Trong
bài Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước, chúng ta gặp khía cạnh tiêu cực trong
kinh nghiệm của các môn đệ Đức Kitô về mầu nhiệm Phục Sinh ( câu chuyện ngôi mộ
trống ). Bài Tin Mừng hôm nay nói về khía cạnh tích cực của kinh nghiệm ấy. Đức
Kitô Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, cho họ trải nghiệm một cách cụ thể và
đích thực sự hiện diện tràn đầy tình yêu, quyền năng và chiến thắng của Người.
Chính trong trải nghiệm tích cực đó mà họ được Đức Kitô trao phó sứ mạng thừa sai,
được đón nhận Thánh Thần và quyền tha tội, và được bình an vui mừng. Bài Tin
Mừng hôm nay, vì thế, là một câu chuyện đặc biệt về cộng đoàn Hội Thánh.
Trong
bài suy niệm này, chúng ta sẽ dừng lại ở phần đầu của câu chuyện ( cc. 19 – 23 ).
1. Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Chúa Phục Sinh của các
môn đệ ( cc. 19 – 21 )
Cho đến
chiều ngày thứ nhất trong tuần, tình cảnh của các môn đệ vẫn thật bi đát: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì
các ông sợ người Do Thái” ( c. 19a ). Các ông đang ở trong một hoàn
cảnh thù nghịch và đang phải mang nặng một nỗi sợ hãi vì không được an ninh.
Trong Gioan, kiểu
nói “vì sợ người Do Thái” đã
từng xuất hiện hai lần: trong 7, 13 khi không ai dám nói công khai về Đức Giêsu
“vì sợ người Do Thái”, và trong 19, 38 khi nói về việc ông Giuse Arimathê là
một môn đệ Đức Giêsu nhưng là môn đệ cách kín đáo “vì sợ người Do Thái”.
Vậy khi
nói các môn đệ đóng kín cửa “vì sợ người Do Thái”, tác giả Gioan cho chúng ta
thấy tình cảnh của các ông lúc bấy giờ: sợ hãi, trốn tránh, không đủ can đảm
công khai chứng tỏ mình có liên hệ với Đức Giêsu, không dám công khai nói về vị
Thầy đã bị kết án bất công. Các ông sợ, vì chưa gặp Đấng Phục Sinh. Cho dù bà
Maria Magđala đã nói với các ông rằng “Tôi đã thấy Chúa” và kể cho các ông điều
mà Chúa đã nói với bà ( 20, 18 ), nhưng sứ điệp đó của bà Maria Magđala vẫn
không thể làm cho các ông khỏi sợ hãi.
Nói
cách khác: biết rằng Chúa Giêsu đã phục sinh thì chưa đủ; chính sự hiện diện
thật sự của Đức Chúa Phục Sinh mới có thể đem lại cho các môn đệ niềm vui và
bình an, giải thoát họ hoàn toàn khỏi nỗi sợ hãi đối với người Do Thái.
“Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói:
Bình an cho anh em !” ( c. 19b ). Đức Giêsu đã từng hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ đến
với anh em” ( 14, 18 ). Hôm ấy, trước cuộc khổ nạn, Người đã nói với các
ông rằng “Một ít nữa thôi, thế gian sẽ
không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh
em cũng sẽ sống” ( 14, 19 ). Bây giờ, lời hứa và lời tuyên bố ấy được
thực hiện, khi Đức Kitô Phục Sinh đến đứng giữa cộng đoàn các môn đệ đang đóng
chặt cửa vì sợ người Do Thái.
Đấng
Phục Sinh “đứng giữa các ông”,
tức là Người hiện diện giữa công đoàn, làm trung tâm của cộng đoàn. Chính Người
là nguồn sống, là trung tâm hiệp nhất toàn thể cộng đoàn đang tan tác vì sợ
hãi, là cây nho mà các đồ đệ là cành, là Đấng hiện diện giữa những người Chúa
Cha đã ban cho Người để cho họ được thấy vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho
Người vì Chúa Cha đã yêu mến Người từ trước khi thế gian được tạo thành ( x. 17, 24; 1, 14
).
Người chào các môn đệ: “Bình an cho anh em !” Lời chào này có giá trị bắt đầu cuộc gặp
gỡ, nhưng không phải là một lời chào theo công thức sáo rỗng. Thực sự đây là
một lời hữu hiệu, vì là lời của Đấng Phục Sinh. Trước khi đi vào Giờ vượt qua
của Người, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy cho anh em bình an của Thầy… Anh
em đã nghe Thầy nói: ‘Thầy ra đi và Thầy trở lại với anh em…” ( 14, 27 –
28 ). Sự bình an đó được đặt cơ sở trên chiến thắng của Đức Giêsu đối với thế
gian: “Trong Thầy, anh em được bình
an. Trong thế gian, anh em sẽ gặp gian nan khốn
khó. Nhưng can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” ( 16, 33 ). Như thế, lời chào
bình an của Đấng Phục Sinh cũng đồng thời là lời khẳng định chiến thắng của
Người trên thế gian và vì thế, là lời ban bình an thật sự.
“Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người” ( c. 20a
). Trước đây, trong một đêm biển động mạnh, khi các môn đệ đang hoảng sợ giữa
Biển Hồ, Đức Giêsu đến với các ông và nói: “Chính Thầy đây, đừng sợ !” ( 6, 20 ). Việc Người cho các ông xem
tay và cạnh sườn hôm nay tương ứng với lời “Chính Thầy đây !” trong biến cố đó.
Vậy cho xem tay và cạnh sườn ở đây trước hết chính là cách Đức Giêsu làm cho
các môn đệ nhận biết Người đang hiện diện giữa họ.
Tay và cạnh sườn mang những dấu tích
của cuộc hành hình thập giá cho biết Đấng Phục Sinh đang hiện diện giữa họ đây
cũng chính là Đấng đã chết trên thập giá. Và điều này là bảo đảm chắc chắn cho
tính xác thực và hữu hiệu của ơn bình an mà Người ban cho họ khi nói “Bình an
cho anh em”. Họ sợ người Do Thái vì người Do thái có thể đẩy họ đến cái chết
như đã xảy ra với Đức Giêsu. Nhưng bây giờ chính Đức Giêsu đã bị treo trên thập
giá ấy đang hiện diện giữa họ, nghĩa là không quyền lực trần gian nào có thể
tước mất sự sống của Đức Giêsu. Quả đúng như lời Người đã nói với họ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền
lấy lại mạng sống ấy” ( 10, 18 ).
Cho các môn đệ xem những dấu tích
của cuộc khổ nạn nơi mình, Đức Giêsu Phục Sinh tỏ mình là Con Chiên lễ Vượt Qua
mới đã bị tế sát. Sự tồn tại mãi những dấu tích của cuộc khổ nạn trên thân thể
phục sinh của Chúa chứng tỏ sự vĩnh cửu của tình yêu mà Người thi thố cho thế
gian trong cuộc Vượt Qua của Người. Chúa Phục sinh, Đức Giêsu Kitô, sẽ vĩnh
viễn là Đấng Mêsia chịu đóng đinh, từ nơi Người, trào vọt máu và nước ( 19, 34:
“một người lính lấy giáo đâm vào cạnh
sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” ).
Điểm đặc biệt là trước đây, trong
trình thuật về cuộc đóng đinh Đức Giêsu, tác giả Ga không hề đề cập gì đến tay
của Người. Trái lại, ông nhiều lần khẳng định rằng Chúa Cha đã trao mọi sự
trong tay Đức Giêsu ( 3, 35: “Chúa Cha
yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người”; 13, 3: “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó
mọi sự trong tay Người” ) và rằng không ai có thể cướp khỏi tay Người
những con chiên mà Chúa Cha đã trao cho Người ( x. 10, 20 ). Vậy đôi tay được
đưa ra cho các môn đệ xem hôm nay là đôi tay ban cho các ông sự bình an đích
thực. Đó là đôi tay tự do và nắm trọn quyền bính và sức mạnh. Cho các ông xem
tay tức là Đức Giêsu cho các ông đụng chạm đến chính quyền năng vĩ đại mà Người
có để bảo vệ các ông.
Cạnh sườn lại diễn tả một thực tại
khác. Cạnh sườn đã bị lưỡi đòng đâm thâu đó chính là bằng chứng hùng hồn của
tình yêu vô biên mà Người đã thi thố trong cuộc tử nạn của Người. Cho các đồ đệ
xem cạnh sườn ấy tức là Đức Giêsu cho các ông trải nghiệm tình yêu vô biên của
Người. tình yêu vô biên đó sẽ được thực hiện nhờ cánh tay quyền năng của Người.
Nói tóm lại, bằng việc cho các môn
đệ xem tay và cạnh sườn, Đức Kitô Phục Sinh chứng tỏ cho các ông thấy tình yêu,
quyền bính và chiến thắng của Người.
Vì vậy, “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” ( c. 20b ). Niềm vui này
là sự thực hiện lời Đức Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em sẽ ưu phiền, nhưng nỗi ưu phiền của
anh em sẽ biến thành niềm vui” ( 16, 20 ). “Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh
em, không ai lấy mất được” ( 16, 22 ). Đó là niềm vui vì một thực tại
mới, một sức sống mới đã bắt đầu ùa vào trần gian: “Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con
rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một
con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy” ( 16, 21 – 22a ).
“Đức Giêsu lại nói với các môn đệ: "Bình an cho anh em !” (
20, 21 ). Đức Giêsu lặp lại lời chúc bình an cho các môn đệ, nhưng chức năng
của lời chúc bình an này có thay đổi so với lời chúc thứ nhất. Nếu lần thứ nhất
là ơn bình an cho hiện tại, giải thoát các môn đệ khỏi nỗi sợ hãi lớn lao đang
đè nặng tâm hồn và cuộc sống của họ, thì ơn bình an mà Người ban cho họ bây giờ
là ơn dành cho tương lai, vì Người sắp trao cho họ sứ mạng quan trọng.
Sau lời chúc bình an, Đức Giêsu trao
sứ mạng cho các môn đệ: “Như Chúa Cha
đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” ( 20, 21 ). Đức Giêsu đã chọn các
môn đệ vì sứ mạng này, như Người đã từng nói: “Chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được
hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” ( 15, 16 ). Đó là sứ mạng Chúa
Cha đã trao phó cho Đức Giêsu, tức là sứ mạng cứu độ thế gian. Như Đức Giêsu,
các môn đệ được sai vào giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian.
Đức Giêsu đã từng thưa với Chúa Cha
về sứ mạng này của các môn đệ: “Như
Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” ( 17, 18
); “Họ không thuộc về thế gian cũng
như con đây không thuộc về thế gian” ( 17, 16 ). Mục đích của sứ mạng đó
cũng đã từng được Đức Giêsu xác định một cách tường minh trước mặt ông Philatô:
“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian
nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật” ( 18, 37 ). Và cũng như Đức
Giêsu, các môn đệ phải hoàn thành sứ mạng được trao phó: “Tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của
ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính
những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi” ( 5,
36 ).
2.
Đức Chúa Phục Sinh ban Thánh Thần cho các môn đệ ( cc. 22 – 23 )
Sau khi ban bình an cho các môn đồ
và trao sứ mạng cho họ, Đức Kitô Phục Sinh “thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha
tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”
( 20, 22 – 23 ).
Trong Cựu Ước,
Thiên Chúa ban sinh khí và sự sống cho con người khi thổi hơi vào con người mà
Người đã tạo nên ( x. St 2, 7 ). Đức Kitô Phục Sinh thổi hơi của Người vào các
môn đệ để ban Thánh Thần và sự sống mới cho các ông. Thánh Thần mà Chúa Kitô
ban sẽ tạo nên nơi các ông một thực tại mới mẻ, làm cho các ông trở thành những
con người được sinh ra bởi Thần Khí và do đó, là “thần khí”: “bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi
Thần Khí sinh ra là thần khí” ( 3, 6 ). Nhờ đó, họ sẽ sống theo ân sủng
và sự thật ( x. 1, 17 ). Họ “được sinh
ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước
muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” ( 1, 13 ) và được quyền
trở nên con Thiên Chúa ( 1, 12 ). Như thế, con người sẽ vượt quá được thân phận
“xác thịt” ( 3, 6 ), vượt quá thân phận yếu đuối, mong manh và hay thay đổi, và
có thể thông truyền cho những ai đón nhận sứ mạng của họ chính quyền năng tác
sinh của Thánh Thần mà họ đã lãnh nhận từ Chúa Kitô Phục Sinh.
Đồng thời với
việc ban Thánh Thần, Đức Kitô Phục Sinh ban cho các môn đệ quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được
tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” ( 20, 23 ). Đức Giêsu
là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian ( 1, 29 ). Các môn đệ tiếp nối
sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu, nên cũng tiếp nối sứ mạng ban ơn tha tội của
Người: “Anh em tha tội cho ai, thì
người ấy được tha”.
Và cũng giống Chúa Giêsu, cộng đoàn
các môn đệ, tức là Hội Thánh, không có nhiệm vụ lên án thế gian. “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến
thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của
Người, mà được cứu độ” ( 3, 17 ).
Chính Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ,
thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế
gian, nhưng để cứu thế gian” ( 12, 47 ). “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi,
thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi
sống” ( 5, 24 ); “Ai tin vào
Con Một Thiên Chúa, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi,
vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã
đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ
làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng
ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì
đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện
trong Thiên Chúa” ( 3, 18 – 22 ).
Phán quyết của
Hội Thánh, như thế, không là gì khác hơn sự thừa nhận điều mà thế gian tự gây
ra cho mình. Đó chính là ý nghĩa của sự “cầm giữ” trong lời “anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Suy
niệm
Cộng đoàn Kitô hữu quy tụ chung
quanh Đức Kitô là Đấng đang sống và hiện diện giữa cộng đoàn, Đấng đã chịu đóng
đinh và đã phục sinh. Người là trung tâm của cộng đoàn. Người hiện diện ở trung
tâm của cộng đoàn. Người làm cho các môn đệ của Người được bình an và vững tin
khi cho họ xem những dấu hiệu chiến thắng của Người trên sự chết. Người hiện
diện một cách tích cực và hữu hiệu trong cộng đoàn Hội Thánh, trao phó cho Hội
Thánh sứ mạng loan báo Tin Mừng, và ban Thánh Thần và quyền tha tội để Hội
Thánh thực thi sứ mạng cứu độ đó. Điều làm cho nhóm các đồ đệ trở thành cộng
đoàn Hội Thánh, như thế, là chính sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Thiếu yếu tố
cốt tử đó, không có Hội Thánh đích thực.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment