Thursday 29 September 2011

Lm Bill O'Shea: THắc mắc của người Công Giáo (tiếp theo)

Câu hỏi #40:

Thế nhưng giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô (phần 1, điểm 3) nói về cuộc sinh hạ Đức Giê-su như sau: “nhưng bởi vì ngay chính việc thụ thai là một việc vượt quá trật tự tự nhiên, cho nên việc sinh hạ Đức Giê-su đặt ra trong sự suy tưởng của chúng ta không điều gì khác hơn là sự thánh thiêng”. Vậy làm sao cha có thể gọi việc sinh hạ đó là “hoàn toàn bình thường” và làm sao cha có thể nói “không điều gì có thể được gặt hái” từ việc xác quyết sự chào đời huyền diệu của Đức Giê-su?

Câu đáp:

Thư của bạn chứng tỏ rõ ràng rằng các tác giả của giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô đã có một quan điểm về sự sinh hạ đồng trinh Đức Giê-su rất khác với quan điểm của đại đa số thần học gia thời nay.

Vào thời đó việc Đức Giê-su được xuất ra bằng một cách phi thường gì đó từ cung lòng Đức Ma-ri-a là một quan điểm thần học thịnh hành. Ngày nay, điều đó không còn thịnh hành nữa. Sự thật đơn giản là như vậy.

Nếu bạn thấy sự thay đổi này là khó hiểu, may ra có thể hữu ích khi bạn biết rằng nội dung của giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô không có thẩm quyền bằng những sắc lệnh của chính Công Đồng.

Bộ giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô được soạn thảo bởi các vị giám mục tham dự vào Công Đồng thời thế kỷ 16 đó, vì thế được đặt tên như vậy.

Nhu cầu cần có một bộ giáo lý được nêu lên ngay vào lúc Công Đồng khai mạc, năm 1545, như là một phương tiện để chống lại các giáo huấn của các nhà cải cách Tin Lành. Nhưng không ai làm việc gì về điều đó cả, cho đến khi Công Đồng sắp bế mạc mãi 18 năm về sau (năm 1563).

Lúc đó một hội đồng các giám mục và các nhà thần học được thành lập để bắt tay vào việc này. Cuối cùng thì bộ giáo lý được ban hành vào năm 1566, ba năm sau khi Công Đồng Tri-đen-ti-nô bế mạc.

Đó là một văn kiện quan trọng hàng đầu, có ảnh hưởng lớn lao một cách tích cực trong thời kỳ hậu-Cải-Cách của lịch sử Giáo Hội.

Tuy nhiên, không phải tất cả các giáo huấn trong bộ giáo lý đó đều có giá trị tương đương với nhau hay có thẩm quyền ngang nhau. Cũng như tất cả các bộ giáo lý khác, cổ đại hay hiện đại, bộ giáo lý của Công Đồng Tri-đen-ti-nô gồm có các giáo huấn về những học thuyết bất biến trong đạo, cùng với các quan điểm thần học thịnh hành và các diễn giải đương thời về những tín điều của Giáo Hội.

Cách giải thích của bộ giáo lý đó về việc đồng trinh sinh hạ Đức Giê-su mà bạn trích dẫn là một quan điểm thần học ngày nay đã không còn thông dụng nữa.

Nếu nói về sự thụ thai Đức Giê-su đồng trinh thì chính xác hơn là nói về việc sinh hạ Đức Giê-su đồng trinh.

Tín hữu Công Giáo không bị buộc phải tin rằng Đức Giê-su, sau chín tháng ở trong cung lòng Đức Ma-ri-a, bỗng dưng xuất ra ngoài một cách bất thần và huyền diệu, và màng trinh vẫn còn nguyên vẹn! Đây không phải là mục đích của giáo huấn của Giáo Hội về tính đồng trinh trọn đời của Đức Ma-ri-a.

Mặc dù là kết quả của một sự thụ thai phi thường huyền diệu (đã được ghi lại rõ ràng trong Thánh Thư), cuộc thai nghén của Đức Ma-ri-a là một cuộc thai nghén bình thường về mặt thể lý, và sự chào đời của Đức Giê-su là một sự chào đời bình thường về mặt thể lý, thể theo bản tính loài người thật sự của Đức Giê-su.

Dĩ nhiên, có một ý nghĩa rất thật là sự chào đời của Đức Giê-su không phải là một cuộc sinh nở tầm thường. Nghĩa là, bởi vì đó là sự Giáng Thế của Con Thiên Chúa.

Khi Đức Giê-su được hạ sinh, chính Thiên Chúa đã đến để ở giữa chúng ta như một phàm nhân. Đây chính là ý nghĩa mà trong đó sự chào đời của Đức Giê-su là huyền diệu phi thường, chứ không phải là cách thức mà Đức Giê-su có thể đã xuất ra từ cung lòng thân mẫu Người.

mh September 2011

Wednesday 28 September 2011

Lm Richard Leonard sj: chuyển xoay một đời người


Từ ngày xuất hiện trong đời, con người đã khám phá ra nhiều biến đổi, ở khắp nơi. Biến chuyển, về thể chất. Thay đổi, về tâm thần. Đến lúc nhập cuộc nhà Đạo, các kẻ tin nay đã nhận biết có một can thiệp. Can thiệp để cứu rỗi. Can thiệp vì thương yêu. Và, mỗi khi nhận ra sự can thiệp ấy, người nhà Đạo vẫn có những khoảnh khắc buột miệng kêu lên: “À, ra thế!”. Kêu được tiếng này, người đời chúng ta càng tiến sâu vào hành trình suy tư tìm kiếm Chúa. Hành trình đi vào cuộc đời. Về với chính mình. Với, chính con người mình. Và, những khoảnh khắc ấy, trước đây là những thắc mắc khó quên. Nay thành chuyện có lý, rất dễ hiểu.

Tin mừng thánh Mát-thêu, cũng thấy tràn ngập những thoáng chốc nhận định giúp ta nhận ra những gật gù, chấp nhận: “Ừ nhỉ! À ra thế!”. Viết Tin mừng cho người Do thái bình thường bậc trung, thánh Matthêu muốn phản ảnh lên con người của Đức Kitô, dựa theo ánh sáng lịch sử, của cả một dân tộc. Dân tộc Do thái thời ban sơ. Thánh nhân không bỏ qua những qui chiếu phản ảnh Kinh thư thần thánh có từ bản Híp-ri. Là thành viên cộng đoàn thời tiên khởi, thánh sử còn chiếu dọi các kỳ vọng đón chào Đấng Mê-Sia Cứu Thế.

Đối với cộng đoàn tiên khởi thời thánh Mat-thêu khi trước, và với chúng ta hôm nay, bản thân Đức Kitô chính là yếu tố “Ừ nhỉ! À, thì ra Ngài là thế!” cho lịch sử thế giới. Bởi, những gì khi trước thánh sử coi như ưu tư phản ảnh cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Đức Chúa, thì nay, ở thời buổi này, đã nên hiện thực.

Cụm từ “viên đá bị thợ xây liệng bỏ”, ngay từ đầu, đã ám chỉ dân Is-ra-el rồi. Ở thánh vịnh 118, và trong toàn bộ các Thánh vịnh - tụng ca, các thử thách và chiến bại của dân Is-ra-el vẫn được coi như xét nghiệm về sức mạnh, tình yêu và sức chịu đựng của con người. Dù, bao phen có khốn khó đi nữa, cả một dân tộc đã từng trải, thì người dân lành vẫn tiếp tục ngợi ca sự thủy chung mà Ya-vê Đức Chúa đã đối xử với họ. Dù, có phải chịu đựng mọi khổ đau, dân lành của Chúa vẫn ngợi khen ca tụng những điều kỳ diệu, Ngài ban cho. Vẫn cứ ca tụng và không ngừng thán phục các kỳ công Ngài làm, ngõ hầu gìn giữ họ. Duy trì họ, thành đám dân được chọn tràn đầy tin tưởng, vào sức mạnh thần thánh. Của Ngài.

Với thánh Mát-thêu, mọi ngỡ ngàng và thán phục, còn được phản ảnh lên mình Đức Kitô trong tình huống đối đầu, phản ứng đối với các Thượng Tế, Ký Lục và dân thành La-Mã, nữa. Trong khoảnh khắc rất “sung”, khiến thánh nhân có thể kêu thất thanh, như mọi người: “Ừ nhỉ, À ra thế!”, thánh sử thấy được rằng chính Đức Yêsu Kitô, chứ không phải toàn dân Is-ra-el, mới là viên đá bị bọn thợ xây liệng bỏ, nay trở thành đá tảng góc tường. Chính Ngài là công trình chính yếu của tòa nhà mới, được dựng xây.

Hành xử hệt như thánh Mat-thêu trong trình thuật, ta có thể áp dụng cũng một nhận định/phản ảnh ấy vào chính cuộc sống của mình, ngay lúc này. Như, trong nhân cách, hoặc cá tính của ta, cũng thường mang nhiều sắc thái khiến cho ta lấy làm hổ thẹn hoặc chán chường, tuyệt vọng. Nhìn vào quá trình diễn tiến cả cuộc đời, người người đều có những giây phút hết ngồi lê đôi mách, rồi lại tham lam, cạy cục. Hết đớn đau/tủi hổ, lại đến âu sầu/giận dữ; hết ái ân/dục tình, rồi lại căm thù/vỡ đổ. Cũng có thể, là: vào những trạng huống ta thấy chán ngán, nản lòng vì tình người trong Đạo, những chia rẽ. Phân cách. Mất đoàn kết.

Dù, ta đã cố gắng rất nhiều, để lướt thắng các mặt xấu, đáng liệng bỏ, thì mình vẫn hy vọng rằng: trạng huống ấy, sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, hơn. Nếu quả là như thế, tưởng cũng nên nghe lại đoạn Tin Mừng nhắc đến hôm nay: “Viên đá người thợ xây liệng bỏ, giờ đây đã trở thành đá tảng góc tường”. Và, đây mới chính là công trình tuyệt vời, của Đức Chúa. Một kỳ quan hiếm có, dưới đôi mắt của người phàm.

Còn nhiều khía cạnh khác trong cá tính bản thân, mà ta vẫn coi thường, lại có thể trở thành những viên đá tảng. Những khoảnh khắc phi thường, ta nhận được như ân huệ tuyệt vời, từ Đức Chúa. Với Chúa, chẳng có gì là “không thể”. Chẳng có gì, là “đi quá xa, rồi đó!” hoặc “trở thành cứng ngắc, cổ hủ”. Với các tín hữu sống đúng Đạo Chúa, không còn chỗ cho tủi hổ. Mà, chỉ có chỗ cho sự sám hối. Đổi thay. Bắt đầu, ta làm lại cuộc đời. Bắt đầu, ta nhìn vào những gì ta nghĩ có thể nghĩ là cơ hội để có thể kêu lên: “Ừ nhỉ! À ra thế!” Và, chắc chắn rằng: tình thương yêu độ lượng, và lòng từ nhân cứu vớt của Đức Kitô, sẽ giúp ta xoay chuyển, làm lại cuộc đời.

Từ đó ta liệng bỏ, mọi tính chất tiêu cực, cũng như các mặc cảm chiến bại đi, để rồi sẽ hăng say tái tạo cuộc đời, với Đức Kitô. Với, Vị Thợ Xây đáng Bậc Thầy.

Khi đã hành xử quen như thế, ta sẽ thấy rất nhiều tình huống giúp mình kêu lên được: “Ừ nhỉ! À ra thế!” qua đó, lịch sử thôi không còn là vấn đề ưu tư cần lướt thắng nữa; nhưng, đã trở thành một thử thách giúp ta trang bị việc dựng xây Nước Trời, ở trần gian.

Đó mới là chuyển biến. Đó chính là Can thiệp. Can thiệp tốt. Trong chiều hướng rất tích cực. Rất an lành.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

Tuesday 27 September 2011

Lm Bill O'Shea: THắc mắc của người Công Giáo (tiếp theo)

Câu hỏi #39:

Tín điều về sự trọn đời đồng trinh của Đức Ma-ri-a nói rằng Đức Ma-ri-a đồng trinh “trước, trong khi, và sau khi sinh hạ Đức Giê-su”. Trong khi một số người diễn giải từ ngữ “trong khi” là có nghĩa rằng cuộc sinh hạ Đức Giê-su là một sự kiện huyền diệu, người Công Giáo có thể được phép nghĩ là cuộc sinh hạ Đức Giê-su là một cuộc sinh nở hoàn toàn bình thường hay không?

Câu đáp:

Đó có thể là điều được cho phép khi người Công Giáo nghĩ là cuộc sinh hạ Đức Giê-su là một cuộc sinh nở hoàn toàn bình thường, mà vẫn xem tín điều đồng trinh “trước, trong khi, và sau khi sinh hạ Đức Giê-su” là một điều xác quyết rất mạnh mẽ và bao quát về sự trọn đời đồng trinh của Đức Ma-ri-a.

Đúng ra chỉ có việc Đức Ma-ri-a thụ thai đồng trinh Đức Giê-su là thật sự có được ghi nhận trong Thánh Thư. Thánh Lu-ca nhấn mạnh sự thụ thai Đức Giê-su mà vẫn đồng trinh qua câu hỏi của Đức Ma-ri-a: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lu-ca 1:34); và trong Tin Mừng thánh Mát-thêu chúng ta thấy những nỗi hoài nghi của ông Giu-se đã được giải đáp như thế nào qua sự mặc khải của Thiên Chúa rằng sự thụ thai đó quả thật là một điều huyền diệu (Mát-thêu 1:18-25).

Mặc dù không được ghi nhận trong Thánh Thư, niềm tin tưởng vào sự trọn đời đồng trinh của Đức Ma-ri-a được chứng nhận rộng rãi trong những văn kiện Ki-tô Giáo sơ khởi.

Thánh Basil, một trong những vị thánh tiến sĩ lớn trong Giáo Hội sơ khởi, đã tổng kết giáo huấn Ki-tô Giáo qua những từ ngữ như sau: “những người bạn hữu của Đức Ki-tô không khoan dung chấp nhận việc nghe có ai nói rằng Mẹ Thiên Chúa đã có lúc không còn đồng trinh nữa”.

Các nhà cải cách Tin Lành tiếp tục tin tưởng mạnh mẽ vào niềm tin Ki-tô Giáo cổ truyền này.

Người ta thường phản đối là các sách Tin Mừng đã hơn một lần đề cập đến những “người anh em” của Đức Giê-su (chẳng hạn đoạn Mác-cô 6:3), nhưng từ ngữ “anh em” được người Do-thái sử dụng rất thường để chỉ bất kỳ mối liên hệ huyết thống nào.

Mà cũng không có bất cứ điều gì có thể được chứng minh qua những đoạn trong Thánh Thư nói Đức Giê-su là “con đầu lòng” của Đức Ma-ri-a. Vào thời đó danh nghĩa này đã luôn luôn được đặt cho đứa con trai đầu tiên, ngay cả khi đó là đứa con duy nhất.

Tương tự, lời của thánh Mát-thêu rằng ông Giu-se “không ăn ở với bà [Đức Ma-ri-a] cho đến khi bà sinh một con trai” (Mát-thêu 1:25) không nhất thiết ám chỉ là có bất kỳ sự thay đổi nào về tính đồng trinh của Đức Ma-ri-a sau khi sinh Đức Giê-su.

Trong những thời đại gần đây, một số lượng ngày càng gia tăng các học giả thánh kinh ngoài-Công-Giáo đã đặt nghi vấn ngay cả sự đồng trinh thụ thai Đức Giê-su. Họ nêu ra việc sử dụng rộng rãi các biểu tượng và mẩu chuyện trong các trình thuật Tin Mừng, và lập luận rằng, thậm chí, ngay cả câu chuyện đồng trinh thụ thai, cũng chỉ là một cách biểu trưng để diễn tả rằng cái sự kiện vĩ đại là việc Con Thiên Chúa đầu thai giáng thế đã xảy ra.

Quan điểm này không được Giáo Hội Công Giáo chấp nhận.

Tuy nhiên, có thể nói rằng, sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a nên được xem là một điều vượt trên một hiện tượng thể lý thuần túy. Sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a quả là một biểu tượng cho một điều gì đó cao trọng hơn rất nhiều, đó là thái độ tuyệt hảo của Đức Ma-ri-a trong sự hoàn toàn cởi mở chỉ cho Thiên Chúa mà thôi; sự hoàn toàn dâng hiến chính mình ưu tiên cho Thiên Chúa trước bất kỳ người nào khác hay việc gì khác.

Đức Ma-ri-a là một nhân vật trong Giáo Hội và sự đồng trinh của Mẹ là một dấu chỉ tiên tri về sự hoàn toàn tận hiến của Giáo Hội cho Đức Ki-tô.

Mẹ là khuôn mẫu Ki-tô hữu lý tưởng, hoàn toàn dâng hiến chỉ cho Thiên Chúa mà thôi.

Trở lại câu hỏi nguyên thủy của bạn, sau khi đã nói những điều trên đây, không điều gì có thể được gặt hái từ việc đặt toàn bộ sức mạnh vào đoạn “trong khi sinh hạ” trong nguyên văn tín điều của Giáo Hội. Đó là một sự chọn lựa từ ngữ nhằm mục đích không để sót sơ hở nào. Nhưng điều đó thật sự không làm gia tăng thêm chi cả về ý nghĩa sự đồng trinh của Đức Ma-ri-a.

mh September 2011

Monday 26 September 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


NUỚC TRỜI SẼ ĐẾN

Nhiều lần Chúa Yêsu rao giảng Nước Thiên Chúa sẽ đến, giảng về tận thế. Cũng như các tiên tri, Ngài cũng dạy rằng biến cố đó được thực hiện trong sự phán xét. Về văn thì lời rao giảng của Ngài có nhiều thể văn về vấn đề này:

Những đoạn theo thể văn khải huyền: có khi là những châm ngôn đơn độc (Mt 7: 2, 22; 10: 28. 2t) về phán xét), về Con Người sẽ đến (Mc 3: 38; 14: 62; Mt 9: 28). Có những lời khác được diễn giải dài hơn như bức hoạ về việc phán xét trên những việc thương người (Mt 25: 31-46), hay diễn từ về “Ngày của Con Người” (Lc 17: 22-37). Nhưng đoạn văn đầy đủ và đặc sắc nhất về loại văn này là “diễn từ chung luận” (Mc 13: 5-27 / Mt 24: 4-31 / Lc 21: 8-28): một diễn từ căn bản, trong đó mỗi thánh sử chắp nối thêm những lời dạy của Chúa Yêsu về vấn đề). Đoạn văn này tối nghĩa, chúng ta phải hiểu bằng cách đối chiếu với những kiểu trình bày tương tợ như vậy trong những sách khải huyền Do thái có trước hay đồng thời (Mc 13: 7. 14. 19 trưng sách Daniel). Cũng như các sách khải huyền khác, Chúa Yêsu trình bày những giai đoạn cuối cùng của lịch sử dân Chúa: cấm cách bắt bớ lên đến cực điểm trong ngày Quỉ vương xuất hiện (văn bản có nói đến “ghê tở hoang tàn” Mc 13: 14… tức là một kiểu nói của Daniel 9: 7; 11: 31; 12: 11 ám chỉ đến việc đền thờ Yêrusalem bị Antiôkô IV Epiphanê làm ra ô uế (-167), biến cố đã nên điển hình cho những tai ương cánh chung. Trong Mc 13: 14, tiếng đó đã được dùng lại để chỉ phản Kitô, giống như 2Th 2: 4, cùng với những Kitô giả, những tiên tri giả với phép lạ giả, rồi sau cùng việc Quang lâm của Người đến để dẫn những kẻ thuộc về Ngài vào vinh quang của Ngài.

Các ví dụ thường cũng trình bày một giáo huấn đó dưới hình thức ngụ ý bóng bảy, và cốt để kéo lấy một bài học. Đó là những ví dụ nói đến mùa màng hái gặt (Mc 4: 26-29), phân tách cỏ lùng và lúa tốt (Mc 13: 24-30); lưới thả xuống bắt đủ thứ cá (Mt 13: 47-50), việc trả công cuối ngày (Mt 20: 8-15); việc trả lẽ trước mặt chủ (Mt 25: 14-30; 18: 22-35; Lc 16: 1-9); những ví dụ dạy phải tỉnh thức (Mt 24: 41t; Mc 13: 34-36; Mt 24: 45-51; Mt 25: 1-13…)

Ý tưởng của Chúa Yêsu: Trong những chương Khải huyền, Chúa Yêsu cho thấy trần gian hiện bị xâu xé trong một xung đột lớn lao: công v iệc của Thiên Chúa phải đuơng đầu với những mãnh lực sự dữ; cuộc thử thách rất lờn lao, khó nhọc; các môn đồ cũng bị ngăm đe: họ phải bạo dạn đón nhận lấy bắt bớ cấm cách, và cả chết nữa, tất cả sức mạnh của họ là nơi lòng trông cậy, và vì thế Chúa Yêsu cho họ mường tượng thấy cuộc toàn thắng cuối cùng; Ngài sẽ đến lại, và sẽ thu họp lại vào trong Nước của Ngài. Và như vậy Ngài cho những kẻ thuộc về Ngài thấy cái hướng của lịch sử, nhất là ý nghĩa của những sự thử thách họ phải đương đầu. Nhưng Ngài từ chối không nói trước cho họ biết về tương lai (những lời tả sơ lược về tương lai hoàn toàn dựa trên những thành ngữ khuôn sáo sẵn có của tiên tri hay văn khải huyền Do thái); tuyệt nhiên Ngài không nói đến Ngày nào Ngài sẽ đến lại: Mc 13: 32; đàng khác, điều Ngài dạy về Hội thánh cho thấy là tận thế không thể ngay bên cạnh sườn.

Còn các ví dụ của Chúa Yêsu về Nước Thiên Chúa làm cho giáo huấn đó được đầy đủ hơn. Cũng như những ví dụ của các rabbi, các ví dụ này ngắm đến cách sống, cách xử sự của những kẻ thuộc về Chúa Yêsu trong sinh hoạt thường ngày, nhất là đến chủ đề thưởng phạt. Những nghĩa vụ Chúa Yêsu nhấn đến là yêu thương nhau: lo lắng đến kẻ “nhỏ”, cấm đoán xét người khác, tha thứ cho nhau…; ví dụ nén vàng cho biết phải dùng những ơn huệ Thiên Chúa thế nào; những ví dụ tỉnh thức đòi phải gấp rút dấn mình một cách cụ thể, ngày hôm nay. Chủ đề thưởng phạt nhấn mạnh không được làm khuất nhỡn giới căn bản: ơn cứu rỗi là Nước, là ơn công cộng Thiên Chúa ban cho dân của Người; ơn đó đòi nỗ lực của người ta, nhưng nỗ lực đó chỉ là đáp ứng với một lời kêu gọi, một lời dạm ban bởi lòng từ hậu của Thiên Chúa: ơn cứu rỗi bao giờ cũng là một ơn huệ.

(còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

Sunday 25 September 2011

Lm Bill O'Shea: THắc mắc của người Công Giáo (tiếp theo)

Câu hỏi #38:

Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, do Công Đồng Vatican II ban hành, trong Phần 55, chương 8, nói rằng các quyển sách Cựu Ước “khi được đọc trong Giáo Hội và được hiểu dưới ánh sáng của một mặc khải trọn vẹn hơn, thì mang hình ảnh một người nữ, thân mẫu của Đấng Cứu Thế, vào một tiêu điểm dần dần sắc nét hơn.

Khi được quan sát qua cách này thì Đức Ma-ri-a đã được dự đoán một cách tiên tri là sẽ chiến thắng con rắn – cái chiến thắng đã từng được hứa cho thủy tổ đầu tiên của loài người sau khi họ sa ngã vào tội lỗi (x. Sáng Thế 3:16)”; và Đức Giáo Hoàng Phao-lô Đệ Lục trong tông thư khuyến khích việc lần chuỗi mân côi (Marialis Cultus, 1974) đã nói rằng Thánh Kinh chứa đựng đầy dẫy những điều huyền bí về Đấng Cứu Thế, và từ sách Sáng Thế cho đến sách Khải Huyền cũng đều chứa đựng những điểm tham chiếu rõ ràng về người nữ, người là thân mẫu và là cộng sự viên của Đấng Cứu Thế.

Câu đáp:

Trong câu đáp của tôi cho một vị độc giả trước, tôi đã nêu rõ ra rằng, khi Giáo Hội – trong những văn kiện chính thức của mình – trích dẫn hay tham chiếu những đoạn hay những văn bản Thánh Kinh, thì Giáo Hội không nhất thiết là có chủ ý muốn định nghĩa ý nghĩa chính yếu, ý nghĩa đen theo văn tự của những đoạn hay những văn bản đó.

Quả vậy, các vị giám mục của Công Đồng Vatican II đã chọn lựa từ ngữ của họ rất cẩn thận. Họ nói rằng các quyển sách Cựu Ước, “khi được đọc trong Giáo Hội và được hiểu dưới ánh sáng của một mặc khải trọn vẹn hơn” (nghĩa là, các quyển Tin Mừng), thì mang hình ảnh Đức Ma-ri-a vào một tiêu điểm dần dần sắc nét hơn. Chính khi “được quan sát theo cách này” – theo văn kiện của Công Đồng về Giáo Hội – mà Đức Ma-ri-a được “dự đoán một cách tiên tri”.

Công Đồng đã rất mực cẩn thận để tránh nói rằng đoạn Sáng Thế 3:15 là trực tiếp nói về Đức Ma-ri-a, thân mẫu Đức Giê-su, bởi vì những vị có trách nhiệm soạn thảo hiến chế đã biết rằng điều đó không phải là sự thật.

Tôi chỉ có thể giả sử rằng Đức Giáo Hoàng Phao-lô Đệ Lục, người đã chủ tọa phần lớn những cuộc hội thảo của Công Đồng Vatican II, đã muốn cho những từ ngữ của ngài được hiểu theo cùng một cách như khi ngài nói rằng từ sách Sáng Thế đến sách Khải Huyền, Thánh Kinh chứa đựng những “tham chiếu rõ ràng” tới thân mẫu của Đấng Cứu Thế.

Điều mà Công Đồng muốn nói là: dưới ánh sáng của mặc khải trong Tân Ước, chúng ta có thể thấy rằng Đức Ma-ri-a, thân mẫu của Đức Giê-su, đóng một vai trò quan trọng bậc nhất trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Từ quan điểm này của đạo Công Giáo mà nhìn về quá khứ thì ta có thể thấy là Đức Ma-ri-a đã được “dự đoán một cách tiên tri” (một cách nói rất thận trọng) trong những đề cập đến “người nữ” (woman) trong đoạn Sáng Thế 3:15 và trong một vài đoạn Cựu Ước khác.

Sự liên kết này được củng cố thêm qua cung cách kỳ lạ của Đức Giê-su khi gọi thân mẫu của người, cả khi ở Ca-na lẫn khi trên Thập Giá, là “bà” (woman) (Gio-an 2:4; 19:26).

Sự khám phá việc Đức Ma-ri-a được “dự đoán một cách tiên tri” trong đoạn Sáng Thế 3:15 không thay đổi sự thật là người tác giả khi viết hay hiệu đính Sáng Thế Ký đã không hề có ý định nói về Đức Ma-ri-a chi cả, mà chỉ có ý nói về bà E-và, người nữ đầu tiên.

Còn việc Đức Chúa Thánh Thần – Đấng đã linh hứng cho tác-giả-loài-người – có chủ ý muốn cho văn tự chứa đựng một ý nghĩa sâu sắc hơn, hay trọn vẹn hơn, thì là điều khó khăn hơn để đoan quyết.

mh September 2011

Saturday 24 September 2011

Lm Frank Doyle sj: “Ta sẽ thở, bằng trầm hương của gió”

Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm A

“Ta sẽ thở, bằng trầm hương của gió”
lắng nghe xa, chân thú bước mơ hồ
núi muôn năm, còn ở đó thẫn thờ
rừng vẫn rộng, tay mời ta trở lại.

(dẫn từ thơ Du Tử Lê)

Mt 21: 28-32

Vẫn hít thở, bằng hương trầm của gió. Vẫn lắng nghe, bước chân mòn của muôn thú mơ hồ, nhà thơ bèn gọi mọi người trở lại, với thiên nhiên. Thế còn nhà Đạo thì sao? Vẫn đọng lắng tâm tư, nghe kể truyện dụ ngôn, về người Cha mời hai con đi làm vườn, đấy chứ?

Dụ ngôn hôm nay, dưới mắt thượng tế/kinh sư, khẳng định Chúa đưa ra về người phạm lỗi vào Nước Trời trước các đấng bậc, gây nhiều giận dữ. Giận và dữ, là bởi các “đấng bậc” của ta không chú tâm đến lời tiên tri Ezêkien, ở bài đọc.

Bài đọc 1, tiên tri Êzêkien từng nói như Đức Chúa, ở Tân Ước: “Khi ác nhân bỏ điều ác nó đã làm, mà trở lại, cùng làm điều phải, sự thiện, nó đã cứu sống mạng nó. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn sẽ sống, không phải chết.” (Ez 18: 26). Điều này áp dụng cho mọi người, không riêng kẻ có lỗi.

Với bối cảnh thời trước, Đức Giê-su áp dụng truyện kể, trước nhất cho những người đang nghe Ngài. Những người, đi theo vết chân của tiên tổ, vẫn có truyền thống tuân giữ Luật của Chúa. Nhưng nay, khi diện kiến với Gio-an Tẩy Giả, và Đức Kitô, Con Thiên Chúa, họ vẫn dửng dưng, chối từ. Trong khi đó, người-ở-ngoài xưa nay thờ ngẫu-thần nhiều thế kỷ, nay quay về mở rộng lòng, chào đón lời dạy và quyền uy của Đức Chúa. Đây là trọng tâm, của mọi việc. Và điều này, áp dụng cho mọi người, cả hôm nay.

Dụ ngôn hôm nay, đưa ra hai yếu tố thật rõ nét, quan trọng. Một mặt, ta không thể tự mãn về tương quan ta có, với Chúa. Bởi, bất cứ lúc nào, và ai cũng có thể rơi vào tình trạng quên đi quyết tâm mình đã có, với Chúa. Với Tin Mừng. Dù, Chúa chẳng nề hà. Ngài vẫn chấp nhận sơ xuất, từ phía dân con. Và, khi ta bền bỉ nối kết - hiệp thông, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng, khi ta đã xa rời, từ bỏ Chúa, Ngài vẫn chấp nhận. Vẫn đợi chờ, ta/ người con hồi hướng quay về. Quay về, dù có người đã “chết trong lỗi phạm”.

Mặt khác, dù xa rời Đức Chúa, hoặc bỏ bê Tin Mừng; dù trong tâm trạng khốn khổ thế nào đi nữa, vẫn không nên nghĩ là quá trễ. Hãy cứ quay về. Bởi, khi ấy, vòng tay ôm của Cha Nhân Hiền, vẫn ân cần rộng mở. Cha chẳng hề cật vấn: “sao, con lại làm thế?”. Thế đó, là ý nghĩa của dụ ngôn “chiên lạc” và “người con đi hoang.” Thế đó, là lý do Thầy cứ hỏi mãi: “Phê-rô, con có thương Thầy, không?”, những ba lần. Dù, Thầy biết chắc đồ đệ sẽ chối bỏ Ngài đến ba lần, Thầy dẫu biết, vẫn cứ trao ban trọng trách “Hãy dẫn dắt chiên đàn Hội thánh”.

Xem như thế, thì gặp những điều không vừa ý xảy đến thì có là trừng phạt dành cho người phạm lỗi?. Ta có giống như nhiều người cứ cho rằng: vẫn có đó, nhiều trừng phạt?. Ở đây phải hiểu là trừng phạt là do chính người phạm lỗi tự xử. Tự xử bằng hình phạt, vốn sẽ lún dần trong tội lỗi, như tiên tri gọi: “Hỡi nhà Israel, nghe đây: phải chăng đường lối của Ta, không chỉnh?” (Ez 18: 25). Cũng thế, không phải là hiếm khi nghe nhiều người vẫn than vãn: Chúa thật bất công, với tôi? Và nay phải khẳng định là: người tốt lành, khi để mất tính chính trực mình vốn có, sẽ làm điều ác độc/tự huỷ, trong tội lỗi. Đó, là kết quả của những ác độc, tự gây nên.

Lỗi phạm đây, là việc chối bỏ và quay lưng lại Đấng Nhân Hiền vẫn thương mình. Lỗi phạm đây, đưa dẫn họ về với hình phạt do chính mình làm. Và như thế, người phạm lỗi sẽ lún sâu trong ghen tức, với bạo lực. Trong giận dữ, với tương tàn. Trong nhỏ mọn, và tự tôn. Và như thế, họ sẽ đi dần vào chốn cô đơn, ly cách. Để rồi, sẽ càng phẫn nộ, hiềm khích. Càng tự chuốc lấy cho mình mọi trầm thống. Rất suy sụp. Trên thực tế, Đức Chúa không trừng phạt ai cả. Việc ấy là do ta tự tạo. Do ta tự đi sâu vào chốn lỗi lầm. Tạo vết thâm trầm, càng khó chữa.

Thêm vào đó, cũng nên tự hỏi: tội, do đâu mà đến? Lỗi phạm, là gì? Câu trả lời sẽ là: tội, không là hành động vi phạm luật pháp, hoặc các qui định, do người khác đặt. Và, là phản chống bản chất tự nhiên, của chính mình.

Sai phạm, là hành vi sai trái, nghịch chống lại giới răn. Và, giới răn là những gì? Do ai đặt? Có là tội, nếu chỉ bỏ lễ Chủ nhật? Nhưng sao gọi việc đó là tội? Tội ở đâu? Chỗ nào? Thế thì, hành xử bạo lực, trộm cắp, dối gian, tham lam, bủn xỉn, có là tội không? Sao không phải là tội? Là tội, có phải vì Giáo hội bảo thế? Hoặc, vị linh mục ngồi toà, nói như vậy? Là tội, vì trong kinh sách, có liệt kê?

Điều cần khẳng định ở đây, là tội, chỉ vì đó là điều xấu xa, độc ác. Lỗi phạm, bởi vì hành vi đó chối-từ tình-yêu. Là, phản chống Đức Chúa. Nghịch cả nhân cách, lẽ phải và sự công chính, đối với người khác. Là tội, không chỉ vì những việc mà người Công giáo không được phép làm; mà, bất cứ một ai cũng không nên làm như thế. Thiên Chúa, Sự Thật và Tình Thương Yêu không thuộc của riêng một tôn giáo nào cả. Và chỉ là tội, vì việc ấy đã vi phạm tương quan ta cần có, với Đức Chúa. Với, Sự Thật và Tình Yêu Thương. Nhưng vi phạm, chỉ đem lại thương đau và mất mát. Cho mình và cho người. Vậy, chính mình là người để quy trách, thôi.

Trình thuật hôm nay, rõ ràng ám chỉ giới lãnh đạo tôn giáo và dân sự, thời Chúa sống. Trình thuật nói nhiều đến Đức Chúa. Đặc biệt, là cách thức làm sao phục vụ Chúa qua tuân giữ Lề luật. Nhưng rõ ràng, các đấng bậc ấy không tạo cho mình có được tinh thần mà Đức Giê-su vẫn chuyển tải. Ngài chuyển tải bằng chính cuộc sống và lời dạy của Ngài.

Tinh thần, là tinh thần yêu thương, rất độ lượng. Là, chăm sóc - thứ tha đem đến với người yếu hèn, dễ thương tổn. Các đấng bậc, cũng đã nghe biết Lời dạy của Ngài, nhưng không cố gắng thực hiện. Những người như thế, chỉ nại cớ để thách thức quyền năng Đức Giê-su qua việc Ngài làm. Bởi, Ngài không thích hợp với quỹ đạo luật pháp, họ bày ra. Vì thế nên, họ đóng khung Ngài và chối bỏ Ngài.

Trong khi đó, “quân thu thuế và lũ đàng điếm qua trước các ông, mà vào Nước Thiên Chúa”. (Mt 21: 31). Chắc chắn một điều, là: họ chẳng biết tuân giữ Luật lệ. Họ nói KHÔNG với giới răn của Ngài, rất nhiều lần. Đến khi gặp Chúa, họ thay đổi tận gốc rễ, chính đời mình. Biết lắng nghe. Và đáp ứng.

Thời ấy, các thượng tế kinh sư, cũng giống như người con thứ hai, trong truyện. Nghĩa là, cũng biết nói tiếng ‘Vâng!’ con sẽ làm’. Cũng dự định tuân thủ lời Chúa, nhưng rồi lại không để tai nghe lời Chúa dạy. Hoặc, không tuân theo lời Ngài chỉ dẫn.

Bài đọc 2, ta có một ca vịnh tuyệt vời về tinh thần phục vụ và bỏ mình, của Đức Giê-su. Phao-lô thánh nhân nói đến tinh thần ấy trong bối cảnh khẩn thiết yêu cầu cộng đồng dân Chúa ở Philíphê, nên đoàn kết. Khi thúc giục người Kitô hữu phục vụ nhu cầu của người khác, với lòng tôn trọng, thánh nhân khuyến dụ họ nên mang theo tâm tình của Thầy mình. Nên suy nghĩ như Thầy. Để minh hoạ điều này, thánh-nhân đã làm ra như bài vịnh. Để ca tụng nhân cách Đức Giê-su, Con Thiên Chúa.

Đức Giê-su, không nhấn mạnh đến điều này, khi Ngài còn ở với chúng ta. Trái lại, Ngài tự trút bỏ vinh quang của chính Ngài, để trở nên giống như người phàm. Còn hơn thế, Ngài còn chấp nhận thân phận nô lệ. Chấp nhận cả nỗi chết. Chết như tội phạm, trên thập tự. Bị hành hình. Khổ sai.

Nếu như ta, cũng có nơi chốn tràn ngập tinh thần Đức Giê-su vẫn có, ta sẽ không còn gì để hãi sợ. Và nơi chốn, mà cộng đồng tín hữu Đức Kitô hiện đang sống, chính là chốn ấm tình người, có sự kết hợp của tình thương yêu, chăm sóc. Có sự độ lượng và yểm trợ song phương. Có chăm nom săn sóc, cho nhau. Chuyện như thế, không bao giờ là quá trễ. Ta vẫn có thể bắt đầu, ở đây. Bây giờ.

Trong quyết tâm như thế, ta hãy vui lên mà ca hát. Hát những lời vui, thuở trước, rằng:

“Tôi yêu, những gì đến tự nhiên

những câu nói thành thật

và yêu ngày nắng

tôi yêu mặc Jean và áo trắng

yêu trăng sáng ngày rằm

Và, tôi cũng yêu em,

Yêu em rộn ràng, yêu em nồng nàn

Yêu em chứa chan…”

(Đức Huy – Và tôi cũng yêu em)

Vẫn cứ yêu. Yêu nồng nàn, yêu chứa chan. Dù, em anh có lỗi phạm, dù em có sai sót. Vẫn cứ yêu và cứ thở. Thở bằng trầm hương của gió. Vì ngài, rừng, và thế giới quanh ta, vẫn mở rộng vòng tay mời ta trở lại. Trở lại, mà về với yêu thương. Nhiều chăm sóc. Đùm bọc.

Friday 23 September 2011

Lm Bill O'Shea: THắc mắc của người Công Giáo (tiếp theo)

Câu hỏi #37:

Nếu như Chúa Thánh Thần là tác giả chính của Thánh Kinh, thì hẳn là những đoạn như đoạn Sáng Thế 3:15 có thể có một ý nghĩa bí ẩn, sâu sắc hơn mà tác-giả-loài-người đã không nhận biết?

Câu đáp:

Câu hỏi của bạn nêu ra một điểm quan trọng trong toàn bộ vấn đề nên diễn giải Thánh Kinh như thế nào. Vì lý do mà bạn đã đề cập – rằng Thiên Chúa là tác giả chính của Thánh Kinh –chúng ta ít nhất cũng phải xét tới khả năng là có những ý nghĩa khác trong Thánh Kinh ngoài nghĩa đen của văn tự.

Nghĩa đen của văn tự là ý nghĩa mà các tác-giả-loài-người muốn diễn đạt. Nhưng học thuyết về sự linh hứng thánh thiêng nêu ra cái khả năng là các tác-giả-loài-người có thể đã không phải lúc nào cũng nắm bắt được trọn vẹn ý nghĩa mà Chúa Thánh Thần muốn diễn đạt.

Có thể còn có những ý nghĩa khác, sâu sắc hơn đang ẩn mình dưới những lớp bề mặt của Thánh Kinh – những ý nghĩa này không phá hủy nghĩa đen văn tự, nhưng nới rộng, nhấn mạnh, và làm phong phú cho nghĩa đen.

Câu hỏi lớn lao là: làm cách nào chúng ta nhận ra khi có một ý nghĩa sâu xa hơn như vậy hiện diện trong một đoạn thánh kinh? Đây là điều quan trọng bậc nhất, bởi vì nếu chúng ta không có một số quy luật cho việc khám phá một ý nghĩa trọn vẹn hơn của văn tự, thì trí tưởng tượng có thể tha hồ loạn lên, và cánh cửa sẽ bị để ngõ cho đủ mọi kiểu diễn giải quái dị và táo bạo.

Bởi vì ý nghĩa sâu xa hơn của một đoạn Thánh Kinh là ý nghĩa chỉ do Thiên Chúa định đặt, cho nên hiển nhiên là chỉ có Thiên Chúa mới có thể vén mở ý nghĩa đó cho chúng ta. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cho chúng ta biết Người định diễn đạt điều gì khi linh hứng cho tác-giả-loài-người viết một đoạn Thánh Kinh nào đó.

Đấng Thiên Chúa linh hứng cho các tác giả Cựu Ước cũng chính là Thiên Chúa đã linh hứng cho các tác giả Tân Ước. Vì vậy khi chúng ta thấy trong Tân Ước một sự đoan chắc rằng còn có một ý nghĩa sâu xa hơn chứa đựng trong một đoạn Cựu Ước, thì chúng ta có thể chấp nhận đó là một sự thật đúng đắn.

Một lần nữa ở đây, Đức Chúa Thánh Thần Đấng đã linh hứng để các quyển Thánh Thư được viết ra cũng chính là Đức Chúa Thánh Thần Đấng đang dẫn dắt Giáo Hội trong việc diễn giải những bộ Thánh Thư đó, vì vậy cả Giáo Hội nữa, Giáo Hội cũng có thể bảo cho chúng ta biết khi một ý nghĩa được trình bày trong Thánh Thư có ý nghĩa sâu xa hơn là nghĩa đen mà tác-giả-loài-người muốn diễn đạt.

Vậy thì, điều này là một tiêu chuẩn cho việc nhận ra một ý nghĩa sâu xa hơn: một sự diễn giải thẩm quyền trong Tân Ước hoặc trong những tuyên bố chính thức của Giáo Hội về những văn tự trong Thánh Thư theo một cách sâu-sắc-hơn-nghĩa-đen.

Những vẫn còn có lý do để ta phải thận trọng. Bởi vì không phải cứ mỗi lần Tân Ước hay văn kiện của Giáo Hội gợi ý rằng có một ý nghĩa sâu-hơn-nghĩa-đen của văn tự trong Thánh Thư thì đó là một trường hợp ý nghĩa sâu sắc đó được chứa đựng ngay trong chính những văn tự đó.

Đôi khi việc đó có thể chỉ không hơn gì là điều được gọi là sự “thích ứng” hay sự liên kết xa. Sự “thích ứng” thì không thật sự là một ý nghĩa trong Thánh Thư gì cả, mà chỉ là một nghĩa chúng ta đặt vào Thánh Thư; sự thích ứng không phải là một ý nghĩa được rút tỉa từ văn tự, mà là ý nghĩa được đặt vào văn tự.

Ta hãy xem ví dụ sau đây. Tin Mừng Thánh Gio-an (1:6) đã nói về thánh Gio-an Tẩy Giả là: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an”. Một nhà giảng đạo có thể sẽ quyết định áp dụng đoạn văn bản này vào Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII. Việc này không có chi sai trái. Đó không phải là điều không thích đáng khi sử dụng một đoạn như đoạn Gio-an 1:6 để nói về một nhân vật thánh thiện và được yêu mến như Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII.

Nhưng bất kể sự thích đáng của việc áp dụng này, đây là một sự thích ứng chứ không phải là một ý nghĩa trong Thánh Thư. Dĩ nhiên đây không phải là nghĩa đen văn tự. Tác giả của Tin Mừng Gio-an đang nói về thánh Gio-an Tẩy Giả chứ không nói về bất kỳ một ai khác.

Mà cũng không có nghi vấn gì về một ý nghĩa sâu sắc hơn được chứa đựng trong chính các văn tự này. Người ta khó có thể nói rằng Thiên Chúa, khi linh hứng cho vị tác giả của bộ Tin Mừng thứ bốn, đã chủ định rằng những văn tự đó là nói về Đức Giáo Hoàng Gio-an, hay về bất cứ những người nào tên Gio-an cũng vậy.

Bạn hàm ý là đoạn Sáng Thế 3:15, nói về người nữ, con rắn, hậu duệ của người nữ, và hậu duệ của con rắn, là một đoạn chứa đựng một ý nghĩa sâu xa hơn do chính Thiên Chúa chủ định. Trong đoạn này Thiên Chúa nói với con rắn rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; người nữ ấy sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Những từ ngữ này trong nghĩa đen của chúng là đang nói đến bà E-và và hậu duệ của bà – toàn thể nhân loại. Dòng giống hay hậu duệ của con rắn nói về những quyền lực của tà thần, quyền lực mà loài người sẽ phải luôn luôn đương đầu. Thiên Chúa đã tiên đoán sự thù nghịch và cuộc giằng co vĩnh viễn giữa nhân loại và quyền lực tà thần.

Đoạn Thánh Kinh này thường hay được đem áp dụng vào Đức Ma-ri-a và con của bà, Đức Giê-su. Do đó một số người đã cho là đoạn này có một ý nghĩa thánh kinh sâu sắc hơn. Trong trường hợp này, ý nghĩa đó, nếu có, sẽ là một sự tham chiếu vượt qua khỏi nghĩa đen của văn tự để nói về một cuộc giằng co trong tương lai giữa Đức Ki-tô, con của bà Ma-ri-a, và Sa-tan, với sự gợi ý về chiến thắng tối hậu của Đức Ki-tô trong cuộc chiến đó.

Các tiêu chuẩn để nhận biết ý nghĩa sâu xa hơn của Thánh Kinh thì không phải bao giờ cũng dễ áp dụng. Một số người có thể sẽ thấy có một ý nghĩa sâu xa hơn trong đoạn Sáng Thế 3:15, nhưng những người khác thì không. Dĩ nhiên, như một số độc giả đã nêu ra, đoạn này đã được dùng trong các văn kiện của Giáo Hội để nói về Đức Ma-ri-a.

Tuy nhiên, cân nhắc hết tất cả mọi sự, thì tôi không tin là có bằng chứng minh bạch chung cuộc trong Tân Ước hay trong các văn kiện của Giáo Hội để cho rằng Đức Ma-ri-a được Thiên Chúa chủ định là một ý nghĩa sâu sắc hơn của chữ “người nữ” trong đoạn Sáng Thế 3:15.

Điều này không có nghĩa là chối bỏ rằng Đức Ma-ri-a đóng một vai trò quan trọng nhất trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vai trò của Mẹ được nêu rõ trong Tân Ước.

mh September 2011

Thursday 22 September 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


NƯỚC TRỜI

Điều chính Chúa Yêsu rao giảng suốt cả sứ vụ công khai của Ngài:

-Khai mạc: “Thời buổi đã mãn, và Nước Trời đã gần bên rồi! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” Mc 1: 15; Mt 4: 17)

-Sứ vụ Galilê: Và Ngài rảo khắp xứ Galilê giảng trong các hội đuờng của họ, và rao truyền Tin Mừng về Nước… (Mt 4: 23; Lc 4: 43).

-Khi chọn Tông đồ và sai đi rao giảng: Mt 10: 7 (“Hãy loan báo rằng Nước Trời đã đến gần bên rồi”) (Lc 10: 9-11; Mc 6: 12; Lc 9: 60t: 10: 9t)

-Mấy ngày trước Thương Khó: Tin Mừng này nói về Nước sẽ được loan báo khắp thiên hạ (Mt 24: 14).

-Và ngay cả sau khi sống lại (Cv 1: 3) “Ngài đã hiện ra cho họ mà nói về Nước Thiên Chúa”.

Như vậy ta thấy được suốt cả đời công khai, Chúa Yêsu hằng rao giảng về một điều hầu như độc nhất: Nước Thiên Chúa.

Tiếng nói:

Nước Thiên Chúa, Nước Trời. Trong Tân Ước, tiếng dùng là Nước Thiên Chúa. Thánh Mt dùng tiếng Nước Trời ( trừ ra 12: 28; 21: 31.43). Hai kiểu nói không khác nhau, vì tiếng “Trời” là một tiếng người Do thái thời đó dùng để thay thế cho Danh Thiên Chúa. Tiếng “Nước Trời” vì thế mà có lẽ là tiếng chính Chúa Yêsu đã dùng.

Nước: Tiếng “:Nước” của chúng ta là đem về “khu vực” (nơi chốn) đặt dưới quyền một vua, một quyền cai trị.

Nhưng nếu chúng ta để ý đến chính tiếng Hy Lạp hay tiếng Hipri (malkut) hay Aram (malkùtá), thì nghĩa trước tiên là địa vị/quyền bính/việc cai quản của một vua: như vậy là “vương quyền”; thứ đến mới là khu vực đặt dưới quyền của một vua: “vương quốc” (nghĩa khu vực đó thấy rõ trong các câu như Mc 9: 47; 10: 23-25; Mt 5: 20; 7: 21; 18: 3; Lc 19: 24-25).

Nghĩa: Tiếng “vương quyền”, “vương quốc” giả thiết có một người là vua. Trong Cựu ước: Yavê là vua. Không phải là một “hàm tước” gọi cho sang, cũng không phải chỉ cái gì nơi Thiên Chúa một mình Người. Nhưng tiếng Vua nói đến liên lạc của Yavê với dân của Người:

-Yavê có quyền định liệu về dân của Người; dân có là để làm sáng danh Người. Nhưng ngược lại, dân có thể sống dưới bóng Người, Yavê cho dân được sống: Người giải thoát khỏi hoạn nạn tai ương.

-Và sau khi Israel đã mất nước, dân bị lưu đày mà không còn có vua nữa, thì “Yavê làm vua” có nghịa là Yavê sẽ tỏ mình ra mà ngự trị trên dân của Người bằng ban lại thái bình, hạnh phúc, giải thoát. Tiếng “Vua” trở nên đồng nghĩa với “Đấng Cứu thoát”. Và việc “cứu thoát” hứa đây sẽ được thấy trong một can thiệp quyền phép, như việc giải phóng khỏi Ai cập, một Xuất hành thứ hai, khai mạc một thời mới, trong đó cả những người dân ngoại cũng được tham dự: như vậy là một việc phục hồi toàn diện và vinh hiển cho Israel dân của Thiên Chúa, thâu họp những kẻ tản mác, dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa làm vua.

Như vậy “Nước Trời” nói lên cho Israel sự hoàn tất mọi lời hứa của Giao ước: một ân huệ của Thiên Chúa (dân có lẽ hiểu ngay về hạnh phúc đời này) nhưng các tiên tri đã tẩy luyện mà đem lên bình diện hoàn toàn tôn giáo (lòng trung tín, yêu mến, ơn huệ của Thần Khí Thiên Chúa, biết Yavê) – một ơn giải thoát công cộng.

Chúng ta phải xét 3 vấn đề liên can đến Nước Trời:

-Chúa Yêsu thấy Nước Trời như thế nào?

-Nước đó cứu người ta khỏi cái gì?

-Nước đó đòi người ta những gì?

CHÚA YÊSU QUAN NIỆM LÀM SAO VỀ NƯỚC TRỜI?

Chúng ta không thấy Chúa Yêsu định nghĩa một chỗ nào cho rõ rệt, Ngài giả thiết dân đã hiểu một cách đại khái thế nào; Chúa Yêsu phải đính chính, nhưng đính chính nơi những đòi hỏi của Ngài (tin và hối cải), nhưng nhất là Ngài vừa loan báo Nước đó sẽ đến trong tương lai, lại vừa rao giảng Nước đó là hiện tại.

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

Wednesday 21 September 2011

Chân Phước Gioan Phaolô II: Tông thư Sứ Mạng Đấng Cứu Thế (tiếp theo)


Sự giải thoát và ơn cứu độ do vương quốc Thiên Chúa mang lại đến với người phàm trong chiều kích thể lý lẫn chiều kích tâm linh của họ. Có hai dấu hiệu là đặc tính của sứ vụ của Đức Giê-su: chữa lành và tha thứ. Những cuộc chữa lành của Đức Giê-su rõ ràng là cho thấy lòng nhân ái lớn lao của Người trước cảnh khổ đau của loài người, nhưng những lần chữa lành đó cũng biểu hiệu rằng nơi vương quốc Thiên Chúa sẽ không còn bệnh tật hay đau khổ, và rằng sứ vụ của Người, ngay từ lúc khởi đầu, là nhằm mục đích giải thoát con người khỏi những sự dữ này. Trong mắt Đức Giê-su, chữa lành còn là một dấu chỉ của sự cứu độ về mặt tâm linh, nghĩa là sự giải thoát khỏi tội lỗi. Bằng cách thực hiện những hành động chữa lành bệnh tật, Người mời gọi người ta đến với đức tin, sự hoán cải và lòng ao ước được tha thứ (x. Lc 5:24). Một khi đã có đức tin, chữa lành là một sự khích lệ để tiến xa hơn: việc chữa lành dẫn đến sự cứu độ (x. Lc 18:42-43). Những hành động giải thoát khỏi sự chiếm hữu của ma quỷ – ác thần tối thượng và biểu tượng của tội lỗi và của sự phản nghịch Thiên Chúa – là những dấu chỉ rằng quả thật “vương quốc Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12:28).

15. Vương quốc Thiên Chúa nhắm đến việc biến đổi các mối quan hệ của loài người; vương quốc đó dần dần triển nở khi con người từ từ học biết được lòng thương yêu nhau, biết tha thứ cho nhau, và biết phục vụ nhau. Đức Giê-su tổng kết toàn bộ Lề Luật, chú trọng vào điều luật yêu thương (x. Mt 22:34-40; Lc 10:25-28). Trước khi từ giã các môn đệ của mình, Người đã ban cho họ một “điều răn mới”: “Hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13:34; x. 15:12). Tình yêu thương của Đức Giê-su dành cho thế gian được diễn tả ở mức tột đỉnh nơi món quà mạng sống của Người cho nhân loại (x. Ga 15:13), tình yêu đó thể hiện tình yêu của Đức Chúa Cha dành cho thế gian (x. Ga 3:16). Bản chất của vương quốc Thiên Chúa, do đó, là sự hiệp thông của tất cả nhân loại – với nhau và với Thiên Chúa.

Vương quốc Thiên Chúa là mối quan tâm của tất cả mọi người: mỗi cá nhân, xã hội, và thế giới. Hoạt động vì Nước Trời có nghĩa là thừa nhận và đề cao hoạt động của Thiên Chúa – hoạt động đó hiện diện trong lịch sử loài người và biến đổi lịch sử đó. Xây dựng Nước Trời có nghĩa là hoạt động nhằm giải thoát khỏi mọi hình thức của sự dữ. Tóm lại, vương quốc Thiên Chúa là biểu thị và là hiện thực vẹn toàn của chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Nơi Đức Ki-tô Phục Sinh Vương Quốc Thiên Chúa được viên mãn và công bố

16. Qua việc nâng Đức Giê-su lên từ cõi chết, Thiên Chúa đã chiến thắng sự chết, và nơi Đức Giê-su Thiên Chúa chắc chắn đã khai mở vương quốc của Người. Trong cuộc đời ở thế gian, Đức Giê-su là Tiên Tri của vương quốc Thiên Chúa; sau cuộc khổ nạn, phục sinh, và thăng thiên về trời Đức Giê-su chia sẻ quyền năng và sự thống trị của Thiên Chúa trên thế gian (x. Mt 28:18; Cv 2:36; Ep 1:18-21). Sự phục sinh đem lại một phạm vi phổ quát cho thông điệp, hành động, và toàn bộ sứ mạng của Đức Ki-tô. Các môn đệ nhận ra rằng Nước Trời đã sẵn hiện diện nơi con người của Đức Giê-su và được dần dần thiết lập nơi loài người và trong thế giới qua một mối liên kết nhiệm mầu với Đức Giê-su.

Quả vậy, sau cuộc phục sinh của Đức Giê-su, các môn đệ rao giảng Nước Trời bằng cách tuyên xưng một Đức Giê-su bị đóng đinh và phục sinh từ cõi chết. Ở miền Sa-ma-ri, ông Phi-líp-phê “loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa và về danh Đức Giê-su Ki-tô” (Cv 8:12). Ở thành Rô-ma, chúng ta thấy ông Phao-lô “rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Giê-su Ki-tô” (Cv 28:31). Các Ki-tô hữu tiên khởi cũng công bố “Nước của Đức Ki-tô và của Thiên Chúa” (Ep 5:5; x. Kh 11:15; 12:10), hay “Nước vĩnh cửu của Đức Giê-su là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta” (2 Pr 1:11). Sự rao giảng của Giáo Hội sơ khởi được xoay quanh việc công bố về Đức Giê-su Ki-tô, và qua Người mà xác định vương quốc Thiên Chúa. Ngày nay, tương tự như thời xưa đó, có một sự cần thiết phải kết hợp việc công bố vương quốc Thiên Chúa (nội dung của “kerygma” – việc rao giảng của chính Đức Giê-su) với việc công bố Đức Ki-tô (“kerygma” – việc rao giảng của các tông đồ). Hai điều công bố đó bổ sung cho nhau, dọi ánh sáng lên nhau.

Mối liên hệ giữa Vương Quốc Thiên Chúa với Đức Ki-tô và với Giáo Hội

17. Ngày nay vương quốc Thiên Chúa thường được nói đến, nhưng không phải lúc nào cũng được nói đến trong một cách hòa hợp với tư duy của Giáo Hội. Thực tế thì, có những tư tưởng về sự cứu độ và việc truyền giáo có thể được gọi là “anthropocentric” (nghĩa là xem con người là trung tâm của vũ trụ) trong ý nghĩa hẹp của chữ “anthropocentric”, xét về phương diện những tư tưởng này chú trọng vào nhu cầu trần tục của loài người. Trong quan điểm này, Nước Trời có khuynh hướng trở thành một điều gì đó hoàn toàn có tính phàm nhân và thế tục; là những chương trình và những tranh đấu cho một sự giải thoát mang tính kinh tế - xã hội, chính trị, và thậm chí văn hóa, nhưng chỉ giới hạn trong một chân trời khép kín trước sự siêu việt. Mặc dù không chối cãi là trong tầm mức này cũng có những giá trị đáng được đề cao, nhưng song le một ý niệm như vậy vẫn bị giới hạn trong phạm vi một vương quốc của loài người, thiếu các chiều kích đích thật và sâu sắc. Một quan điểm như vậy dễ dàng chuyển thành thêm một hệ tư tưởng về sự phát triển trần tục đơn thuần. Thế nhưng, vương quốc Thiên Chúa “không thuộc thế gian này … không phải từ thế gian này” (Ga 18:36).

Cũng có những khái niệm chủ tâm nhấn mạnh đến vương quốc Thiên Chúa và tự cho mình là “kingdom-centered – đặt trọng tâm vào Nước Trời”. Những khái niệm này nhấn mạnh hình ảnh một Giáo Hội không quan tâm đến chính mình, mà chỉ chú trọng hoàn toàn vào việc làm chứng nhân cho Nước Trời và phục vụ Nước Trời. Đó là một “Giáo Hội cho tha nhân” cũng giống y như Đức Giê-su là “người vì tha nhân”. Nhiệm vụ của Giáo Hội được mô tả như thể Giáo Hội phải tiến triển theo hai chiều hướng: một mặt thì đề cao những “giá trị của vương quốc Thiên Chúa” chẳng hạn như hòa bình, công lý, tự do, tình huynh đệ, vv, trong khi mặt khác thì vun xới việc đối thoại giữa các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo, để qua việc làm phong phú lẫn nhau, các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo đó có thể giúp thế giới được đổi mới và làm cho thế giới càng tiến tới gần vương quốc Thiên Chúa hơn nữa.

Cùng với các khía cạnh tích cực, những khái niệm này cũng thường lộ ra các khía cạnh tiêu cực. Trước hết, những khái niệm này không đề cập đến Đức Ki-tô: vương quốc mà những khái niệm này nói đến là “theocentrically based – đặt trọng tâm vào Thiên Chúa”, bởi vì, theo những khái niệm này thì, những ai không có niềm tin Ki-tô Giáo thì không thể hiểu được Đức Ki-tô, trong khi đó những dân tộc khác, những nền văn hóa khác hay những tôn giáo khác đều có khả năng tìm được một điểm tương đồng nơi một thực thể thánh thiêng, cho dù thực thể đó có được gọi bằng bất cứ cái tên gì đi chăng nữa. Cũng cùng lý do đó những khái niệm này nhấn mạnh thật nhiều về mầu nhiệm sáng thế – một mầu nhiệm được phản ánh qua sự đa dạng của các nền văn hóa và các niềm tin tôn giáo, nhưng những khái niệm này lại không đả động gì đến mầu nhiệm cứu độ. Hơn nữa, vương quốc Thiên Chúa, theo cách hiểu của những khái niệm này, thì hoặc là không có chỗ cho Giáo Hội hoặc đánh giá Giáo Hội không đúng mức khi phản ứng lại với điều bị xem là “ecclesiocentrism – chủ nghĩa đặt trọng tâm vào Giáo Hội” của thời quá khứ, và bởi vì những khái niệm này xem Giáo Hội chỉ là một dấu chỉ mà thôi, trong trường hợp này lại là một dấu chỉ không phải không có điều mơ hồ.

18. Đó không phải là vương quốc Thiên Chúa như chúng ta được biết theo sách Khải Huyền. Vương quốc Thiên Chúa không thể bị tách rời khỏi Đức Ki-tô mà cũng không thể bị tách rời khỏi Giáo Hội.

Như đã trình bày ở trên, Đức Ki-tô không những chỉ công bố vương quốc Thiên Chúa, mà nơi Người vương quốc Thiên Chúa trở nên hiện hữu và viên mãn. Điều này diễn ra không chỉ qua lời nói và hành động của Người: “Trên hết, … vương quốc Thiên Chúa được tỏ lộ nơi chính con người của Đức Ki-tô, Đấng là Con Thiên Chúa và là Con Loài Người, Đấng đã đến ‘để phục vụ và để hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người’ (Mc 10:45).”22 Vương quốc Thiên Chúa không phải là một khái niệm, một học thuyết, hay một chương trình có thể làm đối tượng cho sự tự do diễn giải, nhưng, trên hết mọi sự, đó là một con người với khuôn mặt và tên gọi Giê-su Na-da-rét, hình ảnh của một Thiên Chúa vô hình.23 Nếu vương quốc Thiên Chúa bị tách rời khỏi Đức Giê-su, vương quốc đó sẽ không còn là Nước Trời mà Đức Giê-su đã mặc khải. Kết quả của sự tách rời đó là một sự biến thể về ý nghĩa của Nước Trời – điều này dẫn đến nguy cơ vương quốc Thiên Chúa bị biến đổi thành một mục tiêu hay một ý thức hệ thuần túy phàm nhân, và một sự biến thể về căn tính của Đức Ki-tô, Đấng không còn là Đức Chúa mà muôn loài sẽ có ngày phải quy phục dưới chân Người (x. 1 Cr 15:27).

1 Công Đồng Đại Kết Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân), 5.

2 X. Công Đồng Vatican Đại Kết II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại Gaudium et Spes (Hiến Chế Niềm Vui và Hy Vọng), 22.

Tương tự, chúng ta không thể tách rời vương quốc Thiên Chúa khỏi Giáo Hội. Đúng là không phải Giáo Hội quan tâm đến mục đích của chính mình, bởi vì Giáo Hội được quy hướng về vương quốc Thiên Chúa – vương quốc mà Giáo Hội là hạt giống, là dấu chỉ, và là công cụ. Thế nhưng, trong khi vẫn biệt lập khỏi Đức Ki-tô và vương quốc Thiên Chúa, Giáo Hội lại được kết hợp không thể phân ly khỏi Đức Ki-tô lẫn Nước Trời. Đức Ki-tô đã ưu đãi Giáo Hội, thân mình của Người, bằng sự trọn vẹn viên mãn của những ơn ích và những công cụ cứu độ. Đức Chúa Thánh Thần ngự trong lòng Giáo Hội, linh động hóa Giáo Hội bằng những ân phúc và đặc sủng của Người, thánh hóa, hướng dẫn và liên tục đổi mới Giáo Hội.24 Kết quả của những điều đó là một mối quan hệ đặc biệt, duy nhất – mối quan hệ mà, trong khi không loại bỏ tác động của Đức Ki-tô và Đức Chúa Thánh Thần ở ngoài những biên giới hữu hình của Giáo Hội, trao cho Giáo Hội một vai trò cụ thể và cần thiết; do đó mà ra mối liên kết đặc biệt giữa Giáo Hội với vương quốc Thiên Chúa và với Đức Ki-tô – một mối liên kết mà Giáo Hội có “sứ mạng loan báo và khai mở cho tất cả muôn dân.”25

3 X. Công Đồng Đại Kết Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium (Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân), 4.

4 Đã dẫn, 5.

19. Chính trong quan điểm tổng thể này mà chúng ta có thể hiểu được hiện thực về vương quốc Thiên Chúa. Dĩ nhiên, vương quốc Thiên Chúa đòi hỏi việc đề cao các giá trị của loài người, cũng như những giá trị có thể được gọi một cách đúng đắn là “có tính phúc âm”, bởi vì những giá trị đó gắn liền mật thiết với “Tin Mừng”. Nhưng sự đề cao này, vốn dĩ là nhiệm vụ trọng tâm của Giáo Hội, không được tách rời khỏi hay đối chọi lại với những nhiệm vụ căn bản khác, chẳng hạn như việc tuyên xưng Đức Ki-tô và Tin Mừng của Người, và thiết lập và xây dựng các cộng đoàn làm sống động và hiện hữu hình ảnh linh động của vương quốc Thiên Chúa trong nhân loại. Chúng ta không cần phải lo sợ là làm như vậy thì sẽ bị rơi vào hình thức “đặt trọng tâm vào Giáo Hội”. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, người đã quả quyết sự hiện hữu của “một mối liên hệ sâu sắc giữa Đức Ki-tô, Giáo Hội và công cuộc phúc âm hóa,”26 cũng đã từng nói rằng Giáo Hội “không phải là quan tâm đến mục đích của chính mình, nhưng là quan tâm một cách nhiệt thành đến việc làm sao để hoàn toàn thuộc về Đức Ki-tô, ở trong Đức Ki-tô, và vì Đức Ki-tô, cũng như hoàn toàn thuộc về nhân loại, ở giữa nhân loại, và vì nhân loại.”27

5 Huấn Dụ Evangelii Nuntiandi (Công Cuộc Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Hiện Đại), 16: như trên, 15.

6 Diễn từ tại buổi khai mạc Phiên Họp Kỳ Thứ Ba của Công Đồng Đại Kết Vatican II, ngày 14 tháng Chín năm 1964: AAS 56 (1964), 810.

Giáo Hội trong vai trò phục vụ cho Vương Quốc Thiên Chúa

20. Giáo Hội phục vụ cho vương quốc Thiên Chúa một cách hữu hiệu và vững chắc. Điều này được thấy cụ thể nơi sự rao giảng của Giáo Hội – sự rao giảng đó là một lời kêu gọi hoán cải. Rao giảng là điều tạo thành phương cách đầu tiên và căn bản của Giáo Hội trong việc phục vụ cho sự trị đến của vương quốc Thiên Chúa nơi các cá nhân và trong xã hội loài người. Ơn cứu độ cánh chung bắt đầu ngay từ bây giờ nơi sự sống mới mẻ này trong Đức Ki-tô: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1:12).

Giáo Hội, do đó, phục vụ cho vương quốc Thiên Chúa bằng cách thiết lập các cộng đoàn và xây dựng các giáo hội mới, và bằng cách dẫn dắt các cộng đoàn và các giáo hội mới đến đức tin chín chắn, đến lòng quảng đại trong việc cởi mở đối với tha nhân, trong sự phục vụ cho các cá nhân và cho xã hội, và trong sự hiểu biết và tôn trọng các định chế của xã hội loài người.

Giáo Hội phục vụ cho vương quốc Thiên Chúa bằng cách loan truyền khắp thế giới về “các giá trị tin mừng” là những diễn tả về Nước Trời và giúp con người biết chấp nhận chương trình của Thiên Chúa. Đúng là hiện thực sơ khởi của vương quốc Thiên Chúa cũng có thể được tìm thấy bên ngoài khuôn khổ của Giáo Hội, giữa con người với nhau ở khắp mọi nơi, trong một mức độ mà họ sống “giá trị tin mừng” và cởi mở tâm hồn cho tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi hơi bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu mà Người muốn (x. Ga 3:8). Nhưng cũng phải lập tức nói thêm ngay rằng chiều kích tạm thời này của vương quốc Thiên Chúa vẫn còn chưa trọn vẹn trừ phi chiều kích đó được liên kết với vương quốc của Đức Ki-tô – vương quốc hiện hữu trong Giáo Hội và vươn đến sự viên mãn cánh chung.28

7 X. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Huấn Dụ Evangelii Nuntiandi (Công Cuộc Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Hiện Đại), 34: như trên, 28.

Những chiều kích khác nhau về vương quốc Thiên Chúa29 không làm suy yếu nền tảng và mục đích của hoạt động truyền giáo, mà trái lại còn củng cố và khuyếch trương hoạt động đó. Giáo Hội là bí tích cứu độ cho tất cả nhân loại, và hoạt động của Giáo Hội không giới hạn chỉ cho những ai chấp nhận thông điệp của Giáo Hội. Giáo Hội là một sức mạnh năng động trong cuộc hành trình của nhân loại tiến đến vương quốc vĩnh cửu, và là dấu chỉ, là người đề cao các giá trị tin mừng.30 Giáo Hội góp phần vào cuộc lữ hành của nhân loại quy phục về chương trình của Thiên Chúa qua gương chứng nhân và qua những hoạt động như đối thoại, đề cao nhân loại, quyết tâm xây dựng công lý và hòa bình, giáo dục và chăm sóc người đau yếu bịnh hoạn, và trợ giúp người nghèo và trẻ em. Tuy nhiên, khi thực hiện những hoạt động này, Giáo Hội không bao giờ quên mối ưu tiên của những hiện thực thiêng liêng siêu việt – cơ sở của sự cứu độ cánh chung.

8 X. Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Những Đề Tài Chọn Lọc về Giáo Hội nhân dịp Kỷ Niệm Hai Mươi Năm ngày Bế Mạc Công Đồng Vatican II (7 tháng Mười, 1985), 10: “Tính Chất Chung Cuộc của Giáo Hội: Nước Trời và Giáo Hội”.

9 X. Công Đồng Vatican Đại Kết II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại Gaudium et Spes (Hiến Chế Niềm Vui và Hy Vọng), 39.

Sau hết, Giáo Hội phục vụ vương quốc Thiên Chúa bằng lời chuyển cầu của mình, bởi vì Nước Trời, tận trong bản chất, chính là ân phúc và là công trình của Thiên Chúa, như chúng ta được nhắc nhở qua các dụ ngôn tin mừng và qua lời nguyện mà Đức Giê-su đã dạy chúng ta. Chúng ta phải cầu xin cho “nước Cha trị đến”, phải đón chào Nước Trời và phải làm cho Nước Trời triển nở trong lòng mình; nhưng chúng ta cũng phải chung vai chung sức với nhau để làm cho Nước Trời được đón chào và được triển nở trong tất cả muôn dân muôn nước, cho đến khi Đức Ki-tô “dâng trao vương quốc cho Thiên Chúa Cha” và “Thiên Chúa sẽ là mọi sự cho mọi loài” (x. 1 Cr 15:24, 28).

-- hết chương 2 --