Friday 31 March 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT Lên Tiếng


Nghe tin cha già Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm, Chánh xứ Thủ Thiêm đau nặng, kính phục người Linh Mục hết lòng với Giáo Hội, ra sức bảo vệ Giáo Hội và sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì Giáo Hội, chúng tôi sang thăm ngài như những lần có tin cấp bách về Thủ Thiêm. Sáng thứ ba 28.3.2017, hai cha trẻ của DCCT, Giuse Trương Hoàng Vũ và Phaolô Lê Xuân Lộc, trở về từ Thủ Thiêm, đã ghi lại được những hình ảnh vị Mục Tử khả kính nằm thoi thóp trên giường bệnh, mũi thở ống tiếp ôxy, tay chằng chịt các dây tiếp nước và các hỗ trợ y khoa khác. Hai cha cho biết tình hình nguy ngập, sức khỏe cha già suy kiệt. Từ lâu cha già quý mến hai cha Giuse Vũ và Phaolo Lộc, ngài gọi hai cha trẻ bằng tên gọi thân thương Cu Anh và Cu Em.
Sáng thứ tư 29.3, tôi vội vã thu xếp công việc để đến thăm cha già, chạnh nghĩ đây có lẽ là lần cuối thăm ngài, gặp ngài, xin Chúa chúc lành cho ngài rồi sẽ ngậm ngùi ra về thôi. Không ngờ vừa đến sân Nhà Thờ Thủ Thiêm, tôi đã nghe tiếng nói cười vui vẻ trong phòng tiếp khách của ngài. Tôi lấy làm lạ và không khỏi vui mừng bước vào, thấy cha già đang tươi cười cùng các vị khách quý đến thăm. Ngài đứng lên đưa tay ra bắt lấy tay tôi lắc lắc, và vẫn nụ cười hồn hậu không chút gì mệt mỏi, ngài bảo tôi ngồi rồi mời nước. Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, người khách quý luôn có mặt trong các giờ khắc nặng nề nhất của cha già, của nhiều cha trọng tuổi khác, cũng đang ngồi ngay cạnh cha già.
Cha cho biết, như một phép lạ, bác sĩ đã lắc đầu, quyết định chấm dứt mọi biện pháp cấp cứu, và cho ngài về từ ngày thứ bảy 25.3. Đến hôm qua, thứ ba 28.3, khi Cu Anh và Cu Em đến thì cha còn rất mệt. Thế mà sáng nay 29.3, cha đã tỉnh lại như chưa bao giờ có cơn đau đớn nào, ngài cưới nói: “Chúa cho khỏe đế tiếp Đức Cha và các cha nè".
Cha già GB. Lê Đăng Niêm, người kiên trì ở lại giữ ngôi đền thờ ( Nhà Thờ Thủ Thiêm ) mong manh nhỏ bé của Giáo Hội giữa những công trình đồ sộ hùng tráng đang mọc lên chung quanh, ngôi Nhà Thờ “xấu số” không được phép tồn tại vì từ gần 100 năm nay đã tọa lạc ở bờ sông yêu kiều bên kia một thành phố rực sáng.
Khi khu bán đảo hoang vu còn sơ khai, ngôi Nhà Thờ đã hiện diện cùng với những cư dân cặm cụi khai phá, nhiều thế hệ đã sinh ra, bước vào Nhà Thờ, sống trọn cuộc đời với bao niềm vui nỗi buồn, cho đến khi thân xác được đưa vào Nhà Thờ lần cuối, rồi ở lại trong lòng đất ấm áp tình quê. Nay thì hòn đảo lọt vào con mắt lơ láo hừng hực của bạc tiền thì người ta định không cho nhà thờ tồn tại thêm nữa, phải chấm dứt mạch sống nhân sinh, phải quét sạch quá khứ mà xây ảo vọng cho tương lai, một tương lai không có quá khứ, không có hồn đất, không có hồn người.
Cha già kiên cường quyết giữ đền thờ của Thiên Chúa, đền thờ của lòng người. Không phải bám giữ một ngôi đền đồ sộ như Giêrusalem, không phải tự hào như ngôi đền trên núi Garizim, nhưng là ngôi đền thờ Chúa trong Chân Lý và Sự Thật, trong Công Bằng và nhân phẩm ( Tin Mừng Ga 4, 5 – 42 về câu chuyện Chúa Giêsu bên bờ giếng Giacóp ).
Cha già biếu khách một món quà quý, tạp chí “Người Đô Thị” số 58 ra vào tháng 3.2017 ) của “Viện Nghiên cứu và phát triển hạ tầng” thuộc Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam. Ngay bìa của tạp chí, nổi bật là hình ảnh ngôi Nhà Nguyện của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, công trình đang đứng trước nguy cơ bị giải tỏa của nhà cầm quyền Quận 2 cho việc dành đất xây dựng khu bán đảo Thủ Thiêm thành một thành phố mới.
Một số các Giáo Sĩ và Giáo Dân đồng tình với cha già cương quyết lên tiếng với nhà cầm quyền và sát cánh cùng cha già để bảo vệ di sản văn hóa nghệ thuật Công Giáo và của cư dân Sàigòn đã từng vang bóng một thời là Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhiều cuộc đối diện căng thẳng đã xảy ra giữa các nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và các cơ quan chức năng của nhà cầm quyền, mọi chuyện được dàn xếp tạm thời nhưng vẫn không hủy bỏ quyết định giải tỏa. Ngôi Nhà Thờ trên trăm tuổi cùng với Tu Viện cũng không nằm ngoài kế hoạch này.
Năm 2016, ngôi chùa có tên là Liên Trì do Hòa Thượng Thích Không Tánh chủ trì gần ngay bên Nhà Thờ Thủ Thiêm đã bị cưỡng chế giải tỏa. Hòa Thượng và các cư sĩ bị dẫn đi, quản chế trong khoa Nhi của Bệnh Viện quận 2, trong khi đó ở Thủ Thiêm, các xe cơ giới nhanh chóng biến ngôi chùa thành bình địa tan hoang, chấm dứt sự hiện diện một công trình tâm linh của cư dân Phật Giáo Thủ Thiêm.
Bên trong tạp chí "Người Đô Thị", hai bài lần lượt mang tên “Giải tỏa các công trình tôn giáo lâu đời là không thỏa đáng” của Ts. Nguyễn Thị Hậu ( trang 19 ) và “Đề nghị giữ lại các công trình tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm” của Ts. Nguyễn Quốc Tuấn ( trang 21 ) , bên cạnh đó còn trích dẫn “TP. HCM. Nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân và chuyên gia” của Gs. Ts. Nguyễn Minh Thuyết và “Đánh giá thận trọng một lần nữa theo luật di sản văn hóa" của Ls. Nguyễn Kiếu Hưng.
Ngoài ra, còn nhiều bài nói về công trình văn hóa tôn giáo trong đô thị. Đặc biệt bài đầu tiên ( trang 5 ) “Quyền khởi kiện dân sự cần được tôn trọng” của Duy Thông bàn thẳng vào sự kiện các Linh Mục và Giáo Dân Giáo Phận Vinh khởi kiện Formosa, Công ty gây ô nhiễm nặng nề biển Miền Trung, với lời kết: “Một khi nguyện vọng của người dân về một phiên xét xử công bằng được đáp ứng, thì quyền khởi kiện dân sự được ghi nhận đầy đủ và công lý được thực thi. Lúc đó, tuyên bố mới nhất của Bộ Tài Nguyện và Mội Trường ‘Biển đã an toàn’ mới thực sự là an toàn”.
Là một tạp chí khoa học do một cơ quan Nhà Nước, trực thuộc một Tổng Hội của nhà nước cầm quyền, nhưng các nhà khoa học đã mạnh dạn lên tiếng về một di sản văn hóa tôn giáo, một sự thật. Tại sao những cư dân của Sàigòn, những người có trách nhiệm, quyền lợi liên quan trong Đạo, những người có bổn phận gìn giữ tài sản thiêng liêng của tín ngưỡng tôn giáo lại im lặng, vô cảm đến phũ phàng, biến cha già GB. Lê Đăng Niêm và các chị nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành những con người cô đơn ngay trong chính “gia đình” mình ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 30.3.2017


Tuesday 28 March 2017

Gs Geza Vermes: Diện mạo Đức Giêsu: Đức Giêsu thực vào rạng sáng Thiên niên kỷ thứ 3 (bài 68)



Chương 8
Đức Giêsu thực
vào rạng sáng Thiên niên kỷ thứ 3
(Bài 68)

Đến cuối thế kỷ thứ nhất, Đạo Chúa đã để mất đi tầm nhìn về “Đức Giêsu-thực”, và đã luột khỏi tầm tay ý-nghĩa ban đầu ở thông-điệp Ngài biểu-lộ. Ông Phaolô, ông Gioan và cộng-đoàn Hội-thánh của các ông, đã thay thế “Đức Giêsu-thực” bằng Đấng Bậc hiện-diện ở thế-trần, là “Đức Kitô-niềm-tin”.

Và cứ thế, Đức Giêsu lại đặt nặng nỗ-lực vào cá-nhân riêng lẻ vốn tin-tưởng vào Thiên-Chúa bằng việc cậy trông công-trình cứu-rỗi của Đấng Cứu-Độ thần-thiêng, vĩnh-cửu.          

Việc đổi-thay như thế, là do có biến-chuyển về tầm nhìn văn-hoá ở thời-kỳ đó. Chỉ ít thập-niên sau ngày Ngài quá vãng, thông-điệp của “Đức Giêsu-thực” đã được chuyển-tải từ bối-cảnh ngôn-ngữ tiếng Aram cũng như môi-trường địa-lý xứ Galilê và chuyển-đổi đạo-giáo từ Do-thái-giáo có cơ-cấu vững-vàng sang địa-hạt khác lạ, khá bấp bênh.

Nói cách khác, “Phong-trào Đức Giêsu” đã di-chuyển từ Do-thái-giáo sinh-hoạt tại nhà sang thế-giới của người ngoại-giáo nói tiếng Hy-Lạp sống ở Địa Trung Hải có quá-trình văn-hoá cổ-kính xảy ra ở thời-điểm vừa mới chớm.

Mục tiêu, tư-tưởng và lối sống của Đạo Chúa Kitô không còn thời-giờ hợp lý hầu kết-tinh phát-triển, được nữa. Tựa hồ đất sét là thứ chất-liệu mềm-mại một khi đem trộn lẫn với nước, ta có thể nặn/uốn nó một cách dễ-dàng, như người thợ gốm vẫn làm để tạo bình/chậu hoặc chai/lọ đều được hết. Kết-cục là, Giáo-hội mới chớm bao gồm hầu hết là các người ngoại mới theo Đạo nay mau chóng để mất đi ý-thức trở-thành người Do-thái-giáo đích-thực. Quả thật, những người như thế, nay tuần-tự trở-thành kẻ chống lại chính những người của mình thuộc Do-thái-giáo.

Tiếp theo đó, lại có sự-kiện chuyển-đổi tận nền-tảng, tạo ảnh-hưởng ngược trên việc mời gọi tham-gia từ thông-điệp của Đạo Chúa Kitô gửi người Palestin và cộng-đồng Do-thái-giáo sống ở hải-ngoại. Đức Giêsu, là Đấng Bậc đạo-hạnh vào bậc nhất lại có khả-năng lôi-cuốn rất khó cưỡng-chống, rày đã biến-đổi để Ngài lại trở-thành Đấng Kitô, tức: đối-tượng siêu-việt ở Đạo Chúa.

Là Ngôn-sứ nhiệt-tình đến từ thôn làng Nadarét cách xa vời vợi, Ngài chuyên-chăm loan-báo việc “Vương Quốc Nước Trời đã đến gần” vẫn không có nghĩa như một tuyển-mộ mới nói chung ở các miền, như: Alexandria, Antiôkia, Êphêsô, Corinthô hoặc Rôma nữa.

Thay vào đó, có tầm nhìn nhắm thẳng vào Đấng cứu-độ toàn-bộ vũ-trụ, nay đã nhắm đích cả vào Ngôi Lời Vĩnh-cửu của Thiên Chúa Đấng nhập-thể để thành Đức Chúa. Và như thế, kể từ thế-kỷ thứ hai trở đi, hội thánh Đức Kitô đã lớn mạnh nhiều, nên đã nhận chỉ-thị từ các đấng bậc tầm-cỡ được huấn-luyện bằng triết-học Hy-Lạp, như giáo-phụ Irênê của Lyon, Clêmentê, Origen và Atanasius của Alexandria, đã thay bằng triết-thuyết hiện-sinh về “Đức Giêsu-thực”. Làm như thế, thì các vị mới cổ-võ được việc sám-hối trong tư-thế sẵn-sàng phó thác cho Thiên-Chúa, qua chương-trình đào sâu lời giảng-giải siêu-hình-học về sự-kiện Đức Kitô mặc xác phàm loài người và về bản-chất cũng như mối tương-quan giữa Người Con của Thiên-Chúa vĩnh-cửu có kết-hợp chặt-chẽ với các Ngôi-vị trong Ba Ngôi Đức Chúa.

Các vị đây, lại tra tay tìm các bản-văn Kinh thánh kể cả Cựu-Ước xem có đoạn nào/câu nào phù-hợp rồi diễn-giải bằng dụ-ngôn/truyện kể để rồi xác-nhận chúng bằng những kết-luận có nền-tảng triết-học. Tiến-trình này, giúp các bậc thức-giả Hy-Lạp hiểu rõ mọi sự việc. Bởi, cả Tân Ước lẫn Cựu-ước, đều được viết bằng tiếng Hy-Lạp cho dễ hiểu và dễ khuynh-loát, chỉnh sửa. Và các vị này đều có tự-do làm như thế vì cho đến lúc đó, tiếng nói của các người Do-thái-giáo trong Đạo Chúa Kitô không còn được ai để ý đến.

Đành rằng, ở đây, tôi không mơ ước chối-bỏ tính hợp-pháp, trên lý-thuyết, của tín-hữu thời tiên-khởi nơi việc giảng rao cho thế-giới ngoài Đạo. Giả như Đạo Chúa Kitô không bén rễ tại các quận/huyện thuộc đế-quốc La Mã, thì Đạo của ta chỉ là một giáo-phái chẳng hơn gì nhóm Do-thái-giáo bình-thường tồn-tại vào cuối thời cổ sử.

Có thể, nhiều vị lại cứ biện-luận cho rằng: giả như “Đức Giêsu-lịch-sử” không tiếp-cận được nhóm người ngoài Đạo, thì sứ-điệp của Ngài cũng chỉ bao gồm các yếu-tố phổ-cập ở bên trong Đạo mà thôi. Thành thử, khi giáo-hội tiên-khởi quyết rằng: những ai không phải là người Do-thái-giáo có thể vẫn được đặt vào cùng một khối, mà không buộc phải ôm vào mình lối sống của người Do-thái-giáo. Đó, là điều hợp-lẽ để ta dự-tính “diễn-giải” cách rộng rãi thông-điệp của người Đạo Chúa, vì lợi ích của người ngoài Đạo. Vấn-đề này, lại được “dán nhãn” bằng cụm-từ “Nhập nội văn-hoá”, tức: đề-tài tranh-cãi từng diễn ra ở châu Âu, bấy lâu nay.

Nét màu đa-dạng, là yếu-tố thiết-yếu cho bất cứ tiến-triển nào về văn-hoá. Nhưng, nó chỉ có hiệu-lực và chấp-nhận được, nếu không đưa đến tình-trạng méo-mó nhưng có thật. Giả như ta đặt tiến-trình giảng-dạy của Đức Giêsu ở trong tay các vị đại-diện cho nền văn-hoá gốc Do-thái-giáo, cộng với sự tiếp tay từ các yếu-tố vay/mượn có từ văn-hoá ngoại-lai (như nền văn-minh Hy-Lạp cổ-đại chẳng hạn), thì kết-quả hẳn sẽ dễ chấp-nhận hơn, với người Hy-Lạp.

Từ đó, Do-thái-giáo lại đã trao-đổi văn-hoá vốn phát-xuất từ thời Kinh Sách giao-dịch với thời-đại tiếp theo sau. Thành ra, các tác-giả Cựu-ước đã thành-công trong việc sử-dụng ảnh-hình về vũ-trụ đa-thần của người Babylon tạo thành bức tranh nhiều sắc màu trong đó có câu truyện tạo-dựng ở Sách Sáng Thế, mà không gây ảnh-hưởng gì lên thuyết độc-thần của Do-thái-giáo.             

Hệt như thế, các thày tư-tế lại khôn khéo dẫn-giải theo cách vin vào ý-niệm Lưỡng-tính của Platô, coi đó như sự trộn lẫn nam-nhân với nữ-giới quyện vào với nhau, khi giải-thích lời quả-quyết những bảo rằng: thọ-tạo đầu được Chúa tạo-dựng, “có nam và có nữ” mà không biến-đổi Do-thái-giáo đem vào toàn-bộ chủ-thuyết Platô, như sách Sáng Thế đoạn 1 câu 27, từng ghi chép:

“Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ.”   

Tuy nhiên, ở trường-hợp Đạo Chúa Kitô, từ cuối thế-kỷ thứ nhất trở về sau, tiến-trình “Nhập nội văn-hoá” do người ngoài Đạo chủ-trương, lại được Do-thái-giáo của Đức Giêsu tháp-nhập cách phơn-phớt bề ngoài, mà thôi. Hệt như ta hằng trông đợi, chỉ trong một thời-gian ngắn-ngủi, không ai theo Do-thái-giáo lại có khả-năng chấp-nhận mặc lấy cho mình di-sản của học-thuyết mới về “Nhập nội văn-hoá” của Đức Giêsu, hết. Theo thiển ý, ngay chính Ngài cũng không coi đó như sự việc Ngài thiết-lập.

Đạo Chúa Kitô cố tìm-hiểu và diễn-giải bằng các bài viết còn nhiều thiếu sót ở Cựu-ước. Phân nửa Giáo-hội phương Đông nói tiếng Hy-Lạp, đồng ý cắt bỏ đoạn văn do Đức Giêsu đọc, nhưng Giáo-hội phương Tây là nơi có giới-chức từng dịch các đoạn viết từ tiếng Hy-Lạp sang tiếng La-tinh, lại đã cắt khỏi Tin Mừng và Kinh Sách Do-thái-giáo, cũng từ lâu.

Ngay vào lúc tên tuổi ông rực sáng, thánh Augustinô (354-430), một đấng bậc không rành tiếng Hy-Lạp và Hip-ri Do-thái, nói gì đến tiếng Aram cổ, cũng cần nhiều thông-tin hơn về bản-văn Do-thái-giáo khá mù-mờ, ở Cựu-ước. Thế nên, ông mới tìm đến giáo-phụ Giêrônimô sống tại Hippo, thủ-phủ Bắc Phi thuộc La Mã (bây giờ là Algêria) để nhờ giúp. Giáo-phụ Giêrônimô là chuyên-gia duy-nhất hiểu được tiếng Hip-ri, lúc ấy đang sống ở Bétlêhem phía miền cùng/tận của thế-giới Địa Trung Hải.

Bằng việc tách-bạch ngôn-ngữ và văn-hoá Đạo Chúa ra khỏi thế-giới của Đức Giêsu, ta cũng nên thêm một yếu-tố khác lại cũng mù-mờ là việc chống Do-thái-giáo đang gia-tăng trong Giáo-hội.

Nay, mời bạn hãy cùng tôi tạo chút minh-hoạ để hiểu rõ ngọn ngành hơn. Số là, cũng cùng một thức-giả ấy, ông Giêrônimô nhà chú-giải Do-thái-giáo của Đạo Chúa, đã mô-tả tín-đồ Do-thái-giáo cứ ê a kinh/kệ ở hội-đường tựa hồ tiếng heo kêu ủn-ỉn và/hoặc tiếng be-be của mấy chú lừa con, mà tiếng La-tinh xưa gọi là “grunnitus suis et clamor asinorum”.

Cũng cùng giòng máu giống thánh Gioan Kim-Khẩu, các đấng bậc cùng thời với Augustinô lại so-sánh hội-đường của người Do-thái-giáo kẻ giết chết Đức Kitô, tựa như nhà chứa, hang thú hoặc thành-trì của quỉ sứ, như vách đá hoặc vực sâu chốn đoạ-đày…từ đó, họ hành-xử không hơn gì đám dê/lợn háu đói, dâm dật.”

Ông Gioan Kim Khẩu, vị giám mục thành Constantinople có miệng lưỡi bằng vàng, lại đã thực-hiện trước cuộc nổ-bùng chống Do-thái-giáo từ người Đạo Chúa thời sau này, như: Luther, nhà cải-cách chống Do-thái rất mực và theo cách nào đó, lại cũng hình-dung trước lối hùng-biện chống Đức Quốc Xã vào thế kỷ thứ 20, tựa hồ biếm-hoạ gớm-ghiếp, bỉ ổi trên tuần báo bằng tiếng Đức của họ là tờ Der Stũrmer.

Dù các vị cao-niên thuộc giới khắc-kỷ chuyên kình-chống Do-thái-giáo vẫn tiếp tục đi vào tranh-cãi không suy-giảm ở thế-giới Đạo Chúa, mãi cho đến Thế chiến thứ hai mới có đổi thay tầm-cỡ lớn-lao kéo dài từ thế kỷ thứ 16, thôi. Các nỗ-lực cải-tân của nhóm Thệ-Phản, quyết đem Giáo-hội về lại với cội rễ thời thanh-sạch ban-sơ hồi thế kỷ đầu đời, làm sống lại Kinh Sách với tuyên-bố, rằng: Tân-Ước tiếng Hy-lạp và Cựu-ước tiếng Hip-ri hoặc Aram-cổ, là kho-tàng tối-thượng chứa-đựng lời của Chúa. Điều này, dẫn các học-giả Kinh thánh Thệ-Phản và người đọc Sách thánh rất tin-tưởng, cách nào đó, về gần với Kinh Sách hơn và, nói gián-tiếp, sẽ gần gũi Đức Giêsu hơn.

Việc canh-cải đầu-tiên này, đã tạo ra từ những người chủ-trương đi theo con đường ấy, một lay-động sâu sắc trong lối suy-tư của Đạo Chúa, đưa Sách thánh vào trọng tâm của niềm tin và nguồn-hứng trong đạo, còn cao hơn cả truyền-thống Giáo-hội. Vốn có nguồn hứng rút từ lý-tưởng của thời Phục Hưng, một số sinh-viên Tân-ước thuộc giáo-phái Thệ-Phản từ thế-kỷ thứ 7 trở về sau, lại đã hướng mọi chú ý về với văn-chương Do-thái-giáo ngoài Kinh thánh. Các sinh-viên này, đã sử-dụng Talmud và các bài viết cùng bản-chất, quyết tìm thông-tin/chi-tiết bổ-sung cho nghiên-cứu của họ, về Tin Mừng.

Chính vì thế, mà tác-giả John Linfoot (1603-75), một học-giả kinh-điển khá trổi-bật của Đại-học Cambridge chủ-trương trong cuốn sách ông viết có tựa đề là “Horae Hebraicae et Talmudicae” (tức: “Những giây phút về Talmud và Do-thái-học), là tài-liệu nghiên-cứu về văn-chương tư-tế, rất hữu-ích. Tuy thế, trong khi ông tuyến-bố các bài viết này là cho các tôi-tớ phục-vụ hữu-ích cho người Đạo Chúa để giúp họ cố sủng-mộ/học-hỏi, tác-giả đây từng bảo với những người như thế: hãy làm giàu và tự tạo nên nọc độc cho những người Do-thái-giáo như thế.

Sự chung-chạ lạ kỳ nơi thái-độ bài Do-thái-giáo và tính-chất chuyên-nghiệp trong nghiên-cứu/học hỏi về người Do-thái-giáo trong vòng cung của người tín-hữu Đạo Chúa tiếp-tục diễn-tiến cho đến giữa thế kỷ thứ 20. Tác-giả Gerhard Kittel, biên-tập-viên cuốn “Từ-điển Thần-học về Tân-ước”, lại là người đóng góp đều-đặn cho ấn-bản chính-thức của phe Đức Quốc Xã về các vấn-đề có liên-quan đến người Do-thái-giáo.

Quả thật, nội việc thực-hiện Lò Thiêu Sống người Do-thái đáng nguyền-rủa đã tạo hàng chữ “Học sâu hiểu rộng” đã vượt lằn ranh xanh-mướt, rất khiếp-đảm. Mãi cho đến lúc đó, sự việc diễn-giải tường-tận vấn-đề về Đức Giêsu và Tân-ước, bắt đầu từ thế-kỷ thứ 18, đã tiến-triển rất đáng kể. Và việc khám-phá ra con số các tài-liệu về Do-thái-giáo thời cổ xưa bị bỏ quên hoặc chưa hề biết, đã gia-tăng không ngớt lên đến mức tột-đỉnh ở Cảo Bản Biển Chết, cũng đã làm cho giàu-có thêm địa-hạt nghiên-cứu đối-chiếu. Từ đó mở ra một kỷ-nguyên tìm kiếm ý-nghĩa nguyên-thuỷ của Đạo Chúa.

Và từ thập niên 70 trở đi, sau 50 năm bị tắc-nghẽn, sách vở viết nhiều về Đức Giêsu-lịch-sử đã bắt đầu triển-nở từ mọi ngõ-ngách của thế-giới có học ở trong Đạo cũng như ngoài Đạo. Đến khi ấy, Đạo Chúa theo tính-chất Công-giáo, cũng đã khẳng-định niềm tin của mình vào tầm quan-trọng nền tảng của ngành học-hỏi Thánh Kinh và am-tường ý-nghĩa của triển-vọng Do-thái-giáo trong việc điều-tra tìm-hiểu đời sống và hành-trình rao-giảng của Đức Giêsu. Và, các ngành này đã đảm-nhiệm phần đáng kể trong nỗ-lực học-hỏi chung với đội tiên-phong gồm các thức-giả nổi-bật về Tân-Ước của người Do-thái-giáo. Trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, các nhà viện-sĩ đã tay trong tay cùng với người Do-thái-giáo và người Đạo Chúa bình-thường ngày càng vào cuộc đối-thoại thân-thiện đầy hoa trái.

Viễn-ảnh này, đã thật sự thay đổi theo một cung-cách nào đó khó nhận ra kể từ năm 1945. Tính-chất Do-thái-giáo của Đức Giêsu nay đã rõ, trong khi đó vào năm 1973, tôi có viết cuốn Đức Giêsu người Do-thái-giáo nay vẫn có khả-năng truyền đi làn sóng chấn-động ngang qua nhiều địa-hạt ở thế-giới của truyền-thống Đạo Chúa Kitô. Tính-chất hợp lý/hợp luật của “Phương-án Do-thái-giáo” đi vào nghiên-cứu Đức Giêsu-lịch-sử đã được toàn-thể vũ trụ chấp-nhận, ngay cả các học-giả Tân-Ước nào chỉ diễn-tả/phục-vụ bằng môi miệng mà thôi.

Đường nét mơ-hồ của Đức Giêsu-thực, nhóm Hasid đầy lôi cuốn mà tôi từng tìm cách làm trổi bật trong sách này đã thấy gia tăng không chỉ trong giới thức-giả hoặc giữa những người Đạo Chúa mà thôi. Thế nên, tiến vào năm 2000, cảnh quang xem ra được thiết-lập cho chặng đường tìm-kiếm mới để hiểu được Đức Giêsu-thuần-tuý, đích-thực. Và làm sao biết được rằng: cũng có thể lối hiểu biết tươi mát này sẽ tự nó diễn bày một hướng chú-tâm mới và cải-tân tinh-thần đạo lấy hứng từ Đức Giêsu-thực giữa các kẻ thừa-tự nền văn-minh Do-thái-giáo và Đạo Chúa Kitô và xa hơn nữa ở thiên-niên-kỷ thứ ba này.

                                                                                                (còn tiếp)

Gs Geza Vermes biên-soạn,
Mai Tá lược-dịch.                                                                       
                


      
                      


           


Lm Vĩnh Sang CSsR: MỘT NỖI BĂN KHOĂN


Tôi vừa nhận được tin báo và mời tham dự sinh nhật của một trang thông tin điện tử của truyền thông Công Giáo. Trang thông tin này được nhiều người xem và bày tỏ sự ủng hộ qua các con số thống kê của trang cung cấp. Tạ ơn Chúa và cám ơn các Linh Mục, các Cộng Tác Viên đã nỗ lực rao truyền Lời Chúa qua một phương tiện truyền thông có hiệu quả phổ biến nhất hiện nay.
Ngay từ năm 1990, trong bức thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chỉ ra rằng: Thế giới truyền thông là một thế giới mới, một nền văn hóa mới, có sức gây ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, biến trái đất này thành một ngôi làng, đống thời ngài cũng khuyến dụ: Không phải chỉ lập thêm những kênh truyền thông mới, nhưng làm sao cho các giá trị Tin Mừng thấm đượm vào các kênh truyền thông đang hiện hữu (Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc, Missio Redemptio, chương 4).
Nhìn vào ngôi làng truyền thông Công Giáo ở Việt Nam, kể từ ngày Internet ồ ạt tràn vào, sức lan tỏa và sinh sôi nảy nở các kênh truyền thông thật đáng nể, rất nhiều hiệu quả tích cực đã phát sinh từ kênh truyền thông điện tử này, nhiều người nghèo, người cô thân cô thế, người gặp cơn khốn khó… hưởng nhờ hiệu quả mọi mặt tinh thần cũng như vật chất nhờ các kênh truyền thông Công Giáo.
Các kênh này cũng đóng góp hiệu quả vào việc “nâng cao dân trí” một cách đáng phục, cung cấp các món ăn tinh thần cho những ai khao khát hiểu biết, đánh thức những cơn ngủ lâu dài của những người xưa nay không có điều kiện tiếp xúc với thông tin, mở rộng vùng thảo luận trao đổi trong cộng đồng và giúp thăng tiến, thay đổi suy nghĩ của nhiều thành phần Dân Thiên Chúa cũng như nhiều người khác tìm đọc.
Tuy nhiên chúng ta không khó khăn để nhận ra rằng, có những thông tin được đánh giá là “an toàn”, là "đi đúng lề" thì được đăng tải tràn trề trên nhiều mạng, mở bất cứ trang nào cũng có, nhưng những tin thật, tin chính xác và tin cần được truyền thông, thì gần như không tìm thấy trên các trang mạng vừa nói. Những tin ấy đã không được truyền đi vì lý do chúng “không an toàn” cho trang mạng và thường được gọi với một từ dị nghĩa “nhạy cảm” !
Như thế xét về một phương diện nào đó đã có sự không công bằng giữa các thông tin và chưa hoàn tất nhiệm vụ thông truyền, không sòng phẳng với đối tượng của truyền thông. Các Ngôn Sứ xưa không làm nhiệm vụ dựa trên tiêu chuẩn an toàn bản thân, tránh nhạy cảm. Truyền thông Công Giáo đảm đương sứ mạng Ngôn Sứ của ngày hôm nay chắc sẽ không lấy chính mình làm tiêu chuẩn sứ vụ.
Có những thông tin vì để “an toàn” nên đã không “truyền” hết, vì thế không đạt được vai trò “thông”, nhưng truyền nửa vời, truyền không hết có thể sẽ là sai, nếu là sai thì đã phản bội vai trò của mình rối. Một thí dụ cụ thể: không tìm được một bản dịch nào của bức Thông Điệp Laudato Si dịch chính xác số 104 của Đức Thánh Cha Phanxicô, không thể nói đó là một đoạn văn khó, một người biết chút it tiếng Anh cũng không dịch như các bản dịch hiện đang lưu hành.
Đi một vòng quanh các nhà sách của bất cứ thành phố nào trên đất nước này, vào quầy sách Tôn Giáo, sách nhà Phật tràn lan, mỏi mắt không tìm được một cuốn nào của Kitô Giáo chứ đừng nói đến Công Giáo. Chúng ta có thể lý luận sách Công Giáo đầy trong các nhà sách Công Giáo, tòa giảng đã thay nhà sách bội phần rồi.
Thế nhưng thử hỏi có được mấy người không Công Giáo tìm đến các nhà sách Công Giáo ? Mấy người không Công Giáo lại tìm đến Nhà Thờ để nghe các bài giảng ? Và lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Huấn Niềm vui Tin Mừng kêu gọi chúng ta ra vùng ngoại biên là lời gì đây ?
Phải nhận ra rằng có một mảng truyền thông đó là sách, chúng ta đã không chú ý đủ.
Suy nghĩ và nhận định như thế rồi, chúng ta tạ ơn Chúa, lại cám ơn nhau đã cộng tác với ơn Chúa trong nhiều nỗ lực loan truyền Tin Mừng, và không quên hiểu biết và cảm thông với những giới hạn của thân phận, từ đó giúp nhau cùng bước tới trong niềm tin tưởng phó thác tất cả cho Chúa.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 24.3.2017