Monday 30 April 2012

Lm Vĩnh Sang CSsR: Bóng Nhỏ Giáo Đường


BÓNG NHỎ GIÁO ĐƯỜNG

Có ai về miền quê lửa khói cho tôi nhắn vài câu
Cách xa lâu rồi không biết em còn giận hờn anh nữa thôi
Chuyện ngày xưa hai đứa thương nhau trong đêm nhiều sao sáng
Dưới lầu chuông anh khắc tên nhau chung
trong lời khấn xin chan chứa niềm tin.
Có ai ngờ tình yêu ngày đó gieo ngang trái sầu lo
Lửa binh lan tràn hai đứa đôi đàng mộng đẹp kia vỡ tan
Từng hồi chuông tha thiết bi ai vang trong mùa quan tái
Tiếng cầu kinh khe khẽ thôi vang khi quân giặc giẫm tan ngôi Thánh lầu chuông.
Nhớ mãi ngày ấy quân cướp xô bừa hạ gác chuông
Nước mắt em tuôn xót xa quỳ trên đống tro tàn
Nhớ mãi ngày ấy anh góp che dựng lại gác chuông
Với trí ngây thơ vững tin tầm vông giữ Nhà Thờ.
Kỷ niệm của chúng ta !
Mấy năm rồi buồn vui ngày đó theo anh giữa trời sông
Dẫu xa phương trời nhưng sống muôn đời chuyện lầu chuông thuở xưa
Và từng đêm anh chắp hai tay xin cho tình yêu đó
Thấm nhuần trong tay Chúa ban ơn, anh xây lại gác chuông trên kỷ niệm xưa…
( Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông )
Với những người chung quanh thập niên 50 và 60, cho đến nay có lẽ khó tìm được những bài hát nào lời Việt về chủ đề Giáng Sinh qua mặt những tác phẩm được sáng tác trước năm 75, cụ thể như bài “Bóng nhỏ giáo đường” ở trên, cho dù là dòng nhạc Bolero bị gán cho cái tên là “Nhạc Sến” nghe không mấy thiện cảm.
Câu chuyện tình yêu bao nhiêu kỷ niệm gắn bó với ngôi Nhà Thờ nhỏ của một miền quê thuở ấy, những dấu vết, những ước mơ, những đau khổ, những cố gắng, những công việc, rất dễ thương, rất gần gũi, rất mộc mạc của con người, của tình yêu, của Nhà Thờ.
Hôm qua tôi có dịp trở lại ngôi Nhà Thờ nơi gia đình tôi đang ở để dâng Thánh Lễ, Nhà Thờ xây khang trang hơn ngôi Nhà Thờ trong bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất nhiều, mái ngói, tường xây, cột đá, các công trình điêu khắc giá trị, ghế bàn gỗ Lim… Khi dâng Lễ, tâm hồn tôi xúc động lạ thường, tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn chung quanh như chưa bao giờ được ngắm nhìn, từng chi tiết sống động trước mắt tôi, từng kỷ niệm, từng con người lần lượt hiện ra trong mắt tôi. Vâng ! Chỉ vì tôi, chính tôi đã cùng với vị Mục Tử và cả Đoàn Chiên nơi đây xây dựng ngôi Nhà Thờ này.
Những ngày phác họa hơn chục mẫu khác nhau, những đắn đo bàn bạc để quyết định, những tính toán thể hiện trên bản vẽ, những băn khoăn về tài chính. Những tranh luận kịch liệt về kỹ thuật, những quyết định nặng nề có phần phũ phàng khi phải đập bỏ những chi tiết sai, những đêm thức trắng đổ bêtông, những bữa ăn vội vàng giữa hai công đoạn… Những ngày hội đón tượng về, những thay đổi khi lòng dân muốn thay hướng chính của Tượng Thánh…
Tôi nhớ bác D. già, người họa viên kiến trúc ( theo tôi được biết, khó có kiến trúc sư nào bây giờ khi ra trường có khả năng qua mặt được ông ) tài hoa, triển khai chi tiết các bộ kèo, khi đổ bêtông xong, tháo ván khuôn giống nhau như những cặp song sinh, không sai chạy một ly ! Bây giờ ông đã về với Chúa, một đời tận tụy với Nhà Thờ, một con chiên ngoan ngùy đáng kính.
Tôi nhớ ông Chánh già, không làm được gì nhưng cả ngày đội mũ ra công trường thăm hỏi con cháu. Tôi nhớ anh “bảo vệ” nhiệt thành, cả đêm lùng sục quanh công trường với cái đèn pin trên tay, nhớ anh “Tư xả láng”, nhớ ông Trùm T. la hét suốt ngày, chạy quanh để kiểm tra và thúc giục, nhớ ông Trùm M. ngày được đãi ăn sau khi đổ bêtông, uống say khướt quên cả quần dài treo trên cây, còn dép thì vất đâu mất… Và nhớ bao nhiêu người khác nữa…
Ngôi Nhà Thờ do tự tập thể tín hữu làm ra có giá trị của nó, từng chi tiết có công sức và trí tuệ của từng người, khi xây Nhà Thờ người ta xây cả Đền Thờ nữa, đó chính là cộng đoàn Dân Thiên Chúa, ở đó họ học biết chia sẻ với nhau, nâng đỡ nhau, cộng tác với nhau, hy sinh cho nhau, chấp nhận lẫn nhau, yêu thương nhau, tha thứ cho nhau, nhẫn nại với nhau… Vâng, một công trình vật chất nhưng lại hết sức thiêng liêng, một sự nghiệp chung của vị Mục Tử và cả Đoàn Chiên gần gũi thân thương của mình.
Xã hội sẽ phải càng ngày càng tiến bộ, sẽ không thể chấp nhận một tập thể không có chuyên môn lại xúm nhau làm chung một việc cần chuyên môn cao. Sẽ phải có thiết kế hoàn chỉnh đến từng chi tiết, sẽ phải có đấu thầu và đơn vị có tư cách, có năng lực mới được thi công, người không có chuyên môn sẽ không được phép vào công trường, sẽ có cuộc bàn giao “chìa khóa trao tay” giữa bên làm và bên nhận…
Chắc chắn sẽ đi đến chỗ ấy nếu chúng ta tôn trọng sự tiến bộ, nhưng khi ấy, những cảm xúc của một ngôi Nhà Thờ “của chúng mình” có còn không nhỉ ? Khi ấy cái hồn của Nhà Thờ sẽ là cái gì ? Không gian thờ phượng đó có hơi ấm của tình yêu không ? Ngôi Nhà Thờ đó có ôm ấp kỷ niệm của cộng đoàn Dân Chúa không ? Tôi không biết ! Tôi thẫn thờ và tự hỏi…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.4.2012

Saturday 28 April 2012

Lm Frank Doyle sj: “Ngẩn ngơ nghe tiếng gọi như thừa”


Suy niệm Chúa Nhật Thứ 4 Phục Sinh năm B 29.4.2012

“Ngẩn ngơ nghe tiếng gọi như thừa”
Bao người quen thuộc giờ đâu nhỉ
Khung cảnh thân thương phải đó chưa?
(Dẫn từ thơ Phạm Doanh)
Ga 10: 11-18
            Nghe tiếng gọi như thừa, vừa ngẩn ngơ? Hỡi người quen thuộc, giờ người ở đâu, sao không thấy? Người ở đâu, mà sao không đáp trả. Trả lời và đền đáp tiếng gọi, của Chúa Chiên.

            Trình thuật hôm nay, lại cũng ghi về một mời gọi “tưởng như thừa”, của Chúa Chiên. Chúa Chiên, nay ngóng chờ dân con làm mục tử, biết dấn thân. Biết nghe tiếng gọi. Nghe, để ra đi thực hiện điều Chúa ới gọi, nơi mọi người. Chúa gọi ta tiến bước trong hân hoan tràn ngập và hy vọng.    

            Hân hoan - hy vọng, là tự chế đời mình, như Lời Chúa nhấn mạnh nơi Tin Mừng thánh Gio-an.
            “Mục tử nhân lành, là người dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.” Ở đây, Chúa muốn phân biệt giữa Chúa Chiên Hiền với người được chủ mướn chỉ để giữ chiên. Người được mướn giữ chiên, chỉ lo toan đến lương tiền. Nên, khi sói lang đến y ta bỏ chiên đó mà chạy vì sợ. Còn Chúa, Ngài nói: “Tôi biết chiên của Tôi, Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”   

            Cũng có thể, là: Ngài tự tách Mình khỏi các lãnh tụ tôn giáo được thuê mướn sống giữa dân con nhà Đạo, vì các vị này chỉ làm những gì mọi người trông đợi mình làm. Tuyệt nhiên, không thực sự quyết tâm cũng chẳng có tinh thần trách nhiệm, đối với dân con được trao phó cho mình. Còn, Chủ Chiên Hiền là biết rõ chiên, và chiên biết Chủ. Giữa chiên và chủ, luôn có tình mật thiết với nhau. Như tâm tình giữa Chúa và Cha Ngài: “Chúa Cha biết Tôi, và Tôi biết Chúa Cha.” (Ga 10: 15)

            Người được thuê mướn hoặc vị thủ lãnh chỉ lo cho mình, sẽ chẳng bao giờ có được tâm tình mật thiết đến như thế. Bài đọc 2, tác giả thư cho cộng đoàn cũng sử dụng ngôn từ tương tự: “Anh em hãy xem Chúa Cha thương yêu chúng ta biết chừng nào. Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa –mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1Ga 3: 1-2)

            Thêm vào đó, Chủ Chiên Hiền ao ước đoàn chiên đến nhận dạng với Ngài: “Tôi còn có chiên khác không thuộc ràn này; cũng phải đưa về.” Và, mục tiêu cuối của Chủ Chiên Hiền, cũng không là gì khác, ngoài việc: “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Để rồi, toàn thể thế giới này sẽ liên kết làm một với Cha và với Chúa. Đây chính là ý nghĩa cao tột của Vương Quốc Nước Trời, trọng tâm của Tin Mừng.

            Đây, còn là chủ đích làm ta bận tâm mãi đến hôm nay. Bận tâm, là vì vẫn còn hàng triệu người và chiên, chưa nghe được sứ điệp về Chủ Chiên Yêu Thương Hiền Từ, là Thiên Chúa. Chưa được biết Ngài là Đấng, đã gửi Con Một của Ngài đến để chết cho đoàn chiên, là chúng ta. Tức, những người còn mải miết đi tìm hạnh phúc /ý nghĩa của cuộc sống dẫn đến mục tiêu khác. Những mục tiêu chỉ đem đến những bụi tro, dễ gãy đổ, như: tiền tài vật chất thật dư dả, danh vọng ở trước mắt mọi người, quyền uy trên người khác, chọn hoan lạc lầm lỗi với hạnh phúc, mưu cầu những khoái lạc…      
     
            Chọn như thế, tự khắc họ chối bỏ Chủ Chiên Hiền. Và, thánh sử nói: “Sở dĩ thế gian không nhận biết ta, vì thế gian không biết Người.” (1Ga 3: 1). Đây là điều, ta cần học hỏi để nhận ra đó là sự kiện khó lòng mà am hiểu. Và, càng khó lòng mà nhận lãnh trách nhiệm. 

            Tuy nhiên, càng quyết tâm theo chân Chủ Chiên Hiền, càng có nhiều người bị chối bỏ, và đột kích. Thảm hại hơn, nhiều người tuyên nhận Đức Giêsu là Chúa, dù rất hiền lành, chân chất, vẫn bị tan tác, với rẽ chia. Cay đắng. 

            Ở đây nữa, hơn bất cứ nơi đâu, vẫn có nhu cầu dành cho mọi người để theo dấu vết chân mềm của Một Chủ Chiên, thành lập chiên đoàn duy nhất yêu thương và thân cận. Bằng không, sao có thể làm chứng cho tình yêu của Đức Chúa, nếu giữa người đồng hành với Chúa, không có tình thương yêu đùm bọc?     

            Cuối cùng, lại cũng có những người lâu nay tháp nhập vào Thân Mình của Chúa, ngang qua thanh tẩy,nhưng vẫn sống theo cung cách làm người khác hiểu lầm ta không phải con dân của Ngài. Hiều lầm cả lời Ngài kêu gọi ta làm nghĩa tử, làm đồ đệ chu toàn trọng trách và tạo hạnh phúc. Có thể là, phần đông trong ta từng ngại ngần trong đáp trả lời mời làm chứng cho sự thật và tình thương yêu, thấy nơi Chúa.  

            Một điều nữa, Chúa nhấn mạnh ở Tin Mừng, là: Chúa hy sinh mạng sống vì chiên đàn, là do Ngài tự ý. Chứ không vì hoàn cảnh, đưa đẩy hoặc bị thúc ép. Cái chết của Ngài là bằng chứng sống động, như Tin Mừng có viết: “tình yêu cao cả là trao ban sự sống của chính mình cho người mình yêu.” Và bằng chứng này, Chúa đã làm để tỏ rõ Ngài chính là Chúa Chiên Hiền. 

            Bài đọc 1, Phêrô thánh nhân tràn đầy Thánh Thần Chúa, đã quả quyết: “Đây là đá tảng, mà quý vị là thợ xây loại bỏ, đã trở nên đá góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại được ơn cứu rỗi, vì dưới gầm trời này, không một Danh nào khác đuợc ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó, mà được rỗi.” (Cv 4: 12)

            Và cũng chính Chúa, có nói ở Tin Mừng: “Chính Tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh, và có quyền lấy lại mạng sống ấy.” Ga 10: 18)  Và sự thể, đã xảy ra như thế.

            Bài đọc 2, chứa đựng một phần trong diễn luận mà thánh Phêrô đã trình bày ở Đền thờ. Bài đó có được sau khi thánh nhân và thánh Gio-an đã chữa lành cho người hành khất, trước trụ lang. Chữa lành cho anh, các thánh đã nhân Danh Chúa chịu đóng đinh, qua quyền uy được uỷ thác cho các đấng, ngõ hầu làm chứng Đức Chúa đã sống lại thật. Và, Ngài vẫn hiện diện, ở với ta.

            Cuối cùng, tất cả những điều ở trên đã nối kết với chủ đề ơn gọi, vào ngày của Chúa, rất hôm nay. Bởi hôm nay, không chỉ là ngày Chủ Chiên Hiền, nhưng còn là ngày Ơn Gọi, vào Chủ Nhật. Vào ngày này, con dân ta được khuyến khích hãy nguyện cầu cho Hội Thánh. Cầu sao cho Thánh Thần Chúa ban ơn lành để ta có thêm nhiều vị thủ lãnh đóng trọn vai trò truyền rao Tin Mừng của Chúa.

            Cầu và mong sao, vào thời buổi đang có giảm sút trầm trọng về số mục tử/thủ lãnh làm việc ấy. Cầu và mong, sao Hội thánh đào tạo thêm nhiều linh mục và tu sĩ, đang cần có. Cầu và mong, để ta đừng hiểu là: lời gọi mời trực chỉ người khác. Nhưng là lời mời gọi đến chính ta và chính ta sẽ đáp trả. Chính ta thân thưa. Cầu mong sao, giới trẻ tự dâng hiến đời mình cho Chúa, thi hành sứ vụ rao truyền Lời Chúa. Cầu mong sao, đừng gạt tên con em ta trong những người thi hành sứ vụ rao truyền này. 

            Một điều cần cầu liên tục, là: ý nghĩa của “Ơn gọi” không chỉ hạn chế trong vai trò rất hẹp là đời tu/linh mục, rất riêng tây. Nhưng mỗi người trong ta đều có một “ơn gọi”. Bởi, với mọi tư cách của ta, dù là tư cách người phối ngẫu, mẹ cha, giáo chức, y sĩ hoặc chỉ là tôi tớ rất đời thường, đại/tiểu gia chuyên lo thương mại, đều có trọng trách ấy.

            Dẫu ở vào địa vị nào, ta vẫn được gạn hỏi bằng những câu, như:

            -Những gì tôi bỏ sức ra làm, phải chăng đó là “ơn gọi” gửi đến với tôi?
            -Phải chăng, đây là cuộc sống Chúa muốn tôi, ở như thế?
            -Việc tôi làm, có là chứng tá cho niềm tin Kitô hữu, đặt nơi tôi?
            -Tôi có cộng tác đóng góp trong việc dựng xây thế giới mới, xứng đáng cho mọi người?
            -Cuộc sống của tôi có gì khác biệt theo nghĩa tích cực, đổi mới, với người khác?
-Tôi làm được gì, để quảng bá công lý và sự thật? để cổ võ công bình, tình thương và sự an vui? Và, nếu bảo rằng tôi đang ở vị thế khó có thể sửa đổi, nhưng tôi vẫn nghe được tiếng Chúa mời gọi phục vụ Hội thánh Chúa, và cộng đoàn chứ?
-Tôi đã từng xả thân ngang qua cuộc sống hay tôi chỉ lợi dụng xã hội và Hội thánh Chúa để đạt những gì tôi từng ham muốn?

            Chúa vẫn mời gọi mỗi người và mọi người tiếp tay làm việc để phổ biến Tin Mừng Ngài đem đến. Có lúc, chỉ qua cung cách của linh mục/tu sĩ. Nhưng nhiều khi, lại là trăm ngàn đường lối rất khác biệt, để phục vụ. Phục vụ Hội thánh. Xây dựng cộng đoàn. Và, câu hỏi khác là: Chúa có dùng khả năng của tôi, để mở mang đóng góp xây dựng Nước Trời?

            Nếu mỗi người và mọi người đều đã nghe và từng đáp trả lời mời gọi từ Chúa, theo cung cách tích cực, chắc chắn Hội thánh Chúa không còn gì phải bận tâm lo nghĩ, về vai trò lãnh đạo/mục tử, đang sa sút, nữa.

               Lm Frank Doyle sj
               Mai Tá phỏng dịch


Thursday 26 April 2012

Lm Richard Leonard sj: “Bi hài và Nỗi thống khổ” vào phút cuối cuộc đời


 
Mấy năm về trước, tôi có dịp xem nghệ sĩ bi hài thuộc Dòng Tên, là Michael Moynahan trình diễn vở kịch câm mang tựa đề “Bì hài và nỗi thống khổ”, kể về giờ phút cuối của Đức Kitô ở trần thế. Vào kịch, là sự xuất hiện của một anh hề với nụ cười quên tắt trên môi. Anh biểu diễn các màn tung bóng ngay trước mặt khán giả, rất đẹp mắt. Tiếp đó, là cảnh đám quân binh bước đến, dẫn Đức Kitô ra trình diện bá quan thiên hạ; để rồi, bọn họ đóng đinh Ngài lên cây khổ giá hình chữ thập. Tay hề chứng kiến cảnh tượng đầy kịch tính ấy với nỗi niềm sao xuyến, hãi sợ. Khi thấy Đức Kitô thực sự đã chết, đám quân binh ra về, không đợi gì thêm. Nhưng, tay hề vẫn nán lại, ngồi bệt xuống dưới chân khổ giá. Anh bắt đầu gỡ bỏ các dấu đinh còn sót nơi tay và chân Chúa. Xong, đặt thi hài Ngài nằm sõng lên đùi anh, hệt như bức la Pietà nổi tiếng của nhà điêu khắc Mi-Kê-Lăng-Gê-lô. 

            Tay hề xót xa, rơi nước mắt khi phải chứng kiến cái cảnh Đấng Công Chính bị đóng đinh trên khổ giá, hình chữ thập. Cùng lúc ấy, đám quân binh quay lại, thấy tay hề còn ngồi đó thẫn thờ khóc cho thân phận của Đức-Chúa-làm-người. Chúng vực xốc anh dậy, đóng đinh anh lên cây thập tự thay cho Chúa. Tay hề đau đớn, chịu đựng được một lúc, rồi cũng trút hơi cuối cùng trên thập tự bằng gỗ cứng. Sần sùi. Khi quân binh đi rồi, Đức Chúa trỗi dậy, Ngài trở về với sự sống khác thường. Ngài hướng mắt nhìn tay hề đã cùng chịu cũng một thân phận khổ ải như Ngài, bèn đến gỡ bỏ các đinh khoen đóng xác, đỡ anh xuống. Ôm gọn anh vào lòng, cứ để như thế mãi chốn thiên thu, miên trường.

Xem trình diễn vở kịch câm hôm ấy, tôi thấy như có tiếng thở dài rơi lệ, ở đâu đó nơi người dự khán. Chẳng có ai trong họ, lại cứng lòng đến độ trơ như đá; hoặc, không nhỏ giọt lệ ướt mi, trước bi hài kịch đầy xót thương. Ai oán.  

Thật ra, chữ “xót thương” là cụm từ lấy từ tiếng “Compati” của La ngữ, mang ý nghĩa chịu đựng. Khổ ải. Tuyệt nhiên, cụm từ này không mang ý nghĩa thương hại, đồng cảm; hoặc sớt chia nỗi buồn bực, gì hết. Cũng vậy, cụm từ “buồn bã”, “xót xa” bên tiếng Việt lại bao hàm lập trường xa cách. Đứng ở ngoài. Chẳng có liên hệ mảy may nào dính dự đến kinh nghiệm bản thân; hoặc, những cảm xúc hướng vào bên trong. Cụm từ ‘xót thương’, mang nặng một ‘cảm xúc’ của những người đồng cam đồng chịu, cũng một thân phận. Thân phận, mà Vị Mục Tử Nhân Hiền đã tự gánh lấy cho Ngài. Và, đây cũng là ý nghĩa đích thực của mùa Phục Sinh, rất hôm nay. 

Giả như, ta xứng đáng để trở thành những người dám dấn bước, theo chân Đức Kitô, hẳn là ta cũng sẻ san cùng một tâm trạng, ngày Thứ Sáu Chịu nạn. Tuy thế, Chúa Nhật Phục Sinh, nay mang ý nghĩa thật rõ nét. Đó là: Chúa Cha đã trung tín với Con Một Ngài thế nào, thì Ngài cũng một lòng chung thủy đối với ta, hệt như thế.

Những năm tháng gần đây, nhiều vị Giám mục, vẫn được gọi là Mục tử nhân hiền ở giáo hội địa phương. Các ngài cũng bị chĩa mũi dùi, nhìn xoi mói khía cạnh đời sống tu đức của mỗi vị. Việc quan tâm chú ý như thế, cũng chẳng có gì là lạ. Bởi, tất cả chúng ta, dù ở cương vị nào đi nữa, vẫn đang sống cuộc đời của đạo hữu chân chính dõi bước chân mềm, theo chân Chúa. Theo Chúa, còn có nghĩa là: nhận lãnh trách nhiệm, về những gì mình đã làm, và cả những gì mình không chịu làm. Xét như thế, các mục tử ở giáo hội địa phương, cũng không nằm trường hợp ngọai lệ. 

Quả thật, các mục tử nhân hiền ở địa phương đã phải trải qua nhiều thời kỳ cam go, buốt óc. Đàn chiên dân Chúa, nay được huấn luyện theo tiêu chuẩn khá cao. Chẳng ai còn chịu để cho đấng chăn dắt mình, bắt phải rập khuôn, duy trì não trạng của thú đàn, vô tri giác. Không. Ai trong chúng ta cũng muốn biết về vị mục tử chăn dắt mình. Ai cũng muốn nghe tiếng mời gọi thân thương của các vị đang chăn dắt. Thân thương, là tình thân biểu lộ ra ngoài lòng thương yêu, ta cần có. Biết quan tâm phấn đấu, đòi thực hiện cho bằng được sự chính đáng, công bình đến với các nạn nhân, ở khắp nơi. Đặc biệt hơn, là: nạn nhân đang bị chính Giáo hội mình làm cho thương tật. Hẳn là, ai cũng muốn cam kết rằng: những gì vị mục tử nhân hiền ở địa phương phán quyết hoặc hành xử, nhất nhất đều phải rập khuôn lời lẽ và cử chỉ hiền hậu của Đức Chúa, tức Vị Mục Tử Nhân Hiền rất đích thực.

Những năm về trước, hẳn chúng ta có cảm giác choáng váng, thất vọng khi thấy một số –cũng may còn rất ít— các vị mục tử ở địa phương lợi dụng danh thơm tiếng tốt của Giáo hội, đã nhân danh quyền lực và vị thế xã hội của Đạo mình, đã lấy đi gương lành đạo đức lẫn nghĩa vụ pháp lý, tài chánh để rồi đã khiến cho thành viên trong đàn chiên bé nhỏ, đang bị thương tổn.

Tin Mừng hôm nay, thánh Gio-an nhắc nhớ ta về vai trò và bản chất cần có của các vị lãnh đạo trong Hội thánh Chúa. Đức Giê-su không so sánh các vị lãnh đạo ấy như ông hoàng bà chúa nơi cung điện cao sang, quyền quý hoặc như thống đốc, quan toàn quyền ở tiểu bang. Hình ảnh Chúa đưa ra hôm nay, là: vị mục tử thân thương, nhân hiền. Mục tử, chính là người chăn dắt rất tận tình, thật dễ thương. Các vị này, dám ngủ lại với đàn chiên nhỏ bé của mình, cả vào chốn đồng hoang trống vắng, rất hiểm nguy. Mục Tử Nhân hiền mà Đức Ktiô ám chỉ, là người biết rất rõ chiên đàn của mình. Rõ đến độ, Ngài dám hy sinh cuộc sống của mình, cho bầy đàn mình chăn dắt.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cầu cho chiên đàn mình có lãnh đạo xứng đáng với lòng ngưỡng mong. Cầu mong sao, các vị lãnh đạo có lòng nhân thân thương trong sáng, biết khơi dậy nơi ta cũng một tình cảm, như các ngài đã ứng xử với chiên đàn bé nhỏ, của mình. Có như thế, các ngài mới đích thực là Mục tử thân thương, nhân hiền. Có như thế, mới là lãnh đạo “chính chuyên”. Công chính. Biết ân cần phục vụ. Phục vụ, để đàn chiên mình luôn vui sống. Sống an vui, hiền hoà. Ân cần, trước mọi nhu cầu thiết thực của đàn chiên bé nhỏ. Nhất là lúc này, khi bầy lang sói vẫn rình rập, ở đâu đó. Thứ sói lang mang hình thù, mã số rất thời thượng, những Dan Brown, Tom Hanks ở sân khấu-cuộc đời, đầy nhiễu nhương. 

Lm Richard Leonard sj
            Mai Tá phỏng dịch

Tuesday 24 April 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi:


Ví dụ “Người Con Hoang Đàng” (tiếp theo)

Lc 15: 11-32: về “tình Phụ tử”
Câu 12/ Chiếu theo Tl 21: 17 thì con trưởng được lĩnh gấp đôi phần của mỗi người (đây 2 đứa con, thì gia tài chia 3 phần, con cả 2 phần, con út 1 phần). Chuyển gia tài hoặc bằng chúc thư, hoặc khi cha còn sống thì bằng “tặng vật”. Nếu là tặng vật thì: con được ngay quyền sở hữu, của là của nó, nhưng nó chỉ được hoàn toàn khi cha nó chết. Bởi là của nó, nên cha không còn được quyền bán đổi nữa, nhưng con cũng không có quyền xử dụng như ý (nếu nó bán, người mua chỉ hoàn toàn chiếm hữu khi cha nó chếất), còn cha còn được quyền hưởng hoa lợi. Bởi đó, mới hiểu câu 31 được: con cả là người có quyền sở hữu độc nhất sau này, nhưng câu 22t và 29: cha vẫn xử dụng như ý: nó tuyên bố đoạn tuyệt với gia đình để sống một mình.

Câu 13/ Nó bán đi cả để lấy tiền xuất ngoại. Kinh tế Phalệtin thời đó không đủ nuôi sống dân trong vùng. Việc đi xa làm ăn là thường. Vào thời Chúa Yêsu, sau khi đền thờ cất xong, có đến 18 ngàn người thất nghiệp.

Đối với thính giả thì họ cho con thứ có tội ở chỗ nào? Có thể ngay việc bỏ cha ra đi – mà cũng có thể nơi việc dùng của mồ hôi nước mắt của cha mà ăn tiêu trác táng.

Câu 14/ Những bước đi truỵ lạc và sa đoạ.

Câu 15/ Nuôi heo là nghề “tội lỗi”, chỉ có dân ngoại mới làm, nên ông chủ đây là một người ngoại. Chăn heo một nhờm tởm đối với Do thái (Talmud Babylon: người chăn heo là một đồ chúc dữ). Tình cảnh nói cho thính giả bước đường cùng sa đoạ và uế tạp, nó đã bị cắt đứt khỏi cộng đoàn Dân Thiên Chúa chọn.

Câu 16/ Thế cũng chưa hết. Về tâm hồn và ước nguyện, nó đã thấu chỗ bên dưới loài người: nó ước ao sao có thể hết cảm thấy nhờm tởm để mà ăn đồ heo ăn được. Đây là thứ cây người ta dùng quả làm đồ nuôi heo (giống như muồng muồng, có khi đến 12 thước cao). Câu này phải hiểu là ước nguyện: thấy heo ăn ngon lành thứ đó, mà nó bắt thèm: phải chi mình cũng nuốt trôi được các thứ đó cho đỡ đói.
            Câu 16b: phải coi như câu tự lập, gần như lý do cho việc ước muốn của nó. Nếu không ai cho ăn, thì thường nó phải ăn trộm mới có gì ăn. Như vậy tình trạng của nó là: ở ngoài trật tự Dân Chúa, sa đoạ mất cả tôn giáo; sa vào một thế giới ác nghiệt không chút tình thương bố thí cho kẻ nghèo đói.

Ngạn ngữ Do thái: Do thái mà ăn muồng muồng, nó mới buồn trở lại, Chúa cũng chuyển từ tư tưởng để nói:

Câu 17/ “Khi đó nó mới tự tỉnh” (từng chữ có nghĩa là: nó về lại với chính mình). Ý nghĩ truớc tiên phát tự cái đói: nhớ nhà cha và so thân phận mình với những đứa ăn đứa ở nhà cha mình: té ra nó ở bên cạnh cha nó từ bé đến lớn mà nó không có ý thức chút nào về hạnh phúc lan từ cha nó xuống đến cả những đứa đầy tớ trong nhà. Có làm thuê và chết đói, nó mới biết cha nó là người thế nào: những người làm thuê cho cha nó được có đủ và dư nữa; nó cũng làm thuê nhưng ô nhục biết mấy, mà lại phải chết đói nữa. Nó chỉ muốn nên một người làm thuê cho cha nó thôi, nó cũng toại nguyện.

Câu 18-19/ Nó không trông lại được nhận làm con nữa. Nhưng nó trông rằng thú tội rồi thì được nhận làm người ở mướn cũng là quá lắm. Đàng sau câu này ló hiện quan niệm về hối cải trở lại: quay lưng cho mọi kiểu tự cao tự đại, và ký thác vô điều kiện cho lòng tín thị và vâng phục đối với Thiên Chúa. Hối cải đây chưa trọn lành (động lực thúc đẩy là cái đói, bởi đói nên nó nhớ đến của cải nhà cha, nhưng dù sao, nó nhận biết mình không có quyền gì nữa.    
 (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Monday 23 April 2012

Lm Vĩnh Sang, CSsR: Chuyện Các Vị Giám Mục Nước Mình



Trong mấy ngày vừa qua, vì công việc tôi có dịp gặp một vị Giám Mục, qua các câu chuyện ngài nói với tôi, tôi hiểu thêm về nỗi khổ tâm của người Mục Tử, có những trăn trở, những nỗi lo, những phiền muộn mà không mấy ai hiểu được, người Mục Tử cứ vậy ôm vào lòng, chỉ mình mình biết, chỉ mình mình xoay sở. Nghe nói, khi làm Giám Mục, các ngài mất nhiều thứ lắm.
Lại có lần qua một vị chức sắc trong Giáo Hội ở bên ngoài Giáo Hội Việt Nam nói với tôi một nhận xét, rằng ở Việt Nam, cứ phong vị nào lên làm Giám Mục thì y như rằng vị ấy chỉ một thời gian ngắn sau là mắc đủ thứ bệnh tật. Gẫm lại tôi thấy khá đúng, không dám chắc trăm phần trăm, nhưng đa số là như vậy. Hình như trong một xã hội quá phức tạp và nhiều thách đố, sức con người khó có thể đương cự nếu không có ơn Chúa.
Tôi lại nghe kể có một vị Giám Mục khả kính nọ, sau năm 1975, ngày nào ngài cũng “được” Công An tỉnh gọi lên làm việc, kiểu làm việc này kéo dài cả năm, ngày ấy vô cùng khó khăn và nguy hiểm, ngài cứ đều đặn mỗi ngày ra văn phòng Công An tỉnh chịu sự “làm việc”. Người thường mà bị khủng bố kiểu đó thì khó có thể sống được, thế nhưng ngài vẫn sống, hiện nay ngài vẫn còn sống. Có người thắc mắc thì ngài tiết lộ: mỗi ngày khi đi “làm việc” về, ngài bình thản ngồi vào cây đàn dương cầm, rồi thả hồn vào những bài Thánh Ca, ơn Chúa xua đi cho ngài những buồn phiền dương thế.
Người ta kể, trên sân thượng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, hình thành một “con đường” trên lớp gạch lót mặt, con đường được tạo ra từ những bước chân của vị Tổng Giám Mục Hồng Y can trường đáng mến, khi sang Roma ngài đã can đảm trình thỉnh nguyện thư xin phong Thánh cho 117 vị Tử Đạo tại Việt Nam, để rồi khi trở về Việt Nam, ngài gặp khó khăn trăm bề, bao nhiêu những áp lực từ nhiều phía tấn công ngài, nhà cầm quyền ngày ấy gây ra biết bao nhiêu trở ngại cho ngài, nội bộ Giáo Hội cũng có một số kẻ chỉ trích ngài nặng nề. Bị cô lập tại Tòa Tổng Giám Mục, ngài lên sân thượng tâm sự với Chúa qua tràng chuỗi Mai Khôi, từ ngày ấy con đường trên sân thượng được ấn dấu.
Thế rồi vào những năm cuối của thập niên đầu ngàn năm thứ ba này, có một vị Tổng Giám Mục hậu duệ lại cũng ngày ngày đặt từng bước chân mình vào vết mòn trên gạch ngày xưa, vẫn lại là những bước chân đi trong phiền muộn, trong lo toan, trong khổ đau, trong cô đơn, trong tin yêu phó thác…
Trở lại câu chuyện về vị Giám Mục tôi vừa được gặp mấy hôm nay, bây giờ là câu chuyện trong những năm đầy biến động của đất nước. Ngài “được” gọi ra Ủy Ban Tỉnh để “trao đổi” ( tôi viết trong ngoặc đôi vì chỉ những ai đang sống trong đất nước này mới hiểu được hai chữ trao đổi thực chất là gì ) về những vụ việc vừa xảy ra, cũng như những “tồn tại” của địa phương. Trên đường ra Ủy Ban ngài gặp một tai nạn giao thông có người thiệt mạng, khi gặp các quan chức ngài đem việc tai nạn ra kể, kể xong ngài hỏi các vị quan chức Ủy Ban:
-    Theo các ông, bắt người tài xế gây tai nạn hay bắt xe gây tai nạn ?
-    Bắt tài xế chứ, người ta buột miệng trả lời rất nhanh.
Vị Giám Mục không chịu, ngài lý luận rằng chiếc xe đụng người chứ tài xế đâu có đụng, vậy phải bắt cái xe và phạt cái xe thật nặng, các quan chức thuộc Ủy Ban kiên định với lập trường là phải bắt tài xế và nhốt tài xế lại, vì tài xế là người điều khiển cái xe. Chiếc xe vô tri vô giác, nó vô tội, không thể bắt xe và càng không thể nhốt cái xe ! Đến đây thì vị Giám Mục rất châm biếm và hóm hỉnh, bảo các quan chức:
-    Vậy sao các ông bắt cái Nhà Thờ và nhốt tù cái Nhà Thờ mấy chục năm nay vậy ? Vị Linh Mục cai quản Nhà Thờ ấy các ông đã bắt, đã nhốt, đã cho “cải tạo” ( lại một chữ nữa chỉ những ai đã sống ở nước mình mới hiểu ) suốt nhiều năm, các vị ấy bây giờ đã chết hết cả rồi mà sao Nhà Thờ vẫn cứ còn bị nhốt hoài, trả lại cho Giáo Hội đi chứ!
Lm. VĨNH SANG, CSsR, 
Chúa Nhật 22.4.2012

Friday 20 April 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi:



Ví dụ “Người Con Hoang Đàng”

Lc 15: 11-32: Đúng hơn phải gọi là “Ví dụ về tình Phụ tử”

Ví dụ lấy một truyện như sinh hoạt thời ấy nêu lên nhiều cảnh tương tợ. Nhưng ý nghĩa không chỉ cốt truyện mà thôi, nhiều nét trong truyện đã muốn ám chỉ đến điều Chúa Yêsu muốn dạy rồi, những nét ta gọi là những nét tỉ dụ. Nhưng không thể lấy chi tiết và ép vào đó một ý nghĩa.

Ví dụ gồm có 2 phần:

-Phần I nói đến lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa. Người sung sướng khi thấy kẻ bị hư đi được trở lại, như Cha thật tình yêu con, và vội vàng làm tiệc.

-Phần II: Có tính cách biện hộ: Nói đến sự phản đối của người con cả trước thái độ của cha. Đó là tình trạng thực tế Chúa Yêsu đã gặp: ví dụ nói ra cho những người có thái độ giống như người con cả. Nhưng khi một ví dụ có hai đích nhắm đến sau quan trọng hơn. Vậy ví dụ trước tiên có mục đ1ich biện hộ cho Tin mừng trước những người chỉ trích đã kê trong 15: 2. Lòng mến của Thiên Chúa thật là vô biên, đó là điều diễn ra trong thái độ của Chúa Yêsu.

Ví dụ không phải nói lên một sự thật muôn đời nơi Thiên Chúa: ví dụ không thể tách khỏi sứ vụ của Chúa Yêsu. Ví dụ không nêu lên một tín điều về bản tính hằng có của Thiên Chúa: như thể Thiên Chúa là lòng mến, Người đoái thương đến những ai hướng về với Người, như thể không cần đến việc môi giời và thập giá của Chúa Yêsu, mà cũng trở thành con cái Thiên Chúa được. Bởi đó phải nhấn đến nhập đề của đoạn Lc 15: 1-2. Chính việc Chúa Yêsu giao dịch với những người thu thuế và tội lỗi mà Ngài đã bị những người nhân đức oán hận, nhưng chính trong cách xử thế của Ngài mà Thiên Chúa hoạt động và thu họp những kẻ thuộc về Người.

 (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Tuesday 17 April 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi:

Normal 0 MicrosoftInternetExplorer4

Cắt nghĩa về “Đồng Bạc Mất”

Lc 15: 4-7/Mt 18: 121-14: Con Chiên Lạc/ Lc 15: 8-10: Đồng Bạc Mất

So chiếu giữa Lc và Mt thì biết mỗi tác giả sử dụng ví dụ theo một quan niệm: Mt đặt trong diễn từ bàn đến sinh hoạt trong Hội thánh, mạch lạc trực tiếp là thái độ với những kẻ nhỏ: Trong giáo huấn cho cộng đoàn, thì những “kẻ nhỏ” là những phần tử tín hữu thường trong cộng đoàn đối chiếu với những kẻ cầm đầu: tức là trước tiên các tông đồ, những người có chức việc, hay trổng hơn: hết thảy các môn đồ trong đó gồm cả những người lĩnh đạo. Cũng trong mạch lạc: chiên lạc chỉ người lầm lạc, một sự lầm lạc có thể đem về đạo lý. Và như thế, lời của ví dụ nhắm phần nào đến những người dạy đạo, và nhắn nhủ họ phải kiên nhẫn đối với những người nhỏ nhất, có thể là những kẻ dốt nát (các rabbi Do thái gọi hạng dốt nát là những kẻ nhỏ). Đàng khác, trong mạch lạc Mt cũng nên để ý đến “một” con chiên giữa “trăm” con: có thể hiểu –hoặc là giá trị một con chiên cho thấy giá trị của tất cả đàn- hoặc nhấn đến giá trị ngay của một con mà thôi. “Một” ở đây không phải đề cao tính cách cá nhân trong cô độc hay trong “ta một mình với Chúa” (vì cá nhân đó phải được đem về ràn, tức là dân của Chúa Kitô; còn một mình, thì chiên đó đang bị ngăm đe hư khốn, vô phương tự túc). Nhưng đàng khác, cá nhân đó không phải lụy thuộc vào đàn chiên để sống, chỉ có điều là chính ở trong đàn chiên đó, nó mới khỏi lạc. Liên lạc với Chúa chiên đi trước, và đặt nền tảng cho đạo Chúa Yêsu, nghĩa là một cá nhân chủ nghĩa đã vượt quá đơn độc, đã mất hết rồi riêng tư ích kỷ. Như vậy trong Mt, ví dụ đã mang áp dụng cho tình cảnh của Hội thánh. Nhưng đàng khác phải so với Yn 10, ta thấy được ví dụ chiên tuy hướng về cộng đoàn, rốt cục cũng hướng cả vào Chúa Yêsu. Cái hướng Kitô-luận đó đã phát xuất tự chính mình Chúa Yêsu khi Ngài áp dụng hình ảnh Chúa chiên (mục tử) cho chính mình Ngài –và trong Yn, ví dụ Chúa Chiên thuộc về những giáo huấn cho môn đồ. Chúa Yêsu là Chúa chiên, nhưng Hội thánh tiếp tục công việc của Chúa, và cũng đã noi gương Chúa mà áp dụng ví dụ cho chính mình, đó là điều xảy ra trong Mt (Một điều tương tợ như trong Mt 5: 14: ánh sáng là Chúa Yêsu, nhưng môn đồ cũng là đèn cho thế gian).

Bây giờ xét mạch lạc của Lc 15: 1-3 nói lên nhân dịp nào Chúa Yêsu đã ra ví dụ: Có những người kêu ca trách móc việc Chúa Yêsu tiếp rước những người thu thuế và tội lỗi. Mạch lạc này cho thấy hoàn cảnh riêng cho đời Chúa Yêsu; và như vậy thì ý nghĩa của ví dụ trong Lc có tính cách tiên khởi, không phải là áp dụng mà là lời biện hộ của Chúa Yêsu cho chính sứ vụ của Ngài: cũng như người chăn chiên sung sướng vì kiếm ra chiên lạc, thì Thiên Chúa cũng vui sướng vì người tội lỗi hối cải. Người sung sướng vì có thể ban ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi. Mà cử chỉ, cách Chúa Yêsu đối xử với người tội lỗi dọi lại cử chỉ của Thiên Chúa. Hai ví dụ làm theo kiểu đối chiếu đàn ông/đàn bà, giàu/nghèo, nhưng cả hai cho thấy cái vui nơi Thiên Chúa.

-Một trăm con chiên: một đàn chiên 3000 con được gọi như quá lớn. Còn thì giữa người Á Rập, đàn chiên thường thì đi từ vài chục con cho đến hai trăm con. Có một trăm, và chính mình lại chăn lấy, thì người chủ thuộc hạng bình thường.

-Mười đồng bạc: giả thiết một cảnh nghèo. Và cả việc quét nhà phải thắp đèn (không phải là ban đêm), nhưng nhà nghèo thì ban ngày cũng tối om, muốn kiếm trong ngõ ngách thì phải thắp đèn. Người ta lấy chổi khua mọi chỗ cho đến khi nghe đồng bạc lẻng kẻng.

Về ý nghĩa: Câu 7 và 10 là những cách nói để tránh dùng tên Thiên Chúa, nên phải hiểu về sự vui sướng nơi Thiên Chúa. Điều ví dụ muốn nói lên không phải là cái liên lạc gần gũi mật thiết giữa con chiên và chủ chiên, giữa đồng bạc và người đàn bà; cũng không phải là sự cố tìm cho ra. Ý nghĩa nhắm đến là sự vui sướng khi tìm thấy. Đó là lời biện hộ của Chúa Yêsu: bởi Thiên Chúa thương xót lạ lùng như thế đến đỗi cái vui sướng tha thứ là vui sướng hơn hết của Người, thì sứ vụ cứu thế của Chúa Yêsu cũng là giải ách Satan, tìm kiếm những gì đã hư đi. (Nên biết: việc vác chiên lên vai: mợt chi tiết thường nhật nơi nghề chăn chiên Phalệtin, con chiên lạc thường hoảng hốt, sợ điên nên không đi, không động nữa, và như thế người chăn chiên phải vòng nó vào cổ mình mà vác đi).
(còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)

Monday 16 April 2012

Lm Richard Leonard sj: Dấu lạ tỏ cùng ai?



Cộng đoàn hội thánh tiên khởi đã nhấn mạnh đến dấu tích hằn in trên thân xác của Đức Kitô đã sống lại. Sở dĩ các ngài làm thế, vì hai lý do: thứ nhất là để minh xác rằng Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết. Ngài vẫn là Thầy Chí Thánh từng sống với các môn đồ cho đến khi chết. Thứ đến, để bảo rằng: dấu hằn trên mình Thầy Chí Thánh là dấu tích Tình yêu của Đức Chúa.
Mặt khác, truyện kể về tính ngờ vực nơi thánh Tôma tông đồ mang nhiều chi tiết bí nhiệm. Thật ra, thánh nhân ngờ vực như thế là để phản chống ý nghĩ xảo giả, ma-thuật vẫn có trong đầu của người thời bấy giờ khi suy tư về sự sống lại. Quả là, thân mình Đức Kitô mang dấu tích của một hành hạ khổ ải dẫn đến cái chết nhục hình. Nay, thân xác ấy đã hiển vinh, đổi biến. Dấu tích trên mình Ngài hằn lưu khi sống lại, là để chứng tỏ cho môn đồ biết chính đó là Ngài, hầu tỏ lòng yêu thương, tôn kính. Các môn đệ đã nhận ra dấu tích, cùng lúc với lời dặn dò thân quen của Ngài. Như thế không còn ngờ vực điều gì nữa.
            Như ta biết, cộng đoàn Êphêsô là cộng đoàn được thánh Gio-an nhắm đến, khi ghi lại trình thuật Tin Mừng hôm nay. Cộng đoàn Êphêsô từng kinh qua các giai đoạn bách hại, hành hình. Sau ngày đó, mới có chuyện thế hệ tiếp nối đặt nghi vấn tự hỏi: các dấu tích Đức Kitô mang trong người, có thật là dấu tích của một hành hạ khổ ải, không? Thật ra, thì cật vấn hoặc ngờ vực vẫn là chuyện dài. Mọi thời đại.
            Thời ta sống, vẫn có người dè chừng việc Đức Kitô dẫn chứng về dấu tích của Ngài. Dạo gần đây, lại có thêm hàng loạt các phim truyện, tuồng tích như: Stigmata (dấu tích lạ), Dogma (Tín lý Đạo), Agnes of God (Agnes, thánh nữ của Chúa), và cả đến bộ phim gây kinh hoàng như Daredevil (Tên liều mạng), đã tạo sự thu hút nổ bùng, đôi khi mang dáng dấp của thái độ cay cú, cuồng nhiệt. Thậm chí, một số nhà làm phim tư liệu còn cho chiếu những khúc phim mang hình thái của một thách thức, đố kỵ như bộ phim dài nhiều tập: “Tin hay không còn tuỳ”; một phim lôi cuốn số đông người xem, suốt một dạo.
            Cả đến một số người hành hương cũng cố thân hành thăm tu viện của cha Padre Pio, miền Nam nước Ý, để tận mắt mục kích bàn tay thánh nhân có thực sự rỉ máu, hoặc vết đâm nơi nương long có thực sự chảy nước vàng, hay không? Những người ấy, muốn được thấy dấu lạ ngoài mặt chứ chẳng bận tâm đến niềm tin bên trong. Chính đó, là điều Đức Kitô hằng nhắc nhở. Chẳng thế mà, trình thuật hôm nay lại nhắc thêm: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Cuộc sống hôm nay là dấu tích để mọi người nhận ra là: chúng ta đang dõi bước theo Chúa trên đoạn đường khổ ải, có thánh giá theo cùng, và luôn sống lại cùng với Đức Kitô vinh hiển.
            Nhìn vào thực tế, ta thấy lời dạy và các dấu tích khổ hình vẫn được gửi đến với ta kèm theo lời căn dặn bình thường. Chẳng cần biện luận, ta cũng biết có nhiều vị được hưởng ơn lành của Chúa luôn mang dấu tích hành hình trên thân xác, nhiều tháng năm. Chẳng cần tìm hiểu, ta cũng nhận ra nhiều chứng cứ hiển nhiên, là: người tín hữu hôm nay đang phấn đấu cho niềm tin yêu nơi Chúa, đến độ nhiều lúc cũng mang dấu tích thương tật trên thân xác, của mình nữa. Sự thật, mỗi người chúng ta đều mang trong mình dấu tích sự chết của Đức Kitô. Tự thân, có người từng mang dấu vết tật nguyền thật đớn đau, vì Tình thương yêu Đức Chúa. Mặt khác, có người còn bị đời ngược đãi, đánh gục đến độ phải mang dấu tật, thật dài lâu. Nhưng tiếc thay, cũng có nhiều người, thay vì cảm thông ngợi khen Chúa, lại thúc thủ, nghi ngờ sự hiện hữu của Ngài.
            Truyện Phục sinh nghe hôm nay, không phải để ta chuốc lấy hổ thẹn, hoặc cố tranh cãi rằng: chuyện dấu tích là không có thật. Phúc Âm hôm nay, giúp ta nhớ rằng: chính vào lúc mà niềm tin của ta ra như hỗn loạn, đó là lúc Đức Kitô đến với ta, rất nhẹ nhàng. Bình an. Ngài đến với ta, đề nghị một đồng cảm với Đấng thương yêu ta đến độ mang trong mình dấu tích của những hành hạ thân xác, chỉ vì thương yêu ta. Đến với ta, là Ngài chuyển đạt sứ điệp thương yêu, tha thứ. Đến với ta, Ngài còn cho biết: dù không đồng cảm, ta vẫn được thứ tha. Các lỗi phạm  vẫn được loại trừ.
Nhiều năm trước, bản thân tôi cũng đã cảm nghiệm dấu tích của một chiến đấu riêng tư, khi tham dự buổi tĩnh tâm, hồi hướng. Đến khi thấy mình tụt xuống mức tột cùng, cũng là lúc vị linh hướng đem đến bài thánh vịnh 117 – như được trích trong thánh lễ hôm nay-- trong đó có lời khẳng định: “ngươi sẽ nhận ra rằng: đá tảng mà thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường”. Và, vị linh hướng chủ trì hôm ấy diễn giải thêm: thường thì, Chúa lấy đi những gì ta ghét bỏ, hoặc không thích. Ngài tha thứ tất cả. Ngài chữa lành mọi thứ; và dùng nó để xác định mô hình cuộc sống, sự chết và sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô đặt trong nội tâm của mỗi tín hữu. Để rồi, ta sẽ mãi mãi giữ được dấu tích Tình thương yêu của Ngài.
Đó là điều xảy đến với thánh Tôma tông đồ. Đức Kitô lấy đi nỗi sợ hãi của thánh nhân. Ngài tha thứ cho lòng nghi kỵ thiếu niềm tin vẫn có nơi người phàm và Ngài chuyển đổi thành dấu chứng hùng hồn, hầu đỡ nâng các thế hệ tiếp nối, đến sau. Nhờ vậy, thế hệ hôm nay cũng mang dấu tích của cuộc phấn đấu cho sự sống. Cho niềm tin yêu, cũng một kiểu.
Thành thử, vào Tiệc thánh mùa Phục sinh hôm nay, ta được ban cho cơ hội tốt để khám phá ra rằng: đá tảng người thợ xây loại bỏ, vẫn còn nằm trong ta, từ lâu. Nằm, giữa cộng đoàn ta chung sống. Đá ấy, nay được Chúa dùng như tảng đá góc tường, làm nền cho tình thương yêu mọi người. Vì thế, khi nhận ra dấu tích của một hành hình, khổ ải hãy nhớ rằng: Chúa đang lấy đi một phần từ nơi ta. Và, Ngài làm thế là vì Tình yêu ban cho ta. Và, Chúa dùng nó để làm lợi cho ta. Để rồi, ta sẽ cùng với tác giả thánh vịnh ở trên, mà ca lên: “đây là việc Chúa làm. Là kỳ quan, Ngài ban cho”. Dấu tích của một hành hình, bách hại, khổ ải vẫn là dấu tích của một kỳ quan. Kỳ quan yêu. Tình yêu Ngài ban,  không riêng gì cho ta. Mà, cho mỗi người. Mọi người.
Lm Richard Leonard sj
Mai Tá phỏng dịch

Saturday 14 April 2012

“Tình con tinh khiết”

Normal 0 MicrosoftInternetExplorer4
Suy niệm Chúa Nhật Thứ 3 Phục Sinh Năm C

“Tình con tinh khiết”
Như màn sương đêm.
Xin cho trọn kiếp,
được sống êm đềm.”
(thơ Đào Tiến)
Ga 21: 1-19
            Đức tinh khiết, còn là tình người trong cuộc. Vẫn cứ yêu. Màn sương đêm, vẫn là tình đời muôn kiếp. Trọn lòng mến. Rất êm đềm. Của đồ đệ. Như trình thuật được kể, rất hôm nay.

            Trình thuật kể, là kể về sự kiện Chúa muốn biết tâm tình người đồ đệ. Về, tương quan ta có, với mọi người. Chúa hỏi, là hỏi ta có dịp xác chứng niềm tin nơi Ngài, trước sau như một. Về tính gan dạ. Dám nhận mình là con dân, của Đức Chúa. Là đồ đệ, ta không chỉ gắng sống hiền lành. Đôn hậu. Hoặc, thánh thiện. Là đã đủ. Nhưng, còn phải tự chấp nhận mọi chịu khó. Còn, làm những việc rất khó chịu. Rất khổ đau. Có như thế, mới có khả năng sẻ san vinh quang, của Ngài nữa. 

            Trình thuật hôm nay cho thấy: Chúa tỏ bày lòng Ngài cho đồ đệ. Khi các thánh nay quay về chốn cũ. Về, với ngành nghề ở Galilê. Với đánh lưới. Rất kinh nghiệm. Nhưng, lần này các thánh gặp ngay thất bại. Bởi lẽ, chẳng một ai nhớ lời Thầy từng nói: “Không Thầy, chẳng ai thành đạt được chuyện gì.” (Ga 1: 3) Như người lạ, Thầy đến với đồ đệ, rồi nói: “Anh em, có gì ăn không?” Chợt khi nghe Thầy nhủ khuyên: “Hãy ra khơi bủa lưới!” các thánh mới thu lượm được kết quả bất ngờ: tôm cá nhiều đến độ “lưới chịu không nổi”. Và khi đồ-đệ-được-Thầy-thương, mới nói: “Chúa đó!” (Ga 21: 7)
            Thông thường, khi Tin Mừng viết về đồ-đệ-được-Chúa-thương-yêu là chỉ về thánh Gioan Tông đồ. Nhưng, trong bối cảnh Phục Sinh, cụm từ “đồ-đệ-được-Chúa-đoái-thương”, có ý chỉ về bất cứ người nào có tương quan mật thiết với Chúa. Trình thuật hôm nay nói “ghe thuyền” của các thánh, là có ý ám chỉ về cộng đoàn Hội thánh. Của Chúa. Và, đồ-đệ-được-Chúa-đoái-thương, chính là những ai gần cận với Ngài. Những người nhận ra được sự hiện diện của Chúa, nơi anh em. 

            Nhận ra Chúa, đồ-đệ-được-Chúa-đoái thương chợt thấy mình thật bất xứng. Qua phục sức. Thánh nhân bèn nhảy ùm xuống nước. Ẩn trốn. Vì mình mảy trần trụi. Cuối cùng thì, đồ đệ Chúa: người thì đưa thuyền vào bờ, mà nhặt cá. Kẻ, thì phát giác rằng: chính Người-Xa-Lạ-là-Thầy đã dọn bữa, có “than đỏ với cá nướng, đặt ở trên. Cả bánh nữa.” Và Thầy tiếp tục: “Đem lại đây, ít con cá các anh vừa bắt được.” (Ga 21: 10)

            Hãy đến mà lót dạ”, là lời mô tả về cảnh tình của Tiệc Thánh. Có Thầy hiện diện. Có Lời Chúa. Có đồ đệ nghe Thầy. Và đồ đệ, nay biết san sẻ những gì mình có. Vẫn đồng bàn, cùng lĩnh nhận ân sủng theo cung cách hiệp nhất. Cung cách rất tiên khởi. Ấm tình đồng đội.

            Và, thánh sử lại đã ghi: “Không ai trong nhóm môn đệ dám hỏi ‘Ông là ai?vì biết chắc chính là Ngài”. Đấy là khẳng định nói lên điều chính yếu, ta cần biết: Chúa đã Sống Lại thật. Ngài không còn mang hình hài xưa/cũ, như người người vẫn tưởng. Thầy Chí Thánh, nay mang hình hài đổi mới, giống mọi người . Hình hài của Chúa, chính là những người có lòng tin, biết Ngài hiện diện nơi người khác. Nơi những người, có diện mạo khác nhau. Khác xuất xứ. Khác cả lòng Đạo. Lẫn trạng huống.

            Đồ đệ xưa, rày đã đến. Nên, mới nhận ra Ngài. Nhận ra hình hài của Ngài, không do đặc sủng Ngài ban tặng. Mà, qua tình huống của đời thường. Có như thế, ta mới cùng với thánh sử, cất lên lời ngợi ca Đấng Tạo Hoá ở bài đọc 2: “Tôi nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dười đất. Trong lòng đất. Ngoài biển khơi. Vạn vật ở nơi đó, đều đã tung hô: Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng, cùng danh dự. Vinh quang. Và quyền năng. Đến muôn thuở muôn đời.” (Kh 5: 13)

            Là đồ-đệ-được-Chúa-thương thoạt nhận ra Thầy, qua bóng hình của “người lạ”, ta cũng được Chúa chỉ đích danh, để nhận biết. Và khi ấy, ta sẽ giúp mọi người nhận ra rằng: Chúa hiện diện với mọi người. Vào mọi tình huống. Ở đời thường. Có như thế, ta mới có thể giải thoát được tất cả. Có như thế, khuôn phép rao truyền Lời Chúa, mới đúng nghĩa. Mới được người người tra tay thực hiện.     
            Điều cần làm ngay sau đó, là: không chỉ nhận ra Chúa hiện diện nơi ta. Nhưng, là: biến sự hiện diện của Chúa trở thành một thực tại sống động. Cho mọi người. Sống quanh ta. Đồ đệ Chúa, không chỉ đòi ở phòng trên, để vui hưởng tình huống Chúa sống lại. Với bạn bè. Mà, về lại với cảnh sống cũ. Với thuyền. Với lưới. Cho riêng mình. 

            Và sau đó, đã thấy xảy đến một cảnh trí rất đặc biệt trong quan hệ giữa Chúa và thánh Phêrô. Tức, người đồ đệ luôn gần gũi Chúa. Và cũng xảy đến, một mặt là: sự hoà giải/hoà hợp giữa Đức Chúa và thánh Phêrô, sau khổ nạn. Mặc dù, thánh nhân đã quả quyết lòng trung trực phận mình vẫn có, với Chúa. Có, từ buổi Tạ Từ. Có đó, nhưng vẫn cả gan chối bay chối biến, những ba lần. Chối ở đây, là: ly khai khỏi liên hệ với Đức Kitô, có từ trước. Để rồi từ nay, bằng vào cung cách nhẹ nhàng nhất, Đức Chúa Phục Sinh, lại hỏi thêm: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh vẫn mến Thầy hơn các anh em này, đấy chứ?” (Ga 21: 15)

            Và thánh nhân, nay học được bài học hôm trước. Và, nỗi niềm hiên ngang tự hào thời buổi trước, đã chấm hết. Và, thánh nhân đâu còn cao ngạo niềm tự hào dám so sánh mình, với đồng nghiệp. Ngược lại, ông chỉ nói cho riêng Thầy vừa đủ nghe: “Thưa Thầy có. Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21: 15) Nói đến ba lần, là cung cách đếm số tương đương với những lần mình từng thoái thác, một quả quyết. Ba lần nhức nhối ấy, thánh nhân đành kết thúc bằng câu nói: “Thưa thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21: 17)

            Sự thật, quả là thế. Sự thật làm quặn đau lòng chân thật. Nay đã rõ. Rõ, về những thoái thác và chối bỏ nay mang ý nghĩa một quay đầu. Bỏ đi. Không quay về. Lỗi lầm của Giuđa, là bằng chứng cụ thể nhất. Tuy nhiên, lỗi lầm đây, chỉ là thoáng chốc của yếu đuối. Tuyệt nhiên, không mang ý nghĩa của việc quay đầu, mà bỏ đi. Và, việc hối cải nơi toà cáo giải, cũng là chứng cứ về sự thật này.  
    
            Thực tế, có những đối thoại mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ một thoáng chốc, rất hoà giải. Đó là, tiếp sức/trao cho nhau, một uỷ thác. Sứ vụ. Ấy đó, là sứ vụ Cha uỷ thác. Cho Ngài. Ấy nay, Ngài truyền cho Phêrô và các thánh, một câu nói: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy!”(Ga 21: 17). Đây, còn là trách vụ của Hội thánh. Trách vụ, đặt lên vai mọi người. Trách vụ ấy, Ngài không chỉ uỷ thác cho Giám mục. Linh mục. Tu sĩ thôi. Mà, tất cả. Từ cha mẹ. Thầy cô. Cho chí anh em. Chị em.    

            Đồ đệ Chúa, nay có trọng trách quay về lại Giêrusalem để khởi sự một rao truyền. Rao truyền, về sự sống. Của Chúa. Về Lời Ngài. Về hoạt động, khổ đau. Cũng như nỗi chết. Và sự sống lại của Chúa. Như đã được ghi ở bài đọc 1, sách Công Vụ. Nói, là nói về niềm vui các thánh lãnh nhận. Nói, là nói về ý nghĩa mới, trong cuộc sống. Của các thánh. Được thế, là do các thánh đã gặp Chúa. Đã biết sẻ san niềm vui mừng nhận ra Chúa. Nơi mọi người.

            Tuy nhiên, có loại thông điệp mà không phải ai cũng muốn nghe. Đó, là cảnh báo về những lạm dụng quyền lực, sống chệch khỏi sứ vụ được uỷ thác. Hoặc, sống máy móc. Cứng ngắc. Hoặc các lực cản, từ giới lĩnh đạo ngoài đời. Trong Đạo. Buộc các thánh phải ngưng những gì mình đang thực hiện. Tuy nhiên, các thánh vẫn không làm thế. Bởi lẽ, động lực thúc đầy và dẫn dắt các ngài, đâu phải do tự quyền bính. Thế gian. Nhưng, do quyền uy của Chúa. Tức, do Tình yêu và Sự thật. Dù gì đi nữa, các ngài vẫn nhất quyết rao truyền Sự Thật ấy. Không ngừng nghỉ. 

            Là đồ đệ đích thực của Chúa, ta cũng có trọng trách rao truyền niềm tin. Và, cũng gặp nghịch cảnh, như các thánh. Không chỉ xảy vào thời truớc. Nhưng, bây giờ. Từng ngàn và từng vạn người anh/người chị của ta, cũng đang bị thử thách. Bách hại. Bị ghét bỏ. Khi rao truyền Tình yêu và Sự thật, của Đức Chúa. Các vị vẫn không sờn lòng. Nhờ thế mà, Tin Mừng Tình yêu và Sự thật, vẫn lan truyền. Vẫn sống động.

            Lm Frank Doyle sj
            Mai Tá diễn dịch

Friday 13 April 2012

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Sách Thánh và Mặc Khải Cứu Rỗi: Cắt nghĩa về Người Phụ nữ Thống hối

Normal 0 MicrosoftInternetExplorer4


Mạch Lạc: sau lời phán đoán của Chúa Yêsu người đồng thời (Lc 7: 31-35), thì truyện này nên một thí dụ điển hình: kẻ tội lỗi nhận biết tội mình thì lĩnh ơn tha thứ của Thiên Chúa, còn những ai ỷ nại vào sự công chính của mình vẫn bị loại bên ngoài Nước Thiên Chúa.

Câu 36: mời ăn ngày lễ: một tục Do thái; mời các rabbi lại là một công nghiệp lớn. Biệt phái tỏ lòng tôn kính Chúa Yêsu, trông rằng có thể Ngài là một vị tiên tri (báo hiệu thời cứu rỗi cho Israel đã đến gần). Chúa Yêsu là một vị tiên tri (báo hiệu thời cứu rỗi cho Israel đã đến gần). Chúa Yêsu nhận lời. Thái độ này hiểu được là vào thời chưa có đoạn giao giữa Chúa Yêsu và Biệt phái. Chúa Yêsu còn tìm cách lo cho họ hối cải. Có lẽ việc xảy ra sau phụng vụ hội đường, trong đó Chúa Yêsu đã giảng cách thấm thía, đánh động nhiều người.

Câu 37: người tội lỗi có thể là một gái điếm, hay cũng có thể vợ một người nào làm nghề bị coi là tội lỗi. Chiếu theo phán đoán c.49 thì phải hơn người này là một gái điếm. Để ý thói tục bữa ăn, người ta đến coi xem được.

Câu 38:  khóc. Lý do? chưa rõ. Hôn chân: một dấu tỏ lòng biết ơn (thí dụ: ai đã cứu mạng mình, thẩm phán tha bổng…). Xoã tóc lau chân: đối với phụ nữ có chồng thì là một điều rất ô nhục nếu điều đó làm trước mặt đàn ông – các rabbi cho đó là một lý do đủ để ly dị. Dấu biết ơn càng rõ hơn nữa. Hình như phụ nữ hốt hoảng không còn biết mình ở đâu nữa, vừa thấy nước mắt mình đẫm chân Chúa Yêsu thì sợ làm bẩn chân Ngài, nên không còn nghĩ đến ai khác nữa.

Câu 39:  Thái độ Biệt phái đối với người tội lỗi chắc là không chịu được thái độ để yên của Chúa Yêsu. Biệt phái chỉ có thể lên án kẻ tội lỗi và chính mình phải lánh xa, kẻ bị ố nhơ bởi hạng người đó.

Câu 41-43: ví dụ 2 người mắc nợ. Nên để ý Chúa Yêsu muốn nói gì: Ai cũng có nợ với Thiên Chúa, cho dẫu số lượng kẻ nhiều người ít.

Câu 44-46:  Đối chiếu hai thái độ. Cuộc đón tiếp suồng sã của người Biệt phái, một dấu chỉ quá rõ về lòng tự mãn của Biệt phái nơi sự công chính lành thánh của họ. Họ coi như họ không cần được tha thứ, không cần cả Thiên Chúa bao nhiêu nữa. Nhưng trong thái độ đó, họ không thể nếm biết sự vui sướng phát tự ơn tha tội đến cho họ, cho dù là được tha thứ nhiều hay ít.

Bây giờ có vấn đề: 47a so với 47b, và bởi đó so với kết luận của ví dụ 41-43. Theo 41-43 và 47b, lòng yêu mến là hậu quả của ơn tha thứ. Còn 47a lại coi yêu mến như lý do cho sự tha thứ. Mà cứ theo mạch lạc thì 47a là áp dụng của ví dụ cũng như 47b, nghĩa là hậu quả của ơn tha thứ. Muốn để 47a trong mạch lạc chung, và lĩnh hội ý nghĩa phải hiểu:

-yêu mến: theo nghĩa tiếng Hipri, Aram, cũng như tiếng Syri: họ không có tiếng nào khác để chỉ cám ơn: chữ yêu mến như vậy có nghĩa “cảm mến”, 47a hiểu thế thì bắt phải hiểu cử chỉ nói trong câu 37t như dấu chỉ một lòng biết ơn cảm mến tha thiết.

-và câu 47a nói lên lý do làm sao biết, chứ không phải lý do cho sự tha thứ: nhân vì thế tôi bảo ông: Thiên Chúa đã tha cho bà này các tội lỗi, cho dẫu nhiều đến đâu đi nữa, vì bà này đã tỏ ra một lòng cảm mến lớn như vậy. Nghĩa là: chiếu theo cử chỉ biết ơn thấm thía kia, thì người ta cũng kết luận được rằng Thiên Chúa đã tha các tội đầy đống của bà ấy.

Ví dụ nấm ngầm cũng dạy người Biệt phái: cả ông nữa cũng cần phải được tha thứ. Cho dù tội ông không đến đỗi như tội người đàng điếm. Chớ có tưởng mình vô tội. Và cái nguy cơ hơn cả là không biết đưỡc rằng mình có tội. Hai bên không khác nhau bao nhiêu đâu. Bây giờ đây sự xảy ra cho thấy: người tội lỗi đầy đống lại tỏ ra mình có thể có một lòng yêu mến lớn lao hơn: cả về khả năng chiếu dọi ra một lòng yêu mến biết ơn.

Các câu 48-50: câu 48 lặp lại 47a (nhưng chính Chúa Yêsu tuyên bố) mà ý lại gần với 5: 20. Còn câu 49 thì lặp lại hẳng ý tưởng câu Lc 5: 21. Còn câu 50 lại giống với LC 8: 48. Thành thử 48-50 không có sắc thái đặc biệt, không ăn khớp với chình trình thuật: đó là những cách hoà hợp những truyện tương tợ. Các câu này vì thế, xét theo bình luận văn chương, là công việc của tác giả soạn tác nhiều hơn, chứ không dọi lại đúng trăm phần trăm những chi tiết lịch sử.                                                                                                                                                      (còn tiếp)
Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR
(trích tài liệu giảng huấn phổ biến nội bộ)