Monday, 17 July 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT : NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU




Đức Thánh Cha Phanxicô vừa ban hành cho chúng ta Tông Huấn "Amoris Laetitia", được dịch là "Niềm Vui của Tình Yêu", đây là Tông Huấn nói về hôn nhân gia đình. Chương 4 của Tông Huấn, Đức Thánh Cha giải thích câu Kinh Thánh 1Cr 13, 4-7:

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
Không nóng giận, không nuôi hận thù, …”

Ở số 91, ngài viết:

Diễn ngữ đầu tiên được dùng là macrothymei. Từ ngữ này không chỉ được chuyển dịch là “chịu đựng tất cả”, vì chúng ta gặp thấy ý tưởng ấy ở cuối câu 7. Ý nghĩa của từ này được làm sáng tỏ nhờ bản dịch tiếng Hy lạp của Cựu Ước, ở đó người ta khẳng định rằng Thiên Chúa “chậm giận” ( Xh 34, 6; Ds 14, 18 ).

Nó cho thấy khi một người không hành động theo những xung năng bộc phát và tránh gây tổn thương. Đó là một đặc tính của vị Thiên Chúa của Giao ước, Đấng kêu gọi chúng ta bắt chước Ngài cả trong đời sống gia đình. Các bản văn của Thánh Phaolô có dùng từ ngữ này phải được đọc trên nền hậu cảnh của sách Khôn Ngoan ( cf. 11, 23; 12, 2.15-18 ): ở đó người ta ca tụng sự kiềm chế của Thiên Chúa nhằm chừa chỗ cho khả năng thống hối, đồng thời vẫn khẳng định quyền năng của Ngài được bộc lộ khi hành động với lòng thương xót. Sự nhẫn nhục của Thiên Chúa là việc thực thi lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân, và là sự biểu lộ quyền năng đích thực của Ngài.

Có thể nói tóm gọn: nhẫn nhục chậm giận để kiềm chế không làm người khác tổn thương, nhẫn nhục chậm giân là tạo một khoảng thời gian cần thiết để người kia có cơ hội hối cải và nhẫn nhục chậm giận là sống lòng thương xót với anh em mình. Một chữ đơn giản như nhẫn nhục nhưng Đức Thánh Cha đã cho ta thấy ý nghĩa sâu xa của từ ngữ này không đơn giản như thường hiểu là sự cam chịu, kiên nhẫn nữa, nhưng có thể nói đó là khả năng kiềm chế phi thường của người biết sống lòng yêu mến.

Đức Thánh Cha viết tiếp ở số 92:

Nhẫn nhục không có nghĩa là cho phép mình thường xuyên bị xử tệ, hoặc dung túng cho những bạo hành trên thân xác, hay cho phép người khác đối xử với mình như một đồ vật…

Mấy ngày qua đoạn video clip quay lại cảnh một nhóm người xông vào đất Đan Viện Thiên An đánh đập các Đan Sĩ, bẻ ngã cây thập giá và tiếp tục gây sức ép khủng bố các Đan Sĩ đang sống trong Đan Viện Thiên An, Thừa Thiên Huế, các Đan Sĩ đã không phản ứng lại bằng bạo lực nhưng cứ cố gắng xông vào dù bị đánh đập để ôm lấy cây thập giá và quỳ cầu nguyện chung quanh cây thập giá ấy.

Nhiều đoạn bình luận kèm theo đã tỏ ý bất bình và bộc lộ ý kêu gọi tấn công trả đũa nhóm người bạo lực trên. Cho đến nay, 20 ngày trôi qua, phía Đan Viện không hề có một hành vi nào gây bạo lực trả đũa nhà cầm quyền và nhóm người tấn công Đan Viện trước sự chứng kiến của nhà cầm quyền, cho dù báo đài không ngừng rêu rao bêu xấu, vu khống và mạ lỵ các Linh Mục Tu Sĩ Thiên An.

Ngày 12 tháng 7, Ủy Ban Nhân Dân Thừa Thiên – Huế đã có cuộc họp với Đan Viện Thiên An về sự kiện nêu trên. Bước vào cuộc họp, cha Bề Trên và các Đan Sĩ đã dâng mình cho Đức Mẹ để phó thác mọi sự, một cử chỉ tuyên xưng Đức Tin và xác định ý nghĩa cuộc sống của người tín hữu.
Cả hai sự kiện, không đánh trả khi bị tấn côngcầu nguyện trước cuộc họp với Ủy Ban ngay tại phòng họp của Ủy Ban làm nhiều người không hiểu, chỉ những ai nghe, suy ngẫm và cố gắng thực hành Lời Chúa mới có thể hiểu được ý nghĩa và lập trường chọn lựa này mà thôi.
Đây là cuộc thách đấu giữa lòng yêu mến và sự ác, giữa hòa bình và bạo lực, giữa sự khiêm nhường và sự kiêu căng. Các Đan Sĩ Thiên An đã là những tiền đạo vẽ ra những đường banh chuẩn xác. Chúng ta có tuyệt đối tôn trọng đấu pháp không ?
Lm. Vĩnh Sang, DCCT, 15.7.2017



No comments: