Chiên đứng bên phải
Có
vẻ như Chúa Giêsu coi trọng chiên hơn dê, nên trong dụ ngôn này, chiên được là
biểu tượng cho những người tốt bụng, được đứng bên phải Đức Vua (Chúa Giêsu),
được Thái Thượng Hoàng (Chúa Cha) chúc phúc, được khen, được ân thưởng cho vào
Nước Trời, nơi đã dọn sẵn chỗ cho họ thật sung sướng.
Chuyện
cho ăn, cho uống, cho mặc, tiếp rước, chăm sóc và thăm nuôi, không ghi rõ là một
lần hay nhiều lần, chỉ thấy Chúa Giêsu bảo: “Xưa Ta thế này, các người đã làm
thế này...” Vậy có thể hiểu đây là chuyện thường xuyên làm, làm ở mọi nơi mọi
lúc, làm suốt đời, làm như một phản xạ tự nhiên, làm vô điều kiện, làm ân cần tận
tụy bằng cả tâm hồn yêu quý và tôn trọng thật sự những ai đói khát, trần truồng,
bị lỡ đường, bị đau ốm, bị tù đày.
Điều đáng lưu ý,
đó chính là người nghèo họ lo cho nhau hay thật là hay, chia sẻ với nhau nhanh nhảu
và nhiều sáng kiến hơn người giàu có khá giả đối đãi với nhau. Ta không đến nỗi
nghèo, ta cũng có lòng tốt với người nghèo, nhưng xét cho cùng ta có giúp người
nghèo phần nào thì cũng chỉ mới là cho đi cái phần dư thừa của ta mà thôi, giúp
xong dường như ta vẫn thế, chẳng nghèo bớt đi tý nào, lại còn được tiếng là… ân
nhân! Trong khi người nghèo mà giúp nhau thì có nhiêu giúp nhiêu, giúp hết,
giúp toàn phần, giúp xong mà trắng tay cũng chẳng sao, sẽ lại có ai đó cũng
nghèo như họ, có khi còn nghèo hơn họ, sẽ giúp họ!
Một cha già DCCT có kể một chuyện cách nay đã 25 năm, vậy
mà tính thời sự vẫn nóng hổi. Một gia đình nghèo trong Xóm Giáo cha phụ trách hết
gạo ăn, cha vội về Nhà Dòng, vào bếp lấy gạo, khi mang đến nơi thì thấy họ đang
nấu nồi cháo, hỏi ở đâu có gạo mà nấu thì hoá ra nhà hàng xóm là một nhà không
Công Giáo, cũng nghèo ngang ngửa, có mỗi hai lon gạo, mang sang chia một lon, họ
còn một lon, như vậy cả hai nhà sẽ được cùng ăn cháo, chứ không để nhà thì ăn
cơm, nhà thì nhịn đói.
Dê đứng bên trái
Ngược với chiên, dê bị coi là biểu tượng cho những người
xấu bụng, hẹp hòi, phải đứng bên trái Đức Vua, bị nguyền rủa, bị xua đuổi, bắt
vào hỏa ngục, dưới quyền thống trị của đủ các thứ quỷ. Tất cả chỉ vì đã không
cư xử tử tế nhân ái đối với những ai đói khát, trần truồng, bị lỡ đường, bị đau
ốm, bị tù đày.
Cũng cần hiểu ngay đây là thái độ,
cung cách vô cảm, thản nhiên và thường xuyên khép lòng trước nỗi khổ, nỗi đau,
nỗi cô đơn của tha nhân khốn cùng quanh mình. Thật ra họ đâu có làm điều gì xấu
nào đâu! Chẳng có tòa án nào có thể kết tội họ. Nhưng hóa ra từ chối không làm
điều tốt cũng chính là gián tiếp làm điều xấu, để cho cái xấu cái ác lấn lướt
hoành hành mà xúc phạm phẩm giá con người!
Và như thế, có thể mãi sau này, khi bản thân họ xui xẻo
lâm cảnh ngặt nghèo bi đát, may ra chỉ còn có tiếng nói lương tâm rỉ rả thì thầm
sâu nơi đáy lòng làm cho họ thấy áy náy ray rứt chăng?
Một lần đi thăm và tặng quà cho bệnh
nhân phong ở trại Êana, Buôn Ma Thuột, ngoài gạo, mì tôm, các thứ nhu yếu phẩm,
có mang theo mấy chục đôi giầy bata bảo hộ lao động của công nhân, loại Nhà Nước
sản xuất. Có ông già người dân tộc Êđê ngồi khóc một mình, ông bảo: "Hồi
tôi còn chân thì không thấy ai cho giầy, bây giờ ông cha đem giầy lên cho thì tôi
cụt mất cả hai bàn chân rồi!" Vậy thấy người nghèo cần gì, ta giúp được gì
thì phải giúp ngay, không được do dự chần chừ.
Đức Vua ngồi trên ngai ở giữa
Chúa Giêsu đặt dụ ngôn này trong viễn cảnh Ngày Quang
Lâm, phán xét tất cả cuộc sống con người, thưởng phạt công minh, Thiên Đàng và
Hỏa Ngục phân định đâu ra đó, nghĩa là chung thẩm rồi chứ không còn là sơ thẩm
với phúc thẩm, không thể kháng án hay cho điều tra lại để xin giảm án hoặc tha
bổng nữa.
Cái
hay ở đây là khi làm điều tốt cho người ta, không ai ngờ lại cũng là làm điều tốt
cho chính Chúa Giêsu! Ngược lại, cái đáng sợ là khi không làm điều tốt cho người
ta, thì chẳng ai ngờ cũng là đã từ chối, không làm điều tốt cho chính Chúa
Giêsu!
Chúa Giêsu ẩn mình nơi người nghèo, người gặp hoạn nạn,
người lâm cảnh khốn cùng, hay nói kiểu khác, Chúa Giêsu muốn đứng chung một
phía, muốn ở cùng với họ, muốn họ là hiện thân hôm nay của Ngài giữa cuộc đời.
Cách đây 37 năm, một lần cha Thành
Tâm đến giúp Tĩnh Tâm cho ca đoàn Phanxicô Đakao, nghe cha ôm đàn ghita hát mà
rùng mình: "Có những lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã gặp Ngài
nhưng chẳng biết Ngài. Có những lúc chúng ta vô tâm không để ý Ngài, người ăn
xin hèn yếu…"
Thánh Vinh Sơn Phaolô bảo các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn:
"Khi cần, dù đang giờ Phụng Vụ, hãy tạm biệt Chúa Giêsu nơi Nhà Thờ để chạy
đi thật nhanh, kịp gặp Chúa Giêsu nơi người nghèo"…
Và Phúc hay Họa, được thưởng hay bị phạt, tất cả nằm ở mấu
chốt: có làm hay không chịu làm điều tốt trong đời này mà thôi!
Còn chúng ta sẽ đứng ở đâu ?
Khi xét xử Chung Thẩm, không thấy Chúa Giêsu phân loại theo
tôn giáo, hữu thần hay vô thần, màu da, giai cấp, đảng phái, địa vị, chức tước,
bằng cấp, nghề nghiệp, đi tu hay không đi tu, đoàn thể này hay hội nhóm kia, không
kiểm điểm có giữ chay nghiêm chỉnh, có lần chuỗi liên tục, có hành hương Đất
Thánh bao nhiêu bận, lại càng không thống kê Sổ Vàng đóng góp xây dụng Nhà Thờ
hay Quỹ bảo trợ Ơn Gọi này nọ... Rõ ràng Chúa Giêsu chỉ dựa trên duy nhất tiêu
chuẩn là đã cư xử tử tế, đối đãi nhân ái đối với người nghèo khổ và khốn cùng hay
không mà thôi.
Vậy có thể nói, tất cả, chẳng trừ ai trên đời, đều được
Chúa Giêsu đánh động lương tâm trong dụ ngôn này. Hơn thế nữa, cái đói ngày nay
không còn dừng lại ở cái đói ăn mà còn nhiều thứ đói khác đang cồn cào ngấu
nghiến nhân loại: đói văn hóa, đói nhân phẩm, đói bình an, đói tâm linh, đói một
ước mơ được có một Đấng để tin, được có một cõi để về.
Hình như người ta đang bị ru ngủ, mê muội ảo tưởng vào một
thế giới đang phát triển, đang giàu lên, đang dư thừa, đang no ấm, trong khi thực
tế cái nghèo cái đói ngày càng khốc liệt hơn, bị giấu đi đàng sau những ngôi
nhà cao tầng, những cầu vượt ngất ngưởng, những siêu thị hoành tráng.
Mẹ Têrêsa Calcutta chăm sóc cho quá nhiều những Giêsu trần
trụi không quần áo trên hè phố Ấn Độ, và Mẹ bảo: "Chiếc áo anh chị em đang
mặc là của anh chị em. Chiếc áo thứ hai là cái đáng lẽ của người nghèo. Chiếc
áo thứ ba là cái anh chị em đã cướp của một người nghèo nào đó mà vì thế họ
đang phải trần trụi". Thánh Vinh Sơn Phaolô cứ sợ mình chưa giúp những
Giêsu được no hơn tý nào thì lại có thể làm cho họ bị tủi thân hơn, nên ngài cẩn
thận dặn dò: "Khi anh chị em cho người nghèo một chiếc bánh, hãy nhớ kèm
theo một nụ cười chân thành, để nụ cười ấy xoá đi sự xúc phạm họ, tổn thương họ
mà anh chị em đã gây ra".
Ngoài những người như Cha Vinh Sơn, Đức Cha An Phong, Mẹ
Têrêsa, Abbé Pierre, bác sĩ Ruth Pfau, … thì còn ai nghe được tiếng nói của Vua
Nghèo Giêsu thều thào thì thầm ngay bên chúng ta: "Xưa Ta đói, nay Ta vẫn
đang đói…"
Lm.
Giuse LÊ QUANG UY, 2014 – 2017
No comments:
Post a Comment