Monday, 20 November 2017

Lm Vinh Sơn Phạm Trung Thành DCCT : TRỜI HÀNH HAY NGƯỜI HÀNH?


“Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn.
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm, à ơi...”

(Tiếng Sông Hương của Pham Đình Chương)

Năm nay, cơn bão số 12, rồi 13 vừa thổi qua miền Trung gây biết bao thiệt hại về nhà cửa, tài sản và nhân mạng, bão chưa tan thì lũ lại về, cái gì tai? Thiên tai hay nhân tai? Lại đổ vỡ, tan hoang, mất mát, tang tóc... Những người có tránh nhiệm tiếp tục lẩn trốn, không một ai chịu trách nhiệm, thậm chí họ còn đẩy mạnh các sinh hoạt khác, các hội nghị khác, không ăn nhập và hoàn toàn vô cảm với nỗi đau đang oằn trên lưng dân nghèo miền Trung, cái vô cảm trong những lời phát biểu như cú đấm chứ không phải cái tát vào mặt đồng bào nữa.

Nhiều năm nay rồi, không riêng gì cơn bão số 13, chẳng đặc biệt gì năm 2017, năm nào cũng vậy, thảm kịch: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, thi nhau hành người Miền Trung và cả Miền Tây Bắc nữa. Lý do luôn đưa ra để biện hộ đó là bảo vệ các đập thủy điện, nếu không xả nước thì nguy cơ vỡ đập sẽ thiệt hại nặng nề hơn. Nhưng xét kỹ hơn tý nữa thôi thì chúng ta thấy lộ hẳn ra việc làm thủy điện là toàn bộ rừng bị tàn phá nặng nề, và đây là nguyên nhân chính gây lũ, lụt, trượt đất... Nhìn trên không ảnh, chúng ta hoàn toàn hết sạch rừng, không còn rừng nữa, bay trên không trung dọc đường Bắc Nam, nhìn qua ô cửa lộ ra những mảng đất dỏ loang lổ như những vết thương tấy đỏ không thể lành được trên cơ thể đất mẹ.

Ở hai thành phố Hà Nội và Sgon, dân thành phố thấm thía thế nào là lợi ích của cây xanh trong thành phố nói riêng, trên quê hương nói chung. Mỗi khi dừng xe đèn đỏ ở ngã tư, người ta chen nhau dừng ở những chỗ có bóng cây để tránh cái nắng gay gắt, cái hơi xăng nồng nặc cay mắt, cái mùi khói muốn vỡ tung buồng phổi. Biết lợi ích của cây là vậy, cần cây là vậy, nhưng họ đối xử với cây rất tệ bạc.

Để có thể lộ được mặt tiền làm ăn, người ta sẵn sàng giết cây bằng các độc chất, để sử dụng cho lợi ích riêng cá nhân mình, họ uốn cây, đóng đinh lên cây, cột giằng cây, ... bất kể những việc làm đó gây thiệt hại cho cây. Những năm gần đây người ta dốn hạ những cây nhiều năm tuổi một cách không thương tiếc, một số tiếng nói của các nhà khoa học cũng như của người dân bị nhà cầm quyền phớt lờ, có lúc họ dùng quyền hành của họ quyết định bất chấp sự can ngăn thiện chi, họ tìm thời cơ chặt hạ cây vội vã như có điều gì đó thù hằn với cây, và họ sẵn sàng kết tội những ai có tiếng nói phản biện muốn giữ gìn cây.

Không cần lý luận dài dòng về những lợi ích do cây mang lại, cũng chẳng cần loay hoay với việc người đảm nhận trách nhiệm xã hội không có thông tin. Hãy xem danh sách tên tuổi của kẻ có quyền và có trách nhiệm, bằng cấp đầy lý lịch, bộ mặt tự hào về trình độ và khả năng lãnh đạo, nghe những lời phát biểu nổ vang sáo rỗng: phát triển bền vững, bảo vệ môi trường... thực tế lại là sụ tan hoang, là hành động đầy lùi đất nước, là khoác lên bộ mặt anh em sự nhục nhã của kẻ đi giật lùi.
Laudato Si nói gì? Chúng ta bằng lòng với một vài giờ học, quanh quẩn giới thiệu bao nhiêu chương bao nhiêu số trong thông điệp, đánh trống thổi kèn cho những cuộc thuyết trình, đại hội... Thực hành, chúng ta hô hoán bạn trẻ khai cống rãnh, thu gom rác thải, dựng bảng quảng cáo, xong ai về nhà nấy. Gây ý thức cho mọi ngươi để cùng nhau chăm sóc môi trường sống là một việc cần làm, nhưng thực hiện một sứ điệp mà không xem xét đến tổng thể của sứ điệp thì thật là sai nặng nề. Vấn đề của Laudato Si là chỉ ra nguyên nhân nào đã là nguyên nhân chính gây ra thảm họa tàn phá môi trường sống, và con đường nào giúp ta cứu vãn tình trạng này hầu tái tạo lại những gì tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta.

Có ba nguyên nhân chính: Các chế độ độc tài phát xít, các quốc gia phát triển dùng lãnh thổ của các quốc gia thuộc thế giới thứ ba như một bãi rác thải công nghiệp, và các công ty tài phiệt đa quốc gia mang tính cách Mafia. Riêng số 104, Laudato Si đã không ngần ngại nói rõ các chế độ độc tài và CS đã tàn phá môi sinh (the array of technology which Nazism, Communism and other totalitarian regimes have employed to kill millions of people).

Laudato Si cho chúng ta nhận ra thiên nhiên cùng với con người, bởi thánh ý của Thiên Chúa, làm nên một bài Thánh Ca chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, không ai được phép bức tử bất cứ một nốt nhạc nào trong bài Thánh Ca tuyệt vời ấy.

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 17.11.2017

No comments: