Wednesday, 17 April 2013

Lm Nguyễn Thể HIện DCCT: CHÚA PHỤC SINH HIỆN RA Ở BIỂN HỒ TIBÊRIA



Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, Chúa Kitô Phục sinh đã trao phó sứ mạng cho cộng đoàn các môn đệ: Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em ( 20, 21 ). Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta một hình mẫu của việc thực thi sứ mạng đó. Chúng ta sẽ suy niệm trình thuật về lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình cho các môn đệ sau khi Người từ cõi chết sống lại, theo Tin Mừng theo Thánh Gioan ( 21, 1 – 14 ).
Hôm ấy, “ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh” ( 21, 2 3a ). Các môn đệ đang ở với nhau, làm thành một cộng đoàn. Tổng cộng là bảy người. Hình như tác giả cố ý không muốn trình bày ở đây Nhóm Mười Hai. Một cách riêng lẻ, ông Simon Phêrô lấy quyết định đi đánh cá, và cả nhóm liền đồng ý đi với ông. Cuộc đi đánh cá này là hình ảnh của việc thi hành sứ mạng thừa sai của cộng đoàn. Quyết định thực hiện sứ mạng ở đây không phải là một quyết định chung, cũng chẳng phải là quyết định do một người nào đó đưa ra và những người khác trong nhóm phải thi hành theo. Đây là một quyết định cá nhân và được những người khác trong nhóm hưởng ứng.
Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả” ( 21, 3b ). Trạng từ chỉ thời gian “đêm ấy” là một yếu tố quan trọng của trình thuật. Họ làm việc ban đêm, tức là trong hoàn cảnh không có ánh sáng, và kết quả là không thu được kết quả nào. Chính Đức Giêsu đã từng tuyên bố, trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, rằng Người là ánh sáng thế gian ( 9, 5 ). Như thế, các môn đệ làm việc “đêm ấy” tức là họ làm việc mà không có Đức Giêsu. Trong hoạt động của các môn đệ đêm ấy, thiếu sự hiện diện và hành động của Đức Giêsu.
Vậy bóng đêm được nói đến ở đây không chỉ là bóng đêm vật lý, mà còn là kết quả của một thái độ sống: quả thực, đó chính là quyết định của cá nhân ông Simon Phêrô và những người khác hùa theo quyết định đó. Chính Chúa Cha muốn những hoạt động của các môn đệ Đức Kitô thành công và sinh hoa kết trái, nhưng phải là hoạt động trong sự nên một với Đức Kitô: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” ( 15, 2.8 ). Sự thất bại trong sứ mạng trước hết là ở sự không nên một với Đức Kitô: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” ( 15, 5 ).
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu” ( 21, 4 ). Trời sáng và sự hiện diện của Đức Giêsu được cố ý gắn kết với nhau trong trình thuật. Đức Giêsu là ánh sáng thế gian, và trong sự hiện diện của Đức Giêsu, các môn đệ của Người sẽ thực hiện được những công việc của Chúa Cha như Đức Giêsu đã nói: “Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” ( 9, 4 – 5 ).
Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra sự hiện diện của Người, vì các ông vẫn còn ở trong bóng tối của quyết định làm việc không có sự hiện diện của Người. Nhóm các môn đệ vẫn còn khép kín nơi chính mình và công việc của họ không được gắn với Đức Giêsu, nên không thành công. Họ tập trung hoàn toàn vào những nỗ lực của mình nên không nhận ra Đức Giêsu khi Người hiện diện.
Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư ?" Các ông trả lời: "Thưa không” ( 21, 5 ). Sẽ là rất ý nghĩa khi chúng ta nhớ rằng, trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, lương thực của Đức Giêsu là thi hành chương trình của Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thy, và hoàn tất công trình của Người” ( 4, 34 ). Có lẽ Đức Giêsu hỏi các môn đệ về loại lương thực quan trọng đó. Đức Giêsu đã hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó cho Người: “Đức Giêsu nói: "Thế là đã hoàn tất !" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” ( 19, 30 ). Nhưng các môn đệ thì chưa. Câu trả lời của các môn đệ cho thấy họ đã hoàn toàn thất bại, và điều đó có nghĩa là khi không có sự hiện diện của Đức Giêsu, người ta sẽ không thể thi hành được chương trình của Chúa Cha.
Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” ( 21, 6 ). Các môn đệ thành công rực rỡ khi hành động theo sự chỉ dẫn của chính Đức Giêsu. Kết quả của việc thi hành sứ mạng được nối kết chặt chẽ, nếu không nói là tuỳ thuộc, vào sự mau mắn và ngoan nguỳ làm theo lời Đức Giêsu.
Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến nói với ông Phêrô: "Chúa đó !" Vừa nghe nói "Chúa đó !", ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển” ( 21, 7 ). Người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến đã nhanh chóng nhận ra sự hiện diện của Đức Chúa khi nhìn thấy kết quả của lần bủa lưới này, tức là khi nhìn thấy kết quả của công việc thừa sai. Người môn đệ này vốn có mối tương quan gắn bó mật thiết với Đức Giêsu và là người trung thành đi với Đức Giêsu trọn con đường thập giá của Người. Ông là người đã chứng kiến và làm chứng về sự sống trào vọt từ thập giá Đức Giêsu ( 19, 35 ), nên ông cũng là người mau chóng hiểu được hoa trái của sự sống ấy. Ông nói cho ông Simon Phêrô biết trực giác của mình. Ông thực hiện một sự hiệp thông sâu xa đích thực trong cộng đoàn các môn đệ.
Đây là lần thứ hai trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, kể từ khi Chúa Kitô phục sinh, ta thấy có sự khác biệt rất quan trọng và mang tính bổ túc cho nhau giữa người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến với ông Simon Phêrô. Trước cùng một dấu hiệu, người môn đệ kia nhận ra ý nghĩa và tin, còn ông Simon Phêrô thì lại mù tịt. Chuyện ấy xảy ra nơi ngôi mộ trống, và bây giờ, trên biển hồ Tibêria. Chính tình yêu đối với Đức Giêsu làm cho người ta nhanh chóng nhận ra những dấu chỉ về sự hiện diện của Người khi Người đã phục sinh.
Ông Phêrô không hiểu nguyên nhân của sự thành công mà các ông đang được hưởng. Ông không hiểu ý nghĩa của sự kiện mà ông đang sống trong đó. Nhưng vừa khi nghe người môn đệ kia nói “Chúa đó !”, thì ông hiểu ngay, và lập tức thay đổi thái độ sống và cách thức nhìn nhận thực tại. Tác giả Gioan đã dùng những hình ảnh biểu tượng rất đậm đặc về ý nghĩa để diễn tả sự thay đổi này của ông Phêrô: ông khoác áo vào và nhảy xuống biển.
Simon Phêrô khoác áo vào”. Hạn từ chìa khoá để hiểu chi tiết này là động từ “diezôsato” ( bản tiếng Việt dịch là “khoác” ). Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, cách diễn tả này chỉ xuất hiện trong trình thuật Tiệc Ly, khi Đức Giêsu khoác vào mình chiếc khăn thắt lưng, dấu hiệu của thân phận tôi tớ, và rửa chân cho các môn đệ, có ý diễn tả thái độ phục vụ cho đến tận cùng trong cái chết của Người ( 13, 4 . 5 ). Vậy, trước đó, ông Phêrô ở trần, tức là ông không đón nhận thân phận tôi tớ và cái chết thập giá của Đức Giêsu như là cách diễn tả tuyệt đối của tình yêu, càng không lấy đó làm quy luật hành động cho mình. Nhưng bây giờ ông đã hiểu. Ông làm một hành động cho thấy: như Đức Giêsu đã khoác vào mình chiếc khăn thắt lưng tôi tớ để phục vụ đến tận cùng, chính ông chọn sống đúng thái độ phục vụ tận cùng trong yêu thương như Đức Giêsu vậy. Như Đức Giêsu, ông sẵn sàng hy sinh mạng sống mình. Và để diễn tả thái độ và chọn lựa sống đó, ông nhảy xuống biển.
Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa” ( 21, 8 – 9 ).
Bước lên bờ, điều đầu tiên ập vào mắt các môn đệ là than hồng và thức ăn mà Đức Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho các ông. Đức Giêsu tiếp tục hiện diện với các môn đệ trong tình yêu thương và sự phục vụ tận tình của Người. Bữa ăn mà Người ân cần chuẩn bị chính là dấu hiệu Người đón nhận họ làm anh em và làm bạn hữu của Người. Và đó cũng chính là sự chuẩn nhận của Đức Giêsu đối với sứ mạng thừa sai mà các ông thực hiện qua hình ảnh cuộc thả lưới theo lời của Người. Bữa ăn Người đã chuẩn bị sẽ đem lại sức mạnh cho họ sau những giờ làm việc cật lực của họ. Đàng khác, những thức ăn đã được Đức Giêsu chuẩn bị cũng là những thức ăn mà Người đã phân phát cho đám đông dân chúng trong dịp lễ Vượt Qua được kể ở Ga 6, 9.11. Ở đó, bánh đã được Đức Giêsu dùng để nói về bánh hằng sống là chính mình Người: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” ( 6, 51 ).
Đức Giêsu bảo các ông: "Đem ít cá mới bắt được tới đây !” ( 21, 10 ). Bên cạnh những chiếc bánh và những con cá mà Đức Giêsu đã chuẩn bị như là ân huệ nhưng không diễn tả tình yêu mến của Người dành cho các môn đệ, Người muốn các ông đóng góp kết quả công việc của các ông để làm thành một bữa tiệc có thể hiểu như là Tiệc Thánh Thể ( xem 21, 13 ). Như vậy là sẽ có hai loại thức ăn trong bữa tiệc này: do Đức Giêsu ban nhưng-không và do kết quả công việc của các môn đệ làm theo lời của Đức Giêsu. Người bảo họ đem phần kết quả công việc đó nối kết nên một với ân huệ do chính Người đã ân cần ban tặng một cách hoàn toàn nhưng-không. Như thế, cộng đoàn các môn đệ được nuôi dưỡng bởi tình yêu nhưng-không của Đức Giêsu và bởi sứ mạng thực thi theo lời của Người. Hai thực tại đó không thể tách rời được, trái lại, luôn phải gắn kết với nhau để làm thành lương thực cho cộng đoàn môn đệ.
Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách” ( 21, 11 ). Có một cách giải thích, theo đó, con số 153 là tổng số các loại cá theo cách tính của các nhà vạn vật học Hy Lạp, và như thế, lưới của các môn đệ ở đây quy tụ mọi gia đình nhân loại trong một Hội Thánh duy nhất.
Đức Giêsu nói: "Anh em đến mà ăn !” ( 21, 12a ). Đức Giêsu, Chúa Phục Sinh, không hiện diện ở giữa cộng đoàn môn đệ như một ông chủ bảo các đầy tớ tính sổ công việc của mình. Người hiện diện như một người bạn, ân cần chuẩn bị và chân tình ngỏ lời mời các môn đệ dùng bữa. Thật đúng như lời Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” ( 15, 13 – 15 ).
Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai ?", vì các ông biết rằng đó là Chúa” ( 21, 12b ). Đức Giêsu đã từng nói với các ông: “Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa” ( 16, 23 ).
Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy” ( 21, 13 ). Câu này ám chỉ một cách hết sức rõ ràng đến 6, 11 trong trình thuật Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều: cũng bánh và cá, cũng cùng những hành động của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu trao thức ăn cho các môn đệ. Người là trung tâm của cộng đoàn, từ đó các môn đệ nhận được sức mạnh và tình yêu, để rồi đến lượt mình, chính các ông cũng sẽ hiến mình như thế.
Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết” ( 21, 14 ).
Tóm lại, đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa tìm hiểu nói với chúng ta những nội dung quan trọng trong đời sống của cộng đoàn các môn đệ của Chúa Kitô Phục Sinh. Sứ mạng của cộng đoàn đó sẽ chỉ thành công nếu được thực hiện trong quyền năng của lời của Đức Kitô Phục Sinh và trong ánh sáng là chính Người. Chính Người hằng ưu ái chăm lo cho các môn đệ của Người với tất cả lòng yêu thương ân cần tuyệt vời của Người. Người trân trọng sự đóng góp của các môn đệ và thông ban cho họ chính sự sống của Người. Chúng ta có thể gặp thấy trong đoạn Tin Mừng hôm nay tất cả những yếu tố quan yếu nhất của Hội Thánh: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT

No comments: