Tuesday 31 August 2010

Lm Richard leonard sj : Bậc thầy kinh nghiệm


Trong mọi lúc hãy giữ lòng cao thượng

Không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông

Xóa hận thù bằng mọi dấu yêu thương

Mỗi kinh nghiệm là một thầy dạy dỗ.

(thơ Nguyên Đỗ).

“Giận dữ, ghen tương cùng tỵ hiềm xót xa”, nhất nhất đều là đau thương đuối ngã trên đường đời. Con đường lâu nay vẫn thắm đượm nhiều kinh nghiệm cần lướt thắng. Lướt, bằng yêu thương. Thắng, bằng tha thứ. Bằng, giữ lòng cao thượng như Chúa dạy. Suốt hôm nay.

Lời Chúa dạy, thoạt nghe ta tưởng đó như nghịch lý. Rất khó nghe. Nghịch lý và khó nghe là bởi, nếu không thận trọng, ta những tưởng Chúa dạy phải giận hờn ghét ghen. Ghét vợ. Ghét con. Ghét cha mẹ. Người thân. Không thận trọng, ta cứ tưởng: ghét như thế, mới gần được Chúa. Với Cha.

Không. Không phải thế. Trình thuật, nay thánh Luca muốn diễn bày quyết tâm của đồ đệ theo Chúa. Thánh sử diễn tả bằng lời lẽ, rất triệt để. Điều, mà thánh nhân nói, là: khi dấn bước theo Chúa, con dân nhà Đạo nên dứt khoát tư tưởng, cho trọn tình. Trọn nghĩa. Trọn tâm can. Trọn tình vẹn nghĩa, tức chấp nhận lối cảm nghiệm rất sâu sắc, về cuộc đời. Rất cảm nghiệm. Để rồi, đem thái độ sống vào chính đường mòn ta đi. Trong đời.

Đọc Tin Mừng thánh Luca với đầu óc hoàn toàn cởi mở, không theo theo nghĩa đen, hoặc không thành kiến rất tối, người đọc hẳn sẽ nhận ra rằng: thánh Luca không có ý bảo: hãy ghét hết mọi người. Hoặc, ghét chính mình. Ngược lại, thánh sử kêu gọi người người hãy yêu thương giùm giúp lẫn nhau. Yêu thương giùm giúp, mà chẳng cần tìm hiểu hoặc cứu xét xem người ấy là ai. Người ấy, có đáng yêu không. Cũng chẳng cần xét xem người ấy có là họ hàng người thân, không.

Những gì Đức Kitô căn dặn nơi trình thuật, lại đã đưa ta về với xác tín ta vẫn có, từ trước. Đặc biệt hơn, dụ ngôn kể về người Sa-ma-ri tốt bụng, từng đề cập khi trước. Điều này còn ghi nơi lời nguyện cầu “Lạy Cha”, Chúa vẫn khuyên. Xem như thế, là đồ đệ theo chân Chúa, hết thảy đều phải tâm niệm câu nói nằm lòng “tứ hải giai huynh đệ”. Tức, anh em bốn bể đều là người nhà. Con cái muôn phương đều một Cha. Người Cha yêu thương. Ở trên trời. Đó là điều Chúa dạy tất cả các người con dưới thế: hãy yêu thương nhau như con một nhà.

Trình thuật, nay nhấn mạnh đến nền tảng của Đạo: là tương quan với Chúa. Tương quan – hiệp thông, được dẫn chứng bằng đường lối ta cư xử với các người anh, người chị cùng một Cha. Đường lối cư xử, tức cách xử sự của những người con cùng Cha trên trời, không tùy vào hệ thống quân giai rắc rối, như ở đời. Cũng chẳng tách bạch họ hàng, như gia tộc. Tương quan hiệp thông với Chúa, không thể cân đong đo đếm bằng danh xưng/chức tước, tiền bạc/của cải. Tôn giáo. Nghề nghiệp. Hoặc giai cấp xã hội. Tương quan với Chúa, là tâm tình thân thương trìu mến được diễn bày với người dưng khác họ, ở đâu xa.

Trình thuật, nay còn bàn về tương quan ta đang có giữa những người anh em đồng hội đồng thuyền, gần gũi ta. Trong tương quan đối xử, điều quan trọng không nằm ở chỗ: người này/người kia đánh giá thế nào về ta. Nhưng, bằng vào mức độ ta quan tâm chăm sóc hết mọi người. Như thế nào. Quan tâm chăm sóc, còn được gọi là lòng xót thương/trìu mến thể hiện qua cử chỉ và tâm tình khi ta tiếp xúc với người dưng khác họ, thôi.

Ai tìm sự bình an/hài hoà nơi động thái quan tâm chăm sóc người ngoài luồng, ngoài Đạo, thì người ấy sẽ cảm nghiệm được điều mà thánh Phao-lô khẳng định trong thư gửi cộng đoàn tín hữu Do thái: “Nơi anh chị em phải đến, đó chính là núi Sion. Là chốn thành đô của Thiên Chúa cùng với toàn thể Hội thánh. Ở nơi đó mỗi người là “trưởng tử” và là công dân của Nước Trời.”

Trình thuật hôm nay cũng nhấn mạnh thêm điều này: chúng ta đương nhiên là đã yêu thương người thân thuộc cùng giòng họ. Không cần nói cũng biết. Nhưng, điều hệ trọng Chúa ân cần dặn dò, là: nếu chỉ yêu thương đùm bọc người thân yêu ruột thịt mà thôi, như thế không trọn nghĩa. Vẫn chưa đủ.

Giả như, ta chỉ thỏa mãn ước nguyện của người thân yêu/ruột thịt mà chẳng đoái hoài gì đến nhu cầu và thân phận của người dưng khác họ, nào khác; tức là ta đã bất công với gia đình rộng lớn gồm những người con cùng Cha trên trời. Nếu không nhận ra người anh người chị trong gia đình lớn như người thân thuộc, ta không thể nào trở thành đồ đệ của Thầy Chí Thánh. Bởi, như thánh sử Luca ghi rõ:“Mỗi lần các ông từ chối không chăm sóc những người anh chị em của Ta, tức là các ông từ chối chính Ta.

Nếu chỉ yêu thương đùm bọc mỗi giòng họ người thân của mình, thôi. Đó là thứ “ghét bỏ” mà Đức Giê-su không muốn con cái và đồ đệ Ngài thực hiện. Nói tóm lại, là người theo Chúa đích thật, ta phải nhận ra sao bản của Thầy Chí Thánh nơi tất cả những người anh/người chị thân thương hoặc chỉ là người dưng khác họ, không hơn không kém.

Yêu thương đùm bọc mà Chúa nói đến, còn được thánh Phao-lô bổ túc bằng thư tâm tình xin anh Phi-lê-môn nhận người dưng khác họ là nô lệ Ô-nê-xi-mô làm người anh em thân thuộc: “Tôi xin anh cho đứa con sinh ra trong cảnh xiềng xích, xin gửi về anh để xin anh đón nhận như người ruột thịt.” (Plm 1: 10-14).

Tình yêu thương mà thánh nhân đề cập là tha thứ cho những gì mà người nô lệ trẻ Ô-nê-xi-mô đã từng làm. Nay, thì người nô lệ ấy đã trở thành anh em cùng nhà. Nhà, của tín hữu Đức Kitô Nhân Hiền. Ở nơi đó, mọi người coi nhau như anh em ruột thịt.

Cuối cùng, ghét bỏ mọi hình thức thân cận, ruột thịt là để ta có được tự do mà theo đuổi sự thật. Sự thật về lòng yêu thương đùm bọc luôn thăng hóa. Và, khi đã thăng hóa trong yêu thương như thế, mọi người theo chân Chúa sẽ tự tạo cho mình niềm phấn khởi sẵn sàng lập một hành trình. Hành trình luôn “có lòng cao thương; không tỵ hiềm, không giận dữ ghen tuông”. Nhưng, xóa bỏ hận thù bằng mọi dấu yêu thương”.

Xóa bỏ hận thù rồi, ta sẽ hân hoan hơn lên mà tiến bước. Tiến về nơi có những vui mừng và hy vọng đang chờ đón. Hân hoan để rồi cùng với các nghệ sĩ “người dưng”, cất lên lới ca ý nhị thuở nào:

Hãy ngồi xuống đây

Hãy ngồi xuống đây

Xa cơn buồn phiền

Dẫu biết chia phôi

Nhưng trong cuộc đời vẫn có đôi ta… (Lê Uyên Phương – Hãy ngồi xuống đây)

Vâng. Hãy ngồi xuống với nhau. Bỏ hết ưu tư cách biệt của người dưng khác họ. Vì đã có Lời Chúa làm bằng, nay ta đã trở thành người thân. Đã xa cơn buồn phiền. Ngồi xuống với người thân, vì cuộc đời vẫn có đôi ta. Có chúng ta, những người con cùng một Cha. Cha trên Trời. Cha của Nước Trời. Ở dưới thế.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá diễn tịch

Saturday 28 August 2010

Lm Richard Leonard sj: Tiệc Tâm Tình


Trời có mây cao với gió thanh

Đất đầy sự nghiệp những tay lành

Cũng như phơi phới đi vào tiệc

Bữa tiệc đôi ta: một tấm tình....

(thơ Xuân Diệu)

Tiệc mời ta tham dự, bao giờ cũng có tình. Tình người. Tình bạn. Tình thân thương trong gia đình. Chí ít, là tình của đôi ta. Các thứ tình ấy đều được mang vào buổi tiệc lòng mến có Chúa tham dự, như trình thuật đã kể lại, ngày hôm nay.


Trình thuật hôm nay, thánh Luca không chỉ kể về tiệc, về tình mà còn về Vương Quốc Nước Trời. Chính đó, là mục tiêu mà mọi con dân nhà Đạo đều nhắm tới. Về tiệc hôm nay, nhóm Pharisêu vẫn muốn xem Đức Chúa làm những gì, vào ngày Sabát. Và, Chúa có lẽ đã bị chỉ trích, vào lúc Ngài mở lời.


Lời Ngài mở, không nhằm đối đáp với bọn người xấu chỉ muốn hỏi xem Ngài có những hành vi chống lại lề luật, không thôi. Lời Ngài, là về dụ ngôn với những ảnh hình, rất thực tế. Thực tế như sự thực đang diễn ra trước mắt gồm các thực khách đến dự. Và một thực tế khác, là: Đức Chúa vẫn ngồi cùng bàn với đủ mọi hạng người: từ kẻ giàu sang quyền thế, đến người nghèo hèn, tội phạm. Ngài đến với hết mọi người. Ngài đến như giọt nắng giọt mưa đổ tưới trên đầu mọi thần dân.


Lời Ngài nói bằng dụ ngôn, nhằm đáp ứng lề lối mà thực khách thời đó vẫn hành xử, khi vào tiệc. “Họ chỉ muốn chọn chỗ nhất mà ngồi.”(Lc 14: 7) Vào thời buổi này, các buổi tiệc do quan “lớn” khoản đãi, đều có định chỗ trước cho khách ngồi vẫn là chuyện thực tế, rất ý nhị. Các đấng bậc có vai vế quan trọng được xếp chỗ gần chủ nhà. Có tiệc, chủ nhà còn định chỗ bằng cách để thẻ bìq có đề tên.


Lời Ngài tỏ bày hôm nay, đảo lộn mọi trật tự của đời thường. Đức Chúa vẫn thường khuyên dạy: “khi được mời đi ăn, thì đừng ngồi vào chỗ nhất”. Làm theo như thế, kẻ bon chen cạy cục sẽ không tránh khỏi tình trạng khó xử.Và, đôi lúc cảm thấy phẩm giá con người bị xuống thấp. Nếu làm theo đề nghị của Ngài, chắc cũng có người sẽ coi đó như hành động dưới cơ, thiếu tự tin. Tình cảnh này được coi như một tai ương giao tế đến bất ngờ. Nhưng ở đây, khi Đức Giê-su kể dụ ngôn, Ngài không cố ý khuyên ta nên hành xử hoàn toàn từng chữ. Nghĩa đen.


Điều Ngài muốn nhủ, là: ở nơi Vương Quốc Nước Trời, việc chọn chỗ nhất nơi bàn tiệc là chuyện không nên, dễ ngộ nhận. Bởi, ý nghĩa và tinh thần của Vương Quốc Nước Trời không qui vào vị thế xã hội. Thứ đời phàm lúc nào cũng đổi thay. Với nhà Đạo, chuyện quan trọng chỉ nằm ở chỗ: làm sao duy trì được tương quan giữa chúng ta với Chúa, và với mọi người cho tốt đẹp.


Đừng quá bận tâm đến vị thế chỗ ngồi. Hoặc, thứ bậc. Địa vị. Sắc tộc. Tôn giáo. Nghề nghiệp hoặc giai cấp. Vị thế đích thực trong tương quan với Chúa, không thể cân đo đong đếm bằng nghề nghiệp, chức tước hoặc danh xưng. Nhưng, bằng độ sâu độ dài của tình yêu. Bằng quyết tâm phục vụ Chúa qua giao tế với người đời, sống quanh ta.


Điều quan trọng khác, không phải là: hỏi xem mọi người nghĩ thế nào về mình. Vẫn coi mình là ai. Đối xử với mình như thế nào. Nhưng, là dựa vào mức độ chăm sóc tỏ bày tình thương yêu của ta đến người khác. Đến cả những người dưng khác họ, nữa.


Thái độ và lối hành xử mà Đức Chúa vẫn khuyên mọi người nên có, lại được củng cố thêm bằng lời thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Do Thái, rất rõ ràng: “Anh chị em đã lên núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa” (Dt 12: 22).


Đoạn cuối truyện kể hôm nay, Chúa hướng thẳng về phía người thủ lãnh nhóm Pharisêu. mà bảo họ: “Khi các ông đãi khách ăn trưa ăn tối, thì đừng mời bạn bè, hay bà con láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại các ông”. (Lc 14: 12)


Thời buổi này, lời nhủ của chúa có thể áp dụng cho các vị có chức, có tiền. Cả trong Đạo, lẫn ngoài đời ta chỉ nên mời những người nghèo khó, hoặc thân cô thế cô. Những người không có khả năng tham dự bất cứ bữa tiệc nào. Dù linh đình hay thanh bạch. Chỉ nên mời mọc những người không có khả năng mời trở lại. Hoặc, những người không có ý định mua chuộc, hay tham ô, nhũng lạm. Tức, họ chẳng làm gì có sức có quyền để ta nhờ vả, thăng tiến bản thân trong thang cấp cầm quyền.


Điều mà trình thuật nay muốn nói, là: hãy hoạt động để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Xã hội mang hình vòng cung, hay quả cầu. Trong vòng cung trái cầu ấy, không ai ở quá cao. Cũng chẳng có người ở nơi rốt hết. Tức là, mọi người đều có quyền lợi đồng đều, như nhau. Mọi người đều ở vị thế tương đối khá, để có thể san bớt cho những người còn thiếu thốn, nợ nần. Và, nếu đặt một bàn tròn ở giữa, thì mọi người đều có thể với tay chung phần, dự tiệc vui không thua kém ai. Bữa tiệc mà trong đó mọi người đều ngang phần. Đó là Nước Trời ở trần gain.


Có lẽ, sẽ có người cho đây là chuyện viển vông, không tưởng. Chỉ là chuyện viển vông, nếu nghĩ rằng chuyện ấy sẽ xảy đến ngày một ngày hai. Hoặc, vào thế hệ kế tiếp. Thế nhưng, xã hội như thế là Nước trời đích thực, ta có thể bắt đầu trước nhất với mái ấm gia đình mình. Sau đó, lan tỏa ra từng nhóm nhỏ mà ta đang sinh hoạt, chung sống. Cộng đoàn giáo xứ tại địa phương là ví dụ rất cụ thể cho xã hội ấy. Một Nước Trời ở trần gian. Một xã hội có thể thực hiện được.


Vào Tiệc Thánh, ta vẫn thực hiện điều này khi san sẻ bánh và rượu đã thành Mình Máu Chúa. San sẻ thực phẩm nuôi sống linh hồn và cũng san sẻ chuyện trò tâm giao với nhau bên bàn tiệc của lòng mến, rất agapè.


Vào thời tiên khởi, cộng đoàn các thánh vẫn làm thế. Và ngày nay, nhiều nơi trong các giáo xứ, người đồng Đạo vẫn sống như thế. Đó là điều Chúa muốn mọi người thực hiện. Ai làm rồi, cứ thế mà tiếp tục. Đó là thực trạng của Hội thánh hôm nay. Đó là Nước Trời ở đây. Bây giờ. Là, tình huống rất Đạo. Là, bữa tiệc rất phải lẽ. Hợp với Đạo. Đạo của Chúa. Đạo làm người.


Trong vui mừng cử hành Tiệc thánh rất agapè, ta hãy cất lên lời ca hưng phấn, mừng vui hát rằng:


“Tôi vói lên cao, chào Đức Tin

Tôi chào sáng sớm, ban trưa, xế chiều

Đêm về vẫn cứ thôi cúi chào

Tôi thấy trong tôi mừng reo

Tôi thấy chung quanh chào nhau

Tôi cũng không quên chào đứa tôi đâu

Chào… lời chào bình yên

Chào… lời chào bình yên”

(Phạm Duy – Lời chào bình yên)

Vâng, đúng đấy. Cứ chào nhau đi. Vui tươi chào nhau. Chào, vì bây giờ ta đang bình yên. Bình yên đang ở trong nhà của Đức chúa. Nhà của Nước Trời. Rất bình yên.



Lm Richard Leonard sj

Mai Tá diễn dịch

Thursday 26 August 2010

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi


CUỘC DI DÂN

Kinh thánh: Stt 11: 10-26 (nên để ý Arpaksad: không phải danh từ Sem di tích: dòng dõi Abraham đã pha trộn những yếu tố Bắc lưỡng hà điạ).

Stt 11: 28-31: Khởi tự thành Ur.

Nhưng truyện các tổ phụ có liên lạc nhiều với Lưỡng hà điạ: vùng Kinh thánh gọi là Paddan Aram (cánh đồng Aram: Stt: 25:20), hay Aram Naharavin (Stt 24: 10) khoảng giữa hai sông nhánh của Phờ-rát (Habur và Balih. NB. Nhiều tên tổ tiên Abraham lại trùng với tên thành vùng này: Peleg/Paliga tại cửa sông Habur, Serug/Sarughi (bây giờ Serug) giữa Harran và Phờ-rát Nahôr/Nahuru (sau này Til-Nahiri) gần Harran, Terah/Til-sha-Tirahi (có chứng chỉ thời Assur).

Tên Aram (Tlt 26: 5) (Êz 16: 3 Amori)

Dân Aram lịch sử (văn kiện) xuất hiện lối thế kỷ -12. Nhưng trước kia chắc họ đã là những bộ lạc bán du mục. Trước họ, còn những đợt dân chúng tổ tiên hay bà con với Aram: có lẽ nhóm Shu-tu (có thể nhóm Terah của Abraham thuộc nhóm này). Rồi lối thế kỷ -16-15: nhóm Ahlamu (đáng để ý là dân Moab, Israel cũng nhận là bà con bởi Lot, được gọi là Benê-Shut trong Dst 24-17)” văn kiện Mari còn giữ tên các bộ lạc bà con với nhóm Terah: Benê Rabbaya Benê-Semal, Benê Yamiha.

Tên Hipri (Stt 14: 13)

Kinh thánh cho là con cái của Eher. Nhóm Hapiru (Ai Cập gọi là Apiru, Ugarit gọi là Aberim): sinh hoạt phức tạp: lính thuê, tù binh, bọn cướp bóc, thủ công hèn hạ, khi ở bên rìa vùng canh thổ, khi lại phục vụ trong các nước đã thành lập văn minh. Họ có những thần và những thành riêng. Hapiru-Apiru-Ibrim: không nhất khối, nhưng có những nét đặc biệt chung, nên có lẽ phải liệt họ vào một gốc chung: chủng tộc Sem. Kiểu nói Kinh thánh cho phép hiểu nhóm Terah, Abraham cũng thuộc nhóm Hapiru. Còn xác định rõ ràng hơn: rất tranh luận (nhất là nhóm Hapiru đó hoạt động ráo riết tại Phalệtin vào thế kỷ -15 thôi.

DI DÂN

Nhóm Terah cũng như nhiều bộ lạc du mục khác bị văn minh canh thổ lôi kéo: Ur danh tiếng bởi đền thờ thần Mặt trăng. Nhóm Terah chắc cũng bị ảnh hưởng sùng bái đó (Giosua 24: 2-4). Sau đó họ di cư đến một thành cũng thờ Mặt trăng: Haran (nơi bây giờ gọi là Eski-Harran).

Con đường Abraham:

Kinh thánh không nói rõ. Nhưng chiếu theo kiểu di chuyển của nhóm bà con Benê Yamina thì đường đi vạch được thế này: thung lũng Balih – Phờrát (ngang qua có nhiều nẻo: Tell et-Tadayon, hay Meshkeneh (Balis), hay Karkemish. Tục truyện muộn thời: sau đó Abraham ngang qua các thành Alep, Neirab (Nirahu), Hamat, Damas (Eliezer quê tại đó? Stt 15: 2). Từ Damas đến Canaan có nhiều đường: Đường thẳng: đi sát Hermôn đến hồ Hulich, sát gần Genesareth, rồi cánh đồng Esdrelon để ra duyên hải. Đường khác: Damas đi Aqaba (biển đỏ) rồi có nhiều đường phụ rẽ vào Phalệtin. Kinh thánh chỉ cho ta biất Abraham có ghé tại Sikem. Nhưng những bộ lạc du mục có theo đưòng chính đâu. Họ theo một hướng dung, nhưng tạt bên này bên kia để tìm nước và cỏ cho thú vật. Rồi sau đó Abraham xuống Negeb (miền bán sa mạc ít người ở).

HOẠT ĐỘNG DU MỤC

Phải phân biệt du mục chính (Bê-đui) và bán du mục. Bê-đui có khi suốt đời không hề thấy một thành nào (Nhờ sự dẻo dai của lạc đà). Còn những bộ lạc chăn cứu chỉ có thể sống vùng bán sa mạc: các chỗ có nước không xa bao nhiêu và nhiều cỏ hơn. Đó là vùng Kinh thánh đặt các tổ phụ: Harran, Sikem, Bethel, Hebron, Berseba. Trong truyện các tổ phụ có nói đến lạc đà nhưng không phải là yếu tố chính, cũng nói đến bò (một thú vật vùng canh thổ). Nhưng chính yếu là cừu. Abraham cùng các tổ phụ chưa định cư. Kinh thánh cho ta thấy các ngài vận chuyển tùy theo mùa: thay đổi chỗ để tìm cỏ cho bầy thú. Họ lẩn vẩn giữa những khu trù mật đông người, tạt ngang nhưng không dừng lại. Họ tìm cách bảo đảm quyền lợi họ nơi những chỗ có nước (thói của dân du mục, Stt: 21: 15tt); 26: 18tt) tranh chấp với những bộ lạc khác đất (Stt 23: 33, 19): có đất đai, và đi đến định cư: đó là lịch trình hầu như tất nhiên của các bộ lạc bán du mục.

Cuộc sống của các Tổ phụ: yên hoà, đi lại thường ổn thoả với các dân vùng canh thổ. Các tổ phụ tuy còn giữ liên lạc với quê Harran cũ) họ kiếm vợ cho con cái nơi quê cũ đó), nhưng thực sự họ đã quyết ở lại tại Phalệtin này: có khi việc đổi tên Saray thành Sarah, Abram thành Abraham là dấu chỉ việc thừa nhận cả tiếng nói của vùng này.

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

Wednesday 25 August 2010

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chứng nhân của thời đại


Thứ Năm 5.8.1988

11g: Anh chị Nguyễn-Lý-Tưởng , giáo sư Sử học đã có một nhiệm kỳ làm dân biểu hồi trước 75 mời ăn mừng kỷ niệm 20 thành hôn. Ngoài em út trong gia đình, chỉ có cha Chân-Tín, mình, anh Phan-Phát-Huồn và nhạc sĩ Vũ-Thành-An. Anh Huồn và anh An là bạn của anh Tưởng từ trong trại cải tạo. Anh Tưởng và anh Huồn đều đã nghiên cứu nhiều về lịch sử đạo Công giáo ở Việt Nam. Nói chuyện với họ, mình học được nhiều chi tiết thú vị. Anh Huồn đã từng đọc ở thư viện Dòng Đa-Minh bên Manila cả một lá thư của vua Cảnh-Thịnh (Tây Sơn) gửi cho vua Tây-Ban-Nha để xin giúp quân và khí giời đánh lại Nguyễn Ánh. Còn anh Tưỏng thì cho biết có những sử liệu cho thấy là khi Pigneau de Béhaine về Pháp cầu viện cho Nguyễn Ánh, vua quan triều đình Pháp chẳng ai muốn nghe theo ông giám mục. Trừ bà hoàng hậu quá sùng đạo. Người ta đã bảo nhau chẳng cần mất thì giờ bàn qua tính lại với Bá-Đa -ộc làm gì, chỉ ký đại một tờ giao ước… lấy có (pro forma) cho vui lòng hoàng hậu. Rồi triều đình gửi mật thư cho Conway ở Pondichéry bảo tờ giao ước Bá-Đa-Lộc cầm tới không phải là để thi hành.

Thì ra cớ sự còn đến như vậy nữa! Chỉ càng thêm đáng thương cho cái “mốc lịch sử” của Nguyễn-Khắc-Viện.

Đang ngồi nói chuyện với cha Chân-Tín thì có tiếng gõ cửa thá …thô bạo. Một cụ già với râu tóc, dáng dấp khả kính bước vào và hỏi: “Có phải linh mục Chân-Tín ở đây không?” Mình bèn rút lui ra bàn làm việc ở phòng ngoài. Nhưng chỉ vài phút sau cha Chân-Tín lại đưa ông ra: “Bác muốn gặp anh đó.”

Ông cụ là Nguyễn-Văn-Trấn, tác giả cuốn “Chợ Đệm quê tôi” đã gây dư luận khá sôi nổi vì cả lối nghĩ lẫn lối viết khá…ngang. Bây giờ bác Trấn đang muốn viết về Trương-Vĩnh-Ký. Cũng như bác đã viết về Phan-Thanh-Giản hay sẽ viết về Nguyễn-An-Ninh: “Nguyễn-Thị-Bình và đám con cháu Nguyễn-An-Ninh xin tôi viết nhưng tôi nhất định phải viết xong về Trương-Vĩnh-Ký đã mới đụng tới Nguyễn-An-Ninh.” Toàn là những nhân sĩ miền Nam mà ‘người ta’ vẫn đánh giá quá thấp và sai bét: Tôi là người cộng sản nhưng những tay bôi bác Phan-Thanh-Giản hay Trương-Vĩnh-Ký như thế là ‘communistes vaniteux’.

“Tôi đọc bài ‘Nói chuyện tử đạo với ông Nguyễn-Khắc-Viện’ của ông, tôi thấy ông là người có thể giúp tôi viết về Petrus Ký (à này, Petrus không có dấu sắc trên chữ e chớ, phải không ông). Thậm chí ông đứng tên chung với tôi đi.”

-Bác có cách nhìn như vậy về Trương-Vĩnh-Ký, cháu vui lắm. Bác làm việc này là đúng lúc rồi đó. Từ hơn mười năm nay, người ta cứ lăm le san bằng một Trương-Vĩnh-Ký để xây dựng sản xuất đó. Nhưng cháu không viết với bác được đâu. Cháu chỉ xin ra sức tìm tài liệu giúp bác.

Tiếp bác Trấn xong còn phải vội về chở Thanh-Vân và Lan-Chi đi Phú-Lâm ăn giỗ. Lại …ăn, mà mình đang muốn bị cảm. Bèn chỉ ngồi nhìn các món ăn và nhấp nháp vài miếng lấy có.

18g, đi thăm Hồ-Công-Hưng. Đúng như mình và Thanh-Vân đoán, Hưng đau từ cả tháng nay. Bệnh hoại tử đường ruột. Hưng trông phờ phạc hẳn đi. Mất 10 ký là ít. Hèn gì đã lâu ‘không thấy Hưng ghé nhà’. Thanh-Vân và mình ân hận đã không đi thăm gia đình Hưng sớm hơn.

Báo SGGP có bài: ‘Chung quanh việc tăng giá xăng dầu: đúng và sai’. Trước tiên là sự việc:

“Từ cuối tháng trước…số lượng cây xăng ngưng hoạt động nhiều. Giá xăng chợ đen vọt lên (…). Phóng viên báo SGGP đã đến gặp đồng chí Trần-Văn-Thiệu, giám đốc Công ty Xăng dầu Khu vực 2 và được trả lời: vì luợng xăng đưa về không đúng kế hoạch. Kể từ 5.8, Công ty sẽ mở cửa các cây xăng bán tự do với giá 400 đồng/lít như cũ ( báo SGGP, ngày 6.8). Nhưng chỉ bốn ngày sau đó Công ty Xăng dầu Khu vục 2 lại ra thông báo: kể từ 9.8, giá xăng được điều chỉnh lên 800 đồng/lít.”

Rồi đặt vần đề: “Vì sao có sự nâng giá gấp đôi một cách đột ngột và phải giữ bí mật với dân như thế?”

Hỏi và bàn lui bàn tới thì cũng là chuyện đã rồi. Và sẽ còn những chuyện đã rồi như thế mãi. Bao lâu còn có lối quản lý độc quyền và nhân dân vẫn quen với những vụ tăng giá gấp đôi gấp ba tương tự để rồi mọi thứ đều thi đua lên giá theo.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(x. Xung quanh vụ Phong Thánh Tử Đạo, Nhật ký 1988, Tin Paris 1993 tr.145-146)

Tuesday 24 August 2010

Lm Giuse Mai Văn Thịnh CSsR: SỐNG KHÔN LÀ SỐNG THẬT?


Trước đây, hệ thống “PAY T.V.” có cho chiếu một đoạn phim tài liệu rất có ý nghĩa. Đoạn phim diễn lại cảnh chiếc xe tải chở tiền đâm vào cột đèn bên đường. Lúc ấy, cửa xe bên trái bật tung ra và tiền bạc đổ xuống, vãi tung tóe bên đường. Vào lúc ấy, có một người đàn ông đang dạo mát. Thấy thế, ông ta không để ý gì đến sinh mạng của người tài xế. Trái lại, ông vội vơ vét tiền bỏ vào túi và thong thả tản bộ, như không có chuyện gì xẩy ra. Lẽ dĩ nhiên, trên đoạn đường đó chẳng có người nào khác, ngoại trừ người quay phim.

Chương trình nói trên mang tính chất giáo dục. Tiền mà ông kia nhặt được chỉ là tiền giả. Mục đích của nhà sản xuất là muốn người xem tự đặt câu hỏi: Tôi sẽ hành sử thế nào khi phải đối diện với tình huống như trên? Tôi và một số anh chị em có lẽ sẽ đồng ý với việc làm của người đàn ông đó. Bởi vì tiền rơi bên đường mà mình không nhặt thì kẻ khác sẽ lượm. Một số người khôn ngoan hơn, không đồng ý với lối hành sử nói trên. Theo họ, thái độ khôn ngoan và thích hợp nhất là chạy đến săn sóc người tài xế, sau đó báo cho cảnh sát biết sự kiện vừa xẩy ra.

Như tôi trình bày, sự kiện nói trên chỉ mang tính chất giáo dục. Trên thực tế ít khi xẩy ra như thế. Giả như có xẩy ra chăng nữa, thì ta cũng không đủ thì giờ để suy tính xem phải làm gì cho đúng. Thật ra, với cuộc sống của người tín hữu, không phải bất kỳ lựa chọn nào cũng có đủ thời gian để suy tính. Vì thế, chúng ta cần tập luyện để trong bất kỳ hoàn cảnh nào lựa chọn của ta cũng mang tính khôn ngoan và phù hợp với căn tính đích thật của người Ki-tô hữu.

Nhưng đâu là thái độ khôn ngoan? Trong Cựu Ước chúng ta được nghe kể lại về gương sáng của vua Solomon. Vua không xin cho được tài giỏi, cũng chẳng xin giầu có; nhưng chỉ xin được ơn khôn ngoan để hướng dẫn và phục vụ dân riêng của Chúa theo ý muốn của Ngài. Như vậy đức khôn khoan không phát sinh từ sự hiểu biết, cũng chẳng là sản phẩm của trí thông minh. Nhưng là sự khôn ngoan của tâm hồn, được hướng dẫn bởi sự thật mà chúng ta nhận lãnh từ nơi Chúa để có một lựa chọn đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên, trong việc định giá, chúng ta nên cẩn thận đừng để cho những lợi ích nhất thời lừa dối được mình.

Đâu là tiêu chuẩn để xác định về đức khôn ngoan? Câu hỏi này quá trừu tượng nên khó có câu trả lời đích xác. Người ta chỉ nhận ra sự khôn ngoan dựa trên cách hành sử của ta mà thôi. Đức khôn ngoan được thẩm định qua hai yếu tố sau đây:

1/ Trước tiên đó là ân sủng và quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.

2/ Đức khôn ngoan được nhận ra khi lối hành sử của ta phát sinh từ mối tương quan mật thiết với Chúa và phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của mỗi người.

Qua hai điều trên, có thể gọi đức khôn ngoan là “tiếng nói của lương tâm.” Nó xuất phát từ tâm khảm mỗi người, nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Tiếng nói lương tâm không lệ thuộc vào sự khôn ngoan hay trí thông minh. Nhưng bằng trực giác chúng ta biết rằng tiếng lương tâm vẫn vang dội và đánh thức con người mỗi khi họ chọn lựa sai. Chỉ có Thiên Chúa mới ban cho ta sự khôn ngoan để lượng giá sư chọn lựa của mình.

Đức khôn ngoan còn biểu lộ thật rõ ràng qua những lời giảng dậy của Đức Giê-su. Ngài dùng dụ ngôn để nói với chúng ta. Ai trong chúng ta cũng biết rằng để được sống hạnh phúc, ta cần chọn lựa cách sống phù hợp với tiêu chuẩn của Nước Trời. Và để chọn Nước Trời làm gia nghiệp, con người luôn được mời gọi sống hy sinh. Không ai có thể làm tôi hai chủ. Không thể bắt cá hai tay. Không thể vừa thân thiết với chính mình lại vừa chống đối tha nhân (ai ghét và chống đối tha nhân tức là chống đối mình). Như vậy, chọn lựa bao hàm hy sinh. Như người thương gia khi tìm được kho tàng và viên ngọc quí. Ông ta bán tất cả gia sản chỉ để mua kho tàng và viên ngọc quí. Ông đã hy sinh tất cả để đạt điều mà ộng đêm ngày nguyện ước.

Cũng vậy, là con cái Thiên Chúa không ai muốn bị loại ra khỏi vương quốc của Ngài. Thuộc về Nước Trời là điều mà mọi người đều ước mong. Nước Trời nói đến ở đây không ám chỉ nơi chốn như nhiều người vẫn thường nghĩ. Nhưng là lối sống được hướng dẫn bởi tiếng của lương tâm. Nơi đó có sự hiện diện của Thiên Chúa và ta. Chúa hiểu rõ hoàn cảnh của ta, và ta cũng biết ý muốn của Chúa. Quyết định, sự lựa chọn lúc đó không phải là quyết định của riêng ta. Nhưng đó là hậu quả của sự thông hiệp với Chúa là Đấng muốn ta phải làm gì trong hoàn cảnh thực tế ta đang đối diện. Tuy vậy, khi chọn lựa, chúng ta cũng cần hy sinh những ích lợi nhất thời, vì các điều đó chỉ thỏa mãn và bồi đắp tính ích kỷ của mình.

Tóm lại, mỗi quyết định hay lựa chọn nào phát xuất từ lương tâm của mình luôn là quyết định khôn ngoan. Đã biết thế, chúng ta không nên bối rối, nhưng hãy sống trong bình an. Vì Chúa luôn đồng hành với mọi cảnh huống của từng người và của cả cộng đoàn. Tính khôn ngoan còn mở cho ta một chân trời mới. Đó là: không dùng sự khôn ngoan để cai trị, dậy dỗ nhau nhưng hãy dùng nó để lắng nghe các thổn thức, các khó khăn và yếu đuối của tha nhân; hầu qua đó con người xích lại gần và thông cảm nhau hơn.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh CSsR (Úc)

Saturday 21 August 2010

Lm Richard Leonard sj: Cứu độ là cứu-giữ?


Đức Giêsu và Satăng thi đua xem ai là người thảo chương vi tính hay nhất. Cuộc tranh luận kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, cho đến khi hai bên thoả thuận tổ chức một cuộc đấu có Chúa Cha làm trọng tài. Sau khi ổn định mọi sự, cuộc đấu bắt đầu. Hai bên gõ máy rất căng. Cả hai đều đưa dữ kiện hiện rõ trên màn hình. Nét mã lên xuống chập chờn. Đôi phút trước khi cuộc đấu chấm dứt, có tiếng sét rất đột xuất. Và sau đó, thì mất điện.

Chúa Cha cho biết cuộc đấu đã kết thúc. Và, Cha hỏi xem Satăng làm được gì rồi. Satăng giận dữ la lên: Sao của tôi chẳng có gì, trống trơn như thế này? Vụ này chắc có tay nào chơi khăm cúp điện nên mới ra cớ sự thế chứ? Chúa Cha nói: “Thôi được, để Ta xem Giêsu Con Ta có khá hơn gì không?” Đức Giêsu đưa hiệu lệnh vào, và màn hình xuất hiện, rất sống động. Có cả tiếng hợp ca, của đoàn lũ thần thiêng ở quanh đó. Satăng sững sờ. Hắn ấp úng: Làm sao lại ra cớ sự như thế nhỉ? Rõ ràng là, các dữ kiện tôi cài mới có đó, sao biến mất? Trong khi đó, của Ông Giêsu thì còn nguyên? Ông có phép mầu nào làm được như thế cơ chứ? Chúa Cha ngước mắt nhìn qua cặp kính, lặng cười rồi nói: “Ngươi thấy đó. Giêsu biết cứu giữ. Còn người, ôi thôi…”

Quả vậy. Ngày nay, cứu-giữ, luôn là vấn đề. Ai làm được? Làm thế nào? Bao giờ thì Đức Giêsu trở lại, trong quang vinh? Và, các vấn đề gợi nhớ, ấn tượng của kẻ tin qua nhiều thế hệ. Những suy nghĩ bắt nguồn từ Thánh Kinh, như ta thấy ở Phúc Âm hôm nay, tín hữu thời ban sơ, nhất là những người ngoại khi xưa thấy rằng người Do Thái được cứu giữ, rất nhiều lần. Họ là Dân được Chúa chọn. Họ có Lề Luật. Có Ngôn sứ. Họ vẫn luôn kiếm tìm Đức Mêsia. Tuy nhiên, Đức Giêsu đến không như lòng họ mong đợi. Ngài hành động không như họ muốn. Nên, họ đã chối bỏ Ngài, và các đồ đệ. Cả một thế hệ kế tiếp sau khi Ngài tử nạn, người Do Thái vẫn bách hại tín hữu Đức Kitô. Đuổi ra khỏi đền thờ. Và, người tín hữu mới nói: Trong cuộc chạy đua giành được cứu giữ, xem ra người Do Thái khởi đầu như kẻ được chuộng mến, nhưng vì khởi không đúng qui cách, nên về chót.

Suy theo kiểu này, tác động mạnh lên Hội thánh. Khi ta tin rằng đối với lòng nhân từ và tình thương yêu của Chúa, rất nhiều lần, ta tỏ ra thù nghịch với các tôn giáo hoặc giáo phái khác. Và, thù cả với thế giới phàm trần nữa. Ta biểu tỏ, qua ngôn từ tuyệt đối, cho mọi người thấy là ai sẽ được cứu giữ, và hơn thế, ai không được cứu-giữ?

Dù sao thì Công Đồng Vatican II cũng đã phản ánh kinh nghiệm của Hội thánh khi sánh vai làm việc với những người đạo đức và nhân sĩ thuộc thế giới phàm tục ở khắp nơi. Tất cả quyết là: chúng ta phải công bằng. Yêu thương.Trọng tự do. Trong “Tuyên ngôn về quan hệ giữa Hội thánh và các đạo ngoài Công giáo”, các Giám mục đã quan niệm một cách rộng lượng hơn, về chuyện làm sao Chúa có thể quan hệ với hết mọi người, thật rộng rãi. Ngược lại, đến phiên mình, ai cũng liên hệ với Chúa. Dù, các Giám mục không nêu tên những người ấy có theo một kiểu như chúng ta từng làm hay không.

Công Đồng Vatican II không chối bỏ niềm xác tín bảo rằng: Đức Giêsu là Đường giúp ta đến cùng Chúa Cha. Nhưng, Công Đồng khẳng định rằng Chúa hoạt động bằng cách thức không hạn chế, hầu giúp đưa con người vào với cứu-giữ. Và giờ đây, Hội thánh dạy ta là: quan hệ ta có với mọi người -tức, những người đang san sẻ các giá trị đẹp với chính mình- phải được đánh giá bằng việc chấp nhận lẫn nhau. Hợp tác với nhau. Đối thoại, và yêu thương lẫn nhau.

Yêu cầu này không làm cho việc cứu-giữ bớt quan trọng. Nó càng làm cho ta hiểu rõ hơn rằng chính Chúa -chứ không phải ta- là Đấng đã thực hiện cứu-giữ, và phán quyết. Ơn Cứu-giữ, người tín hữu Đức Kitô vạch cho thấy ta là người biết mình sẽ theo ai? Biết nơi nào mình sẽ đến? Làm thế nào tới được nơi đó, và tại sao thế giới đời này và đời sau, lại rất quan trọng đối với ta? Ơn cứu-giữ đem đến với đời sống của ta ý nghĩa, đường hướng và mục đích sống. Qui cách mà ta sống cho việc cứu-giữ, phải hấp dẫn mọi người, khiến họ không thể chối từ, mới thật đúng. Và, như lời của bài dân ca khi xưa vẫn cứ hát: “Tất cả sẽ nhận ra rằng ta là Kitô hữu nhờ có tình thương yêu. Vâng, họ sẽ nhận ra ta là Kitô hữu đích thực, bằng tình ta yêu đương và đương yêu.

Lm Richard Leonard sj

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, CSsR: Nối kết Lề Luật


Như chúng ta đã biết đạo Do thái đặt căn bản trên 10 giới răn. Từ những giới răn này, họ đã thêm thắt và phân chia thành 613 điều luật, chia ra 248 điều truyền và 365 điều cấm. Vì vậy thật khó mà nhớ hết tất cả các luật đó để giữ và chu toàn trong cuộc sống hằng ngày. Do đó họ thường tranh luận để tìm hiểu xem điều luật nào lớn và quan trọng hơn, hoặc điều nào nhỏ và không quan trọng mấy để còn biết lối mà giữ và tránh né.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nối kết hai điều luật thành một, Ngài dậy cho chúng ta hiểu rằng mến Chúa yêu người là hai mặt của một đồng tiền.

Trước tiên chúng ta cùng nhau nghe một câu chuyện, chuyện đó như sau: Vào những thế kỷ đầu của Đạo công giáo, có nhiều người quan niệm là một khi đi tu thì họ phải sống xa những sinh họat của thế gian, trốn vào sa mạc để sống hãm mình và chịu nhiều khắc khổ. Nhân dịp Tuần Thánh, cha bề trên dẫn các thầy dòng của mình đi vào hoang địa để ăn chay và hãm mình. Để giúp họ cầu nguyện dễ dàng hơn, nên mỗi người ở một chòi riêng biệt. Vào khoảng giữa tuần, một vài thầy dòng ở một tu viện khác đến thăm chòi của cha bề trên. Thấy họ đói, cha nấu cho họ chút đồ ăn, và cũng vì lịch sự nên ngài đã dùng chút ít với họ. Các thầy dòng khác thấy khói bốc lên từ chòi của cha bề trên, nên đóan được sự việc là bề trên của họ đã phá chay, bèn đến chất vấn Ngài.

Thấy họ kéo nhau đến, cha bước ra và hỏi:

“Tôi đã phạm tội gì mà các thầy nhìn tôi bằng cái nhìn xét đoán như thế?”

Họ trả lời:

“Thưa cha, cha đã vi phạm luật gichay mà tất cả đã tình nguyện giữ vì yêu Chúa Kitô, Đấng đã chịu muôn vàn đau khổ vì tội chúng ta.”

Cha từ tốn và thông cảm nhìn các thầy rồi đáp:

“Phải, cha đã vi phạm luật giữ chay. Cha đã không giữ luật của con người, nhưng trong khi chia sẻ đồ ăn với họ, cha đã sống luật của Thiên Chúa. Các con không nghĩ là Chúa Giêsu cũng làm như vậy sao? Các con ơi, các con đã xé Tin Mừng của Chúa thành hai mảnh riêng biệt. Các con nên nhớ lại lời Chúa dậy, đó là có hai giới răn quan trọng, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, và yêu tha nhân như chính mình. Chúng ta không vào sa mạc để trốn tránh thị phi hay để sống một mình với Chúa. Nhưng chúng ta đến đây để tìm kiếm tha nhân và yêu thương họ trong Thiên Chúa”.

Có lẽ, như các thầy dòng chúng ta nhiều lần đã phạm lỗi như họ, đó là chỉ biết sống giới luật yêu mến Thiên Chúa qua việc chu toàn lề luật, siêng năng tham dự thánh lễ, ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh cầu nguyện, đi hành hương để hưởng ơn ‘tòan xá’... mà quên đi giới luật yêu thương tha nhân.

Thiên Chúa truyền dạy chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Yêu Chúa như Chúa yêu không phải là việc dễ làm, và có lẽ suốt cả cuộc đời chúng ta luôn bị giới răn này chất vấn. Tuy nhiên yêu tha nhân còn khó gấp bội; vì làm thế nào chúng ta có thể yêu những con người với nhiều khuyết điểm, và có thể đã làm nhiều điều hại chúng ta.

Lời Chúa Tin Mừng mời gọi chúng ta đặt lại vấn đề căn bản cho cuộc sống: Đạo công giáo không chỉ bao gồm những khỏan luật để giữ; nhưng là con đường yêu thương (những nẻo yêu thương). Vì thế, cách thức sống đạo của chúng ta cũng không chỉ dựa vào những kinh kệ dài dòng, những chuyến hành hương hay những cuộc tu họp biểu dương niềm tin tôn giáo; nhưng còn là tình yêu mà chúng ta cần trao đổi cho nhau.

Suy niệm như thế là tốt rồi. Nhưng nếu không biết áp dụng thì những suy tư này cũng chỉ là những suy tư chết.

Nhiều người đã nói và bàn về chữ ‘YÊU’. Nhưng nếu chỉ bàn bạc và giải thích vễ chữ đó, cho dù lời bàn của chúng ta có hay đến độ nào cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì ‘yêu’ không phải là việc để bàn; nhưng đó là việc để sống. Các bạn hãy nhớ lại thời gian các bạn còn là người tình của nhau; các bạn đã để ý và sống cho nhau như thế nào? Ngày nào không gặp được nhau mà lòng không cảm thấy bâng khuâng, nhung nhớ. Bức xúc vì nhớ nhung, bạn không thể ngồi đó chờ cơ hội; nhưng phải ra đi để tìm đến nhau, chiều nhau và cho nhau đủ thứ. Đó là những hành động thể hiện lòng yêu thương của bạn. Bạn không thể yêu một đối tượng không thật sự hiện hữu. Một khi đối tượng đã biến mất, bạn chẳng còn biết yêu là gì. Vì thế tình yêu cần được diễn tả bằng hành động. Nó mang tính chủ động và tích cực.

Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ khác nhau. Những sự kiện thực tế sau đây cũng có thể dùng để minh họa đâu là sự hiện hữu đích thực để chúng ta trao đổi tình yêu.

Vào một biểu chiều, sau giờ tan học; cháu vội vã về nhà. Nhà cửa trống trơn, khung cảnh tĩnh mịch như bãi tha ma. Cháu nhìn qua nhìn lại, đi từ phòng này đến phòng khác, chẳng thấy bóng dáng ai ngọai trừ những hình ảnh đang di động trên màn ảnh của chiếc máy truyền hình. Cháu cảm thấy trống vắng vì không có sự hiện diện của ai hết.

Rồi cũng thế vào một buổi chiếu khác, cháu vừa bước chân vào nhà, vui mừng nhìn thấy mẹ đang ngồi may. Cháu vội vã chào mẹ con vừa đi học về. Bà mẹ mệt mỏi nhìn con đáp: “Về rồi à!” Sau đó làm tiếp công việc của bà. Cháu chẳng biết làm gì hơn, ngòai việc làm bạn với chiếc máy truyền hình và bấm trò chơi (game). Sự hiện diện của mẹ có ở đó, nhưng xa lạ và không đích thực.

Lại một buổi chiều khác, cháu lặng lẽ mở cửa bước chân vào nhà. Ngạc nhiên cháu nhìn thấy mẹ đã đứng bên trong cửa, vui vẻ nhìn cháu bước vào. Mẹ đón và cất cặp cho cháu, sau đó hỏi han chuyện học hành của cháu. Mẹ còn lấy sữa và đồ ăn cho cháu nữa. Hai mẹ con chọc nhau cười thật vui vẻ. Thời gian cứ thế trôi qua, cho đến khi ba về. Ba cháu thấy cảnh tượng đó cũng không kịp thay quần áo, ngồi xuống nói chuyện với mẹ con cháu. Sau đó, cả nhà cháu chuẩn bị nấu nướng và ăn cơm. Sau bữa cơm, cháu còn giúp ba mẹ lau bàn, rửa chén và quét nhà. Tối đó cháu ngủ thật ngon.

Trong ba hình ảnh đó, đâu là sự hiện diện đích thật? Sự hiện hữu đích thực được thể hiện qua việc thông cảm, đón nhận và quan tâm cho nhau. Đó chính là những hành động củaTình yêu.

Thiên Chúa và tha nhân không phải là những đối tượng xa tầm với của chúng ta. Ngài đã nhập thể trong thân phận con người. Ngài là anh, là chị, là tôi, là những người thân trong gia đình, nơi xóm giáo, trong các nhóm cầu nguyện và đặc biệt Ngài đang hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở đầu đường xó chợ v.v..

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau đọc lại lời của Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi, hết lòng và hết trí khôn ngươi…. Còn điều sau cũng giống như điều răn ấy là: ngươi phải yêu tha nhân như chính mình,” trong bài Tin Mừng hôm nay.

"Hết" là cho đi tất cả, dâng hiến mọi sự. Ngoài ra, trong ngôn ngữ do thái, các chữ "lòng", "linh hồn" và "trí khôn" có nghĩa là tòan bộ con người. Do đó câu nói trên có nghĩa là : "Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả con người của mình, cho đi tất cả con người của mình, dâng hiến tòan bộ con người của mình." Nói cách khác là: "Hãy yêu mến Chúa bằng tất cả con người của mình."

"Như chính mình" nghĩa là không còn phân biệt ai là chủ thể và ai là đối tượng nữa.

Như vậy, trong tình yêu không còn có việc phân biệt giữa tôi và anh, giữa tôi và chị hay giữa tôi và kẻ khác nữa. Tất cả đều được hòa hợp trong một tổng thể duy nhất của TÌNH YÊU, nơi không còn biên giới, không còn hận thù, không có tỵ hiềm, và chia rẽ; chỉ có hiệp thông, tha thứ và an bình.

Friday 20 August 2010

Lm Richard Leonard sj: Tâm tình tiệc đời ta


“Trời có mây cao với gió thanh

Đất đầy sự nghiệp những tay lành

Cũng như phơi phới đi vào tiệc

Bữa tiệc đôi ta: một tấm tình....”

(thơ Xuân Diệu)

Tiệc mời ta tham dự, bao giờ cũng có tình. Tình người. Tình bạn. Tình thân thương trong gia đình. Chí ít, là tình của đôi ta. Các thứ tình ấy đều được mang vào buổi tiệc lòng mến có Chúa tham dự, như trình thuật đã kể lại, ngày hôm nay.

Trình thuật hôm nay, thánh Luca không chỉ kể về tiệc, về tình mà còn về Vương Quốc Nước Trời. Chính đó, là mục tiêu mà mọi con dân nhà Đạo đều nhắm tới. Về tiệc hôm nay, nhóm Pharisêu vẫn muốn xem Đức Chúa làm những gì, vào ngày Sabát. Và, Chúa có lẽ đã bị chỉ trích, vào lúc Ngài mở lời.

Lời Ngài mở, không nhằm đối đáp với bọn người xấu chỉ muốn hỏi xem Ngài có những hành vi chống lại lề luật, không thôi. Lời Ngài, là về dụ ngôn với những ảnh hình, rất thực tế. Thực tế như sự thực đang diễn ra trước mắt gồm các thực khách đến dự. Và một thực tế khác, là: Đức Chúa vẫn ngồi cùng bàn với đủ mọi hạng người: từ kẻ giàu sang quyền thế, đến người nghèo hèn, tội phạm. Ngài đến với hết mọi người. Ngài đến như giọt nắng giọt mưa đổ tưới trên đầu mọi thần dân.

Lời Ngài nói bằng dụ ngôn, nhằm đáp ứng lề lối mà thực khách thời đó vẫn hành xử, khi vào tiệc.

Họ chỉ muốn chọn chỗ nhất mà ngồi.

(Lc 14: 7)

Ở thời buổi này, các buổi tiệc do quan “lớn” khoản đãi, đều có định chỗ trước cho khách ngồi vẫn là chuyện thực tế, rất ý nhị. Các đấng bậc có vai vế quan trọng được xếp chỗ gần chủ nhà. Có tiệc, chủ nhà còn định chỗ bằng cách để thẻ bìa có đề tên.

Lời Ngài tỏ bày hôm nay, đảo lộn mọi trật tự của đời thường. Đức Chúa vẫn thường khuyên dạy:

Khi được mời đi ăn, thì đừng ngồi vào chỗ nhất”.

Làm theo như thế, kẻ bon chen cạy cục sẽ không tránh khỏi tình trạng khó xử. Và, đôi lúc cảm thấy phẩm giá con người bị xuống thấp. Nếu làm theo đề nghị của Ngài, chắc cũng có người sẽ coi đó như hành động dưới cơ, thiếu tự tin. Tình cảnh này được coi như một tai ương giao tế đến bất ngờ. Nhưng ở đây, khi Đức Giê-su kể dụ ngôn, Ngài không cố ý khuyên ta nên hành xử hoàn toàn từng chữ, theo nghĩa đen.

Điều Ngài muốn khuyên nhủ, chỉ là: ở Vương Quốc Nước Trời, việc chọn chỗ nhất nơi bàn tiệc là chuyện không nên, dễ gây hiểu lầm. Bởi lẽ, ý nghĩa và tinh thần của Vương Quốc Nước Trời không qui vào vị thế xã hội. Thứ đời phàm lúc nào cũng đổi thay. Với nhà Đạo, chuyện quan trọng chỉ nằm ở chỗ: làm sao duy trì được tương quan giữa chúng ta với Chúa, và với mọi người cho tốt đẹp.

Đừng quá bận tâm đến vị thế chỗ ngồi. Hoặc, thứ bậc và địa vị. Đến yếu tố sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp hoặc giai cấp. Vị thế đích thực trong tương quan với Chúa, không thể cân đo đong đếm bằng nghề nghiệp, chức tước hoặc danh xưng. Nhưng, bằng độ sâu độ dài của tình yêu. Bằng quyết tâm phục vụ Chúa qua giao tế với người đời, sống quanh ta.

Điều quan trọng khác, không phải là: hỏi xem mọi người nghĩ thế nào về mình? Vẫn coi mình là ai? Đối xử với mình như thế nào? Nhưng, là dựa vào mức độ chăm sóc tỏ bày tình thương yêu của ta đến người khác. Đến cả những người dưng khác họ, nữa.

Thái độ và lối hành xử mà Đức Chúa vẫn khuyên mọi người nên có, lại được củng cố thêm bằng lời thư thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Do Thái, rất rõ ràng:

“Anh chị em đã lên núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa”

(Dt 12: 22).

Đoạn cuối truyện kể trình thuật hôm nay, Đức Chúa hướng thẳng về phía người thủ lãnh nhóm Pharisêu mà bảo họ:

“Khi các ông đãi khách ăn trưa ăn tối,

thì đừng mời bạn bè,

hay bà con láng giềng giàu có,

kẻo họ cũng mời lại các ông”.

(Lc 14: 12)

Thời buổi này, lời khuyên của Đức chúa có thể áp dụng cho các vị có chức, có tiền. Cả trong nhà Đạo, lẫn ở ngoài đời ta chỉ nên mời những người nghèo khó, hoặc thân cô thế cô. Những người không có khả năng tham dự bất cứ bữa tiệc nào. Dù linh đình hay thanh bạch. Chỉ nên mời mọc những người không có khả năng mời trở lại. Hoặc, những người không có ý định mua chuộc, hay tham ô, nhũng lạm. Tức, họ chẳng làm gì có sức có quyền để ta nhờ vả, thăng tiến bản thân trong thang cấp cầm quyền.

Điều mà trình thuật hôm nay muốn nói đến, là: hãy hoạt động để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Xã hội mang hình vòng cung, hay quả cầu. Trong vòng cung quả cầu ấy, không ai ở quá cao. Cũng chẳng có người ở nơi rốt hết. Tức, mọi người đều có quyền lợi đồng đều, như nhau. Mọi người đều ở vị thế tương đối khá, để có thể san bớt cho những người còn thiếu thốn, nợ nần. Và, nếu đặt một bàn tròn ở giữa, thì mọi người đều có thể với tay chung phần, dự tiệc vui không thua kém ai. Bữa tiệc mà trong đó mọi người đều ngang phần. Đó là Nước Trời ở trần gian.

Có lẽ, sẽ có người cho rằng: đây là chuyện viển vông, không tưởng. Chỉ là chuyện viển vông, nếu nghĩ rằng chuyện ấy sẽ xảy đến ngày một ngày hai. Hoặc, vào thế hệ kế tiếp. Thế nhưng, xã hội như thế là Nước Trời đích thực, ta có thể bắt đầu trước nhất với mái ấm gia đình mình. Sau đó, lan tỏa ra từng nhóm nhỏ mà ta đang sinh hoạt, chung sống. Cộng đoàn giáo xứ tại địa phương là ví dụ rất cụ thể cho xã hội ấy. Một Nước Trời ở trần gian. Một xã hội có thể thực hiện được.

Vào Tiệc Thánh, ta vẫn thực hiện điều này khi san sẻ bánh và rượu đã thành Mình Máu Chúa. San sẻ thực phẩm nuôi sống linh hồn và cũng san sẻ chuyện trò tâm giao với nhau bên bàn tiệc của lòng mến, rất agapè.

Vào thời giáo hội tiên khởi, cộng đoàn các thánh vẫn làm như thế. Và ngày hôm nay, ở nhiều nơi trong các giáo xứ, người đồng Đạo chúng ta vẫn sống như thế. Đó chính là điều Chúa muốn mọi người thực hiện. Ai làm rồi, cứ thế tiếp tục. Đó là thực trạng của Hội thánh hôm nay. Đó chính là Nước Trời ở đây. Bây giờ. Là tình huống rất Đạo. Là bữa tiệc rất phải lẽ. Hợp với Đạo. Đạo của Chúa. Đạo làm người.

Trong vui mừng cử hành Tiệc thánh rất agapè, ta hãy hát lên những lời hưng phấn, cứ mừng vui mà hát rằng:

“Tôi vói lên cao, chào Đức Tin

Tôi chào sáng sớm, ban trưa, xế chiều

Đêm về vẫn cứ thôi cúi chào

Tôi thấy trong tôi mừng reo

Tôi thấy chung quanh chào nhau

Tôi cũng không quên chào đứa tôi đâu

Chào… lời chào bình yên

Chào… lời chào bình yên”

(Phạm Duy – Lời chào bình yên)

Vâng, đúng đấy. Cứ chào nhau đi. Vui tươi chào nhau. Chào, vì bây giờ ta đang bình yên. Bình yên đang ở trong nhà của Đức chúa. Nhà của Nước Trời. Rất bình yên.

Lm Richard Leonard sj