Vào Chúa Nhật cuối cùng trước Lễ Chúa Giêsu lên Trời, chúng ta lắng nghe những
lời nhắn nhủ rất quan trọng của Chúa Giêsu trong Ga 14, 23 – 26:
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời
Thầy” ( c. 23a )
Lời của Chúa Giêsu là lời tình yêu đối với nhân loại, và lời đó được diễn tả
trong những điều răn của Người. Tình yêu đối với Đức Giêsu nhất thiết phải đưa
người đồ đệ của Chúa đến hành động thực hiện những điều răn đó. Đây là hai thực
tại gắn liền với nhau đến độ không thể tách rời được. Đức Giêsu đã nhiều lần nhấn
mạnh: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” ( 14,
15 ); “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”
( 14, 21 ). Người tuân giữ các điều răn của Đức Giêsu là người đón nhận Người, ứng
đáp lại tình yêu của Người, để cho tình yêu của Người sinh hoa kết trái nơi đời
mình.
“Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy
sẽ đến và ở lại với người ấy” ( c. 23bc ).
Chúa Cha và Đức Giêsu là một. Chúa Cha và Đức Giêsu sẽ đến và ở lại nơi người
đồ đệ giữ lời Đức Giêsu, làm nên một cuộc sống viên mãn trong sự kết hợp sâu xa
của gia đình thần linh.
Đức Giêsu đã từng nói với các đồ đệ: “Trong nhà Cha Thầy,
có nhiều chỗ ở; Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì
Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” ( 14,
2 – 3 ). Bây giờ
Người lặp lại cũng một nội dung ấy nhưng với cách nói khác. Ở 14, 2 – 3, Người đi
dọn chỗ cho các đồ đệ trong nhà Cha Người, tức là Người thiết lập cho các đồ đệ
tư cách là con cái của Thiên Chúa.
Ở 14, 23, Chúa Cha và Chúa Giêsu sẽ đến và ở lại với người
yêu mến Chúa Giêsu, tức là cho người đồ đệ Đức Giêsu được đi vào và sống trong
tình yêu mà Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu và ngược lại, bởi vì tương quan giữa
Chúa Cha và Chúa Giêsu luôn luôn chỉ là tương quan tình yêu tuyệt đối: “Chúa Cha yêu thương
người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” ( 3, 35 ); “Sở dĩ Chúa Cha
yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” ( 10, 17 ).
Ai thực hiện lời tình yêu của Đức Giêsu thì trở nên con
Thiên Chúa ( 1, 12: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì
Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” ), nên sẽ được thông chia tình
yêu giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Và khi đó, như Đức Giêsu nói: “Anh em sẽ biết
rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” ( 14,
20 ).
Một trong những yếu tố đặc trưng của cuộc xuất hành Cựu Ước là sự hiện diện
của Thiên Chúa giữa dân Người. Thiên Chúa ở với dân trong Lều Hội Ngộ. Trong cuộc
xuất hành mới, mỗi thành viên của cộng đoàn Hội Thánh đều sẽ là nơi Thiên Chúa
ngự; và như thế, toàn thể Hội Thánh sẽ là sự thể hiện vinh quang Thiên Chúa, như
chính Đức Giêsu thưa với Chúa Cha: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang
mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” ( 17, 22 ).
“Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây
không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” ( c. 24 ).
Đức Giêsu đồng nhất lời của Người với lời của Chúa Cha.
Chúng ta có thể gặp thấy trong Ga nhiều lời khẳng định tương tự: “Đạo lý tôi
dạy không phải là của tôi, nhưng là của Đấng đã sai tôi” ( 7, 16 ); “Thật
vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền
lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống
đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi” (
12, 49 – 50; x. 8, 28.40 ).
“Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng
Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em
mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” ( cc. 25 – 26 ).
Sẽ đến lúc Đức Giêsu rời xa các đồ đệ. Khi còn ở với họ, Người tỏ cho họ biết
về chương trình của Thiên Chúa trên nhân loại. Người đã dạy dỗ họ nhiều điều. Họ
sẽ phải đào sâu và thực hiện những điều đó. Nhưng sự đào sâu và thực hiện ấy
không phải là kết quả của những nỗ lực suy tư và hiểu biết nhân loại, song là
nhờ Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ dạy họ mọi điều và sẽ làm cho họ nhớ tất cả
những gì Chúa Giêsu đã bày tỏ cho họ. Thánh Thần sẽ hoạt động để xây dựng cộng
đoàn các đồ đệ. Rất nhiều khía cạnh của cuộc đời và sứ điệp của Chúa Kitô mà
các đồ đệ chưa hiểu thấu ( x. 12, 16 ). Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, sẽ giúp họ.
Thần Khí của Thiên Chúa được xác định rõ ở đây là Thánh Thần. hạn từ này
mang một nghĩa kép, vừa chỉ phẩm chất vừa chỉ hoạt động của Thần Khí. Thần Khí
là thánh và Đấng tác thánh. Người đến từ Thiên Chúa nên Người hoàn toàn khác biệt
với mọi thực tại phàm nhân: Người là Thánh. Người thuộc về cảnh vực thần linh.
Nhưng đồng thời, Người cũng là Đấng làm nên sự tách biệt, tức là Người là Đấng
hiến thánh, Đấng tác thánh. Đó là khía cạnh thứ hai trong ý nghĩa của hạn từ
Thánh Thần. Người tách biệt con người khỏi tối tăm, khỏi thế gian sa đọa, đưa họ
vào vùng ánh sáng và vào cõi sống là thế giới của Thiên Chúa.
Thần Khí của Thiên Chúa cũng được xác định là một thực tại năng động và bản
vị. Ngài là Đấng Bảo Trợ do Chúa Cha sai đến. Ngài sẽ dạy các đồ đệ mọi điều.
Hoạt động của Ngài sẽ trải dài trong thời gian. Nhưng Ngài không nói tự mình, mà
là nhắc nhở và làm cho các đồ đệ Đức Giêsu hiểu thấu những gì mà Đức Giêsu đã dạy
họ ( 14, 26 ). Ngài sẽ làm chứng cho Đức Giêsu ( 15, 26: “Khi Đấng Bảo Trợ đến,
Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật
phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” ). Người sẽ cáo tội thế
gian: “Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về
sự công chính và việc xét xử” ( 16, 8 ). Người sẽ đưa các đồ đệ đến sự thật
toàn vẹn: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật
toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe,
Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” ( 16, 13
).
Thánh Thần được Chúa Cha sai đến “nhân danh Chúa Giêsu”
và phân biệt với Chúa Giêsu. Ngài được gọi là Đấng Bảo Trợ khác và việc
Ngài được sai đến là kết quả của lời cầu nguyện của chính Đức Giêsu: “Thầy sẽ
xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em
luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế
gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở
giữa anh em và ở trong anh em” ( 14, 16 – 17 ).
Gợi ý suy niệm
( 1 ) Đoạn văn mà chúng ta vừa đọc đã được tác giả Gioan ghi lại như câu trả lời của Đức Giêsu cho câu hỏi của ông
Giuđa: “Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ
mình ra cho thế gian ?” ( c. 22 ). Đức Giêsu không trực tiếp trả lời cho câu hỏi
đó, nhưng một cách gián tiếp, Người cho chúng ta thấy Thiên Chúa Cha và chính bản
thân Người hiện diện và tỏ mình giữa thế gian như thế nào: Thiên Chúa đến cư ngụ
nơi những ai yêu mến Người, tiếp đón Người và thi hành lời của Người. Thiên
Chúa hiện diện và tỏ mình cho thế gian nhờ những kẻ yêu mến Người.
Rất nhiều người cảm thấy Thiên Chúa vắng mặt và tỏ ra khó chịu vì sự im lặng
của Người. Thế giới vẫn chất vấn chúng ta: Thiên Chúa của ngươi đâu ? Và chúng ta phải trả lời cho câu hỏi đó. Đức
Giêsu không phải là một xác chết. Ngài đang sống và đang đi vào giữa lịch sử
qua và nhờ những đồ đệ tuân giữ lời Ngài và yêu mến Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì
sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại
với người ấy” ( c. 23 ).
( 2 ) Đức Giêsu quả quyết: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần
Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm
cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” ( c. 26 ). Thánh
Thần giúp Hội Thánh dần dần hiểu thấu đáo hơn và sâu xa hơn những điều chính
Chúa Giêsu đã truyền dạy và mạc khải. Vì thế, dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, Hội
Thánh và mỗi người tín hữu luôn được mời gọi làm mới mình.
Nhiều người ngạc nhiên và thậm chí bực tức vì Hội Thánh “thay đổi”. Chúa
Thánh Thần không chấm dứt hoạt động ở một thời điểm nào đó cách đây vài thế kỷ.
Người vẫn đang làm cho Hội Thánh hiểu và sống ngay trong hôm nay sứ điệp cứu độ
và yêu thương của Đức Giêsu. Hội Thánh vẫn còn nhiều điều phải hiểu biết, phải
khám phá, phải thực thi. Điều đó càng đúng hơn nữa đối với từng người trong
chúng ta.
Lm. Giuse NGUYỄN THỂ HIỆN, DCCT
No comments:
Post a Comment