hệ của cha hắn với người khác là những liên hệ của mình : Thằng đãng tử không phải là em hắn mà chỉ là “thằng con ông”.

Những tình tiết đó mới quan trọng hơn cái chuyện so đo con bò tơ béo đã được bày trên bàn tiệc với con dê con chưa bao giờ ra khỏi ước mơ. Và người cha ý thức rõ lắm cái chốt của thảm trạng. Tất cả lời giải thích của ông chỉ là phụ đối với tiếng ông cố tình nhấn mạnh với cả một tấm lòng : “Này con” và “em con đó”. “Này con” để nhắc nhở: có là con mới hiểu được thái độ cha, còn không thì tất cả chỉ là danh từ trống rỗng như chính ngôi nhà đã hoàn toàn trống rỗng đối với hắn. “Vì em con đó” để dịu dàng đáp lại mấy tiếng “thằng con ông”.

Dụ ngôn kết thúc ở lời đáp của người cha. Nghĩa là không cho chúng ta biết câu chuyện giữa người cha và người con cả sẽ kết thúc như thế nào. Vậy là nó không “có hậu” theo kiểu một kịch cải lương mùi mẫn lắm máu và nước mắt nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy. Ở đây bi kịch bị bỏ lửng, thế đứng của người con cả bị bỏ lửng như trong cuộc đời.

Dẫu sao dụng ý của Đức Yêsu qua dụ ngôn kia, nếu ở phần đầu đã rõ rệt là để nói lên tình thương của Thiên Chúa đối với từng con người tội lỗi, cùng khổ, sa đọa nhất thì ở phần sau vẫn không kém rõ rệt. Đối diện với đám biệt phái, Ngài muốn bắt họ phải xét lại cái thế “ở trong” của họ. Họ tự phụ là đã ở trong Dân Chúa, nhưng đã chắc gì họ ở trong? Họ kiêu hãnh tưởng mình là những đứa con không đi hoang, nhưng chính những đứa con không đi hoang mới cần “trở lại”: thằng đãng tử đang ăn uống vui say với mẹ, với chị, với em còn những đứa con không đi hoang bây giờ thực sự đang ở đâu?

Cái nghịch thường trong Tin Mừng Đức Yêsu là thế đó. Người ta được biết là người thu thuế, “đứa tội lỗi” về nhà thì đã được Thiên Chúa thương yêu, còn người biệt phái thì sẽ ra sao (Lc 18,10-14)? Những người thợ làm vườn nho đến sau thì đã được hưởng trọn niềm vui khi chiều về, còn những kẻ đã vất vả từ tảng sáng (Mt 20,1-15)? Bọn “con nhà kẻ khó” tàn tật, đui mù, què quặt đều đang đủ mặt quanh bàn tiệc, còn các ông khách quý đã được mời từ trước (Lc 14,15-24)? Đó là những dụ ngôn. Còn trong những biến cố đã xảy ra: người Samari đã được lành bệnh đã lui gót cảm tạ Đức Yêsu, còn chín người khác (Lc 17,11-19) tâm hồn sẽ chai cứng cho đến bao giờ? Người đàn bà ngoại tình đã được tha thứ, còn đám người biệt phái đã lần lượt rút lui (Ga 8,1-11) thì sẽ đem tội lỗi của họ đi đâu ?


Hơn là vì chín mươi chín người công chính

Tuy nhiên vẫn còn đó, rõ rệt, bền bỉ là lời mời gọi: “Phải ăn khao và mừng chớ,vì em con đó, nó đã chết mà lại sống, đã mất đi mà lại tìm thấy được”. Đồng điệu với lời mời gọi ở hai ví dụ trước. “Bà con hãy chia vui với tôi, tôi đã tìm thấy đồng bạc tôi đã đánh mất”. Cuối hai ví dụ trước, Chúa Yêsu còn đích thân phụ họa, diễn giải : “Tôi bảo các ông, cũng vậy, trên trời sẽ vui mừng” hay “vui mừng sẽ ran lên giữa các thiên thần của Thiên Chúa vì một người tội lỗi hối cải…” Ngài còn nhấn mạnh ở cuối ví dụ con chiên lạc: “hơn là vì chín mươi chín người công chính, những kẻ không cần phải ăn năn” (Lc 15,7).

Nhấn mạnh như thế lại là thêm một lời lẽ chói tai thuộc danh mục “lời chi mà sống sượng thế, ai nào có thể nghe nổi” (xem tt. 111-119). Nhà chú giải tuy đứng đắn mà có khi cũng cố tìm cách pha chế sao cho Lời Chúa dễ nghe hơn, “hợp lý” hơn. Chẳng hạn ở đây “chín mươi chín người công chính” nên được hiểu là loại người “tự tin mình là công chính”, như ở Lc 1,9-14, tưởng và lầm tưởng mình không cần phải ăn năn mà thôi. Lối giải thích “vậy mà không phải vậy” này không phải là họa hiếm. Nhưng nếu lời Chúa Yêsu, đặc biệt những khi chói tai, khó nuốt lại là “vậy mà quả thật là vậy” (Amen, dico vobis) thì sao?

“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải” hơn là vì chín mươi chín người công chính thực sự, hay cứ nói cho bảo đảm, hơn vì chín mươi chín người được Hội Thánh phong thánh hẳn hoi. Chỉ có sự công chính đích thực là “sự công chính của Thiên Chúa, nhờ bởi tin vào Đức Yêsu Kitô, một cách nhưng không, bởi ơn nghĩa của người, nhờ vào công việc cứu chuộc trong Đức Yêsu Kitô…” (Rm 3,21-24). Đã vậy thì con người nên công chính, nên thánh là bởi ân sủng của Thiên Chúa hơn là do công lao, tài sức của mình.

Thánh Phaolô đã từng ví von sống đạo với “chạy trong trường đua” (1Cr 10,24), “tham dự điền kinh” (1Tm 2,5) và kêu gọi tín hữu “hãy chạy để đoạt giải”, “thi đua đúng luật”. Tuy nhiên, hơn ai hết Ngài có thể cho chúng ta hiểu (Rm và Gl) vui mừng có ran lên giữa các thiên thần của Thiên Chúa thì không như những tiếng vỗ tay, hoan hô trên một sân vận động. “Trên trời vui mừng” không phải vì thành tích hơn thua giữa các thánh hay các người công chính. Thành tích thánh thiện của họ có là gì trước Đấng Chí Thánh và “chỉ có Chúa là Đấng Thánh” ? Trên trời có vui mừng vì 99 người công chính hay vì 9.999.999 người công chính thì cũng đều là vui mừng vì lòng thương xót, ơn cứu độ của Thiên Chúa rực sáng lên nơi họ.

Đã vậy thì khi một người tội lỗi hối cải vì sẵn được Thiên Chúa gọi trở về, được Ngài đón đợi, được Ngài không chỉ tha thứ mà còn thăng hoa, phủ ngập hồng ân của Ngài, chỉ khi đó “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” và “sự phong phú tuyệt vời của ơn huệ Ngài” (Ep 2,4-9) tại tỏ hiện tưng bừng hơn cả. Để vì thế mà “trên trời có vui mừng… hơn là vì chín mươi chín người công chính…” Niềm vui này không bình thường đối với luân lý, đạo đức bình thường, nhưng lại hoàn toàn phụ hợp với “qui luật” nhiệm lạ của Thánh Sử : “Ở đâu tội gia tăng thì ơn đã siêu bội… nhờ ơn Đức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta…” (Rm 5,21). Và hẳn niềm vui trên trời cũng siêu bội!

“Nhờ Đức Yêsu Kitô, Chúa chúng ta…” Bằng các ví dụ, Chúa Yêsu đã “biện minh” cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhưng “các ví dụ không nêu một sự thật siêu thời gian, nhất là ngoài Thánh Sử: Các ví dụ không thể tách khỏi chính mình Chúa Yêsu. Các ví dụ không nêu lên một tín điều về bản tính Thiên Chúa hằng có như: Thiên Chúa là Lòng Mến đoái thương những ai hướng đến mình, như thể họ không cần đến công việc môi giới và thập giá của Chúa Yêsu mà cũng trở thành con cái Thiên Chúa được. Các ví dụ đã được nói lên từ một tình huống cụ thể của cuộc đời Chúa Yêsu, đã được nhập đề ngay từ đầu chương Lc 15: chính vì Chúa Yêsu giao du với “các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi” mà Ngài đã bị “biệt phái kêu trách”, nhưng cũng chính trong cách xử thế của Ngài đã có Thiên Chúa hoạt động và thu họp những kẻ thuộc về Thiên Chúa” (Nguyễn Thế Thuấn).

Người cha nhân hậu vẫn là “Thiên Chúa giàu lòng thương xót… trong Đức Yêsu Kitô” (Ep 2,4-7).

Gs Nguyễn Ngọc Lan

2002

(Xem thêm các bài cùng một dạng, xin mời vào www.suyniemloingaiblogspot.com;

www.chuyenphiemdaodoi.blogspot.com