Ngày 9
tháng 11 năm 2017, cách đây 285 năm trước (1732 – 2017), cha Thánh An Phong
cùng các bạn đồng chí hướng tuyên khấn thiết lập một Hội Dòng mang tên Chúa Cứu
Thế, sự kiện này được diễn ra trong một hang đá hoang bên sườn núi Scala, một
ngọn núi cao chót vót, đường đi hiểm trở (miền Nam nước Ý ngày nay), thủa ấy
thuộc vương quốc Napoli, ngọn núi trên đường dẫn ra hải cảng tuyệt đẹp mang tên
Almafi.
Duyên
nợ khai sinh Nhà Dòng từ một biến cố Cha Thánh An Phong bị kiệt sức, sau những
ngày ngài thi hành mục vụ một cách tận tâm tận lực dành cho những người nghèo ở
Napoli, các bác sĩ khuyên ngài đi nghỉ ở Almafi để lấy lại sức khỏe, nhưng trên
đường đến khu an dưỡng Almafi, Cha Thánh dừng chân nghỉ ở Scala, ở đây ngài gặp
những người chăn gia súc trong rừng sâu.
Những người này không chỉ nghèo khổ nhưng còn là những
con người bị bỏ rơi hoàn toàn, không ai mang đến cho họ một sự trợ giúp nào cả,
suốt ngày lang thang trong rừng với đàn vật, dĩ nhiên họ thiếu thốn đủ điều, từ
vật chất đến tinh thần, không ai nói cho họ biết về Tin Mừng. Cuộc sống trong
rừng sâu loại họ ra khỏi xã hội loài người, bị bóc lột và bị chà đạp không
người cứu giúp, họ chỉ khác con vật là ở chỗ còn biết suy nghĩ, biết nói tiếng
nói của loài người nhưng lại chẳng biết nói với ai và cũng chẳng ai nghe họ.
Cha Thánh lưu lại với họ một thời gian rồi trở về Napoli kêu gọi các bạn đồng chí hướng cùng đến Scala với
ngài. Thật ra không phải chỉ đến khi gặp Scala Cha Thánh mới tiếp cận người
nghèo, nhưng khi còn là một luật sư, ngài đã có tâm hồn hướng về người nghèo và
liên đới với người nghèo cách mãnh liệt, Khi trở thành Linh Mục, thay vì lui
tới với giới quý tộc như phần đông các Giáo Sĩ thời ấy, Cha Thánh đã dành gần
hết thời gian mục vụ của mình cho người nghèo, những Nguyện Đường ban đêm cho
giới nghèo bốc vác, buôn thúng bán bưng tại các con hẻm ngõ phố của Napoli minh
chứng điều đó.
Khi quy tụ anh em để thiêt lập Hội Dòng, mọi hoạt động
của nhóm tiên khởi này được thực hiện trong khắp sáu tỉnh miền quê của Napoli
(Thỉnh nguyện thư 1748 của Cha Thánh An Phong), Hội Dòng mới này chuyên chăm lo
cho người nghèo và người bị bỏ rơi hơn cả. Mãi đến năm ngày 25.2.1749, Tòa
Thánh mới chuẩn nhận Hội Dòng chính thức được thành lập với sự phê duyệt của
Đức Thánh Cha Benedicto XIV. Lý do “vì
người nghèo” đã không thuyết phục được Tòa Thánh, các Hội Dòng đều được
thiết lập vì người nghèo và cho người nghèo, đã có quá nhiều Nhà Dòng hiện diện
theo tôn chỉ ấy nên không cần phải có thêm một Nhà Dòng mới nào nữa. Cha Thánh
phải xác định được thành phần được ghi rõ là “bị bỏ rơi hơn cả”, khi ấy Tòa Thánh mới đồng ý. Và như thế, Dòng
Chúa Cứu Thế được thiết lập nhằm loan báo Tin Mừng “cho những người bị bỏ rơi
hơn cả, đặc biệt là những người nghèo” (HP. 01#3).
Như để làm rõ thêm hoạt vụ thừa sai của mình, Hiến
Pháp nhấn mạnh: “Trong số những nhóm người cần đén sự trợ giúp thiêng liêng hơn
cả, chúng ta đặc biệt chăm sóc người nghèo, người thấp hèn và người bị áp bức”
(HP.04). rồi Hiến Pháp tóm kết: “Ưu tiên
chọn lựa người nghèo, đó chính là lý do Dòng hiện diện trong Hội Thánh và là
biểu chứng của việc trung thành với ơn gọi đã lãnh nhận” (HP.05).
Quy Luật
của Dòng đã khai triển thật cụ thể những gì Hiến Pháp nói trong QL.09:
a. Các Tu Sĩ DCCT phải không ngừng tìm kiếm những người thiếu sự trợ
giúp thiêng liêng hơn hết, nhất là người nghèo, người cô thân cô thế và người
bị áp bức.
b. Tu Sĩ DCCT không bao giờ được giả điếc làm ngơ trước tiếng kêu của người
nghèo và người bị áp bức, nhưng phải có nhiệm vụ tìm kiếm những giải pháp giúp
họ”.
Ngày 31
tháng 5 năm 2017. Cha Bề Trên Tổng Quyền Michael Brehl, đã gởi cho anh em toàn
Dòng một lá thư của “Năm Thánh Hành Hương với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Cha đề cập
đến sứ vụ của Mẹ và tóm kết trong 4 từ khóa: Đồng hành, Quy tụ, Cầu nguyện và
Đấu tranh cho công bình.
“ĐỒNG HÀNH với
người bị bỏ rơi và người nghèo khổ bằng lòng thương cảm, sự dịu hiền và tình
mẫu tử. Sự đồng hành này đòi buộc chúng ta phải có tình liên đới đích thực, để
dấn thân đến gần bên nhau suốt đời, để trung thành và luôn kịp thời, cách đặc
biệt trong những hoàn cảnh khó khăn và thách đố.
QUY TỤ Dân Thiên Chúa như những người hành hương,
cách riêng những người nghèo và đau khổ. Hãy tạo ra những nơi chốn an toàn cho
người bị bỏ rơi và người nghèo để họ có thể đến với nhau và gặp gỡ nhau.
CẦU NGUYỆN giữa lòng
Dân Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của Lời Chúa, “những dấu chỉ của thời đại”, và
kinh nghiệm của người nghèo. Chúng ta cùng nhau phải tiến hành biện phân trong
cầu nguyện sâu xa hầu biết làm thế nào để hành động với lòng thương xót nhân
từ, công bình và yêu thương.
ĐẤU TRANH CHO CÔNG BÌNH bằng sức mạnh có tính cách mạng
của Lòng Mến và sự dịu hiền. Lòng sùng kính đưa chúng ta vào sự liên đới trong
lời cầu nguyện để biến đổi và chữa lành thế giới bị thương tích của chúng ta.
Cuộc đấu tranh cho công bình này là hệ quả của một Đức Tin cắm rễ sâu vào mầu
nhiệm nhập thể.”.
Rồi cha
Bề Trên Tổng Quyền đề nghị mỗi cộng đoàn, mỗi Tỉnh Dòng, mỗi ngôi đền Đức Mẹ… hãy
duyệt xét lại với bốn câu hỏi:
1. Bằng cách nào chúng ta đồng hành với
người nghèo và người bị bỏ rơi, người bị thương tích và đau khổ? ...
2. Ở đâu chúng ta có thể tạo nên những
không gian để quy tụ Dân Thiên Chúa, những nơi an toàn cho các cuộc gặp gỡ đích
thực được diễn ra? ...
3. Tất cả các Nhà Thờ và Đền, các cộng
đoàn và các cơ sở của chúng ta hãy đưa ra những khả năng cho việc cầu nguyện và
suy tư...
4. Việc sùng
kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta có lôi kéo chúng ta vào một sự dấn thân
sâu xa hơn cho việc đấu tranh cho công bình hay không? ...
Giữa
một xã hội Việt Nam hôm nay đầy thương tích, như thương tích trên cơ thể Đấng
Cứu Thế, từ khi nào Thiên Chúa đã an bài cho Dòng Chúa Cứu Thế gieo mầm và nảy
sinh, thì chính mỗi Tu Sĩ DCCT có còn trung tín với ơn gọi của mình nữa chăng?
Có còn lý do để hiện diện nữa không? Sinh nhật thứ 285 của Nhà Dòng là một dịp
xem xét và biện phân dưới ánh sáng đặc sủng. Xin chia sẻ với bạn đọc với lời
thỉnh cầu mọi người thêm lời cầu nguyện cũng như thêm gắn bó đồng hành với anh
em DCCT chúng tôi.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 9.11.2017
No comments:
Post a Comment