Wednesday 1 November 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR: TÌNH YÊU NỐI KẾT SỐNG VÀ CHẾT



Khi còn sống tại quê nhà, mỗi độ Xuân về tết đến, chúng ta đặc biệt dành ngày mùng 2 để kính nhớ ông bà tổ tiên. Con cháu có dịp thăm viếng, sửa lại phần mộ và cầu nguyện để tưởng nhớ các ngài. Ngày nay, sống trên đất Úc, cũng vào mùa Xuân, chúng ta không chỉ có l ngày, nhưng là cả tháng để tuởng nhớ các linh hồn đã ra đi trước chúng ta về nhà Cha. Việc cầu nguyện và tưởng nhớ này thường bắt đầu bằng lễ Các Thánh. Đây không phải là việc sắp xếp vô tình. Bởi vì qua việc mừng lễ các Thánh, chúng ta diễn tả niềm hy vọng rằng tổ tiên và toàn thể những người quá cố đã được chia sẻ sự thánh thiện của Thiên Chúa trên quê hương đích thực. Tuy sống trong niềm hy vọng như thế; nhưng chúng ta cũng không thể chối bỏ những mỏng dòn và yếu đuối của thân phận làm người; vì thế việc tinh luyện để cho hoàn hảo như sự thiện hảo của Thiên Chúa là việc cần thiết. 

Chúng ta tin rằng, dù sống hay chết chúng ta luôn thuộc về Chúa; cùng chia sẻ một nguồn sống chung xuất phát từ sự sống lại của Chúa.  Vì thế, chúng ta không cần chờ cho đến lúc chết đi rồi mới nhớ đến và cầu nguyện cho nhau; nhưng việc tuởng nhớ và cầu nguyện cho nhau và với nhau cần được thực hiện trong hành trình sống của con người, dù còn sinh thời hay sau khi chết. Một khi đã quên nhau thì quả thật cho dù họ còn sống, nhưng với chúng ta thì họ đã chết. 

Khi còn sống chúng ta cầu nguyện cho nhau. Và lời cầu nguyện, sự hiệp thông giữa các tín hữu không dừng lại ở sự chết. Sự hiệp thông và tưởng nhớ đến nhau còn mãnh liệt hơn sau khi chết đi. Mỗi khi nhớ và cầu nguyện cho họ là lúc chúng ta dâng lên Chúa những tâm tình tạ ơn vì lượng ân sủng mà Người đã ban cho khi họ còn sống. Đồng thời, đó cũng là dịp chúng ta nhìn lại hành trình sống đạo mà chuẩn bị lối sống chờ ngày Đức Kitô đến đón đi về nhà Cha. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng xin lễ để cầu nguyện cho các người quá cố là một cách diễn tả sự nhớ thuơng, biểu lộ mối hiệp thông giữa chúng ta và họ. Hơn thế nữa, qua việc xin lễ chúng ta làm chứng cho thế giới biết rằng sự chết không hề ngăn cản hay làm cho các mối dây tương quan mà chúng ta trao gửi cho nhau khi còn sinh thời bị biến mất. Nó vẫn còn hiện diện, dù thân xác và các mối tuơng quan nhân loại không còn nữa.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người trong chúng ta cho rằng những người đã chết không còn cơ hội tạo công nghiệp để đền bù các thiếu sót và những lỗi phạm khi còn sống. Vì thế họ rất cần lời cầu nguyện, nhất là bằng việc xin lễ của chúng ta. Tôi cảm thấy quan niệm này hình như không mấy tích cực. Bởi vì ngay khi chúng ta còn là tội nhân (chưa tạo được chút công nghiệp nào) mà Thiên Chúa còn sai Con của Ngài đến để ban ơn cứu độ; phương chi bây giờ chúng ta là con cái Thiên Chúa, thì Ngài còn yêu thương ta dường nào. Nói cách khác, ơn cứu độ và sự thánh thiện hoàn toàn phát sinh từ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là đón nhận, và các việc đạo đức của chúng ta chỉ là họa ảnh của sự thánh thiện nơi Thiên Chúa. 

Chúng ta không nên có cái nhìn bi quan về số phận của những kẻ đã chết. Số phận của họ chỉ mình Chúa biết, và chỉ có một mình Ngài là Đấng duy nhất biết rõ lòng tin của họ; còn chúng ta là ai mà có thể định đoạt về cuộc sống của người khác. Vì thế tôi rất lạc quan và tin tưởng về số phận của những người đã chết, họ đang sống gần Chúa hơn chúng ta, họ đang nghỉ yên để thụ hưởng tình yêu và sự hiệp thông - cho dù chưa trọn vẹn - của Chúa. Chúng ta hy vọng họ được gia nhập vào hàng ngũ các Thánh. Tôi xác tín rằng ‘Thiên Chúa của chúng ta là Đấng giầu lòng xót thương, chậm bất bình và không kể tội của con mình’. 

Và như vậy thật là sai lầm khi chúng ta nghĩ về Thiên Chúa là Đấng bắt con mình nhận lỗi trước khi ban ơn tha thứ; và đôi khi còn dùng hình phạt để bắt con mình nhớ các lỗi lầm mà chừa bỏ! Thật ra, sự tha thứ của Thiên Chúa còn là ơn thánh hóa và thăng hoa: Như trường hợp của ông Gia-kêu và đứa con thứ, khi trở về nhà Cha chẳng người nào bị hạch tội hay phải nhắc lại quá khứ của mình. Trái lại còn được trọng thưởng và mở tiệc mừng ăn khao. 

Số phận của các người quá cố thật rõ ràng là họ sẽ được ở với Chúa, như lời Thánh Phao-lô: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền ... như những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su... Như thế chúng ta sẽ được ở trong Chúa luôn mãi.” (1 Thêxalonica 4:13-17)
 
Quả thật, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã săn sóc chúng ta khi còn sống, thì chắc chắn Ngài còn săn sóc và thương yêu chúng ta nhiều hơn nữa khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa sự chết để về nhà Cha. Tuy nhiên con người cũng không thể chối bỏ được thân phận yếu đuối và những lỗi phạm của kiếp nhân sinh; nhất là không ai trong chúng ta có thể yêu Chúa và anh em một cách trọn hảo như Chúa đã yêu. Vì vậy, tình yêu cần được thanh luyện, cần được lớn lên. 

Việc thanh luyện này diễn tả tình trạng sống của con người - khi còn sống cũng như sau khi chết – hơn là ám chỉ đến nơi chốn như cụm từ ‘luyện ngục’ mà chúng ta thường được nghe. Vì chúng ta tin rằng sự chết dẫn con người bước vào hành trình mới, rộng lớn và bao la hơn hành trình trên dương thế. Qua sự chết, con người chuyển sang vũ trụ khác, ở nơi đó không còn đau khổ, không còn hận thù ...; nhưng chỉ có bình an, hoan lạc và niềm vui, tất cả đều ở trong tình trạng vĩnh cửu; và cũng chính lúc đó con người được thu hút vào vũ trụ tràn đầy tình thương của Thiên Chúa, như Thánh Phao-lô từng nói: “Bây giờ (khi còn sống) chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau (qua sự chết) sẽ được giáp mặt. Bây giờ tôi chỉ biết có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. (1 Cor. 13:12-13)
 
Như vậy, mối tương quan của chúng ta với người quá cố, và với Chúa được đặt trên nền tảng của sự yêu thương. Và trong thân phận làm con Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi sống và xây dựng tương quan tình yêu đó với nhau. Chính vì sức mạnh của tình yêu giúp chúng ta xác tín rằng cho dù thân nhân của chúng ta đã lìa cõi thế về mặt thể lý; nhưng sự hiện diện của họ luôn tồn tại vĩnh viễn trong lòng yêu thương và sự tưởng nhớ của chúng ta, không chỉ trong tháng 11 mà thôi; nhưng trong mọi ngày của cuộc sống. 

Vì vậy, cho dù sống hay chết! Tình yêu vẫn tiếp tục nối kết chúng ta thuộc về Chúa. 

Amen
Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR


No comments: