Sunday 30 April 2017

Lm Edward Schillebeeckx: Thần-học-gia toại-nguyện, người đó chính là tôi (Bài 3) Từ Kortenberg đến Nijmegen



*

 
Tôi là người con thứ sáu trong gia-đình gồm 14 anh chị em: 9 trai và 5 gái. Chúng tôi chẳng bao giờ có dịp được sống bên nhau, đủ bằng ấy người. Bởi, khi cô em út của tôi vừa chào đời, thì người anh cả đã trở-thành thày Dòng Tên, sống ở Ấn Độ.  Đến giờ này, anh vẫn còn tồn-tại sau bao năm bươn-chải ở đây đó. Có thời, anh làm tới Cha Giáo Tập nhiều năm và có năm lên làm Bề Trên Giám Tỉnh toàn Dòng.

Ở tuổi 87, anh vẫn sinh-hoạt phục-vụ người nghèo không thua gì đám người trẻ. Anh còn là cha giáo dạy đạo-lý/tín-điều nữa. Và, chuyện anh về quê thăm nhà những hai lần, gặp Ba mẹ, cũng là chuyện hi-hữu/hiếm có đối với một thày Dòng năng-nổ như anh. Bởi, một khi rời khỏi gia đình để đi Ấn-Độ làm mục-vụ, thật khó mà trở về nhà dù có để làm gì đi nữa, cũng thế. Anh về, là để mừng lễ ngọc hôn-phối của Ba mẹ, mà thôi.

Muốn được thế, anh phải viết thư lên xin Bề Trên Tổng Quyền, lúc ấy là Lm. Fleming Jansen, một đàn anh luôn thuyết-phục anh đi Kortenberg dự các lễ này khác, thay mặt cho nhà Dòng. Tuy vậy, khi ấy vào độ tháng Hai, tức đang là mùa “linh-thao” theo kiểu thánh Y-nhã đấng sáng lập Dòng, dài cả tháng. Thế nên, Bề Trên bèn bảo: anh không thể về Bỉ vào tháng Hai, nhưng một tháng sau đó thì được. Và cứ thế, các người anh khác của tôi đang sống tại Mỹ cũng đã kịp về nhà để cùng toàn gia mừng lễ hội. Thành thử, tôi chẳng có được tấm hình nào chụp chung cả nhà, hết. Và dĩ nhiên, ông thày Dòng Tên của chúng tôi không có mặt trong hình, là vì thế.

Tôi sinh hạ vào ngày 12 tháng Mười Một năm 1914. Lúc ấy, tôi có cái may là sinh-trưởng tại thành Antwerp, nước Bỉ. Trong khi đó, Ba mẹ tôi lại sống ở Ortenberg, một thủ-phủ nằm giữa BrusselsLouvain, nhưng hai vị đã phải đi Hoà Lan kịp vào lúc người Đức xâm-nhập toàn-bộ đất nước chúng tôi, tức: ngay vào lúc các ngài đang từ Antwerp trên đường về Kortenberg như dự định.

Thời ấu thơ của tôi thật thoải-mái, đầy phúc-hạnh, bởi Kotenberg là cộng-đoàn luôn khắng-khít bên nhau. Toàn vùng, vì chỉ là đô-thị nhỏ nên người sống ở đó đều liên-lạc quen biết nhau cùng khắp. Bọn tôi đếm được cả trăm đứa, cả con trai lẫn con gái. Nguyên-tắc giáo-dục của Ba mẹ tôi, là: nhất-quyết để bọn trẻ chúng tôi sống chung và giáo-dục lẫn nhau, không ngừng nghỉ.

Ba tôi, là người cha nghiêm-khắc, nhưng tính nghiêm-nghị của ông cũng có lý-do của nó. Ông cho phép đàn con tha-hồ bàn cãi, rồi sau đó yêu cầu mỗi đứa cho biết ý riêng về mọi chuyện và xem chúng có chấp-nhận lập-trường/quan-điểm khác nhau hay không. Ông là kế-toán-viên chuyên-môn, còn mẹ tôi chỉ làm mỗi công-việc nội-trợ, cứ quanh-quẩn suốt trong nhà, nhưng cũng khá bề bộn với 14 người con tổng cộng, ít khi nào ngồi yên.

Kịp khi lên sáu, tôi bắt đầu đi nhà thờ tham-gia nhóm Thiếu-nhi Thánh-thể chuyên phụ-giúp các linh-mục làm lễ. Tôi vẫn còn nhớ cái cảm-giác cao-độ khi rung chuông báo hiệu cha già đang dâng Mình Thánh. Và lúc ấy, tôi trộm nghĩ: “Sẽ có ngày mình cũng đi tu làm linh-mục, giống các cha cho mà xem.” Tôi thích hát hò, vui vẻ. Riêng mẹ tôi, bà có giọng hát tuyệt-vời ít người sánh kịp. Và, tôi nhớ nhiều đến các thánh lễ vào đêm Giáng Sinh, thật vui thú.


Khởi từ tình-huống chung-đụng với Dòng Tên
đến thời-gian sống ở Turnhout

Tôi lên đường nhập học ở trường Dòng nổi tiếng của Dòng Tên tại Turnhout vào lúc mới chỉ lên 11. Đây là trường nội-trú, nên tôi phải lưu lại đó cho đến năm lên 19. Vào đến đây, tôi phải chọn học hai môn dự-bị bởi lẽ các trường miền quê khi ấy không dạy tốt cho lắm, hai nữa: tôi cũng chưa học được nhiều như lòng ước-nguyện. Tôi chưa trưởng-thành đủ để lên học trường Cao-đẳng. Và rồi, tôi cũng đã bắt đầu học tiếng La-tinh và Hy-Lạp. Thời-gian ấy tổng-cộng tám năm chuyên-chăm học rất nhiều: chương-trình học, lại đặt nặng lên các môn cổ-điển, không được học tiếng Anh hoặc tiếng Đức, là các ngôn-ngữ tương-đối không mấy khó.


Tại sao và làm thế nào
ngài trở-thành thày Dòng Đa Minh khi mới 19 tuổi?    

Được rồi. Để tôi nói rõ ngọn-ngành mọi chuyện cho quí vị rõ. Khi đó, tôi thật chẳng biết gì về Dòng Đa Minh, hết. Tôi chỉ biết mỗi Dòng Chúa Cứu Thế là Dòng có các cha về vùng quê giảng Đại-phúc; và sau đó dĩ nhiên là Dòng Tên. Lý-do rất đơn-giản, chỉ vì tôi có người anh lớn trong nhà thuộc Dòng Tên, nên tôi mới có ý-định theo học làm sĩ-tử Dòng này, để rồi sẽ đi Ấn Độ làm mục-vụ và học thêm về Ấn-giáo cũng như Phật-giáo. Nhưng, tôi lại không thích cái lối quá chú-trọng đến vấn-đề kỷ-luật như trường này.

Một hôm, trong giờ buộc phải im-lặng, tôi lại cứ tiếp-tục giúp người bạn cùng lớp hiểu rõ hơn bộ-môn anh đang học. Thế là, tự tôi đã phá luật giữ lặng thinh trong trường Dòng. Tức khắc, tôi bị khiển-trách rất nặng. Tôi tự biện-hộ, bằng cách nói rằng tôi chỉ muốn giúp bạn cùng lớp hiểu rõ bài vở, chứ không có ý gì khác. Và khi ấy, lời đáp dĩ nhiên là câu nói: “Anh phải giữ im-lặng như luật dạy, theo nguyên-tắc.”  Ôi! Nguyên-tắc và nguyên-tắc!

Tôi có cảm-giác như đang dấy lên trong mình một nổi loạn nào đó, cũng khá mạnh. Mặt khác, vào thời ấy đã xảy ra thứ gì đó nói xa nói gần về các vị Dòng Tên, khiến tôi bị lôi-cuốn hấp-lực, đó là: quyết-tâm của Dòng đối với các vấn-đề về xã-hội.

Tôi gắng làm hết sức mình, để trông nom/săn-sóc các thiếu-niên 12, 13 tuổi ở Turnhout là những đưa trẻ không quần không áo để mặc và cũng chẳng có gì để ăn. Chúng không được dạy-dỗ bất cứ thứ gì. Chúng là những đứa trẻ ở mướn chuyên hầu hạ mọi việc trong trường. Cha De Wit đặc-cách tôi trông nom giúp chúng được học giáo-lý/sách phần. Ngay lập tức, tôi bắt đầu ra tờ bích-báo nhỏ cho mấy trẻ này. Cũng chỉ là thứ báo tháng trong đó chỉ một tay tôi lo hết mọi chuyện, bằng cách viết các bài ngắn gọn về Đạo, có tính thông-tin/truyền-đạt và cũng mang đôi chút cung-cách giải-trí, mà thôi.

Thời đó, ở độ tuổi mới chỉ 17 hoặc 18 thôi, tôi cũng đã viết đôi ba bài cho báo đạo do Cha De Wit phụ-trách chuyên bàn về vấn-đề xã-hội. Ngài gợi ý khuấy-động tính tò mò của tôi về các vấn-để của công-nhân. Tôi đọc nhiều sách về đề-tài này. Đó là thời của Cardijn, người sáng-lập phong-trào Thanh-Lao-Công (tức Thanh-niên Lao-động Công-giáo) một thời có các vị này khác tên tuổi lừng-lẫy trong địa-hạt xã-hội, đến tham-gia.


Vậy khi ấy,
ngài thích-thú chủ-đề nào hơn cả?
            
Vào độ ấy, trước khi trở-thành thày Dòng Đa Minh, tôi chỉ thích học các môn cổ-điển, thôi. Các thày Dòng Tên học-hỏi nhiều tác-giả cổ-điển, cả tiếng La-tinh cũng như Hy-Lạp, bọn tôi đều học rất nhiều. Nhưng, đa-phần môn cổ-điển đều có tự-vựng và cú-pháp rất khó, lại chẳng bàn gì nhiều về cái hay/cái đẹp của bản văn, thế mới khó. Khi đó, tôi lại thích học tiếng Hy-Lạp nhiều hơn ngôn-ngữ khác. Tôi đạt thành-tích không tệ. Nhưng, điều mà tôi thích nhất là: tự sáng-chế ra các buổi hội-thoại bằng tiếng Hy-Lạp. Tôi cứ nghĩ rằng, một ngày nào đó trong tương-lai, tôi sẽ trở-thành giáo-sư dạy tiếng Hy-Lạp, nhất-định là thế.

Tôi chuyên về triết-lý với cha giáo De Petter, sau này trở-thành giáo-sư thực-thụ của trường Louvain, tôi nghĩ mình cũng sẽ trở-thành triết-gia, đâu có gì khó. Ghent, là nơi tôi bỏ ra ba năm chuyên về triết-học chuyên-biệt của Dòng Đa Minh, tôi đã bắt đầu mê môn triết-lý rồi.


Đến đây, chắc ta phải trở về lại với câu hỏi:
làm sao ngài lại trở-thành thày Dòng Đa Minh?

Mãi đến cuối thời học-tập tại trường Dòng Tên ở Turnhout, khi ấy có một thứ được gọi là chương-trình “tĩnh-huấn tại gia” theo kiểu của thánh Y-Nhã, Dòng Tên. Việc này, có một đấng bậc Dòng Tên rất nghiêm-khắc chuyên phụ-trách, dẫn-giải. Khi ấy, tôi xác tín rằng tôi sẽ không bao giờ thành ông thày Dòng Tên nữa.

Đối với tôi, Dòng Tên như thế cũng quá đủ, họ từng huỷ hoại cuộc đời của tôi, mất rồi. Khi ấy, tôi cũng chẳng biết đến tu-hội Dòng nào khác. Tôi muốn trở thành tu-sĩ, một linh-mục Dòng. Tôi đọc hạnh các thánh như: thánh Bênêđíchtô, thánh Y-Nhã, thánh Phanxicô Assisi và thánh Đa Minh. Về thánh Đa Minh, tôi có đọc cuốn “The Spirit of St Dominic” (tức: Tinh-thần Đa Minh thánh-nhân) do Lm Clérissac soạn-thảo. Tôi bị đánh động bởi sự quân-bằng lành-mạnh, niềm vui, mở rộng lòng ra với thế-gian, học-hỏi, nghiên-cứu, thần-học tập-trung lên chuyện giảng-thuyết. Tôi đi đến kết-luận bảo rằng tôi sẽ trở thành sĩ-tử Dòng Đa Minh.

Có lần, tôi từng nghe một vị giảng-thuyết Dòng Đa Minh chia-sẻ tại một nhà rộng lớn và có ấn-tượng rõ rệt: Đó là Lm van Gestel, sau này trở thành bề trên của tôi tại Louvain. Ngài là chuyên-gia xã-hội-học. Ngài không ảnh-hưởng trực-tiếp lên chọn-lựa của tôi; thế nhưng, một khi, nhất là sau khi đọc hạnh thánh Đa Minh rồi, thì tôi quyết-định trở-thành sĩ-tử của Dòng này, và tôi nhớ như in bài giảng của Lm Gestel, đàn anh của tôi.                

Tôi thường tự nhủ về những điều mình nhất quyết phải làm cho bằng được, là: tiếp-xúc các sĩ-tử Dòng này càng nhiều càng tốt. Khi ấy, tôi cũng chẳng biết nhà dòng của các vị ở đâu nữa là. Người bạn của tôi thấy thế, mới trao cho tôi địa-chỉ nhà Ghent. Tôi bèn viết thư lên Bề Trên nhà này là Lm Matthijs, vị này về sau trở-thành Giáo sư Siêu-hình-học tại Đại-học Angelicum. Ông hồi-đáp thư của tôi, bảo rằng: “Hãy đến thăm tôi tại nhà Ghent”. Bức thư này, ngài viết thật hay bởi vậy nên tôi vẫn còn giữ kỹ trong kho báu của tôi. Tôi sẽ nói thêm về bức thư này, ở cuối sách.

Trong thư, vị giáo-sư của tôi có đính kèm bức hình của Fra Angelico vẽ thánh Đa Minh đang bồng ẵm thánh Phanxicô. Tôi càng tin chắc là quyết-chí của tôi khi gia-nhập Dòng này. Kỳ nghỉ hè vào năm cuối học nhân-văn, lúc ấy tôi mới có 19, nhưng đã gia-nhập Dòng thánh tại nhà Ghent và tham-gia cuộc sống ở tập-viện. Quả là cuộc sống rất nghiêm khắc. Mọi người phải dậy sớm từ 3 giờ sáng đọc Kinh Thần Vụ gọi là Kinh Sớm Kinh Sáng, suốt cả tiếng. Sau đó, các thày trở về ngủ. Thật khủng khiếp! Tôi không thể nào tiếp-tục làm như thế suốt đời, bởi lẽ sức khoẻ của tôi rất ư mỏng mảnh, dễ suy sụp vào mọi lúc.

Hai ngày sau đó, tôi yêu cầu được rời viện-tu. Thế là tôi được miễn-chước không phải thức dậy vào giữa đêm. Sau đó, tôi thấy dễ chịu hơn một chút. Tôi nhớ mãi đến kinh-nghiệm thương-đau này. Sau cuộc chiến, tình-hình kỷ-luật tương-đối dễ chịu hơn.

Cuối cùng, có thể nói: tôi thích ghé thăm nhà Ghent. Bởi, lúc đó tôi lấy làm mãn-nguyện.              
Tôi kết-thúc chương-trình học-vấn tại trường cao-đẳng của Dòng Tên, trải qua các kỳ thi cuối khoá ngang qua 3 vị giáo-sư của Dòng đến từ nước ngoài, các vị này đều nổi tiếng về ngành văn-học cổ-điển. Một rong các vị này có nói với tôi rằng: “Có điều tiếc rằng anh không tìm cách trở-thành sĩ-tử Dòng Tên.”

Hiệu-trưởng trường cao-đẳng này biết rõ là tôi từng viết thư lên Bề Trên nhà Ghent là bởi vì khi ấy các thư-từ gửi về Dòng đều mở ngỏ cho mọi người đọc. Thư hồi-đáp của Bề Trên nhà Ghent cũng được mọi đấng Bề trên biết hết. Ngài hỏi tôi: “Có phải là anh viết thư cho Bề Trên nhà Ghent không?” Tôi thẳng-thắn trả lời: “Vâng. Đúng thế. Con đọc hạnh thánh Đa Minh rồi sau đó muốn trở-thành sĩ-tử của Dòng, như ngài vậy.”

Và ngài phê-phán như sau: “Anh là người suy-tư cũng khá nhiều, nên tôi dám bảo-đảm là thế nào anh cũng nghĩ nhiều về những chuyện như thế. Hãy bền đỗ trong ơn kêu gọi của mình.”

Tôi rất cảm-kích về những điều ngài nói ra. Các đấng bậc Dòng Tên không mấy mãn-nguyện về chọn-lựa của tôi, nhưng các ngài lại không đặt rào cản nào hết, ở giữa đường. Tôi là một trong các học-trò đứng hạng cao trong lớp, tương-đối khá nhất về môn nhân-văn.
                                                                                                                     (còn tiếp)

Lm Edward Schillebecckx chuyện trò với Francesco Strazzari
Mai Tá lược dịch


              



Saturday 29 April 2017

Lm Edward Schillebeeckx Thần-học-gia toại-nguyện: Thời Công Đồng Vatican 2 (bài 5),

Thần-học-gia toại-nguyện,
người đó chính là tôi

*
Thời Công Đồng Vatican 2
 (Bài 5)


Tại Đại-học-đường Louvain đã thấy bắt-đầu giảng-day môn thần-học theo kiểu-cách rất sử-học. Kể từ thời có chủ nghĩa- hiện-sinh/cận-đại, đã biến mất nền thần-học đầy tính biện-luận bởi mọi người đều nghĩ cung-cách này thật nguy-hiểm. Vào thời-gian này, đã có chuyển-vận đi vào chiều hướng nghiên-cứu/học-hỏi thần-học theo quan-điểm lịch-sử và các thần-học-gia cũng như các nhà chú-giải quốc tế đã hiện-hình, cách thông-tỏ.

Tuy nhiên, ở Hoà Lan,  các bậc thày lại dạy thần-học theo sách vở thời xưa cũ. Do đó, tôi đưa ra lời kêu gọi hãy có thay đổi và khuyến khích họ tra-khảo cuốn “The Sacramental Economy of Salvation” (tức: Thần-học Chuyên chú về Ơn Cứu-độ).

Đó là luận-án tiến-sĩ tôi đệ-trình tại Đại học Le Saulchoir. Và, sách này dày đến 689 trang gồm toàn những bài phân-tách về các bí-tích có từ tầm nhìn lịch-sử. Sách này mở ra một chân trời mới và ở Nijmegen này, lúc ấy, cũng được nhiều người hưởng ứng, rất ngưỡng mộ. Và, sách này chủ-trương kình-chống lối hiểu các phép bí-tích như xảo-thuật, kiểu phù phép tức chống lại lề lối được gọi là ex opera operato (*1)

Là giáo-sư trẻ ở Louvain, tôi thiết-kế nên chiều-hướng tái xét giáo-lý/tín-điều về phép bí-tích từ quan-điểm hiện-tượng-luận. Toàn-bộ các sách do tôi chủ-trương viết lách đều gợi hứng từ hiện-tượng-luận hết.

Nijgemen , tôi lại đã đảm-nhận các khoá học do tôi từng thực-hiện tại Louvain, trước đó. Vị thày dạy của tôi vào dạo trước là Gs Kreling, một thần-học-gia lỗi-lạc vào thời ấy, người đã đọc thánh Tôma theo cách độc-đáo, nhưng lại là thứ triết-học Tô ma đích-thực, tức học-thuyết tinh-tuyền không có tầm kích lịch-sử gì hết.

Thánh Tôma được mọi người đọc tư-tưởng của ông theo chiều-kích Cajetan là nhà thần-học thời cải-cách Công-giáo; và các thần-học-gia theo học-thuyết Tôma của thế-kỷ trước đó. Theo chiều hướng nay, thì các vị tiền-nhiệm của tôi đã mở ra con đường triển-nở mới mẻ cho cách đọc tư-tưởng của thánh Tôma.

Khi tôi đến Nijmegen, cha giáo Kreling đã đề-nghị tôi hãy bắt đầu bằng thuyết “De Deo Uno” (tức: “Thiên Chúa độc-nhất vô nhị”). Nhưng, thay vào đó, tôi lại khởi-sự môn Cánh-chung-luận, tiếng Hy-Lạp gọi là Eschata (*2).

Cha giáo của tôi chẳng biết gì về “cánh-chung-luận”, chút nào hết. Trong các năm dạy thần-học, ngài chẳng bao giờ đề-cập đến chuyện ấy. Thế nên, ngài bèn nổi đoá và không lâu sau đó, quan-hệ giữa tôi và vị thày này đã đi đến hồi đổ vỡ. Ngài là sĩ-tử Dòng Đa Minh cũng như tôi. Sau đó, ngài sống thêm được chục năm nữa tại một giáo-xứ nhỏ do Dòng thánh Đa Minh coi sóc, vẫn gia-tăng cách biệt khỏi tôi và chẳng lý gì đến tôi hết.

Và cứ thế, tôi khởi-sự luận-chứng “cánh-chung-luận” lúc ấy chịu ảnh-hưởng từ công-trình nghiên-cứu của một tác-giả người Thuỵ Sỹ tên là J.L. Leuba, một thần-học-gia Thệ-Phản xuất tự Neuchâtel, đề-cập nhiều về lịch-sử cứu-độ hơn.

Đó là thời khởi đầu các suy-tư của tôi về lịch-sử cứu-độ, một ý-niệm mà học-thuyết Tôma chưa hề nghĩ đến. Không có gì nghi-ngờ rằng việc này tạo một cải-tân quan-trọng ở Hoà Lan. Sinh viên nào được học với bậc thày là Lm Kreling cũng gặp đôi ba khó khăn về việc này ngay từ đầu, nhưng đám sinh-viên trẻ lại thấy hứng thú theo cách khác.

Thần-học của tôi, không còn được gọi là “thần-học khoa-bảng” hoặc “tân kinh-điển” nữa. Lúc đó, đã có sự gẫy đổ giữa các nhà kinh-điển mới, với sự hiện-diện của tôi tại đại-học-đường. Tôi được hỗ-trợ mạnh-mẽ từ các vị trong cuộc ở Hoà Lan khi đó vẫn khuyến-khích môn tâm-lý-học và xã-hội-học, nói chung là khoa-học nhân-văn.

Đó là thay-đổi lớn, đối với tôi. Tôi hiểu được tầm quan-trọng của bộ môn nhân-văn là do bởi nền lịch-sử khoa-học đại-loại mà tôi từng đeo đuổi chính là khoa-học về con người vào giai-đoạn đó; kết quả là công cuộc tra-khảo của tôi ở Hoà Lan đã có bước tiến lớn lao. Ngay lúc ấy, đã có ảnh-hưởng hỗ-tương bắt đầu tỏ hiện giữa nền thần-học tôi đeo đuổi và công cuộc nghiên-cứu tra-khảo về ngành khoa-học nhân-văn, một ảnh-hưởng từng tạo tầm-kích rất mới cho công cuộc học-hỏi về thần-học của riêng tôi.        

Sĩ-tử Dòng Đa Minh lại đã ra tờ báo mới gọi là De Bazuin (Chiếc Kèn Đồng), vốn dĩ cởi mở, nghịch chống lại các chọn-lựa của toàn Dòng. Khi trước là xung-đột, căng thẳng nhưng không gãy đổ; thành thử, với thời-gian, các ý-tưởng được diễn-bày ở tờ De Bazuin đã trở-thành di-sản từ Giáo-hội Công-giáo Hoà Lan. Báo “De Bazuin” đã là cơ-sở chuẩn-bị cho Công Đồng Vatican 2.

Thế nhưng, có những vấn-đề thời-đại khiến các vị cảm-nhận được và kêu gọi ta hãy suy-tư thêm. Phân-khoa thần-học khi ấy lại cũng cần được cải-tổ một cách nghiêm-túc, Vào độ ấy, chỉ những ai muốn lấy bằng cử-nhân trong 2 năm trời, mới vào đó để được học. Sau Công Đồng, các sinh-viên khác lại cũng đến phân-khoa này với ý-định hoàn-tất công-trình nghiên-cứu thần-học tại nơi đó.

Thời bấy giờ, cùng với các nhóm này/khác, thần-học-gia tên tuổi người Dòng Tên chuyên về tín-lý là Piet Schoonenberg cũng dạy ở đây (*4). Thành thử, mọi người bắt đầu nói về “Trường-phái Nijmegen”. Khoa-học nhân-văn bắt đầu thủ giữ một phần vai-trò trong tư-duy thần-học.

Đôi khi có người lại bảo rằng: Công Đồng Vatican 2 đã cải-tân nền thần-học. Điều này, nói chung là không đúng. Công-đồng Vatican 2 là thể-loại xác-nhận những gì mà các thần-học-gia như: Rahner, (*5), Chenu, Congar và nhiều vị khác đã từng thực-hiện trước cả thời Công đồng, đấy chứ.

Những thứ này, cứ chồng chất/chất-chồng đi đến cải-tổ về thần-học vốn dĩ không còn bị chủ-thuyết kinh-điển mới toả bóng che phủ lên trên mình nữa. Tác-giả Rahner khi đó không thuộc nhóm “Kinh-điển cải-tân”, nhưng là tác-giả cổ-điển như Schoonenberg từng đi theo con đường khác. Thần-học kinh-điển từng bị bỏ quên cả vào thời trước khi Công Đồng Vatican II khởi sự.

Thành thử, Công Đồng Vatican 2, trên thực-tế, không là khởi-điểm cho nền thần-học mới cứng, nhưng chỉ là dấu triện đóng trên những gì được các thần-học-gia khác thực-hiện trước đó. Đấy là nền thần-học của các vị từng bị lên án, tước quyền giảng dạy, rồi bị đưa vào chốn lưu-lạc/đày-đoạ nhưng lại thắng cuộc ở Công Đồng.

Bởi thế nên, sau Công Đồng, đã có phản-ứng từ các nhà thần-học theo chủ-thuyết Tôma và các nhà kinh-điển mới lại không có ảnh-hưởng gì lên Công Đồng hết. Ngay vào lúc Công Đồng kết thúc, ai cũng thấy trước được một thứ khôi-phục lại; bởi lẽ không có sự chuẩn-bị để tiếp-nhận một nền thần-học đã cải-tân.

Kết-cuộc là, sau Công Đồng Vatican 2, đã có giòng nước cuốn cực mạnh đã triển-khai chống lại các nhà thần-học này, tức các vị trở-thành mục-tiêu cho nhiều ngờ-vực và gian-dối. Đó, lại là thực-tại xảy đến trong lịch-sử của Giáo-hội cận-đại.

                       
Chú thích:

                        (*1) Các bí-tích tự thân, đều có hiệu-năng tạo ân-huệ.

(*2) Eschata là cụm-từ tiếng Hy-Lạp chỉ tình-huống cuối cùng, kéo dài. Mọi sự có liên-quan đến ý-nghĩa dứt-khoát, sâu đậm và chót hết về đời sống con người được coi như mang tính “cánh chung”. Cánh-chung-luận chỉ đề-cập đến sự việc xảy ra ở trái đất này mà thôi, nhưng lại cũng có nghĩa dứt-khoát về cuộc đời, thời cuối hết theo nghĩa của thời cứu-độ.

(*3) Nói một cách chính-xác hơn, thì: đây là triết-học Đạo Chúa thời Trung Cổ. Học-thuyết kinh-điển vào các thế-kỷ đầu của thời Trung-cổ chuyên giảng-dạy về nghệ-thuật phóng khoáng; và từ đó, dẫn đến lối giảng-dạy về triết-lý hoặc thần-học, cùng một kiểu, các buổi đứng lớp ban đầu được định-vị ở trường Dòng, hoặc tại Nhà thờ Chánh-toà; sau đó, mới tới đại-học.

Nhà kinh-điển, nói theo nghĩa không tin-tưởng vào mỗi uy-lực của luận-lý mà thôi, đã dẫn về Kinh Sách cũng như truyền thống Giáo-hội. Hồi thế-kỷ thứ 19, các vị giáo-hoàng từng tranh-đấu để chủ-thuyết Kinh-điển (đúng ra phải nói là Tân Kinh-điển) quay về lại với Đạo, ngõ hầu tái-tạo truyền-thống thần-học và triết-học hiểu theo khuôn-khổ bao gồm các vấn-đề cận-đại và hiện-đại.

(*4) Là người Hoà Lan, tác-giả cuốn “A God of Men (1969) (tức: Thiên-Chúa của con người) và “The Adventure of Christology” (1971) (tức: Hành-trình Kitô-học, một lối diễn-giải thể-thức diễn ra tại Công Đồng Calxêđôn về Thiên-tính cũng như nhân-tính của Đức Giêsu.

(*5) Là sĩ tử Dòng Tên người Đức (1904-1984), một trong các thần-học-gia lừng-danh của thế-kỷ từng có các bài dạy bị đặt nghi-vấn, tuy nhiên ông đã được phục-hồi chức-năng và trở-thành tư-vấn cho Công Đồng Vatican 2. Ông viết rất nhiều sách.
                                                                                                            (còn tiếp)


Lm Edward Schillebecckx chuyện trò với ký-giả Francesco Strazzari
Mai Tá lược dịch

Friday 28 April 2017

Lm Edward Schillebeeckx: Thần-học-gia toại-nguyện, người đó chính là tôi (Bài 2) Lời Mở Đầu




*



Từ độ tháng Giêng năm 1958, một thần-học-gia người Bỉ thuộc trường-phái Nijmegen, Hoà Lan tên là Edward Schillebeeckx, lâu nay hay gây tranh-luận ở nhiều nơi. Ông là tu sĩ  dòng  Đa Minh sống ở tu-viện Albertinum thuộc Dòng thánh Albertô xây dựng vào cuối thập-niên 1920s. Và tu-viện này, đã chính thức mở cửa cho mọi người bên ngoài đến viếng thăm vào ngày 08/8/1932.

Một lần nọ, có đến 120 anh em tu sĩ dòng Đa Minh từng sống ở nơi đó, nhưng nay chỉ còn khoảng 30 vị, mà thôi. Kể từ năm 1942 đến 1945, viện-tu này bị quân-đội Đức chiếm đóng nhiều ngày và các thày dòng ở đây đã phải tản mác, lưu lạc khắp chốn.

Vào cuối cuộc chiến, viện-tu Albertinum NijmegenHoà Lan, lại đã có thêm nhiều sư-huynh và học-sinh đến trú-ngụ. Nhưng, vào thập niên 1980s trong khi các dòng tu khắp nơi đều gặp khủng-hoảng nặng, thì một số công ốc trong tu-viện này được hiến-tặng cho Đại học Công giáo Nijmegen làm nơi học-tập.

Tôi đến đó, để gặp thần-học-gia vĩ-đại là Gs Edward Schillebeeckx. Tôi từng lưu lại ở đó rất nhiều lần, nhưng cũng không còn nhớ được bao nhiều lần từng thảo-luận với vị học-giả nổi tiếng về nền thần-học Công giáo này và về suy-nghĩ của ông về các vấn-đề thời-đại đang bốc cháy. Lâu nay, tôi vẫn mang trong đầu nhiều ấn-tượng về phòng-ốc vĩ-đại; về chốn lặng-thinh nơi tu-trì, cùng các lời kinh/kệ do các thày dòng ở đây vẫn cất tiếng và cả đến khuôn mặt của những người bị ném tung ra ngoài biển cả đụng trận với gió bão.

Bởi, vào độ trước, nơi đây cũng từng xảy ra nhiều trận cuồng-phong, bão táp khiến nhiều vị được yêu cầu rời khỏi chốn đó, do bởi các ngài không còn hiểu/biết ý-nghĩa cuộc sống tu-trì độc-thân, quyết lẩn/tránh những người sống ở ngoài đời hoặc những vị bị trói buộc bởi cơ-cấu phòng-ốc đem lại từ nhiều thời trước đó, để rồi các vị đành phải bóp bụng ra đi chọn nơi khác thích-hợp hơn hầu có được cuộc sống giản-đơn, cần thiết.

Cảnh/vật nơi đây đã khiến tôi nhớ lại hàng cây sồi vẫn đứng trụ qua nhiều đợt mưa gió, coi đó như chuyện thường ngày xảy đến rất thường với đất nước từng tác-tạo cho mình thứ gì đó, khá bí-nhiệm. Bí-ẩn/nhiệm-mầu ở đây đó, là các biểu-lộ gom gộp từ tiếng/giọng chống-kháng đầy quả cảm, có kèm một chút ngang bướng chịu ảnh-hưởng từ chủ-thuyết Calvin từng kế-thừa từ một quá-khứ nổi-trội.

Người dân Hoà Lan nơi đây, không mấy trầm/lặng về bất cứ thứ gì xảy đến, nên đã thừa sức tham-gia mọi chê-bai/phẩm-bình, và ít dành thì-giờ cho các chuyện tử-tế hoặc các giao-tế nhân-sự. Những vị sống ở đây, luôn kiếm tìm lằn sáng chiếu-dọi mọi sự việc, nên lúc nào cũng tu-duy lắng đọng và luôn mở rộng cửa ngõ đón chào mọi lằn sáng từ mọi góc cạnh.

Tác-giả Edward Schillebeeckx luôn mang đến cho đất nước Hoà Lan của ông đôi điều mới mẻ, thêm vào đó là lề-lối giáo-dục mang cung-cách bắt chụp được những điều đang gia-tăng theo kiểu cách khác nhau. Nhưng, với thời-gian, đường-lối giáo-dục này lại cũng gây ngờ-vực không ít, nên đã có suy-nghĩ chín-chắn nhằm dẫn thẳng về phía trước bằng các mẫu mã thông-thường.

Trong căn phòng đầy những sách, ông tiếp đón tôi hàng giờ nói không dứt về cuộc sống sinh-động của chính ông; và, về thời thơ trẻ đã có rắc-rối khi ông buộc phải quyết-định xem có nên chọn cuộc sống tu-trì hay không. Cả đến môn nhân-văn ông nghiên-cứu học hỏi, cả đến môn triết-lý cũng như thần-học cho chí thời dạy học ở đại-học-đường Nijmegen nữa.

Quả là, cuộc sống của ông đầy quả-cảm, qua chuỗi ngày dài chịu-đựng những khích-bác chống lại tính cởi mở của ông, khi ông sinh-hoạt dạy-dỗ học-viên tu-sĩ của Dòng mình. Lại đến giai-đoạn nghiên-cứu/khảo-sát, tiến-trình giao-dịch với Rôma, kể cả những đêm thức trắng nghiền-ngẫm Kinh Sách và Thánh-truyền; đến việc đeo đuổi tìm-hiểu các tác-giả cũ/mới, thời cận-đại hầu đáp trả những câu-hỏi mà mọi người viện-dẫn, như: Thái-độ im-lặng của Thiên-Chúa, như tình-huống say-mê hiện-hữu Chúa ban một cách nhưng-không, vô điều-kiện.

Vào những lúc được hân-hạnh mặt-đối-mặt với tác-giả, là thần-học-gia lỗi-lạc phi-thường có đầu óc/kiến-thức rộng/mở về thần-học mà không phải ai cũng hiểu thấu mọi chi tiết.

Chuyện trò với ông, tôi có cảm-giác như ông đã gặp tôi nhiều lần trên đường phố, hệt như gặp lúc có người hỏi đường hỏi lối để đi tìm nhà vậy. Có những lúc, hệt như thể ông và tôi đang ngồi ở quán cà-phê hoặc trên tàu biển đi đây đó, chuyện trò không dứt.

Tôi vẫn để tai nghe ông nói chuyện hàng giờ, chẳng khi nào dám cắt ngang câu chuyện đang hồi hứng-chí, cứ để ông kể mãi hết chuyện đời mình, từ luồng tư-tưởng cho đến những giao-tiếp bạn-bè hoặc các xung-khắc xảy đến trong đời ông. Cứ thế, tôi vẫn để ông nói suốt về thời quá khứ, cũng như hiện-tại với ánh mắt hướng về ngày sau hết được gọi là “cánh-chung-luận”, về những khám-phá ra cung-cách cho thấy sự cao cả nơi lòng thương xót của Chúa trong quá-trình giao-tiếp với mọi người, nam và nữ.

Ít khi nào tôi đặt câu hỏi, chỉ khi nào thấy thật cần thiết để nhắc ông rằng tôi đang đóng vai người bộ-hành ở ngoài đường hỏi han ông đường đi nước bước, mỗi thế thôi. Và, đôi lúc tôi cũng hỏi quan-niệm của ông về công-cuộc Chúa tạo-dựng, về Đức Giêsu thành Nadarét Đấng công-bố nhiều hệ-luận, về Đức Kitô là Đấng đầu tiên kể về lối sống rất mới mẻ, và về thói quen mới tạo được.

Tôi cũng không quên hỏi về Chúa Thánh Linh là Đấng tạo hứng sống cho một Giáo-hội luôn cần đổi mới, bởi tình Ngài thương yêu-Giáo-hội sẽ không bao giờ cạn-kiệt.

Tôi thật chẳng muốn có câu hồi-đáp từ thần-học-gia Edward Schillebeeckx cho hàng ngàn câu hỏi của nam-nhân lẫn nữ phụ ở ngoài đường cứ hỏi nhiều thứ và nhiều sự mà chỉ dám nói đến nghiên-cứu hữu-lý, đến trực-giác, sững-sờ cả nguồn thơ lai láng, bởi lẽ tác-giả Schillebeeckx  lại cũng là nhà thơ, vốn từng bày tỏ ý/lời đầy thơ trong cuốn thứ ba ông bàn-luận về Đức Kitô, như một môn-học.

Tôi cũng không nhận ra được biệt-tài thuyết-trình hoặc những điều kỳ-lạ ông có; cũng chẳng thấy được nơi ông chút đắng cay/ngậm ngùi nào khi ông đề-cập đến Giáo-hội bị cơ-chế-hoá từng đưa ông vào thế khó xử.

Vào dạo ấy, tôi chỉ muốn kiếm tìm đôi điều chứng-tỏ nét tư-riêng/độc-đáo của một thần-học-gia chuyên-biệt từng nói cho mọi người biết về Đức Giêsu, Đấng KitôGiáo-hội  đề-cập riêng-biệt trong ba cuốn sách ông viết về Kitô-học.     

Ông kể cho tôi nghe câu chuyện về chính ông, đôi khi bằng giọng nói rắn chắc, có lúc hơi trầm/buồn, rất thận-trọng khi bộc-lộ tâm-can là những thứ đã làm ông rối-rắm, suốt một thời.

Trong lúc kể, hầu như đọc từng chữ, đa-phần bằng tiếng Pháp, đôi lúc ông nói bằng tiếng Đức và tiếng Anh, tác-giả Schillebeeckx đã mô-tả tính phong-phú trong công-cuộc nghiên-cứu ông hoạc-định.

Thế nhưng, tác-giả Edward Schillebeeckx cũng đã tham-gia vào cuộc sống tu-trì vào các lễ mừng ngày của Chúa bằng các bài chia-sẻ về nhiều chủ-đề khác nhau, cả những buổi tối anh em bầu bạn quây quần bên bàn tiệc hoặc những ngày từ thị thành trở về quê xa xôi, lúc nhàn rỗi chuyện trò với nhau bằng vài ba câu pha trò để vui sống, những lúc bên nhau chung hưởng ly bia, hoặc bên tách rượu vang; hoặc các dạ-tiệc đầy hoa trái thết-đãi nhau không sót một ai.

Thần-học-gia và các nhà chú-giải vẫn còn nói nhiều về tác-giả có bộ mặt trẻ thơ không thích-nghi được với nhiều người nhưng sự minh-mẫn ở nơi ông lại dấy lên nguồn sống xoáy mạnh tâm can nhiều người khiến họ không làm gì được ngoài chuyện tha-thứ cho ông mà thôi.

Chính đấy là Schillebeecksx vốn dĩ vào chính lễ thánh Đôminicô năm 1989, tưởng nhớ ngày lập Dòng Thuyết-Giảng, là người đã viết lời đầu trong cuốn thứ ba ông bàn về Kitô-học khi bảo rằng: “Tôi hy-vọng là trong số những người đọc sách của tôi sẽ có vị thuộc giới-chức cầm-quyền trong Giáo-hội, và cả những vị sẽ nghe lời thú-nhận niềm tin của một nhà thần-học đã bỏ cả đời mình chẳng có gì ngoài việc kiếm tìm Thiên Chúa có nghĩa ý-nghĩa gì đối với mọi người nam cũng như nữ, một cách chưa dứt-khoát và có hơi lắp bắp, rất ngập-ngừng.

Chính đây là Schillebeeckx của độc-giả sẽ gặp gỡ khi đọc các sách này và cả đến những bài viết cho đến nay chưa được in ấn, mãi sau này.

                                                                        (còn tiếp)

Lm Edward Schillebecckx chuyện trò với Francesco Strazzari
Mai Tá lược dịch