Tuesday 27 January 2009

THƯỢNG BẤT CHÍNH, HẠ TẤT LOẠN - Lm. VĨNH SANG

Quý độc giả thân mến,

Chiều qua, tôi có việc đi ra Sài-gòn, ngồi trên taxi, trao đổi vài câu chuyện với người tài xế. Rồi vì chuyến xe của tôi ra đường Nguyễn Huệ, nên chúng tôi bị hút ngay vào chuyện “phố hoa” Nguyễn Huệ.

Người ta đã bắt đầu làm giàn, đã phân lô và đang làm những con trâu bằng rơm bằng rạ, chắc mọi người phải miệt mài và vất vả lắm vì ngày Tết đã gần kề. Người nghệ sĩ phải sáng tác, người nghệ nhân phải chăm bón từ rất lâu, có khi nhiều năm trước để có những “thế hoa”, người xây dựng đổ công đổ sức để hình thành, cả một khối người lao động và sáng tạo.

Anh tài xế taxi bảo tôi: “Tệ quá đi ! Hà Nội... quê quá chừng, thua Sài-gòn mình rồi !” Sài-gòn có kinh nghiệm làm phố hoa nhiều năm, thế nhưng, cũng chẳng hơn gì Hà Nội đâu, năm “con heo vàng” hồi đó bị đánh cướp hoa và heo ngay giữa ban ngày đấy thôi !

Tôi dùng chữ “đánh cướp” không biết có chỉnh theo ngôn từ không ? Nhưng tôi cứ dùng, vì tôi thiển nghĩ: “Ăn trộm” là lấy của người ta khi người ta vắng mặt, người ta không biết; còn “ăn cướp” là lấy giữa thanh thiên bạch nhật, lấy ngang nhiên trước mặt người ta và sẽ phản ứng thô bạo khi người ta cố gắng bảo vệ tài sản của mình, không để bị lấy mất. Kẻ cướp lại còn tán tận lương tâm đến mức có thể hạ thủ làm hại luôn nạn nhân nếu cần.

Theo như chúng ta được thông tin, thì chuyện xảy ra tại phố hoa Hà Nội rõ ràng phải xếp vào loại “ăn cướp”, vì lấy giữa ngay ban ngày, lấy trước mặt mọi người, trước mặt chủ nhân, đã vậy lại còn phản ứng thô bạo khi người có trách nhiệm bảo vệ lên tiếng. Không thể dùng từ “khiếm nhã” vì từ ngữ này chỉ có nghĩa là thiếu lịch sự trong giao tế mà thôi.

Vậy mà, báo chí Việt Nam đã xếp thông tin này vào chuyện “thứ yếu” khi cho đăng trong các đề mục nhỏ và đặt ở những trang bên trong mà thôi. Một vài tờ báo “tích cực” hơn, đã tiếp tục bàn bạc về một số ý kiến của các nhà giáo dục hoặc xã hội. Ngược lại, trên các trang mạng thì sôi nổi hơn, những lời bình luận có phần gay gắt và phản ứng chung là không chấp nhận chuyện “ăn cướp” giữa thủ đô như thế này.

Người ta đi tìm nguyên nhân và đưa ra những đề nghị xử lý, phần đông bảo là do “người dân thiếu ý thức”, chính quyền phải cương quyết và mạnh tay để tái lập trật tự kỷ cương. Nói chuyện hoa lại nhớ chuyện giao thông, cũng vẫn những lý luận y như vậy, người ta đổ hết nguyên nhân gây ra tai nạn là do người sử dụng các phương tiện giao thông thiếu ý thức.

Thử nhìn vấn đề theo một góc cạnh khác. Nếu hệ thống giao thông hợp lý – không chỉ là hợp lý theo kỹ thuật mà còn là hợp lý theo nhân văn nữa – thử một lần ghé ngang qua khu vực có đường xe lửa đi qua, chúng ta thấy cái gì ? Ông Đường Sắt nhà ta lắp đặt hai cái hàng rào song song, cắt thành phố làm hai, hai bên không ai được phép băng qua cả, cư dân bên này không được phép phá hàng rào để liên lạc qua bên kia, thế là thế nào ?

Đề cập đến việc di dời ga Hòa Hưng ra ngoài thành phố, “các ông” đưa ra đủ thứ ý kiến để trì hoãn việc di dời, trong khi đó đất trong khu vực ga Hòa Hưng thì được phân lô xây cất rất nhanh, tiền chia chác đầy túi cán bộ. Nhân dân vùng này chờ đến khi nào các “đầy tớ” của mình chia nhau hết đất thì sẽ được giải quyết việc di dời, riêng hai cái hàng rào “Ô Thước” đó cứ việc để đấy !

Nếu hệ thống giao thông đúng kỹ thuật thì có thể xảy ra tai nạn được không ? Nếu hệ thống dạy và thi nghề lái xe không cấp bằng giả, bằng lậu thì có thể xảy ra tai nạn nhiều như bây giờ chăng ? Nếu không có những “chốt” mãi lộ dọc đường thì xe có tìm cách tăng khách, tăng hàng, tăng tốc độ chạy bù mà gây ra tai nạn không ? Tại sao không có những câu hỏi như vậy nhỉ ? Nếu đặt được những câu hỏi như thế thì đã có ngay câu trả lời rồi, sao lại cứ đổ tiệt hết cho người dân thiếu ý thức ? Thế cán bộ ăn lương từ tiền thuế của dân để làm gì ?

Trách người dân không ý thức, trách người dân không tuân thủ luật lệ, vậy những người có trách nhiệm đã làm hết trách nhiệm mình chưa ? Đất nước đã ngừng chiến tranh hơn ba mươi mấy năm rồi, bán đảo Đông Dương đang mừng kỷ niệm ba mươi năm thay đổi chính thể ở Campuchia, tiếng súng đã im hơn ba mươi năm ở miền Tây Nam tổ quốc, ba mươi năm xây dựng trong hòa bình thì nhân dân được gì ?

Trời ạ, hệ thống giáo dục rệu rã, lương tâm xã hội suy thoái biến chất, con người Tràng An thanh lịch nay cướp hoa giữa ban ngày, con người văn minh Sài-gòn nay bon chen ngột ngạt, “hòn ngọc Viễn Đông” chỉ còn là vang bóng một thời đấy thôi. Tôi cho rằng chính những người có trách nhiệm với đất nước phải chịu trách nhiệm về các vụ việc bê bối này, nếu phải phê phán thì phê phán những người đang cầm cân nảy mực, vì chính họ là tấm gương nhòe nhoẹt rạn vỡ để xã hội đua nhau hành xử theo.

Những suy nghĩ về “Lung linh hai tiếng gia đình” trong bài viết lần trước trên Ephata 401, tôi nhận được nhiều phản hồi từ người đọc, những dòng suy tư đã gợi nhớ về những gương mặt cha mẹ thân yêu của chúng ta, những tấm gương sáng ngời về nhân đức và về lối sống.

Cha mẹ tôi xuất thân từ nông dân, kiếp nghèo bám chặt cuộc đời của ông bà, đến đời con đời cháu cái gốc nghèo vẫn chưa “nhả” hết. Thế nhưng lòng kính sợ Thiên Chúa thì đã ăn vào tận thâm căn cố đế cuộc đời. Chúng tôi lớn lên, qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm, lời răn dạy và gương sống của mẹ cha vẫn chính là lòng kính sợ Thiên Chúa. Có những lúc chênh vênh bên bờ vực, nhớ cha nhớ mẹ, bỗng như mình chợt tỉnh, dừng lại kịp, kẻo lại “làm mất lòng Chúa”. Có những lúc cám dỗ dồn dập xô tới, bỗng nhớ mẹ nhớ cha với lời răn dạy “đói cho sạch rách cho thơm”, lòng tự trọng Kitô Giáo được đánh thức, được sống lại, giữ cho mình khỏi “sa chước cám dỗ”.

Cứ thế, tuổi càng về chiều, hình như lời răn dạy và gương sáng ấy càng sống động trong tôi, dìu bước chân mình trên đường vạn lý được vững chắc hơn, được tin tưởng hơn.

Cha mẹ tôi nghèo, lại ít học, nên ông bà chẳng có gì cao siêu để dạy dỗ con cái, chỉ là những bài học hết sức đơn sơ, rất cụ thể và chân chất bình dân làm “di sản phi vật thể” cho con cho cháu. Những bài học bình dân ấy ngô nghê nhưng đọng lại trong tôi lòng kính trọng, bởi vì chính trong những điều hết sức dung dị đó, tôi được sinh ra và lớn lên, được chọn làm Linh Mục, làm Linh Mục của người nghèo.

Đã từng là một người con, bây giờ là Linh Mục, tôi thấy tuổi trẻ và thiếu niên cần lắm những tấm gương trong cuộc sống Đức Tin của người làm cha làm mẹ, tiền bạc sẽ trôi đi, kiến thức cũng có thể mai một, chẳng cái gì có thể theo ta cả đời ngoài tấm lòng biết kính sợ Thiên Chúa. Phải chăng thời điểm này, thời điểm Hội Thánh Việt Nam lên tiếng về việc xây dựng một nền giáo dục Kitô ngay trong mỗi gia đình, đó là lúc mỗi gia đình ý thức vai trò giáo dục của mình, cha mẹ trở nên tấm gương sáng cho con cái...

Vâng, thượng liêm chính, hạ tất an !

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Sài-gòn 9.1.2009

Monday 19 January 2009

CUỘC HỘI NGỘ LÝ THÚ VỚI LM PHÊRÔ NGUYỄN QUANG DIỆP (HOÀNG DIỆP) - GS Nguyễn Lý-Tưởng

CUỘC HỘI NGỘ LÝ THÚ VỚI LM PHÊRÔ NGUYỄN QUANG DIỆP (HOÀNG DIỆP - DCCT)

(Viết để tưởng nhớ LM Phêrô Nguyễn Quang Diệp sinh ngày 30-11-1924 tại giáo xứ Vinh Hoà, huyện Phú Lộc (Vinh Lộc) Thừa Thiên...mới qua đời tại Huế, Việt Nam ngày 23-12-2008 thọ 84 tuổi. GS Nguyễn Lý-Tưởng)

Năm 1999, trong dịp đi thăm các Linh Mục, Tu Sĩ Dòng Chúa Cứu Thế VN tại Hải Ngoại cũng như thăm anh em thuộc gia đình An Phong (Cựu Đệ tử DCCT) và bà con họ hàng tại Hoa Kỳ...LM Phêrô Nguyễn Quang Diệp đã liên lạc với chúng tôi (Nguyễn Lý-Tưởng) tại Toà Soạn Nguyệt San Hiệp Nhất (Trung Tâm CGVN/GP Orange, Nam California) và sau đó, ngài được mời dâng Thánh Lễ do Hội Bảo Trợ GP Huế và Hội Cựu Chủng Sinh Huế tại Nam Cali, tổ chức tại Đền Thánh Tử Đạo VN, 1538 N.Century Blvd, Santa Ana, CA 92683...

Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp được nhiều ngừơi biết đến dứơi tên Hoàng Diệp, DCCT, tác giả nhiều bài Thánh ca danh tiếng.

Khi Đức Mẹ được Thiên Chúa rứơc về thiên đàng cả hồn và xác...các Thiên thần đã phải ngạc nhiên và thốt lên: “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông, đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời, oai hùng như đạo binh xếp hàng vào trận. Bà là ai?”

Người dân cư ngụ chung quanh khu vực Dòng Chúa Cứu Thế Huế, mỗi ngày được nghe chuông đồng hồ nhà thờ báo giờ bằng khúc nhạc trên đây. Đó là bản Thánh ca “Kìa Bà Nào...” mà tác giả là LM Phêrô Nguyễn Quang Diệp DCCT. (Nhiều ngừơi cứ tưởng rằng Cha Diệp họ Hoàng!? Hoàng Diệp là tên và cũng là biệt hiệu. Nhưng ngài họ Nguyễn). Cha còn sáng tác nhiều bài Thánh ca danh tiếng khác như “Hội Nhạc Thiên Quốc”, “Tôi Kết Hợp Cùng Chúa...” và nhiều Thánh ca, Diễm ca, Đạo ca, Thơ, Kịch,v.v....

Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp sinh ngày 30/11/1924 tại giáo xứ Vinh Hoà, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (trứơc 1945, Vinh Hoà thuộc huyện Phú Lộc, sau đó, Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập huyện mới là Vinh Lộc nên Vinh Hoà thuộc huyện Vinh Lộc, sau 30/4/1975, Vinh Hoà thuộc huyện Phú Lộc như cũ)...Cha mẹ ngài là ông Cố Nguyễn Quang Lưu và bà cố Nguyễn Thị Duyên, gia đình nông dân. Thời gian LM Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên ở Hà Úc từ 1920-1930 (Cha Nguyên sinh 1890, chịu chức LM năm 1920, qua đời 1950), ngài đã đi truyền giáo đến Vinh Hoà, Nam Trường, Mỹ Am thuộc vùng cửa biển Tư Hiền, tỉnh Thừa Thiên thì cha mẹ của LM Phêrô Nguyễn Quang Diệp là một trong những ngừơi đầu tiên trở lại đạo được Cha Nguyên rửa tội và làm phép hôn phối. Cha Diệp được Cha Nguyên rửa tội tại nhà thờ Vinh Hoà từ khi mới sinh.

Vinh Hoà, quê hương Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp là nơi phong cảnh hữu tình, gần cửa biển Tư Hiền, nơi có Núi Rùa, phá Cầu Hai, với ngôi chùa Túy Vân rất danh tiếng từ thời các chúa Nguyễn, nằm trên núi Tuý Vân, bên bờ phá (phá hay đầm là cái hồ lớn ăn thông với biển). Cạnh chùa có giếng nứơc ngọt do vua Thiệu Trị xây gọi là “Cam Lộ Tỉnh”...Đặc sản của vùng nầy là tôm, cá, dừa, cam, bưởi, trái cây,v.v...cho nên dân Thừa Thiên thường nói “dừa Mỹ Á, cá Mỹ Am, cam Mỹ Lợi...” đó là những địa danh quen thuộc của vùng này. (Mỹ Lợi là quê hương của Đức Đoan Huy hoàng thái hậu tức bà Từ Cung mẹ của vua Bảo Đại).

Trong tập hồi ký viết bằng Thơ của Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp, ngài có nhắc đến ngôi nhà nghỉ mát tại cửa Tư Hiền vào khoảng 1935 có tên “Hiền Nguyên” mà các Cha DCCT thường đến sinh hoạt ở đây. Thời thơ ấu, Cha Diệp rất say mê các sinh hoạt mùa Hè của các Cha, các Thầy và các chú đệ tử DCCT tại đây. Và từ đó, ngài đã xin vào tu học DCCT Huế.

Hiền là cửa Tư Hiền, thời nhà Lê có tên là Tư Dung, đến đời nhà Mạc vì kỵ huý vua nhà Mạc là Mạc Đăng Dung nên đổi tên là Tư Hiền (?), cái tên đó được ghi vào sách “Ô Châu Cận Lục” của Tiến sĩ Dương Văn An (1553) và vẫn giữ cho đến ngày nay. Nguyên là tên của LM Phanxicô Xaviê Dương Văn Nguyên (1890-1950), Cha Sở giáo xứ Vinh Hoà và là ngừơi đã dựng nên ngôi nhà nầy. Cha Nguyên là một trong những người đầu tiên đến truyền giáo vùng Nam Trường, Vinh Hoà. Ngài đã sống một đời tông đồ, hy sinh cho lý tưởng và đã trải qua một cái chết trong tinh thần “tử đạo thời nay”, bị Việt Minh (Cộng Sản) bắt giam và chết tại vùng núi tỉnh Quảng Bình khoảng năm 1950-1951. Thời gian Cha Nguyên làm chánh xứ Vinh Hoà thì cháu của ngài là LM Stanislas Nguyễn Văn Ngọc (1910-1992) lúc đó đang là Thầy Đại chủng viện Huế cũng thường có mặt tại Vinh Hoà và từ 1961-1965, Cha Ngọc là chánh xứ Vinh Hoà. Cha Nguyên vừa là ân nhân vừa là bậc Thầy của Cha Diệp và Cha Ngọc là bậc đàn anh của Cha Diệp. Cha Nguyên là anh ruột của mẹ tôi và Cha Ngọc là anh con bác ruột của tôi...đã nhiều lần tôi đến thăm Vinh Hòa nên tôi biết rõ quê hương, dòng họ của Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp..

Năm 1938, lúc 14 tuổi, cậu Phêrô Nguyễn Quang Diệp nhập Đệ Tử Viện Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Năm 1948, ngài vào Nhà Tập DCCT Hà Nội. Ngày 2/8/1949, ngài khấn Dòng lần đầu tại Hà Nội và tiếp tục học ở đó, chịu các chức nhỏ cho đến chức Sáu (1953). Sau đó, ngài vào Nam tiếp tục tu học và chịu chức Linh Mục tại Đà Lạt ngày 19-09-1954, vào tuổi 30.

Từ 1955-1962, ngài làm Phó Giám Đốc Đệ Tử Viện Vũng Tàu. Sau đó, ngài được đi dưỡng bệnh và từ 1963-1974 ngài đi truyền giáo tại Châu Ổ và đảo Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi. Sau cuộc đảo chánh, lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào ngày 01 tháng 11 năm 1963, Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp đã gặp nhiều khó khăn tại đảo Lý Sơn. Trung Úy Quận Trưởng đã đến đây tập họp dân chúng, bắt Cha và quý vị trong giáo xứ ra giữa sân để xét xử. Ông ta tuyên bố chính Cha Diệp và quý ông đã bắt ép dân theo đạo Thiên Chúa và đòi “bắn bỏ” những ngừơi nầy, đòi tịch thu “nhà thờ mới làm”...Mặc dù mới theo đạo, nhưng các vị trong hội đồng giáo xứ “đảo Lý Sơn” đã cương quyết không chối bỏ Chúa, không chối bỏ đức tin và sẵn sàng chịu chết để làm chứng sự thật...Nhờ bản tính hiền lành, khiêm nhượng, chịu khó hy sinh...Cha đã vựơt qua giai đoạn thử thách cam go nầy và đã củng cố lòng tin nơi anh chị em tân tòng. Cha nhờ ngừơi báo tin cho Cha Giám Tỉnh DCCT ở Sài Gòn và Dòng đã trình sự việc lên chính quyền Trung Ương nên Trung Ương đã ra lệnh cho vị Quận Trưởng không được có hành động sai trái đối với giáo dân.

Từ 1975 – 1989, ngài phụ trách giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên cạnh Dòng Chúa Cứu Thế Huế. Sau đó, ngài kiêm nhiệm chức Bề Trên DCCT Huế cho đến ngày về hưu. Ngài qua đời ngày 23/12/2008 vào những ngày chuẩn bị Lễ Giáng Sinh. Ngài có tài âm nhạc từ khi còn học sinh, năm 1948, khi mới vào Nhà Tập, ngài đã sáng tác bài Thánh ca “Tôi Kết Hợp Cùng Chúa”, rất phổ biến trong các nhà thờ từ Nam chí Bắc. Một số các bài Thánh ca danh tiếng như “Kìa Bà Nào...” “Hội Nhạc Thiên Quốc”...mà chúng tôi đã đề cập ở trên đã được khắp thế giới biết đến. Hàng ngàn ngừơi đã tiễn đưa ngài trong Thánh Lễ an táng do Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể, TGP Huế chủ tế và những bài Thánh ca do Cha Diệp sáng tác đã được hát lên để nhớ đến ngài. “Tôi kết hợp cùng Chúa và tế lễ toàn thiêu làm một với Ngừơi” là lời ca Cha Phêrô Nguyễn Quang Diệp cất lên trong ngày lễ khấn dòng lần đầu tiên 1948 tại Hà Nội cũng là lời kết thúc trong cuộc tiễn đưa ngài về nơi thiên quốc “kết hợp với Chúa”.
Ngày 12/01/2009

Friday 9 January 2009

QUÊ HƯƠNG SÁNG NGỜI - Lm. VŨ KHỞI PHỤNG


QUÊ HƯƠNG SÁNG NGỜI

Tôi đến Huế để thọ tang cha Hoàng Diệp. Từ hôm được tin cha mất ( 23 tháng 12 ) tôi cứ luôn nhớ đến mấy lời ca của cha:

“Ngày mai tới quê, ôi quê sáng tuyệt vời, là nước Trời
Lòng muôn ước mơ những khi hãy còn thơ
khi trông dãy núi mờ
Đây là trời xuân quê lành của cha
Đây thời hoàng kim muôn đời thiêt tha…”

Những lời ca này phần nào có tính tự sự. Hồi trẻ một hôm cha đã trèo lên núi Túy Vân nổi tiếng cảnh đẹp ở gần quê cha, nhìn về “dãy núi mờ” ở chân trời, rồi hát lên những lời này: tôi cho rằng khúc ca này có thể liệt vào số những giai điệu hay nhất cha đã sáng tác.

Rồi cha hát tiếp:

“Ngày mai đến quê, con vui sướng chào bà đầy phước lạ.
Hồn vui chứa chan như con suối ngàn hoa, ôi quê mẹ chói lòa.
Mẹ hiền nhìn con muôn vàn mến thương con hèn quỳ dâng tấm lòng biết ơn…”

Vậy là người ca công suốt một đời đã hát những lời như thế sau cùng đã đến nơi. “Quê sáng tuyệt vời là Nước Trời”, và “Quê Mẹ chói lòa” hôm nay không còn chỉ là điệu nhạc du dương, mà còn là một cõi nào đấy cha Hoàng Diệp đã bước vào. Tôi đi viếng, đi chào người anh, người thầy đã đi vào chốn siêu việt ấy.

Nhà dòng số 142 Nguyễn Huệ đây rồi. Cờ tang treo trước cửa. Dưới hai ba tấm rạp dựng trong sân nhà dòng, tôi thấy những vầng khăn trắng của thân nhân, các ông trong ban tang lễ Giáo Xứ túc trực bên bàn nước. Dọc mặt tiền Tu Viện và chung quanh bồn cỏ, rất nhiều vòng hoa tươi tắn gợi nhớ ánh sáng cầu vồng chứ không phải “Thung lũng tử thần âm u”. Đâu đây còn vọng lại những giai điệu Thánh Ca Giáng Sinh.

Tôi vừa xách hành lý vào thì nhiều người ra đón; hình như tôi đến dự lễ thế này là một sự bất ngờ với bà con. Bà con đón tôi bằng những nụ cười rạng rỡ: “Ôi, Thái Hà đây a ! Răng mà vô được tới đây ?”Vẫn khỏe mạnh hỉ ? Hồi này làm tài tử ti vi, hỉ ?” Mấy bà, mấy chị thì tíu tít: “Hôm 8 tháng 12, chúng con xem tin trên mạng mà cứ nhảy cà tưng, cà tưng !” Các bà, các chị ở xứ đạo Huế là nền nã lắm, vậy mà nhảy cà tưng cà tưng thì chắc là vui quá rồi !... “Vâng, vâng, cảm ơn bà con nhiều lắm, nhưng cho tôi vào viếng cha đã. Hôm nay tôi không kể chuyện Thái Hà đâu.”

Hôm nay không nói chuyện Thái Hà là vì thế này, bà con ạ: Cuộc đời phức tạp, rắc rối nhiều khi chất lên vai mình những trách nhiệm, những nghĩa vụ bủa vây tứ phía. Nhưng rồi có lúc phải thoát ra khỏi vòng vây ấy, phải định thần và mon men đến gần cái mà cha Hoàng Diệp gọi là “Quê sáng tuyệt vời, là nước Trời” đó. Nó là cái lý do sâu xa khiến cho bà con cầu nguyện, xa cách thế mà cùng khóc, cùng cười với Thái Hà. Nó là lý do khiến chúng tôi không chọn cái yên thân, lại đi mang vào cổ những vấn đề khó khăn hóc búa; nó như một mạch nước ngầm tưới nhuần cả những an bình lẫn lao đao của chúng ta. Hôm nay tôi chỉ muốn tìm đến mạch nước ấy.

Áo quan đã đóng chặt rồi, tôi không còn được thấy cha Hoàng Diệp nữa, nhưng bà con nhất trí bảo rằng, trước khi liệm, mặt cha bình an và đẹp hơn cả khi còn sống. Hình như hồn còn in một dung mạo trên thể xác rồi mới ra đi, một dấu vết thoáng qua thôi để lại cho đời.

Trong phút cầu nguyện và chia sẻ sau đó, tôi hướng về áo quan và thưa với bà con cùng anh chị em rằng: xin đừng nghĩ cha Hoàng Diệp đang nằm đây. Trong sáu tấm ván này chỉ còn lại chút hình hài phù sinh đang tan biến. Không, ta không thấy, nhưng cha Hoàng Diệp đang ở nơi này, ở giữa, ở với chúng ta đây này. Ta đừng nói: Cha sắp đi khỏi ngôi nhà này vĩnh viễn. Chỉ có “xác đất vật hèn” ra đi vĩnh viễn thôi. Cha đang nhìn thấy chúng ta, đang ở trong tiếng hát và lời cầu nguyện của chúng ta.

Cách đây bốn năm, mừng cha 80 tuổi, tôi có viết một bài về cha trên báo điện tử Ephata. Viết hay viết dở thế nào thì bây giờ tôi không quan tâm lắm nữa. Nhưng có một điều mừng, cha Hoàng Diệp đọc xong thì ngài nói tôi đã nhận định đúng về ngài, vì vậy ngài thưởng cho tôi 9/10 điểm. Ngài lại còn cho in ra để tặng các người thân của ngài. Bạn nghĩ xem: giữa cuộc sống có quá nhiều tiếng eo sèo, có nhiều sự hiểu lầm, có nhiều điều thất thiệt, nhiều sự đổi trắng thay đen mà một người chân thành và trầm tính như cha Diệp đã phê là tôi nói đúng về cái tâm của ngài, thì phải mừng chứ. Nói cho ngay, tôi cũng chẳng cần phải sắc sảo gì lắm. Chẳng qua tôi rất thích các ca khúc của ngài. Tôi liền ráp nhiều trích đoạn lại với nhau, để thử phác họa một dung mạo.

Bây giờ cha Hoàng Diệp đã vào cõi vĩnh hằng, tôi xin đưa bài viết ấy đến phúng điếu cha. Nó không có được sự trang trọng đượm chất u buồn của một lời điếu, nhưng cha Diệp có phải là người buồn đâu, và bây giờ ngài lại càng không buồn. Tôi lại muốn gửi bài viết này tới bạn đọc làm một kỷ niệm về cha Hoàng Diệp; cha đã duyệt bài của tôi rồi vậy thì nó không đến nỗi sai.
Nhà dòng Huế thuật rằng gần đây có đêm cha Hoàng Diệp mơ thấy điều gì rất hạnh phúc, đến nỗi ngài bật khóc, khóc thật, không phải khóc trong mơ đâu, khóc ướt cả áo gối ! Tỉnh dậy, ngài nóng lòng muốn thuật lại cho anh em giấc mơ của mình, nhưng đến lúc đó thì ngài không còn nhớ nổi mình đã mơ cái gì nữa, chỉ còn biết là đã thấy một điều rất hạnh phúc. Biết đâu, những lời ngài đã hát cả đời có thế chỉ cho chúng ta một hướng để đi tìm cái hạnh phúc mà ngài không còn ý niệm và không còn lời để nói ra….

Tôi xin có đôi lời giới thiệu trước như vậy để lần sau được chia sẻ với bạn đọc về cha Hoàng Diệp và những bài ca của ngài.

Lm. VŨ KHỞI PHỤNG, Huế, 26.12.2008

Trong bài “Quê hương sáng ngời” trên đây, tôi có nói đến một bài viết được cha Hoàng Diệp cho là nhận định đúng về ngài. Dưới đây là bài viết đó, xin tặng các bạn để tưởng niệm cha Hoàng Điệp.