Friday 22 November 2019

Gm John Shellby Spong: Bài 18 - Chống báng chủ-nghĩa hiện-thực (tiếp theo)


 Chống báng chủ-nghĩa hiện-thực (tiếp theo)
(Bài 18)

Năm 721 trước Công nguyên, thủ phủ Samaria rơi vào tay binh đội Assyria. Dân-gian mọi người bị phân-tán vào chốn lưu lạc không bao giờ quây quần được trở lại theo cung-cách của một dân nước. Một số người bèn tìm cách chạy xuống phía Nam có thủ-phủ Giuđa khi xưa cũng bị đánh bại, nhưng đã khôn ngoan biết sử-dụng chính-trị để trao-đổi chư-hầu với Assyria ngõ hầu tạo chút độc lập còn rơi rớt lại. Thật sự mà nói, thì ít ra dân-gian xứ này không bị chuyển về Ninivê đã là phúc rồi.

Trong số ‘trân châu ngọc quí’ được người phương Bắc cất giấu khi thoát khỏi cơn dịch-tễ Assyria đã chạy về Giuđa mà lưu trữ, thì người viết truyện thánh thuộc nhóm Êlôhít được các vị ở đây đưa về Giêrusalem nhập chung vào với nhóm phò Giavê, thiết-lập tài-liệu thành hai văn bản xuất cùng một thánh-sử cho dân-nước thống nhất. Đó là thời văn-kiện GiavêÊlôhít nhập lại thành một trình-thuật duy-nhất mang tên Tài-liệu Giavê – Êlôhít.

Việc đan-kết hai tài-liệu làm một ở đây, vẫn không tạo ra được tài-liệu nào cho ăn khớp, nhưng vẫn mang ý-nghĩa chung, xuất từ một giòng họ. Việc chia đôi đất nước hợp-thức-hóa tính-chất sử-học qua sự kiện dân-gian có chung một tổ-phụ là Giacóp đã cùng lúc ăn ở với hai vợ hiền, mỗi bà hướng về người mẹ ở bên kia đất nước.

Lịch-sử đây, có câu truyện kể về ông Giuse bị các người em đem đi bán làm nô-lệ cho người Miđianít. Nhưng truyện ở đây lại bảo: thật ra, thì ông bị bán cho đám người Ishmaêlít (X. sách Khởi nguyên chương 37). Thực-chất câu truyện có khác nhau đôi chút, nhưng tựu trung cả hai đã hợp lại thành truyện duy-nhất và mọi người đều bỏ qua những sai sót có thể có về lời lẽ diễn-đạt. Lại nữa, truyện kể về Mười Điều Răn xuất tự truyền-thống Êlôhít ở sách Xuất Hành chương 20 và ở một văn-kiện khác cũng xuất tự truyện kể về Giavê Đức Chúa ở sách Xuất Hành chương 34, cùng một tuồng tích.

Có thể, khi xét nội-dung hai văn-kiện khác nhau mà không thể đúc-kết thành một được, tác giả chỉ muốn ghi lại câu truyện kể bảo rằng: Môsê đập vỡ bia đá Mười Điều Răn, rồi quay lại đỉnh núi Sinai khẩn nài Giavê Thiên-Chúa viết lại văn-kiện này, thêm lần nữa.                  

Dù sự thật có ra thế nào đi nữa, thì việc biên-tập tuồng-tích dựng thành truyện kể thánh-thiêng trước-tác tại Giêrusalem vào thời-điểm trước/sau ngày Samaria sụp đổ, tức năm 721 trước Công nguyên dưới triều Josiah. Cũng vào triều Josiah này, mọi người lại thấy xuất-hiện tài-liệu thứ ba nhập chung với thiên trường-ca thánh-tiến này.

Có thể, Josiah là vị vua được dân chúng mến-mộ nhất ở Giuđa, chí ít là khi vương-quốc đây bị cắt thành hai nước biệt-lập. Ông Josiah hết lòng thờ-phụng Giavê lại sở-hữu năng-khiếu trời cho, nên ông hành-xử thật đúng phép. Do có lòng xác-tín sâu-sắc với Đạo, ông ra lệnh sửa-đổi một số địa-danh thuộc đền thờ Giêrusalem vào năm 621, trước Công nguyên.

Trên tường thành, do có chủ-tâm hoặc tình cờ thật cũng chẳng ai biết, mọi người lại thấy xuất-hiện Sách Luật Mới đã cho rằng Sách ấy do Môsê viết (X. 2Vua đoạn 22) *1, nên người ta đặt tên cho Sách là “Đệ Nhị Luật” (tiếng Hy Lạp là deuteron-nomos). Sau này, Giáo hội cũng gọi đó là Sách Đệ Nhị Luật. Josiah ra lệnh cho ba quân đem Sách về cho ông xem; nên, sau khi đọc xong Sách, ông ra lệnh cho thuộc-hạ mọi giới khởi-công canh-cải cuộc sống của người Giuđa. Từ lúc ấy, mọi người gọi đó là Công-cuộc Cải-tân “Đệ Nhị Luật”. Ông lại đã ra lệnh cho mọi người tụ-tập tại đất thánh-thiêng, rồi ngang qua Môsê, ông truyền lệnh mới Thiên-Chúa chỉ thị cho mọi người phải thay đổi mọi sự ở vương-quốc cứ dựa theo Sách này mà thực-thi, ngay tức thì.

Phần lớn các thay đổi đây, cốt tập-trung quyền-bính của hàng tư-tế Giêrusalem vào cuộc sống đạo của tất cả dân con trong nước. Sau cuộc canh-cải này, chỉ mỗi Giêrusalem là nơi xứng-đáng để mọi người tổ-chức lễ Vượt Qua thôi. Và, đây cũng là nơi thích-hợp để mọi người tới đó chịu cắt bì hoặc dâng mình vào đền thờ thụ-giới.

Người hành-hương đi Giêrusalem dự tiệc Tạ Từ, tất cả đều đeo đuổi truyền-thống duy-nhất bắt đầu bằng cuộc canh-cải do Josiah đề-xướng. Chẳng bao lâu trước khi có Đệ Nhị Luật (cùng một lúc với văn-kiện thứ ba của Mười Điều Răn chương 6) tháp-nhập vào truyện thánh lúc Giuđa phát-triển, nhằm trình-bày về Đệ Nhị Luật mang tính ‘Giavê – Êlôhít’. Đó, là trình-thuật mà 35 năm sau, người Do-thái-giáo vẫn mang trong mình dọc suốt hành-trình Babylon vào năm 586, trước Công nguyên.

Không một kinh-nghiệm nào về đời sống đạo-đức của dân Do-thái-giáo lại sâu-sắc hơn vào thời lưu-đày này. Đất nước Do-thái bị quân Babylon đánh cho ‘thân bại danh liệt’, dân-quân lại bước vào chốn lưu-đày, nên ý-niệm mà mọi người vẫn có về Thiên Chúa, cùng lúc trở nên mai-một đã trải dàn khắp chốn.

Nhờ tài lãnh-đạo của Êzêkien và nhóm tư tế, tính-chất Do-thái-giáo của dân con lưu-đày vẫn hằn in trên thân mình của nam-nhân qua việc cắt bì theo luật buộc, và tâm-tư lẫn óc não của họ cũng hằn in dấu vết về việc tuân-thủ lề-luật và sùng-bái theo truyền-thống. Luật giữ ngày Sabát cùng việc chay kiêng nhiệm-nhặt, đã khiến người Do-thái-giáo phải tách riêng sống chi ly như nội-qui định sẵn.

Đền thờ, là nơi dân con lưu-đày giữ niềm tin sống-động tồn tại với lịch-sử nhân-loại. Nhưng, điều quan-trọng của mục-tiêu chung, là viết lại truyện thánh mà người Do-thái-giáo vốn dĩ có được, nhờ nhóm tư-tế ở trên cao. Việc này gia-tăng gấp bội chiều-kích duy-trì luật Torah đồng thời nâng cao truyền-thống phụng-thờ mà các tiên-tri từng nói đến, rất lâu. Quả thật, thời của các tiên-tri như thế đã chấm dứt.

Chính văn-kiện viết lại này, mang tính bảo-thủ về thần-học, tức một thứ lề-luật xuất-hiện trong thánh-sử của Giuđa mà Nêhêmia đem đến cho họ, khi mọi người tìm cách tái-thiết Giêrusalem vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Và, văn-kiện lề-luật viết lại ở đây, mãi về sau cũng được nhóm SađuxêPharisêu tác-thành và tuân-thủ.        

‘Văn-kiện-viết-lại’ cũng đảm-bảo cho dân con Do-thái-giáo tồn-tại theo cách của người dân được định-vị trong lịch-sử. Trong số bảy áng-văn tuyệt-cú của Do-thái-giáo, hàng tư-tế tác-giả lại thêm vào đó chương dẫn-nhập cùng với thánh-sử, để rồi ngày nay mọi người coi đó như truyện tân-tạo được nhiều người biết đến. Trình-thuật đây, lúc đầu được viết, là cốt để đề-xuất ngày Sabát như một sự-kiện nổi-bật, hầu buộc mọi người tuân-thủ và coi đó như chứng-minh-thư nhận-dạng.

Chính các nhà văn tư-tế, tức các vị từng thêm thắt lời bàn về công-tác phụng-thờ vào văn-kiện Êlôhít quen kể về Mười Điều Răn ghi ở sách Xuất Hành chương 20. Thành thử, động-lực và nguyên-do đề-xuất, là để khống-chế mọi người khỏi rơi vào trạng-thái sùng-bái ngẫu-thần, nhờ đó biết nghe lời cha mẹ tuân-giữ ngày Sabát cho phải phép. Cũng từ đó, các khát-vọng này khác càng được định-hình thêm. Và, các biên-tập-viên tư-tế là tác-giả viết lại chương sách về cơn lụt Đại Hồng-Thủy trổi bật, khiến Nôê phải mang theo mình ông 7 cặp muông-thú thanh-bạch, duy chỉ một cặp còn sót đôi chút tì-vết được phép đưa vào hòm bia Thiên-Chúa, nói ở đây.

Điều này khiến Nôê và gia đình có khả-năng tuân-giữ lề-luật của Chúa suốt 40 đến 150 ngày vẫn có đủ thực-phẩm để dùng, cũng như khả-năng biến-chế của lễ do mọi người dâng lên Thiên Chúa rất tinh-khiết như nội-qui đòi-hỏi, mà không cần phải giết thêm thú loài nào hết (Khởi nguyên chương 7). Câu truyện về dân con mọi người lang-thang nơi hoang-địa, cũng được các tác-giả là tư-tế ghi lại để rồi chính Môsê và dân Do-thái-giáo không vi-phạm luật Sabát bằng việc gom góp bánh trái, cùng manna vào mỗi thứ bảy trong tuần (X. sách Xuất hành chương 16).     

Khác với công việc của hàng tư-tế/tác-giả, ta có thêm công-trình xuất-hiện cùng lúc với sách Isaya quyển 2 (Ys 40-55). Các tiên-tri từng kêu gọi Giuđa hủy việc xác-chứng bộ-tộc của họ bằng cách phác-thảo cho dân biết, lời kêu gọi chung, trong khi đó các tác-giả tư-tế lèo lái đất nước, đào sâu hơn bản-chất bộ-tộc của họ, bằng việc định-hình ra Thiên Chúa hợp với ước-vọng của mọi người. Sách Ysaya quyển 2, khi ấy được thiết-lập trở-thành “lời gọi mời từ hoàng-gia thật chính-xác. Ảnh-hưởng của hàng tư-tế, như thế đã trải dài mãi đến thời Macabê cả thời của Đức Giêsu nữa, khi các lãnh-tụ chính-trị cũng như tôn-giáo ở Giêrusalem di-dời bộ-phận độc-nhất trao quyền cho hàng tư-tế tối cao lãnh-đạo.

Bởi không rõ nguồn gốcđộng-lực xuất-phát từ văn-kiện gốc, là sách Torah, nên ta không thể biết Kinh-thánh có được sử-dụng trọn vẹn hay không. Và, Kinh-thánh cũng không được trích-dịch đưa vào các tranh-luận này khác, hầu chứng-minh xem bản nào là bản gốc, bản nào thực-sự chỉ được viết mới đây thôi. Nét mâu-thuẫn ở kinh-thánh càng thấy rõ hơn nếu đem so với các sách mang tính sử-học như Sách Samuel hoặc Sách Các Vua, là những sách ghi nhiều sự-kiện tương-tự nên đã chính-thức trở-thành Biên Niên Sử. Thật ra, cả hai văn-kiện nói trên, không thể dung-hòa được với nhau.  

Nếu so sánh truyện kể về cái chết của Đavít ở quyển 1 Sách Các Vua chương 1 với truyện kể về cùng cái chết của ông ở Sách Ký Sự chương 28-29, thì ở quyển 1 Sách Các Vua ta thấy: Vua cha về già bị cơn lạnh xâm-nhập vào người nên mới đau-khổ thực sự, có đắp bao nhiêu chăn mền dầy cách mấy cũng không đủ để làm ấm xác thể của ông cho đủ.

Quan cận-thần khi ấy lại đã khám-ra một trinh-nữ xinh đẹp sống trong cùng vùng đất (và đây là cuộc thi sắc đẹp sớm-sủa nhất ở Israel), cô được phép ngả mình trong vòng tay ôm của Vua cha già-khú cốt hâm nóng cơ thể của ông thôi. Abishag là người Shunam đã thắng cuộc, nên cô được phép ngả vào lòng vua để long-thể của ngài thêm ‘ấm áp’. Xem thế thì, truyện kể về cô đã đi vào truyền-thuyết cùng với trí tưởng-tượng của dân con Do-thái-giáo, mãi về sau còn tạo nguồn-hứng cho các tác giả viết lên bài ca thánh-tiến. Đây là truyện thực mang ý-nghĩa dân-dã khác với các truyện ở sách Ký Sự viết về vua quan, suốt nhiều năm.

Cũng vào thời này, người ta dựng truyện Vua Đavít rồi coi ông là nhà yêu nước lý-tưởng, một thứ nguyên-mẫu của Do-thái-giáo được trọng-vọng suốt nhiều năm, để rồi bỗng nhiên ông trở-thành nhân-vật quyền-lực tối-thượng trong phụng-vụ và trong sách Torah nữa. Trên giường bệnh, Vua cha lại đã ra lệnh cho dân con Israel hãy dùng đó làm truyện phổ-biến dân-gian, gọi là lời trăn-trối cuối cùng của ông về sự khôn-ngoan thần-thánh. Lời này được vua Đavít sử-dụng làm lý-do cho thấy tại sao ông không xây đền Giêrusalem, lại chỉ cách xây đền thờ, đồng thời truyền lệnh cho hàng tư -tế cùng nhóm Lêvít biết cách mà hành-xử cho phải Đạo. Câu truyện kể ở đây quả là kỳ lạ khiến nhiều người ngạc nhiên hết sức.

Những người bênh-vực cho các sai-quấy ở Kinh Shánh, đã dung-hòa hai truyện này hoặc ít ra cũng quyết-định là bản nào đúng, bản nào sai. Thật chẳng may, các biện-pháp luyện tâm-thân như thế, đã để mất đi ý-nghĩa đích-thực của hai cốt truyện. Khi văn-bản nào đó được người ta rớ tới bằng những vấn-nạn sai quấy, hẳn nó cũng đưa ra câu trả lời sai chậy. Rủi thay, đây là cung-cách được nhiều người thực-thi nhát mỗi khi họ tiếp-cận với Thánh-kinh. Vốn ngu-dốt về Kinh thánh đến độ thế, hẳn các nhận-thức mới mẻ dù được gọi là thành-tựu khoa-học đi nữa, cũng coi như quyền-uy sức mạnh của Thánh kinh đã bị sói mòn dần.

Khi mọi người chuyển từ Kinh-thánh Do-thái-giáo sang Thánh-kinh của Đạo Chúa, vấn đề về tính uyên-bác vẫn không đổi thay. Các học-giả trung-hòa lại có khuynh-hướng bỏ qua những gì là thái-quá ở Kinh-thánh Do-thái-giáo, nhưng các cụ vẫn đeo bám một cách kiên-định vào “Tân” Ước, coi đó như ‘Lời lẽ’ không sai chậy của Thiên-Chúa. Ta không thể chấp-nhận quan-điểm này cách dễ dàng được, bởi toàn-bộ 27 cuốn sách ở Tân Ước, đều trước sau như một, không sai sót, dù vẫn có một số nguồn-văn không thể định-dạng, trong đó nhiều bản văn lại có trước cả trình-thuật Thánh-kinh nữa, là đàng khác.

Có thể, tác-giả Máccô là người viết toàn bộ các cuốn ấy. Nhưng, chỉ một số rất ít học-giả ngày nay tin rằng ông là tác-giả cả 3 cuốn Tin Mừng. Tác-giả Mátthêu cũng sử-dụng văn-bản do Máccô đưa ra làm tài-liệu mang tên ‘Q’ hoặc Quelle; và, ông còn thêm vào đó nguồn-văn mang tên ‘M’ để trước-tác Tin Mừng của chính ông. Tác-giả Luca, lại sử-dụng trước-tác của Máccô và tài-liệu ‘Q’, nhưng ông sử-dụng trước-tác này theo cách khác hẳn Mátthêu. Trong khi đó, tác-giả Luca sử-dụng nguồn-văn riêng một cách đặc-thù mà ta gọi là nguồn ‘L’ nhưng chỉ mỗi thể. Cũng vậy, tác-giả Luca có lẽ chỉ viết một văn-bản ngắn-ngủi hơn mà ngày nay ta gọi là ‘nguyên-bản Luca’ kéo dài ít năm sau đó, cộng với trình-thuật thời ấu-thơ của Đức Chúa và trình thuật Máccô mà thôi.
                                                                                                            (còn tiếp)                                
Gm John Shelby Spong trước-tác
Mai Tá lược dịch    

Tuesday 12 November 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : SẴN SÀNG CHỜ CHÚA



Mới hôm nào mà nay tôi đã được xếp vào hạng U70. Nhìn vào con số bẩy mươi mà run sợ, thế mà tôi vẫn thấy mình cứ như là một đứa trẻ và nghiệm lại thấy mình vẫn chưa làm được gì hết! Sau tuổi sáu mươi đã được coi như là hưởng thọ; vì thế tôi tự xếp mình vào loại già, nhưng nếu so với các thành viên khác trong cộng đoàn tôi đang sống, thì mình vẫn là người trẻ nhất. 

Già rồi nên thích ôn lại chuyện cũ, cho dù trong quá khứ đã xẩy ra quá nhiều chuyện mà tôi chỉ muốn được quên đi cho yên bình. Nhưng nếu nhìn về tương lai thì thấy gì? Phải chăng là những tháng ngày trong nhà dưỡng lão hay bịnh viện và sau cùng là nghĩa trang đang chờ đón mình. Bi quan quá! Nhưng đó là thực tế mà chắc hẳn tôi chạy đâu cũng không thoát. Các vị trưởng thượng đã từ từ rủ nhau ra đi, bạn bè cũng đã lên đường, mình không có lý do gì để tháo lui hay trốn chạy.

Chuyện cũ muốn ôn lại hôm nay cũng không phải của tôi. Đó là những mẩu tâm tình mà tôi đã nghe từ các bậc tiền bối kể lại. Với hiệp định Geneva, chia đôi chiến tuyến và đặt Việt Nam thành 2 miền Nam và Bắc. Bố mẹ tôi theo đoàn người ra đi vào miền Nam. Các cụ ra đi với tâm trạng mong chờ ngày hồi hương. Đi đâu cũng chỉ mong về nhà. Thế mà, thêm một lần ra đi nữa mà ngôi nhà ở miền Bắc của các cụ vẫn chỉ là những ký ức trong lòng và là ước mơ không thành tựu.  

Thay vào đó là ngôi nhà vĩnh cửu. Niềm hạnh phúc được ở trong nhà Cha đã thuộc về các cụ và những anh em đi trước. Họ ra đi với trọn vẹn niềm tin vào Đấng đã ban cho họ niềm hy vọng là họ không chết nữa, sự chết không thể làm chủ và vây hãm được các ngài. Các ngài đã tin rằng Thiên Chúa đã săn sóc họ khi còn sống, thì không có lý do gì mà Thiên Chúa lại bỏ rơi khi họ đã về nhà, tổ ấm của yêu thương, bình an, hoan lạc và niềm vui, nơi đó sẽ không còn hận thù và đau khổ, không còn phân ly và xa cách, không còn thời gian và nơi chốn chỉ có trường cửu và vĩnh hằng. Họ được bao phủ bởi yêu thương và hiệp nhất. 

Ngày cùng tận của đời người như thế thì có gì đáng sợ đâu. Ngày cùng tận sẽ đến với từng người. Không ai tránh thoát. Nhưng, đó không phải là chủ đề chính mà Phụng vụ Lời Chúa nhắm đến hôm nay. Trong những ngày này, phụng vụ Lời Chúa hướng về sự cùng tận của thế giới, ngày mà con người thường gọi là ngày tận thế. 

Chúng ta không nên bàn luận hay tiên đoán khi nào ngày đó sẽ đến. Tuy nhiên, mỗi khi thấy những biến cố hay các tai ương xẩy ra trên thế giới như: động đất, lũ lụt, chiến tranh thì không thiếu những người tín hữu vội vàng chạy theo các lời tiên đoán và ám chỉ các biến cố đó là các dấu hiệu báo trước ngày tận thế sắp xẩy ra. 

Các lối suy đoán như thế đã từng xẩy ra trong lịch sử. Mỗi một giai đoạn người ta lại có các kiểu đoán khác nhau. Và chưa ai tiên đoán đúng cả. Quả đúng như Lời Chúa nói hôm nay rằng hãy coi chừng các tiên tri giả. Và, chúng ta hãy nhớ tại một chỗ khác Chúa đã xác định thật rõ ràng như sau: “Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”. Đó là việc của Thiên Chúa. Chính vì thế, những gì mà Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta chuẩn bị sống tốt ngay lúc này. Còn khi nào Chúa đến thì để Chúa lo.

Khi Thánh Luca viết diễn từ quang lâm, và bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một phần của diễn từ, thì các tín hữu sơ khai đã chứng kiến cảnh đền thờ Giêrusalem bị tàn phá. Họ tin rằng đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà nay đã thành bình địa thì còn hy vọng gì nữa. Để hỗ trợ cho lối suy nghĩ này, chúng ta thử tưởng tượng rằng nếu một ngày nào đó Đế Đô Vatican bị sụp đổ thì niềm tin của những người tín hữu nhiệt thành và dựa vào truyền thống sẽ bị lung lay đến độ nào?

Quả thật, biến cố kinh hoàng này đã khiến cho niềm tin của các tín hữu tiên khởi bị lung lay đến tận xương tủy. Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài không can thiệp để bảo vệ đền thờ và bộc lộ lòng quan tâm của Ngài dành cho dân mà Ngài đã tuyển chọn? Phải chăng, đây là thời gian hay ngày của Chúa? Họ phải làm gì để đón đợi ngày này đây? Và có khi nào đó là những dấu hiệu báo cho chúng ta biết ngày đó sắp xảy ra chăng?

Diễn từ quang lâm mà Thánh Luca trình bầy hôm nay như là một lời nhắc cho chúng ta nhớ rằng việc đền thờ Giêrusalem bị tàn phá được Đức Giêsu dự đoán đã xẩy ra. Đó không phải là dấu hiệu tiên báo ngày chung cục cho bằng do bàn tay của con người đã phá hủy nó. Chúng ta hãy nhớ rằng Nước Thiên Chúa được thiết lập nơi bản thân và sứ vụ của Đức Giê-su chứ không bị lệ thuộc bởi việc xây dựng các cơ sở vật chất do bàn tay con người đóng góp. 

Bên cạnh đó, Đức Giêsu còn nói cho những kẻ theo Người biết rằng không chỉ có đền thờ đã bị tàn phá mà sẽ còn nhiều tai ương và hoạn nạn xẩy đến cho thế giới này nữa... Một thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, bạo động, chiến tranh, khủng bố, các tai ương như thiên tai, động đất và lũ lụt vẫn xẩy ra. 

Cho dù tất cả các biến cố nói trên và các hiện tượng kinh hoàng khác ập xuống trên mặt đất cũng không làm chúng ta phải hoảng sợ. Đức Giêsu đã quả quyết rằng những sự việc đó sẽ xẩy ra trước, nhưng đó cũng không phải là các điềm báo nói về ngày chung cục đâu. 

Ngoài ra, các người theo Chúa còn bị bách hại, bị ngược đãi và bị giam cầm, thậm chí còn bị những người thân trong gia đình bắt nộp. Nhưng, tất cả các điều đó không làm cho chúng ta phải hoang mang hay lo sợ; trái lại chúng ta hãy xử dụng các hoàn cảnh ngặt nghèo như là những cơ hội để loan báo Tin Mừng cho những ai đang có lối sống thù địch với Tin Mừng. 

Sống trong tư thế của kẻ đã sẵn sàng trong hoạt động để loan báo Tin Mừng là thái độ sống tích cực của người tín hữu đã sẵn sàng đón chào Chúa. Quả thật, chúng ta được mời gọi để đón nhận mọi biến cố xẩy đến trên thế giới này bằng một niềm hy vọng. Chúng ta được mời gọi trung kiên với Chúa và tìm mọi cơ hội để làm chứng nhân cho niềm tin và niềm trung kiên của chúng ta giữa lòng thế giới mà chúng ta đang sống. Tất cả là bối cảnh mà chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Đức Kitô giữa lòng thế giới và ngay ở trong lòng của những kẻ thù địch với mình. 

Như vậy, việc Thiên Chúa đến trễ hay đến sớm không phải là việc mà chúng ta cần quan tâm hay lo lắng. Tất cả mọi biến cố đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Người. Đức Giêsu muốn chúng ta có nhiều thời gian để chuẩn bị cho thật tốt, nhất là biết dùng thời gian đang sống để công bố cho mọi người biết về Tin Mừng của Thiên Chúa. 

Vì thế, hãy kiên tâm vì mạng sống của chúng ta đã được Thiên Chúa coi sóc. Hãy một lòng tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa là chăm sóc cho chúng ta. Và, với sức mạnh của lời Chúa hứa, chúng ta hiên ngang dấn bước theo Người và để lại mọi sự, kể cả ngày sau cùng, cho Người lo liệu. Tạ ơn Chúa.

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
11/11/2019

Monday 4 November 2019

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT : TẤT CẢ VẪN ĐANG SỐNG.



Truyện kể rằng có linh mục kia đang trông coi một giáo xứ miền quê. Vào một buổi chiều nọ, ông trùm quản xứ vào gặp ngài. Hai cha con ngồi nói chuyện dưới mái hiên của nhà xứ. Bỗng nhiên, với vẻ trang trọng ông thưa với cha rằng: “Thưa cha, trong suốt 30 năm qua, không ngày nào mà vợ chồng con không cãi cọ nhau.” Nghe đến đó, cha lùi lại phía sau, nhìn thẳng vào mắt ông trùm và với vẻ ngạc nhiên cha hỏi: “Mỗi ngày sao?” “Thưa cha, mỗi ngày” ông đáp. Vậy hôm nay thì sao? Ông trùm trả lời: “Dạ thưa cha, sáng nay cũng thế, cô ta quàng tay sang phía con, tung mền và lôi con bò dậy rồi lớn tiếng quát “ông không dậy ra khỏi giường mà lo việc, cứ nằm đó mà nướng.” Thế là lời qua tiếng lại, cuối cùng con vẫn là người chịu thua và im đi cho yên chuyện.

Trong cuộc sống gia đình anh chị em thường xuyên gặp phải hoàn cảnh thực tế nói trên. Không tranh luận, không cãi vã, không có lời qua tiếng lại thì không phải là sinh hoạt vợ chồng, thế mà anh chị vẫn cứ trung thành sống bên nhau. Cuối cùng cả vợ lẫn chồng đều nhận ra một thực tế mà cha ông chúng ta đã trải nghiệm, đó là: “Càng yêu nhau lắm, càng cắn nhau đau.” 

Những cuộc cãi vã thường xuyên xẩy ra trong đời sống vợ chồng thế nào thì mấy ông lãnh đạo thời Đức Giê-su cũng thế. Mỗi khi các ông Pharisêu và các vị thuộc nhóm Xađốc gặp nhau là cơ hội họ tranh luận về đề tài kẻ chết sống lại này. Hầu như không có lối thoát. Phe nào cũng muốn phần thắng lợi thuộc về họ. Không ai chịu thua ai.

Ngoài việc căn cứ vào Lời Chúa phán trong các sách ngũ thư và truyền thống ngôn sứ, mấy ông Pha-ri-sêu còn dựa vào hoàn cảnh thực tế mà dân đang phải gánh chịu, như cảnh những người công chính, ăn ngay ở lành thì bị bách hại, trong khi đó những tay gian ác, ăng ten và làm tay sai cho chính quyền lại phát tài và ăn nên làm ra. Từ đó họ mới suy luận và cho rằng Thiên Chúa công minh sẽ can thiệp vào thời sau hết và không để cho xã hội mãi như thế. Họ không chết trong các nỗi bất hạnh. Chắc chắn có sự sống đời sau. Lúc đó, Thiên Chúa sẽ làm cho kẻ chết sống lại, ban thưởng cho bậc chính nhân và phạt kẻ ác. Với suy tư thần học này, rất đông dân chúng đang sống trong cảnh bị bách hại, theo phe họ.

Trong khi đó, hầu hết các vị Thượng Tế là những người thuộc nhóm Xa- đốc chủ trương không có chuyện kẻ chết sống lại. Bởi vì họ đang thụ hưởng một cuộc sống quá sung túc. Thế giới mà họ đang sống đã là Thiên Đàng rồi, đâu cần một thế giới khác nữa. Giữa họ và người Pha-ri-sêu luôn luôn bất đồng với nhau về việc này.

Vẫn biết rằng, Đức Giê-su đã trở thành mối đe dọa cho vị trí và quyền lợi của những người Pha-ri-sêu và nhóm Xa đốc, cho nên họ luôn tìm cách để nộp Người. Họ luân phiên nhau chất vấn Đức Giê-su và hôm nay đến phiên nhóm Xa-đốc. Câu hỏi về số phận con người sau khi chết chỉ là một cái bẫy mà nhóm Xa-đốc dùng để gài Chúa. Họ không trực tiếp hỏi về cuộc sống sau khi chết, cho bằng dựng nên một câu chuyện, tuy hơi hoang đường với chúng ta, nhưng phản ảnh nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ. Họ dựa vào khoản luật trong sách Đệ Nhị Luật, chương 25:5-6 để chất vấn Chúa. Điều luật đó như sau, nếu người anh chết mà không có con nối dõi tông đường thì người em phải lấy chị dâu, nay đã góa chồng, làm vợ và đứa con đầu lòng cô ta sinh ra sẽ mang tên của ông anh đã chết. Khoản luật này xem ra không hợp với văn hóa của chúng ta ngày nay, nhưng lại là điều tốt vì có như thế thì người phụ nữ bị góa chồng đó mới được bảo vệ, ít nhất cô ta còn có con cái phụng dưỡng khi về già.

Những người thuộc nhóm Xa-đốc đưa ra câu chuyện của một người đàn bà đã trải qua bẩy đời chồng mà họ là anh em với nhau trong một gia đình. Theo luật Mô-sê thì bà đã làm đúng. Cho dù, những người thuộc nhóm Xa-đốc không tin vào sự sống đời sau; nhưng ở đây họ giả định là nếu có sự sống đời sau thì bà này sẽ là vợ ai? Vì bà đã là vợ của cả bẩy anh em! Điểm then chốt mà họ đưa ra ở đây không phải để tìm hiểu giáo lý, nhưng để bắt bí Đức Giê-su. Nếu Người cũng chủ trương có sự sống đời sau thì Người phải đối diện với một tình huống thật khó xử chưa kể là phi lý nữa. Đức Giê-su lại một lần nữa bị đặt vào hoàn cảnh dường như không lối thoát. Người sẽ hành xử ra sao trong lúc đối tượng chỉ là những người chống đối và gây khó khăn cho Người?

Dù biết được thâm ý của họ như thế nhưng Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn trong cách hành xử để đáp trả vấn nạn mà họ nêu ra. Người không chỉ nói lên quan niệm của Người về sự sống lại mà còn giải thích cho họ biết về quan niệm của Người. Chúng ta có thể tóm tắt lời Người giảng dậy như sau:

·         Điểm quan trọng trước hết là có sự khác biệt giữa sự sống đời này và sự sống đời sau. Cuộc sống với Thiên Chúa trong thời sau khi chết thì khác hẳn với sự sống hiện tại. Khác như thế nào không được nói rõ, nhưng hẳn nhiên không phải là một sự tiếp nối của cuộc sống hiện tại.

·         Điều thứ hai là không có việc lấy vợ gả chồng trong thời đại đó.
·         Điểm thứ ba là họ không thể chết nữa vì họ đang sống đời đời.
·         Sau cùng, những ai đã được cứu độ thì sẽ có lối sống giống như các thiên thần, chầu chực và ca tụng Thiên Chúa.

Sau đó, Đức Giê-su còn trích dẫn lời tuyên xưng của Mô-sê, khi ông gọi Đức Chúa hiện vẫn là Thiên Chúa của các tổ phụ: Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Người còn khẳng định rằng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là người sống, vì đối với Thiên Chúa, tất cả vẫn đang sống.

Cho dù bản văn phụng vụ hôm nay không đề cập đến phản ứng và lời đáp trả của một số kinh sư, đa số thuộc về nhóm Pharisêu. Nhưng nếu chúng ta đọc tiếp thì sẽ thấy mấy ông kinh sư, ít khi đồng ý và tán thưởng hành động của Đức Giê-su, thế mà hôm nay lại đứng về phía Người qua lời ca tụng sau đây: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” Và không có người nào dám chất vấn Người nữa.

Chúng ta cũng thế, câu hỏi về sự sống đời sau không phải để thảo luận, bàn cãi hay tranh luận. Đó là vấn đề của đức tin và cũng là một điều bí ẩn. Nó hàm chứa một niềm hy vọng, một thách đố, một kiếm tìm và một lòng tin tưởng đầy hứa hẹn ở tương lai. Khi sinh ra, chúng ta đã bước vào cuộc hành trình của sự sống vĩnh cửu. Lời hứa của cuộc sống đời sau đó giúp chúng ta đối diện với các khó khăn cũng như nghịch cảnh của cuộc sống này như những con người không để cho sự chết đánh gục. Tuy nhiên, trước các nghịch cảnh trong cuộc sống, chúng ta sẽ buồn phiền, thậm chí thất vọng, nhưng không tuyệt vọng bởi vì chúng ta tin rằng cuộc sống mới sẽ đến. Chúng ta tin rằng có một thực tại tuyệt vời hơn đang chờ đợi chúng ta ở tương lai. 

Chúng ta yên tâm về Thiên Đàng, chính nhờ niềm tin này mà chúng ta sẽ sống khác với những ai chỉ thấy thiên đàng tại thế. Chúng ta sẽ sống vì Chúa. Chúng ta sẽ đáp lại tình thương của Người bằng toàn bộ cuộc sống này. Nói khác đi, cuộc sống vĩnh cửu không phải là quà tặng ban cho tôi khi tôi đã về già; nhưng nó đã được khởi động trong ngày tôi lĩnh nhận bí tích Thánh Tẩy để làm Con Chúa của tôi.

Thật đúng như lời Đức Giê-su đã khẳng định Người là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Người thì tất cả đều đang sống. Hy vọng Lời Chúa nói hôm nay đem đến cho chúng ta sự bình an, niềm vui và hy vọng ngay bây giờ và mãi mãi sau này nữa.

Trong niềm tin và hy vọng vào cuộc sống đời sau đã được hứa ban, nhất là trong tháng các linh hồn năm nay, chúng ta xác tín về số phận của những người thân. Họ đã bước qua ngưỡng cửa, mà chúng ta gọi là sự chết để bước vào nước hằng sống. Quí ngài đang sống gần Chúa hơn chúng ta, các ngài đang nghỉ yên để thụ hưởng tình yêu và sự hiệp thông - cho dù chưa trọn vẹn – với Chúa. 

Niềm xác tín như thế được đặt trên căn bản của niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, chậm bất bình và không kể tội của con mình. Hãy xem cách mà Thiên Chúa đã hành xử với Da-kêu và người con thứ. Cả hai người khi trở về nhà có người nào bị hạch tội hay phải nhắc lại quá khứ của mình hay chăng, ngược lại họ còn được trọng thưởng và mở tiệc mừng ăn khao. 

Quả thật, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã săn sóc chúng ta khi còn sống, thì chắc chắn Ngài còn săn sóc và thương yêu chúng ta nhiều hơn nữa khi chúng ta bước về nhà Cha. Trong nhà Cha, con người chuyển sang vũ trụ khác, một trạng thái sống không còn đau khổ, không còn hận thù; nhưng chỉ có bình an, hoan lạc và niềm vui. Tất cả đều ở trong tình trạng vĩnh cửu. Con người được thu hút vào vũ trụ tràn đầy tình thương của Thiên Chúa và biết rõ rằng Thiên Chúa biết và yêu thương họ.

Như vậy việc cầu nguyện cho nhau có cần thiết hay không?
Dạ thưa, cần và rất khẩn thiết. Tuy nhiên chúng ta không đến ngôi mộ để tìm và cầu cho người chết. Họ đang sống. Vì thế, việc cầu nguyện của chúng ta không nhằm mục tiêu đánh thức Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn thương yêu và lo lắng cho mọi người, Người không muốn cho bất cứ ai bị hư đi. Như vậy, việc cầu nguyện và tưởng nhớ đến những người thân hay mọi người đã lìa cõi thế của chúng ta nói lên sự yêu thương, nhớ nhung của chúng ta với các ngài. 

Qua việc cầu nguyện, chúng ta minh chứng rằng thân nhân của chúng ta không chết. Sự chết không làm đứt đoạn hay tiêu hủy mọi mối dây tương quan mà chúng ta đã thiết lập và xây dựng. Bởi vì, các mối tương quan đó được đặt trên nền tảng của sự yêu thương trong Chúa. Chính vì sức mạnh của tình yêu giúp chúng ta xác tín rằng cho dù thân nhân của chúng ta đã lìa cõi thế về mặt thể lý, nhưng sự hiện diện của họ tồn tại vĩnh viễn trong lòng yêu thương và sự tưởng nhớ của chúng ta. 

Vì, Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Người thì tất cả đều đang sống, không còn ai chết nữa. Đây là niềm hy vọng mà chúng ta dùng để an ủi, nâng đỡ và cầu nguyện cho nhau. 

Lm Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT