Monday 28 May 2018

Lm Vĩnh Sang DCCT: "AI NGHẸN NGÀO RA ĐI GIEO GIỐNG…"



Cuối những năm 90 khi có dịp trở về quê nội để xây dựng lại Nhà Thờ Giáo Họ, tôi nhớ lời cha tôi lúc sinh tiền, ông kể lại những kỷ niệm thuở thanh niên, tham gia hội Nam Thanh (Hội Thanh Niên Công Giáo) đi khai quật mộ các vị tử đạo quê nhà, ông cho biết anh em đã bỏ cốt của các vị vào các quách có kèm theo tấm biển đồng ghi tên tuổi và chôn tại Cung Thánh Nhà Thờ, tất cả 15 bộ quách, ông còn nói rõ khi khai quật máu lẫn với đất còn đỏ tươi cũng được hốt bỏ vào quách. Quả thật khi dùng cây để xâm tìm trước khi đào bới chúng tôi đã tìm được 15 bộ quách.
Dân làng tôi rất hãnh diện và tự hào vì trong làng có ba vị đã được tuyên phong Hiển Thánh vào năm 1988, cả ba vị cùng là ruột thịt một nhà, một vị là quan án về hưu, một vị là con quan án cũng là cai tổng và một vị là cháu là cựu cai tổng, vì thế danh được xưng tụng là “Nhất Gia Tam Thánh”. Người xuất thân từ làng tôi “đỗ đạt” nhiều, đạo cũng như đời, riêng trong Giáo Hội đóng góp nhiều vị có chức sắc cao. Phòng khách của Nhà Xứ treo hình các Linh Mục xuất thân từ làng phủ kín hai vòng trên đỉnh tường.
Mẹ tôi khi còn sống hay kể về hai vị chịu chết vì Đạo trong dòng tộc nhà ngoại, bà kể bằng một bài vè nhiều lần đến nỗi các cháu có đứa thuộc nhiều câu trong bài vè chuyện ấy. Cả nội và ngoại tôi đều thuộc về địa giới tỉnh Nam Định cũ, nơi có một viên quan Tổng Đốc hung bạo khét tiếng trong việc truy bắt đạo với biệt danh “Con Hùm Xám Nam Định – Trịnh Quang Khanh”, lịch sử để lại rằng ông vướng vào một trọng tội với triều đình, và để chuộc tội ông đã ra tay bắt bớ và nhiệt thành trong việc triệt phá Đạo.
Tôi lớn lên trong bầu khi tự hào về dòng tộc, làng mạc, trong những tiếng nhạc oai hùng khi tuyên dương các vị Tử Đạo, những buổi rước xách linh đình cờ trống, và những vị quan viên áo thụng khăn đống đỏ xanh, những bộ kiệu sơn son thiếp vàng, và bầu khí hân hoan ca hát.
Biến cố 1975 ập đến, cùng với những điều phải suy nghĩ để đổi thay, hình ảnh của các vị Tử Đạo cũng theo ngọn gió đó thay đổi trong tôi, rồi năm 1988 đến, khi tin tức về vụ án Tuyên Thánh ở Rôma nổ ra, với hoàn cảnh truyền thông hết sức hạn chế, thế áp đảo của những buổi học tập tổ chức khắp nơi sâu rộng đến mọi tầng lớp dân chúng, tờ báo độc quyền nhập nhằng Giáo Hội và Nhà Nước bởi danh xưng Công Giáo và Dân Tộc ra sức chống phá cuộc Tuyên Thánh, sức mạnh dường như tăng lên gấp bội khi có những bài báo được chấp bút bởi các vị có tăm tiếng và chức vị cao trong Hội Thánh.
 Trong nội bộ Nhà Dòng, chúng tôi có nhiều dịp nghe cha già Chân Tín và các vị người lớn chia sẻ quan điểm và lên tiếng bảo vệ việc tuyên thánh của Rôma. Vị giáo sư uyên bác Nguyễn Ngọc Lan với những lý luận hùng hồn, cầm nhịp cho những suy nghĩ của chúng tôi về vụ án. Những câu chuyện đậm chất anh hùng của giáo sư Ngọc Lan như tiếp sức cho sự kiên trì của chúng tôi, một trong những câu chuyện về ông được kể lại là ông đã bứt phanh ngực áo trước mấy ông ở Sở CA thành phố với lời tuyên bố dõng dạc: “47 ký này, các ông cứ bắn đi!”  khi ông tranh cãi về vụ án tuyên thánh. Lại thêm những câu vè ông mỉa mai đầy đắng cay: “Ông Từ ông tử ông tư, ông chê tử đạo ông từ đạo ai… ?”
Thú thật đã có nhiều lúc chúng tôi có ý buồn các vị như cha già Chân Tín hay thầy Nguyễn Ngọc Lan, bởi khi đó CA đã nói với chúng tôi rằng: "Vì ông Lan và ông Tín nên DCCT sẽ không bao giờ được cho chịu chức Linh Mục”, một lối quy chụp độc tài và kết luận sai lệch, một người làm mà bắt cả dòng họ chịu, cũng như ngày nay một số anh em tôi bị dao động khi nghe tuyên truyền rằng: “Do một số anh em lên tiếng về Công Lý nên các anh sẽ bị khó khăn trong việc mục vụ”. Lối lập luận đe dọa và khủng bố này đã ảnh hưởng không ít trên những sinh hoạt của chúng tôi. Cái lối thù vặt, gian dối và hèn trong cách ứng xử gây nhiều tác động tiêu cực. Nhưng ngày ấy, hành động hy sinh không sợ hãi trước quyền lực thế gian của các vị đã xốc lại tinh thần cho chúng tôi đi tới.
Qua biến cố 1988 của Hội Thánh tôi bắt đầu cảm nghiệm dần câu Thánh Vịnh “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống” (TV 126), cảm nghiệm mới lột bỏ những cảm xúc cũ từ thuở thiếu thời. Tôi nhận ra ngày ấy chuyện Tử Đạo vô cùng khó khăn và cay đắng, không đơn giản và vinh quang như ngày nay chúng ta đang khoác lên các ngài. Các vị đã chấp nhận nỗi cô đơn, sự hất hủi, thậm chí cả những lời nguyền rủa của người thân, của bà con trong làng mạc. Có lẽ roi đòn, tù tội, đói khát, …  không dằn vặt bằng những lời cay đắng, sự xa lánh, và những lời phỉ báng, nguyền rủa chua cay từ chính những người thân, chỉ vì chọn lựa sống vì Đạo, chết vì Đạo, mà gây ra bao nhiêu khổ đau cho gia đình, làng mạc, họ hàng thân thích bị liên lụy.
Ngày nay kịch bản cũng được áp dụng như vậy, áp lực từ gia đình, những người liên quan và cả từ những người thiện chí muốn tìm sự an toàn, ngọn roi đe dọa sẽ quất thẳng vào mặt những người muốn sống công chính, cái quất từ những người thân đầy đớn đau.
 Ngày ấy đi gieo đầy nước mắt, chẳng có lễ đài nào, chẳng có một pho tượng nào, chẳng có một bài hát nào oai hùng, và cũng chẳng có một cuộc rước xách nào dành cho người gieo giống!
Thiết nghĩ, kỷ niệm 30 năm tuyên phong Hiển Thánh là thời điểm chúng ta nhìn ra sự thật của những chuyển động hôm nay, đừng chỉ chú mục vào lễ hội hoành tráng, hãy suy nghĩ và làm một điều gì đó góp phần vào công cuộc gieo giống Chúa vừa sai đi hôm đại lễ Phục Sinh.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.5.2018

Thursday 24 May 2018

Lm Mai Văn Thịnh DCCT : VÒNG TRÒN TỎA SÁNG CỦA TÌNH YÊU



Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta mừng trọng thể Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là mầu nhiệm lớn lao và quan trọng nhất trọng đạo, vì mầu nhiệm này thuộc về đời sống thâm sâu của bản tính Thiên Chúa. Và đã là mầu nhiệm thì trí khôn con người làm thế nào có thể hiểu thấu đuợc! Chúng ta vui lòng chấp nhận bằng niềm tin. Và sở dĩ chúng ta tin là vì chính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. Vì yêu thương Ngài không dấu chúng ta một sự gì.
Nhưng nếu Chúa đã mạc khải thì tại sao Chúa lại không ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để chúng ta hiểu?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trao ban cho chúng một nhiệm vụ thật cao cả là hãy ra đi rao giảng cho thế gian biết về Tình yêu. Và nhờ vào lời rao giảng cũng như các việc làm thể hiện trong cuộc sống của chúng ta mà người ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và trở về với Ngài qua phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như vậy, con đuờng của chúng ta trong vai trò chứng nhân hoàn toàn không đuợc phát sinh bởi trí óc hay sự hiểu biết của con người mà thôi. Nhưng, còn phải lệ thuộc vào các chứng từ và lối sống của chúng ta nữa.
Tuy vậy, cho dù chúng ta nỗ lực đóng góp công sức của mình vào công việc truyền giáo. Nhưng, ngay từ đầu việc tham gia vào sứ mạng rao giảng là hồng ân được ban tặng. Chính Thiên Chúa mới là người trao ban. Chúng ta chỉ là những kẻ được sai. Vì thế, để hoàn tất sứ mạng cao cả này, chúng ta cần ý thức rằng đời sống của những kẻ rao giảng cần đuợc phát xuất từ lượng ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa, không ngừng trao đổi cho nhau mà tuôn xuống và lan tỏa trong lối sống của chúng ta.
Vì thế, trong dịp mừng lễ hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi hay cùng nhau hỏi rằng: Mối tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống mình? Và chúng ta đuợc lôi kéo như thế nào vào trong vòng xoáy yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, để từ đó cuộc sống của chúng ta cũng đuợc bung ra mà làm cho Tình Yêu của Ba Ngôi được toả sáng hơn.
Nhìn lại cuộc sống, tôi cảm nhận đuợc một điều là tôi đuợc Ba ngôi Thiên Chúa che chở, cho dù đã nhiều lần tôi chẳng có ý thức gì về việc tuyên xưng hay hành động cuả tôi.
Đã bao nhiêu lần chúng ta làm dấu Thánh giá: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.
Trong cuộc sống, mỗi khi gặp gian nguy và thoát cảnh hiểm nghèo, chúng ta thuờng dâng lời tạ ơn rồi làm dấu Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.
Đến lúc sinh thì, trong giây phút lâm chung; tôi thuờng nghe một công thức phó linh hồn cho nguời quá cố như sau: Giêsu, Maria, Giuse con phó linh hồ Maria, Giuse, Phêrô hay linh hồn người thân nào đó vào trong tay Chúa, Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen.
Phải chăng mỗi lần như thế là chúng ta đặt mình duới sự bảo vệ của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Như vậy, dù ý thức hay sự hiểu biết của chúng ta về Mầu nhiệm Ba Ngôi đến độ nào cũng không quan trọng bằng việc đặt mình duới sự bao bọc và yêu thuơng của Ba Ngôi Thiên Chúa bằng chính các việc làm thật đạo đức và ý nghĩa của mình. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần.
Ba ngôi Thiên Chúa thuờng xuyên hiện diện và hoạt động thật mãnh liệt trong cuộc sống, cả những lúc chúng ta không ý thức về sự hiện diện đó; nhưng Ngài vẫn hiện diện; vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Đó chính là chân tướng đích thật về Thiên Chúa. Có nghĩa là, điều làm cho Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện truờng cửu và bất toàn là Tình yêu. Ba ngôi trao đổi và làm giầu có Tình Yêu bằng cách trao ban Tình yêu đó cho nhân loại. Như vậy, cho dù thế gian và những lực luợng của thế gian luôn chống đối chuơng trình của Thiên Chúa; nhưng chính thế gian và mọi sự thuộc về nó lại là đối tuợng để Thiên Chúa trao ban Tình Yêu. Đó chính là Tình Yêu dâng hiến như Cha đã hiến dâng Con vì yêu. Tình yêu cho đi như quà tăng sự sống mà người Con đã trao ban cho thế gian. Và, trong nguồn suối yêu thuơng đó, con người đuợc lôi về quĩ đạo của sáng tạo và đổi mới luôn.
Như vậy, khi tuyên xưng Thiên Chúa là tình yêu, có nghĩa là chúng ta chứng tỏ cho thế giới biết Thiên Chúa không đơn độc một mình. Bởi vì, nếu như Ngài đơn độc một mình thì Ngài sẽ yêu một mình Ngài một cách ích kỷ vô cùng. Nhưng Ngài là ba: Cha, Con và Thánh Thần. Là ba, nhưng cả ba hoàn toàn yêu thương nhau, hiến tặng sự sống cho nhau, hoàn toàn tương quan, hiệp nhất với nhau: Cha hoàn toàn là của Con, Con hoàn toàn là của Cha và mối dây liên kết tình yêu và sự sống giữa Cha và Con là Chúa Thánh Thần. Người chính là hoa quả tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.
Tình yêu Thiên Chúa không khép kín lại nơi cộng đồng Ba Ngôi, nhưng lan toả trên khắp vũ trụ. Ba ngôi yêu thương nhau và đối tượng tình yêu của Ba Ngôi là toàn thể nhân loại. Tôi xác tín rằng tất cả mọi người, dù có cuộc sống ra sao, vẫn có một vị trí thật quan trọng trong trái tim nhân hậu của Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi còn là mầu nhiệm của sự hiệp nhất.
Khi nói đến điều này, tôi xin đưa ra một hình ảnh và cũng là lời nhắc nhở cho anh chị em là những người đang sống trong bậc gia đình. Bởi vì anh chị em thật có phúc khi được nếm hưởng phần nào về mầu nhiệm Tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.
Khi yêu nhau anh chị mong muốn cho gia đình được hiệp nhất. Ước vọng hiệp nhất và nên một của anh chị sẽ được thực hiện nơi người con mà Thiên Chúa ban cho anh chị. Nó là của chàng và cũng là của nàng. Nó là chúng ta, là tình yêu chung mà anh chị có thể thấy được. Tình yêu giữa hai người đã triển nở thành tình yêu chung trong một ngôi vị thứ ba: Tình yêu của họ được trao ban cho nhau và cho những người con.
Hình ảnh gia đình ấy có thể giúp chúng ta tiếp cận phần nào với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - gọi là phần nào - bởi vì mọi hình ảnh đều bất toàn và không thể diễn đạt trọn vẹn về sự vô biên của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu và yêu thương là bản tính chung của Ba Ngôi. Yêu thương cũng là nền tảng của gia đình.
Vì vậy, cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi là sức đẩy cho chúng ta yêu thương nhau.
Thưa anh chị em,
Trong Thiên Chúa, khởi điểm của tình yêu là mở ra, thông ban, chia sẻ. Thái độ mở ra, thông ban, chia sẻ nầy đòi hỏi chúng ta phải ra khỏi bản thân và đi đến với người khác. Thái độ nầy đòi hỏi chúng ta từ bỏ não trạng ích kỷ, quên mình mà quan tâm đến ích lợi và hạnh phúc của người khác.
Tuy nhiên, chúng ta không chỉ mở ra để tạo nên một thứ “tôi và chúng ta” khép kín. Tinh thần bè phái và phe nhóm lại chẳng có mặt trong cuộc sống của chúng ta đó sao? Nơi Thiên Chúa Ba Ngôi thì không như thế. Tình yêu đã chẳng tự khép kín trong gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng lan tỏa và chan hoà trong vũ trụ bao la, tuôn đổ xuống lòng mọi người.
Thật vậy, niềm tin và tình yêu của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngội thúc bách chúng ta đi tới, phá đổ mọi bức tường ngăn cách sự hiệp nhất để tình yêu hiện diện và lan toả khắp nơi. Vì tình yêu là hơi thở của sự sống.
Tóm lại, Mầu nhiệm mà chúng ta cử hành hôm nay mời gọi chúng ta sống; sống điều mà Thiên Chúa Ba ngôi đã sống là trao ban Tình Yêu cho nhau và cho nhân loại. Và khi đặt mình vào trong vòng tròn Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là lúc chúng ta thực hiện sứ mạng mà Đức Giê-su truyền ban hôm nay: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” 
Amen!
Lm Giuse Mai Văn Thịnh DCCT 

Wednesday 23 May 2018

Gs Marcus J Borg (Bài 30) Ảnh-hình Đức Giêsu và hình-ảnh cuộc sống của người đi Đạo


Chương 6
Ảnh-hình Đức Giêsu
và hình-ảnh cuộc sống của người đi Đạo
(Bài 30)

Chú thích:

1. Sách này được coi là cuốn khởi đầu phong-trào gầy dựng cộng-đoàn, do tác-giả Hans Frei viết có tên là “The Eclipse of Biblical Narrative: A Study in Eighteenth and Nineteenth Century Hermeneutics (New Haven, CT: Yale Univ. Press, 1974).  Truyện thần-học được mọi người biết ngang qua sách viết người bình-dân của John Shea có đầu đề là “Stories of God (Chicago: Thomas More Press, 1978). Cũng nên xem thêm WilliamJ. Bausch có đầu đề là Story-Telling: Imagination and Faith (Mystic, CT: Twenty Third Publications, 1984); và tác-giả Terrence W. Tilley, viết cuốn “Story Theology (Wilmington, DE: Michael Glazier, 1985).

2. Đây là chủ đề qua đó tôi từng bàn và hy vọng sẽ sớm viết thành sách, có lẽ tôi sẽ đặt đầu đề là: “Scripture, Story and the Christian Journey”.

3. Tôi không muốn đổi ý bảo rằng: có ba và chỉ mỗi ba truyện kể lớn mà thôi. Dù ta khẳng định về Ba Ngôi Đức Chúa, nhưng tôi chẳng thấy có gì thánh thiêng về con số 3 này hết. Bởi thế nên, tôi luôn có thái-độ cởi mở bảo rằng: ta có thể thêm thắt đôi chút vào con số 3 đó chứ không nhất thiết chỉ một hoặc ba câu truyện được coi là truyện kể lớn mà thôi. Các đấng bậc nghiêm-túc có thể đưa vào đây câu truyện mù lòa và thấy được ánh sáng và bàn về các chủ-đề bóng tối và sự sáng, cũng như các truyện về bệnh tật, ốm đau và chữa lành người tật nguyền. Tuy nhiên, dù sự việc ấy quan trọng không ít đối với tôi, nó vẫn không là chuyện chính như 3 truyện kể được tôi nhấn mạnh.

4. William James, The Varieties of Religious Experience, nxb Martin Marty (New York: Penguin 1982; ấn bản đầu được xuất xưởng vào năm 1902), tr. 508.

5. Walter Brueggemann, The Bible Makes Sense (Atlanta: John Knox, 1977), đặc biệt ở chương 3, tr. 45-46 Bruggemann nói về câu truyện đầu tiên ở Israel vốn dĩ bảo rằng: “đó là loại truyện đơn-giản, căn-bản và không thương-lượng nằm ở trọng tâm niềm tin ở thánh kinh… Đây, cũng là khẳng-định nơi hình thức câu truyện được định-vị, “Đây là truyện quan-trọng nhất ta biết được và tin rằng chắc chắn nó nói về ta…”

6. Đệ Nhị Luật 6: 21-23. Đoạn này cùng với Đệ Nhị Luật đoạn 26 câu 5-9 được các nhà thần-học coi là văn-bản xưa/cổ xuất từ truyền-thống truyền-khẩu, nó còn xưa hơn cà tài-liệu nó xuất-hiện trong đó, và như cốt lõi của truyện kể đầy đặn hơn do sách Ngũ Thư ghi lại theo hình-thức tổng-hợp. Chúng được gọi là “lời tuyên tín” cổ xưa nhất.

7. Maurice Samuel dịch Haggadah of Passover (New York: Hebrew Publishing, 1942) tr. 27. Phần chữ nghiêng được thêm vào; phần dịch-thuật có thay đổi đôi chút do yếu tố sử-dụng ngôn-ngữ có chêm thêm giới-tính vào đó.

8. Mấy câu này là của Walter Bruggemann ở cuốn The Prophetic Imagination (Philadelphia: Fortress, 1978), chương 2.

9. Muốn biết kinh thánh mô-tả thế nào về kinh-nghiệm thời lưu-lạc, xin đặc biệt xem Isaiah 40-55 (một phần của sách Isaiah thường qui chiếu coi như “Phó-bản Isaiah” hoặc “Ngụy-thư Isaiah”). Mặc dù các chương ở đây cho thấy những điều tốt đẹp về “sự trở về”, chúng vẫn chứa-đựng các phần mô-tả mang tính cảm-xúc coi cuộc sống lưu-lạc giống ra sao. Cũng nên xem Thánh vịnh 137, là bài vịnh về cuộc sống lưu-lạc và sách Vãn Ca vốn mô-tả sự đau-khổ, nỗi tuyệt-vọng và bực tức của thế-hệ sau ngày thành Giêrusalem và đền thờ bị tàn-phá.

10. Xem thêm, chẳng hạn như cuốn của James Sanders có tên là: Torah and Canon (Philadelphie: Fortess, 1972); ở đây tác-giả Sanders nhấn mạnh rằng phần lớn những điều nói ở Kinh thánh Do-thái-giáo đi vào hiện-hữu trong thời-gian và ngay sau thời lưu-lạc, khi phần đầu trong ba phần của Ngũ Kinh hoặc Torah được đưa vào hình-thức cuối và phần hai trong 3 phần như sách Tiên tri bắt đầu được tạo mẫu. Bằng vào việc mở rộng tầm nhìn để gom gộp Tân Ước luôn thể, Sanders đưa ra các bình-luận theo cách khiêu-khích và chỉnh sửa, ở tr. 6 bảo rằng: “Sách thánh đến với ta từ lớp trọ bụi của hai đền thờ, là Đền Salômôn bị hủy vào năm 586 trước Công nguyên và Đền Hêrôđê bị phá vào năm 70 sau Công nguyên.”

11.Thánh vịnh 137:1. Kinh-nghiệm về thời lưu-lạc có lẽ cũng dấy lên sự giận dữ cao độ được diễn tả ở các câu cuối của bài vịnh này.

12. Isaiah 40: 3-4. Ngôn-từ đẹp và mạnh của đấng tiên-tri đã trở-thành quen-thuộc qua vở nhạc kịch “Messiah” của Handel được phổ biến rộng rãi.

13. Cái hay ở đây là: từ-vựng Do-thái ta dịch ra thành “sám hối” lúc đầu lại có nghĩa là “trở về” và từ đó có nguồn gốc ngôn-ngữ thấy ở truyện kể lưu-đày và trở về.

14. Isaiah 40: 20-31. Các ví-dụ khác về ngôn-ngữ diễn-tả sự trở về: Isaiah 40: 11, 42: 16, 43: 1-21, 48: 20-221, 49: 8-12, 51: 9-11.

15. Để tránh khỏi mọi hiểu lầm, bằng cụm-từ “truyện kể hàng tư tế” tôi không có ý nói đến từ-vựng “hàng tư-tế” hoặc chữ “T” (tiếng Anh) như nguồn của sách Ngũ-thư (dù qui-định trở-thành tư-tế và sự việc hy-sinh đều là chủ-đề chính của nguồn này). Thật ra, tôi có ý nói đến cung-cách tưởng-tượng về cuộc sống đạo-hạnh coi đó như truyện kể về các lỗi/tội, hành-vi sai trái, sự hy-sinh và tha thứ.

16. Paul Ricoeur, The Symbolism of Evil, bản dịch, Emerson Buchanan (Boston: Beacon, 1967).

17. Gustaf Aulen, Christus Victor, dịch. A.G. Herbert (New York: Macmillan, 1969; bản gốc được phát hành vào năm 1931). Tác-giả Aulen sau trở-thành giám-mục Hội thánh Thụy Điển (giáo phái Lutêranô).

18. Aulen, trong cuốn Christus Victor, biện-luận rằng việc am hiểu này lần được Anselm Tổng Giám mục Canterbury đặt thành hệ-thống trong công-trình có tựa đề là Cur Deus Homo? đặt ngày tháng đưa vào tận năm 1097.

19. Aulen, trong cuốn Christus Victor đã gọi việc am-hiểu thứ 3 về lý-thuyết “chủ-quan” hoặc “ví dụ đặc trưng luân lý” về đền bù. Theo tôi thì, ông ít quan-tâm đến việc am-hiểu này cho bằng ông thường có lập trường tương-phản giữa hai lần đầu; và ông đặt mình vào loại am hiểu thứ ba đã khiến tôi ít hài lòng và cảm-kích. Từ đó, tôi xuất thân theo cách nào đó xa rời luận-điểm của ông về vấn-đề này.

20. Gioan 3: 16.

21. Do cáo trạng tiếp sau đây về truyện kể hàng tư tế cũng nghiêm-trọng, nên tôi những muốn thêm đôi điều cố làm sáng-tỏ các nhận-xét. Trước nhất, cáo-trạng đặt lên sự việc giới bình dân am-hiểu thế nào về truyện kể hàng tư tế. Lại có sự am-hiểu thần-học tinh-vi về chuyện ấy khiến ta phải nhấn mạnh đến đặc-tính thật căn-bản khiến tôi sẽ qui-chiếu cách ngắn gọn về sau này. Thứ hai là, cáo-trạng đây thuộc về truyện kể hàng tư-tế khi nó đứng riêng rẽ một mình như cung-cách đầu tiên để tạo ảnh-hình cuộc sống người tín-hữu Đức Kitô. Về sau, tôi có đề-cập ở cuối chương này, là: truyện kể hàng tư-tế được xem xét trong bối-cảnh câu truyện về hành-trình qua đó đây chỉ là một phần, ta cũng đã vượt qua giới-hạn của nó rồi.                                    

22. Xem Xuất hành đoạn 25-40 trong đó có qui-định dành cho bậc tư-tế và các việc hy-sinh đề ra ở nơi hoang-dã.

23. Điều đánh động ta, là: tác-giả Tin Mừng đầu tiên là Mác-cô từng nhấn mạnh hình ảnh về “đường/lối” cũng khá nhiều. Ngôn-từ mà tác-giả Máccô ưng ý nhất là từ-vựng hodos có thể dịch ra thành “con đường”, “con lộ” hoặc “đường/lối”. Tác-giả Máccô mở đầu Tin Mừng do ông viết bằng đoạn văn rút từ sách Tiên tri Isaiah thứ 2 về “con đường nơi hoang-địa”, và Đức Giêsu của tác-giả Máccô cũng từng dạy dỗ nhiều lần về “đường”, đặc-biệt trong phần chính, tức Tin Mừng Máccô chương 8-10 khi Ngài khởi sự hành-trình đi Giêrusalem và đi vào cõi chết. Thành ra, cũng trong Tin Mừng Luca: ở phần trọng tâm sách này là truyện kể về một hành-trình (Luca 9: 51 đến 8: 14). Và trong sách Công vụ, tác-giả Luca ở sách Công vụ cũng ghi lại rằng danh xưng đầu của phong-trào tín-hữu thời tiên-khởi mang tên là “đường đi” (Cv 9: 2).

24. Dù tôi chưa thực-hiện công cuộc nghiên-cứu xuyên suốt, nhưng tôi có linh-cảm rằng phần lớn hoặc toàn-thể Tân Ước đều qui về cái chết của Đức Giêsu như thể theo nghĩa nào đó như sự hy-sinh được hiểu theo kiểu của đường lối lật-đổ.

25. Ở đây thấy có điểm khôi hài đáng tiếc. Trong các tài-liệu sau này trở-thành Tân Ước, việc định-hình cái chết của Đức Giêsu như việc hy sinh cho lỗi/tội ngay từ đầu đã lật đổ truyện kể hàng tư tế; thế nhưng, khi Tân Ước trở thàng Sách thánh, thì các bản-văn tương-tự đã thiết lập truyện kể hàng tư tế như câu truyện chính yếu dành cho tín-hữu Đức Kitô. Kết cuộc là, việc nhấn mạnh như thế đã thay đổi từ sự việc coi truyện kể Đức Giêsu-là-Đấng-chịu-đựng-mọi-hy-sinh cốt để phá-hoại câu truyện hàng tư-tế thành chuyện tin-tưởng vào truyện kể hàng tư-tế trong đó Đức Giêsu nay được coi là nhân-vật chính của câu truyện.

26. Tôi sử-dụng cụm từ “đồ đệ” như chính các Tin Mừng từng làm thế, coi như theo nghĩa rộng chứ không chỉ nói đến “nhóm 12 tông đồ” mà thôi.

27. Xem tác-giả Edward Schillebeckx trong cuốn Jesus (New York : Crossroad, 1981) tr. 201.

28. Đặc-trưng đồ đệ ở đây bao gồm các bạn đồng hành, là cụm-từ có nghĩa ai đó được mọi người chia sẻ cơm bánh.

29. tác-giả Shea trong cuốn Stories of God, tr. 8.

30. Xem chương 1 sách này, ở các trang đầu.

31. Thư thứ 2 gửi giáo đoàn Côrinthô đoạn 3 câu 18.

32. Wilfred Cantwell Smith, Faith and Belief (Princeton, NJ: Princeton Univ. Press, 1979) tr. 76-78. Ta cũng có thể thấy điều này nơi từ-vựng tiếng Đức là belieben, có nguồn gốc trực-tiếp từ tiếng Anh là believe. Belieben tiếng Đức không có nghĩa là “tin tưởng”, nhưng đúng hơn là “yêu quí” . Thành thử, to believe (tin tưởng) đúng ra phải được hiểu đúng cách là “yêu quí” mới đúng. Xem tác-giả Smith biện-luận ở tr. 105-127.