Friday 30 June 2017

Một Giám mục Lào không khỏi ngạc nhiên khi được bổ nhiệm Hồng Y


BELLEVILLE, ILL — Đức Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun – Giám mục Đại Diện Tông Tòa Pakse và Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn, Lào, như bị bất chợt trở thành Hồng Y kể từ tuyên bố “đầy bất ngờ” của ĐTC Phanxicô bổ nhiệm vị Giám mục Lào này trở thành tân Hồng Y vào hôm 21 tháng 5 vừa qua.

Tham gia cử hành Thánh lễ tạ ơn về 17 vị tử đạo của Lào vào ngày 16/6 và 17/6 vừa qua tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Tuyết tại Belleville, Illinois, là sự kiện chính thức cuối cùng trong danh nghĩa Giám mục của Đức Cha Ling. 17 vị tử đạo, “Linh mục Giuse Thao Tiên và 16 bạn tử đạo”, đã được tuyên phong Chân Phước vào ngày 11 tháng 12 năm 2016 tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Viêng Chăn, thủ đô của Lào.

Có khoảng 45.000 tín hữu Công giáo tại Lào, chiếm dưới 1% của dân số khoảng 7 triệu người. Các nhà truyền giáo nước ngoài đã bị trục xuất và các tín hữu Công giáo bị bách hại sau khi cộng sản Pathet Lào lên nắm quyền tại nước này vào năm 1975. Các linh mục và tu sĩ bị tống giam hoặc đưa đi các trại cải tạo.

Ngày nay, Lào đã mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, bất kể những cuộc cải cách kinh tế, đất nước hiện vẫn còn nghèo nàn và phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Chính phủ cũng đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ đối với các phương tiện thông tin đại chúng.
Vị Tân Hồng Y đã có vài điểm dừng chân tại Hoa Kỳ trước khi bay tới Rome để tham dự cơ mật viện vào ngày 28 tháng 6 sắp tới. Ngài dự kiến sẽ tới Pháp, trước khi trở về Lào vào tháng 7.

Thực sự phải mất vài ngày để có thể bắt đầu hiểu được hoàn toàn thông tin từ Rome về điều này [trở thành Hồng Y], Đức Cha Ling cho biết. Ngoài tiếng Kmhmu, Đức Cha Ling – một người thuộc dân tộc Kmhmu, cũng có thể nói tiếng Lào, tiếng Pháp và tiếng Anh. Cuộc phỏng vấn này đã được thực hiện tại Lào bao gồm những tin tức bất ngờ, phản ứng đầu tiên của Ngài về lý do tại sao ĐTC Phanxicô đã chọn Ngài, mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ, và các vị tử đạo của Lào. Nó đã được chỉnh sửa vì độ dài và tính rõ ràng của cuộc phỏng vấn.

NCR: Thưa Đức Hồng Y Ling, Ngài đã nghe biết về thông tin mình được bổ nhiệm Hồng Y khi nào?

ĐHY Ling: Tôi thực sự không có ý kiến gì về việc này. Đột nhiên, tôi nhận được một cú điện thoại từ một cựu sinh viên. Cậu ta nói chúc mừng tôi vì đã được bầu chọn làm Hồng Y. Tôi bảo anh học trò này đừng trêu chọc người thầy cao niên của mình. Điều đó chẳng đúng đắn chút nào. Tôi không tin người học trò này vào thời điểm đó, đó là sau bữa tối hôm Chúa Nhật 21 tháng 5 vừa qua. Tôi đã có mặt tại Pakse vào thời điểm đó.

Sau đó, tôi lại tiếp tục nhận được một cú điện thoại khác từ một nữ tu, nữ tu này cũng đã gửi lời chúc mừng việc tôi được bổ nhiệm Hồng Y.
Tôi mới nói, “Sơ đùa tôi à?”.
“Thưa không”, vị nữ tu trả lời.

Sau đó tôi mới hỏi những người khác được bổ nhiệm là ai. Vị nữ tu này cho biết có tất cả năm người và tôi là người thứ tư. Tôi mới bắt đầu tin tưởng một chút.

Các cuộc gọi điện thoại đã không hề dừng lại trong vòng hai hoặc ba ngày. Các Email bắt đầu đổ về hộp thư của tôi. Sau đó, tôi mới kiểm tra trên internet để xem đó có thực sự là tôi và đích danh tôi hay không. Có lẽ họ có thể đã hiểu lầm đó là tên tôi. Như quý vị biết, họ của tôi, Mangkanekhoum [MANG-KHA-NE-KHUN], rất khó phát âm.

Một ngày sau đó, Sứ Thần Tòa Thánh [Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam, phái viên Tòa Thánh tại Lào] và viên chức của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin cũng đã gọi điện chúc mừng tôi. Với các cuộc điện thoại của họ, tôi bắt đầu cảm thấy đôi chút tích cực về tin này. Sau đó, tôi đến Viêng Chăn có công việc. Đức Cha Banchong [Tito Banchong Thopanhong, Giám Quản Tông Tòa Luang Prabang] và tôi phải xin thị thực.

Cho đến lúc đó, tất cả mọi người, bao gồm một số giáo dân đến từ Thái Lan, các nhà truyền giáo và các nữ tu người Ý, đã muốn gặp gỡ tôi tại Viêng Chăn. Mọi người hiện đều biết về việc tôi đã được bổ nhiệm Hồng Y. Quý vị có thể làm gì khi tin tức này đã trở nên công khai? Tôi đoán rằng tôi không thể từ chối việc bổ nhiệm này.

Phản ứng của Đức Cha là gì? Ngài đã cảm thấy thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, tôi cảm thấy đó không phải là sự thật, vì tôi không nghĩ nó nghiêm trọng. Tôi nghĩ họ chỉ đang trêu chọc tôi. Tôi cũng chẳng sợ gì. Tôi thực sự chẳng cảm thấy bất cứ điều gì cả, bởi vì tôi không nghĩ rằng đó là sự thật. Tôi nghĩ với việc được bổ nhiệm như vậy, một số quan chức có thể đã gọi cho tôi trước tiên.

Khi tôi đến Bangkok để ăn tối cùng với hai Hồng Y của Bangkok [Nguyên Hồng Y TGM Michai Kitbunchu và Đức Hồng Y TGM đương nhiệm Kriengsak Kovithavanij], họ đã nói với tôi về cùng một kinh nghiệm, rằng khi Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một ai đó – Ngài trước hết chỉ chọn họ và sau đó mới chính thức công bố. Đó là quyết định riêng của chính Đức Giáo Hoàng. Sau khi nghe “các vị Hồng Y đàn anh”, tôi đã cảm thấy bình an.

Đó là một khoảng thời gian hết sức bận rộn với những người đến từ Canada, Pháp và khắp nơi qua các cuộc điện thoại và email, bày tỏ những lời chúc tốt đẹp nhất của họ đối với tôi. Phải mất vài tuần để trả lời tất cả những email đó. Đổi lại, tôi mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho tôi.

Ngài nghĩ tại sao ĐTC Phanxicô lại bổ nhiệm Ngài làm Hồng Y?
Khi chúng tôi thực hiện chuyến viếng thăm ‘ad limina’ vào ngày 26 tháng Giêng vừa qua, chẳng ai có thể nghĩ về điều này. Tuy nhiên, trong chuyến viếng thăm này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ với chúng tôi rằng sức mạnh của Giáo hội nằm ở các Giáo hội địa phương, đặc biệt là những Giáo hội nhỏ bé, những Giáo hội yếu ớt và những Giáo hội bị bách hại. Đây chính là cột trụ của Giáo hội hoàn vũ. Tôi hơi bối rối một chút.

Ngày hôm sau, chúng tôi cử hành Thánh Lễ cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô, và một lần nữa Ngài nhắc lại cùng một chủ đề trong bài giảng của mình. Điều này đã khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Tôi đã đi đến kết luận từ điều mà ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh rằng sức mạnh của Giáo hội xuất phát từ sự nhẫn nại, kiên trì và sẵn sàng đón nhận thực tại của đức tin. Chính điều này đã khiến tôi nghĩ rằng sự nghèo đói, đau khổ và việc bị bách hại chính là ba cột giúp củng cố Giáo hội.

Vì vậy, Đức Cha nghĩ rằng đó chính là lý do mà ĐTC Phanxicô đã chọn Ngài từ một Giáo hội nghèo đói, đau khổ và bị bách hại này?
Vâng, đó cũng chính là những nhận xét của Ngài.

Chính phủ đã phản ứng thế nào với việc Ngài được bổ nhiệm Hồng Y?
Vào thời điểm này, không có bất kì phản ứng nào từ phía chính phủ. Vẫn chưa có bất kì tuyên bố chính thức và trực tiếp nào về vấn đề này được đưa ra. Tôi không biết chính phủ có hiểu được tầm quan trọng của Hồng Y, ý nghĩa của tước vị này đối với họ, và trách nhiệm của Hồng Y trong Giáo hội…

Tuy nhiên, có một yêu cầu cho một cuộc hẹn. Có những người Công Giáo nắm giữ các chức vụ cao hơn trong chính phủ. Họ đã gửi cho tôi một lời mời để nói chuyện với họ… Tôi sẽ rất vui để chấp nhận lời mời. Tôi muốn tìm ra những phương thế để hợp tác và có những mối quan hệ tốt đẹp hơn với chính phủ.

Sau khi chủ nghĩa cộng sản tiếp quản đất nước vào năm 1975, Đức Cha Banchong đã bị giam giữ hoặc “bị cải tạo” trong hơn chín năm. Vậy Ngài bị giam giữ nhiêu năm và phản ứng của Ngài như thế nào?

Tôi đã bị giam giữ trong vòng ba năm. Việc bắt giữ và cuối cùng là việc giam cầm ngay từ đầu đã khiến tôi sợ hãi. Tôi tự nghĩ, tại sao họ lại bắt giữ tôi? Sau đó, họ đã nói với tôi về lý do của việc tôi bị giam giữ. “Vì ông rao giảng về Đức Giêsu Kitô”.

Tôi đã chấp nhận lý do này, vì nó chính là một sự thật. Họ đã đúng, tôi đã “rao giảng” về Chúa Giêsu. Đó là một cáo buộc chính xác.

Mối quan hệ giữa Giáo hội và Chính phủ hiện nay thế nào? Việc chăm sóc mục vụ cho các giáo dân khó khăn đến mức nào? Làm thế nào để có thể rao giảng Tin Mừng? Có những hạn chế nào đối với các hoạt động của Giáo hội?

Ở cấp trung ương và cấp bộ, không có vấn đề gì. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở các chính quyền khu vực và thành phố. Cũng giống như vậy trong cả nước, bởi vì các mối quan hệ làm việc giữa các chính quyền trung ương và địa phương không được vận hành một cách trơn tru…

[Liên quan đến công tác mục vụ đối với việc rao giảng Tin Mừng và chăm sóc mục vụ], Vâng, họ đã ngăn cấm việc giảng dạy về Chúa Giêsu. Có những quy định nghiêm cấm việc truyền bá giáo huấn của Chúa Giêsu.

Nhưng trên thực tế, đôi khi những quy định này đã không được thực hiện. Nó phụ thuộc vào từng khu vực. Ở một số vùng, không có vấn đề gì đối với việc thực hiện công việc rao giảng Tin Mừng của các giáo lý viên cũng như việc chăm sóc mục vụ. Ở một khu vực khác, điều này có thể gặp một số khó khăn. Ở một số khu vực khác, điều đó hoàn toàn có thể gặp nguy hiểm.

Về cơ bản, mỗi khu vực hoặc thành phố thực hiện những quy định về tự do tôn giáo một cách khác nhau. Các linh mục có thể đi đây đó để dâng Thánh lễ. Tại bất kỳ ngôi làng nào đã tồn tại một giáo xứ hoặc một ngôi nhà thờ nào, thì điều này chẳng có vấn đề gì.

Tuy nhiên, sẽ là vấn đề nếu như quý vị đang xây dựng một ngôi thánh đường mới, bởi vì đó là một điều gì đó hoàn toàn mới. Nhưng vấn đề như vậy có thể được thương thảo với các quan chức chính quyền địa phương. Chúng ta cần thiết lập mối quan hệ với họ và đàm phán với họ. Điều này có thể dễ dàng ở một nơi nào đó, nhưng có thể sẽ không dễ dàng ở một nơi nào khác. Điều quan trọng nhất hiện nay, khi chúng ta muốn xây dựng một tổ chức mới, chúng ta phải biết ngôn ngữ và hệ thống. Chúng ta phải đàm phán với các quan chức chính quyền địa phương và khiến cho điều này được trở nên được chấp thuận bởi cả hai bên.

Ngài hiện diện tại Hoa Kỳ nhân dịp tạ ơn 17 vị tử đạo. Làm thế nào mà Chính phủ Pathet Lào lại cho phép việc cử hành tạ ơn khi các vị tử đạobị giết hạidưới tay cộng sản? Họ không cảm thấy bị xúc phạm chăng?

Chúng tôi không chú trọng đến sự thực là những vị tử đạo của chúng tôi đã bị giết hại bởi tay cộng sản. Trên thực tế, không phải tất cả những vị tử đạo này đều bị giết hại bởi những người cộng sản. Còn có nhiều lý do khác.

Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ Lào cho phép chúng tôi có một buổi lễ phong Chân Phước ở đất nước của chúng tôi. Họ đã cho phép chúng tôi đánh dấu sự kiện này. Việc chấp thuận này có ý nghĩa gì? Điều đó có nghĩa là ít nhất chính phủ cũng nhận thấy rằng chúng ta cần xây dựng nền tảng cơ bản cho mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ.

Đó là lý do tại sao chúng tôi không sử dụng thuật ngữ ‘tử đạo’. Chúng tôi sử dụng một thuật ngữ tốt hơn và chính xác hơn để miêu tả những anh hùng tử đạo này. Chúng tôi gọi họ là “tổ tiên của đức tin”. Thật vậy, đây là thuật ngữ thích hợp nhất. Nếu chúng tôi không có tổ tiên của đức tin, thì không có các anh hùng tử đạo. Mọi người đều có thể chấp nhận thuật ngữ này…

Tôi tin rằng không chỉ chính phủ mà mọi người đều chấp nhận điều này một cách bình thường – một dịp lễ kỷ niệm tri ân đối với tổ tiên của chúng ta trong đức tin. Đây chính là luận lý của chúng tôi, được chính phủ chấp nhận. Chúng tôi chẳng việc gì phải phản đối chính phủ.

Khi Ngài tham gia trong tư cách thành viên của Hồng Y Đoàn, theo một cách nào đó, đất nước Lào hiện nay đã được nhiều người biết đến. Vậy Đức Cha muốn thấy điều gì nơi sự phát triển liên quan đến mối quan hệ giữa Giáo hội và chính phủ tại Lào?

Đất nước chúng tôi hiện đang trên đà phát triển. Đất nước chúng tôi đã mở cửa rộng rãi. Quả thật, đôi khi chính phủ sẽ đưa ra các luật lệ và các mệnh lệnh có phạm vi hẹp. Tuy nhiên, có thể nói rằng nó linh hoạt.

Hãy nhìn vào mối quan hệ ngoại giao giữa Tòa thánh và các nước Đông Nam Á. Myanmar hiện đã có quan hệ ngoại giao với Toà Thánh, như là kết quả của cuộc gặp gỡ của bà Aung San Suu Kyi với ĐTC Phanxicô gần đây. Việt Nam, đã thiết lập quan hệ với Toà Thánh, đang trong quá trình để có được một Sứ Thần Tòa Thánh tại Hà Nội. Thái Lan và Campuchia cũng đã có mối quan hệ ngoại giao. Chỉ có Lào là không có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Cần phải đặt một dấu chấm hỏi về mối quan hệ này và tôi đã đang nỗ lực làm việc về vấn đề này…

Chúng ta có thể làm thay đổi cách nghĩ của chính phủ, rằng chúng ta không phải là kẻ thù của nhau. Chúng ta là bằng hữu. Chúng ta cần xây dựng mối quan hệ hữu nghị. Nếu cả hai bên cùng hợp tác, chúng ta dự kiến sẽ có một mối quan hệ tốt đẹp hơn phía trước.

Trong một quốc gia có 45.131 người Công giáo trong tổng số 6.4 triệu người, với 20 linh mục đang phục vụ, 98 tu sĩ nam nữ trong tổng số tất cả 218 Giáo xứ – có những nỗ lực nào để làm việc với các ưu tiên mục vụ không? Còn công việc của các giáo lý viên thì sao?

Sự hợp tác quan trọng là ở Thakhek, vì đó là nơi chúng tôi có một chủng viện lớn. Chúng tôi đang giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng chủng viện này. Ban đầu, nó đã không phát triển một cách có hiệu quả. Chương trình giảng dạy và các khóa học không được tổ chức tốt vì các giáo sư chủng viện không thể dành toàn bộ thời gian của họ cho chương trình đào tạo của chúng tôi. Các giáo sư người Thái Lan không phải có sự cam kết với chúng tôi. Họ được yêu cầu dạy 7 ngày trong tuần, nhưng họ chỉ dạy ba ngày một tuần. Sau đó chúng tôi quyết định sử dụng các nhân viên của Dòng Truyền giáo Mẹ Vô Nhiễm và Hội Thừa Sai Paris. Họ dạy tiếng Lào. Chúng tôi có khoảng 15 chủng sinh trong năm nay.
Về các giáo lý viên, tôi đã luôn luôn dành hết tâm trí với họ. Tôi là giám đốc của
 một trường đào tạo giáo lý viên trước khi tôi bị giam giữ. Sau khi tôi được trả tự do, tôi tiếp tục công việc tại Paksan và sau đó tại Pakse khi tôi được bổ nhiệm làm Đại diện Tông Tòa ở đó.

Mặc dù hiện nay tôi không trực tiếp điều hành chương trình nhưng tôi vẫn hướng tới họ. Tôi chưa bao giờ từ bỏ sứ vụ này. Hiện tại, với tư cách là Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn, có nhiều giáo lý viên giảng dạy ở đó, cả những người đã lớn tuổi lẫn thanh thiếu niên. Chúng tôi hiện không còn một trường học để đào tạo nữa vì rất khó để có được một chương trình đào tạo với giám đốc điều hành cũng như việc thành lập. Chúng tôi đã triển khai một hệ thống mới với hàng loạt các khóa học. Chúng tôi đã mời họ đến giảng dạy trong mỗi khóa học, và điều này giúp chúng tôi dễ dàng hơn về mặt tài chính.

Người Công giáo chiếm một phần nhỏ trong tổng dân số. Đa số người dân là Phật tử. Các Giám mục châu Á đã từng thiết lập cuộc đối thoại liên tôn như là một trong những ưu tiên của họ. Vậy Đức Cha có thể cho biết về tình hình liên tôn trong Giáo phận của Đức Cha không?

Không có vấn đề gì với mối quan hệ với các anh chị em Phật tử. Nhưng giữa các tín hữu Công giáo và các Kitô hữu khác, có thể có một số vấn đề. Mỗi người trong chúng ta đều có một cách rao giảng Tin Mừng khác nhau. Các anh em Kitô hữu của chúng ta có thể có một chương trình loan báo Tin Mừng được phát triển và có thể gặt hái được rất nhiều thành quả. Nhưng trái lại, chương trình của chúng ta thì hết sức đơn giản và không mấy sôi nổi.
Vấn đề nằm giữa sự hiểu biết về truyền thống và văn hoá. Chẳng hạn như, chúng ta hãy nghĩ về lễ hội baci [buộc cổ tay và cùng cầu nguyện với ai đó] là một sự kiện truyền thống của các tín hữu tụ tập để cầu nguyện cho một cá nhân nào đó vào những dịp khác nhau. Các nhóm Kitô hữu khác có thể xem một buổi lễ như vậy như là việc tuân giữ thuyết duy linh. Vâng, mỗi người có một cách nghĩ khác nhau về vấn đề này, vì vậy một cuộc đối thoại chỉ là không giải quyết được bất cứ điều gì.

Minh Tuệ (theo NCR)

Thursday 29 June 2017

Đức Maria - Mẹ hằng cứu giúp các gia đình





Thiên Chúa là Đấng hằng cứu giúp dân của Người. Ngài cứu dân ra khỏi Ai cập khi dân lầm than khốn khó nguy kịch. Thiên Chúa đã nhìn thấy, đã nghe và đã biết với lòng chạnh thương đoàn dân của Chúa. 

Lúc 19 giờ hôm qua, thứ Hai, ngày 26/06, Cộng đoàn DCCT Thái hà cùng với bà con giáo dân Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà đã cử hành Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong khung cảnh thánh thiêng của tam nhật mừng 150 năm Mẹ Hằng Cứu Giúp được rao truyền trên khắp thế giới bởi tu sĩ DCCT. Cha Giuse Ngô Văn Kha, Phó Bề Trên Tu Viện DCCT Thái hà chủ tế Thánh lễ và cha Giuse Đỗ Đình Tư chia sẻ Lời Chúa.
Thiên Chúa tạo dựng nhân loại từ gia đình, Đức Giêsu sinh ra trong gia đình để cứu nhân loại, Đức Mẹ cưu mang Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế trong gia đình. Con người được cứu độ để ở trong gia đình Thiên Chúa, Cha Giuse Đình Tư chia sẻ. Thiên Chúa hành động và thực hiện chương trình cứu độ trong gia đình.

Cha Giuse Đình Tư mô tả gia đình trong thế giới hôm nay phải đối diện muôn vàn mọi thách đố. Đã có những gia đình không thể vượt qua được, nhưng cũng có những gia đình kiên gan vững bước trên mọi nẻo khốn khó nhân gian. Ngài cho thấy bí quyết mà các gia đình đã thành công chính là Thiên Chúa được chào đón trong gia đình ấy, mọi người có Chúa. Họ cử hành các giờ kinh trong gia đình. Họ mời Chúa đến chia sẻ mọi khốn khó trong gia đình. Họ cư xử với nhau với tình yêu như Chúa yêu họ.

Gia đình ấy không hết những khốn khó nhưng gia đình ấy cũng không bao giờ hết tình yêu của Thiên Chúa và tình thương mọi người luôn dành cho nhau. Mẹ muốn cứu giúp các gia đình trong nhân loại hôm nay. Ai chạy đến với Mẹ chắc chắn nhận được sự cứu giúp.

An Tự Tâm
***

Suy niệm trong linh đạo DCCT: Được sai đi để rao giảng



Trong một thế giới phát triển nhanh về tin tức, chúng ta – những tu sĩ DCCT – cống hiến cuộc sống chúng ta cho thứ tin quan trọng hơn mọi tin khác. Chúng ta đã được trao phó với tin đã tồn tại từ lúc khởi đầu, đang trải dài suốt lịch sử nhân loại: câu chuyện về Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta một cách kỳ diệu nhất giống hình ảnh Ngài, và còn canh tân, cứu chuộc chúng ta cách lạ lùng hơn nữa.

Tin phải kể đến

Khi xác định chủ đề lục niên, mối quan tâm hàng đầu của Tổng Công Hội XXIV là “rao giảng Tin Mừng”.
Trong một thế giới phát triển nhanh về tin tức, chúng ta – những tu sĩ DCCT – cống hiến cuộc sống chúng ta cho thứ tin quan trọng hơn mọi tin khác. Tin vào ban sáng sẽ bị lãng quên ngay vào tối hôm ấy. Nhưng chúng ta đã được trao phó với tin đã tồn tại từ lúc khởi đầu, đang trải dài suốt lịch sử nhân loại: câu chuyện về Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta một cách kỳ diệu nhất giống hình ảnh Ngài, và còn canh tân, cứu chuộc chúng ta cách lạ lùng hơn nữa (theo Phụng Vụ Lễ Giáng Sinh).

Vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn (Tv 16,6), ơn gọi kỳ diệu của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để nói một lời khác. Giữa những kế hoạch kiếm tìm hạnh phúc, Tin Mừng được trao phó vào tay chúng ta như những người gieo giống: đem đến một cuộc sống tươi đẹp, tốt lành, một cuộc sống vĩnh cửu. Nét đẹp ơn gọi chúng ta đã ở ngay trong tên gọi mà chúng ta cưu mang.

Ơn cứu chuộc là một sứ mạng cao cả. Thiên Chúa đã không do dự để được sinh ra trong xác phàm. Ơn cứu chuộc bắt đầu từ sự cự tuyệt. Ơn ấy nghĩa là giải phóng nhân loại khỏi những gì đè nén con người: sự bất công, nỗi khổ đau và sự tội. Nhưng mục tiêu cuối cùng của ơn cứu chuộc là niềm vui được nhận biết Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Người, phó thác cho sự quan phòng của Người.

Trong sứ mạng cao cả của Giáo Hội, Tin Mừng về lòng thương xót được trao phó cho chúng ta – những tu sĩ DCCT. Có nhiều phương thức khác nhau để đọc Tin Mừng. Qua nhiều thế kỉ, đã có lúc việc đọc Tin Mừng dùng để xét xử, đôi khi kết án đem đi thiêu sống nơi quảng trường thành phố hay kết án sa xuống hỏa ngục. Chúng ta – tu sĩ DCCT – cũng có lỗi vì dùng thập giá như một dùi cui.

Sứ vụ của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế thật tốt đẹp song cũng cam go. Chúng ta phải rao giảng lòng lành vô cùng của Thiên Chúa cùng với việc hối cải cấp bách, lòng khoan dung của Chúa Cha và cửa hẹp vào Nước Thiên Đàng. Chúng ta sẽ bị cám dỗ bỏ cuộc nếu sức mạnh của chúng ta không xuất phát từ Thiên Chúa; và nếu chúng ta không nhận ra rằng thế giới cần tin vui này quan trọng như nó cần lương thực hằng ngày vậy.
Sức mạnh của chúng ta ở trong Lời. Và Lời thật quyền năng! Lời chảy vào tai, qua tâm trí, tràn vào tâm hồn và thân xác ta, thúc đẩy ta yêu mến hoặc chiến đấu. Lời Chúa thật có sức mạnh biết bao! Lời ấy bừng sáng những khoảnh khắc đen tối, thay đổi cả cuộc sống và tạo nên sự khác biệt giữa phép thuật và bí tích. Lời ấy làm nảy sinh sự sống mới, sự tha thứ, sức mạnh nội tâm, Thánh Thể Chúa, một giao ước trung thành, việc phục vụ và chuẩn bị cho hành trình đi vào sự sống đời đời.

Lời Chúa là ánh sáng soi bước chân con

Lời Chúa, đọc Lc 4,40-44: Tiếp đến là suy niệm, ghi nhớ rằng:
·                     Trong đoạn này, thánh Luca cho ta hình ảnh đầu tiên của Chúa Giêsu, cùng với “thời gian biểu” hoạt động của Ngài trong ngày. Những điều quan trọng nhất là: cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ, việc chữa lành, nơi hoang địa, nhưng trên hết là sự ý thức về sứ vụ của Ngài. Ngài phải tiếp tục đi đến những thành khác và hội đường khác. Niềm hăng say vì Nước Trời của Ngài lôi cuốn Ngài. Vì lẽ này mà Ngài đã đến.

·                     Mọi thứ diễn ra từ từ hoàng hôn tới lúc bình minh. Đêm tối là hình ảnh của sự trống rỗng, của sự tĩnh lặng; nó báo hiệu sự chết. Có những lúc, Đức Giêsu dành cả đêm cầu nguyện. Ngài cũng tìm vào sa mạc. Tuy vậy, vào lúc chập tối, Ngài chữa lành những người bệnh tật và xua trừ ma quỷ; vào lúc bình minh, Ngài không thể bỏ đám đông đang tìm Ngài. Đêm tối là nơi con người chịu bất lực và là thời điểm Thiên Chúa hành động.

Từ truyền thống Dòng Chúa Cứu Thế
Tình bạn giữa thánh Anphongsô và chân phúc Gennaro M. Sarnelli nảy sinh từ trong sự khẩn thiết của sứ vụ. Trong tình bạn này, chúng ta có thể thấy hai động lực chính đã thúc đẩy sự sống vào trong toàn lịch sử của Hội dòng: việc rao giảng cũng như việc quan tâm đến nhu cầu cụ thể của con người.
Cả hai vị đều nhận ra rằng Tin Mừng là chân lý duy nhất của cuộc sống, ở việc phục vụ phúc lợi toàn vẹn cho con người. Cả hai tình nguyện làm việc trong bệnh viện dành cho những bệnh n hân nan y. Là những luật sư, họ kinh nghiệm sự khác nhau giữa lề luật hợp pháp và sự hoán cải con tim. Khi là linh mục, cả hai làm việc theo phương pháp thừa sai, bắt đầu với nguyện đường về đêm. Họ có nhiều kinh nghiệm thừa sai nơi thành thị và ở vương quốc Napôli, đã gặp thấy nhiều tình trạng bị bỏ rơi.

Anphongsô và Gennaro phục vụ trong Giáo Hội nơi mà sự dốt nát tôn giáo đã dung dưỡng cho tà giáo, sự mê tín, nạn tham nhũng trong xã hội và bạo hành gia đình. Cả hai thấy rằng mục vụ bình thường vẫn chưa đủ. Ngay cả hình thức mục vụ kết hợp sám hối cũng thế. Dân chúng cần sự giúp đỡ bền vững cho việc hoán cải của họ. Họ cần kinh nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương. Vì vậy, công việc mục vụ thừa saicủa các ngài đưa đến việc hướng dẫn người ta trên hành trình đi đến sự thánh thiện, niềm khao khát chân chính và xác thực nơi mỗi người.

Đây là công việc rất lớn lao và hết sức vất vả mà Chân phước Sarnelli đã đạt được qua việc dạy giáo lý. Đây là một vai trò hiển nhiên hơn hết trong khoa sư phạm của thánh Anphongsô.

Do đó, sứ vụ bình dânDòng Chúa Cứu Thế được sinh ra, một kiểu mẫu cho sứ vụ đúng thời buổi sẽ khoác lấy các hình thức khác. Nhưng từ đầu, những trụ cột nền tảng là: việc rao giảng, “linh đạo bình dân”, sự chăm sóc cá nhân cho mọi người, việc dạy cầu nguyện, tâm nguyện chung, việc chối bỏ “sứ vụ trọng tâm” sẽ không cho phép rao giảng trong những làng quê nhỏ và những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất, việc thiết lập những hội đoàn, in ấn những tập sách nhỏ thực hành đơn giản và việc ca hát. Về sau, cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế địa phương mở rộng sứ vụ bằng cách đón tiếp mọi người và tổ chức tĩnh tâm cho giáo sĩ và giới quí tộc, những thành phần chủ chốt cho việc biến đổi các tập tục .

Thật vậy, một lịch sử đã được bắt đầu, được đảm đương với cùng một năng lực thừa sai. Chúng ta còn nhớ thánh John Neumann, ngay từ buổi đầu ngài đã được giao coi sóc khu vực phía bắc Buffalo, New York, một vùng rất rộng lớn khoảng 900 dặm, nơi mục vụ gần nhất mất khoảng 2 giờ và chỗ xa nhất mất khoảng 12 giờ đi ngựa. Nhưng đây chỉ là bước đầu. Sau khi trở thành giám mục, Neumann thấy mình được giao trọng trách với một giáo phận rộng 35.000 dặm vuông mà ngài đã tìm thăm tất tất cả, dẫn dắt tâm hồn mọi Kitô hữu thuộc đàn chiên của ngài.

Đây không đơn giản là câu chuyện của quá khứ. Ngày nay, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tiếp nối cùng một lịch sử này.

Hiến pháp ngày nay
Nếu ơn gọi của chúng ta là “theo gương Đức Kitô Cứu Thế bằng việc rao giảng Lời Chúa cho người nghèo” (HP. 1) thì chúng ta cũng phải nhận ra nguy cơ này: bận tâm người nghèo quá mức đến nỗi chúng ta lờ đi Tin Mừng.

Gần đây, Dòng Chúa Cứu Thế ưu tiên lưu tâm đến những người mà chúng ta được sai đến. Việc tái cấu trúc cũng nhắm đưa ta đến việc tìm kiếm người nghèo và người bị bỏ rơi. Bản Hướng dẫn chung cho các Hiến pháp của Công hội đưa ra ưu tiên hàng đầu đối với những người mà chúng ta được sai đến, kế đến là nội dung của việc Tin Mừng hóa (số 6).

Có lẽ lịch sử đang đòi chúng ta đảo lại những ưu tiên này: mắt chúng ta hướng nhìn (Dt 12,2) về điều mà Đức Giêsu muốn công bố cho Giáo Hội và cho thế giới trong thời điểm lịch sử này.

Chỉ với cái nhìn chiêm niệm thật sự, cùng với suy niệm và việc chia sẻ những cấp độ khác nhau của Hội dòng, ta mới có thể làm tiến triển sứ vụ của chúng ta cho người nghèo và người bị bỏ rơi. Chúng ta không phải được kêu gọi để loan báo về lòng thương xót của Đức Kitô trong Giáo Hội bị cám dỗ bởi óc vụ luật sao? Không phải chúng ta nên đi trên con đường của sự đơn giản và sự gần gũi tới những người trong một Giáo Hội bị cám dỗ bởi chủ nghĩa vinh quang sao? Nếu người ta chỉ nhìn thấy Giáo Hội như một cơ chế, cộng đoàn chúng ta không nên hiện diện ở những nơi của sự hiếu khách và sự tiện ích có sẵn sao?

Ngôn ngữ nào và việc chọn lựa mục vụ nào chúng ta sử dụng để giúp người ta gặp Đức Kitô như Đấng Cứu Chuộc: đó là, nguyên tắc hòa giải nội bộ nào của sự bình an trong những tương quan, của sự nên một với thánh ý Thiên Chúa, của niềm vui và sự phó thác trong mọi trạng huống khác nhau của cuộc sống? Và Đấng Cứu Độ phải nói gì khi đối mặt quá nhiều hình thức phô bày của sự dữ lan tràn ngày nay?

Ngày nay, một phạm vi phổ biến tăng dần đối với sứ vụ của chúng ta là quan tâm tới những người “chưa đón nhận thông điệp của Giáo Hội như là Tin Mừng” (HP. 3). Lịch sử đòi chúng ta phải hòa hợp được với những cá nhân và những người thiện chí, đường dẫn đến hạnh phúc của họ, thường bị bẻ cong bởi tội lỗi. Chúng ta được yêu cầu chú ý nhiều đến sự sống hơn là sách vở.

Có quá nhiều thứ chúng ta có thể làm và phải làm. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc cử hành phụng vụ, ở đó hội dòng tụ họp “để sống mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm ơn cứu độ” (HP. 29). Đây là khởi điểm của chúng ta cho sứ vụ mở ra với thế giới. Chúng ta có thể làm rất nhiều bằng việc chúng ta cử hành phụng vụ. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc rao giảng của chúng ta. Đến hôm nay, “đức tin là do nghe giảng” (x. Rm 10,14-17).

Kết luận

Ta hãy cầu nguyện bằng lời của chân phúc Sarnelli:
Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, là Cha của mọi niềm an ủi,
Người mãi là Thiên Chúa yêu thương,
cả khi Người đáp lại ngay lời con xin hay sau đó.
Ôi Chúa của lòng con,
con tin tưởng, tuyên xưng và thờ lạy vẻ tuyệt mỹ khôn tả của Người
Đã bao lần con cảm nghiệm được sự quan phòng của Người!
Có vẻ như Người không đoái hoài trước những ưu tư của con;
Rồi chính Người đã giúp con thậm chí nhiều hơn điều con xin.
Người như thờ ơ trước những khó khăn của chúng con, như không nghe trước tiếng kêu than của chúng con;
Người như thiếp ngủ khi cuồng phong ập đến,
nhưng Người ban cho chúng con sức mạnh để chiến đấu với bão tố.
Thật vậy, Người thử thách đức tin và lòng mến của chúng con.
Ôi Đấng Quan Phòng, ôi Sự Khôn Ngoan vĩnh cửu, ôi Đấng phán xét đáng ngợi ca của con.
Chúc tụng Đấng Hóa Công, lòng thương xót của Người chẳng bao giờ bỏ rơi chúng con
miễn là chúng con nâng tâm hồn chúng con lên tới Người bằng các phương thức cầu nguyện thánh thiện. Amen.

Joseph P. Dorcey C.Ss.R 
Học viện Thánh Anphongsô (theo cssr.news)