Monday 31 October 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà Việt Nam




3 “ngờ”: nghẹt, nghẽn, ngộp.

SGGP  7.11.2000: “Giao thông đô thị: Kẹt xe, kẹt từ đâu? Kẹt trên đường, kẹt trên cầu, kẹt mọi lúc, mọi nơi.”

Theo buổi hội thảo “Ách tắc giao thông tại Tp HCM và các biện pháp khắc phục” tại trường Đại Học Kỹ thuật sáng 6.11.2000 thì:

“Thành phố HCM hiện có 1,9 triệu xe đạp, 2 triệu xe gắn máy, môtô và 200,000 các loại xe khác. 1284 con đường với chiều dài 1890km. Diện tích đường khoảng 6 triệu m2 cho dân số khoảng 7 triệu: bình quân dưới 1m2 mỗi người.
Khu vực trung tâm Tp có khoảng 22 tuyến đường có mật độ lưu thông trên 15,000 người/giờ theo một hướng, 36 tuyến  10,000-15,000 người/giờ, và trên 82 tuyến 5,000-10,000 người/giờ.
Năm 1997 có khoảng 23,000 người buôn bán lẻ vỉa hè, còn hiện nay là 30,000 người.

Ông Võ Kim Cương, Phó Kiến trúc  sư trưởng Tp:

“…Gải quyết vấn đề 3 “ngờ” (ng) hiện nay là cực kỳ khó khăn. Đó là cống nghẹt, giao thông nghẽn, và không khí ngộp. Đám mây đen tắc nghẽn giao thông đang đè nặng trên bầu trời Tp. Ở Tokyo trên 90% phương tiện lưu thông trên đường là phương tiện công cộng, trong đó có 80% là phương tiện đường sắt. Còn ở Thành phố ta thìngược lại, phương tiện công cộng chưa tới 3% và trên 97% là phương tiện cá nhân và các phương tiện khác…”


Gs Nguyễn Ngọc Lan
(trích Thư Nhà số 1 năm 2001, trang 28)

Saturday 29 October 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)




VÍ DỤ LƯỚI RỪNG

Mt 13: 47-50

Theo tư tưởng, ví dụ này cũng đồng ý tưởng với ví dụ cỏ lùng, và lời giải thích cũng đồng một ý tưởng đó nữa, và chẳng những thế, cả những tiếng dùng trong lời giải thích cũng giống nhau nữa. Nhưng có điều là ý tưởng “mọc lên”, tức là tiến triển, bành trướng dần dần, rõ rệt trong ví dụ cỏ lùng (và ví dụ người gieo giống), đây lại không có (cá dưới biển không lẽ phải chờ chúng lớn mới kéo lên). Còn ý tưởng cánh đồng so với lưới thì vừa giống vừa khác: vì lưới một đàng cũng như cánh đồng gồm có lành và dữ, nhưng hình ảnh lưới thuộc hoạt động: phải thả, phải kéo mà đem cá ra khỏi lòng biển. Nếu coi hoàn toàn giống cánh đồng, thì lưới cũng chỉ cả thế gian; nhưng lưới khác cánh đồng, vì thế có thể chỉ Hội thánh, chìm giữa biển là thế gian, thâu nạp tín hữu theo nhiều kiểu: có lành có dữ, có thánh có tội lỗi, bao lâu còn ở trần gian này, bao lâu chưa đến lúc lựa lọc. Bởi thế nên ví dụ này được giải thích nhiều về những vấn đề của Hội thánh và rất dễ biến thành tỉ dụ, bởi có liên tưởng nhiều đến những đoạn Tân ước  nói về đánh cá và ngư phủ (Mt 4: 18tt; Lc 5: 1-11; Yn 21: 3-14). Nhưng về ý nghĩa tiên khởi thì cần thiết phải để ý là:

-ví dụ không nói rõ ràng đến các ngư phủ.
-ví dụ là ví dụ Nước Trời, chứ không phải ví dụ Hội thánh.

47) Không nói ai thả lưới. Kiểu nói “người ta” (tiếng Hy Lạp: lưới bị bủa dưới biển: kiểu nói như thế thường để tránh Danh Thên Chúa) không nói đến những người ngư phủ.

Đủ mọi thứ”: nghĩa đen: tại hồ Ghênêsaret có đến 24 loại cá. Nghĩa ví dụ: cả lành cả dữ, người thánh kẻ tội lỗi.

48) tốt và dở: dở là cá không được phép ăn theo lề luật (Lv 11: 10tt: cấm ăn những loại cá không vẩy không mang: cá trê, cá đuối, cá chình, lươn)- hay những thú vật dưới nước mà người ta thường không ăn (cua).

49-50) Những lời giải thích, hay so với Mt 13: 36-43.

Một điều nên chú ý: “Nước Trời giống như lưới cá thả dưới biển”, dịch thế không đúng hẳn với loại văn, ví dụ giữa người Do thái. Không phải cái lưới là điều giống với Nước Trời, nhưng ngay từ đầu đã tả một công việc: điều giống là giống như lúc ngồi trên bãi người ta lựa chọn: tức là ví dụ dẫn đến sự lựa chọn sau cùng, nhưng giả thiết một thời gian trong đó mọi sự còn lẫn lộn.

Tóm lại, hai ví dụ cỏ lùng và lưới cá là những ví dụ chung luận, vì cả hai bàn đến phán xét cuối cùng, khai mào cho Nước cùng tận của Thiên Chúa. Và so sánh việc phán xét đó với việc phân tách: hoặc giữa lúa tốt và cỏ lùng, hoặc giữa cá tốt cá xấu. Trước đó là thời hỗn hợp chung đụng lành dữ. Trong ví dụ cỏ lùng từ khước hẳn việc phân tách trước thời đã định, và kêu gọi kiên nhẫn đợi chờ mùa gặt. Tại sao kiên nhẫn? Như trên đã nói: người ta không đủ khả năng để phân tách người lành kẻ dữ. Trong những kẻ theo chân Đức Mêsia tàng ẩn, có cả những người tin bề ngoài, xưng hô nơi miệng. Và thứ hai là Giờ là việc Thiên Chúa định. Lường hạng người đã ra phải chờ cho đầy, cho mùa chín vàng, cho lưới đầy cá. Rồi bấy giờ là mùa gặt, phân tách lúa tốt và cỏ lùng, là lúc kéo lưới lên bờ và chọn lọc cá tốt cá xấu. Bấy giờ cộng đoàn thánh thiện của Thiên Chúa sẽ tỏ hiện rạng ngời, trút bỏ những gì là hoen ố giả dối. Còn bây giờ là thời gian dành cho hối cải (Lc 13: 6-9), cho đến ngày đó, phải bỏ bên sự nhiệt thành quá trớn.

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR
(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

Friday 28 October 2011

Lm Richard Leonard sj: San sẻ và sẻ san


Lm Richard Leonard sj: San sẻ và sẻ san.

Trình thuật hôm nay, thánh sử Mát-thêu cho thấy có khác biệt giữa Đức Giê-su và các nhà lãnh đạo tôn giáo, thời của Chúa. Là, khác biệt hay tranh chấp, của giai cấp lãnh đạo, rất cứng đầu. Có đâu, của dân đen thấp hèn, rày phấn khởi. Dân con thấp hèn nay phấn khởi đi theo Chúa, khi được nghe Chúa nói, và đã làm.

            Bài đọc 1, tiên tri Ma-La-Ki quả quyết: “Các ngươi đã trệch đường; đã làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh rẻ, hèn mạt trước mặt dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối của Ta; hay nể vì, khi áp dụng Luật.” (Ma 2: 8)

            Trình thuật hôm nay, Đức Giê-su không đả kích nhóm Pha-ri-sêu/Kinh sư, hoặc Biệt phái, nào cả. Bởi, nhiều người trong họ, là thủ lĩnh được kính trọng, nể vì. Chúa lên án, thái độ kiêu căng ngạo mạn khi họ suy tư - hành xử, đã khiến kẻ thấp hèn nghĩ là họ đáng bị chê trách.

            Điều dễ chê trách, không là sự thật về niềm tin mà Biệt Phái/Kinh Sư đưa ra, cho mọi người. Nhưng, là chê lối hành xử bêu xấu, kháng nghịch lời của Chúa. Nói cách khác, họ khuyên răn một đằng, nhưng làm một nẻo. Tiền hậu bất nhất. Chẳng sống như người tốt lành, hầu làm gương. Đằng khác, điều đáng trách ở nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị lẫn gia đình, là: cứ áp đặt ràng buộc nặng nề lên người khác. Trong khi chính mình, chẳng ra tay phụ giúp mọi người chu toàn, thi hành luật.

            Điều đáng chê hơn, là: động thái vẫn hưởng lợi, cứ “ăn trên ngồi chốc”, tưởng rằng thành quả người người đạt được, là do công lênh mình bỏ ra. Bởi thế nên, họ nghĩ mình đáng hưởng công lênh. Được mọi người thuần phục. Đáng hưởng mọi vinh hoa phú quý. Cơm áo/bạc tiền.

            Do có thái độ chỉ biết hưởng thụ, nên lớp “trưởng giả”/đứng ở trên, còn nghĩ: mình đáng được thần dân bên dưới tặng ban mọi tước hiệu, thật xứng đáng. Họ nghĩ: mình là vua quan/lãnh chúa, những “đức ngài”. Nghĩ mình là thầy, là cha đáng được hưởng phúc đức do cha ông mình để lại. Họ mua mọi danh chức/tước hiệu, bằng tiền bạc. Nhưng, lại phản nghịch lời Chúa dạy ban. 

            Điều, Chúa đưa ra hôm nay: chính Ngài là cội nguồn sự sống. Chỉ mình Ngài, mới thích đáng với thẩm quyền và danh xưng/tên gọi “Ngài” hoặc “Đức Chúa”, mà thôi. Còn lại, ta sẽ là người đáng kính nể nếu ta biết phục vụ anh em mình, cho phải phép. 

            Quả thật, “áo dòng không làm nên thày tu”. Bởi đâu phải, cứ có người cầm vương trượng, gậy gộc đi trước mình, mới biểu hiện là mình làm lớn. Cũng chẳng phải, cứ có người nhường bước, tránh chỗ để mình đi, tức: mình là đấng quyền cao chức trọng! Có là bậc vị vọng, lên xe xuống ngựa rất đủng đỉnh, đuợc kẻ đưa người đón, đủ đầy tớ. Hoặc, thường xuyên xuất hiện trên “đài”, tức mình đã lên ngôi.

            Chỉ là người cao trọng, nếu biết sử dụng tài ba/năng khiếu Chúa tặng, hầu làm lợi cho dân lành, sống chung quanh. Làm theo lời Chúa dạy, vẫn chưa đủ để chứng tỏ mình là người cao trọng, hợp lẽ. Hơn nữa, điều chính yếu mà trình thuật hôm nay đưa ra, là ở chỗ: khi xưa hàng giáo sĩ Do Thái thường chỉ biết “chỉ tay năm ngón” sai khiến hết mọi người. Họ tưỏng rằng, Lời Chúa dạy là dạy ai khác, chứ đâu phải chính họ. Nên, họ chẳng lý gì đến tự kiểm. Chẳng bàn gì đến sám hối.

            Bài đọc 2, thánh Phao-lô đề cập đến kinh nghiệm chính bản thân. Về các lãnh tụ tôn giáo, thánh nhân nói: “Không khác gì người mẹ nuôi con dại ấp ủ con mình, chúng tôi thật lòng quý mên anh chị em.” không chỉ qua Tin Mừng  -bởi điều đó không khó-  nhưng bằng cả mạng sống của chúng tôi. (1Th 2: 7). Không như nhóm Pharisêu/Biệt phái, thánh nhân chẳng muốn thành gánh nặng cho ai. Nhưng, chỉ muốn Tin Mừng trở nên “quyền uy sống động”, với kẻ tin. Vì, Tin Mừng giải phóng mọi người. Giải toả gánh nặng của muôn dân.

            Thánh nhân còn xác định: “Bởi, anh chị em đã chịu lấy Lời của Thiên Chúa từ chúng tôi; anh chị em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời của Thiên Chúa.” (1Th 2: 13) Với bậc phụ huynh, linh mục và giáo chức, cũng phải như thế. Thật ra, ta chỉ là kênh lạch thông chuyển và đón nhận Lời Sự Thật. Ta vẫn chưa nắm vững được Lời. Mới chỉ là người quản lý, giữ gìn Lời, mà thôi. Quyền uy đích thực, chính là quyền của Lời. Quyền của Sự Thật. Của Tình Thương.

            Những kẻ được ta phục vụ, phải nắm vững rằng: những gì ta thông chuyển, không xuất phát do tự chúng ta. Mà, theo ngôn từ của thánh Phao-lô, ta chỉ là máng thông, rất dễ bể. Chính vì thế, đừng ngạo mạn cho rằng mình nắm vững chân lý, của Đức Chúa. Ngược lại, ta chỉ là người san sẻ mọi điều tốt lành cho người anh người chị, thế thôi. Ở đấng bậc, giáo chức lẫn phụ huynh, luôn có khía cạnh yếu mềm, dễ thương tổn. Nên, phải đề cao cảnh giác.

            Trong chiều hướng ấy, tự thân Hội thánh dư biết mình chẳng kỳ vọng dân con/đấng bậc sống hoàn thiện. Trong quá khứ, các vị ấy sống xa cách/tách rời với dân con bình thường. Họ chuyên ở trên cao, xa lánh mọi giới thấp hèn, ở dưới. Trong khi thực chất sự việc, vẫn cứ thấy toàn những va chạm, gương xấu, vỡ đổ. Gương xấu và tai tiếng, cũng xảy đến với cả, phụ huynh, lẫn nhà giáo. Đó là chưa kể, chính trị gia, giới hành nghề “chuyên ăn trên ngồi chốc”. Vị nào cũng muốn chiếu hào quang trên đầu, nhưng thực tế rất thậm tệ. Và, điều Chúa thực sự chê trách, chính là thái độ giả hình, ta hay mắc.

            Thực tế là, càng nghĩ chuyện ăn trên ngồi chốc, ta càng dễ bị khuynh đảo, đánh gục. Chỉ khi nào, biết hạ mình mà phục vụ người anh người chị như người nhà, lúc ấy ta sẽ được cảm thông, hỗ trợ và hợp tác, đưa dẫn mọi người đến gần với Chúa. Người như thế, ta chẳng còn sợ gì nỗi cô đơn, lạnh lẽo một mình một chợ, ở trên cao.

            Là con cái, ta hiểu đưọc tâm trạng yếu mềm của bậc cha mẹ, người lớn. Là thần dân, ta cũng thông cảm cho các nhược điểm của lãnh đạo. Chính vì có nhược điề, họ mới càng biểu lộ tính nóng nảy bực bõ, bằng nhiều hình thức. Chí ít, là chủ trương khắt khe với người, nhưng lại dễ dãi với chính mình. 

            Là thành viên cộng đoàn tình thương, ta vẫn có nhiều trách nhiệm để chu toàn. Trách nhiệm khác nhau. Có thứ đòi hỏi nhiều. Có loại cần năng khiếu, tài cán đặc biệt. Đặc biệt hơn cả, vẫn là phục vụ cho nhu cầu của người anh em mình, trong cộng đoàn. Có thể, vì chức vụ đòi hỏi, đôi khi ta cũng cần đến tài xế, cần lên xe xuống ngựa. Nhưng, không phải để vênh vang, thụ hưởng. Nhưng, cần thiết để hoàn thành chức năng, cùng sứ vụ. Cho nhiều người. 

            Trình thuật hôm nay, ghửi đến với hết mọi người. Kêu gọi tất cả, sống xứng đáng với phẩm cách, cùng chức năng. Không nên lấy đó làm điều vênh vang, nổi bật cho chính mình. Nhưng, khắt khe với mọi người. Cũng chẳng nên đòi hỏi người khác kính trọng mình, vì mình làm lớn. Nhưng, kính trọng lẫn nhau. Coi nhau như người có quyền lợi đồng đều. Ngang cùngmột phẩm trật. Trong mọi trưòng hợp, hãy luôn ước vọng phục vụ cho thật nhiều. San sẻ, hết mọi thứ. Để mọi người đều có lợi. Ngang nhau.

Lm Richard Leonard sj
Mai Tá lược dịch 

Thursday 27 October 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà VN




Tập trung vô trách nhiệm

Một độc giả của báo Phụ Nữ viết:

“Vào thập niên ’80, khi nghe có vụ án kinh tế với số tiền lên đến trăm triệu đồng, chắc hẳn chúng ta đã phải “lắc đầu, lè lưỡi”. Không ngờ càng về sau, số tiền trong các vụ án kinh tế tăng lên mãi… Hàng tỷ đổng, hàng chục tỷ đồng, hàng trăm tỷ đồng và hàng ngàn tỷ đồng. Ước tính thì tổng số tiền thất thoát trong các vụ án kinh tế trong 15 năm gần đây có lẽ trên 10,000 tỷ đồng. Thất thoát không có nghĩa là mất đi, mà số tiền này chỉ chuyển từ ngân khố Nhà nước vào túi riêng của bọn tội phạm. (…)

“Điều thật khó hiểu là khi ra trước vành móng ngựa, thì số cán bộ có chức có quyền là bị cáo đến tự khai là mình…trình độ yếu kém, năng lực có hạn (!?). Vậy thì ai bổ nhiệm hàng loạt cán bộ yếu klém, năng lực có hạn này vào các chức vụ quan trọng? Tại sao những người có quyền bổ nhiệm này không hề có một chút trách nhiệm nào?” (Phụ nữ 12.8.2000)

 Còn ai vào đây nữa? Họ không hề có một chút trách nhiệm nào thì dễ hiểu thôi. Cái gọi là “tập trung dân chủ” cũng có nghĩa là tập trung vô trách nhiệm.

Việt Nam đứng thứ mấy?

Theo Gs Ts Nguyễn Lân Dũng trên SGGP 28.8.2000 thì Việt Nam về diện tích đứng thứ 65 trong số tất cả các nước trên thế giới với 33.900km2. Về dân số, đứng thứ 12 với dự tính năm 2000 là 79.670.000 người. Về tổng sản lượng quốc nội (GDP) tính theo tỷ giá sức mua tương đương PPP, đứng thứ 133 (năm 1997 là 1,630USDS) trong số 174 nước dùng để so sánh. Về chỉ số phát triển con người HDI (Human Development Index) đứng thứ 110 (năm 1997 là 0,664). Về xuất khẩu gạo, đứng thứ nhì thế giới (năm 1999 đã xuất khẩu 4,55 triệu tấn gạo, thu về 1,035tỷ USD chỉ sau Thái Lan. Về xuất khẩu cà phê, đứng thứ nhì thế giới, sau Braxin. Về xuất khẩu hạt điều đứng thứ ba thế giới (sau Braxin và Ấn Độ).

Ông giáo sư chỉ nêu lên một trường hợp CHXHCN VN đứng nhất là…”về giống lợn béo (nhiều mỡ) Việt Nam dẫn đầu thế giới (Guiness, 1999) với giống lợn ỉ (sus bucculentis)”!

Không đùa!
 
Gs Nguyễn Ngọc Lan
(trích Thư Nhà số 1 năm 2001, trang 19)

Tuesday 25 October 2011

Lm Frank Doyle sj: Nhưng cúi đầu trước vẻ đẹp trang nghiêm

Chúa Nhật 31 Thường Niên Năm A

“Nhưng cúi đầu, trước vẻ ngọc trang nghiêm.”

Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm,
Chưa tội lỗi, đã thấy tràn hối hận.
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo, dẫm lên thơ
.

(dẫn từ thơ Đinh Hùng)

Mt 23: 1-12

Vẻ ngọc trang nghiêm, có là Thơ? Là, Lời dạy của Đức Chúa ở trình thuật, rất hôm nay?

Trình thuật hôm nay, thánh sử Mát-thêu cho thấy có khác biệt giữa Đức Giê-su và các nhà lãnh đạo tôn giáo, thời của Chúa. Là, khác biệt hay tranh chấp, của giai cấp lãnh đạo, rất cứng đầu. Có đâu như dân đen thấp hèn, rày phấn khởi. Dân con thấp hèn nay phấn khởi đi theo Chúa, khi được nghe Chúa nói, và đã làm.

Bài đọc 1, tiên tri Ma-La-Ki quả quyết: “Các ngươi đã trệch đường; đã làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. Còn Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi đáng khinh rẻ, hèn mạt trước mặt dân, vì các ngươi không tuân giữ đường lối của Ta; hay nể vì, khi áp dụng Luật.”(Ma 2: 8)

Trình thuật hôm nay, Đức Giê-su không đả kích nhóm Pha-ri-sêu/Kinh sư, hoặc Biệt phái, nào cả. Bởi, nhiều người trong họ, là thủ lĩnh được kính trọng, nể vì. Chúa lên án, thái độ kiêu căng ngạo mạn khi họ suy tư - hành xử, đã khiến kẻ thấp hèn nghĩ là họ đáng bị chê trách.

Điều dễ chê trách, không là sự thật về niềm tin mà Biệt Phái/Kinh Sư đưa ra, cho mọi người. Nhưng, là chê lối hành xử bêu xấu, kháng nghịch lời của Chúa. Nói cách khác, họ khuyên răn một đằng, nhưng làm một nẻo. Tiền hậu bất nhất. Chẳng sống như người tốt lành, hầu làm gương. Thêm nữa, điều đáng trách ở nơi các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị lẫn gia đình, là: cứ áp đặt ràng buộc nặng nề lên người khác, trong khi chính họ lại chẳng ra tay phụ giúp mọi người chu toàn, thi hành luật.

Điều đáng chê hơn, là: động thái vẫn hưởng lợi, cứ “ăn trên ngồi chốc”, tưởng rằng thành quả người người đạt được, là do công lênh mình bỏ ra. Bởi thế nên, họ nghĩ mình đáng hưởng công lênh. Đáng được mọi người thuần phục. Đáng hưởng mọi vinh hoa phú quý. Đáng được hưởng nhiều cơm áo/bạc tiền.

Do có thái độ chỉ biết hưởng thụ, nên lớp “trưởng giả”/đứng ở trên, còn nghĩ: mình đáng được thần dân bên dưới tặng ban mọi tước hiệu, thật xứng đáng. Họ nghĩ: mình là vua quan/lãnh chúa, những “đức ngài”. Nghĩ mình là thầy, là cha đáng được hưởng phúc đức do cha ông mình để lại. Họ mua mọi danh chức/tước hiệu, bằng tiền bạc. Nhưng, lại phản nghịch lời Chúa dạy ban.

Điều, Chúa đưa ra hôm nay: chính Ngài là cội nguồn sự sống. Chỉ mình Ngài, mới thích đáng với thẩm quyền và danh xưng/tên gọi “Ngài” hoặc “Đức Chúa”, mà thôi. Còn lại, ta sẽ là người đáng kính nể nếu ta biết phục vụ anh em mình, cho phải phép.

Quả thật, ‘áo dòng không làm nên thày tu’. Bởi đâu phải,cứ có người cầm vương trượng, gậy gộc đi trước mình, là đã biểu hiện là mình làm lớn. Cũng chẳng phải, cứ có người nhường bước, tránh chỗ để mình đi, tức: mình là đấng quyền cao chức trọng! Cũng chẳng là bậc vị vọng, nếu được lên xe xuống ngựa rất đủng đỉnh, được kẻ đưa người đón. Hoặc là đã lên ngôi nếu thường xuyên xuất hiện trên “đài”.

Chỉ là người cao trọng, nếu biết sử dụng tài ba/năng khiếu Chúa tặng, hầu làm lợi cho dân lành, sống chung quanh. Làm theo lời Chúa dạy, vẫn chưa đủ để chứng tỏ mình là người cao trọng, hợp lẽ. Hơn nữa, điều chính yếu mà trình thuật hôm nay đưa ra, là ở chỗ: khi xưa hàng giáo sĩ Do Thái thường chỉ biết “chỉ tay năm ngón” sai khiến hết mọi người. Họ tưởng rằng, Lời Chúa dạy là dạy ai khác, chứ đâu phải chính họ. Nên, họ chẳng lý gì đến việc tự kiểm. Hoặc cũng chẳng màng gì đến việc sám hối.

Bài đọc 2, thánh Phao-lô đề cập đến kinh nghiệm chính bản thân. Về các lãnh tụ tôn giáo, thánh nhân nói: “Không khác gì người mẹ nuôi con dại ấp ủ con mình, chúng tôi thật lòng quý mến anh chị em.” không chỉ qua Tin Mừng -bởi điều đó không khó- nhưng bằng cả mạng sống của chúng tôi. (1Th 2: 7). Không như nhóm Pharisêu/Biệt phái, thánh nhân chẳng muốn thành gánh nặng cho ai. Nhưng, chỉ muốn Tin Mừng trở nên “quyền uy sống động”, với kẻ tin. Vì, Tin Mừng giải phóng mọi người. Giải toả gánh nặng của muôn dân.

Thánh nhân còn xác định: “Bởi, anh chị em đã chịu lấy Lời của Thiên Chúa từ chúng tôi; anh chị em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời của Thiên Chúa.” (1Th 2: 13) Với bậc phụ huynh, linh mục và giáo chức, cũng phải như thế. Thật ra, ta chỉ là kênh lạch thông chuyển và đón nhận Lời Sự Thật. Ta vẫn chưa nắm vững được Lời.Ta mới chỉ là người quản lý, giữ gìn Lời, mà thôi. Quyền uy đích thực, chính là quyền của Lời. Quyền của Sự Thật. Của Tình Thương.

Những người được ta phục vụ, cũng phải nắm vững rằng: những gì ta thông chuyển, không xuất phát do tự chính nơi ta. Mà, theo ngôn từ của thánh Phao-lô, ta chỉ là máng thông, rất dễ bể. Chính vì thế, đừng ngạo mạn cho rằng mình nắm vững chân lý, của Đức Chúa. Ngược lại, ta chỉ là người san sẻ mọi điều tốt lành cho người anh người chị, thế thôi. Hãy nhớ rằng dù có là các đấng bậc vị vọng đ nữa như giáo chức, phụ huynh, thì cũng có những khía cạnh yếu mềm, dễ thương tổn. Thế nên, phải luôn đề cao cảnh giác.

Trong chiều hướng ấy, tự thân Hội thánh cũng biết mình chẳng nên kỳ vọng dân con/đấng bậc sống hoàn thiện. Vì trong quá khứ, các vị ấy đã sống xa cách/tách rời với dân con bình thường. Họ chuyên ở trên cao, xa lánh mọi giới thấp hèn, ở dưới. Trong khi thực chất sự việc, vẫn cứ thấy toàn những va chạm, gương xấu, vỡ đổ. Gương xấu và tai tiếng, cũng xảy đến với cả với phụ huynh, lẫn nhà giáo. Đó là chưa kể, chính trị gia, giới hành nghề “chuyên ăn trên ngồi chốc”. Vị nào cũng muốn có hào quang chiếu trên đầu, nhưng thực tế xử sự rất thậm tệ. Và, điều Chúa thực sự chê trách, chính là thái độ giả hình mà ta hay mắc phải.

Thực tế là, càng nghĩ chuyện để được ăn trên ngồi chốc, ta càng dễ bị khuynh đảo, đánh gục. Chỉ khi nào, biết hạ mình phục vụ người anh người chị như người một nhà, lúc ấy ta sẽ được cảm thông, hỗ trợ và hợp tác, đưa dẫn mọi người đến gần với Chúa. Và khi ấy thì ta chẳng còn sợ gì nỗi cô đơn, lạnh lẽo dù có ở trên cao.

Là con cái Chúa, ta hiểu được tâm trạng yếu mềm của bậc cha mẹ, người lớn. Là thần dân, ta cũng thông cảm cho các nhược điểm của các vị lãnh đạo. Chính vì có nhược điểm nên họ mới càng biểu lộ tính nóng nảy bực bõ, bằng nhiều hình thức. Chí ít, là chủ trương khắt khe với người, nhưng lại dễ dãi với chính mình.

Là thành viên cộng đoàn tình thương, ta vẫn có nhiều trách nhiệm để chu toàn. Trách nhiệm khác nhau. Có thứ đòi hỏi nhiều. Có loại cần năng khiếu, kỹ năng đặc biệt. Tuy nhiên hãy nhớ rằng quan trọng hơn cả vẫn là phục vụ cho nhu cầu của người anh em mình, trong cộng đoàn. Có thể, vì chức vụ đòi hỏi, đôi khi ta cũng cần đến tài xế, cần lên xe xuống ngựa. Nhưng, không phải để vênh vang, thụ hưởng. Mà phải quan niệm rằng đó chỉ là phương tiện cần thiết để hoàn thành chức năng, cùng sứ vụ. Để phục vụ cho nhiều người mà thôi.

Trình thuật hôm nay, gửi đến với hết mọi người. Kêu gọi tất cả, sống xứng đáng với phẩm cách, cùng chức năng. Không nên lấy đó làm điều vênh vang, nổi bật cho chính mình mà khắt khe với mọi người. Cũng chẳng nên đòi hỏi người khác kính trọng mình, vì mình làm lớn. Nhưng là kính trọng lẫn nhau. Coi nhau như người có quyền lợi đồng đều. Ngang cùngmột phẩm trật. Trong mọi trường hợp, hãy luôn ước vọng phục vụ cho thật nhiều. San sẻ hết mọi thứ. Để mọi người đều có lợi ngang nhau.

Lm Frank Doyle sj

Mai Tá lược dịch

Monday 24 October 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà Tp HCM


Karl Marx đã tiên đoán

SàiGòn Giải Phóng hai hôm trước, 8.8.2000 lại phải than: “Internet VN sau gần 3 năm hoạt động: phong phú các dịch vụ nhưng số thuê bao chưa cao”. Cụ thể là hiện nay “cả nước chỉ có 70,400 thuê bao. Tính trên đầu người chỉ đạt tỷ lệ 0,07% (…) Theo thống kê của các nhà kinh doanh, đối tượng sử dụng Internet hiện mới tập trung phần lớn ở khối doanh nghiệp. Khu vực hành chánh sự nghiệp, khối Giáo dục – Đào tạo, hai khu vực được coi là sử dụng dịch vụ này nhiều nhất khi Việt Nam bắt đầu triển khai Internet thì đến nay cũng chỉ mới chiếm khoảng 2% tổng số thuê bao.”

Người ta bắt đầu bi bô về kinh tế thời đại là “kinh tế tri thức” và “đông lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế hiện nay trên thế giới chính là công nghệ thông tin”. Cũng “không thể bưng bít thông tin được” (Gs Đặng Hữu). Nhưng trong thực tế vẫn sợ thông tin và chỉ biết tìm cách né tránh, trốn chạy.

Chẳng qua vì mê tín chủ nghĩa Mác-Lê và cố bảo vệ Đảng. Gs Đặng Hữu, trưởng ban Khoa giáo trung ương viết về “kinh tế trí thức” trên hai số SGGP gần đây rồi trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật 6-12.8.2000. Lm Nguyễn Thái Hợp đã từng nhấn mạnh là khi mà các sản phẩm ngày nay làm bằng 70% tri thức và chỉ với 30% nguyên liệu và lao động thì chủ nghĩa Mác-Lê chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Vấn đề xã hội ngày nay không phải là bóc lột sức lao động mà là “loại trừ”. Đăng Hữu trả lời phỏng vấn đăng trên báo SGGP (28.7.2000, “Hướng vào nền kinh tế tri thức: Đón đầu hay lỡ nhịp”) đã không muốn thấy như vậy. Ông dư biết là “sự chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp thực chất là chuyển từ lao động thủ công sao lao động máy móc, từ kinh tế lao động sang kinh tế tài nguyên. Sự chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức là sự chuyển từ kinh tế dựa vào lao động và tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào lao động và tài nguyên sang nền kinh tế dựa vào trí tuệ con người là chính (…)”. Nhưng ông lại không thấy hiện tượng “loại trừ” mà cứ nhất định lạc quan theo… định hướng xã hội chủ nghĩa! “Sẽ đi tới một xã hội tự động hoá toàn bộ, không có công nhân làm việc, đó phải chăng là tiền đề vật chất cho một xã hội trong đó con người được hoàn toàn giải phóng, được hoàn toàn tự do, làm việc theo khả năng, hưởng theo nhu cầu? Là xã hội cộng sản chủ nghĩa mà K Marx đã tiên đoán.”

Cứ cố vớt cát cho uy tín của thầy bói đa năng K. Marx nên trên báo Tuổi Trẻ, không còn biết ông nghĩ gì nữa. Trước vận hội Kinh tế tri thức, một thế mạnh của Việt Nam là “chúng ta có chế độ XHCN mà bản chất của nó là giải phóng mọi khả năng sáng tạo của con người”. Ngay sau đó những thách đố to lớn cũng đang đặt ra lại có chuyện “thuộc về chủ quan của chúng ta, là năng lực quản lý còn yếu, chúng ta chưa đủ sức giải phóng các khả năng sáng tạo…” Sau gần nửa thế kỷ cố thực hiện “bản chất” chế độ xã hội chủ nghĩa!

Chẳng qua trước sau như một, người ta chỉ loay hoay lo mỗi việc” “Chúng ta cần phải tính toán kỹ lại làm thế nào để phát triển lực lượng sán xuất trong điều kiện chúng ta nắm vững chính quyền, chế độ chúng ta có Đảng lãnh đạo.” (Tuổi Trẻ sđd)

Cứ như thế thì sẽ còn “lỡ nhịp” chán chứ không phải là “đón đầu”.

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(trích Thư Nhà số 1 năm 2001, trang 19)

Sunday 23 October 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


TIN MỪNG VỀ NƯỚC SẼ ĐẾN (TIẾP THEO)

Mt 13: 36-43

Lời cắt nghĩa ví dụ. Lời giải thích không cắt nghĩa hai điều cốt thiết: Con Người là ai? Khi nào tận thế nói đây sẽ đến? Ví dụ được lặp lại một lần nữa, mà vẫn bỏ ngỏ chưa trả lời những lời hỏi cốt yếu: lời giải thích cũng kết thúc: ai có tai thì nghe! Chứng tỏ lời giải thích vẫn còn để lưng chừng! Giải thích lại thêm ít điều khác ví dụ: giống tốt là “con cái của Nước” (không phải chính Nước Thiên Chúa), cỏ lùng là “con cái kẻ dữ” (không phải là sự dữ nói chung). Áp dụng ví dụ: đem về những vấn đề gần người ta hơn, đạo đức hơn, nhưng vẫn chưa hẳn là Hội thánh được ám chỉ rõ rệt; kẻ dữ bị loại khỏi Nước (không hẳn là khỏi Hội thánh).

Lời giải thích chia làm 2 phần:

+36-39: Những tương chiếu hình ảnh và thực là cái gì.

+40-43: Giải rộng chi tiết nói đến trong ví dụ, tức là câu 30b: tả bằng những tiếng của văn chương khải huyền về Ngày phán xét: một mạc khải chung luận theo khuynh hướng khuyến thiện, văn bản. Xét vậy thì phải nói hoàn cảnh trong đó Mt 13: 36-43 là hoàn cảnh Hội thánh tiên khởi (Do thái): thời gian đã qua, đã có ý thức về tính cách đại đồng của Tin Mừng, đã có kinh nghiệm về sự nguội lạnh và sa ngã nơi ít phần tử của Hội thánh. Vậy các câu này giải rộng ví dụ bằng những lòi lẽ Kinh thánh Cựu ước (Sophonya 1: 3; Đn 3: 6; Ma 4: 1-3)

Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR

(trí`ch tài liệu giảng huấn, phổ biến nội bộ)

Saturday 22 October 2011

Gs Nguyễn Ngọc Lan: Chuyện Nhà Tp HCM


Nhiều Giám đốc sở kiêm nhiệm 30-35 chức danh:

Theo UBND Tp HCM, các ban ngành Thành phố hiện có tới 195 ban chỉ đạo và 111 hội đồng liên quan, nhiều giám đốc sở hoặc chức vụ tương đương phải kiêm nhiệm 30-35 chức danh ở các ban chỉ đạo, hội đồng nói trên. Tình hình kiêm nhiệm cũng tương tự đối với các chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận huyện.” (Tuổi Trẻ 27.7.2000)

“Phải” kiêm nhiệm. Thật tội nghiệp cho các ngài độc quyền lãnh đạo. Với những phụ cấp, bổng lộc, quyền lợi kèm theo 30-35 chức danh ấy càng thật tội nghiệp. Hay vẫn là độc quyền lãnh đạo – chỉ đạo “phải” đưa tới nạn nghiện lãnh đạo, chỉ đạo không tránh được, không cai được (xl 12.7, tt 117-118)

Người viết mẩu tin trên “được biết , từ 2000-2001, phần lớn các ban chỉ đạo, hội đồng nói trên sẽ được sáp nhập hoặc giải thể”. Cũng chỉ là tự trấn an. Bao lâu còn chế độ độc đảng thì sáp nhập hoặc giải thể như thế cũng như các món “chỉnh đốn” khác chỉ là “cắt cơn” thôi. Rồi lại mọc ra như nấm độc những ban chỉ đạo, hội đồng khác để được lãnh đạo.

“Mở lại sổ sách, ngay từ tháng 2.1976, UBND Tp đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan nhà nước. Từ đó đến nay, năm nào cũng có không ít thì nhiều các ban chỉ đạo và hội đồng được thành lập, chủ yếu mang tính ứng phó trong từng thời điểm. Chẳng hạn như các ban chỉ đạo sinh đẻ có kế hoạch, diệt chuột, chống sâu rầy, toàn dân ăn muối iốt, vận động không xả rác, kiểm kê đất đai… hoặc cho những công trình xây dựng lớn (ga Hoà Hưng, nghĩa trang liệt sĩ Tp, đường bộ Tp-Cần Giờ)…

Rồi các hội đồng như hội đồng tiêu huỷ tiền ngân hàng cũ, xét nghiệm phấn rơm, xử lý bưu phẩm/bưu kiện vô thừa nhận, thanh huỷ vé số đã trả thưởng nhưng hết thời hạn lưu trữ, xử lý vi phạm văn hoá phẩm, đặt đổi tên đường.

Ở những thời điểm thành lập, các ban chỉ đạo và hội đồng đều có ý nghĩa cần thiết. Nhưng sau khi khai sinh, hoạt động và chấm dứt vai trò, nhiều ban chỉ đạo, hội đồng không còn cần thiết vẫn nghiễm nhiên tồn tại vì không ai ra quyết định khai tử. Cả những ban chỉ đạo thành lập từ năm 1976 hiện vẫn còn, dù chỉ là trên danh nghĩa…” (Tuổi Trẻ 1.8.2000)

Gs Nguyễn Ngọc Lan

(trích Thư Nhà số 1 năm 2001, trang 13)

Friday 21 October 2011

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mạc Khải Cứu Rỗi (tiếp theo)


NUỚC TRỜI SẼ ĐẾN

Mt 13: 24-30

Cơ hội để dựng truyện có thể là một việc cụ thể. Nhưng trong ví dụ cũng có pha lẫn những chi tiết ít khi xảy ra trong thực tế.

Cỏ lùng nói đây (tên khoa học : lolium temulentum): cỏ loại lúa, hạt có bám thứ nấm độc rất nhỏ (bị độc thì người ta nôn mửa, người ta như sầy lửa). Mạ thì giống như lúa, rễ khó nhổ, lớn hẳn thì rất dễ nhận(gié con hai bên cạnh, kích thước: không quá một thước). Nhưng ruộng có cỏ lùng thường do điều kiện thời tiết, gió đem đến hay sẵn có trong ruộng. Chỉ đích danh kẻ thù là một điều khác thường.

26/ Cỏ lùng khá nhiều? Không rõ. Nhưng ví dụ đã hướng về điều nói trong Mt 7: 16 (coi quả thì biết cây).

27/ Lời nói của tôi tớ nói lên sự ngạc nhiên (nên để ý, chủ đã làm mọi sự cách kỹ lưỡng!)

28/ Chủ vạch rõ duyên do cớ sự.

Chiếu theo trọng tâm của ví dụ, thì phải nói: 24-28a nói được là nhập đề: các chi tiết đều hướng cả tới nhận xét này:” trong việc làm ông chủ không có lỗi gì cả (thí dụ như vì ta chểnh mảng, lôi thôi), trong việc xảy ra (sao ruộng có lắm cỏ lùng thế?)

28b/ Với lời đề nghị sốt sắng của tôi tớ, phần chính của ví dụ bắt đầu: nghĩa là vấn đề phải bàn đến bây giờ mới đụng chạm đến. Muốn lĩnh hội thì phải so sánh với thói thường người ta: chủ sốt sắng việc nhà mình hơn là tôi tớ. Còn đây: tôi tớ lại sốt sắng đến thế. Lời đề nghị đó không có gì là lạ lùng nghịch lý, hay dại dột. Theo những nhận xét tại chỗ, thì tại Phalệtin, người ta thường làm cỏ ruộng lúa, nhổ cỏ lùng, có khi nhiều lần trong một vụ mùa.

29/ Câu trả lời dứt khoát. Đó là nghịch thường: chủ ruộng thường phải câu thúc tôi tớ đi nhổ cỏ.

30/ Câu này có những chi tiết khác thường: phân tách lúa và cỏ lùng, bó thành lượm. Haitư tưởng phải cân nhắc:

-Chỉ có chủ mới liệu được việc phân tách.

-thời phân tách chưa đến, nhưng thế nào cũng sẽ đến.

Đó là mùa gặt. Mùa gặt: hình ảnh thông thường về phán xét cùng tận (Yr 51: 53; Yô 3: 12tt; Hs 6: 11), nhưng một trật cũng là hình ảnh cho sự vui sướng, đạt toại nguyện: niềm vui sướng thấy công lao vất vả đạt ý định.

Chúng ta tạm đừng nghĩ đến lời giải thích ví dụ trong Mt 13: 36-43. Chúng ta hãy nhìn đến hoàn cảnh Israel trong thời đó: Vấn đề nóng hổi trong dân là các nhóm tôn giáo đều muốn duy trì thánh thiện trong hàng ngũ của mình; họ cho nhóm của họ (sau khi đã lựa lọc thành phần một cách thẳng nhặt khắt khe) là số sót của tiên tri loan báo, sẵn sàng đón chờ việc can thiệp cuối cùng của Thiên Chúa (Ys 60: 21). Còn Chúa Yêsu: Ngài giảng rằng, với Ngài, Nước Thiên Chúa đã đến với Ngài, Nước đó bây giờ được rao giảng và nên hiện tại với Ngài. Thế mà xung quanh Ngài thì chỉ thấy một lũ ô hợp, tội lỗi, khuyết điểm về mọi mặt. Và người ta vịn vào đó để bắt bẻ, khích bác Ngài, trách móc Ngài (có thể là nhóm Biệt phái, như thấy trong Mc 2: 16; Mt 11: 19; Lc 7: 39), nhưng cũng có thể là ngay cả nơi những kẻ nồng nhiệt theo Chúa Yêsu: họ lấy làm lạ sao Ngài chưa loại khỏi xung quanh Ngài những thành phần bất hảo, những kẻ tội lỗi, sao Ngài không tẩy sạch Dân của Thiên Chúa để thâu họp lại một dân thánh thiện. Lời trách này có thể xuất tự những người đã bị khuấy động bởi lời rao giảng của Yoan Tẩy giả.

Ví dụ đáp lại và vạch ra đặc tính của Nước Thiên Chúa: Nước xuất hiện như nguồn cứu thoát, chứ không phải như phán xét : phán xét để dành cho mai sau. Cho đến lúc đó, tội lỗi và áp bức còn luôn luôn đe doạ hạt giống. Người ta hãy phó mặc cho sự phán xét của Thiên Chúa. Hãy loại khỏi lòng mình sự nhiệt thành không đúng chỗ, sự nhiệt thành nông nổi: hãy để cho đồng ruộng dần dà chín thực đã: cho dđến khi Giờ của Thiên Chúa đã đánh hiệu. (còn tiếp)

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR

(trích tài liệu giảng dạy phổ biến nội bộ)

Thursday 20 October 2011

Lm Frank Doyle sj: Mau với chứ ! Thời gian không đứng đợi.




Chúa Nhật  30 Thường Niên Năm A
Mau với chứ ! Thời gian không đứng đợi.
Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa,
Nắng mọc chưa tin, hoa mọc không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết!
Mt 22: 34-40                                       (dẫn từ thơ Xuân Diệu)

            Nếu thánh Âu tinh là người Việt, thì khi ấy chắc ngài cũng làm thơ. Thơ tình. Thơ Đạo. Hay tuyệt tác. Và, thơ của thánh nhân sẽ đầy từ yêu đương như thế này: Hãy yêu đi, và rồi cứ làm những điều em rất muốn.” Nếu thánh Mát-thêu là người mình, hẳn thánh sử cũng sẽ kêu gọi mọi người, hãy biết yêu. Yêu Chúa. Yêu người. Rất tràn đầy. Dễ nhớ. Như trình thuật ngài viết, buổi hôm nay.

            Trình thuật hôm nay, hằn in dấu ấn nơi tâm trí người nghe, và người đọc. Mấy tuần rồi, theo dõi trình thuật của thánh sử, ta thấy Chúa chịu thách thức, từ mọi người. Hết lãnh đạo Do Thái, rồi nhóm người Sa-đốc, nay lại những Pha-ri-sêu. Rất đối đầu. Hỏi han. Hỏi han, vì Pharisêu là nhóm tư tế, hay hỏi han thắc mắc, về luật. Hôm nay họ hỏi: “Thưa Thầy, trong sách Mô-sê, điều răn nào trọng nhất?” (Mt 22: 34)

            Trong 600 điều luật người Do Thái, nhiều khoản gói ghém mọi chi tiết, cần tuân giữ. Nhưng, câu mà nhóm Pharisêu hôm nay hỏi, lại đi thẳng vào trọng tâm vấn đề: về tương quan giữa Chúa với dân con. Câu hỏi hôm nay, tóm gọn những điều mà toàn bộ lề luật, muốn đề cập.

            Thông thường khi được hỏi, Đức Giê-su vẫn đặt lại câu hỏi, thay cho trả lời. Hôm nay, Ngài trả lời ngay vào vấn đề: Ngài trích dẫn không chỉ một luật, mà là hai. Trước hết, trích dẫn sách Đệ Nhị Luật, Ngài nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Đức Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và trí khôn”. Và, Ngài lại tiếp: “Đó là điều răn lớn, giới răn thứ nhất”

            Nghe thế, người theo Chúa không thấy có vấn đề gì để phản chống. Nên, Ngài tiếp: “Thứ đến, cũng giống điều ấy: ngươi phải yêu mến người đồng loại như chính mình.”(Mt 22: 38-40). Với người nghe, lời dạy trên là đòi hỏi thứ yếu. Và, ý nghĩa của cụm từ “người đồng loại” cũng hạn hẹp. Như truyện “người Samaritanô hiền” ở Tin Mừng Luca, Chúa cho thấy người đồng loại là ai. Người ấy, khác với ý của Ngài nêu ra, ở đây. Hôm nay. 

            Hôm nay, bận tâm của Chúa là về con người, chứ không chỉ về kính thờ Đức Chúa như được tỏ bày ở bài đọc 1, sách Xuất Hành. Nơi sách này, lòng xót thương, thiện cảm được chứng tỏ qua thái độ cho khách lạ ngụ cư, biết thương yêu bà mẹ goá, với con côi: “Nếu ngươi ức hiếp nó, và nó kêu oán lên Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu.” (Xh 22: 21).

            Điều Chúa nói, tuân giữ lề luật ở Cựu Ước thôi, chưa đủ. Chúa nối kết hai giới răn chung làm một, không tách rời. Như Tân Ước quả quyết: ta không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người anh người chị của mình. Bởi, không thể chỉ nói tiếng yêu thôi là đủ. Mà còn phải tiến xa hơn. Không thể đến với Chúa ngang qua người khác. Nhưng, tìm đến và yêu Chúa nơi họ, như đã viết: “Những gì các ngươi làm cho người anh em hèn mọn này, là các ngươi làm cho chính mình Ta”(Mt 25: 40)

            Như đã rõ, Đức Giê-su đồng hoá Ngài với người đói khát, trần trưồng. Kẻ ốm đau/bệnh tật và các tội phạm trong lao tù (bất kể tù về tội gì). Và, Chúa tự đồng hoá với những ai đang cần đến tình thương yêu và lòng thương xót. Khi xưa, Ngài thương xót người phong cùi. Thì nay, Ngài thương người bệnh Liệt kháng, rượu chè, ma tuý, vô gia cư, và người bị ruồng bỏ. Cả, lớp địch thù, luôn đe doạ, nữa.

            Giới răn yêu Chúa và mến người đồng loại, thật ra không phải là giới răn duy nhất, đích thực. Yêu thương mến mộ, không là thương yêu/mộ mến nếu việc ấy không hoàn toàn tự do, và bộc phát. Điều Chúa đề nghị, không chỉ là giới răn hoặc luật lệ qui định, nhưng là trọn vẹn phương cách sống cuộc đời mình đang sống; và, sống với mọi người, mà ta thường tương giao.  

            Thật ra, chỉ là giới răn duy nhất nhưng gồm hai việc, không tách rời. Cụm từ chính, vẫn là “tình thương”. Về tình thương, thực ra trong đó có ba mối tình: tình Chúa, tình người và tình mình. Cuối cùng, tình Chúa là cội nguồn của sự sống, muôn người. Luôn đến trước. Sau đó, mới là tình người. Đến rất tự nhiên. Tự nhiên, vì là nơi chốn Chúa ngự. Và bởi, người khác là đối tượng của tình Chúa. Nên, họ còn là đối tượng của tình mình, nữa. Và sau cùng, mới là tình mình. Như thế, mình cũng đáng được thương.

            Thật lạ, nếu tháp đặt các tình này cách hữu hiệu, có lẽ cũng nên thay đổi thứ tự, cho chuẩn: tình mình đi trước, tiếp đến là tình người và cuối cùng, là tình Chúa. 

            Theo cách thức nào đó, tình căn bản nhất vẫn là tình mình. Bởi, như Chúa nói ở trình thuật: “Hãy yêu người đồng loại, như chính mình.” Nghe vậy , có người sẽ nghĩ: đây là giới răn không cần thiết và cũng mâu thuẫn nữa , bởi, ai mà chẳng yêu chính mình. Nghĩ về mình và lo cho mình. Đằng khác, rất nhiều lần ta vẫn được dạy rằng: không nên tự ái, ích kỷ. Không nên chỉ biết có mình thôi. Vì vậy cũng nhiều người còn tự ghét mình. Ghét cái “tôi đáng ghét” hoặc, không tự tin. Và ngược lại cũng có nhiều người chỉ tìm cách làm đẹp bề ngoài của mình, bỏ ra quá nhiều tiền của cho quần áo, son phấn, ảnh hình làm kỷ niệm.  Chả thế mà  kỹ nghệ thẩm mỹ tốn hàng tỷ bạc, chỉ để giúp ta tô đẹp chính mình. Nhiều người còn chạy theo biểu tượng, người mẫu để chứng tỏ là mình “đạt”. Chứng tỏ rằng, mình đang sống ở thành thị. Mua đồ hàng hiệu qua xe cộ, thời trang, đồ dùng. Nhất nhất, được chọn lựa cẩn thận để diện mạo của mình khá hơn mặt thật, của chính mình. Nhưng thật sự, là chính họ đang lo sợ, ở trong lòng.

            Tại sao ta phải yêu chính mình? Vì, nếu không yêu thương chính mình, thì khó mà thương nguời khác được. Nếu không thương mình, thì ta sẽ không ưu tư là không biết người khác có thương mình không. Hoặc, quá lo cho ngoại hình của mình, để người khác chú ý, thương yêu. Đây mới là vấn đề. Vấn đề là, ngày nay ta quá chú trọng đến cá nhân. Quá tự do. Quá lo lắng về mình. Chẳng đoái hoài gì đến người khác. Và, điều này ảnh hưởng lên cách hành xử của ta trong cộng đoàn.        

Phải nên hiểu yêu thương chính mình, là chấp nhận những gì mình đã có, từ khi sinh. Cả đặc điểm, lẫn nhược điểm, hoặc cá tính. Cả tính xấu của mình. Chấp nhận mình nhưng không phải là không sẵn sàng đổi thay những tính xấu ấy mà không biết lắng nghe những ý kiến đóng góp tích của của người khác. Cũng không phải là cứ khư khư giữ lấy cái, mà đôi khi ‘đáng ghét’ của mình. Ở đây là một khi đã chấp nhận như vậy thì yêu chính mình, biết đổi thay và không ngại ngần khi người khác nghĩ về mình.  Như thế ta lại càng có nhiều thì giờ, hầu lo cho người khác và để ý đến nhu cầu của người khác. Và ta sẽ có tự do để đến với người khác cùng bận tâm đến an lành của người khác. Có như thế, ta mới bắt đầu biết yêu thương người khác, như yêu mình.

            Và cuối cùng, là tình Chúa. Nếu chỉ biết nói “Lạy Chúa, con yêu Chúa.”, thôi, là điều dễ làm nhất trên trần gian. Cái khó, là dám nói yêu Chúa, bằng hành động. Khó, là khi mình chẳng có kinh nghiệm gì về yêu đương và đương yêu. Vì có kinh nghiệm, mình mới thấy là Chúa đang hiện diện trong các kinh nghiệm về yêu thương, của mình. Như thánh Gio-an nói: “Nơi nào có tình thương yêu, ở đó có Chúa.”

            Có như thế thì giới răn Chúa đưa ra mới giúp ta đi vào hiện thực. Có như thế, ta mới biết rõ khi có người thực sự yêu ta, Vì chính lúc ấy đích thực là ta đang có kinh nghiệm về tình Chúa thương ta. Bởi, tình yêu thực sự là cách thức chứng tỏ Chúa đang hiện hữu. Với con người.

            Rất nhiều lần, Chúa chứng tỏ Ngài thương yêu ta, ngang qua những người đến với ta, trong đời. Chúa thương ta, là khi người khác đang có lòng yêu thương đối với ta. Và ta chỉ dám nói mình yêu thương Chúa khi ta biết yêu thương người khác. Cuối cùng, không phải có ba thứ tình, mà là duy nhất chỉ có một mà thôi.

            Thêm nữa, điều nên nói ở đây, là: tình yêu không nhất thiết phải là thứ tình đầy cảm xúc. Lãng mạn. Tình yêu, như được nói đến ở bài đọc 1, là có mọi người dự phần. Có sự tôn kính, rất sâu sắc. Tình đó, ngang qua cả đến những người đang hành xử tồi tệ, chỉ muốn hại mình. Đây là thứ tình khát khao mà mọi người đều trải nghiệm về cái tốt đẹp nhất, đối với họ. Đây là cách thức có liên quan đến tất cả mọi người để giúp họ trở nên người biết yêu thương, chăm sóc và giùm giúp. Để yêu nhiều hơn.Yêu mình. Yêu người. Và yêu Chúa.

            Bài đọc 2, thánh Phaol-lô nói với giáo đoàn Thessalonika:”Anh chị em biết đấy, khi ở với anh chị em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh chị em. Còn anh chị em, anh chị em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa.(1Th 1: 5). Đây là cốt lõi của việc tông đồ, rao giảng Tin Mừng của Chúa. Cốt lõi, không ở việc giúp họ trở lại Đạo. Thành người Công giáo. Nhưng, là dẫn dắt họ tìm đến với Chúa, Đấng yêu thương họ. Tìm gặp Chúa, qua yêu thương những người sống chung quanh.
           Lm Frank Doyle sj
           Mai Tá lược dịch