Qua dụ
ngôn các nén bạc hôm nay, Chúa muốn nhắc chúng ta nhớ rằng: mỗi người sinh ra
trong trần gian này đều đuợc Chúa ban cho những ân huệ đặc biệt và khác nhau.
Không ai giống ai. Mỗi người là một cá thể thật quan trọng và đều có một chỗ
đứng riêng biệt trong trái tim yêu thương và chương trình của Thiên Chúa. Bổn
phận của chúng ta là nhận ra vị trí của mình để ý thức hơn trong việc quản lý
những gì mà Chúa trao ban cho con người. Trí khôn, khả năng đặc biệt mà chúng
ta hay gọi là thiên phú, vật chất, của cải đều là những tài nguyên của Thiên
Chúa ban chung cho nhân loại, chứ không cho riêng ai. Do vậy, tất cả đều được
mời gọi làm giàu và sinh lợi cho Chúa những hồng ân mà mình đã nhận.
Người nhận
đuợc một nén ít hơn người được năm nén, đó là điều rõ ràng; nhưng đối với Chúa
thì một nén là tất cả những gì mà ông ta cần. Điều quan trọng không nằm ở chỗ
nhận nhiều hay nhận ít, nhưng ở chỗ là biết dùng tài năng đó như thế nào. Bổn
phận của chúng ta là sinh lợi không cho mình mà là cho chủ. Nhưng, người có một
nén đã chọn việc đem chôn giấu đi, rồi sau đó lý luận và đổ thừa cho chủ. Trong
câu chuyện không hề có một chi tiết nào nói ông chủ là người hà khắc; thế mà
ông ‘1 nén’ này đã không nhận ra sự sai lầm của mình. Ông tuởng là ông đã biết ý
của chủ; tình thực ông đã sai, khi chỉ biết nghĩ đến sự an toàn cho chính bản
thân rồi làm theo ý mình; còn gán cho chủ nhận định sai lầm của ông: “…, tôi
biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.”
Đây là một
trong những sai lầm mà chúng ta thường vấp phải. Thay vì phát huy ân huệ đã
đuợc trao ban, chúng ta lại dùng những gì đã lãnh nhận để đầu tư vào ‘cái tôi’ và
làm cho nó ‘trương phình’ lên, phình đến độ chúng ta thay quyền Chúa làm chủ đời
mình. Phải chăng ‘cái tôi’ và tham vọng đã làm thay đổi vị trí của Chúa trong cuộc
sống chúng ta. Thay vì làm vinh danh Chúa được cả sáng thì bằng mọi cách và dưới
mọi phuơng tiện, chúng ta làm để mình được tôn vinh. Như vậy, có nghĩa là Chúa đã
bị chôn vùi trong chính cái tôi của mình.
Dựa vào kinh
nghiệm khi làm việc, chúng ta có thể nhìn thấy một số hiện tuợng không mấy tốt
đẹp vẫn thuờng xẩy ra cho một số người; đó là khi đuợc trọng dụng và kính phục
thì họ rất hăng say trong các công tác. Việc nào cũng có mặt, công tác nào cũng
tham gia. Họ không chỉ cống hiến tài năng và tiền của mà còn khuyến khích và
kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Nhưng khi gặp chuyện bất
bình, bị chạm vào ‘cái tôi’, họ không chấp nhận sự góp ý của người khác, bèn
lập bè tạo phái, rồi tìm những sơ hở của người khác và buông ra những lời chỉ
trích thật nặng nề và thiếu tình bác ái. Thậm chí, họ còn có ý nghĩ là chỉ mình
họ mới có đủ khả năng để hòan tất tốt đẹp những công tác mà hiện nay chính họ
không muốn đụng ngón tay vào nữa.
Trong dụ
ngôn hôm nay, khi trao những nén bạc cho các gia nhân ông chủ đã không ban cho
họ một lịnh truyền hay lời chỉ dẫn nào rõ ràng. Điều này có nghĩa là ông tôn
trọng tự do của họ. Dù được tự do; nhưng người nhận 2 nén và 5 nén đã không lạm
dụng tự do để làm giầu cho bản thân, bởi vì họ biết rằng sẽ có một ngày ông chủ
sẽ đến tra vấn về những gì mà họ đã nhận.
Đối với
chúng ta là những tín hữu, chúng ta cũng được mời gọi hành xử tự do với vốn
liếng đã được trao ban. Sự tự do này khiến chúng ta liều lĩnh chấp nhận mọi
thua thiệt để trung tín với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng. Liều lĩnh
trong niềm tin vào Thiên Chúa là một trong những đức tính cần thiết mà chúng ta
cần có. Liều lĩnh để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa là một ơn gọi vô cùng
cao quí mà Chúa đã mời gọi. Đây còn là một đòi hỏi vô cùng cần thiết cho thế
giới bị tục hoá mà chúng ta đang sống hôm nay.
Hành vi
của lòng tin được đánh giá bởi lòng mến và các việc bác ái như thánh Gia-cô-bê
viết: “Giả như có anh chị em nào không có áo che thân, không có của ăn hằng
ngày, mà anh chị em lại nói với họ: “hãy đi bằng an, mặc cho ấm và ăn cho no,
nhưng lại không cho họ những thứ họ đang cần, thì nào có ích gì? Cũng vậy, đức
tin không có việc làm thì quả là đức tin chết.” (2: 15-17) Và đức tin mà không
dựa trên lòng mến thì nào có ích gì.
Thưa anh
chị em,
Trong cuộc
đời của thánh An-Phong-Sô, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, Cha của chúng tôi, chỉ
tha thiết một điều và chỉ có một điều này mà ngài đã đeo đuổi trong suốt cuộc
đời là: “Hãy yêu mến Chúa Giê-su”. Hôm nay chúng ta mừng lễ các thánh tử đạo
Việt Nam, cha ông chúng mình. Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận gương can
đảm, chấp nhận mọi khổ hình mà cha ông chúng mình đã trải qua. Sử sách đã ghi lại
bao nhiêu loại cực hình khác nhau đã đuợc dùng để tra tấn các ngài như: nhẹ thì
gông cùm, giam tù, bỏ đói; nặng hơn một chút là cho voi dầy, phơi nắng và ném
xuống sông; quyết liệt hơn thì bị chặt đầu, bị thắt cổ hay bị đốt cháy; man rợ
và hiểm độc nhất là bị phân thây ra từng mảnh hay là tùng sẻo… Chỉ cần tuởng
tượng những cực hình nói trên cũng khiến cho con người ngày nay run sợ hãi hùng.
Tất cả các
cực hình đó không nhắm đến các nỗi thống khổ về phần xác; nhưng tất cả đuợc áp
dụng để thử lòng trung tín với Chúa của các ngài. Vì thế, thật là thiếu sót,
nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến những nét hào hùng, những tấm gương can đảm,
những cực hình mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu mà quên đi động lực chính
đã giúp tổ tiên mình đi đến cùng; đó chính là lòng yêu mến Chúa Giê-su của các
ngài. Vì yêu mến mà cha ông chúng ta đã từ khước tất cả và chấp nhận chết cho
tất cả.
Thật vậy,
sự hiểu biết giáo lý hay những tín điều về Thiên Chúa của các ngài thật nông
cạn. Các ngài cũng không có những suy tư cao siêu về thần học. Nhưng khi trở
thành tín hữu ‘một nén’, các ngài đã yêu Chúa bằng tất cả con người của các
ngài. Đỉnh cao của tình yêu nơi các ngài được thể hiện qua việc chấp nhận cái
chết không vì phần thưởng đã dành sẵn cho những ai trung tín với Chúa mà thôi;
nhưng qua hành vi tự hiến các ngài đã noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã hiến thân
để bày tỏ lòng mến tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân lọai. Tiến ra pháp truờng
bằng niềm tin và lòng mến cho nên tâm hồn cha ông của chúng ta rất thư thái và
bình an, miệng các ngài vang lên những lời tha thứ và trên môi là nụ cuời hân
hoan của niềm vui sắp đuợc đoàn tụ với Chúa Giêsu, Đấng mà các ngài cả đời yêu
mến và trông đợi.
Hôm nay
chúng ta cũng được mời gọi sống trọn vẹn và sống cho đến giây phút cuối cùng bằng
lòng mến. Đó chính là tâm huyết của cuộc sống. Và đó cũng là phương thức làm
giàu các ân huệ và khả năng mà Chúa đã trao ban để sinh lợi cho Chúa, không cho
sự an toàn của bản thân mình. Rồi, cũng giống như cha ông mình, các bậc tiền
bối đã sống trọn vẹn lòng mến vì danh Chúa Kitô, mỗi người chúng ta đến lúc đó,
sẽ nhận đuợc Lời Chúa phán rằng: “Hỡi con yêu dấu, con đã trung tín trong việc
nhỏ mà ta đã trao phó, thì giờ đây ta sẽ đặt con trông nom việc lớn hơn. Hãy
vào mà hưởng niềm vui với Ta.”
Ước gì ai ai
cũng được như vậy.
Amen.
Lm Joe Mai
Văn Thịnh
No comments:
Post a Comment