Friday 29 May 2009

Duc In Altum - 66



Đi Đạo là sống Đạo?

Sống phù hợp Đạo Chúa, người Công giáo vẫn hay hát. Hát cả khi vui, lẫn lúc buồn. “Hát là cầu nguyện, những hai lần”. Người nhà Đạo hát rất chăm. Suy tư rất nhiều. Có những bài ca làm ta tỉnh giấc, như bài “How Great Thou Art”, nhưng nghe chưa được chuẩn, cho lắm. Chí ít, là tiểu khúc, câu 3. Như tác giả dẫn ý: Hân hoan tình Chúa rất bao la, chẳng ngại hồn đau vẫn cứ là. Là, Con Một Hiền lành theo cõi chết, Ôm trọn tội người, trọn ý Cha.

Vâng, tiểu khúc trên, dù mang cả một truyền thống ý nghĩa, vẫn coi cái chết của Đức Kitô, như hành động chuộc tội, do Cha muốn. Nhận định như vậy, tức bảo: khổ đau và sự chết của Giêsu Đức Chúa lại là giá chuộc mạng mà Ngài đã thanh trả cho bọn xấu, để ta có thể chia xẻ sự sống với Cha. Như chọn lựa, cái chết của Đức Giê-su phải được coi như hành động duy nhất làm Cha nguôi giận về tội người. Chính vì thế, mà Cha vẫn tiếp tục thương yêu loài người như khi trước.

Nghe nhạc ướt át như thế, đôi lúc làm ta sợ. Có lẽ, nên kiểm xem lời ca ý nhạc, có chuẩn hợp với nền thần học ta được dạy, không. Một đằng, thần học khẳng định rằng: tình thương yêu đặc biệt Chúa ban, rất cao sang vời vợi. Tình yêu Ngài, ngang qua mọi thăng trầm của cuộc sống, khi vui lúc buồn. Đằng khác, khi hát, ta kể nhiều về nỗi khó khăn, buồn phiền mà Đức Giê-su gánh chịu. Xem như thế, há chẳng phải ta chủ trương: Đấng Tạo Hoá đầy lòng bao dung, vẫn đẩy Người Con Thân Yêu vào nỗi chết, có tủi nhục? Há ta coi đây như phương cách duy nhất khiến Ngài hài lòng, sao?

Áp dụng vào xử án, đôi lúc cũng nên hỏi: quan án có để cho đương can vô tội chết lặng trong lỗi phạm? Và như thế, Đức Chúa, vị Quan Án Tối Cao, có quyền bính gì trên sự dữ/ác thần, chăng? Đây là cách duy nhất để Ngài kiểm nghiệm sự hy sinh cao cả của Con Yêu Dấu của Ngài, sao? Các vấn nạn ấy, gây ảnh hưởng lên đời sống đức tin của người đi Đạo. Đôi lúc, điều này làm ta xa vời niềm tin đích thực, lâu nay thường được nhắc nhớ, rằng: Chúa trên cao vẫn thương mọi người, dù cho con người có lầm lỡ, lỗi phạm nhiều điều.

Ngày nay, ta nghe nhiều về các nạn nhân, không còn chọn lựa nào khác, đã rơi vào bẫy cạm của lỗi phạm. Thật ra, trong nhiều trường hợp, việc ấy không do họ. Mà, do người khác đối xử không theo lẽ Đạo. Người khác, là những người có tự do trong đối xử rất “khác người”. Rất lạ kỳ. Buồn bã. Người khác đây, vẫn là người biết nhiều. Hiểu nhiều. Nhưng, đứng ở góc cạnh nào đó, ta sẽ cùng với “người khác” ấy, biểu đồng tình cho rằng: Đức Kitô là nạn nhân của thánh ý Cha. Khi Ngài chấp nhận khổ đau, và nỗi chết. Hiểu như thế, tức cho rằng: Cha vẫn muốn có hy sinh. Vẫn muốn chuộc mạng, để đổi chác lấy tội con người, hòng tha thứ? Hiểu như thế, sẽ kéo theo ngộ nhận rằng: mình là nạn nhân của Chúa, không chừng. Nếu Cha muốn Đức Kitô phải khổ và chết, thì phía ta, sao lại buồn khi lĩnh nhận thánh giá tưởng-chừng-như-là-quá-nặng?

Suy tư theo chiều hướng này, sẽ thêm nghi ngờ, là bài Thương khó thánh Mác-cô ghi lại, có thể đã nhấn mạnh tính miễn cưỡng của Chúa khi Ngài chấp nhận khổ ải. Quả là, thánh sử có nhắc việc Ngài ngồi cùng bàn với phường giá áo, túi cơm. Làm bạn với bọn phản phé. Làm thầy những người chối bỏ sự thật, bỏ của chạy lấy người… Nhưng không thể hiểu như thế. Không thể theo khuynh hướng này. Bằng không, sẽ có người ngờ: thánh Mar-cô ám chỉ Chúa hoảng sợ trước cái chết ô nhục, gần kề. Và, trong chiều hướng ấy, sẽ nghĩ là: khi Ngài cất tiếng “Lạy Cha”, tức là Ngài kêu lên lời ai oán để cứu mình khỏi cơn buồn phiền, sao? Cuối cùng, hiểu theo chiều hướng này, sẽ có người nghĩ rằng: Đức Kitô nhận “làm theo ý Cha”, nhưng phút cuối, vẫn thấy như mình bị bỏ rơi trên thập giá? Không. Đó không phải là thần học. Suy cho kỹ, hiểu theo các chiều hướng này, chắc chắn có sai sót. Đọc kỹ, đoạn Chúa chấp nhận thánh ý Cha tại Vườn Âu Sầu, thay vì hiểu theo hướng xấu, đổ riệt mọi lỗi cho Cha, có lẽ nên coi đây như một khẳng định. Khẳng định rằng: Đức Kitô một lòng chung thuỷ với đường lối Ngài tuân theo, trong hành xử với Cha. Với con người. Ngài vẫn một mực tuân phục Cha. Tuân phục đến chết. Vẫn thương yêu con người, và yêu thương đến hơi thở cuối cùng.

Có thế, Đức Kitô mới trấn át giới chức đạo-đời, thời bấy giờ. Ngài qui chiếu khẳng định nòng cốt này, đến nỗi họ thấy không làm gì được, ngoài chuyện ra tay ám hại Ngài. Xem thế, qua việc chấp nhận cái chết trong tuân phục, Ngài hy sinh đến phút cuối. Ngõ hầu chứng tỏ cho mọi người thấy:Ngài thương yêu loài người đến cùng. Điều này cho thấy: Chúa đã sống thực. Sống tư cách rất “người”. Vì trung thực với cuộc sống thủy chung, Ngài bị quyền lực đen tối sự dữ/ác dẫn đến nỗi chết về thể xác. Chết rất nhục. Hôm nay, có kinh qua thống khổ của thập giá; và chết cho chính mình, ta mới nhận ra được cái giá phải trả, khi giáp mặt thực trạng của người phạm lỗi, trái luật. Và có như thế, mới sống đúng yêu cầu của Vương Quốc Nước Trời. Vương Quốc bình an và công chính.

Tuần thánh năm nay, ta cử hành tuyên xưng mầu nhiệm sống xứng hợp Đạo. Bằng vào cử hành tưởng niệm sự sống, nỗi chết và sự sống lại của Chúa, ta cầu mong được chuyển thể từ tâm trạng sai lầm -nghĩ mình là nạn nhân do Chúa muốn ta hy sinh, đau khổ- để tiến tới trở thành kẻ có ý thức chọn lựa. Chọn, lối sống mẫu mực yêu thương của Chúa, Đấng suốt đời trung thành, thuỷ chung. Trung thành trong thuần phục. Thuỷ chung trong thương mến.

Cầu và mong, cho ta biết trân quý sự sống. Vì, có trân quý, ta mới thực sự từ bỏ thái độ tiêu cực của những người luôn nghi kỵ, chống đối. Chống Vương Quốc Nước trời, ở trần gian. Ở đây. Bây giờ. Cầu và mong, ta dõi bước chân mềm của Chúa. Biết rập khuôn bắt chước lối sống thuỷ chung, trong hành xử giữa Cha và Con. Dù, sự việc có xảy đến thế nào, đi nữa. Dù, đường đời còn lắm gian nan. Khổ ải. Bởi, có Đức Kitô là mẫu mực cho sự thủy chung, tuân phục, thì dù gặp muôn vàn khổ ải đến cùng cực, ta vẫn cứ đầu cao mắt sáng, hiên ngang lên mà chúc tụng. Chúc tụng Ngài, cả vào lúc cộng đoàn kẻ tin đang sầu buồn, than khóc ngày Chúa chịu khổ nạn. Bởi, với người dõi bước theo Chúa, sẽ chẳng có gì là tang tóc. Khóc than. Tất cả, vẫn là yêu thương. Đồng cảm. Đạo Chúa là Đường dẫn ta đi. Đi vào đời, còn lắm gian nan. Nhưng không nhuốm mầu tang chế.

______________Richard Kennards, SJ Mai Tá lược dịch

Đời đẹp quá…bài thơ!

Bộ phim Ý mang tựa đề: “Đời đẹp quá” phản ánh nhiều sự thật ở Tin Mừng. Phim kể về một người cha hiền hậu cố thuyết phục đứa con lên 5, bảo rằng: những chuyện xảy ra ở trại tập trung, giống như trò tinh nghịch mà Đức Quốc Xã tạo ra để thử lòng người Ý. Thật sự, đạo diễn Roberto Benigni biện luận: mục đích của ông khi làm phim này là để khẳng định: phần đông cha mẹ vẫn làm hết mình để con cái khỏi giáp mặt với thực trạng tội ác, ở đời. Và, các bậc cha mẹ khi xem phim ông đều đã nắm bắt được thông điệp ấy.

Ở ngoài đời, làm cha mẹ ai cũng chấp nhận đối đầu với mọi hiểm nguy, bỏ giờ ra với con xem phim để giải thích cho con về bi kịch cuộc đời. Về phần Đạo, Chúa làm biết bao việc lớn lao cho con người. Đạo ta là Đạo duy nhất tin rằng Đức Chúa mặc xác phàm, chết vì thương ta. Có thế, ta mới hiểu được mối tình cao cả Ngài bày tỏ với ta. Thành thử, hiểu lòng người, Ngài vẫn đợi nơi ta một sự đáp trả thân thương, nên đã khuyên nhủ: các con hãy yêu thương nhau như anh em cùng nhà, không phận biệt gái trai, giầu nghèo.

Hôm nay, Chúa khẳng định: lòng yêu thương của người tín hữu phải được đo bằng mức độ hy sinh, ta tặng nhau. Đây là thách thức lớn hiện diện nơi lời mời gọi yêu thương. Thứ tình yêu luôn đính kèm sự hy sinh. Yêu thương chẳng đắn đo, không tính toán. Và, những người ta cần yêu nhất chính là người mà ta chuẩn bị hy sinh những gì của ta, tự nơi ta. Hy sinh mọi thứ thuộc về ta. Đấy là yêu thương.

Đúng hơn, chúng ta nhất định phải nói với những người lâu nay mình không ưa thích, rằng: ta yêu họ rất mực. Với tín hữu Đạo Chúa, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta yêu thương mỗi người, và mọi người. Tuy nhiên, muốn đạt mục tiêu ấy, không phải dễ. Chúng ta hay đi quá xa sự thật; tức, nói khác điều mình nghĩ. Nếu đó là thói quen thông thường, thì giá trị của Đạo mà ta cố duy trì sẽ giảm sút rất nhiều.

Bình thường, ai cũng có quyền đeo đuổi lập trường riêng tư. Mỗi người có lý để hành xử theo ý mình, nghĩa là có quyền yêu thích, vui hưởng, đam mê, trân quý cũng như cảm kích, biết ơn người khác theo cách của mình. Tuy nhiên, làm thế vẫn chưa thực sự yêu thương người đồng loại. Người đồng loại nói trong Tin Mừng chính là anh em ta. Ít người trong chúng ta biết ép mình từ bỏ cuộc sống dễ chịu, để yêu thương, phục vụ người đồng loại. Và, đó là mệnh lệnh từ Thiên Chúa của Tình Thương, rất dễ nhớ. Đằng khác, yêu người đồng loại như anh em mình là thôi không nói: ta cũng yêu đủ thứ, như: yêu thú vật, thích ý kiến này hoặc tổ chức này nọ. Bởi, tất cả các thứ ấy không là tình thương hai chiều. Chỉ con người mới đích thực yêu thương con người, thôi. Đức Giê-su đã không chết cho một tổ chức quyền lực nào hết. Cái chết Ngài chấp nhận, chỉ vì yêu. Thứ tình không lý giải ấy Ngài mang đến với hết mọi người. Nếu bảo rằng, ta yêu cầm thú, nhà cửa, xe cộ hoặc công ăn việc làm, yêu ý thức hệ, hoặc Giáo hội hơn con người, thì điều đó chưa chắc đã đúngt, hiểu theo nghĩa yêu thương đích thực.

Đôi lúc ta nghĩ: khi Đức Kitô nói đến tình yêu, là Ngài nói đến tình gia đình ruột thịt. Tình hạn hẹp, cụ thể. Nhưng, không phải thế. Khi nói: hãy yêu thương nhau như anh em, Ngài ám chỉ đến bạn bè. Lắm khi, ta nghe nhiều người cho biết họ đang gặp phiền hà, rắc rối với gia đình, khiến họ chỉ muốn gần bạn bè để thở than. Đến với bạn hơn đến với người thân trong gia đình. Đó là giây phút căng thẳng, xuất phát từ những đắng cay, hậm hực làm mất ý nghĩa của tình yêu đích thực mà bà con ruột thịt không còn trao cho nhau, nữa.

Sở dĩ ta đến với bạn và tìm đến sức mạnh của tình bạn thay vì người thân, là vì bạn hiểu rõ chuyện riêng của ta hơn. Có những thiên tình sử đắng cay ít khi ta tỏ cho người nhà biết. Quả là, bạn bè hiểu rõ nhau hơn, biết ân cần cho nhau thời gian, chăm sóc nhau, trao nhau lòng thương yêu trìu mến, không vụ lợi. Tình bạn, là thứ tình mang tính hỗ tương, đáp trả.

Tin Mừng cho ta thấy chính bạn bè, tình thân mới chuẩn bị để trao tặng sự sống mình cho nhau. Trao như người anh em. Không ẩn ý, hạn chế. Đó là điều ta mừng kính ở đây, Tiệc Chúa Nhật. Đức Kitô cho thấy tính chất đặc biệt của lòng yêu thương trìu mến Ngài đối xử với ta; để nhờ đó, ta có sức mà ra đi rao truyền cho mọi người biết về tình yêu thương của Ngài. Từ đó, mọi người rút kinh nghiệm sống về tình thương Ngài ban cho mỗi người theo cách thế vui tươi, phấn khởi. Có yêu thương trao tặng thực, ta mới chấp nhận mọi hy sinh vì người mình yêu, cho người mình tặng.

Chẳng ai ngang nhiên bảo rằng cuộc sống của người tín hữu Đức Kitô là cuộc sống lúc nào cũng “cơm lành, canh ngọt”. Không. Sự thật không như mọi người tưởng. Tuy nhiên, với Bạn Nhân Hiền là Đức Giê-su luôn ở ngay bên, ta không đơn độc, lẻ loi. Ngài đã khẳng định tình thương yêu của Ngài với tất cả mọi người như bạn bè trong cộng đoàn Ngài. Tất cả là bạn bè cùng niềm tin. Tất cả vẫn ở bên ta. Luôn hỗ trợ ta trong mọi tình huống. Dù cam go, thách thức. Thách thức, phải hy sinh cho tình thương ta cần có, như đã khuyên dạy.

Quả thật, yêu thương người ruột thịt trong gia đình, không khó. Vì người nhà luôn đáp trả bằng tình thương yêu, hiền hoà. Vì người nhà vẫn là khúc ruột ân tình, đáng yêu. Nhưng, yêu thương mọi người như anh em, thật không dễ. Không dễ, vì những người mà lâu nay ta không ưa thích, hoặc chẳng thương yêu gì mấy, nay có lẽ cũng đang gặp khó khăn, trở ngại.

Nói cho cùng, yêu người đồng loại không là chuyện đầu môi chót lưỡi. Mà là mệnh lệnh cấp bách xuất từ Đấng hằng thương yêu mọi người, thương hết mình.

Richard Leonards, SJ

MaiTá lược dịch.

Tình ca người Mẹ Hiền

Mary Vũ

Kính gửi

Các anh chị

trong Gia Đình An Phong thân mến,

Từ lâu rồi, em vẫn muốn gác kiếm đao binh, thôi không bàn luận tranh cãi gì nữa chuyện đời người. Khổ nỗi, “cây muốn lặng, mà gió chẳng ngừng”. Gió ở đây, không phải là Gió Thánh Thần hay Chúa Thánh Linh, gì sốt. Mà là, bác chủ biên kiêm chủ nhiệm của báo nhà réo gọi tên em với lại tên chị nọ, cứ dài dài. Đành phải cắn bút, nặn óc cho ra vài giòng, mới thôi.

Nói thế chứ, bác chủ biên lúc này trông đến là tội nghiệp. Bác ấy lo sốt vó thế nào không biết, mà hình hài xem ra có vẻ tiều tuỵ, lắm đấy. Không chừng khó qua được con trăng dài thườn thượt mấy chục niên cơ đấy. Thấy vậy, em bèn lục sách cũ xem có ý tưởng nào độc đáo, gửi về kẻo bác ấy đòi hoài nghe thấy thảm.

Thú thật với mấy anh chị là, các cụ nhà ta khi xưa nói nhiều câu cũng đúng lắm đấy chứ. Chẳng hạn như câu nói bất hủ: thánh nhân đãi kẻ khờ khạo hiền lành, như em. Thật là, buồn ngủ gặp được chiếu manh, vừa mới bóp trán có chút xíu thôi, là nhỏ em nó đã mách nước, gửi cho một vài câu châm ngôn, làm giàn phóng, lấy hứng mà viết. Mấy câu ấy như thế này: “bạn hãy để ra mỗi ngày chừng 30 phút, mà suy tư và cầu nguyện”. “Ai cũng có quyền vui sống hạnh phúc.” “Hạnh phúc là như con heo ống để dành tiền. Cứ bỏ vào đó bất cứ thứ gì bạn thích theo khả năng. Một ngày nào đó, chắc chắn bạn sẽ có cơ hội đem nó ra mà thưởng lãm. Nhờ có thế, bạn sẽ ra đi trong mỉm cười…”

Hôm nay, dù chưa đến lúc phải ra đi trong mỉm cười hay than khóc, hiện giờ em đang như người tiết kiệm, bỏ vào con heo đất bất cứ thứ gì em thấy là mình vui. Hy vọng sau này, sẽ thấy mình khá đủ để vui thú cuộc đời, khi về già. Nhất là vừa qua, nhân ngày “Nhớ ơn Mẹ”, em có cơ hội được ở nhà, để bọn trẻ tụ họp nhau xào xáo món gì đó, tha hồ mà “vọc đuôi tôm”, ở góc bếp cũ kỹ, của bọn em. Trong khi bọn con cái kiếm thức ăn nhanh mua về thêm thắt thành một bữa, thì em chui vào chăn nệm, đọc vội bức điện thư mà nhỏ bạn vừa gửi, nhân ngày lễ Mẹ. Trong bài, em đọc thấy có nhiều ý tưởng rất ư là ngộ nghĩnh. Đó là những câu trả lời của các em bé, về người mẹ. Câu hỏi, là do thày cô ở trường đề ra, tha hồ mà viết. Trong các câu trả lời, có những đoạn như sau:

*Hãy nói cho cô nghe: tại sao Chúa lại dựng ra các bà mẹ để làm chi? Có mấy em trả lời:

  1. Mẹ là người duy nhất ở nhà biết là ba để cái băng keo ở chỗ nào.
  2. Chúa tạo dựng ra mẹ chính là để dọn nhà dọn cửa.
  3. Mẹ được Chúa dựng để giúp cho tụi con đi ra ngoài dạo mát, khi tụi con đứa nào cũng ngán chuyện ngồi nhà.

*Thế Chúa dựng nên mẹ cách nào?

1. Chúa dùng bụi mù như bọn em vẫn làm.

2. Chúa biến cục xương sường thành mẹ, giống các ảo thuật gia nhà nghề. Chúa hô một tiếng là có ngay.

3. Chúa dựng nên mẹ cũng giống như Mẹ dựng ra con. Nhưng chỉ khác một điều là Ngài sử dụng số lượng nhiều hơn thôi.

*Khi dựng ra mẹ, Chúa sử dụng thứ nào?

1. Chúa dùng làn mây, lấy tóc của thiên thần rồi Ngài thu gom vẻ đẹp từ các bông hoa, kết lại thành người đàn bà, trông rất đẹp.

2. Làm gì thì làm, Chúa cũng lấy từ xương người đàn ông rồi chế tạo ra mẹ. Theo con, chắc chắn la Chúa phải dùng nhiều sợi dây ghê lắm mới cột được các xương sường bị lấy đểm làm thành xương cho mẹ.

*Lúc xưa mẹ giống cô bé nào nhất?

  1. Mẹ thì lúc nào cũng chỉ giống có mình mẹ mà thôi. Chẳng khi nào mẹ giống cô bé nào hết đó.
  2. Con cũng không biết. Vì lúc ấy con không có mặt ở đó. Nhưng con cũng đoán được là mẹ giống như mấy nhỏ xí xọn kia, đó cô
  3. Ai cũng bảo mẹ xưa dễ chịu chứ không như bây giờ.

*Sao Chúa chỉ cho mỗi mình con người mẹ hiền chứ không phải ai khác?

1. Ai cũng thế chứ đâu phải có mẹ thôi đâu.

2. Chúa biết là Mẹ thương con, thương hơn bà nào khác thương con nữa kìa.

*Trước khi lấy ba, mẹ có biết gì về ba không?

1. Có chứ. Mẹ còn biết cả tên họ của ba nữa.

2. Mẹ cũng biết khi xưa ba làm gì rồi. Mà, lúc ấy ba yếu xìu à. Ba chỉ biết uống bia rượu không à. Xỉn hoài à.

3. Mẹ cũng biết là ba đi làm mỗi năm kiếm được khá bộn. Ít nhất được 800 đô. Mẹ còn biết ba không bao giờ bỏ nhà đi chích. Suốt ngày lo việc nhà, hư gì sửa nấy.

*Tại sao mẹ chấp nhận lấy ba làm chồng?

1. Ba còn biết chiên cơm. Mẹ thích ăn món ba nấu lắm, như thế đỡ phải đi chợ.

2. Nếu không lấy ba, mẹ đâu biết lấy ai…

3. Ngoại nói, mỗi lần mẹ la mắng con, là lúc đó mẹ không có cái đầu để suy nghĩ. Mẹ quên mất mẹ là người mẹ hiền lành.

*Ở nhà em, ai làm xếp?

1. Thật ra mẹ không muốn làm xếp, nhưng vì ba biếng nhác số một, nên mẹ phải làm.

2. Chính là mẹ. Cứ xem cách mẹ đi khám phòng là biết. Mẹ nhìn cả ở dưới giừng.

3. Con nghĩ chính là Mẹ, vì ở nhà chỉ mình Mẹ là làm việc, còn ba chỉ uống bia xem TV.

*Giữa ba mẹ em, có gì khác nhau không?

1. Mẹ làm việc ở sở và ở nhà, còn ba chỉ làm ở sở mà thôi. Về nhà ba đâu có làm gì.

2. Mẹ biết cách nói chuyện với thày cô mà không làm ai sợ.

3. Ba cao và to lớn, nhưng Mẹ đầy quyền. Mỗi lần cần chuyện gì, bọn em đến hỏi Mẹ chứ đâu nào hỏi Ba.

4. Mẹ là nhà ảo thuật giỏi. Mẹ làm em thấy khoẻ hẳn ra, mà chẳng cần uống thuốc.

*Mẹ làm gì khi có giờ rảnh rỗi?

1. Mẹ của em chẳng bao giờ rảnh cả.

2. Mẹ nghe em hỏi, rồi còn đóng đủ thứ tiền.

*Cái gì làm cho Mẹ là người Mẹ hiền của em?

1. Bên trong Mẹ, cái gì cũng tuyệt hảo. Còn bên ngoài, em thấy Mẹ toàn đồ giả không à!

2. Nhìn tóc Mẹ, em chỉ muốn tô mầu. Mầu xanh giống mây trời đẹp nhất.

*Nếu được phép sửa cho Mẹ, em sửa gì?

1. Lúc nào Mẹ cũng cằn nhằn là phòng em tùm lùm nhiều đồ tung toé. Em chỉ muốn Mẹ sửa bỏ chuyện đó, cho em khoẻ.

2. Em muốn Mẹ khôn hơn để mẹ biết đó là do nhỏ em nó làm chứ không phải em đâu.

3. Em muốn Mẹ bở bớt con mắt ở sau gáy để Mẹ không thấy em làm gì, khi Mẹ quay đi.

Đấy, chỉ là đôi điều sơ sài kể ra đây thôi. Hẳn là các anh chị cũng thấy vai trò người phụ nữ quan trọng biết là chừng nào.

Giả như nội san Duc in Altum của anh em trong Gia Đình An Phong mà không có chị em mình hợp tác viết bài, thì chắc báo của mấy ỗng cũng khô khan lắm. Chẳng ai thích đọc đâu nhỉ? Tối ngày toàn những suy niệm và suy tư, khô thấy mồ.

Thôi chết. Em lại lỡ miệng nói những điều phạm huý mất rồi. Bây giờ rút lại không được. Vậy thì, chị em mình ráng giúp giùm anh chủ bút kiêm chủ nhiệm một chút. Trước là để báo của mấy anh ấy không khô và anh chủ bút không còn nhọc công kêu gọi hoài đến mệt.

Em cầu chúc cho gia đình An Phong mình sẽ là gia đình rất dễ mến và dễ yêu mãi mãi. Hoài hoài. Không ai chán.

Mary Vũ.

Giáo hội Công giáo và người Công giáo Việt Nam

__________________________ Trần Ngọc Tá

1.Giáo hội Công giáo: chung mà riêng/riêng mà chung!

Anh chị thân mến ,

Trong thư trước, anh chị có đề nghị tôi viết cho Tin Nhà nói lên cãm nghĩ riêng tư của mình về Giáo hội công giáo hoàn vũ. Thú thật tôi hơi ái ngại lúc ban đầu. E rằng làm như thế sẽ có đụng cham hoặc hiểu lầm. Vì tính tôi hay nói thẳng, nói thật những điều mình nghĩ. Nhưng xét cho cùng, tôi thấy mình không nên có thái độ chùm chăn, tiêu cực. Trái lại, phải đóng góp đôi chút cho Giáo hội, dù chỉ vài ba ý kiến thô thiển. Thế là, trong tôi nảy ra cái ý định viết đôi ba hàng về điều mà tôi gọi là chung mà riêng/riêng mà chung, tức những điểm son của Giáo hội.

Từ lâu, tín hữu Công giáo vẫn quan niệm rằng Đạo của họ là đạo chung (công: chung, giáo: đạo), tôn giáo chung cho toàn thể nhân loại. Chữ chung trong cụm từ Công giáo xuất từ chữ catholicism bên tiếng Anh và catholicisme bên tiếng Pháp. Từ này, còn có lai lịch từ tiếng Hy Lạp gồm hai âm: kata có nghĩa là “chuyên chú về” và holos : toàn bộ hoặc chung cho tất cả. Ấy, là định nghĩa mà các nhà làm tự điển như The Australian Oxford Dictionary và The Macquarie Encylopedic Dictionary đưa ra. Nhà Oxford còn đưa thêm tính cách phổ cập của Đạo bằng một khẳng định: khi nói Công giáo người ta thường nói đến các tín đồ Thiên Chúa ở phương Tây. Sau đó, nhà Oxford lại đặt hình dung từ Roman trước chữ Catholics, cho rõ nghĩa.

Xem thế, anh chị cũng như tôi thấy rằng, dù chỉ đề câp đến định nghĩa và danh xưng Công giáo thôi, đã có khác biệt về chính kiến cũng như cách thức điều hành của tổ chức tôn giáo lớn này. Bàn thêm, anh chị cho phép tôi liên tưởng đến lập trường của một linh mục chánh xứ họ đạo lẻ, thuộc miền Tây Sydney, Úc Châu nơi chúng tôi ở. Linh mục chánh xứ này, rất tự hào với tính cách “đại đồng” nơi Đạo của ông. Và, ông vẫn thường cầu nguyện chung với các tín hữu hiện diện trong thủ phủ nhỏ bé, nhưng có đến 159 sắc tộc khác nhau.

Là học giả rất khá nổi về Kinh thánh và Giáo hội học ở Sydney, lm Ray Gatt xác tín rằng Giáo hội Công giáo trước tiên và mãi mãi là Đạo chung của Đức Kitô, trên hoàn vũ. Chức năng của Giáo hội là rao truyền Tin Vui An Bình đến với mọi người. Và, Giáo hội quyết bảo bọc những người cùng một niềm tin vào Đức Ki tô. Để rồi, mọi người sẽ mãi mãi ở trong tình thương yêu của Ngài, qua một hệ thống quản trị, có lớp lang hệ-thống-hóa. Với hệ thống ấy, vị Tổng Giám mục thành Lamã được đề cử làm đầu Giáo hội. Và, điểm son của Giáo hội còn đặt trên tình thân thương với các tôn giáo khác, và với người nghèo. Giáo hội, được coi là thành trì bảo tồn nền luân lý nhân bản, đề cao một trật tự hữu hiệu cho một xã hội, đang đi xuống.

Linh mục R. Gatt cũng như mọi tín hữu Công giáo, thường hay viện dẫn cảnh-tình của Giáo hội tiên khởi, làm bằng cho đặc tính chung của Đạo. Ấy, là lúc các tín đồ Công giáo, theo gương Đức Kitô, sống hòa hợp, yên vui .Vui, vì tất cả đều coi Giáo hội như gia đình rộng lớn có vị cha chung duy nhất làm đầu, gọi là Đức Giáo Hoàng. Tài sản của Giáo hội, là của cải chung, cho mọi người. Các tín hữu lao động theo sức lực mình bỏ ra, và hưởng thụ theo nhu cầu. Mọi thành viên trong Giáo hội, có bổn phận góp công góp sức xây dựng và bảo trì Giáo hội, như nhà chung của họ. Sự chung vui êm đềm ấy, nối tiếp từ thế kỷ này qua thế kỷ khác, cho đến khi có tranh chấp về quyền lực, và cách quản trị. Và rồi, sau đó bất đồng về tín lý, thần học khó tránh khỏi. Mối nứt rạn và sự tách ly xảy đến với Giáo hội, từ ngày một số nhân vật chủ chốt trong Giáo hội phương Tây như Luther ở Đức, Calvin ở Thụy Sỹ, Vua Henrry VIII ở Anh, khởi xướng. Thế là, rạn nứt lan rộng sang nhiều nước trên thế giới.

Từ khi có rạn nứt, tính cách chung của Giáo hội đã mang một hình thức riêng biệt về tế tự, về quản trị tài sản cũng như quy cách điều hành hệ cấp trong Đạo. Tín hữu nào, đồng thuận với lối cai quản của Giáo hội nguyên thủy, sẽ ở lại với Giáo hội chung mà người ngoài cuộc gọi là Giáo hội Công giáo Lamã. Danh xưng ấy, vẫn lưu truyền cho đến ngày nay.

Thoạt nhìn, anh chị chắc thấy có khác biệt về quản trị cũng như sự hiểu biết về tín lý thần học, của mỗi Giáo hội. Nhưng xét cho cùng, ta vẫn thấy có cái gì chung trong tính cách riêng tư ấy. Ở đây, chung có nghĩa là cùng niềm tin, cùng chung một tâm tình, cùng hưởng một ân huệ, từ trên. Để giảm thiểu tính cách riêng tư kia, đồng thời nhân rộng đặc điểm chung ấy, giáo quyền đã tìm cách cho các Giáo hội xích lại gần nhau hơn nữa, hầu tạo dần mẫu số chung cho các tôn giáo, cùng thờ duy nhất một Đức Kitô. Và vị giáo chủ có công đẩy mạnh tiến trình này là Đức Gioan Phaolo Đệ Nhị. Anh chị chắc cũng thừa biết rằng: xưa nay chưa có vị Giáo chủ nào đi nhiều nơi, gặp nhiều người và bàn nhiều về việc hợp nhất Giáo hội bằng vị Giáo Hoàng xuất thân từ đất nước nằm ngoài Ý Đại Lợi này. Công khó gầy dựng tính cách chung của Đức Gioan Phaolo II, ít ai có thể chối cãi. Nhưng, dõi theo tin tức thời cuộc và báo/đài, chắc anh chị cũng nghe và biết, là: có nhiều bất đồng hoặc chỉ trích về cách thức cầm quyền mà người ta cho là độc đoán, thiếu uyển chuyển, của Giáo hội công giáo. Tỉ như, thể thức bầu Giáo Hoàng và nhiệm kỳ tại chức của ngài. Đây, cũng là đề tài mà nhiều người bàng quan thường hay bàn ra tán vào, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị mừng thọ 80 tuổi.

Nội, danh xưng Giáo Hoàng thôi cũng đủ nói lên phần nào thể chế pháp trị của Giáo hội Công giáo rồi. Hoàng, là vua. Giáo hoàng,vua một đạo, một tôn giáo. Là, vua cai trị dân nước, thì thường không thể trị vì trong một thời gian nào đó hay một nhiệm kỳ ngắn ngủi thôi, mà là suốt đời. Nhưng, vua của Giáo hội Công giáo, từ lâu, vẫn là người được các thành viên trong Hồng Y Đoàn bầu lên, chứ không do lưu truyền dòng tộc; hoặc, do người cùng phe, cùng quốc tịch đưa lên. Nhìn từ góc cạnh nào đó, thì: khi được đề bạt làm đầu Giáo hội, vị Tổng Giám Mục Lamã đã thành người chung cho cả Giáo hội. Những gì là riêngcủa Ngài trước đó (như tên cha mẹ đặt hoặc tài năng cá nhân chẳng hạn) tự khắc biến đi, nhường chỗ cho danh chung của một vị thánh nào đóm có kèm theo số thứ tự tỉ như: Gioan 21, 23; Phaolô Đệ Ngũ, Đệ Lc. Trường hợp Đức Giáo Hoàng của mình đây, Ngài lại được phép coi là cha chung thêm một lần nữa, để trở thành Gioan Phaolô Đệ Nhị. Đấy, chungriêng, riêngchung là như thế.

Anh chị thân mến,

Tới đây, để chứng minh tính cách chung riêng của Giáo hội Công giáo hoàn vũ một cách cụ thể, tôi nghĩ không gì bằng nêu ra đây, lối sống chung/tập thể của các tu hội hoặc dòng tu, làm thí dụ. Sự khác biệt về tính cách chungriêng/riêngchung giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội khác, là ở nơi đời sống tu trì. Nếu tôi không lầm, thì ngoại trừ Phật giáo Tây tạng và/hoặc tu hội Taizé của Tin lành Pháp quốc ra, trên thế giới ít thấy có ai tổ chức Giáo hội nào có cuộc sống chungriêng/riêngchung như các dòng/tuhội, bên Công giáo. Thành viên mỗi tu hội, trên thực tế, đều có đời sống chung, lao động chung, sử dụng tài sản chung của tu hội/hội dòng theo cách thức riêng rẽ của mỗi người. Về quyền hành, thoạt xem như có vẻ riêng tư, nhưng thật sự thì các tu hội/hội dòng không quan niệm quyền bính thuộc sỡ hữu riêng lẻ, nhưng lại như cơ cấu điều hành một nhóm người, để tiến tới mục đích chung cuộc, chỉ thế thôi. Chẳng thế mà, các vị Giáo Hoàng hoặc bề trên tu hội/dòng tu vẫn tự coi mình là bày tôi của các tôi tớ Chúa, chứ không như vua chúa ngoài đời.

Viết đến đây, tôi liên tưởng tới trường hợp riêng tư, có liên quan đến chungriêng/riêng chung của Giáo hội điạ phương, tôi cùng sống, trước đây. Năm ấy tuy mới chỉ 13, nhưng tôi và môt người bạn thân, tên Yuse Tiến Lộc, đã sinh hoạt chung với đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, tại Nha Trang. Tiến Lộc và tôi, còn là hai chú giúp lễ thường nhật, tại nhà thờ chánh tòa Nha Trang. Mùa hè năm ấy, các cha thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế ra giảng Tuần Đại Phước, cho bổn đạo toàn tỉnh. Tôi nhớ bấy giờ, vì quá say mê với cái lý tưởng chung riêng/riêngchung của cuộc sống tu trì, như các cha Hoàng Yến, Trần Hữu Thanh, Nguyễn Văn Cân, Nguyễn Thọ, mà cả hai chúng tôi đều tự nguyện gia nhập đệ tử viện, của Dòng. Tôi không rõ, hoàn cảnh của Tiến Lộc ra sao, nhưng lúc ấy gia đình tôi rất túng. Tôi mất cha năm lên 9, mẹ tôi già yếu, không đủ khả năng nuôi bảy anh chị em còn lại, bằng lợi tức quá nhỏ từ một sạp tạp hóa ở chợ Đầm, Nha Trang. Nên tôi cứ lo chức sắc Việt Nam không chắc sẽ nhận được, vì tài chánh quá eo hẹp, gia tăng công sức giúp xây dựng Giáo hội Công giáo Việt Nam lành và mạnh. Lành và mạnh, theo đúng nghĩa của cụm từ “Công giáo”, “Nhà chung”, đề cập ở trên. Tuy nhiên, dường như nhờ phép mầu nào đó, tôi đã được cha giám đốc gọi lại, nhận làm đệ tử. Chẳng phải đóng góp một xu học phí, nào hết. Cha giám đốc có nói với mẹ tôi: “Nếu bà không lo tiền học cho con bà được, thì đã có Chúa lo. Đừng nản lòng!”. Thế là, trong quá trình 13 năm chung sống với anh em ở Đệ tử viện, Học viện, rồi nhà Dòng, bản thân tôi chẳng có gì gọi là của riêng tư để đóng góp vào phần chung với anh em, trong Dòng. Tuy nhiên,, tôi vẫn được hưởng đồng đều mọi thứ chung, của nhà Dòng; cũng như của Giáo hội. Có một điều, khiến tôi có thể cam kết với anh chị rằng, qua kinh nghiệm về cái gọi là chungriêng/riêngchung của Giáo hội Công giáo sở tại, tôi chưa từng thấy có trường hợp bất đồng hay tranh chấp nào xảy ra trong xã hội nhỏ của chúng tôi là nhà Dòng. Thành thử, giống như linh mục R. Gatt, tôi cũng ự hào với danh xưng chung của Giáo hội Công giáo, mà tôi là thành viên.

Anh chị thân mến,

Qua hai mươi thế kỷ đối đầu với mọi đổi thay và thù địch ở cả trong lẫn ngoài, Giáo hội Công giáo vẫn cứ tồn tại và tiếp tục vươn mình, hướng về phía trước. Theo tôi, đây là ưu điểm lớn của Giáo hội. Đã đành, kẻ chống đối vẫn trưng ra đủ mọi điểm yếu của Giáo hội, nào là bảo thủ, cứng ngắc, nào là Giáo hội là đạo của người da trắng phương Tây, Giáo hội thiếu dân chủ, lỗi thời, không theo kịp đà tiến hóa của nhân loại, vân vân và vân vân. Nhưng, theo tôi, Giáo hội chỉ có một nhược điểm duy nhất là quá thận trọng trước mọi đổi thay, của trần thế. Có vậy thôi.

Giáo hội, là xã hội của các tín hữu bằng xương bằng thịt, như tôi và anh chị, nghĩa là những người, bản chất rất yếu mềm và có giới hạn. Nên, vẫn còn mang nhiều khuyết điểm như thế. Đó là chuyện bình thường. Thành thử, cùng với anh chị và các tín hữu khác, tôi luôn tin tưởng vào Giáo hội của mình. Đồng thời hy vọng rằng: Giáo hội sẽ mãi mãi tồn tại. Mãi mãi giữ được nét vẻ riêng tư của mình, tức: tính cách chung, siêu việt kia. Lấy đó làm điểm tựa và mục tiêu nhắm tới cho mọi người trong cũng như ngoài Đạo, chắc chắn rồi Giáo hội sẽ thành công mai ngày với lý tưởng chungriêng/riêngchung ấy.

(với những suy tư của mùa chay năm 2000)

Trần Ngọc Tá

(còn tiếp nhiều kỳ)

ĐỒng cẢm

Có lần tình cờ tôi nghe lời thoại của nhạc chuông di động, khiến tôi chú ý đến lời ấy như sau:

“Nếu một ngày bạn cảm thấy muốn khóc, hãy gọi cho tôi. Tôi không hứa sẽ làm cho bạn cười, nhưng tôi sẽ khóc cùng bạn. Nếu một ngày bạn muốn chạy trốn tất cả, hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ không yêu cầu bạn dừng lại, nhưng tôi sẽ chạy cùng bạn. Và nếu một ngày bạn không muốn nghe ai nói nữa, hãy gọi đến với tôi nhé. Tôi sẽ cùng thinh lặng với bạn …………

Trong cuộc sống hôm nay, con người dường như thiếu sự đồng cảm với người khác.

Người ta thường tìm cách biến người khác theo như ý mình muốn, cố tạo nơi người khác cách nghĩ, cách sống theo ý mình. Người ta thường dùng những lý lẽ mả bản thân mình cho là hợp lý, những lời khuyên bảo mà mình cho là tốt nhất để giáo dục, uốn nắn và sửa dạy người khác. Cũng có thể bây giờ người ta thích cầu toàn, làm sao bảo đảm đạt đến đích đề ra, là phải thành công. Thông thường thì điều đó đúng.

Nhưng con người không phải là cỗ máy, “Mỗi người là một cá vị độc đáo, riêng biệt…”, “mỗi người trong mỗi tình huống cuộc sống, lại càng khác biệt với những người khác, biết bao”. Chính vì thế, cứ nhất định áp dụng sự giáo dục, khuyên bảo, ủi an, chia sẻ … theo cùng một cách và theo ý chủ quan của mình, đôi lúc trở thành nực cười và phản tác dụng.

Tôi có một kinh nghiệp “xương máu” về điều này. Một lần kia, đang ngồi ăn cơm trong quán, có cô bé gái khoảng 10 tuổi mời mua kẹo cao su. Vốn không thích kẹo, nhưng thấy cô bé còn nhỏ mà đã chịu khó tôi đâm lòng cảm mến, bèn lấy năm ngàn đồng ra chia sẻ: “Chú cho con năm ngàn. Nhưng, chú không mua kẹo”. Em bé nhất định đòi chú phải lấy kẹo, cương quyết không nhận tiền mà không đưa kẹo. Cuối cùng, tôi cũng đành cầm kẹo và ngượng ngùng với cách suy nghĩ quá đơn giản của mình.

Thực tế, ít khi người ta chịu tìm cách ở vào trạng huống cuộc sống, tình cảm hiện tại, cách suy nghĩ của những người mà mình tiếp cận để có được sự đồng cảm, giúp cho người đó tìm được chỗ dựa, từ đấy mới dìu người ta lên. Thông thường người ta thích khuyên người khác phải làm thế này, thế nọ mà ít khi chịu tìm hiểu tại sao lại làm như thế, nguyên nhân sâu xa của nó là gì, vv …

Nhiều gia đình đổ vỡ, tan rã, hoặc bầu không khí trong gia đình trở nên như một địa ngục, chỉ vì những người trong đó không có sự đồng cảm, thiếu cảm thông với nhau. Mỗi người đều khư khư với cách suy nghĩ, nhận thức của mình về sự kiện rồi lên tiếng dạy đời, hoặc phê phán và đòi hỏi người khác. Nhiều việc chung chưa bắt đầu đã thấy rạn nứt và sụp đổ, chỉ vì người nào cũng đều muốn bê nguyên cái khung có sẵn trong đầu mình về công việc phải làm, áp đặt người khác phải làm thế này, thế nọ.

Thành ra, “tôi sẽ cùng khóc với bạn …, sẽ cùng đi với bạn, … sẽ cùng thinh lặng với bạn …” trở thành món đồ xa xỉ trong tương quan cuộc sống.

Chúa mời gọi ta như thế, “hãy vui với người vui, khóc với kẻ khóc”. Đó là phương cách đồng cảm để người này trở thành chỗ dựa cho người kia, nâng đỡ nhau, giúp nhau mà đứng vững.

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều kinh nghiệm về niềm vui khi có người đồng cảm với mình, trong những vui - buồn, thành công – thất bại của cuộc sống; nhất là lúc ta gặp phải thất bại, hoặc cô đơn khủng khiếp. Hoặc, ở vào hoàn cảnh như trời đất sụp đổ, ngay trước mặt. Cả vào lúc ta thấy lẻ loi phải một mình chiến đấu trên mặt trận nào đó, bỗng có người hiện diện bên cạnh, cùng chia sẻ quan điểm, sát cánh, đồng lao cộng khổ, lúc đó thật an lòng biết chừng nào! Nói cách khác, trong cuộc sống, khi có nhiều người đồng cảm với mình, hiểu mình, ta bước đi vững chãi hơn, mạnh mẽ hơn.

Sự hiện diện của Chúa ở thế gian, Ngài chấp nhận mặc lấy thân phận làm người cùng tất cả những hệ luỵ của nó, và phương cách Ngài đến với người nghèo, kẻ tội lỗi, ăn uống, nói chuyện, ngồi cùng bàn với họ, phải chăng khi ấy chính Chúa đang “cùng đi, cùng khóc, cùng thinh lặng” đồng cảm với con người. Và chính khi Ngài ngự trị nơi chốn tận cùng của sự cùng khốn, bất toàn nơi phận người, Chúa bắt đầu đưa con người đi lên. Những người thu thuế, gái làng chơi, các bà mẹ mất con, và cả chúng ta nữa luôn cảm thấy an ủi, được mạnh mẽ, sung sướng khi có Chúa ở cùng. Hơn thế nữa, ta thấy vững tin hơn, mạnh mẽ hơn khi có Chúa đồng hành như thế.

Chúa là mẫu mực của lối sống đồng cảm với người khác vậy! Một điều hay là: khi sống đồng cảm, ta còn trở thành chỗ dựa cho anh em.

Lm JB. Hồ Quang Lâm,CSsR - Hà Nội 28/5/2009

Phỏng Vấn

Lm Trần Sĩ Tín

40 năm lăn lóc với người sắc tộc

_____________________________________________

1.Gần 40 năm, sống chung và phục vụ đồng bào dân tộc Jrai, tại Plei-Kly, Huyện Chư-Sê, Tỉnh Gialai, thuộc Giáo Phận Kontum. Xin cha cho biết trong hoàn cảnh nào, tiếng gọi Tây Nguyên đến với cha?

*Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt-Nam do các Cha Canada thành lập từ năm 1925. Vào những năm 1960, tôi thấy các Cha Canada chuyển quyền lãnh đạo Tỉnh Dòng cho các Cha Việt Nam, còn các ngài lại kéo nhau đi sống với những người Thượng trong giáo điểm Phi-Yàng gần Đà Lạt, trong đó có những Cha Giáo đã từng dạy tôi như Cha Thomas Côté, Cha Louis Roy, Cha Jean-Marie Labonté, Cha Sylvère Drouin. . . Các ngài luôn luôn chọn những người nghèo hơn cả, bị bỏ rơi hơn cả và đến ở cùng họ. Điều này làm tôi chú ý và hấp dẫn tôi. Chúa Yêsu cũng luôn chọn lựa như thế. Thánh Anphonsô, Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, cũng đã chọn lựa như thế. Trong Học Viện, các Cha cho chúng tôi thử nghiệm nhiều môi trường. Tôi đã từng với Mã Kim Tòng học tiếng Hoa để sống với người Hoa (một môi trường cả tỉ người), rồi lại muốn đi theo các gánh hát hay làm phu bến tàu. . . Nhưng điều làm tôi quyết định sống với người Thượng, đó là một hôm, tại Đà Lạt, tôi nghe Thầy Bôna nói chuyện với mấy người Koho. Tôi chẳng hiểu gì, nhưng nghe sao hay quá. . . thế là tôi quyết định vào học tiếng Koho trong Dà-Mpao (Suối Mơ) nơi các Cha Canada đang hoạt động.

2.Thưa cha, tại sao lại gọi là sứ vụ Jarai mà không gọi là Êđê hay Banar.....?

*Tôi đã gặp Cha Antôn Vương Đình Tài và Thầy Lêônard Hồ Văn Quân cũng thuộc giáo điểm Phi-Yàng. Bối cảnh lúc đó là sau Tết Mậu Thân. Chiến trận xẩy ra ở khắp nơi. Các làng Koho thuộc Giáo Điểm Phi-Yang phải dồn về Phi-Yàng, Rơlơm, Dà-Mpao. Kể cả các làng của các Cha Thừa Sai Ba Lê. Số thừa sai tập trung đông. Địa bàn thu hẹp. Trong một lần tĩnh tâm tháng, Cha Tài xin Bề Trên cho Cha, cùng với Thầy Lêônard Quân, hai Phó Tế mới ra trường là Trần Sĩ Tín và Nguyễn Đức Mầu, đi tìm lập một giáo điểm khác. Được sự đồng ý và ủng hộ của Bề Trên, Cha Tài và tôi lên đường đi tìm địa điểm. “Đi tìm” có nghĩa là chưa biết đi về đâu. Sau Tết 1969, Cha Tài đưa tôi ghé thăm Giáo Điểm người Chăm gần Phan-Rang, rồi lên Ban Mê Thuôt, trú tại Dòng Biển Đức, vì Cha Tài có quen biết các Cha Dòng Biển Đức. Chúng tôi có đi vào vài làng Rađê gần đó. Thấy tiếng của họ rất khác tiếng Koho. Cha Tài còn có những người thân quen trong các điểm di cư gốc Vinh chung quanh Ban Mê Thuôt. Họ khuyến khích Cha Tài lập Giáo Điểm cho người Rađê, họ sẽ yểm trợ. Cha Tài và tôi vào trình Đức Cha Mai, lúc đó là Giám Mục GP Ban Mê Thuột. Nhưng Đức Cha Mai không mặn mà với chúng tôi lắm. DCCT lúc đó vốn mang tiếng là cấp tiến, không được cảm tình các đấng bậc. Ngài chỉ cho chúng tôi tới Đồng Xoài là nơi không có đường tới. Muốn tới đó phải đi nhờ trực thăng Mỹ. Như thế rất nguy hiểm trong lúc chiến tranh đang hồi khốc liệt. Chúng tôi rời vùng Êđê đi tiếp lên phía Pleiku. Con đường 14 lúc đó còn lởm chờm đất đá, vắng tanh, thỉnh thoảng lại có cờ “giải phóng miền Nam” treo đây đó. Rợn mình! Xe 2 ngựa (2 chevaux) của chúng tôi rẽ vào phía Cheoreo Phú Bổn, nơi có ông bạn cùng lớp với Cha Tài, là Lm Phaolô Vũ Văn Thiện đang phục vụ người Jrai, kế thừa Lm Jacques Dournes. Lm Vũ Văn Thiện vốn là Lm DCCT, nhưng ngài chuyển qua Tiểu Đệ, rồi trở về làm Lm triều với Đức Cha Paul Seitz, là dưỡng phụ của ngài từ hồi nhỏ. Tại Cheoreo, chúng biết và bắt đầu tiếp xúc với người Jrai. Chúng tôi lên Kontum gặp Đức Cha Paul Seitz, và Đức Cha hoan hỷ đón nhận chúng tôi. Chúng tôi không hề biết rằng từ năm 1953, ngài đã viết thư mời DCCT VN cho người lên làm việc trong Giáo Phận Kontum. Ngài tha thiết đến nỗi ba năm sau, 1956, ngài lặp lại lời mời (xin coi phần phụ lục đính kèm*). Mãi cho tới năm 2001, chúng tôi mới biết đến 2 lá thư đó. Điều này chứng tỏ sứ vụ của chúng tôi lúc đó phải là sứ vụ Jrai, chứ không phải là sứ vụ Êđê hay là một sứ vụ nào khác.

3. Xin cha cho biết, ý nghĩa của việc truyền giáo như thế nào?

*Ngay từ đầu chúng tôi đã không muốn dùng hai tiếng “truyền giáo”. Cũng theo cùng một chiều hướng với Hội Thánh đổi danh xưng “Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin – Congregatio de propaganda fide” thành “Thánh Bộ Phúc Âm Hóa hay Loan Báo Tin Mừng – Congregatio de Evangelisatione”. Nhóm Pleikly lúc ban đầu chỉ dám xưng mình là Nhóm Ra Đi (Xuất Hành liên tục). Ra đi khỏi một lối tu nào đó, khỏi một cơ cấu nào đó (kể cả một Hội Thánh cơ cấu nào đó) để tìm Chúa. Suốt đời tìm Chúa. “Đây là dòng dõi của những kẻ kiếm tìm Người” (Tv 23). Tìm Chúa ở một địa chỉ mà Chúa Yêsu đã gợi ý: Nơi những người nghèo bị bỏ rơi hơn cả. Đối với chúng tôi lúc này, ở đây là người dân tộc thiểu số. Phương châm của chúng tôi là: Tầm Đạo = Tu Đạo = Truyền Đạo: Tầm Đạo tức là Tu Đạo. Tu Đạo tức là Truyền Đạo. Truyền Đạo cũng là Tầm Đạo.. Chúng tôi đi tìm Chúa nơi anh chị em Jrai. Cùng anh chị em Jrai, chúng tôi đi tìm Chúa, cùng anh chị em Jrai khám phá và gặp được Emmanuel Thiên-Chúa-Ở-Cùng. Ngài đang ở cùng dân của Ngài. Ngài đã có đó trước khi chúng tôi đến. Ngài đang chờ chúng tôi. Như vậy Truyền Giáo không còn chỉ là nói. Gần 20 năm chúng tôi không nói. Cũng chưa bằng Yêsu hơn 30 năm ở Nazareth không hề thuyết giảng. Ngài sống với dân, với Đức Mẹ và Thánh Giuse, học với dân, với Đức Mẹ và Thánh Giuse. Chúng tôi cũng học với dân, đón nhận Tin Mừng từ nơi họ. Chúng tôi rất tâm đắc với một công thức mới của Truyền Giáo: Evangelizari a pauperibus – được người nghèo loan báo Tin Mừng.

4.Với gần 40 năm chung sống với người Jarai. Xin cha cho biết một vài nét đặc thù trong cách biểu lộ niềm tin của người Jarai ?

*Nét đặc thù đầu tiên là họ được Chúa dạy nghe Chúa và nói với Chúa, nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Người Jrai trở lại trong một hoàn cảnh họ không có gì khác ngoài cuốn Kinh Thánh Tân Ước (không có sách giáo lý, không có kinh kệ). Sự thiếu thốn này lại là sự giầu có của họ. Họ học Đạo và sống Đạo hoàn toàn dựa trên Lời Chúa. Điều này còn phù hợp với nếp sống ngàn đời của họ. Văn hóa của họ là văn hóa lỗ tai, văn hóa truyền khẩu, không phải văn hóa chữ viết. Lỗ tai (măng tơngia) là rất quan trọng. Trong cuộc sống người ta khuyên nhau nên sống bằng “lỗ tai”, chứ đừng sống theo “quả tim” (hơdip tui măng-tơngia, anam hơdip tui hơtai boh ôh). Người ta nghe, nhớ, biết điều, khôn ngoan, hiểu biết, lanh lợi, tài giỏi. đều bằng “lỗ tai”, “quả tim” là nơi chất chứa và xuất phát những tâm tình tiêu cực như nóng giận, thù hằn, ghen ghét, xảo trá.Bởi đó cho nên, khoảng độ một tháng sau khi lọt lòng mẹ, cô bé hay cậu bé Jrai được làm nghi thức bhet tơngia (nghi thức mở tai): bà đỡ nhai gừng thổi qua ống chỉ vào lỗ tai và cầu cho tai bên trái nhớ công nhớ việc, cho tai bên phải nhớ rẫy nhớ nương, cho tai bên trái nhớ quay bông dệt chỉ, cho tai bên phải nhớ lời ông bà cha mẹ dạy dỗ. Lòng tin của họ là do bởi nghe: Fides ex auditu. Mà nghe tích cực là có đáp trả. Cho nên bạn sẽ nghe họ cầu nguyện tự phát và lớn tiếng. Mỗi khi được kêu gọi: Chúng ta hãy cầu nguyện – Oremus – là họ râm ran cầu nguyện. Vả lại họ phải tích cực tham gia một cách nào đó, bằng lời nói, bằng cử chỉ, bằng việc làm. Ngày xưa trong một lễ tế của họ, mọi người đều có công việc của mình, và mọi người đều có phần của mình, không ai bị quên lãng. Trong lễ tế mới, chúng tôi cũng cố gắng để mọi người tham gia một cách tích cực nhất. Kể cả việc loan báo Tin Mừng, mỗi người đều cảm thấy có nhiệm vụ được trao phó. Chúng tôi tích cực khai thác và phát triển cái tính cách nghe của họ: nghe Chúa và nghe nhau – nói với Chúa và nói với nhau.

5.Được biết cha đã dịch Kinh Thánh ra tiếng Jarai. Xin cha cho biết việc dịch Kinh Thánh thực hiện đến đâu rồi và có những khó khăn nào?

*Thực ra thì chúng tôi vẫn tiến hành chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng Jrai như trong tiến trình hình thành Kinh Thánh trong Hội Thánh: Những đoạn nào cần trước thì chúng ta dịch trước. Thường là theo nhu cầu phụng vụ. Chúng tôi đã có một bản dịch Tân Ước đầy đủ. Còn vấn đề dịch lại, thì chúng tôi mới bắt đầu. Công việc bị chậm trễ vì chúng tôi còn phải lo nhiều việc mục vụ quá. Khó khăn là bây giờ chúng tôi không dịch theo một bản dịch như trước kia (bản dịch cũ, chúng tôi dựa theo bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn) mà cố gắng bám vào bản gốc. Mà chúng tôi thì không phải là chuyên viên. Tuy nhiên chúng tôi cũng có những thuận lợi là có anh em đọc được tiếng Hy-lạp, có anh em đọc được tiếng La-tinh, tiếng Pháp, tiếng Anh. Và chúng tôi có cả một đội ngũ những anh em Jrai vừa quen với Lời Chúa từ lâu năm, vừa nắm vững tiếng Jrai để bản dịch xuôi chảy và dễ hiểu đối với người Jrai.

6.Công lao của các cha MEP tại Tây Nguyên như thế nào. Thưa cha?

*Các Cha thuộc Hội Thừa Sai Ba-lê đã có mặt tại Kontum từ những năm 1848 và cùng với các thừa sai Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc xây dựng Giáo Phận Kontum (trước đây bao gồm cả Giáo Phận Đàlat), cách riêng Hội Yao-Phu là những người Thượng phục vụ các giáo đoàn người Thượng, Dòng Ảnh Phép Lạ cho các nữ tu người Thượng, Dòng Nữ Vương Hòa Bình cho các nữ tu người Kinh. Riêng đối với người Jrai, có những nghiên cứu xã hội và ngôn ngữ của Cha Jacques Dournes vốn đem lại lợi ích rất nhiều cho công cuộc loan báo Tin Mừng.

7. Xin cha cho biết ơn gọi linh mục và thừa tác viên trong cộng đoàn Jarai ra sao?

*Hiện tại đã có những chủng sinh, những nữ tu người bản địa. Tuy nhiên điều băn khuăn của chúng tôi là tìm ra được một đường hướng đào tạo phù hợp cho ơn gọi người bản địa. Hiện tại việc đào tạo này vẫn theo nét văn hóa chung chung, lệ thuộc vào văn hóa Việt. Thừa sai chúng tôi không trực tiếp làm công việc đào tạo ơn gọi linh mục và tu sĩ. Chúng tôi chỉ nhận thấy rằng việc đào tạo linh mục và tu sĩ ở VN vẫn còn mang nặng tính cách trí thức mà thiếu về văn hóa (nhất là văn hóa bản địa) và thiếu về tâm linh.

8.Trong thời gian ở Học Viện DCCT, cha là một thành viên của ban Alleluia – Vào Đời – ảnh hưởng của âm nhạc như thế nào trong vấn đề rao giảng cho Tây Nguyên.

*Tôi không nhận tôi là một nhạc sĩ. Nhưng trong nhóm thừa sai Jrai, chỉ có tôi có một chút vốn liếng về nhạc lý thừa hưởng từ thời làm ca trưởng của Cha Hoàng Diệp. Cũng như trong các lãnh vực khác, tôi bị bó buộc phải viết các bản thánh ca cho cộng đồng công giáo Jrai. Dĩ nhiên âm nhạc rất quan trọng công cuộc loan báo Tin Mừng cũng như trong phụng vụ, nhất là trong môi trường Tây Nguyên vốn là môi trường của những giai điệu độc đáo. Những bài hát hiếm hoi mà tôi viết ra theo giai điệu Tây Nguyên lan tràn rất nhanh trong các buôn làng.

9.Cha có dự án về văn hóa – nói chung – và về âm nhạc của người Jarai – nói riêng không?


*Dân tộc Tây Nguyên là dân tộc ca hát. Trước đây ai cũng biết hát dân ca. Mà hát dân ca tự phát. Chúng tôi đã khuyến khích người Jrai sáng tác những bài thánh ca, và đã có những bài thánh ca rất tốt. Hiện tại chúng tôi qui tụ khoảng 15 người, xin Cha Minh Kông, một nhạc sư của giáo phận Kontum, hướng dẫn để anh em biết làm những bài thánh ca theo giai điệu Tây Nguyên, đồng thời ghi lại được những điệu dân ca Tây Nguyên. Về văn hóa, chúng tôi có một nhóm lớn tuổi hơn đang biên soạn một cuốn tự điển tiếng Jrai kèm theo những câu ca dao, tục ngữ để mỗi từ có được một ngữ cảnh.

10.Trong tương lai, xin cha cho biết hướng phát triển của cộng đoàn Jarai như thế nào?

*Chúng tôi ao ước và cố gắng sao cho cộng đoàn Jrai trở thành một cộng đoàn đức tin và văn hóa. Đây là sức mạnh tổng hợp đã được phú cho họ không những làm cho họ cứu được bản thân cùng với môi trường văn hóa của họ, mà còn là sức mạnh nội tại làm cho họ phát triển bền vững về mọi mặt.

Vũ Nhuận ghi nhanh.

Ghi Nhanh – Buổi tâm tình

“TÌNH YÊU TRÊN TÂY NGUYÊN”

“HALLÊLUYAH,

CHÚA YÊU TRẦN THẾ”“BƠ NI/ CÁM ƠN/ THANK YOU”

Sydney – Melbourne

________________________________________

Ghi nhanh của Tí Cười

Chắc hẳn khách dự buổi văn nghệ tâm tình của Lm Trần Sĩ Tín ra về đều đem theo tâm tình nhớ mãi những câu hát “Hallêluyah, Hallêluyah, Chúa yêu trần thế” và “Bơni/ Cám ơn/ Thank you”.

Nghe kể rằng ngay từ tháng 2/09, khi được tin là Lm Trần Sĩ Tín, DCCT sẽ sang Úc giới thiệu sinh hoạt của dân tộc Tây Nguyên, nơi mà Linh mục rao giảng Tin Mừng hơn 40 năm qua, thì một số anh em đã gặp gỡ và bàn tính chương trình đón tiếp và hỗ trợ ông trong thời gian lưu lại Úc. Ban Tổ chức có dự trù lúc ban đầu, là sẽ tổ chức hai buổi tâm tình văn nghệ, một ở nhà hàng Crystal Palace- Sydney vào tối thứ sáu 20/3/09 và một ở nhà hàng Anabella- Melbourne vào tối ngày 29/3/09. Sau đó cũng có thêm một buổi thứ hai giới thiệu sinh hoạt nhóm Tây Nguyên được tổ chức tại nhà hàng International, Canley Vale Sydney vào trưa 22/3/09 để đáp ứng nhu cầu của một số bạn trẻ muốn gặp gỡ, tìm hiểu và nói chuyện thân mật với phái đoàn.

Nghe kể thêm cũng có một vài trục trặc nhỏ xảy đến, tưởng chừng phải ngưng chương trình lại. Thế rồi phái đoàn Tây nguyên gồm Lm Trần Sĩ Tín, anh Tih R’cham, một nghệ nhân thứ thiệt người J’rai và cô Diễm ly, đã đến phi trường Sydney, được một đoàn người miền Tây Sydney dàn chào mừng đón.

Sydney 20/3/09

Buổi tâm tình “Tình Yêu Trên Tây Nguyên” được phổ biến rộng rãi khi Lm Trần Sĩ Tín dâng lễ ở một số nhà thờ, xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh SBS và trên báo chí người Việt ở Sydney. Qua các buổi ấy, Linh mục có dịp trình bày cặn kẽ những hoạt động của người J’rai và ước mong của Linh mục cũng như của dân Tây Nguyên nhân chuyến thăm viếng nước Úc. Vé đã bán hết trước đó 2 tuần và ban tổ chức đã phải thú thật là có quá nhiều người yêu cầu xin tham dự nhưng không thể thoả mãn được, vì số ghế hạn chế.

Chương trình văn nghệ xây dựng rất hùng hậu gồm 4 MC: Ngọc Oanh, Tuyết Lê, Phước Lộc và Vũ Nhuận; và các ca sĩ địa phương gồm: Huyền Trang, Thanh Xuân, Tuyết Trinh, Quỳnh Xuân, Lệ Mai, Quốc sĩ, Phúc Hưng và Minh Thành.

Đêm tâm tình “Tình Yêu Trên Tây Nguyên” ở Sydney được mở màn bằng một màn vũ Tây nguyên vui tươi dẻo dai do nhóm Tây nguyên và 16 bạn trẻ Sydney cùng thực hiện.

Tiếp theo là 10 phút “slide show” trình bày sơ lược về lịch sử rao giảng của Lm Trần Sĩ Tín với hình ảnh của 4 sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế -mà một vị đã bỏ mình vì bệnh sốt rét- bắt đầu từ năm 1969, về văn hoá, truyền thống của người Tây Nguyên trong các lễ hội. Có nhiều hình ảnh ghi lại thánh lễ theo tiếng J’rai rất độc đáo, vui tươi.

Sau đó Lm Trần Sĩ Tín bước lên sân khấu nói lời cám ơn chân tình gửi đến khách tham dự cùng những nỗ lực giúp đỡ của các anh chị cho chuyến thăm và buổi tâm tình. MC Vũ Nhuận cũng giới thiệu Lm Trần Sĩ Tín là một tay bass guitar của ban Hallêluyah nổi tiếng, một thời ‘ca vào đời’, từng đem luồng gió mới, trẻ trung đến với thánh nhạc ở Việt Nam.

Cả nhà hàng vang dậy khí thế hợp lực khi cộng đoàn cùng với Linh mục Trần Sĩ Tín hát bài “Hallêluyah, Chúa yêu trần thế!’ do chính ông đặt lời, có ban Hallêluyah “nữ” phụ hoạ. Lm Trần Sĩ Tín tâm sự là mặc dù chúng ta đang trong mùa chay kiêng, nhưng ông vẫn vui và xin hát trong tinh thần chờ đợi Chúa Phục sinh. Lm Trần Sĩ Tín hát thật hăng say, hết mình, rất phong độ.

Tiếp đến, gia đình An Phong Sydney gồm các con và dâu Thánh An Phong lên hát chung với Linh mục bài ‘Vó câu muôn dặm’ mà MC Vũ Nhuận (cũng là tu sinh Dòng Chúa Cứu Thế) giới thiệu là bài hát mà các anh vẫn hát trong trường, thời còn là chủng sinh. Anh Vũ Nhuận mời bà con ủng hộ tinh thần và còn ‘doạ’ là GDAP sẽ ra CD bài này nhưng ai cũng biết là GDAP chỉ hát trong tinh thần hỗ trợ và gắn bó chứ đâu dám ‘vô’ hoặc ‘ra’ CD đâu!.

Sau khi anh Hương Nam, đại diện Ban Tổ chức ngỏ lời cám ơn là đến phần đấu giá do hai MC Phước Lộc và Vũ Nhuận đưa ra đấu bộ khố và y phục người Thượng mà Linh mục Trần Sĩ Tín đang mặc. Có ý kiến phản hồi là cuộc đấu giá rất vui nhộn và ngắn gọn.

Xin ghi lại một vài nét đẹp rất dễ thương trong buổi tâm tình ở Sydney:

- Khách tham dự được tiếp đón bằng một đoàn người trẻ dàn chào gồm 16 bạn trẻ ở Sydney rất nhiệt tình, hăng hái trong y phục Tây nguyên chính gốc.

- Số lượng bàn tiệc đã lên tới mức kỷ lục là 86 bàn và xếp theo kiểu ngẫu nhiên khiến một số bàn phải đặt ở vị trí xa sân khấu hoặc góc tường. Vì thế nên ban tổ chức đã phải đến từng bàn, để xin lỗi và nhận được những nụ cười thông cảm, vui tươi.

- Một điểm son nữa là có một số khách tham dự tuy không là đồng đạo nhưng rất vui vẻ, hứng khởi nhiệt tình. Mọi người đều hỗ trợ đấu giá và hứa giúp đỡ cho phái đoàn như chương trình mổ mắt, tài trợ computers …

- Phần biểu diễn đàn T’Rưng, nhạc cụ truyền thống của anh Tih R’cham rất sinh động và tuyệt vời, cùng với đàn Goong do anh sáng chế. Anh cũng sáng tác và hát bài ‘cô gái Sydney’ thật dễ thương.

- Ngoài ra còn có phần phỏng vấn Lm Trần Sĩ Tín và cô Diễm Ly, thiếu nữ người Huế có trình độ cao học đã từ bỏ mọi tiện nghi thành phố để phục vụ đồng bào thiểu số suốt 17 năm qua.

- Bài hát trình diễn là các bài hát do ban “Hallêluyah” nổi tiếng thập niên ‘60 như: “Người gieo giống”, “Chúa yêu trần thế”, “Xuất hành”… thật hào hùng khí thế.

Melbourne 29/3/09

Tuy ban tổ chức ở đây ít có thời gian quảng bá chương trình nhưng khách tham dự đến cũng khá đông. Buổi chiều Chủ Nhật cùng ngày Lm Trần Sĩ Tín đã dâng lễ tại nhà thờ Springvale bằng tiếng Việt và tiếng J’rai, đàn T’Rưng cùng với ca đoàn sở tại, chúc tụng Thiên Chúa. Linh mục Trường, cha xứ gốc Dòng Phan-xi cô, luôn vui vẻ hỗ trợ và mở rộng vòng tay với các Linh mục từ phương xa, đã chia sẻ là Lm Trần Sĩ Tín đã thực hiện những điều ngài khao khát. Nhờ đó được Chúa lôi kéo đi về miền Tây nguyên. Cha xứ Trường còn tưởng rằng cô Diễm Ly là người Thượng vì cô đã phục vụ đồng bào J’rai trong thời gian lâu như vậy. Thêm nữa còn có lời giới thiệu khôn khéo, thân thiện và cũng rất thật tình của người Linh mục anh em với Lm Trần Sĩ Tín, đó là Lm Mai Văn Thinh, DCCT, nên sau buổi lễ, bà con đã ủng hộ nhiệt tình mua vé và mua CD nên tổng số khách dự cũng lên đến hơn 600 người.

MC Hồng Vân và Johnny Hoàng dẫn chương trình văn nghệ cùng với ca sĩ địa phương: Ngọc Tuyền, Nguyên Hồ, Thanh Trúc và Tâm Như.

Một lần nữa, Lm Trần Sĩ Tín đã trình bày cặn kẽ những sinh hoạt của đồng bào Tây nguyên, ông cũng hát những bài như “Hallêluyah”, “Xuất hành” một cách hăng say và trẻ trung. Cô Diễm Ly có dịp trình bày những chương trình đã và đang được thực hiện cho đồng bào Thượng trên Tây nguyên. Anh Tih R’cham cũng được hoan nghênh nhiệt liệt khi anh hát và biểu diễn những ngón đàn tuyệt vời do anh sáng chế.

Điểm dễ thương được ghi nhận trong buổi văn nghệ ở Melbourne là:

- Tiệc tổ chức vào tối chủ nhật mà khách tham dự đã yên lặng thưởng thức cho đến phút chót gần 11 giờ đêm.

- Gia đình, bạn bè, con cháu của anh Huỳnh Văn Phúc, chủ nhà hàng Anabella, cũng là trưởng ban tổ chức, đều vui vẻ đóng khố, mặc y phục Tây nguyên đón chào khách và trình diễn, vì ngày trình diễn đã quá cận nên không tìm được diễn viên và nhân sự.

- Nhóm phục vụ nhà hàng đều rất trẻ và dễ thương trong bộ đồ đồng phục, đã vui vẻ đóng góp giúp đồng bào thiểu số và còn hát Karaoke tiễn chân khách ra về.

- Phần âm thanh rất dễ nghe, có lẽ vì số lượng bàn tương đối ít hơn ở Sydney và do kiến trúc của phòng tiệc hình chữ nhật trải dài và sàn nhà hàng lại có bậc cao, nên dù khách có ngồi xa hoặc ở trong góc,cũng vẫn có thể nhìn thấy sân khấu và nghe được.

Mục đấu giá có lẽ là mục xôm tụ nhất vì đây là chặng cuối cùng của phái đoàn thế nên Melbourne có cơ hội bán đấu giá đàn T’Rưng và đàn Goong của anh Tih. Ngoài ra, còn có phần đấu giá áo Tây nguyên của Lm Trần Sĩ Tín nữa. Nghe đâu tất cả các áo, khố, sa rông của phái đoàn đã có một hội đoàn mua lại hết để dùng vào những ngày lễ hội sau này. Thật là một quyết định nhẹ nhàng cho phái đoàn!

Nhìn lại chuyến Úc du của phái đoàn Tây nguyên, chắc hẳn Lm Trần Sĩ Tín cũng toại nguyện một phần nào. Ông đã tâm sự là 40 năm rao giảng của Lm, đem Tin mừng và hy vọng đến cho một dân tộc nghèo nàn nhất, được làm con Thiên Chúa, giúp họ xoá bỏ những mặc cảm ‘mọi rợ’, làm sống dậy nền văn hoá cồng chiêng đã bị phế bỏ từ lâu. Chuyến đi Úc có anh Tih R’cham đại diện đã là một xác định rằng văn hoá của đồng bào được trân quý, chắc chắn sẽ đem lại niềm tự tin cho dân tộc Tây nguyên.

Xin ghi thêm một vài cảm nghiệm của khách tham dự trong các buổi tâm tình nơi trên:

- Phải chăng có thể nói là đây là một Hồng Ân của Thiên Chúa? Nếu bảo rằng hơn 40 năm rao giảng Tin mừng, Lm Trần Sĩ Tín, đã đem niềm tin đến cho một dân tộc nghèo khổ, nhưng có lẽ chính Sydney & Melbourne này là nơi đã làm trọn vẹn sứ vụ 40 năm của ông. Và nơi đây cũng là chứng nhân cho sứ vụ rao giảng đời Linh mục của ông?.

- Phải chăng đây là ân sủng khi Linh mục Trần Sĩ Tín một lần nữa đem lại luồng gió tươi mát của nhóm “Ca Vào Đời - ban Hallêluyah” thuở trước? Của sống đạo ‘vào đời’? Của sống đạo một cách vui tươi, trẻ trung, thông thoáng, thân thương và hoà đồng?

- Chắc hẳn ai cũng có ước mơ nho nhỏ là có được một ban Hallêluyah trẻ ở Sydney nối tiếp tạo niềm vui sống đạo, trong yêu thương, yêu đời. Và đời đi đạo, sẽ là một đời vui, tuyệt vời. Có Chúa Thánh Thần tác động, biết đâu ước mơ nhỏ đó sẽ trở thành hiện thực?

- Cảm thấy Bình An đang đến trong bạn, trong tôi và trong mọi người; và sẽ còn theo mãi, suốt cuộc đời vì ‘Chúa yêu trần thế …” và vì chúng ta “Được Chúa yêu thương’

- Chắc hẳn là câu “Bơ ni/Cám ơn/Thank you” là lời cám ơn của cả phái đoàn Tây nguyên lẫn khách tham dự buổi tâm tình gửi đến Sydney & Melbourne, và mọi nơi.

____________Tí Cười ghi nhanh- tháng 3-2009

THỜI TIẾT BÁO ĐỘNG

NGÀY TẬN THẾ

ĐÃ GẦN KỀ !

Tiếp theo (2) –___________________________________Trần Ngọc Báu

Con người thời đại, đang khi không thể từ bỏ nếp sống tiêu thụ xa xỉ của mình, đã không ngừng xả khí độc vào bầu khí quyển, làm ô nhiễm không khí và làm hâm nóng quả địa cầu. Từ đó, thời tiết bị đảo lộn liên miên, từ lũ lụt, đến hạn hán, cuồng phong dữ dội bất thường. Ngoài ra, một đàng, nhiệt độ gia tăng đang và sẽ làm cho các tảng băng tuyết ở các đỉnh núi đó đây và ở Nam Cực và Bắc Cực tan ra dần, và sẽ làm cho mặt nước biển từ từ dâng lên lấn chiếm các vùng đất thấp phì nhiêu có đông dân cư sinh sống; và, đàng khác, nhiệt độ nghiệt ngã này sẽ gây ra nạn hạn hán, mất mùa, đói ăn và chết chốc hàng loạt một cách thê thảm trên nhiều nước và vùng miền thế giới.

Đã thế, con người thời đại còn xả rác một cách bừa bãi, vô ý thức, làm ung thối mặt đất nữa. Không nói đùa cũng không nhằm sỉ nhục ai, ta phải nói rằng con người mệnh danh là văn minh ngày nay sống ngây ngô như con nít, ăn đó rồi cũng ị ra đó trong «ngôi nhà trái đất». Có điều là khi con nít ị ra, thì có người lớn hốt và bỏ vào thùng rác, còn con người hiện đại ị ra đầy cả «ngôi nhà trái đất» thì chính mình và con cháu mình lãnh đủ thôi, không có người hành tinh nào khác đến hốt giùm và bỏ giùm ở một thùng rác siêu âm hay siêu hình nào cả.

Biết thế, nhưng người ta ngày càng tiêu thụ nhiều hơn và dĩ nhiên xả rác nhiều hơn, khiến cho việc xử lý rác đủ loại trở nên càng phức tạp, từ thức ăn dầu mỡ đến rác gia dụng, rác kỹ nghệ, rồi đến rác phóng xạ nguyển tử. Đa số nước Au Châu ngày nay đã bắt đầu ý thức vấn đề và qui hoạch cách bỏ rác theo loại để dễ bề xử lý; nhưng cho đến nay đa số nước trên thế giới, nhất là các ngước nghèo, vẫn còn dửng dưng hoặc ngáy ngủ… Vả lại, tại các nước tây phương, người ta đánh thuế rác để có tiền xử lý rác đã đành, nhưng vấn đề là đánh đến đâu mới đủ để bảo đảm cho lớp hậu sinh không bị những lớp cha ông ăn rồi ị ra đó, rồi xách quần đi về thế giới khác, để lại hậu quả tại hại cho con cháu hưởng… !

THẾ NÀO LÀ RÁC ĐỘC HẠI, LÀM UNG THỐI MẶT ĐẤT ?

Để dễ hiểu thế nào là rác độc hại, bài Trái đất lâm nguy (3), Mục Vụ tháng Tư năm 1989, đã dành hẳn một bài bàn về đề tài «Rác rến làm ung thối địa cầu». Bài báo bắt đầu bằng cách nói đến nếp sống xa xưa của ông bà ta ở Việt Nam để so sánh với nếp sống hiện đại ở các nước tây phương. Trước đây, người nông dân VN trông có vẻ quê mùa bẩn thỉu, ăn ở thiếu vệ sinh, thiếu những tiêu chuẩn hiện đại để giữ gìn sức khỏe. Chẳng hạn, trừ ra nước uống hầu hết lấy từ nước mưa hay nước giếng, còn nước dùng cho các nhu cầu tắm rửa, giặt giệm và nấu ăn ở Miền Bắc lấy từ cái «ao nhà» tù túng và dơ bẩn, và ở Miền Trung lấy từ các sông ngòi, đục ngầu vào mùa mưa. Ở Miền Nam, đặc biệt là Miền Đồng Bằng Sông Cửu Long, người dân hầu hết lấy nước sông, quanh năm toát ra một mùi sình của đất phù sa pha lẫn với mùi phèn của nước lợ, dùng cho tất cả mọi nhu cầu sinh hoạt, kể cả uống.

Chắc chắn là nước ao tù cũng như nước sông chứa đầy vi trùng trong đó. Nhưng kinh nghiệm cho ông bà ta thấy rằng «ăn bẩn sống lâu», cũng như khoa học ngày nay xác nhận rằng ăn ở dơ bẩn cũng có lợi phần nào là tập cho cơ thể tiết ra những chất kháng thể để sẵn sàng chống lại sự tấn công của vi trùng, và nhờ đó mà thân thể được khỏe mạnh. Từ nước ngoài về thăm cố hương, người du khách gốc Việt lúc đầu chưa có những kháng thể này, nên dễ bị bịnh tiêu chảy. Một vài ngày sau, khi họ quen nước quen cái rồi, thì không còn phải bị bịnh này bịnh nọ nữa.

Bài «Rác rến làm ung thối địa cầu», tr. 26 nhận định: «Từ ngàn năm rồi, dân ta vẫn từng ăn sạch ở dơ. Nền vôi vách đất hay nền đất vách lá, quần áo nâu sòng hay đen bạc mốc meo, heo gà nuôi chuồng hay bay nhảy tung tăng, tất cả đều trông có vẻ dơ đó mà sạch đó, bầy nhầy ra đấy mà rồi đâu cũng tươm tất vào đấy. Rác rến phân phướng gì rồi cũng được tấp có chỗ để làm phân xanh màu mỡ. Nhà cửa áo quần có đạm bạc gì rồi ra cũng lành cho sạch, rách cho thơm. Đất lành khí trong, nước không hề độc và bầu trời không hề bị ám chướng.» (tr. 26)

Bài báo tiếp: «Sang đến trời tây, dân ta choáng váng trước cảnh vinh hoa phú quí, nhà cao cửa rộng, đường phố thênh thang, áo quần sặc sỡ. Đâu đâu cũng sạch: nhà sạch, đường sạch, phố sạch, đồng sạch, cảnh trí cũng sạch. Đâu đâu cũng ngăn nắp: xe cộ có giờ, chợ búa có ngày, đường xá có đèn, xả rác có nơi, công việc có chỗ, nghỉ mát có mùa… Người tây phương ở sạch đấy mà lại ăn dơ đấy! Chính nhờ họ nói ra mà ta mới biết: nước trở nên bẩn, khí thở bị ám chướng, cây trái bị nhiễm độc, bệnh hoạn càng nhiều ra và càng khó trị, con người sống lâu hơn nhưng cũng dễ sinh tật hơn, vui đó mà buồn đó, cười nói đó mà cũng dễ cau có đó, khoái lạc đó rồi cũng trông bệ rạc thảm thương ra đó…

«Do đâu mà có cái chuyện tréo cẳng ngỗng ấy? Là vì dân ta có một nghệ thuật sống thanh đạm, điều độ, nhàn hạ đã quen. Đang khi đó thì tây phương có nếp sống phung phí, xô bồ và căng thẳng cực độ. Một bên tích cốc phòng cơ, nâng niu từ cây hoa chậu cảnh, gìn giữ từng tấc đất tấc vàng. Còn bên kia thì tiêu xài phá tán, hưởng thụ xả dàn, rồi vất xả phứa ra.» (tr. 26) Quả vậy, thiên nhiên là một thể hài hòa nhuần nhuyễn, biến hóa điều hòa, tự dung hòa và tự điều chế lẫn nhau. Khi con người vung tay vọc vào thiên nhiên, tinh chế ra những gì mình cần dùng, như phát minh ra năng lực nguyên tử chẳng hạn, con người tỏ ra thiếu thận trọng và thiếu khả năng để chế ngự chúng. Người ta đua nhau sản xuất, tiêu xài phí phạm, và vất ra những phế liệu khó hòa nhập trở lại với thiên nhiên và trở nên độc hại với con người.

Như vậy, rác độc hại không phải do các nước nông nghiệp hay chậm phát triển gây ra, vì lẽ nếp sống của họ tôn trọng sự tuần hoàn đấp đổi của thiên nhiên có sức biến hóa những cái thừa thãi, khô héo, mục nát hòa nhập trở lại trong thiên nhiên. Trái lại, các nước kỹ nghệ tiên tiến chủ yếu triệt để khai phá và phá hoại thiên nhiên cho sự tiêu xài phung phí của con người. Người ta mạnh tay đốn rừng để khai khẩn đất đai, lấn đất nông nghiệp để mở mang đường xá, bành trướng các khu gia cư và công nghiệp, xây dựng phi trường, bến bãi cho xe cộ. Người ta đào hầm mỏ rút ra dầu và khoáng sản để đốt cháy và chế biến bao nhiêu thứ vật dụng tiêu dùng, nhiều đến nỗi những phế liệu chất thành đồi thành núi. Người ta chiết từ thiên nhiên ra những chất hóa học để dùng thỏa thích trước mắt, nhưng tai hại lâu dài. Tóm lại, người văn minh thời đại khai thác tối đa thiên nhiên để phục vụ cho mình để rồi vung vãi ra những phế thải có hại về lâu về dài cho con cháu.

THẾ GIỚI LÃNH ĐỦ CỦA NỢ ĐỘC HẠI DO MÌNH TẠO RA

Bài báo trên Mục Vụ tháng Tư 1989 cho thấy vào thời đó, việc xử lý rác rến rất là tùy tiện, tắc trách, bầy nhầy khắp nơi trên trái đất. «Từ bãi rác kỹ nghệ nhầy nhụa ở Bonn của Tây Đức đến những cống rãnh ứ sình ở thành phố Calcutta của An Độ, đâu đâu cũng thấy lù lù cái cảnh sình thối đáng ngại này. Vịnh Gdansk của Ba Lan chứa một thứ nước xúp nhờn nhợn đầy chất độc, thải ra từ các mỏ than và nhà máy luyện thép. Hồng Kông, với 5,7 triệu dân sống chui rúc trên một diện tích khoảng 1 ngàn cây số vuông, mà có đến 49 ngàn nhà máy và thải ra mỗi ngày 1 ngàn tấn đồ nhựa, gấp 3 lần thành phố Luân Đôn. Rác rến sình thúi và phân bắc (phân người) làm hư thối con sông Vương Hà hùng vĩ của Thái Lan. Những thứ mà con người vất thải ra đã làm cho chính mình phải nhột mắt và lợm giọng đến ghê tởm… » (tr. 27)

Bái báo năm 1989 tiếp: «Mỹ là cường quốc kỹ nghệ hàng đầu thế giới cũng là nước hàng đầu xúc phạm trắng trợn đến môi trường sinh sống của con người. Mỗi năm Mỹ thải ra 16 tỷ tấn khăn vải vệ sinh đã dùng, 1,6 tỷ cây bút, 2 tỷ dao cạo và 220 triệu vỏ xe. Cứ mỗi 3 tháng, số lượng vật dụng bằng nhôm thải ra ở Mỹ có thể đủ để sản xuất được toàn bộ số phi cơ hàng không dân sự Mỹ. Còn gì phải nói đến vô số núi rác kỹ nghệ độc hại cứ ngun ngút dâng lên và tràn ra cùng khắp nước Mỹ, làm đề tài tranh cãi bất tận về phương cách để thanh toán chúng. Ong David Rall, giám đốc Viện Khoa học Quốc gia về Vệ sinh Môi trường Sinh sống, đã nói: 'Trước đây, người ta xả rác bất luận nơi nào thuận tiện, để lấp một ao hồ, một bãi sình lầy, hay một gốc sân sau nhà. Giờ đây, người ta đang bấn lên trước của nợ kếch xù ấy.' » (tr.28)

Ngoài ra, còn một thứ rác vô cùng độc hại là rác «phóng xạ». Bài báo năm 1989 tả lại hình ảnh con tàu Pelicano mang trong lòng nó 14 ngàn tấn tro độc (phóng xạ), xuất phát từ cảng Philadelphia của Mỹ vào tháng 9.1986, trôi dạt vòng quanh bốn bể hai năm ròng rã, bị người ta «xua đuổi nó như xua đuổi tà ma ôn dịch». Đến « tháng 10.88, nó thải được 2 tấn xuống Haiti. Một tháng sau, nó bị tống xuất khỏi cảng Singapour, và sau đó nghe đâu nó trút được cái bầu tâm sự đắng cay chua chát của nó tại một nước mạt số nào đó (không dám bêu tên) có lòng nghĩa hiệp chứa chấp cái của nợ hắc chướng của nó để được bù lại một số tiền mang đi trả nợ nước ngoài. Trái đất ngày nay cũng giống tình cảnh của anh nhà nghèo bị anh nhà giàu bóc lột đến độ phải lấy cái chòi mình làm thùng chứa phân cho anh nhà giàu để kiếm chút tiền còm.» (tr. 27)

Bài báo tiếp: «Con tàu nói trên còn cho thấy cái lối giải quyết rác rến bất cẩn và vô trách nhiệm nhất hiện nay. Đó là đem rác ở chỗ này vất chồng đống ở một chỗ khác, cho dù chỗ đó là bãi sình lầy New Jersey của Mỹ, hay bãi biển của Haiti, hoặc giữa lòng biển An Độ Dương. Cái lối vất phứa rác rến như thế chẳng những không giải quyết được gì, mà còn làm trầm trọng thêm một vấn đề toàn cầu, tự nó đã khẩn trương và lưỡng nan lắm rồi. Đó là vấn đề làm sao thanh toán được cái thứ phụ sản đáng ngại này của nền văn minh kỹ thuật, mà không làm hại đến sức khỏe của con người và môi trường sinh sống của cả nhân loại.» (tr. 27)

Việc xử lý rác cũng rất phức tạp, nhiêu khê. Bài báo tiếp: «Khi mà người ta đốt những thứ rác thông dụng, thì bầu trời bị nhiễm những khí hơi nguy hại. Nhưng khi người ta đổ thành đống những thứ rác kỹ nghệ, thì những chất độc hại chết người do sự phân hóa của ác-xít, của các chất hữu cơ lâu rã (như xương) và của kim khí đủ loại sẽ thấm thấu qua bãi rác xuống tới các mạch nước ngầm, do đó làm ô nhiễm (nguồn) nước uống và (nước tưới) các cánh đồng tươi tốt.» (tr. 27-28)

Bài báo năm 1989 viết: «Thử lấy trường hợp của Mỹ, ta thấy 80% đồ phế thải cứng nhắc (như xe, máy móc, chai lọ, lon thùng…) được chất chứa trong 6 ngàn bãi núi rác. Trong vòng 5 năm qua, hết 3 ngàn trong số này đã phải đóng cửa vì đã đầy ngút rồi. Vào năm 1993, 2 ngàn bãi nữa cũng sẽ đóng cửa vì không còn sức chứa. Còn ở Tây Đức, 35 ngàn trong số 50 ngàn bãi rác đã bị coi là có thể làm nguy hại đến nguồn nước cung cấp cho tiêu dùng.

«Tình cảnh các nước nghèo lại thê thảm một cách khác. Ít có quốc gia đang phát triển nào có được luật lệ qui định việc xả rác, và còn ít hơn có được kỹ thuật và nhân viên chuyên môn để giải quyết thích đáng và nghiêm chỉnh vấn đề rác. Các hãng ngoại quốc ký hợp đồng khai thác kỹ nghệ tại các nước Phi Châu và Á Châu vẫn chưa hoạch định hệ thống thanh lọc các chất phế thải mà đáng lý ra phải có trong sơ đồ nhà máy (…) Còn những địa điểm có áp dụng những kỹ thuật tân kỳ của tây phương để giải quyết nạn rác rến, thì khốn thay nó lại không thích ứng với những điều kiện này khác của các nước nghèo.» (tr. 27-28)

Thực vậy, theo bài báo, đại đa số quốc gia trên thế giới thiếu phương tiện giải quyết nghiêm chỉnh vấn đề rác rến này. Thứ nhất, thiếu một chiến lược qui mô nhằm xử lý toàn bộ vấn đề từ gốc đến ngọn và thích đáng cho từng loại rác. Thứ hai, thiếu một phương pháp hữu hiệu nhất và ít hại nhất để thanh toán rác. Thứ ba, thiếu tài chánh, khi mà tiền để ăn tiêu đã thiếu thì lấy đâu ra tiền để thu dọn những thứ phế thải!

Vào những năm 80, ngoài việc tăng thuế rác để dùng vào việc hốt rác, mướn đất làm bãi rác mới, hoặc để xây cất các lò thiêu rác hay đào sâu vào lòng đất xây hầm chứa tro bụi độc hại, nhất là tro bụi phóng xa, «tại các nước kỹ nghệ tiên tiến, các chính phủ phải đương đầu với một vấn đề xã hội trọng đại: đó là các cộng đồng địa phương nhất định phản đối chính quyền mỗi khi có dự án xây những bãi rác mới hoặc những lò thiêu rác ở tại địa phương họ. Sức đề kháng này mỗi lúc một quyết liệt hơn và lan rộng khắp nước. Hiện nay, vấn đề rác đang ở trong một cái thế quẩn bách hầu như là nan giải thật sự.» (tr.38-39)

Tạm kết luận : Đời sống dân quê Việt Nam trông khổ cực thật đấy, nhưng khi ra đi, dân ta lại nhớ đến cái «ao nhà», và tự nhủ thầm rằng «dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn». Dân Miền Nam đi đâu cũng nhớ đến «Nhà Bè nước chảy chia đôi… », những hình ảnh sông nước thân thương quen thuộc. Nước da người dân quê cũng bộc lộ cái tình non nước: nõn nà ở xứ nước trong, mặn mà ở ven biển, và mơn mởn nơi những cánh đồng bát ngát.

Tuy nhiên, Việt Nam ngày nay cũng đua đòi bắt chước lối sống xa xỉ và bừa bãi của các nước kỹ nghệ. Ô nhiễm môi trường sinh thái tràn lan ở các khu kỹ nghệ và ở các thành phố lớn, đang khi luật lệ bảo vệ môi sinh thì hãy còn lỏng lẻo, chiếu lệ. Người dân trong nước thì mải lo chuyện cơm áo ngày qua ngày, chưa tính nổi đến chuyện vệ sinh cá nhân và nơi ăn ở, thì còn hơi sức đâu để nghĩ đến chuyện vệ sinh cho trái đất. Còn người gốc Việt ở ngoài nước thì tới đâu hay tới đó, người ta sao tôi vậy thôi. Coi chừng, lầm to đấy! Nếu mỗi người không góp sức vào việc thu quét tươm tất « ngôi nhà trái đất », thì trước sau gì cũng đưa nhau đi đến một cuộc tàn sát tập thể vô phương cứu chữa.

Fribourg ngày 06/04/2005

THỜI TIẾT BÁO ĐỘNG

NGÀY TẬN THẾ

ĐÃ GẦN KỀ !

(tiếp theo và hết)

Trần Ngọc Báu

BÃO LỤT DO NGƯỜI HAY DO TRỜI ĐỊNH ?

Trong năm nay, thiên tai, hạn hán, bão lụt xảy ra cùng khắp thế giới! Mới đây, trong vòng 5 tuần lễ từ giữa tháng 8 đến cuối trung tuần tháng 9, trời đất bỗng đùng đùng nổi cơn thịnh nộ. Rầm rộ nhất là các trận lũ lụt lớn ở trung tâm Au Châu, hạn hán ở Pháp và Tây Ban Nha, cháy rừng thiêu rụi 220 ngàn mẫu rừng ở Bồ Đào Nha, bão lốc Katrina tàn phá bình địa miền duyên hải vịnh Mexicô của Hoa Kỳ; giông bão ập vào Việt Nam, cuồng phong càn quét Nhật và Trung Quốc. Thế rồi cơn bão nhiệt đới Ophelia lại quét qua bờ biển hai bang Carolina miền đông-nam Hoa Kỳ, rồi tiếp theo sau là cơn bão lốc Rita ào ạt đổ bộ vào Florida và vùng vịnh Mexicô một lần nữa… Hình như có cái gì không ổn? Trái đất không còn muốn là nơi an cư lạc nghiệp, đất lành chim đậu, động thiên thai, vườn địa đàng của loài người nữa hay sao? Thời tiết như mỗi ngày một ác nghiệt hơn với con người? Ong Trời hay chính con người đang ra tay tận diệt «ngôi nhà trái đất» của mình?

THIÊN NHIÊN GÂY RA BÃO TỐ, CUỒNG PHONG, HẠN HÁN…

Học về luật mây mưa trong giờ địa dư ở trường, các học sinh đệ ngũ, đệ tứ được giảng giải rằng vào mùa hè, càng đi sâu vào bên trong các lục địa ở bắc bán cầu, thời tiết càng nóng lên, vì mùa hè là mùa mặt trời tiến gần bắc bán cầu nhất và thiêu đốt mạnh nhất miền này. Khi khối lượng không khí trên mặt đất bị đốt nóng thì giãn ra, trở nên nhẹ và bóc lên trời, tạo ra một khoảng trống và thu hút luồng khí mát từ nơi khác đổ vào đó. Ta gọi là «gió» luồng khí dời từ chỗ này đến chỗ khác, và «giông» nếu luồng khí ấy bị thu hút và di chuyển thật mạnh.

Hiện tượng gió bão thường được thổi từ đại dương vào các lục địa vào mùa hè. Bão lốc là cơn bão nhiệt đới, phát xuất từ vùng đại dương ở miền nhiệt đới, gần đường xích đạo. Chẳng hạn, bão lốc thường phát xuất từ miền nhiệt đới Đại Tây Dương đánh thốc vào bờ biển phía đông-nam Hoa Kỳ và vùng vịnh Mexicô. Giông tố và bão lốc cũng xuất phát từ miền nhiệt đới Thái Bình Dương đổ vào các bờ biển Việt Nam, Nhật và Trung Quốc, v.v. Bởi vì vào mùa hè, mặt nước biển vùng nhiệt đới cũng được đun nóng và bóc hơi thành mây, rồi từ đó bị thu hút và đổ vào lấp các khoảng trống trải bên trong các lục địa. Trên đường đi, gặp phải luồng khí mát (thường thì ở sát bờ biển), mây đọng lại thành mưa…

Thực vậy, trên đại dương, nước biển càng được đun nóng và bóc hơi, thì mây càng dầy và khí càng ẩm. Mây càng dầy và khí càng ẩm thì mưa càng lớn khi được thổi vào đất liền. Mưa lớn làm cho nước không kịp thấm vào lòng đất, mặt nước dâng lên và tạo ra lũ lụt. Lại nữa, cuộc vận hành của khí ẩm từ bên ngoài đại dương kéo vào lục địa, kết hợp lại với nhau ngày càng mạnh, tạo thành những luồng gió lớn chuyên chở càng nhiều mây mưa, biến thành giông tố, cuồng phong. Người ta gọi là giông tố, cuồng phong khi vận tốc của chúng còn ở dưới mức 74 dậm/giờ (khoảng 118 km/giờ).

Trên đường vận hành hướng về đất liền, có khi cuồng phong gặp phải sức cản của những luồng gió thổi từ hướng lục địa ra biển cả, nên xảy ra hiện tượng là cuồng phong bị cuốn tròn lại, tạo thành con xoắn ốc, cơn lốc, hay bão lốc. Cuồng phong càng mạnh, bão lốc càng lớn. Bão lốc có một tâm và một đường kính có thể rộng đến nhiều cây số tùy theo cơn lốc lớn nhỏ, mạnh yếu tới đâu. Bão lốc xuất hiện từ ngoài đại dương, kéo vào phía đất liền, tăng giảm tốc độ và đổi hướng dễ dàng tùy theo sự kết hợp vận tốc với những cơn bão khác. Cơn bão lốc càng trở nên dữ dội khi sức xoáy tròn từ tâm của nó mạnh đến nỗi tạo nên một bức tường thành gió xoắn, có thể bứng đi như chớp nhà cửa và cây cối trên đường nó đi qua. Ngoài ra, bão lốc thổi dồn dập trên mặt nước biển, tạo ra những con sóng biển càng lúc càng dâng cao, và biến chúng thành những con sóng thần khi ập vào đất liền, tàn phá tất cả và gây cảnh chết chốc thảm thương.

Người ta đo tốc độ của gió (và sức tàn phá của sóng nước ập vào bờ) để định cấp cho các cơn bão lốc: cấp 1 từ 74 đến 95 dậm/giờ (118.5-- 152km/giờ) ; cấp 2 từ 96 đến 115 dậm/giờ (154-- 184km/giờ) ; cấp 3 từ 116 đến 135 dậm/giờ (186-- 216km/giờ) ; cấp 4 từ 136 đến 155 dậm/giờ (218—248km/giờ); cấp 5 trên 155 dậm/giờ (trên 248km/giờ). Dĩ nhiên, gió càng mạnh thì dồn sóng biển lên càng cao : từ cấp 1 sóng cao gần 2 mét đến cấp 5 sóng cao tới 6 mét hoặc hơn.

Như trường hợp cơn bão lốc Katrina cấp 5, hạ xuống cấp 4 khi đổ bộ vào vùng vịnh Mexicô của Hoa Kỳ vào cuối tháng 8 năm nay, ta thấy gió bão và cơn lốc, cùng với những con sóng thần cao 5- 10 mét đánh ập vào đất liền, làm sập lở đê đập, phá hoại nhà cửa, đường xá, cầu cống, và vật ngã các cây cối và cột điện đường, v.v., gây ra nạn lũ lụt tại New Orleans và cảnh tàn phá tang thương rộng lớn chưa từng thấy. Ngoài ra, giông bão và lũ lụt còn gây cho nhiều người thiệt mạng, làm cho hàng ngàn, hàng vạn hay hàng triệu người cơ cực, khốn khổ, điêu đứng, và gây thiệt hại đến hằng trăm tỷ mỹ kim…

Không riêng gì ở Mỹ, mà tại các miền ven biển của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Phi Luật Tân, Việt Nam và các nước ở Đông Nam Á, kể cả các nước dọc theo Vịnh Bengal như Ấn Độ và Bangladesh, các trận giông bão, cuồng phong và bão lốc đã tàn phá và giết chết hằng trăm ngàn người. Chẳng hạn, năm 1970, chỉ một cơn bão nhiệt đới cũng đủ phá hoại bình địa nước Bangladesh và giết chết khoảng nửa triệu người. Năm 1991, một cơn lốc đã giết chết 139 ngàn người nữa tại nước này. Cũng năm 1991, trận cuồng phong Thelma phá vỡ đê đập và gây lũ lụt tại Phi Luật Tân, giết chết khoảng 6 ngàn người. Nói một cách tổng quát, các trận cuồng phong và bão lốc đều phát xuất từ các hiện tượng khí tượng gọi là El Nino và La Nina quần thảo trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương vào các mùa hè-thu, gây ra các trận biển động và giông gió lớn thổi qua các đại dương.

Bên trong lục địa, nơi nào có mưa nhiều thì có lũ lụt; không có mưa thì bị hạn hán. Lũ lụt thường gây thiệt hại về nhân mạng và nhất là về tài sản, mùa màng, lương thực. Còn hạn hán lâu ngày có thể gây ra nạn cháy rừng, mất mùa và đói rách. Nên biết, trên quả địa cầu này, hiện nay mỗi ngày trung bình có khoảng 100 ngàn người chết đói hoặc chết do đói ăn mà ra, trong số đó có 72 ngàn là trẻ em dưới 10 tuổi! Tất cả những hiện tượng hạn hán, mưa gió, lũ lụt, bão tố, cuồng phong, bão lốc đều là do thiên nhiên mà ra. Thiên nhiên tuần hoàn theo luật thừa trừ, tức bù qua xớt lại với một liều lượng tương đối phải chăng. Nhưng từ khi con người nhúng tay vào quậy phá thiên nhiên, con người đã thay đổi thiên nhiên theo nhịp độ phá tán điên cuồng của mình.

CÁI GÌ LÀM CHO THIÊN NHIÊN NGÀY CÀNG GIẬN DỮ?

Bình thường, ở miền ven biển đông-nam Hoa Kỳ chẳng hạn, kể từ cuối tháng 5 đến tháng 11 là mùa giông bão hằng năm, thường có xảy ra khoảng 10-12 trận bão nhiệt đới và bão lốc từ cấp 1 đến cấp 3 hoặc hơn. Riêng năm nay, tính đến đầu hạ tuần tháng 9 (tức đến ngày 22/09) đã có tới 17 trận bão nhiệt đới và bão lốc, trong số đó có cơn bão lốc Katrina cấp 4-5 tàn phá gần như bình địa một vùng rộng lớn từ vùng duyên hải vùng vịnh Mexicô lên tới Kentucky, so ra gần bằng một nước Việt Nam, và, tiếp theo ngay, có cơn bão nhiệt đới Ophelia thổi qua hai bang Carolina và một cơn bão lốc Rita cấp 5 đang tiến vào càn quét 2 bang Texas và Louisiana ngày 22/09/2005, sau khi quét thốc qua Cuba. Người dân thành phố New Orleans vừa mới lục tục kéo về lai rai, lại phải cuốn gói lên đường lánh nạn thêm một lần nữa… !

Ngay vào đầu tháng 8 năm nay, bản dự báo thời tiết do Viện Quốc gia Quan sát Khí tượng và Đại dương (NOAA) của Hoa Kỳ đã tiên báo có nhiều triệu chứng cho thấy mùa bão năm nay sẽ có từ 18 đến 21 trận bão nhiệt đới, nghĩa là khoảng gấp đôi số trung bình hằng năm. Trên con số từ 18 đến 21 trận bão nhiệt đới đó, có thể có từ 9 đến 11 biến thành những cơn lốc dữ dội. Trong số này, có thể có từ 5 đến 7 cơn bão lốc cỡ lớn, tức từ cấp số 3, 4, đến 5. Như vậy, dự báo thời tiết đã nói rất chích xác: chẳng hạn về bão lốc, ngay đầu mùa (tức tháng 6) đã có hai cơn bão lốc cấp 3, rồi tiếp theo có 2 cơn bão lốc cấp 4 Dennis và Emily vào tháng 7, kế đến xảy ra cơn bão lốc cấp 4-5 Katrina vào cuối tháng 8, và cuối cùng nhưng chưa hết là cơn bão lốc cấp 5 Rita vào hạ tuần tháng 9. Tính đến cuối tháng 11, con số bão nhiệt đới và bão lốc chắc sẽ đến mức dự báo là 21 trận… Theo nhiều nhà khí tượng học, chính vì năm nay có «cơn nóng ngoại lệ» gia tăng trên mặt biển Đại Tây Dương, nên mới gây ra các trận giông bão mạnh gấp đôi thường lệ, tàn phá lớn lao khác thường như vậy.

Người ta cũng nhận thấy trong vòng 5 năm --từ 1995 đến 1999-- đã có con số kỷ lục 41 trận bão lốc xảy ra tại miền đông-nam và vịnh Mexicô của Hoa Kỳ, cũng như tại các nước trong vùng biển Caraibes. Hơn nữa, trong những năm vừa qua, các trận giông bão nhiệt đới và bão lốc có xu hướng gia tăng cường độ nhiều hơn trước đây. Theo ông Kerry Emanuel, một chuyên viên của Viện Đại học Kỹ thuật Massachusetts của Hoa Kỳ (Massachusetts Institute of Technology- MIT-), hiện tượng hâm nóng trái đất, gọi là «hiệu ứng lồng kính», đã là nguyên do gây ra các trận cuồng phong, bão lốc càng lúc càng dữ dội và có lẽ càng nhiều ra. Trong một bản nghiên cứu do ông soạn thảo mới đây, ông có cho thấy các trận bão lốc trở nên hung bạo và kéo dài hơn. Ong nói: «Người ta nhận thấy bão lốc có xu hướng gia tăng cường độ, nhất là trong 30- 40 năm trở lại đây.» Ong cũng ghi nhận có sự quan hệ mật thiết giữa việc bão lốc tăng cường và nhịp độ thời tiết càng hâm nóng lên trên mặt đại dương, và tiên báo trong tương lai hiện tượng hâm nóng này sẽ làm gia tăng «tiềm năng pháhoại của các trận bão lốc nhiệt đới».

Như vậy, đang khi các nhà khoa học vẫn cho rằng chưa có đủ thời gian tính để có thể xác quyết các cơn bão tố có gia tăng về số lượng, thì có một điều chắc chắn là các cơn bão có gia tăng về cường độ (sức mạnh) , dựa trên những con số hư hại do bão gây ra. Thực vậy, mùa giông bão năm 2005 này nằm trong thập niên có bão tố càng lúc càng dữ dằn. Theo NOAA, giữa năm 1995 và 2004, các mùa giông bão đã gia tăng cường độ, và năm 2005 đã vượt lên 59% mức trung bình hằng năm. Năm 1998 chẳng hạn, có hai cơn bão lốc Gilbert và Mitch được xếp vào loại tàn phá nhất thế kỷ, với tốc độ cuồng phong đến 290km/giờ. Còn năm 2004, mùa giông bão đã là «một trong những trận đánh phá tổn hại nhất xưa nay», theo ông Max Mayfield, giám đốc Trung tâm Quốc gia về bão lốc của NOAA.

Nhìn quanh, ta thấy ở Trung Quốc, trước khi có trận cuồng phong vào giữa tháng 9 năm nay, đã có những trận mưa lũ lớn làm thiệt mạng 764 người và làm mất tích 191 người. Đài Loan và Nhật Bản cũng bị cuồng phong tàn phá vào hè năm nay. Ơ Việt Nam thì hạn hán, rồi bão tố và lũ lụt xảy ra từ Bắc chí Nam, đã gây thiệt hại vật chất cho hằng vạn người và và chết chốc cho hằng trăm người. Ở Au Châu, năm 2003, có một cơn nóng thiêu đốt làm thiệt mạng 20 ngàn người, đa số là già yếu. Cũng năm 2003 nóng hạn, xảy ra những trận cháy rừng lớn ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý, Pháp, giết hại hằng chục người tại mỗi nước.

Tạm kết luận

Nói chung, cho đến nay các nhà khoa học có thể quả quyết được rằng có những sự thay đổi về thời tiết từ vài chục năm qua, làm gia tăng nhiệt độ trên mặt đất, do bởi con người vung vãi quá độ khí than CO2 vào bầu khí quyển, tạo ra hiện tượng hâm nóng trái đất, gọi là «hiệu ứng lồng kính». Như vậy, các trận cuồng phong bão tố hiện nay chính là một trong những thiên tai do hiệu ứng lồng kính gây ra. Giáo sư Kerry Emanuel của MIT nhận xét rằng nhiệt độ các đại dương có gia tăng 3 độ F ấm hơn, do thời tiết bị hâm nóng lên. Điều này làm gia tăng 10 phần trăm mưa gió bão bùng. Thực vậy, nếu trái đất tiếp tục hâm nóng lên như hiện nay, thì các lục địa sẽ tiếp tục bị hạn hán và lũ lụt nhiều hơn, và các đại dương sẽ tiếp tục tạo ra những trận cuồng phong và bão lốc dữ dằn hơn, đánh vào các vùng đất ven biển nhiệt đới ở về phía tây Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Vinh Bengal của An Dộ Dương…

Chỉ nói riêng về các sự thiệt hại gây ra do những cơn bão tố, ta cũng sẽ thấy một viễn tượng khủng khiếp vô cùng. Một cơn bão như Katrina có thể gây thiệt hại cho Mỹ 200 tỷ mỹ kim, bằng 2 năm tổng phí chiến tranh ở Irak, và có thể làm trì trệ sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Nếu chẳng may trong một năm Mỹ chuốc 3 trận bão lốc lớn cỡ ấy, thì chắc chắn nền kinh tế của Mỹ sẽ suy sụp và kéo theo sự suy tàn của các nền kinh tế trên thế giới. Rốt cuộc, chính con người ra tay làm hại con người, bằng cách góp sức cho thiên tai gây thêm điêu đứng, bất ổn và chết chốc cho người mình mà thôi.

Fribourg 22/09/2005

MỘT THOÁNG ĐẠI HÀN TRONG MẮT TÔI

Trần Phương Ánh

Theo một đoàn người Việt từ Úc đi du lịch qua đất nước Hàn quốc (trước kia gọi là Đại Hàn, hay Đại hàn Dân Quốc) tôi đặt chân đến phi trường Quốc tế Incheon ngày 14 tháng 4 năm 2009.

Vừa đến cái đập vào mắt tôi ngay lập tức là phi trường rất sạch sẽ, rộng và to hơn phi trường của Sydney nhiều. Tôi phải khâm phục và ngạc nhiến về sự sạch sẽ ở đây. Các phòng vệ sinh, có máy quay đồi bao ny long cho ghế bàn cầu ngồi ngay lập tức cho người dùng bàn cầu kế tiếp, ngay khi mình vừa dùng xong. Tất cả mọi đồ trang bị trong các khách sạn đều có chữ Made in Korea. Bảng chữ viết tiếng Đại hàn ở khắp nơi, sau này khi đi trên đường phố tôi cũng nhận xét thấy nhiều tiếng Đại hàn hơn tiếng Anh (có tiếng Anh nhiều riêng ở thủ đô Hán thành mà thôi).

Xin cho phép tôi được dùng chữ Đại Hàn cho vùng đất phía Nam thay vì Hàn quốc nhé. Vì vừa đúng giờ ăn cơm trưa nên đoàn được đưa đi ăn món lẫu nấm kiểu Đại Hàn. Món ăn dùng nhiều rau hơn là thịt. Do đó mà tôi nhận xét là người Đại hàn đa số vừa tầm, không có người béo phì nhiều. Sau đó chúng tôi đi thăm vùng Chinatown của vùng Incheon . Đây cũng là thành phố Tầu độc nhất trên mảnh đất Đại hàn. Chinatown này được thành hình từ năm 1884, khi đầu tiên có văn phòng lãnh sự Trung quốc tại đây. Các bảng hiệu cho thấy hai thứ tiếng, tiếng Hàn và tiếng Trung quốc. Bạn cũng sẽ thấy đa số là các nhà hang tầu. Tại đây tôi thấy cũng có cửa Ngọ Môn cho Chinatown như bất cứ phố tầu nào trên thế giới. Một cách tình cờ, đoàn chúng tôi vào thăm một nhà thờ công giáo, Our Lady of Lourdes, Catholic Church, lạc lõng trong khu Chinatown này. Trên bàn thờ vẫn còn hoa lá được trang hoàng dành cho Lệ Phục Sinh vừa qua.

Tổng số dân Đại hàn là 49 triệu người. Phố khác chung quanh vùng Incheon cũng vẫn còn hoa anh đào nở trắng xóa con đường. Tuy không được đẹp như hoa anh đào bên Nhật, nhưng cũng là một cảnh đẹp độc đáo cho du khách ngắm xem vào tháng tư hàng năm.

Theo lich sử của Đại hàn, thì nước Đại hàn đã bị Nhật cai trị tới 2 lần, lần thứ nhất từ năm 1592 tới năm 1598, lần thứ hai từ tháng 12 năm 1905 tới tháng 9 năm 1945 (vì Nhật thua vì quả bom nguyên tử). Họ đã từng bị đô hộ, bắt buộc phải học hành theo Nhật, tổ chức hành chánh cai trị theo Nhật, phải dùng lá cờ của Nhật từ tháng 8 năm 1910 đến tháng 12 năm 1945, nhưng ngày nay họ đã có một ngôn ngữ riêng, cách viết hoàn toàn riêng biệt.

Thời Tam quốc Đại hàn có 3 nước: Triều tiên ở phía Bắc, Đông là Silla, Tây là Paekche (Bắc Tế). Vương quốc Silla là mạnh nhất và văn minh nhất.

Nếu so với Nhật thì Đại hàn là một nước nhỏ, chỉ là một bán đảo. Phi trường được xây dựng trên đảo Incheon riêng biệt với đất liền. Du khách phải đi phà hoặc đi qua một cái cầu dài 28 km đang xây mới vào đất liền được.

Vì thủ đô Đại hàn là Seoul, rất gần biên giới phân chia hai bên Quốc Cộng, cho nên dọc theo bờ biển chỉ thấy toàn nhửng giây thép gai chăng dài dài. Không thấy một chỗ nào thấy có người dân đang vui đùa với sóng biển. Hỏi ra thì người hướng dẫn du lịch giải thích rằng, họ phải làm vậy để ngăn chặn sự xâm nhập của Bắc Hàn. Bắc hàn có thể cho người lợi dụng đêm tối bơi vào bờ làm những công tác gián điệp. Dân Đại hàn lúc nào cũng phải phòng hờ trong tình trạng ứng chiến phòng ngừa sự xâm nhập của Bắc hàn. Thanh niên Đại Hàn phải đi quân dịch hai năm sau khi học xong trung học rồi mới có thể lên Đại học hay quyết định chọn con đường binh nghiệp.

Chúng tôi được đưa đi thăm vùng Phi Quân sự, nằm tại vĩ tuyến thứ 38, nơi ngăn đôi hai miền Nam và Bắc hàn.Tôi chưa và không có dịp thăm cầu Hiền Lương của Việt Nam ngày xưa, nhưng cảm giác khi đi qua phân nửa Freedom Bridge của Đại hàn, cảm giác cũng thấy thấm thía, bùi ngùi vì đất nước chia đôi. Đoàn chỉ đi được nửa cầu về phía Nam hàn còn phần nửa cầu bên kia là của Bắc hàn. Ngay chính giửa cầu có một vách ngăn hai bên, trên đó còn thấy nhửng miếng vải trắng bay bay trong gió trên ghi nhừng dòng chữ Đại hàn mà tôi được giải thích là để nhắn gởi cho những thân nhân của họ còn kẹt lại phía bên kia. Gần cầu cũng có một bàn thờ để nguời dân Đại hàn có thể ra đó tế tổ, nhớ thương những thân nhân còn sống bên kia.

Muốn đi tới vùng Phi quân sự này (DMZ) phải trình sổ thông hành, số người phải đúng như khi xin giấy phép từ trước, vì trên con đường đến vùng này, sẽ còn phải qua những trạm lính kiểm soát, đòi xem giấy tờ và đòi xem sổ thông hành. Theo như tài liệu tôi đọc được, các công dân có sổ thông hành thuộc Iran, Iraq, các nước Trung Đông, các nước còn theo thể chế cộng sản, vài nước ở châu Phi, Việt nam, Hồng Kông và Trung quốc sẽ không được cho phép vào thăm viếng.

Được chấp thuận vào vùng này, ngồi trên xe bus tôi thấy trên đường đi có chăng nhiều giây thép gai, không khí căng thắng vì Bắc hàn vừa phóng một vũ khí hạt nhân, đe dọa sự an ninh của các nước khác trong vùng, mà Nhật và Úc cũng phản đối. Khi tôi viết cho các bạn đọc những dòng này thì lại vừa có tin là Bắc hàn lại vừa phóng một vũ khí hạt nhân lần thứ hai.

Trở lại vùng biên giới qua vùng phi quân sự, chúng tôi được cho phép nhìn vào ống nhòm (trã W$500, tương đương với $0.50 cents Úc), để được nhìn qua phía bên kia. Tôi trông thấy lá cờ Đại hàn bên này và lá cờ Bắc hàn ở phía bên kia. Hai bên Nam Bắc mỗi bên cách nhau 2 km, ngăn chia bằng hàng chắn bằng giây thép gai. Không có một hoạt đông nào trong phạm vi 2 km của mội bên. Đây là phần đất bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, có thể có những con vật đang sinh sống trong đó không chừng. Chúng tôi cũng được cho đi xem đường hầm số 3 trong tổng số 20 cái đường hầm do Bắc hàn đào để xâm nhập Nam hàn, lấy cớ là đi tìm than đá. Nam hàn đã khám phá ra tất cả 4 cái đường hầm nhưng chỉ có cái sồ 3 là gần Seoul nhất và đã được sửa chữa lại để cho du khách vào thăm (không được chụp hình), để thấy Bắc hàn luôn luôn tìm cách xâm phạm.

Tôi được cho đi qua vùng Seoraksan National Park, nơi có những ngọn núi cao nhất nước Đại hàn, trên ngọn núi còn thấy mây phủ, không thấy ngọn. Cảnh đẹp thanh tịnh với tượng Phật thật to bằng đồng, nằm sừng sững giữa trời núi bao la, rải rác chung quanh còn những ngôi chùa to hoặc nhỏ. Dân Đại hàn cũng lũ lựợt leo núi, các đoàn học sinh trung học trai gái mặc đồng phục, theo thầy cô leo núi trong trật tự, rồi sẽ dùng xe cable xuống. Càng lên cao thì sẽ thấy cảnh càng đẹp.

Ngay giữa vùng núi hùng vĩ, lại có một khách sạn nơi chúng tôi qua đêm. Khách sạn được trang bị hồ tắm nước nóng (hot spring), hot spa, rồi cả hồ có dòng nước chảy mạnh, du khách nằm dài cho dòng nước mạnh tự đấm bóp khắp mọi nơi trên thân thể tùy thích, hồ ngâm mình trong nước trà xanh (mầu xanh lục), hồ ngâm mình trong hồ nước mùi raspberry v.v.. Ai nếm mùi đấm bóp kiểu này xong cũng cảm thấy thật dễ chịu. Ra phía hồ ngoài trời, bạn không thể tưởng tượng là, chúng tôi được nếm mùi hot spring nhìn trời đầy sao, lạnh phía trên, nhưng hơi nước bốc khói phía dưới, thật là dễ chịu làm sao!. Trong hot spring này nam nữ có mặc áo tắm vì mở chung cho hai phái. Đây là một khách sạn tối tân, phía dưới còn có supermarket, shop bán mỹ phẩm và nữ trang, đồ kỷ niệm. Đây được coi như một thành phố nhỏ trong một khách sạn. Một điều đáng phục của người Đại hàn là hầu hết các đồ kỷ niệm đều là made in Korea, tôi không hề thấy một đồ kỹ niệm nào made in china cả. Các đồ kỷ niệm của Đại hàn này cũng phải công nhận sự khéo tay, tinh xảo vả cách pha mầu sắc của họ. Chả trách dù đất nước bị chia đôi, dân số không nhiều, đất cũng ít, mà tinh thần dân tộc rất cao, do đó họ mới có thể tự tin đứng ra đăng cai Olympic năm 1998, rồi World Cup năm 2002. Hiện nay Đại Hàn là nước mạnh đứng thứ 11 trên thế giới.

Chúng tôi đi tiếp về phía Nam, tức vùng Gyeongjiu, để thăm đài thiên văn đầu tiên của người Đại hàn, trên vùng đất của vương quốc Silla. Đài được xây vào khoảng năm 632 – 647 và là đài thiên văn để xem trăng sao xưa nhất vùng Đông Á. Sau đó chúng tôi được cho đi thăm Bulguksa ( Phật Quốc Tự), được xây vào khoảng thế kỷ 15 dưới thời vua Beop-heung mà Phật giáo là quốc giáo trong vương quốc Silla. Về sau Nhật đã hầu như tiêu hủy hoàn toàn ngôi chùa này trong lần xâm chiếm năm 1593. Mãi đến năm 1970, Thủ tướng Đâi hàn lúc bấy giờ là Park Chung Hee mới cho sửa sang lại.

Trần Phương Ánh

(còn tiếp)

Già sao cho… sướng?

Bs Đỗ Hồng Ngọc

Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh bệnh lão tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được. Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười! Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Cái già xồng xộc nó thì theo sau!” . Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất!

Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:

*Một là thiếu bạn! Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân. Lúc nào cũng đang như “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”.

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen. Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới…Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Đó là chuyện riêng của họ. Ngày trước, Uy viễn tướng công mà còn phải than:

Tao ở nhà tao tao nhớ mi

Nhớ mi nên phải bước chân đi

Không đi mi bảo rằng không đến

Đến thì mi hỏi đến làm chi

Làm chi tao có làm chi đựơc

Nguyễn Công Trứ

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thỏang tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khóai, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!…Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa... Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm … văn nghệ!

*Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn! Thực vậy. Ăn không phải là tọng là nuốt là xực là ngấu nghiến …cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!

Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:

“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”

(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…)

Trần Nhân Tông

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa ! Chuyện của ngàn năm, dâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn…kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau…Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là đựơc. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!

Cũng cần có sự hào hứng, sảng khó ai, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết … giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

* Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động! Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)!

Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV!. Có một nguyên tắc “Use it or lose it! “ Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu to đít teo”. Thật đáng tiếc!

Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “ thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi … chịu hổng nổi là được!

Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng …kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh... ! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…

Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!

Bs Đỗ Hồng Ngọc

Giọng cũ

Xa gần

*Lời gọi của người anh em trên Tây Nguyên-

Lời gọi ở đây, không là lời gọi mời làm tu sinh tu sĩ gì đâu. Chỉ một “ới gọi” gửi đến bà con anh em khắp nơi hãy để mắt quan tâm đến sinh hoạt mục vụ những 40 năm trên miền cao chốn ấy, của anh Trần Sĩ Tín và nhóm thừa sai Jarai, Pleikly. Cũng nên đảo mắt, ghé tai nghe thử, như ri:

Kính thưa Ông bà và anh chị em,

Tôi, Linh Mục Giuse Trần Sĩ Tín, DCCT Việt Nam, xin có lời mạo muội thưa cùng Ông bà và anh chị em:

Từ gần 40 năm, sống chung và phục vụ đồng bào dân tộc Jrai, tại Plei-kly, huyện Chư Sê, tỉnh Gia-Lai, thuộc Giáo phận Kontum, đây là lần đầu tiên tôi có lời kêu gọi Ông bà Anh chị em giúp đỡ. Sở dĩ có lời kêu gọi này cũng là vì có những anh chị em đã đến tận nơi, coi tận mắt sự thiếu thốn nghèo khổ của đồng bào dân tộc, và sau đó, nhân danh lòng bác ái, thúc giục chúng tôi. Tự chúng tôi, chúng tôi rất e ngại.

Chúng ta biết rằng, trong cuộc sống kinh tế hiện tại, sự phân cấp giầu nghèo càng ngày càng trầm trọng. bà con thiểu số Tây Nguyên là những con người bị bỏ rơi, sống bên lề xã hội. Họ chưa quen với đời sống định cư đinh canh, càng xa lạ với đời sống kinh tế đương đại. Nhà nông nói chung, làm ăn chẳng bao giờ có lãi. Nhà nông người thiểu số càng khốn đốn hơn nữa. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng truớc tiên tới dân nghèo. Năm 2008, nếu có những phần đất nước bị lũ lụt, thì trên Cao nguyên thiếu mưa. Tháng Tám, tháng chín mà chưa đủ nước để gieo lúc. Mất mùa chính. Sẽ lại thiếu nước để làm vụ lúa Đông Xuân. Đói! Cũng chẳng có tiền mà mua lúa gạo ở nơi khác.

Hàng ngày chúng tôi giáp mặt với những em mồ côi, chẳng có cơm ăn áo mặc, cũng chẳng được học hành. Nếu không cưu mang các em, nhất là các em sơ sinh, nhất định các em chết, vì người Jrai quan chôn các em bé theo mẹ qua đời, hay giết một trong hai em sinh đôi, vì nghĩ như vậy là tốt hơn cho các em. Hàng ngày chúng tôi phải đụng độ với những bệnh nhân già, trẻ. Không những họ không có tiền để mua thuốc, mà họ còn không có tiền để đi tới bệnh viện. Có những người chết mà không cách nào có được một cỗ quan tài.

Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý. Tôi vụng về, không đủ lời lẽ để nói thay cho những con người vốn chẳng bao giờ có tiếng nói. Vả lại, nếu họ có tiếng nói, họ cũng không dám muối mặt ngỏ lời xin giúp đỡ. Tôi xin ngỏ lời thay họ. Và xin Ông bà anh chị em thông cảm.

Xin cám ơn.

Giu-se Trần Sĩ Tín, CssR

*Đôi điều cần nói thêm:

Anh chủ bút Mười Hai vừa nhận được một số ý kiến phản hồi từ bà con trong Gia Đình An Phong. Nay, xin nói lại và cũng viết thêm, để cho rõ:

*Vào ngày đầu năm 2009, Gia Đình An Phong được tin Lm Phạm Văn Nhượng, bào huynh của thành viên An Phong Phạm Văn Chương (Sydney, Úc) đã an giấc về nơi miên trường chốn thánh thiêng. Bà con ở Sydney, đã được thông báo hôm họp mặt. Nay, xin phổ biến với bà con khắp nơi, xin thêm lời cầu. R.I.P.

*Trong mục “Góp nhặt sỏi đá” hai thành viên thân hữu đã đóng góp giúp Tỉnh Dòng VN vào mùa xuân 2008 và 2009 (được ghi là ẩn danh) là các anh/chị Nguyễn Thị Đào Hường và Nguyền Hồng Phước Mai và Hoàng Thị Thả (là thân nhân chị Nguyễn Thị Tính tức Phụng). Nay, đính chính để bà con mình được rõ.

*Hỏi là lời hỏi từ ngàn xưa:

Ngàn xưa năm trước người hỏi người: một bên là mẹ một bên là vợ, thương bên nào? Ngàn thu năm sau, ta lại hỏi ta: một đằng là mẹ, một đằng là vợ, cả hai sắp chết chìm, nên cứu ai? Và đây, câu trả lời của đôi người xưa/nay, câu nào đúng?

-Mẹ và vợ ngã xuống sông cùng một lúc, nếu cứu mẹ thì vợ sẽ chết hoặc cứu vợ thì mẹ sẽ chết. Vậy nên cứu mẹ hay cứu vợ hoặc là không cứu cả hai?

MẠNH TỬ:

Bố chết từ khi còn nhỏ, mẹ nuôi nấng, dạy dỗ ta rất khó nhọc. Mẹ phải ba lần dọn nhà để tránh những ảnh hưởng xấu, dành món ngon cho ta ăn, mua áo đẹp cho ta mặc, tất cả là để cho ta có thể ngẩng cao đầu nhìn thiên hạ. Mẹ và vợ cùng ngã xuống sông, tất nhiên ta phải cứu mẹ rồi. Lấy chữ hiếu làm đầu, vợ chết thì lấy vợ khác, mẹ chết làm gì có mẹ nữa!

Trên thế gian này chỉ có Mẹ là tốt nhất. Không có mẹ, con trẻ như cỏ cây, biết bấu víu vào đâu? Mẹ! Con sẽ cứu mẹ!

Mạnh tử nhảy ùm xuống sông.

CHU U VƯƠNG:

Vợ và mẹ cùng ngã xuống sông, tất nhiên là phải cứu vợ trước. Nghĩ lại ngày trước ta đùa giỡn với nàng, nhìn nàng cười, đến cả giang sơn lẫn sinh mạng nhỏ bé của ta cũng chẳng nghĩa lý gì, huống hồ là mẹ! Khi lập Thái tử, bà ấy còn định bỏ ta làm ta suýt mất cả ngôi báu.

"Tình cảm đằm thắm, ta yêu nàng rất nhiều, ta sẽ cứu nàng!" Chu U vương cũng nhảy ùm xuống sông.

LƯU BỊ:

Anh em như chân tay, vợ con như áo mặc; áo rách có thể vá, chân tay gãy không thêư lành. Chỉ cần Nhị đệ và Tam đệ của ta không ngã xuống sông là được, những kẻ khác ta không thèm để ý.

"Mẹ ơi! Nàng ơi! Các người chết thật thê thảm!" Lưu Bị đứng trên bờ sông khóc lớn.

TÀO THÁO:

Thà rằng ta phụ người chứ không để người phụ ta, mẹ ta hay vợ ta cũng thế thôi, chỉ cần ta không ngã xuống sông là được rồi.

"Ta nhẹ nhàng đi cũng như khi ta nhẹ nhàng đến, ta vẫy tay chào không một chút vấn vương." Tào Tháo vừa ngâm thơ vừa chầm chậm bước đi.

KHUẤT NGUYÊN:

Thế gian này u ám quá,triều đại này thật hủ bại! Sống cũng chẳng còn có ý nghĩa gì, chi bằng chết cho trong sạch. Song anh có thể rửa mặt và rửa chân cho ta.

Khoảng trời hiện tại là khoảng trời u ám, chẳng còn có thể nhìn tinh tú trên trời. Mẹ ơi! Nàng ơi! Ta cùng nhau chết ở nơi đây!" Khuất nguyên vừa hát vừa từ từ nhảy xuống sông.

TRANG TỬ:

Sinh về đâu và chết sẽ về đâu? Mẹ và vợ ta chết cứ chết, chẳng qua chỉ là từ trạng thái hữu hình trở về trạng thái vô hình, có gì phải đau đớn, có gì phải xót thương? Chẳng cần phải cứu ai cả! Trang tử ngồi xuống, tay nắm một mảnh sành vừa gõ nhịp vừa hát, mắt nhìn mẹ và vợ chìm đần xuống sông, nét mặt mãn nguyện.

HOÀ THÂN :

Ai ngã xuống sông thì cứ ngã, cái ta yêu là tiền bạc. Tìen bạc là mẹ ta, là vợ ta. Sao trước khi ngã, các người không mặc ít quần áo thôi, điều đáng tiếc nữa là trâm vàng, khuyên bạc còn ở trên đầu các người.

"Có tiền là có tất cả!" Hoà Thân đứng trên bờ vùa nhìn mẹ và vợ dần dần chìm xuống sông vừa thở dài.

VƯƠNG BỘT:

Lòng bàn tay và mu bàn tay đều là thịt. Vợ là người ta yêu nhất, mẹ là người thân thiết nhất. Vậy phải làm thế nào đây? Thôi cứ nhảy xuống sông, thấy ai ở gần thì cứu. Vương Bột vội nhảy ùm xuống sông.

" Chết rồi! Ta quên mất là ta cũng không biết bơi!" Vương Bột vẫy vùng một cách tuyệt vọng rồi từ từ chìm xuống sông.

*Phải chăng là chuyện cười:

Hỏi là hỏi thế, chứ ai cũng biết là, đọc xong mấy giòng này, thế nào cũng có vài bạn khúc khích cười. Cười xong, rồi mới hỏi: có đáng cười? Nhưng người cười xong lại sẽ hỏi: chuyện cười có đáng đọc? Đọc hay cười/cười hay đọc, cũng cứ xin để tuỳ bạn hạ hồi phân giải, có nên chăng?

“Em muốn lấy anh kiến trúc làm chồng, nhưng sợ ảnh người hay kẻ vạch.
Em muốn lấy anh khí tượng thủy văn rành mạch, nhưng người đâu toàn tính chuyện mây mưa.
Em muốn lấy anh đầu bếp dễ ưa, nhưng rầu ảnh hay đòi nếm trước.
Em muốn lấy anh thuế vụ Nhà nước, ngặt ảnh hay đòi xuống đòi lên.
Em hổng chê anh bán vé số nghèo hèn, nhưng sợ ảnh hay cào hay bóc.
Em muốn làm vợ anh uốn tóc, nhưng ngán bị đè cổ đè đầu.

Em tính chọn kho bạc làm dâu, nhưng sợ ảnh hay săm soi thiệt giả.

Em muốn lấy anh làm đồ nhựa cho khá, nhưng người đâu đổ tháo tùm lum.

Em muốn lấy anh điện lực nhà cửa sáng trưng, nhưng ngại ảnh hay giật.

Cuối cùng em chọn anh :)

*Có cần về hưu chăng?

Đó là câu hỏi của nhiều người. Và của nhiều cơ phận, trong con người. Bạn bè cứ thử nghĩ về câu hỏi này. Câu hỏi để đời, chắng ai nghĩ. Như sau:

“Nhân dịp mới đi bệnh viện về, cơ thể ông lão 70 mới tổ chức 1 cuộc họp mừng tai qua nạn khỏi.

Tổng giám đốc Não nói: - ai có ý kiến gì cứ nói.

Tim phát biểu: Tôi làm việc liên tục 70 năm qua tôi xin về hưu. - Không được, tim mà về hưu thì là chết rồi - các bộ phận phản đối Tim gan phèo phổi tranh cãi mãi cuối cùng không thằng nào được về hưu cả.

Bỗng ở phía dưới có tiếng nói vọng lên. - Tôi yếu quá rồi xin về hưu. Mọi người ngó nghiêng mãi không biết ai nói.

Não đập bàn quát:Thằng nào nói đứng lên xem nào.

Phía dưới có tiếng phều phào: Bố mày mà đứng lên được bố mày đã không xin về hưu.

Lời bàn của ai đó:Thế còn mẹ mày thì sao? Có đứng “nên” được không “lào”?

*Phải chăng em là sư tử gần xứ Thái Hà?

Nói về sư tử gần xứ … (Thái) Hà (mà không) Đông, cũng có giòng thơ… thẩn, lẩn thẩn như sau:

“Về mặt triết học: Vợ, là một thực thể độc lập tồn tại bên ngoài ta, ngoài ý muốn của ta.

Về mặt kinh tế: Vợ, là ngân hàng vô luật pháp, không thể lệ. Gửi vào thì dễ, rút ra thì khó mà không thể kiện cáo gì được.

Về mặt tài sản: Vợ, là cái gì rất cũ, mà không thể thanh lý được.

Về mặt xã hội: Vợ, là cá nhân tự do, tình nguyện về chung sống với ta, nhưng lại luôn tố cáo ta làm mất tự do của cô ấy. Và, nếu như ta mà trả lại, thì cố ấy cũng chẳng nhận.

Về một cổ sinh vật học: Vợ, là loại đồ cổ, càng để lâu càng mất giá.

Về mặt sinh vật học: Vợ, đáng sợ hơn mãnh thú, vì họ là sư tử xuyên lục.

Lời bàn của Dân gầy: Đúng thế, là định nghĩa về vợ. Chẳng thế mà, cũng là mục tử lo chuyện thần linh với linh hồn/linh hướng, linh mục (hay còn gọi là mục… (cả) linh) nhất quyết không thích và không chịu… có vợ, như bên Tin Lành/Anh Giáo. Rất chu đáo.

*Tuổi hôn hoàng có là tuổi đã hết trẻ?

Có người hỏi, lúc này giọng cũ gần xa đâu rồi mà sao chỉ nghe có giọng Dân Gầy, thôi? Thôi thì, cũng chỉ xin trả lời, là: giọng xưa/cũ nay rỉ sét, giống ống bơ đồng, đâu còn sức mà hét với la. Cử để Dần Gầy la tiếp cho khàn luôn, là hết giọng. Hôm nay, nghe đề nghị, Dân Gầy bèn xin phép lại la thêm về một chuyện. Chuyện hoàng hôn với lại hôn hoàng, của tuổi … không còn trẻ. Chả là, Dân gầy vừa nhận được từ đâu đó, một điện thư như ri, bèn chuyển đến bà con đọc chơi cho vui:

TUỔI HOÀNG HÔN

Lâu nay cứ tưởng mình già

Bây giờ mới biết quả là y chang

Suốt ngày nói chuyện thuốc thang

Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa

Tivi dỗ giấc ngủ trưa

Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn

Đọc chữ phóng đại mấy trăm

Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên

Cả ngày mỏi mắt đi tìm

Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe

Nhiều hôm thăm viếng bạn bè

Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon

Tóc bạc chen chúc tóc non

Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi

Kiến thức mới nuốt chẳng trôi

Bước ra khỏi cửa trùm người áo len

Ra đường chẳng ai gọi tên

Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?

Khi lên xe buýt dẫu đông

Dăm người nhường chỗ 'Mời ông cứ ngồi'

Lại hay nhạy cảm, tủi đời

Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa

Thấy tình nhân trẻ vui đùa

Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu

Xuốt ngày trung tiện lu bù

Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm

Thích nghe tiếng hỏi, lời khen

'Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào'

Thức ăn cứ lấy ào ào

Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm

Ngủ trưa giấc cứ dài thêm

Đứng, ngồi, 'chuyện ấy' ngày thêm chậm rì

Đánh răng, tìm thuốc loại gì

Để răng được trắng không thì khó coi

Cà phê chỉ hớp một hơi

Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao

Gặp người cùng tuổi như nhau

Thường hay hỏi 'Bác thế nào ? Khoẻ không ?'

Cell Phone thì khổ vô ngần

Lúng ta lúng túng thường không trả lời

Để chuông reo mãi một hồi

Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?

Bệnh tật nó đến từ đâu

Cao mỡ, cao máu lâu lâu... tiểu đường

Tránh né việc nặng là thường

Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài

Đi chơi càng khổ gấp hai

Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe

Giữ thân cho khỏi tròn xoe

Vòng hai sao cứ bè bè phình to

Thang lầu càng nghĩ càng lo

Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này

Ngủ thì chẳng ngủ được say

Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì

Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì

Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên

Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên

Xem chân dung đã trở nên thế nào

Buồn tình đếm thử xem sao

Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!

*Và có những chữ… “nếu”

Hồi xưa, người Phú-Lăng-Xa vẫn cứ bảo rằng: với chữ “nếu”, ta có thể bỏ nguyên thành phố Pa-ri vào trong chai/lọ. Ngày nay, người ta lại muốn bỏ tất cả mọi thủ đô trên thế giới vào nhiều lọ chai, mà vẫn thấy chưa đủ. Chẳng hạn như các chữ “nếu” , dưới đây:

Nếu tôi biết đó là lần cuối
Ngắm nhìn em bên gối ngủ say
Tôi sẽ xiết chặt em trong vòng tay hơn nữa
Và cầu mong thánh thần hãy hiểu biết về tình yêu
Nếu tôi biết đó là lần cuối
Được nhìn em quay gót bước đi
Tôi sẽ giữ và cầm tay em thật chặt
Và trò chuyện để em nán lại bên tôi
Nếu tôi biết đó là lần cuối
Mỗi cử chỉ và lời nói của em
Tôi sẽ mở rộng ký ức tâm hồn
Để ghi nhớ trong lòng tôi mãi mãi
Nếu tôi biết đó là lần cuối
Tôi sẽ dành thời gian đọc ánh mắt em
Và nói rằng "tôi yêu em nhiều lắm"
Thay vì lặng im chắc em biết lâu rồi
Nếu tôi biết đó là lần cuối
Được chia sẻ xúc động cùng em...
Cứ ngỡ mình sẽ còn nhiều dịp nữa
Nên để thời gian trôi qua , trôi qua...
Tin chắc rằng mình còn có ngày mai
Để bù đắp những tháng ngày trước đó,
Và cứ nghĩ cơ hội sẽ luôn hào phóng
Còn nhiều dịp sửa chữa lỗi lầm hôm qua.
Sẽ luôn có một ngày tôi muốn
Để cho tôi nói được lời "yêu em"
Và luôn còn nhiều cơ hội khác nữa
Để thực hiện điều tôi có thể làm cho em
Nhưng nếu điều tôi nghĩ là sai
Và hôm nay là tất cả những gì tôi có ,
Tôi muốn nói yêu em biết bao
Và mong mọi người đừng quên điều đó
Nếu bạn chờ đến ngày mai
Sao hôm nay không làm ngay điều đó?
Vì nếu ngày mai kia chẳng có
Bạn sẽ phải hối tiếc cho ngày qua
Vì đã không dành thêm ít phút
Cho nụ cười , cái ôm chặt và những nụ hôn.
Vậy hôm nay hãy chia sẻ với
những người bạn yêu mến
Và bày tỏ rằng bạn yêu họ biết bao nhiêu
Hãy dành thời gian cho lời cảm ơn , xin lỗi ,
Và rộng mở lòng tha thứ , thương yêu ,
Để nếu Ngày mai không bao giờ đến nữa,
Bạn sẽ không bao giờ phải hối tiếc Ngày hôm nay.
Nào ai dám chắc mình còn có ngày mai
Dù bạn còn xuân hay mái đầu đã bạc.
Và hôm nay có thể là cơ hội lần cuối
Để bạn mở lòng với những người yêu thương

*Loại truyền thông rất mới:

Ngày xưa có những cuộc đối thoại theo kiểu Hoạn Thư, Tú Bà rất năng nổ, lốp đốp, loạn xạ. Ngày nay, các Hoạn Thư “tân thời” lại đối thoại với truyền thông theo kiểu khác. Một kiểu ít ai thấy, như ri:

Thư của Bồ Nhí tui gửi cho vợ tui

Thưa bà, dù chúng ta có vô cùng xung khắc, chúng ta vẫn phải nhất trí một điểm: chồng bà là đàn ông. Mà đàn ông thì sao? Ðàn ông thì ham thích nhiều thứ. Ham thích đến mãnh liệt. Và, bà đừng giấu em, bà hãy công nhận rằng , phụ nữ chúng ta yêu đàn ông vì họ ham thích và biết cách thực hiện nó (Chúng ta cũng ham thích nhưng thực hiện chủ yếu bằng cách mua nó). Ông thì thích máy móc, ông thi thích kiến trúc, ông thích vật lý và hóa học, ông dại hơn một chút thích thơ văn. Toàn những ham thích có lợi cho xã hội.

Nhưng đàn ông không chỉ ham thích một thứ. Nếu gà chỉ thích giun, bò chỉ thích cỏ non hay thỏ chỉ thích cà rốt thì đàn ông lại thích đa dạng. Chuyện ấy trong đá bóng, trong ẩm thực, trong bia bọt không sao, nhưng trong vấn đề phụ nữ, tính đa dạng của nó làm cuộc sống thêm rắc rối.

Bà thân mến,

Em tin rằng, bà có rất nhiều ưu điểm. Sở dĩ em quen với ông Trời nầy là do ông ấy thông minh (chứ không phải chỉ có tiền như thiên hạ vẫn đồn). Và, một người thông minh không khi nào chọn vợ quá kém. Thậm chí, bà không quá kém, bà còn rất nổi bật ở nhiều phương diện.

Theo như ông tiết lộ một cách đầy thành kính, bà có bàn tay nấu nướng (!) nấu ăn ngon, bà rửa bát sạch, ông thì “laver la vaisselle” hay, bà lau nhà bóng và bà đi chợ rẻ. Bà còn đối xử tốt với chó, mèo …. Em xin thú thực, tất cả các phương diện đó, em đều thua bà. Khi em nấu món canh, ai cũng nghĩ là món xào. Khi em rửa bát, tốt nhất lúc dùng nên rửa lại. Khi em lau nhà hay quét nhà, em để cái đống rác chỗ nọ chỗ kia. Chợ duy nhất em đi là chợ mỹ phẩm,quần áo,chợ thuốc tăng cường độ yêu đương... Còn chó mèo, em chỉ nuôi chúng trong tranh.

Nhưng ông vẫn thích em. Tiện đây xin tiết lộ: thời gian thích không hề ngắn, cường độ thích không hề yếu và chi phí thích không hề thấp. Bà kinh ngạc. Bà không tin ư? Bà nhớ rõ ông vẫn về nhà, vẫn ăn cơm tối, vẫn lịch sự với bà v.v.. Bà cảm giác chả có khe hở nào để em lọt vô cái pháo đài do bà xây dựng, canh gác và tuần tra.

Bà nhầm.

Em xin phép không đi vào chi tiết. Em chỉ nói một cách văn học rằng, không có gì ngăn cản được con tim. Nhất là một con chim già lao về một con chim trẻ. Như trên đã nói, em thua bà về một tỷ thứ. Ðúng một tỷ thứ, chả bớt phần nào. Nhưng, em lại hơn bà hai tỷ.

Bà sẽ gầm lên. Bà sẽ quát: hơn ở chỗ nào?

Thưa bà, những thứ em hơn lại vô cùng vớ vẩn. Em thành thật tin thế. Nhưng đàn ông, tiếc thay, lại không tin..

Em biết chớp chớp mắt. Em biết ngồi gần ông mà lại vẹo người. Em biết đánh vào lưng ông, hay đánh ở chỗ thấp hơn, vừa đánh vừa cong môi nhìn đi chỗ khác. Em biết hét lên khi thấy con sâu và ù té chạy khi gặp con thằn lằn.

Cái gì em cũng ngạc nhiên và nhờ ông giải thích. Em tin ông là vô địch về trí thức, về thể thao, và luôn thể hiện lòng tin ấy ra mồm. Mỗi lời nói của ông, với em, đều là chân lý. Em khâm phục khi ông uống bia. Em kiêu hãnh lúc ông châm thuốc lá. Em ngồi nép mình khi ông tụ tập. Em lo lắng nhưng chẳng bao giờ tra hỏi lúc ông đi khuya. Và, quan trọng nhất, thưa bà, da em trắng, eo em nhỏ, môi em đỏ và chân em chả khác chân dài, thêm tài ve vuốt. Em mặc váy hồng, em thắt nơ xanh và em dùng dầu thơm của Pháp. Nước Pháp, chắc bà cũng biết, vô địch về các loại dầu thơm.
Khi ở bên ông, em không ngốc và không tham lam như các phim truyền hình quay vội vàng mà bà vẫn xem đâu ạ. Chúng em không hề bàn về tiền bạc. Hai người đều mơ tới ánh trăng, tới những khát vọng chưa thực hiện và đều thích nhìn sao trên trời. Hai người có thể xung đột vì một bài thơ, giận dỗi vì một bức tranh và bỏ ra về vì một bông hoa bày không đúng cách (trong khi ông và bà giận dỗi vì một mâm cơm, cãi nhau vì hoá đơn tiền điện và ra khỏi nhà vì chậu quần áo chưa phơi).

Thưa bà,

Ðấy, em tới ông, ông tới em là như thế đấy. Nó thanh cao thì em không dám nói, nhưng nó cũng chẳng phàm tục như sách vụ án viết đâu. Em xin bà hãy mừng vì điều đó.

Tuy ông phạm tội nhưng tội ấy còn sang. Bà hãy tự an ủi như thế. Tại sao em viết thư này? Tại vì em xin trả lại ông cho bà. Chúng em nhất trí cái gì đẹp thì phải ngắn và chúng em đã ngắn đủ dài. Toàn bộ sự tinh tế của tình yêu nằm ở chỗ này, và bà không biết được.

Xin bà hãy dang tay đón ông về. Em lấy danh dự thề rắng, ông không sứt mẻ quá nhiều (chơi mãi vẫn còn nguyên), đơn giản vì ông có còn nhiều đâu mà sứt mẻ. bà hãy coi ông như vừa sau chuyến du lịch mạo hiểm trở lại nhà. Cần chở che và sẵn sàng tha thứ.

Em đi đây. Cuộc sống là khám phá và em thích khám phá nhiều nơi lạ đẹp khác. Bà đừng trách em. Bà cũng đừng tự trách mình. Khi em bằng tuổi bà, em cũng chả hơn gì bà đâu.
Chúc bà vui khoẻ.

Thư của bà vợ gửi cho bồ nhí!

Thưa cô,

Tôi đã đọc thư của cô một cách bình tĩnh. Ðúng như cô đã nói, ở tuổi tôi và ở địa vị của tôi, sự bình tĩnh luôn luôn có thừa.

Này cô,

Việc chồng có bồ nhí khiến tôi ngạc nhiên. Ðó là cảm giác đầu tiên, và thành thật với cô, nó hơn cả cảm giác căm phẫn.

Vì sao vậy?

Thưa cô, vì tôi tin chắc rằng lão (hãy gọi sự vật với đúng tên và đúng tuổi của chúng cô nhỉ) đã đuối sức rồi, nói một cách chắc chắn, một cách không có gì phải bàn cãi cả.

Khi viết thư cho tôi, cô có vẻ tự đắc pha chút hả hê. Cô cảm thấy mình giật được từ tay bà khác một mỏ vàng, và mình có những phẩm chất rất khác thường nên mới gặp may như thế.

Cô nhầm thảm hại quá, cô ơi!

Quả thật lão là một cái mỏ. Hay nói chính xác hơn, đã từng là mỏ. Ðiều ấy cách đây ba mươi năm về trước, cả thành phố đều phải công nhận chứ đâu cần phải một cô gái có trí tuệ siêu việt gì.

Nhưng trên, trong và dưới cái mỏ ấy, tôi đã đào, đã cuốc, đã đẽo, đã nổ mìn, khai thác rầm rộ, quy mô mấy chục năm.

Và giờ đây, mỏ chỉ còn khung, còn lai sự hoang tàn như chiếc xe cũ “bougie” mới phục hồi lại. Chỉ có đôi mắt ngốc của cô, chỉ có cặp môi dại của cô và chỉ có tí não khờ của cô mới không nhận ra điều đó.

Cô vớ được lão, khi tôi trong một chừng mực nào đó, đã mặc cho lão tự do. Cho lão có cảm giác sổng chuồng.Thích ăn hột vịt lộn với thì là như Bs Ðen đã nói, hoặc Hà Thiên Lộn như Dương-Y Ðoàn Tấn. Ðàn ông sống bằng ảo tưởng cô ạ, và nuôi dưỡng cái ảo tưởng đó một cách khéo léo là nhiệm vụ của phụ nữ chúng ta.

Tôi không vui gì khi lão có bồ. Nhưng chớ nói rằng tôi quá hoảng sợ vì điều đó. Tôi quá hiểu đứa khác sẽ được bao nhiêu trong khi mình đã vớ bao nhiêu. Phần của cô, hỡi ôi, thật là thảm hại.

Cô khéo là ngây thơ và nhí nhảnh. Cô té xỉu khi gặp thằn lằn và ngã lăn ra khi gặp tắc kè núi. Dạ thưa cô, khi bằng tuổi cô, tôi cũng ngây thơ như thế. Nhưng lúc này, gặp hai của đấy, tôi chỉ đập một cái cho bẹp dí gẩy khúc là xong.

Rồi cô khoe là cô biết chợp mắt, biết ngả đầu và biết cười he hé nghiêng nghiêng. Ôi dào, những trò đó ngày xưa tôi làm mãi. Và bây giờ vẫn có thể làm, thậm chí còn làm hay hơn cô ấy chứ. Nhưng vì mục đích gì, gặt hái gì khi mọi thức đã no nê? Cô nhìn lão trong quán cà phê hạng sang. Trong com-lê và cà vạt đắt tiền. Còn tôi có khá nhiều dịp (nhiều hơn cả cần thiết) nhìn lão trong quần đùi rộng như chú chệt bán thịt heo, trong cái áo da chả hiểu là màu gì, khúc đen khúc trắng.

Và tôi cam đoan rằng, cái tôi nhìn mới là cái thật. Cái cô nhìn là giả. Cô thừa biết thế, chẳng qua cô đang tự dối mình. Cô chê tôi chỉ biết rửa bát, nấu cơm. Cô thương tôi vì tôi chỉ chăm chăm lo cái nhà sạch bóng. Nhưng tôi lại thích vậy. Vì đấy là nhà tôi và lão chỉ có nửa phần. Còn lão có bóng hay không, có sạch hay không, lão phải tự lo. Tôi còn bận lo cho bản thân mình.

Tôi không chúi mũi vô bếp như cô tưởng và như lão tưởng chút nào. Tôi say mê đánh bài, đánh đề. Tôi nghiện làm đầu và giũa móng tay. Tôi ham thích "tám" (Trung Tâm 888) và hăng hái đi chùa. Tôi khoác áo lụa mỡ gà, khoác vòng cẩm thạch và tôi sắm đủ cho mình (bằng tiền lão, dĩ nhiên!).

Còn việc cô ngắm trăng cùng chàng, đọc thơ cùng chàng hay đốt nến cùng chàng thì xin cô hãy cứ tự nhiên. Những thứ vớ vẩn và phù du đó ngày xưa tôi cũng nghĩ là ghê gớm lắm. Nhưng tôi nhanh chóng phát hiện ra chúng suốt đời loanh quanh như thế, và chả có lợi ích gì. Chúng chỉ như hạt tiêu rắc vô bát phở, không hề bổ béo, chỉ khiến nó dậy mùi. Mà mùi thì tôi đã chán. Chán không phải do tâm hồn tôi cằn cỗi, mà là do đã quá đủ rồi!

Cuối thư cô cho biết đã chuồn ra khỏi lão, hoặc lão đã chuồn ra khỏi cô. Tôi chả hiểu ai thoát được ai. Nhưng chắc chắn là tôi suýt thoát. Tiếc quá. Giá mà lão đi với cô, giá như lão ảo tưởng về sức mình thì tôi đã có cơ hội tuyệt vời để lại được tung tăng.

Tôi tin chắc mình tung tăng chả khi nào muộn, khi mình kiêu hãnh, mình không nghèo khó và mình có sự mặn mà. Những thứ đó cô còn lâu mới đạt tới, cô bé đáng thương ơi!

Cô yên tâm. Tôi sẽ đón lão về. cáo chết còn quay đầu về núi, trong khi lão chả phải là cáo, lão là người. Tôi cũng chả giày vò, chả đay nghiến chi đâu. Tôi không phải hàng tôm hàng cá. Tôi chỉ cười khẩy mà thôi. Một nụ cười mà đã làm lão nhớ đến cả chục năm.

Chúc cô may mắn trên con đường chinh phục các lão khác (cô tìm không ra mõ mới, mời cô qua Hawaii gặp ngay CÐ ÐH ,hiện đang nhốt cả trăm con dê núi vào củi, cô mặc sức mà dùng). Thế gian chả thiếu đâu. Nào! Cô hãy xông lên. Chào cô, chúc cô thành công.

*Lại nói thêm về đàn ông, đàn bà, và hôn nhân

Đúng là chuyện dài nhân dân tự vệ. Tự vệ hôm nay, không phải canh gác xóm phường, vào mỗi đêm. Mà là, canh xem bà con thiên hạ nói về đàn ông đàn bà, là ra sao. Dưới đây là một ví dụ, hơi khác lạ:

1. Hôn nhân là tình yêu. Tình yêu thì mù quáng. Vì vậy hôn nhân là một trường học dành cho người mù.
2. Hôn nhân là học viện nơi đàn ông đánh mất danh hiệu Bachelor (cử nhân, đàn ông độc thân) còn phụ nữ thì nhận được danh hiệu Master (thạc sĩ, người chủ).
3. Tình yêu đúng là mù quáng nhưng hôn nhân chắc chắn là một liều thuốc làm sáng mắt ra.

4. Lập gia đình cũng giống như đi nhà hàng với bạn bè, bạn gọi món của bạn và khi thấy món của người khác, bạn ước gì lúc nãy mình gọi món đó.

5. Người đàn ông lầm bầm vài tiếng trong nhà thờ và thấy mình có vợ. Một năm sau anh ta lầm bầm gì đó trong giấc mơ và thấy mình đã ly dị.

6. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là phải có cho và nhận - người chồng cho và vợ anh ta nhận.

7. Con trai: Con nghe nói ở Trung Hoa thời cổ đại, người đàn ông không biết gì về vợ anh ta cho đến khi nào anh ta làm lễ kết hôn, phải vậy không cha?
Cha: Chuyện đó xảy ra ở mọi nơi, con trai à. Mọi nơi!
8. Một người đàn ông nói: "Tôi không bao giờ biết hạnh phúc là gì cho đến khi nào tôi lấy vợ... và sau đó mọi chuyện đã trở nên quá trễ!".

9. Tình yêu là một giấc mơ dài ngọt ngào, và hôn nhân là chiếc đồng hồ báo thức.

10. Người ta nói rằng khi một người đàn ông nắm tay một phụ nữ trước hôn nhân thì đó là tình yêu; còn sau hôn nhân đó là sự tự vệ.

11. Khi một người đàn ông mới cưới vợ trông vui vẻ, ta hiểu vì sao. Nhưng khi một người đàn ông đã lập gia đình được 10 năm trông vui vẻ, ta tự hỏi vì sao.
12. Một người đàn ông nói với người yêu rằng anh ta sẽ vượt qua địa ngục vì nàng. Và bây giờ anh ta đang vượt qua nó!!!

13. Một người đàn ông thành công là người có thể kiếm được nhiều tiền hơn mức chi tiêu của vợ. Một phụ nữ thành công là người tìm được một người đàn ông như vậy.

14. Cách hữu hiệu nhất để nhớ ngày sinh nhật của vợ là hãy quên nó một lần

*Đời người cần có học?

Thời buổi vi tính, lúc nào cũng có những chuyện cần phải học. Mới đây, có người bạn chuyển đến cho DânGầy đề nghị của một đại sư: Học làm người. Lại xin được chuyển đến bạn bè/người thân để… rộng đường kiến thức, trong khi học.

Ai Cũng Phải Học Làm Người

Ðại sư Tinh Vân có một người đệ tử, sau khi tốt nghiệp đại học, liền học Thạc sĩ, rồi lại học Tiến sĩ. Sau nhiều năm, cuối cùng cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ nên vô cùng mừng vui.

Một hôm người đồ đệ này trở về, thưa với ngài Tinh Vân: "Bạch Sư Phụ nay con đã có học vị Tiến sĩ rồi, sau này con phải học những gì nữa?" Ngài Tinh Vân bảo: "Học Làm Người", học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được.

Ngài Tinh Vân cho rằng, bất luận là sĩ nông công thương, người ở tầng lớp nào có học tập là có tiến bộ, nay cùng chia sẻ với mọi người về những điều cần phải học.

Thứ Nhất, "Học Nhận Lỗi". Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết chính là một lỗi lầm lớn. Ðối tượng mà mình nhận lỗi có thể là cha mẹ, bạn bè, mọi người trong xã hội, thậm chí nhận lỗi với con cái hay là người không tốt đối với mình, nhận lỗi như vậy bản thân chẳng mất mát gì, ngược lại còn thể hiện được sự độ lượng của bản thân. Học nhận lỗi là một điều rất tốt, là sự tu tập lớn.

Thứ Nhì, "Học Nhu Hòa". Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta lại mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại dài lâu được, chứ cứng làm chi cho chịu thiệt thòi. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập. Người ta thường hình dung những người cố chấp, thì tấm lòng của họ, tính cách của họ rất lạnh, rất cứng y như một miếng sắt vậy. Nếu chúng ta có thể điều hòa hơi thở, điều hòa thân tâm, dần dần điều phục tâm như ngựa hoang, như vượn chuyền cành này khiến cho nó nhu hòa mềm mại, thì cuộc sống mới vui tươi hơn, mới lâu dài được.

Thứ Ba, "Học Nhẫn Nhục". Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên biển lặng, lùi một bước thì biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không. Các vị muốn sống, muốn sinh tồn, muốn sinh mạng này thì cần phải biết nhẫn, có thể hiểu rõ những đúng sai, thiện ác, tốt xấu của thế gian, thậm chí chấp nhận nó.

Thứ Tư, "Học Thấu Hiểu". Thiếu thấu hiểu lẫn nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

Thứ Năm, "Học Buông Bỏ". Cuộc đời như một chiếc va li, lúc cần dùng thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống lại không đặt xuống, cũng như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả.. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới có thể tự tại được.

Thứ Sáu, "Học Cảm Ðộng". Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm bồ tát, tâm bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

Thứ Bảy, "Học Sinh Tồn". Ðể sinh tồn chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh, thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu để với người thân.

*Tiếng Việt là tiếng của người Việt?

Hỏi thế cũng hơi kỳ. Nhưng, vẫn hỏi là vì người mình quá phong phú, tiếng của mình cũng phong phú quá xá, là phú phong. Để minh chứng cho sự phong phú của tiếng Việt, mời bạn bè đọc bài Đàn Ông và chữ “Ăn”, ở dưới đây, sẽ thấy:

Bản Nghiên cứu số 1

Người ta đã thống kê được rằng, cuộc đời một người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ “ăn”.

1.Khi còn bé thì “ăn học”,

2.Lớn thêm chút nữa thì “ăn chơi”

3.Lúc có bạn gái thì chăm chăm tìm cách “ăn thịt”.

4.Ăn thịt xong thì phải “ăn hỏi” rồi “ăn cưới”, cưới về phải tiến hành “ăn nằm”.

5.Khi vợ đến kỳ sinh đành phải “ăn chay” hoặc "ăn vụng", sau khi vợ sinh em bé thì phải “ăn kiêng”, về già rụng răng phải “ăn cháo”, xa thêm tí nữa thì theo các cụ mà “ăn xôi”…

Bản Nghiên cứu số 2

1-Hồi nhỏ thì "ăn vóc học hay", xin tiền ba mẹ mua quà không được thì "ăn vạ"

2-Lớn lên học đòi thì bắt đầu "ăn diện" để tán gái, nhưng "ăn nói bậy bạ" thì có khi "ăn bạt tai"

3-Khi đã có vợ, sau một thời gian "ăn nằm" thì có khi "ăn năn đã muộn" và nghĩ rằng mình phải "ăn đời ở kiếp" với người này thì xem như "ăn cám hay “ăn khế trả vàng" hay đúng là số "ăn mày".

4-Khi "ăn nên làm ra" thì "ăn sung mặc sướng", rồi sanh tật "ăn gian", nói dối vợ là đi "ăn cơm khách" nhưng thực ra là đi "ăn vụng" hay gọi là "ăn bánh trả tiền"- trót lọt thì không sao, rủi đổ bể thì có mà "ăn cám" hoặc "bỏ ăn".

5-Khi thất nghiệp thì sẽ có lắm điều tệ hại :

a. hơi tệ: "ăn không ngồi rồi", "ăn theo", "ăn bám". "ăn hại" vợ.

b. khá tệ: "ăn quỵt", "ăn mày".

c. quá tệ: "ăn trộm", "ăn cắp", "ăn cướp"

6-Khi cờ bạc (đánh cờ, đánh bạc), đang thắng lớn (xem như là vét sòng) bỗng đứng dậy ra về gọi là "ăn xi non", không cho người ta cơ hội gỡ gạc.

Thế nhưng, "ăn xi non" mà còn vênh váo, cười ngạo nghễ thì có khi "ăn đấm", "ăn đá".

*Bao nhiêu tuổi là già?

Già hay trẻ đâu là vấn đề. Nhưng, không hiểu sao mấy lúc này bạn bè cứ gửi về cho Dân Gầy những vần thơ, nghe dễ mến. Như sau:

BAO NHIÊU TUỔI LÀ GIÀ?
Thất thập xưa khó tìm ra,
Ngày nay thất thập mỗi nhà đều đông.
Ngày xưa thất thập ngồi không,
Ngày nay thất thập còn mong đi làm..
Ngày xưa thất thập lão làng,
Ngày nay thất thập là chàng thanh niên.
Thất thập về nước liên miên,
Các cháu gái nhỏ luân phiên chào mời:
"Mừng anh thăm nước nhà chơi,
Mời anh cắt tóc, thảnh thơi gội đầu,
Mời anh trẻ đẹp sang giàu
Đón em qua Mỹ, em hầu hạ anh.."
Các bà bảy chục xuân xanh,
Tóc đen, má phấn, xâm viền vành môi.
Bà nào cũng đẹp, cũng tươi,
Lả lướt sàn nhảy, nói cười thật duyên.
Các bà dáng dấp dịu hiền,
Các ông say đắm nghiêng nghiêng mắt nhìn.
Bây giờ tôi vững niềm tin
Trả lời câu hỏi linh tinh ban đầu:
"Tuổi già khởi sự từ đâu?
Tuổi già khởi sự khi nào ta quên :
Quên chồng, quên vợ, quên tên,
Quên cười, quên bạn, quên mình là ai ?

*Giọng cũ “phún” thành thơ-

Có những giọng cũ lâu lâu nghe lại, nay đà “phún” thành thơ. Thơ thẩn, thẩn thơ rồi cũng mới. Mới nhất là bài thơ đọc làm 8 cách, rất như sau:

Có một bài thơ rất kỳ lạ, tựa đề là "Cảnh xuân". Bài thơ đọc ngược, đọc xuôi, cắt đầu, cắt đuôi từng câu mà vẫn hay. Đọc "Cảnh xuân" ngay và kiểm tra xem có đúng là 8 cách đọc không nhé!
Bài thơ này do Hồng Sơn giới thiệu.
Cảnh xuân
Cách đọc thứ nhất là đọc xuôi, bình thường:
"Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xuân biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười".
Đến cách đọc thứ hai, là đọc ngược từ phải sang trái và từ dưới lên:
"Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta"
Cách đọc thứ ba, là đọc xuôi như cách đọc thứ nhất, nhưng mỗi câu thơ bỏ hai từ đầu:
"Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười"
Cách đọc thứ tư, là đọc ngược từ phải sang trái, từ dưới đọc lên, mỗi câu thơ lại bỏ hai từ cuối:
"Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta"
Cách đọc thứ năm là đọc ngược từ phải sang trái, mỗi câu bỏ ba từ đầu:
"Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân"
Cách đọc thứ sáu, là đọc xuôi, mỗi câu bỏ 3 từ cuối:
"Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai"
Cách đọc thứ bảy, là đọc xuôi, mỗi câu thơ bỏ bốn chữ đầu:
"Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười"
*Còn cách đọc thứ tám, là đọc ngược từ dưới lên, mỗi câu lại bỏ bốn từ cuối:
Bóng thướt tha
Tiếng ngân nga
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta"

Lời bàn của DânGầy: Cảm ơn bạn Trần Quang Phục đã chuyển cho bài thơ 8 cách. Nhưng thế còn thơ bạn đặt để đâu rồi?

*

Nho cành dại khờ

Nhiều lúc có người hỏi: Đức Chúa yêu thương loài người đến độ như điên dại, dám hy sinh mạng sống mình cho loài người, chắc Ngài cũng đã nên dại khờ, không ít? Có lẽ vì Ngài yêu điên dại như thế, nên tác giả mấy phim, truyện “giả tưởng” hôm nay mới bêu xấu Ngài như một người không được “tỉnh táo”? Dầu sao, điên hay tỉnh, cũng chẳng giải thích được lập trường, cuộc sống đầy yêu đương của mỗi người. Chỉ các vị có tâm hồn thi sĩ “yêu như điên như dại” mới ví mình là cây nho và người yêu là cành, như Tin Mừng có nói.

Đọc Tin Mừng nói về chuyện kết hợp nho-cành, tôi lại nhớ đến thời gian 10 năm về trước. Khi ấy, tôi có dịp lưu lại ít ngày sống ở một nông trại trồng nho, miền xa. Trong thời gian ở đây, tôi thường nghe câu phương châm của nhà trồng tỉa rất cương quyết: “hãy tạo dáng hình cho nho hoặc phế bỏ đi”. Nghe thế, tôi liên tưởng ngay đến công việc của Đức Chúa, như một nhà trồng tỉa đích thật. Ngài bỏ ra nguyên ngày để tỉa bỏ những cành nho nơi tôi, đã khô đét, nhuốm bệnh. Ngài đẽo gọt rũ bỏ các mầm chồi trong tôi không tạo nên năng suất. Và, Ngài nhổ bật rễ những phần mục nát trong tôi, không sinh hoa kết trái. Việc của nhà trồng tỉa là như thế. Thoạt nhìn, chẳng khác gì hành động dữ dằn của các tay đồ tể.

Lạ thay, quan sát cách làm việc, tôi lại thấy khác. Nhà trồng tỉa không có dáng điệu của anh đồ tể. Trái lại, các vị để rất nhiều thì giờ chăm sóc cho mầm chồi, lẫn cành nho. Trước khi làm, nhà trồng tỉa quan sát cẩn thận thân lá cành, đủ cả. Các vị chỉ bỏ đi một số lượng rất nhỏ, để nho vẫn đủ sức cho trái ngon. Các vị trồng nho tinh tế biết xem kỹ trại vườn của mình, rút nhiều kinh nghiệm quý báu, khi cắt tỉa. Cắt nhiều quá, không hay. Ít quá, cũng không được. Thành thử, mỗi lát tỉa đều được suy tính, đắn đo. Mỗi cành nho bị loại đều nhằm giảm thiểu sâu mầm, tật bệnh. Và, cây nho cứ thế tăng trưởng. Vườn nho cứ thế sinh hoa kết trái. Nhà trồng tỉa không đối xử tệ bạc với cây cành. Vẫn nâng niu, chăm sóc.

Tin Mừng hôm nay cũng diễn tả đầy đủ ý nghĩa về sứ điệp “tạo hình dáng hay phế bỏ nó đi”. Dụ ngôn về cây nho và cành là nhận thức rất xứng hợp về cuộc sống của người đi Đạo. Là cành, chúng ta cùng thuộc gia đình thương yêu, hòa hợp. Chúng ta tự hào về gia đình mình. Mỗi lần tham dự Tiệc thánh, chúng ta đến với nhau như cành nho co cụm, đùm bọc. Nếu chẳng may, nho trái bị sâu rầy, bã độc quấy nhiễu, không còn lòng thứ tha độ lượng hoặc để luột mất căn tính công minh, hiền hòa, thì chắc ta không thể cứ mãi tự hào còn ở trong nho vườn yêu thương của Đức Chúa, nữa. Và, nếu đây đúng là trường hợp, hẳn ta cũng cần đến đôi tay nhẹ nhàng chăm bón của nhà trồng nho. Bởi, các vị chỉ muốn ta cho năng suất tốt, đúng với khả năng mỗi người.

Nhà giảng thuyết Billy Graham có lần quả quyết: “Là thành viên Hội thánh Chúa không phải đương nhiên ta biến thành người tín hữu tốt; cũng như sống trong nhà xe không có nghĩa đương nhiên ta biến thành xe cộ.” Đây chính là ý nghĩa của bài trình thuật hôm nay: Đức Chúa không xét đoán những gì ta nói hoặc cách thức ta làm cho quần chúng biết quay về với Sự công chính; nhưng ta sẽ được hỏi về những hành vi có yêu thương đủ, có hiền hòa, xót thương như nho cành vườn Chúa hay không, thế thôi.

Dụ ngôn nho cành còn là cơ hội nhắc ta nhớ đến mối kết liên thân tình của người anh em cùng nhà. Quả thật, trong cuộc-sống đời-thường ta gặp nhiều nghịch cảnh có lúc thấy người anh em đồng Đạo dám nói hoặc làm những việc không phải, khó khăn. Cũng có khi, ta đã nghĩ đến việc loại trừ, tỉa bỏ họ ra khỏi cộng đoàn tình thương hoặc xử tệ, dù đã được dạy là: anh em vẫn là cành của cùng một cây nho. Có lẽ ta cần đến lòng quả cảm để nói lên được sự thật ta biết, để rồi cùng nhau định hình xem vấn đề nào cần quyết đoán, đúng sai. Và, cần nhất một điều: ta phải khiêm hạ lắng nghe khi người anh em hạch sách.

Khó hơn cả, vẫn là tình huống khi nhận ra thành phần sâu rầy, tật bệnh đã lan tràn nơi nho-cành Hội thánh trong cả khu vườn đầy nho trái. Gặp lúc nhiễu nhương như thế, phản ứng theo bản năng vẫn là thái độ đòi tỉa bỏ, vứt quăng những cành khô, lây bệnh. Tuy nhiên, nhà trông tỉa nào cũng rõ, đấy chỉ là biện pháp cuối cùng, đối đế. Dù thấy đó là chuyện không dễ, Đức Chúa vẫn kêu gọi ta hãy chùng tay, chớ mau mắn tính chuyện phẫu thuật, cắt bỏ phần xấu, mỗi khi ta gặp chuyện khó khăn. Đây chính là tình huống yêu thương gai góc, khó xử. Dù cộng đoàn có người phạm lỗi, phản lại niềm tin yêu xưa giờ, thì Tin Mừng hôm nay vẫn nhắc ta dừng tay đối xử, cho đến khi mọi việc sáng tỏ. Vì, có can thiệp cách nào, thì cành nho “anh em” đã chết khô trong vườn nho thương yêu, từ lâu rồi.

Dẫu thế nào, hãy cứ hy vọng nguyện cầu để hành vi ta chọn sẽ làm cho tình yêu nơi người anh em ấy, cứ mãi tăng trưởng. Để rồi, đây sẽ là ca ghép cành nơi ta, sau này. Trước tình thế nhiễu nhương của một thế giới luôn dựa trên nguyên tắc “hãy tạo dáng hình hoặc rũ bỏ”, Phúc Âm hiền hôm nay thách thức ta cứ việc hành trình rốt ráo, cùng tột với các người anh em cùng một cây nho, vào mỗi vụ mùa hay đã quá mùa, bởi như bản tình ca xưa kia vẫn hát: “Thiên hạ chỉ biết ta là tín hữu Đức Kitô, qua tình ta yêu, bằng tình ta thương yêu. Vâng, họ thảy đều biết ta là chứng nhân Đức Kitô bằng tình ta thương yêu hết mọi người.

Vâng, chính thế. Chỉ tình thương mới chứng tỏ ta là cành nho chùm trong đại gia đình thương yêu, đùm bọc. Dù nho cành có thương yêu nhau đến như điên như dại, dù người đời có gọi cành nho chúng ta là nho cành khờ dại, khùng điên. Vẫn cứ ngước mặt nhìn đời. Cứ đầu cao mắt sáng mà tạ ơn đời. Tạ ơn Người. Tạ ơn Cây Nho Trân Quý, luôn yêu thương, đùm bọc. Lm Richard Leonards – Mai Tá phỏng dịch.

Lời hay

Ý tuyệt đẹp

Ngọc ngữ của Mẹ Teresa
Ngày đẹp nhất? - Hôm nay
Việc dễ dàng nhất? - Phạm tội
Trở ngại lớn nhất? - Sợ hãi
Sai phạm nghiêm trọng nhất? Tự ruồng bỏ chính mình
Nguồn gốc của mọi sự ác? - Ích kỷ
Thú tiêu khiển tốt nhất? - Làm việc
Thất bại nặng nề nhất? - Chán nản
Thầy dạy tốt nhất? - Trẻ em
Nhiêm vụ cần ưu tiên nhất? - Hiểu biết lẫn nhau
Điều có thể làm cho người ta vui nhất? Hữu ích với tha nhân
Mê hoặc lớn nhất của đời người? - Tử vong
Khuyết điểm lớn nhất của con người? - Tính nóng nảy
Nhân vật nguy hiểm nhất? - Kẻ nói dối
Cảm giác hèn kém nhất? - Hận thù
Tặng vật cao quý nhất? - Tha thứ
Điều không thể thiếu? - Gia đình
Đường tắt ngắn nhất? - Đường thẳng
Cảm giác khiến con người vui nhất? – Bình an trong tâm hồn
Bằng chứng của hành phúc nhất? - Mỉm cười
Cách giải quyết có hiệu quả nhất? - Lạc quan
Thỏa mản lớn nhất? - Hoàn thành được việc phải làm
Sức mạnh lớn nhất trên toàn thế giới? - Cha mẹ

Một trong những niềm vui lớn? – Có người bạn thực sự nhận thức được có người cùng đồng hành với bạn,và cũng biết rõ rằng họ không thể giải quyết những vấn đề của bạn.
Điều đẹp nhất trên thế gian? – Yêu

Nhưng tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống,đều xuất phát từ

Tình yêu và Ân sủng vô biên của Thiên Chúa.

Gia đình An Phong

Chi hội Sydney

đau buồn xúc động

khi hay tin

cụ bà Maria Lại Thị Vỵ

đã về nhà Cha

nơi Thiên Quốc.

Xin Chúa nhân từ

rộng tay tiếp đón

linh hồn

Cụ Maria

mau vui hưởng hạnh phúc

miên trường và

nhờ lời cầu bàu của Cụ

thông chuyển ơn lành đến

anh Antôn Đào Quang Mỹ

và gia đình tràn đầy bình an

hạnh phúctrong những tháng ngày

ở với thế gian.