Wednesday 1 May 2013

Lm Vũ Khởi Phụng DCCT: BÓNG NGƯỜI HÒA BÌNH – Kỳ 2




Sau khi trình lên Tổng Thống, Sorensen đã gọi lại cho Cousins: Tổng Thống Kennedy rất sẵn lòng để Đức Giáo Hoàng can thiệp. Đường nào thì bây giờ lập trường của hai bên đã rõ ràng, không bên nào chịu lùi bước. Tổng Thống có cảm giác tình hình đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Trong ít giờ nữa, hạm đội Mỹ sẽ chặn đoàn tàu Liên Xô trên Đại Tây Dương. Khi ấy, chuyện gì sẽ xảy ra ? Tuy cương quyết, nhưng Kennedy vẫn bị ám ảnh có thể chỉ sáu tiếng đồng hồ nữa, ông sẽ bấm nút để phóng các hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân. Nếu thế hàng trăm triệu người sẽ chết. Như vậy là cha Morlion và Cousins đã đoán đúng; cần một tiếng nói thứ ba.
Phía Mỹ có vẻ đã tiếp nhận. Phía Liên Xô thì sao ? Từ hôm nổ ra khủng hoảng, các thành viên Liên Xô tham dự hội thảo ở Andover rất bồn chồn. Họ cảm thấy bất an, chỉ muốn mau chóng về nước. Cha Morlion tham khảo ý kiến các thành viên chính trong đoàn Liên Xô, viện sĩ Evgeny Fedorov, tướng Nicolai Talewsky, nhà báo Yuri Jukov. Một trong những người này đã điện về Kremli: “Chúng tôi tin chắc rằng đồng chí Thủ Tướng là người yêu hòa bình và không hề muốn cho hằng triệu người chết”. Từ Moscow, ông Khrushchev hồi đáp: ông tán thành hành động can thiệp của Đức Gioan XXIII. Ông mong Đức Giáo Hoàng đề nghị Mỹ rút tàu chiến về và ngưng phong tỏa Cuba.
Đêm 23 rạng ngày 24 tháng 10, Đức Gioan XXIII thảo thông điệp cùng với hai người cộng sự: Đức Cha Dell Acqua, phụ khuyết ở phủ Quốc Vụ Khanh và Đức Ông Igino Cardinale. Có lúc Đức Thánh Cha bảo: “Các vị cứ tiếp tục đi. Lát nữa tôi trở lại”. Rồi ngài đi vào Nhà Nguyện riêng, cầu nguyện hồi lâu.
24.10.1962. Sáng ngày 24, sứ điệp của Đức Thánh Cha được chuyển tới Sứ Quán Mỹ và Sứ Quán Liên Xô ở Roma. Đến trưa, đài phát thanh Vatican truyền đi nội dung sứ điệp:
“Lạy Chúa, xin nghe lời tôi tá Chúa khẩn cầu… Kìa bầu trời quốc tế đang vần vũ những mây mù bão táp, gieo lo âu sợ hãi cho hàng triệu gia đình…”
Hòa bình ! Hòa bình !… Chúng tôi khẩn nài các nhà cai trị đừng làm ngơ giả điếc trước tiếng kêu van của nhân loại. Xin các vị giốc tận lực để cứu vãn hòa bình. Được như thế, các vị sẽ tránh cho thế giới khỏi mọi nỗi khủng khiếp của chiến tranh, mà khi đã nổ ra thì không ai có thể lường trước được hậu quả sẽ ghê gớm thế nào. Xin các vị tiếp tục thương lượng, vì thái độ thẳng thắn chân thành và cởi mở là một chứng tá lớn cho lương tâm mỗi người và trước lịch sử. Phát huy, tạo điều kiện và chấp nhận thương thảo, ở mọi cấp bậc và trong mọi thời, là quy luật của sự khôn ngoan sáng suốt, đáng cho trời chúc lành, người ca tụng.”
Nghe nói Đức Thánh Cha đã tự tay chỉnh sửa khá nhiều bản văn do các người cộng sự soạn thảo. Dự thảo ban đầu dùng ngôn ngữ có phong cách ngoại giao. Thay vào đó, Đức Thánh Cha đã viết một sứ điệp vừa là lời cầu nguyện, vừa là tiếng gọi lay động lương tâm. Đọc sứ điệp thấy Đức Gioan XXIII đang phát ngôn thay cho mọi người dân lành đang bị đe dọa.
Lời kêu gọi đã truyền đi rồi. Hòa bình thế giới rồi sẽ ra sao ? Mặt trận chính trị vẫn rất gay gắt. Thủ Tướng Khrushchev gửi thư cho Tổng Thống Kennedy:
“Thưa Tổng Thống, xin ngài thử nghĩ nếu chúng tôi gửi đến ngài một tối hậu thư như ngài vừa đưa ra với chúng tôi bằng các hành động của ngài, thì ngài sẽ phản ứng thế nào ?…
Điều ngài tuyên bố đâu phải là cấm vận, đúng hơn ngài đang công bố một tối hậu thư, và ngài đe dọa nếu chúng tôi không tuân lệnh, ngài sẽ dùng võ lực. Xin ngài suy nghĩ điều ngài đang nói ! Vậy mà ngài lại muốn thuyết phục tôi đồng ý được sao ? Đồng ý với những yêu cầu đó nghĩa là gì ? Nghĩa là chúng tôi không được điều hành quan hệ với các nước khác bằng lí trí nữa, nhưng bằng cách vâng theo bạo quyền. Ngài không nại đến lý trí, ngài chỉ muốn đe dọa chúng tôi thôi.
Hành động của Mỹ đối với Cuba là ăn cướp trắng trợn. Nếu ngài làm như vậy thì chỉ là sự điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc đến hồi đốn mạt. Thật bất hạnh, nhân dân các nước, và nhân dân Mỹ cũng không hơn gì, có thể phải khốn khổ vì sự điên cuồng ấy, bởi với sự xuất hiện của võ khí hiện đại, thì Hoa Kỳ đã mất hẳn vị thế bất khả xâm phạm trước đây.
Vì lẽ đó, thưa Tổng Thống, nếu ngài cân nhắc hiện tình với cái đầu lạnh, chứ đừng buông theo đam mê, ngài sẽ hiểu rằng Liên Bang Xô Viết không thể nào cam chịu mà không khước từ những yêu cầu bạo ngược của Hoa Kỳ… Do đó, chính phủ Liên Xô không thể chỉ thị cho hạm trưởng các tàu Liên Xô đang đi Cuba phải tuân lệnh của các lực lượng hải quân Mỹ đang phong tỏa đảo quốc này. Chỉ thị của chúng tôi cho các thủy thủ Liên Xô là tuân thủ khít khao những tiêu chuẩn mọi nơi đều chấp nhận về hải hành trên các vùng biển quốc tế, dù một tấc cũng không lùi. Và nếu Mỹ xâm phạm những quyền đó, thì Mỹ phải ý thức trách nhiệm của mình về hành động đó. Chắc chắn chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn cảnh tàu Mỹ ăn cướp trên biển khơi. Khi đó về phần mình, chúng tôi sẽ buộc lòng có những biện pháp mà chúng tôi xét thấy là cần thiết và đủ để bảo vệ quyền của chúng tôi. Chúng tôi có tất cả những gì cần thiết để đạt mục đích ấy. Kính thư…”
Ở Washington, trong cuộc họp của Excomm, bộ trưởng Quốc Phòng báo cáo có một tàu ngầm Liên Xô gần những chiến hạm Mỹ. Nói chung, quan điểm của Excomm là nếu có tàu ngầm can thiệp vào vụ cấm vận thì phải hủy diệt tàu ngầm đó.
Tình Thế đã thêm căng thẳng. Tuy nhiên, bắt đầu xuất hiện một vài sự kiện khả dĩ dự báo một cuộc xuống thang. Đó là những sự kiện nào ?…
24.12.1962. Mấy tia hy vọng rạng lên trong ngày 24 tháng 10. Trước thời điểm lệnh cấm vận bắt đầu có hiệu lực, tình báo Mỹ nhận thấy có điều khác lạ. Mười chín tàu Liên Xô đang trên đường sang Cuba, thì mười sáu chiếc, trong đó có năm chiếc phía Mỹ hồ nghi là chở tên lửa, đã giảm tốc độ, thậm chí có chiếc đã quay ngược mũi tàu. Điều tình báo Mỹ khi đó chưa biết, là trong số tàu quay ngược về, có chiếc Poltava, chở 20 đầu đạn hạt nhân. Tình báo Mỹ cũng mới chỉ phát hiện những tên lửa Liên Xô ở Cuba, nhưng chưa biết hơn 100 trái bom hạt nhân đã được đưa vào nội địa Cuba, và đang chuẩn bị lắp ráp với tên lửa. Tàu Liên Xô giảm tốc và chuyển hướng những con tàu trên Địa Trung Hải được báo cáo với Excomm lúc 10g25 sáng. Tổng thống Kennedy ra lệnh hoãn lệnh cấm vận thêm một tiếng, trong khi nghe ngóng tình hình.
Cùng ngày hôm nay, một doanh nhân Mỹ đang có chuyến thăm và làm việc ở Moscow trước khi về nước đã bất ngờ nhận được điện thoại triệu tập đến gặp Thủ Tướng Khrushchev. William Knox là chủ tịch công ty Westinghouse International. Nhà lãnh đạo Liên Xô nói liên miên suốt ba tiếng đồng hồ. Ông vẫn biện bạch là tên lửa ở Liên Xô chỉ để phòng thủ chứ không phải để tấn công. Nhưng đồng thời ông cũng đưa ra lời thách thức: “Tôi không ham tàn phá thế giới… Nhưng tùy các vị, nếu các vị muốn, tất cả chúng ta gặp nhau dưới địa ngục”.
 Knox nhận xét ông Khrushchev trông mệt mỏi, mất ngủ và rất bồn chồn. Rõ ràng Thủ Tướng Liên Xô cũng đang trong tình trạng rất căng thẳng. Ý nghĩa của cuộc nói chuyện thì rõ ràng là ông Khrushchev muốn qua Knox gửi một thông điệp nữa cho phía Mỹ.
Dù sao, gần đến thời điểm cấm vận, bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ lại nâng báo động từ Defcon 3 lên Defcon 2. Đó là mức báo động cao nhất của quân lực Mỹ cho đến ngày nay. Defcon 2 là báo động đỏ, được ban hành nếu chiến tranh hạt nhân cận kề. Gần 200 máy bay B52 liên tục trực chiến trên không. 145 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa sẵn sàng nhận lệnh báo động. Bộ chỉ huy Phòng Không dàn thế trận, 161 hỏa tiễn chặn hỏa tiễn, được trang bị bom hạt nhân, khoảng 50 hỏa tiễn trong số này phải sẵn sàng tham chiến trong vòng 15 phút. 23 máy bay B52 mang bom hạt nhân quần thảo gần không phận Liên Xô.
Sáng 25.20.1962. 1g sáng, Tổng Thống Kennedy trả lời bức điện của Thủ Tướng Khrushchev:
“Ngài chủ tịch thân mến.
Tôi đã nhận được thư ngài đề ngày 24 tháng 10. Tôi rất tiếc là ngài vẫn tỏ ra không hiểu điều gì đã khiến chúng tôi hành động trong vụ này.
Diễn tiến của mọi biến cố thật rõ ràng. Tháng 8 đã có những báo cáo về những chuyến tàu lớn chở trang bị quân sự và các kỹ thuật gia từ Liên Xô sang Cuba. Đầu tháng 9, tôi đã cho thấy rất rõ là Hoa Kỳ coi như bất kỳ chuyến tàu nào chở võ khí tấn công đến Cuba cũng tạo ra tình thế hết sức nghiêm trọng. Sau đó, chính phủ tôi đã nhận được từ quí chính phủ và quí vị đại diện những bảo đảm rất mực minh bạch, cả công khai lẫn riêng tư, rằng không có võ khí tấn công được gửi sang Cuba…
Vì dựa vào những bảo đảm long trọng hồi đó mà tôi đã yêu cầu người trong nước tôi phải tự kiềm chế khi họ đòi hành động về vụ này. Thế rồi tôi được biết chắc, không thể nghi ngờ được nữa, điều mà ngài cũng không phủ nhận, tức là tất cả những lời bảo đảm công khai đó đều giả dối và mới đây giới quân nhân của các ngài đã triển khai cả một loạt các căn cứ hỏa tiễn ở Cuba. Thưa ngài Chủ Tịch, tôi xin ngài nhận rõ một điều, là trong vụ này, không phải tôi đã gây ra sự thách thức và từ đó sự thể ở Cuba đã đòi hỏi phải đáp ứng như tôi đã thông báo.
Một lần nữa, tôi lấy làm tiếc rằng những biến cố đó đã làm tổn hại quan hệ giữa chúng ta. Tôi mong quí chính phủ có những hành động cần thiết để phục hồi tình trạng như trước đây. Chân thành…”
Tối ngày 25, CIA báo cáo bên Cuba vẫn khẩn trương lắp đặt hỏa tiễn. Tổng Thống Kennedy ra lệnh lắp đặt bom hạt nhân trên các máy bay dưới quyền điều động của SACEUR, tức là bộ chỉ huy tiền phương các lực lượng không kích của Mỹ trong trường hợp có chiến tranh với Liên Xô.
Cũng ngày hôm nay, tiếng nói của nước Cộng Sản khổng lồ thứ hai đã cất lên. Nhân Dân Nhật Báo Bắc Kinh, trong bài xã luận quan trọng, tuyên bố: “650 triệu người Trung Quốc, không phân biệt nam nữ, sát cánh với nhân dân Cuba.” ( Ảnh chụp Fidel Castro của Cuba và Nikita Khrushchev của Liên Xô ).
Nói chung, ngày 25 tháng 10 vẫn là một ngày hết sức căng thẳng.
Tuy có một tia hy vọng vì đoàn tàu Liên Xô giảm tốc và đổi hướng, nhưng văn thư trao đổi giữa hai bên vẫn kết tội nhau nặng nề. Mỹ vẫn ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Một điều khi ấy Mỹ chưa biết là trên lãnh thổ Cuba đã có hơn 100 đầu đạn hạt nhân và bộ chỉ huy Liên Xô được quyền khai hỏa nếu Mỹ tấn công tổng lực vào đảo quốc. Chủ Tịch Fidel Castro thì quyết liệt muốn giáng trả Mỹ dù cho Cuba có phải tan hoang. Chính quyền Mỹ cũng bồn chồn vì khả năng Liên Xô trả đũa ở Berlin ( Đức ). Với sự lên tiếng của Trung Quốc, những điểm nóng không còn giới hạn ở Châu Mỹ và Châu Âu mà đã lan đến Châu Á. Kinh nghiệm lịch sử cũng như chủ trương chính sách cho thấy rằng khi thấy cần, Chủ Tịch Mao Trạch Đông không ngần ngại hy sinh cả trăm triệu sinh mạng người Trung Quốc.
Đang khi thế giới hồi hộp theo dõi vụ Cuba, thì chiến tranh đã bùng nổ thực sự giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở vùng biên giới Himalaya. Các Giám Mục Ấn Độ đã phải xin nghỉ họp Công Đồng Vatican II để về nước với đoàn chiên trong thời điểm hiểm nguy.
Nói theo lời Đức Gioan XXIII: “Bầu trời quốc tế đang vần vũ những đám mây đen bão táp”.
Lm. Mátthêu VŨ KHỞI PHỤNG, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )

No comments: