Kinh nghiệm về mầu nhiệm Phục Sinh gồm hai khía cạnh: tiêu cực và tích cực.
Trước tiên, đó là kinh nghiệm về một sự khiếm diện, một sự trống vắng, nhưng là
sự trống vắng có giá trị của một dấu chỉ về sự sống. Sau đó sẽ là trải nghiệm
chính sự sống đó. Trình thuật về ngôi mộ trống ( Ga 20, 1 – 9
) hôm nay đề cập đến khía cạnh thứ nhất của kinh nghiệm
về mầu nhiệm Phục Sinh.
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,
lúc trời còn tối, bà Maria Magđala ra mộ, thì thấy tảng đá đã bị đem đi khỏi mộ”
( 20, 1 ). Trong bản văn Hy Lạp, tác giả dùng từ prôi, dịch là sáng sớm, tảng sáng. Prôi là lúc đã có ánh sáng rồi. Xét theo quan điểm thời gian, thật
khó dung hoà với ghi nhận “lúc trời còn tối” được tác giả viết ngay sau đó.
Tuy nhiên, trong ngôn ngữ của Gioan, “bóng tối” có nghĩa là
tình trạng ( trước tiên là tinh thần và tâm linh ) đối nghịch với Sự Thật đem
lại Sự Sống ( 1, 5; 3, 19; 6, 17; 12, 35 ). Vì thế, có lẽ phải hiểu “còn tối” ở
đây theo nghĩa ám chỉ tình trạng tinh thần và tâm linh của bà Maria Magđala. Bà
đi ra mộ với tâm trạng hoàn toàn bị chi phối bởi cách hiểu sai lạc về cái chết
của Đức Giêsu và bà đã không nhận ra rằng ngày mới đã bắt đầu rồi, rằng trời đã
sáng rồi. Bà tìm Đức Giêsu nơi cõi của người chết. Bà nghĩ rằng sự chết đã
chiến thắng. Bà chỉ có ý định đi thăm mộ Đức Giêsu thôi, chứ không có ý làm bất
cứ điều gì khác.
Khi đến nơi, bà thấy tảng đá đã bị đem đi khỏi mộ. “Bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và gặp người môn đệ Đức Giêsu
thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng
biết họ để Người ở đâu” ( 20, 2 ).
Ta có cảm tưởng bà Maria chạy đôn chạy đáo báo động. Chú ý: tác giả lặp lại
giới từ pros, ám chỉ ông Phêrô
và người môn đệ Đức Giêsu thương mến đang ở hai nơi chốn khác nhau. Đúng như
lời Đức Giêsu đã nói trước, các môn đệ bị phân tán: “Này đến giờ – và giờ ấy đã đến rồi
– anh em sẽ bị phân tán mỗi
người mỗi ngả” ( 16, 32 ).
Nhưng thay vì thông báo cho các môn đệ Đức Giêsu rằng tảng đá đã bị đem đi
khỏi mộ như bà đã nhìn thấy, thì bà Maria lại nói: “Người ta đã đem Chúa đi
khỏi mộ”. Việc tảng đá bị đem đi khỏi mộ vốn là dấu hiệu chứng tỏ sự chết không
còn chặn lối Đức Giêsu được nữa. Nhưng dấu hiệu ấy đã bị bà Maria hiểu sai hoàn
toàn. Dấu hiệu của sự sống bị hiểu thành dấu chỉ của sự mất mát. Đối với bà
Maria, Đức Giêsu là Chúa, nhưng là vị Chúa đã bị tước sạch mọi quyền bính, và
lúc này bà chẳng biết vị Chúa ấy đang bị đặt ở đâu. Bà vẫn chưa ra khỏi kinh
nghiệm đau thương về sự kiện Đức Giêsu bị nộp và bị giết. Bà là hình ảnh của
cộng đoàn đang mất phương hướng vì cái chết thê lương của Đức Giêsu. Bóng tối
được nói đến ở câu 20 phản ánh tình cảnh của cộng đoàn đó. Cộng đoàn đang hoang
mang tìm kiếm, nhưng là tìm kiếm Đức Chúa đã bị sự chết khuất phục. Đức Chúa
của cộng đoàn đã bị “người ta” đặt ở nơi nào họ muốn, và do đó, cộng đoàn các
đồ đệ trở nên hoàn toàn bất lực và bất hạnh.
“Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi
ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông
Phêrô và đã tới mộ trước” ( 20, 3 – 4
). Cả hai môn đệ đều phản ứng giống nhau trước thông tin
mà bà Maria cung cấp. Hai ông đều đi ra mộ. Cả hai ông đều gắn bó với Đức
Giêsu. Nhưng trên đường đi, đã xảy đến một sự thay đổi quan trọng: người môn đệ
Đức Giêsu thương mến chạy mau hơn ông Phêrô và đến mồ trước. Để hiểu rõ hơn chi
tiết này, có lẽ chúng ta cần chú ý đến cách tác giả Gioan mô tả về người môn đệ
tới mộ trước.
Đã hơn một lần người môn đệ này được đề cập đến trong Ga, nhưng lần này, có
một sự thay đổi quan trọng. Thay vì gọi ông là “người được Đức Giêsu yêu mến” (
Hy Lạp: hon êgapa ho Iêsous )
như ở 13, 23; 19, 26; 21, 7.20, thì ở đây tác giả lại gọi ông là “người được
Đức Giêsu thương mến” ( Hy Lạp: hon
ephilei ho Iêsous ), một công thức tương tự như cách gọi ông Ladarô:
hon phileis ( 11, 3 ).
Vậy ở đây, tác giả có ý nhấn mạnh đến tư cách của
người môn đệ này như là người bạn của Đức Giêsu, người thực hiện lệnh truyền
của Đức Giêsu ( “Anh em là bạn hữu của
Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy”: 15, 14 ), tức là
người yêu mến anh em mình ( “Đây là
điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”:
15, 12 ). Cách gọi “người môn đệ kia” ( c. 4b ) lại gợi ý cho chúng ta về 18, 15 – 16, nói về người môn đệ đã theo Đức Giêsu vào tận
trong dinh thượng tế trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Như vậy, người chạy đến
mộ trước chính là người đã từng có kinh nghiệm sâu xa hơn về tình yêu của Đức
Giêsu và đã từng chứng tỏ tình yêu đối với Đức Giêsu tận nơi chân thập giá ( 19,
35 ), chứ không phải là ông Phêrô, người đã từng chối bỏ Thầy.
Vậy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đến mộ, “ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào”
( 20, 5 ). “Những băng vải” ( othoniois
) ở đây được trình bày như là những băng vải hôn lễ. Hạn từ othonion có nghĩa là một dải len, một
băng vải trang hoàng trong hôn lễ, khác với những dải vải ( keiriais ) quấn xác ông Ladarô
trong 11, 44. Các băng vải được đặt ở chỗ đã đặt xác Đức Giêsu. Các băng vải đó
là dấu hiệu của hôn lễ, của sự sống, của sự phong nhiêu. Ngôi mộ trống đã trở
thành như một căn phòng hôn lễ, căn phòng của sự sống và sự phong nhiêu.
Người môn đệ không vào trong mộ. Ông sẽ vào sau ông Phêrô. Ông nhường cho
ông Phêrô được bày tỏ tình yêu mến đối với Thầy trước, bởi lẽ chỉ vài ngày
trước đó, ông Phêrô đã chối Thầy trong sân dinh thượng tế còn người môn đệ kia
thì vẫn tiếp tục theo Đức Giêsu đến tận chân thập giá. Cách cư xử này cho thấy
người môn đệ được Đức Giêsu thương mến đang muốn thực hiện một hành vi bao dung
và hoà giải. Ông tôn trọng người anh em mình và muốn để cho ông Phêrô được ưu
tiên diễn tả tình yêu của ông đối với Thầy.
“Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến
nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức
Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một
nơi” ( 20, 6 – 7 ). Ông Phêrô thấy các băng vải được xếp đó, nhưng có lẽ chưa hiểu ý nghĩa
của chúng. Ngoài ra, ông còn thấy khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn che đầu này là
yếu tố chung duy nhất giữa việc táng xác Đức Giêsu và việc an táng ông Ladarô.
Khăn này là biểu trưng cho sự chết. Trong trường hợp ông Ladarô,
chiếc khăn này che mặt ông, còn trong trường hợp Đức Giêsu, chiếc khăn này
không che mặt Người, mà chỉ che đầu Người thôi. Điều đáng nói ở đây: chiếc khăn
này bị cuốn lại, xếp riêng ra một nơi, phân biệt với các băng vải đang được để
tại nơi Đức Giêsu đã từng an nghỉ. Sự chết đã bị “xếp riêng ra”, bị gạt sang
một bên.
“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã
tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” ( 20, 8 ). Người môn
đệ này đã thấy những băng vải được xếp đó như để trang trí cho phòng hôn lễ, dấu
hiệu của sự sống, của tình yêu, của hạnh phúc và của sự phong nhiêu. Ông hiểu
rằng sự chết đã không làm đứt đoạn sự sống. Chiếc khăn biểu tượng cho sự chết
đã không che mặt Đức Giêsu nhưng đã bị cuốn lại và xếp riêng ra một nơi, vì sự
chết không thể cầm tù Đấng ban Sự Sống được.
Một lần nữa tác giả Tin Mừng lại nhấn mạnh sự khác biệt giữa hai môn đệ.
Ông không nói gì về phản ứng của ông Phêrô khi nhìn thấy ngôi mộ trống với
những băng vải được để đó và chiếc khăn biểu đạt sự chết được cuốn lại xếp
riêng ra. Nhưng ông ghi nhận cách tường minh lòng tin của người môn đệ được Đức
Giêsu thương mến. Người môn đệ này luôn sống thân nghĩa và trung thành với Thầy
Giêsu, nên đã nhanh chóng nhận ra ý nghĩa của những thực tại được trình bày
trong ngôi mộ trống, cho dù “trước đó,
hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”
( 20, 9 ).
Tóm lại, ngôi mộ trống, yếu tố chính yếu của trình thuật Tin Mừng hôm nay, chứng
tỏ Đức Giêsu không hề bị sự chết giam cầm. Đã bắt đầu một ngày mới. Trời đã
rạng sáng. Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô ( cũng là của chính chúng ta ) đã hoàn
tất.
Hình ảnh bà Maria Magđala trong bài Tin Mừng là hình ảnh của cộng đoàn các
đồ đệ đang đau khổ và mất phương hướng vì cái chết bi thảm của Đức Giêsu, Chúa
của họ. Cộng đoàn đó được khắc hoạ trong hình ảnh bà Maria Magđala vẫn còn đi
trong tối tăm, cho dù trời đã sáng rồi. Chúng ta cũng có thể và chắc chắn đã
nhiều lần hành xử như bà Maria Magđala: quá đau khổ vì những thực tại đau
thương trong cuộc sống, ta hoá ra như thể không còn khả năng tin vào một thế
giới mới đã được khai mở với cuộc Phục Sinh của Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô.
Ngôi mộ trống và sự khiếm diện của Đức Giêsu bị hiểu sai thành bằng chứng của
một mất mát lớn lao và đau đớn. Nhưng, như đoạn văn kế tiếp trong sách Tin Mừng
tường thuật, chính Đức Giêsu sẽ đi tìm bà Maria và tỏ mình cho bà.
Những môn đệ thân tín từng gắn bó sâu xa với Đức Giêsu theo các mức độ khác
nhau sẽ đón nhận sứ điệp từ ngôi mộ trống theo những cách thức và mức độ khác
nhau. Tất cả đều không mong chờ sự Phục Sinh của Đức Giêsu, vì “họ chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức
Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”. Tuy nhiên, người môn đệ đã từng trải
nghiệm sâu sắc tình yêu mến của Đức Giêsu và sống theo lệnh truyền của Người, thì
nhanh chóng hơn trong việc “thấy và tin”. Ông nhận ra nơi ngôi mộ trống dấu
hiệu của sự sống. Ông tin rằng Đức Chúa của ông đã sống lại. Mặc dù không phải
là một bằng chứng tích cực của mầu nhiệm Phục Sinh, nhưng ngôi mộ trống và
những băng vải được đặt trong đó, đối với ông, đã thực sự là dấu hiệu của sự
sống. Người môn đệ Đức Giêsu thương mến đã nhận ra ý nghĩa đó, và ông đã tin.
Không phải lúc nào chúng ta cũng được trải nghiệm về sự hiện diện của Chúa Phục
Sinh trong cuộc đời. Rất nhiều khi Người có vẻ khiếm diện. Rất nhiều lúc chúng
ta chỉ gặp “ngôi mộ trống”. Nhưng đó là sự khiếm diện và trống vắng có giá trị
của dấu chỉ về sự sống mới, sự sống đích thực, sự sống phong nhiêu và hoan lạc.
Chính mối tương quan tình yêu của mỗi người chúng ta với Đức Kitô sẽ giúp chúng
ta đi vào khoảng trống đó để thấy và tin, giống như người môn đệ được Đức Giêsu
thương mến trong bài Tin Mừng hôm nay.
Bài Tin Mừng của Chúa Nhật kế tiếp sẽ kể cho chúng ta những trải nghiệm
tích cực của các môn đệ về sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ
HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment