Cách đây
vài tuần, tôi có việc ra phi trường đón người anh cả về từ Hoa Kỳ, anh đi sang
bên đó theo diện HO sau những ngày lao tù ở trại cải tạo, nay mẹ tôi đã quá
già, 93 tuổi rồi, anh trăn trở về với mẹ, sống với mẹ ít ngày mỗi khi có thể,
tôi thu xếp được công việc để ra phi trường đón anh trong tình nghĩa huynh đệ,
dù biết rằng việc đón đưa anh không ưa, nó phiền toái và làm mệt nhiều người.
Phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất vào những ngày đầu tháng tư không phải là mùa
cao điểm, nhưng vẻ nhộn nhịp xô bồ cố hữu mà bất cứ ai có việc đến đều phải
chấp nhận, vì thế tôi không lạ lẫm gì và đã chuẩn bị tinh thần chấp nhận điều
ấy.
Nhưng phi
trường hôm nay nhộn nhịp một cách lạ thường, chỉ cần bước vào sảnh đón thân
nhân trong ít phút sẽ thấy ngay sự lạ thường đó, giới trẻ học sinh tụ họp rất
đông, nhiều em mặc đồng phục, nhiều em mang theo cặp hoặc khoác balô. Các em
đứng thành từng đoàn dán mắt vào phía bên trong, chăm chú theo dõi đoàn người
xa thật xa đang làm thủ tục kiểm tra Hải Quan, thỉnh thoảng các em reo hò vang
dội, tiếng vỗ tay, tiếng la hét, nhiều em giơ cao tấm bảng mang sẵn đến phi
trường lắc qua lắc lại, những em hình như mệt mỏi ngồi xuống đất vội vàng nhổm
dậy, những em đang ngồi uống nước ở nhà hàng vội vàng cầm ly hoặc chai nước
chạy ra, chúng chạy quanh, nhảy cả lên dãy ghế ngồi lắp đặt cho người đợi, em
nào cũng hoảng hốt như sợ vuột mất một cái gì, một bầu khí nhốn nháo, ồn ào lạ
kỳ, bầu khí ấy kéo dài mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy khác đi.
Có tiếng của những người đi đón thân nhân bảo nhau: “Ôi ! Chúng nó đón ca
sĩ Hàn Quốc gì đó mà !” có tiếng khác vừa đi vừa nói:
“Con cái không lo học, bày đặt sao với trăng”. Tôi đứng xa xa để tránh cái
không khí ồn ào nóng nực và hỗn độn đó, có một ông đứng tuổi vừa đi vừa nhìn
tôi nói như phân bua: “Chúng nó kêu học quá nhiều, quá tải mà có giờ đi đón sao
Hàn ?” Tôi không gặp được lời nào bênh vực dù là bênh nhẹ nhàng từ phía “người
lớn” cho hành động “mê” sao Hàn của các em.
Tôi xin phép được nghĩ khác, tôi không dám trách các em, tôi cảm thấy có
lỗi với các em. Tuổi trẻ ai mà không trải qua thời kỳ bị cuốn hút vào một hình
ảnh thần tượng nào đấy. Ngày xưa, ngày nay đều vậy, nên các em có thần tượng ai
hay cái gì đi nữa, không phải là điều xấu. Cái đáng trách là ngày nay chúng ta
đã không cung cấp, không gầy dựng, không làm hình thành nơi các em những hình
ảnh xứng đáng là thần tượng mà chúng ta muốn. Hình ảnh thần tượng mà chúng ta
muốn khả dĩ là hình ảnh có sức xây dựng cho các em một hướng sống lành mạnh và
vươn lên. Tại sao ngày xưa tôi có thể ghi lên trang trong của cuốn sách học
luyện thi Tú Tài câu thơ của Nguyễn Công Trứ trong bài “Đi thi tự vịnh”:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông ?”
Thưa, là
vì tôi đã được thế hệ cha anh trao cho tôi hình ảnh Nguyễn Công Trứ, một con
người hiên ngang khí phách, là kẻ sĩ đúng nghĩa, trung trực, tiết tháo, quân
tử, tài ba… Viết những dòng thơ đó lên trang sách học, tôi muốn tự nhắc mình
phải cố gắng miệt mài “sôi kinh nấu sử”, cầm lòng cầm trí chờ khoa thi sắp đến
gần !
Tôi không
thể quên hình ảnh của bác tôi, một Linh Mục gương mẫu, thánh thiện, khiêm tốn
và nhân bản, tôi không quá khen bác tôi đâu, năm nay bác đã 97 tuổi, một đời
người đi qua, tuổi già bác vẫn sống mực thước, là tấm gương cho anh em thế hệ
nối tiếp trong Dòng, là hình ảnh cho các thế hệ học trò của bác noi theo, những
học trò của bác nay đã già vẫn làm chứng về những nhận định này. Tôi biết hình
ảnh người bác Linh Mục đó đã tác động rất nhiều đến chọn lựa cuộc sống của tôi
hôm nay.
Ngày Đà
Nẵng thất thủ, tháng 3 năm 1975, bác viết một lá thư về gia đình, lúc đó là lá
thư “tuyệt mệnh”, tôi còn nhớ một dòng chữ “…Tôi không về Sàigòn đâu, biết rằng
về đó sẽ được an toàn hơn, nhưng tôi không thể bỏ rơi bao nhiêu người đang lâm
vào tình trạng dở sống dở chết ở đây, hơn nữa ở Sàigòn thừa Linh Mục, sợ con vi
trùng rảnh rỗi sẽ đục khoét trái tim của tôi… Xin chào mọi người thân yêu, cầu
nguyện cho tôi…”
Cha tôi đã
thẫn thờ khi đọc xong lá thư cuối cùng của bác, nước mắt cha tôi trào ra, ông
lặng lẽ đi thắp nến trên bàn thờ để nguyện kinh. Sau đó ít ngày ông tìm cách ra
Vũng Tàu để lo cho gia đình ra đi, hai cha con tôi ở lại Vũng Tàu vài ngày để chuẩn
bị các mặt, khi đã xong, cha tôi trở vào Sàigòn để đón gia đình, tôi ở lại Vũng
Tàu chờ ngày xuất bến.
Ngay sau
đó cầu Cỏ May bị giật sập, cắt đứt giao thông Vũng Tàu – Sàigòn, ngày 29 tháng 4,
tôi chia tay với mối quen ở Bến Đá sau khi tiễn chú tôi ra khơi. Sang ngày 30
tháng 4, tôi lại chia tay với mối quen đón ở Bãi Trước, gia đình người bạn thân
tôi ra khơi. Rồi mồng 2 tháng 5, tôi tìm cách trở lại Sàigòn gặp lại cha mẹ,
ông bà sững sờ kinh ngạc, cha mẹ cứ tưởng tôi đã đi thoát rồi chứ.
Ngày ấy dòng chữ trong lá thư của bác tôi đã vang dội trong lòng tôi,
tôi quyết định trở về, tôi ước ao được làm Linh Mục của người nghèo và cho
người đau khổ, tôi muốn và tôi cố gắng vượt qua thân phận hèn yếu của mình để
sống lời nguyền ngày ấy cho đến bây giờ.
Cái lỗi của chúng ta là chúng ta đã không xây dựng được hình tượng lý
tưởng cho thế hệ các em. Chúng ta có lỗi, các em không có lỗi. Cuộc sống tiến
hóa không ngừng, hình ảnh lý tưởng của tôi ngày xưa không thể là hình ảnh lý
tưởng cho các em ngày nay, nhưng phải là hình ảnh lý tưởng được diễn tả theo
ngôn ngữ của ngày nay, chứ không phải là tràn lan những hình ảnh lừa bịp, giả
dối, hung bạo, tàn ác, bất trung, vô cảm, tráo trở, dâm dật… như các em đang
phải chứng kiến hàng ngày, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.
Tôi không
dám phủ nhận biết bao cố gắng của nhiều người, của nhiều đấng bậc, nhưng sự
thật cứ phơi bày trên mọi trang báo, mọi phương tiện truyền thông, mọi biến cố
xảy ra quanh chúng ta.
“Này đây
Ta đổi mới mọi sự” ( Kh 21, 5a ), hôm nay, Chúa Nhật thứ 5 mùa
Phục Sinh, có lời trong sách Khải Huyền kêu gọi chúng ta hướng lên Đấng có đủ
quyền năng làm thay đổi mọi sự. Chúng ta bất lực, chúng ta bất xứng, nhưng
chúng ta có quyền tin vào quyền năng của Đấng đổi mới mọi sự.
Lạy Chúa
xin hãy đến giúp con.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 28.4.2013
No comments:
Post a Comment