Mấy tuần nay, bài đọc một trong Thánh Lễ hàng ngày, chúng ta nghe đọc sách
Sáng Thế và sách Xuất Hành. Các bài đọc cho chúng ta một số diễn biến trong Lịch
Sử Cứu Độ. Thiên Chúa là Đấng trung tín, Ngài có cách của Ngài để hoàn thành
lời hứa với chúng ta. Từ câu chuyện của các tổ phụ, đến chuyện đắng cay giữa
anh em nhà Giuse, để trở thành duyên cớ cho việc di cư sang Ai Cập. Giữa lúc
dân do Thái tuyệt vọng trước quyết định của Pharaô tiêu diệt dân Do Thái, Thiên
Chúa lách qua khe hẹp của sự sống để dân có được vị lãnh đạo Môsê. Môsê đã vâng
lời Chúa dẫn dân ra khỏi kiếp nô lệ mà về Đất Hứa.
Câu chuyện kéo dài
trong nhiều năm, Thiên Chúa kiên nhẫn đi theo con người để giữ lòng thuỷ chung.
Ngay cả hành trình từ Ai Cập về, bao phen sóng gió, Chúa vẫn nhân từ từng bước
khuyên nhủ bảo ban và không ngừng tha thứ. Nổi bật là trong các cuộc chạm trán
với ngoại bang ở mọi nơi dân đi qua, Chúa luôn ra tay bênh vực và bảo vệ dân.
Chỉ là một đoàn người
già trẻ lớn bé ô hợp, vậy mà cả một đạo quân kỵ binh, chiến mã hùng hậu không
làm gì được, ngược lại, biển vùi lấp tất cả sức mạnh của quyền lực thế gian,
dân Thien Chúa không một mảy may phải ra tay chiến đấu. Chỉ một dấu hiệu máu
chiên nơi ngạch cửa, ngai vàng đế chế đã rung rinh buộc lòng phải mở cửa cho
dân Do Thái thoát ra. Chỉ với một số rất nhỏ thanh niên lười biếng, thay vì vọc
nước lại cúi xuống bờ sông mà táp nước, Chúa đánh đuổi tan tành các sư đoàn
thiện chiến của địch quân. Chúa chiến đấu cho dân chứ không phải dân chiến đấu.
Chúa chiến thắng bằng sức mạnh của Chúa chứ không phải bằng sức mạnh của bất kỳ
ai.
Nhưng Chúa cần con
người. Chúa cần Môsê đứng lên đối diện với Pharaô để nói lên sự thật, Chúa cần
Aharon đứng bên Môsê để chia sẻ sứ mạng, Chúa cần các ông nói thay cho Chúa,
cho những người bị áp bức, bị đối xử bất công, bị đàn áp, bị loại trừ. Chúa
không làm thay cho con người trong sứ mạng này, nhưng Chúa chiến đấu thay cho
con người để giành chiến thắng. Chúa không để Môsê phải tốn hao sức lực, nhưng
Chúa cần Môsê can đảm lên tiếng cho toàn dân.
Dân Do Thái biết họ
đang bị đàn áp, biết đang bị bách hại và biết dân tộc mình bị tiêu diệt bởi
chính người Ai Cập. Nhưng khi Môsê xuất hiện để can ngăn chuyện ẩu đả giữa hai
người Do Thái ngoài đường, một trong hai người này đã ra mặt theo về phía người
Ai Cập, dọa tố cáo ông trước đó đã giết một người Ai Cập để bênh vực một người
Do Thái bị ức hiếp.
Biết mình bị nô lệ,
biết dân tộc mình bị tiêu diệt nhưng vẫn cứ câm lặng chịu đựng, vẫn nín thinh
để tìm sự an toàn được bố thí trong thời gian ngắn ngủi chóng qua, vẫn vô cảm
nhìn những người khác chết trước mình. Vẫn quay lại cắn xé anh em mình với lý
luận bảo vệ sự yên ổn đang có. Không chỉ trên đất Ai Cập, khi ra khỏi rồi,
chứng kiến cánh tay hùng mạnh của Chúa rồi, khi gặp gian nan lại vẫn cứ oán
trách người đã thi ân bố đức cho mình, vẫn đê tiện thèm thuồng củ hành củ tỏi ở
chốn nô lệ xưa.
Quá nhiều những chính sách tàn ác người Ai Cập giáng trên đầu dân Do Thái,
nhưng người ta vãn cúi đầu cam chịu cho đến khi không gia đình nào có tiếng
cười tiếng khóc của trẻ thơ nữa, không xóm làng nào còn thấy bóng dáng trai
tráng, chỉ còn một nỗi cô quạnh thê lương, một bầu khí chết chóc bao trùm hết
mọi người không trừ một ai, khi ấy dân Do Thái mới bừng tỉnh, khi ấy họ mới chịu
nghe lời Môsê mà tế Chiên Vượt Qua.
Chứng kiến và tham dự quá nhiều vào các biến cố trên hành trình sa mạc,
nhưng vẫn là cái chất cứng cổ cứng đầu, kêu ca và phản kháng, vẫn ngoái đầu hướng
về kẻ thi ân, chỉ đến khi một thế hệ không được vào Đất Hứa, một thế hệ bỏ xác
trong hoang mạc, những kẻ còn lại họ mới chịu lắng nghe Lời của Chúa mà thi
hành ngoan ngoãn để vào được Giêrikhô, mở ra một trang sử mới.
Vậy đó, vẫn còn lối nghĩ,
lối sống như dân Do Thái ngày xưa trong cuộc sống của đất nước ta hôm nay. Chúa
vẫn cần những người dám đứng lên nói Sự Thật, nói về lẽ Công Bằng, không phải để
chiến đấu, vì chính Chúa sẽ chiến đấu, nhưng là lên tiếng theo ý Ngài.
Lm. VĨNH SANG,
DCCT, 21.7.2017
No comments:
Post a Comment