Wednesday 22 November 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR: CHÚA ƠI, NGƯỜI Ở ĐÂU?




Hôm nay, xin kính mời quí ông bà và anh chị em cùng tôi nghe lại một chứng từ. Có lẽ anh chị em đã nghe nhiều về những truyện giống như thế này. Nhưng đối với tôi, câu chuyện mà tôi gọi là chứng từ lòng tin đã có ảnh huởng thật sâu đậm trong tôi. Vị linh mục trong câu chuyện là một trong các vị bề trên của chúng tôi. Cho dù, ngài đã hoàn tất chuơng trình của Thiên Chúa, và trong nhà Cha trên trời; tôi tin tưởng ngài tiếp tục phù hộ, giúp chúng ta sống tốt như gương sáng của ngài. Còn cô gái là ai thì tôi không hề biết!

Truyện kể như sau: Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam đã phải đối diện với một sự thay đổi thật bất ngờ; các nhà lãnh đạo cố gắng tìm kiếm đuờng lối để cai trị. Còn dân chúng, muôn người như một đều băn khoăn và lo lắng cho tương lai của mình. Điều tai hại hơn cả là vì quá sợ hãi nên con người đã mất niềm tin và từ đó họ thiếu niềm tin nơi nhau nữa. Đứng trước sự chuyển biến của đất nước và hòan cảnh thực tế mà dân chúng đang phải đối diện. Một linh mục trong phần thuyết giảng đã khuyên các tín hữu, hãy tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện trong các biến cố của đời sống nói riêng và của con dân đất Việt đang phải đối diện nói chung. Ngài nhấn mạnh rằng tin vào Thiên Chúa thôi chưa đủ, mà còn phải tin vào sự soi sáng của Thiên Chúa cho những người lãnh đạo đất nước.

Sau thánh lễ, có người xin phép đuợc găp ngài. Trước mặt ngài là một thiếu nữ mà cha chưa hề quen biết. Sau những lời chào hỏi, cô cho biết là Chúa soi sáng cho cô qua lời giảng dậy của cha hôm nay. Vị linh mục nhìn cô mỉm cười; ngài chưa kịp nói gì thì cô đã tiếp tục: Thưa cha, con từ miền Tây lên Thành phố để kiếm việc; nhưng việc thì không có mà còn bị người ta lừa. Đến lúc này con đã hết tiền. Thật là không may, mới hôm qua con được tin mẹ con bị đau nặng, chẳng biết xoay sở thế nào, nên vào đây muợn cha ít tiền để về lại quê mà lo cho mẹ, con hứa sẽ hòan trả.

Ông cha nhà ta nghĩ thầm: Thật là oái ăm; trong bài giảng mình vừa khuyên họ phải tin vào Thiên Chúa, và còn khuyên họ tin vào con người nữa. Hơn thế nữa, chẳng thà con bé này cứ nói thật rồi xin ít tiền cho xong chuyện, còn bầy vẽ chuyện vay với mượn. Nghĩ thì nghĩ như thế, nhưng nhìn con bé thât đáng thương, vì thế ngài mới nói: “Con ngồi đây, để cha tính.” Nói xong, cha trở vào trong tu viện.

Phần cô gái đáng thương tiếp tục ngồi chờ đợi ở phòng khách, trong lúc chờ đợi, cô tự nghĩ và nói thầm rằng: “Lại gặp một ông cha chỉ biết nói. Chắc lại tìm cách thóai thác để trốn mình đây?” Cho dù có ý nghĩ như thế; nhưng cô ta cũng chẳng còn biết làm thế nào; đành ngồi đó đợi thêm chút nữa. Đang miệt mài trong các ý tưởng hòai nghi như thế. Thì kìa, cánh cửa phòng khách của tu viện lại được mở ra, trên tay cầm mấy phong thư, vị linh mục vừa trao cho cô vừa nói: “Đây là số tiền mà cha gom góp được con cầm về để lo cho mẹ con.” Thật quá xúc động nên cô đã không thốt nên lời, tần ngần nhận quà và lí nhí hai tiếng cảm ơn. Còn ông cha trở về với công việc và ngài cũng chẳng còn nhớ đến cuộc gặp gỡ này nữa.

Vài năm sau, vào một buổi chiều, có một người con gái đến xin gặp cha. Truớc mặt cha là một thiếu nữ hoàn toàn xa lạ mà ngài chưa từng gặp bao giờ. Sau những lời chào hỏi, cô ta kể lại câu chuyện đã trôi qua vài ba năm trước mà cha không còn nhớ. Nói xong cô ta hòan trả lại số tiền mà ngài đã cho cô mượn, rồi nói thêm; Cảm ơn cha đã tin con. Chính việc cha giúp con đã làm con thay đổi. Cha đã dậy con một bài học thật quan trọng là đừng bao giờ mất niềm tin vào Thiên Chúa, và cần thể hiện niềm tin bằng những việc làm cho nhau; đặc biệt cho những ai đang sống trong các cảnh khốn cùng. Món quà ‘niềm tin’ này còn có giá trị hơn số tiền mà cha đã cho con mượn.

Thưa anh chị em,

Câu chuyện nói trên biểu lộ phần nào ý chính của dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe. Những diễn biến của ngày chung thẩm, ngày phán xét chung được diễn tả trong dụ ngôn quá đầy đủ. Trong ngày đó, Chúa sẽ không chất vấn về lòng sùng đạo qua việc đọc bao nhiêu kinh? Cầu nguyện bao nhiêu lần? Xưng bao nhiêu lần và xưng các tội nào? Rước lễ có theo ý ngay lành hay không? Đã tham gia bao nhiêu chuyến hành hương hay có một lòng một ý khi tham dự các nghi thức phụng vụ như Thánh Lễ hay không?

Nhưng, trong ngày đó, Ngài sẽ hỏi chúng ta đã làm gì cho nhau? Muốn có câu trả lời cho ngày đó, thì ngay bây giờ, trong mọi giây phút của cuộc sống; chúng ta cần để cho Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay chất vấn và chỉ có một việc duy nhất mà chúng ta cần thực hiện là nỗ lực làm cho trần gian này trở thành nơi chan chứa tình huynh đệ, nơi không còn chia rẽ, nơi mà những giọt lệ của đau thương sẽ nhường chỗ cho niềm vui và an bình, nơi mà người tốt và xấu có thể sống chung hòa bình. Quả thật, chúng ta không cần chờ đến ngày tận thế mới thấy Chúa. Và nếu chúng ta chờ cho đến ngày đó mới thấy Chúa thì đã quá trễ rồi! Nhất là làm sao chúng ta có thể nhận ra ai là Chúa, một khi trong cuộc sống chúng ta chưa hề gặp gỡ hay có một kinh nghiêm nào về Ngài! Trong khi đó, ngay bây giờ và trong lúc này, Chúa đang ở giữa chúng ta, đặc biệt nơi những người khốn khổ nhất.

Có một chi tiết trong bài Tin mừng gây không ít ngạc nhiên là trong câu trả lời của cả hai nhóm, chiên cũng như dê, những người thực hiện lòng thương xót và những ai không làm, đều không biết đến sự hiện diện của Chúa ở nơi những con người khốn khổ và bé mọn. Họ nói: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, Chúa khát mà cho uống, Chúa trần truồng mà cho áo mặc, Chúa đau yếu hay bị giam trong các nhà tù mà đến thăm rồi phục vụ Chúa đâu?” Như vậy đâu là động lực khiến họ khác nhau? Phải chăng nhóm thuộc về phe chiên là những ai sống theo lương tâm và nhịp đập của con tim, biêt rung cảm trước các nỗi khốn cùng của nhau; còn nhóm dê thì không. Như vậy, trước khi để cho Lời Chúa tác động, con người cần sống với chất liệu và nhịp rung cảm của trái tim, để thực hiện lòng thương xót và quan tâm cho nhau trước.

Thật ra, chính con tim nhậy cảm mà Chúa đã đặt vào trong thân xác tôi đã dậy cho tôi biết rằng: tha nhân và Chúa không hề tách biệt nhau. Ngoài con tim nhậy cảm, chúng ta còn được Lời Chúa huớng dẫn nữa. Cụ thể, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay đã tỏ cho tôi biết rằng Chúa đã nên đồng hình đồng dạng với con người, đặc biệt những ai bé mọn: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Còn lời khẳng định nào rõ ràng hơn. Đức Giêsu đã xác định thật rõ ràng về sự liên hệ mật thiết giữa những người bé nhỏ, hèn mọn này với Người. Vì thế, những việc chúng ta làm cho nhau vì Chúa, hay vì đuợc khen thuởng rồi cũng bị phơi bày ra hết.

Như vậy, qua dụ ngôn này, Chúa nhắc nhở và hối thúc chúng ta cần xông xáo ra đi khỏi mình để chia sẻ và xoa dịu những nỗi đau của nhau. Đặc biệt thực hiện lòng thương xót nơi những con nguời thiếu ăn, thiếu mặc, không cửa không nhà, đang bị tù đầy, v.v… Thiếu ăn, thiếu mặc không hẳn là đói khát hay bị lạnh về phần xác, nhưng còn bao nhiêu người thiếu nụ cuời, không đựợc ủi an, tôn trọng. Không chốn nương thân không hẳn là không có nhà để ở, nhưng vì con người ngày nay ích kỷ hơn, không dám mở lòng ra đón nhận nhau và đôi khi còn tạo ra những rào cản để nhốt và giam giữ nhau…

Một vài nét tiêu biểu như thế. Còn biết bao nhiêu điều cần làm, kể sao cho hết. Nhưng với ai có con tim nhậy cảm trước nỗi đau của tha nhân thì tự họ sẽ tìm ra các phương thuốc để giúp nhau. Và, đối với các kẻ tin, một lần nữa, với lời xác quyết rõ ràng của Chúa, chúng ta không còn vịn vào bất cứ một lý do nào để từ chối những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống. Tất cả đều được quan tâm, không ai bị lọai trừ khỏi lòng mến của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Người không chỉ hiện diện trong nhà thờ, hay tại những cuộc biểu dương tôn giáo; nhưng mãnh liệt và xác thực hơn cả là Người đang hiện diện trong đời sống của những người bé mọn và khốn cùng.

Dụ ngôn này được công bố vào Chủ nhật cuối của năm phụng vụ và nói đến việc thẩm định của Chúa trong ngày sau cùng. Nhưng không phải là chấm dứt. Cùng với Hội Thánh trên cuộc lữ hành trần thế, chúng ta sống với niềm hy vọng về cùng đích của đời mình là được Đức Kitô đón về nhà Cha để tham dự bữa tiệc hồng phúc, bữa tiệc cánh chung. Với niềm hy vọng đó, chúng ta bắt đầu lại con đuờng sống đạo bằng một khởi điểm mới phù hợp với những thách đố của Tin Mừng, đó là trong Đức Ki-tô, chúng ta quyết tâm làm chứng cho nhân lọai nhận ra tình thương của Thiên Chúa bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau.
Amen

Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR

No comments: