Bài Kinh Thánh
hôm nay, Lễ Chúa Thăng Thiên cho chúng ta chứng kiến cuộc chia tay giữa Chúa
Giêsu và các Môn Đồ. Cuộc chia tay nào mà lại không mang nhiều cảm xúc, tuy
nhiên ở đây lại là một cuộc chia tay sau một loạt các biến cố bất ngờ không ai
lường trước được, và toàn là những biến cố “kinh thiên động địa”. Những cảm xúc
của người trong cuộc không có thời gian để lắng đọng, không có cơ hội để thẩm
thấu, vì thế chắc chắn biến cố chia tay với Chúa Giêsu sẽ để lại ngay lúc đó những
cảm giác sâu đậm khó quên nơi tấm lòng các Môn Đệ của Người.
Chúa Giêsu biết
được những biến chuyển tâm lý đó nên Người đã nói “bây giờ anh em chưa hiểu”,
cần có thời gian và tác động của quyền năng để cho chúng ta hiểu. “Ngài
sẽ dạy dỗ anh em mọi điều và nhắc lại những gì Thầy đã nói với anh em”,
Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta hiểu những gì Chúa Giêsu muốn nói.
Cuộc đời của con người “Ôi ! Đời hợp
tan, hợp rồi tan như mây kia gặp gió” ( lời bài hát “Đồi thông hai mộ”, tác giả
Hồng Vân ), trải dài suốt cả hành trình làm người là chia ly và đoàn tụ, liên
tục đoàn tụ và chia ly làm nên lịch sử đời người. Cuộc chia ly nào cũng làm cho
ta mất mát, rồi tự nó có cái mất cái được, thường theo tình cảm, chúng ta cảm
thấy mất nhiều, rồi năm tháng trôi qua mới nhận ra cái được sau cái mất.
Thiên Chúa là Chúa của lịch sử, Ngài
đẩy lịch sử theo biến chuyển Ngài muốn, Ngài làm cho chúng ta mất để được, cái
được Ngài ban là cái được đưa chúng ta đến hoàn thiện theo ý Ngài. Chúa Giêsu
đã chẳng nói “Thầy đi thì sinh ích cho anh em” đó sao ?
Lịch sử Giáo Hội của nhiều năm gần
đây cho chúng ta kinh nghiệm đó. Khi Đức Piô XII bằng hà, Giáo Hội Công Giáo
chao đảo vì một vi Giáo Hoàng xuất sắc, thông minh, quyết đoán không còn nữa,
đang khi đó thế giới bên ngoài các quyền lực thế gian tung hoành ngạo nghễ.
Trong nỗi buồn sâu đậm đó, Đức Gioan XXIII xuất hiện như một cụ già đóng vai
trò chuyển tiếp càng làm cho người ta thất vọng hơn, vậy mà không ngờ Gioan
XXIII lại mở cửa để cơn lốc Thánh Thần tràn vào Hội Thánh, cơn lốc khuấy đảo
thay đổi mặt địa cầu này. Gần đây, có những người đã tỏ ra u buồn, thất vọng,
khi vị Giáo Hoàng xuất chúng, trí tuệ, cương nghị, Bênêđitô XVI thoái vị, cái
được đầy bất ngờ sau cái mất Bênêđitô là cái được Phanxicô, hơn hai tháng trôi
qua, Hội Thánh Công Giáo và cả thế giới như đang ngất ngây với vị Giáo Hoàng
mới, đơn sơ, quả cảm, khó nghèo, chân tình, yêu mến…
Đức Thánh Cha Phanxicô đã biểu hiện
không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính bằng hành động của ngài, mối liên lạc
giữa ngài với thế giới con người hôm nay rất dung dị, dễ cảm và trong suốt,
ngài yêu mến thế giới con người, môi trường thiên nhiên, người nghèo, bằng một
tình yêu thương nồng thắm, ngài bước những bước đi bình thản, đơn giản trong
thế giới con người, bình thường như tất cả mọi người bình thường hôm nay. Với
những hình ảnh đó, ngài như muốn nói với mọi người rằng: Lối lên Trời là con đường dưới đất.
Khi Chúa lên Trời, Kinh Thánh thuật
lại các môn đệ ngẩn ngơ nhìn Trời, Thiên Thần đã xuất hiện để nói với các ông
rằng: Ngẩn ngơ nhìn Trời làm chi ? Quê hương chúng ta ở trên Trời, nhưng lối
lên Trời lại là con đường dưới đất, chúng ta sẽ lên Trời bằng con đường ở dưới
đất. Trốn chạy thực tế không phải là thái độ của người Kitô hữu hôm nay. Một lần
nữa, Đức Phanxicô đã nói với chúng ta: người nghèo, hòa bình và môi trường là con đường đưa ta
về Trời.
Chúng ta có lên đường với ngài không
?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 12.5.2013
No comments:
Post a Comment