Năm
nay, Ngày của Mẹ lại về, Chúa Nhật 12.5.2013, chúng tôi không kịp viết được
chút gì để tôn vinh và tri ân các bà mẹ, đành lục lại những bài viết cũ đã đăng
trên Ephata nhiều năm trước, chuyện về bà mẹ của chúng tôi, hy vọng cũng tìm
được sự đồng cảm về tình mẫu tử thiêng liêng nơi anh chị em độc giả gần xa…
Trước đây, tôi chỉ
biết người Phật Giáo Á Đông có ngày Lễ Vu Lan rằm tháng bảy, những người đi
chùa được cài cho một đóa hồng lên ngực áo, màu hoa tùy theo đã mất mẹ hay còn
mẹ. Mãi gần đây tôi mới biết người Tây Phương có hẳn một ngày dành cho người
mẹ, lại một ngày dành cho người cha. Tôi sinh vào tháng 5, mẹ tôi lại cũng mất
vào tháng 5, nên tôi có những mốc thời gian đặc biệt để nhớ Chúa Nhật thứ hai
trong tháng là Mother’s Day, ngày của mẹ tôi, ngày của mẹ mọi người.
Năm
nay, báo Ephata dành cả số này cho chủ đề Mẹ. Tôi làm công việc biên tập các
bài, đến khi đọc Lời Ngỏ của cha Vĩnh Sang, báo sắp hoàn tất, đã định thôi
không viết, lại thấy phải chia sẻ về người mẹ của chính mình. Tôi tin những kỷ
niệm về tình mẫu tử của mọi người trên đời rất dễ gặp nhau, ắt cũng sẽ có ít
nhiều độc giả tìm thấy nơi những bộc bạch này của tôi một chút đồng cảm.
Ba mẹ tôi đều cùng sinh năm 1916. Khuôn mặt, dáng dấp,
giọng nói, có lẽ sống mãi cả đời bên nhau đâm ra giống nhau. Nhiều người trong
Giáo Xứ Phanxicô Đakao bảo ông bà ngày nào cũng cùng đi bộ đến Nhà Thờ, nhìn cứ
như hai anh em, thậm chí, như... hai chị em ! Thế nhưng cá tính thì lại ngược
hẳn nhau. Ba tôi thuần lý trí, có óc biện bác khoa học, chỉ tin vào thực chứng,
lại học xuất sắc từ bé về môn toán. Mẹ tôi phải nghỉ học ngang năm lên chín vì
ông ngoại tôi mất sớm. Mẹ tôi biết phụ với bà ngoại lo buôn bán tảo tần, lại
khéo tay, thực tế, tuy nhiên bà cũng là con người trực cảm, rất xác tín vào
những giấc mơ, những điềm báo mộng, những thị kiến, lại hình như rất dễ giao
tiếp với những người đã... quá cố. Và chính ở điểm này mà cuộc đời tôi được
định hướng một cách kỳ lạ.
Dạo còn bé, đã bao nhiêu lần trong lúc vui cửa vui nhà,
đặc biệt trong các bữa cơm gia đình, mẹ tôi lại kể câu chuyện bà nằm mộng ngày
thụ thai tôi, đứa con trai út ít. Bà bảo hôm ấy, vừa chợp mắt bà đã trông thấy
cha Hồng Phúc ( nay đã qua đời ) mặc áo DCCT dắt một chú bé cũng mặc áo DCCT,
tay xách chiếc vali con con. Cha bảo: “Con ơi, con đến chào mẹ con đi, rồi
theo cha về Nhà Dòng !” Thằng bé buông vali, a vào lòng bà, bà ôm chầm lấy
và... choàng tỉnh.
Mẹ
tôi vội lay ba tôi dậy và kể đầu đuôi. Ông đang mệt, lại ngái ngủ nên hơi cáu,
gạt ngang: “Ôi giào ơi, tưởng gì, mình đang mong có thêm con trai út nên mới
mơ ra con trai. Kỳ này tôi lại ước gì sinh con gái nữa cho bà... tức chơi !” Mẹ
tôi có vẻ tức thật. Đã thế ông lại bồi thêm một lý luận sắc bén về Tâm Lý học: “Mới
chiều nay nhà mình mời cơm cha Hồng Phúc, thế là cha đi luôn vào... giấc mơ của
bà, chuyện dễ hiểu !” Mẹ tôi không chịu nổi nữa, nhổm dậy, bật đèn: “Ông
lấy giấy bút ra ghi lại: đây này, khi thằng bé chạy lại, tôi nhìn rõ ràng mắt
nó bên to bên nhỏ, nó lại có cái xoáy ngược trên đầu... Đấy rồi ông xem !” Ba
tôi đành chiều vợ, ghi chép đầy đủ mấy chi tiết, rồi ngủ tiếp ngon lành, xem ra
chẳng tin chút nào chuyện mộng mị lẩm cẩm của đàn bà !
Ngày
mẹ tôi đi sinh, cũng đúng ngày rằm Phật Đản năm Kỷ Hợi, ba tôi ở sở làm về hỏi
chị tôi ngay: “Mẹ sanh con trai hay con gái ?” Chị tôi bảo: “Con trai
ba ơi !” Ba tôi xúc động đến nỗi không dám chở chị tôi, hai bố con cứ lẽo
đẽo dắt xe đạp suốt đến nhà bảo sanh ở đường Mạc Đĩnh Chi. Vào thăm, mẹ tôi cười
đắc tháng, chỉ cho ba tôi thấy rõ ràng thằng bé “cập bật lò xo mắt to mắt
bé, cập bờ lờ tóe, mắt be mắt to”, lại thêm ngay trên đỉnh đầu mới lơ thơ
mấy sợi tóc măng, một cái xoáy nằm lệch hẳn sang bên phải !
Thú thật, tôi không hiểu “cập bật lò xo” với lại “cập
bờ lờ tóe” là thế nào, nhưng chuyện tôi bị... dị tật mắt to mắt bé đúng là
nỗi mặc cảm với đám bạn bè đi học thích trêu chọc, mãi đến khi vào Đại Học Kiến
Trúc, hình như cứ phải hi hí một mắt để cầm que đo đạc mà đâm ra hai con mắt
được... cân bằng ! Còn chuyện cái xoáy ngược thì chỉ gây khổ cho mấy ông thợ
hớt tóc mới vào nghề, tôi chẳng bận tâm làm gì !
Đấy,
cái giai thoại trong gia đình về... tôi là như thế. Tôi cứ ngỡ chỉ là giai
thoại, ngờ đâu đến một ngày, năm tôi 27 tuổi, đứng khoanh tay ngỏ ý xin ba mẹ
tôi đi hỏi cưới người bạn gái đã “thâm niên”, thì mẹ tôi xoay ngang câu chuyện,
gạt phắt đi, chẳng phải vì không ưng ý cô ấy vốn là một thiếu nữ nết na gia
giáo, mà chỉ vì: “Cậu phải đi tu, tôi đã mơ như thế là đúng như thế !” Kinh
khủng quá ! Đã thế, ba tôi mọi khi có tiếng nói quyết định của một gia trưởng
uy quyền, lần này lại lẳng lặng đứng lên đi làm một... điếu thuốc lào ! Khốn
khổ thân tôi !
Dằng
dai mãi, bên “nhà gái” không thấy động tịnh gì, chắc cũng sốt ruột. Cô bạn gái
của tôi nhờ người quen biết gia đình tôi hỏi han và cuối cùng cũng biết đầu
đuôi. Cô ấy không lộ chuyện ra, âm thầm xin đi Linh Thao cả tuần. Đùng một cái,
cô ấy mời tôi đến nhà và thổ lộ tất cả: “Bạn đi tu là đúng rồi đấy ! Mà mình
cũng sẽ đi tu ! Mình đã cầu nguyện và lắng nghe được tiếng Chúa. Bạn và mình sẽ
chẳng lập gia đình với bất cứ ai. Chỉ có con đường tu mới đem lại hạnh phúc cho
cả hai và cho mọi người...” Thế là chấm hết ! Chấm than hẳn hoi !
Tôi
hoàn toàn ngỡ ngàng trước tuyên bố cắt đứt kinh khủng ấy. Suốt hơn nửa năm trời
tôi như người mộng du, ngơ ngẩn, thất tình ! Đi làm về nhà, hễ gặp mẹ tôi, bà
lại bảo, lúc thì sẵng giọng, lúc lại dỗ dành: “Đi tu thôi con ơi !” Tôi
lại càng ra mặt chống đối với cái quyết định “vi phạm nhân quyền” ấy. Tôi bất
an vì thấy mình mất tự do, thua đau ở cả hai mặt trận, bên tình bên nghĩa !
Thỉnh thoảng bế tắc quá, tôi bật thốt lên lời cầu nguyện...
Cho
đến một buổi chiều thứ năm, đạp xe đi làm về, chạy loanh quanh thế nào không
biết, tôi thấy mình dừng lại trước cổng Nhà Thờ Mai Khôi be bé trên đường Tú
Xương. Nhìn đồng hồ, đã 5 giờ 25, chỉ còn 5 phút nữa là Thánh Lễ. Tôi bất giác
gửi xe rồi vào Nhà Thờ. Không ngờ bài giảng hôm ấy mang tính Triết Đông đậm màu
sắc Ấn Độ của cha lại là giọt nước Chúa cho tràn ly cuộc đời tôi. Tôi bàng
hoàng ngộ ra cái Đạo, cái con đường tôi cần phải đi chính là... đi tu !
Tan
Lễ, trở ra sân, tôi gặp thầy PX. Thăng, một thầy đã khá... già, vừa được cha
Tấn ở Đại Chủng Viện Giuse Sàigòn bảo đi tìm những Ơn Gọi tu muộn. Tôi buột
miệng hỏi, thầy trợn mắt tròn xoe kinh ngạc... Thế là hôm sau tôi được cha Tấn
nhận cho làm ứng sinh Chủng Viện. Chỉ kẹt nỗi tôi chưa làm tròn nghĩa vụ nên
Nhà Nước không duyệt cho đi tu ngay ! Nhìn anh em cùng tuổi với mình ai cũng
được lọt vào khóa 1 mà tủi thân. Sau này các thầy bạn như Phạm Đức Tuấn, Nguyễn
Đức Vượng, Bảo Lộc, ...đều đã chịu chức Linh Mục trước tôi 6, 7 năm. Còn người
bạn gái của tôi cũng đi tu thật chứ không phải chuyện đùa ! Tu đắc đạo, tu đến
nơi đến chốn !
Lại
trở về với chuyện của mẹ tôi. Khi biết tôi đã quy phục và được nhận vào Đại
Chủng Viện, bà vẫn cằn nhằn: “Tôi nằm mơ rõ ràng cậu vào DCCT chứ có phải đi
Chủng Viện đâu !” Tôi chỉ biết chống chế: “Tu đâu cũng là tu mẹ ơi ! Sao
lại phải đi tu Chúa Cứu Thế mới được ? Các cha bên ấy đang còn phải đi tù, đi
cải tạo, ai mà dám nhận người vào Dòng đâu ?” Có lẽ mẹ tôi sợ cậu út lại
giở chứng, giở quẻ, nên đành im lặng chờ cơ hội !
Thế rồi tôi tình nguyện xin đi Thanh Niên Xung Phong cốt
để hoàn tất nghĩa vụ với Nhà Nước. Nhờ trình độ đại học nên khi lên đơn vị Tổng
Đội 1 đóng ở thung lũng Tà Nung, một xã dân tộc ngoại thành của Đà Lạt, tôi
được giao làm hiệu trưởng trường Bổ Túc Văn Hóa. Công tác tốt, tư cách tốt,
nhưng rồi loay hoay thế nào khi giải ngũ, tôi vẫn không được xét vào Chủng Viện
khóa 2. Cho đến năm 1989, bất ngờ tôi gặp một anh đang tìm hiểu Ơn Gọi DCCT,
tôi bán tín bán nghi, hỏi thăm cha Tiến Lộc mới biết Nhà Dòng đang âm thầm nhận
người đi tu. Tôi mừng quá, vội xin chuyển hướng, cha Khởi Phụng nhận ngay vào
Dự Tập. Đến lúc ấy, tôi mới bắt đầu thấy... tin lời giải mộng của mẹ tôi ! Kỳ
diệu thật !
Ngày
tôi báo tin vui được nhận vào Nhà Tập DCCT thì ba tôi đã qua đời tròn ba năm,
mẹ tôi rớm nước mắt bảo: “Thôi, bây giờ mẹ có đi theo ba về với Chúa cũng
được rồi...” Con đường đời của tôi trước đây loanh quanh mãi, loay hoay
mãi, trăn trở mãi, đến khi tìm ra đúng hướng, thì sao mà xuôi chảy hanh thông
thế ! Chỉ tội mẹ tôi, gần đến ngày cậu út cưng khấn trọn đời thì mẹ tôi ngã
bệnh tiểu đường rất nhanh, hôn mê hai ngày rồi đi. Tôi còn nhớ cha già Chân Tín
đến viếng, đứng trước linh cữu mẹ tôi, ngài an ủi cả nhà: “Cha chia buồn với
gia đình vì hôm nay đã mất đi một người mẹ ở trần gian. Nhưng cha lại muốn thật
lòng... chia vui, vì hôm nay gia đình đã có được một người mẹ trên Nước Trời,
bà sẽ cầu bầu với Chúa, với Mẹ cho. Dừng sợ !”
Vâng,
tôi đã ghi nhớ và thấm thía lời chia vui ấy. Năm nay, tháng 5 lại về, chỉ còn
gần một tuần nữa là giỗ tròn 9 năm mẹ tôi, bà Maria Angela Phạm Thị Ích, con
người của trực cảm, của điềm báo mộng, của tình thương ấp ủ dành hết cho đứa
con đi tu. Tôi xin viết những dòng chữ này để nhớ đến mẹ tôi như tôi vẫn luôn
nhớ đến ba mẹ tôi trong mọi Thánh Lễ cử hành trong sứ vụ Linh Mục DCCT...
Xin
biết ơn mẹ, mẹ ơi ! Xin mẹ tạ ơn Chúa thay con...
Lm. LÊ QUANG UY,
DCCT, thứ bảy 7.5.2005
No comments:
Post a Comment