Wednesday, 8 November 2017

Lm Joe Masi Văn Thịnh CSsR: AI KHÔN, AI DẠI?




Hôm nay, Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn để giảng dậy. Người đã dùng một hình ảnh quen thuộc về cưới xin của quê hương Người để nhắn gửi sứ điệp “Hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào hay giờ nào.” Đối với Chúa, chúng ta không tỉnh thức, ngồi đó mà chờ đợi; nhưng thái độ tỉnh thức của chúng ta mang tính tích cực và chủ động. Không ai trong chúng ta biết khi nào Chúa đến. Có một điều chúng ta biết rõ là chúng ta không tự mình đến và hiện diện trên mặt đất này. Chúa là Đấng đem chúng ta đến trần gian để chu toàn nhiệm vụ mà Chúa đã trao phó; vì thế, rồi cũng có một ngày Chúa sẽ đến cất chúng ta về. 

Trong hiện taị, như các cô gái trong dụ ngôn, chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng, bằng cách trang bị cuộc sống cho đủ số luợng dầu để khi Ngài đến, chúng ta có thể thắp đèn đón tiếp Ngài.

            Ngay trong phần đầu của dụ ngôn, Đức Giê-su nói rõ là trong mười cô đã có 5 cô dại khờ và 5 cô khôn ngoan. Sự khác biệt của họ là 5 cô dại khờ, mang đèn mà không mang theo dầu; còn 5 cô kia đuợc xếp vào lớp người khôn ngoan vì các cô đã biết chuẩn bị cho luợng ‘dầu’ mà các cô cần mang theo để đón chú rể. Vì thế, trong lúc chờ đợi; tuy đã ngủ thiếp đi, nhưng các cô cũng ngủ trong tư thế sẵn sàng; vì đã dự trữ đủ luợng dầu cần thiết cho cuộc ruớc. 

Có một số người giải thích dầu ở đây nghĩa là đức tin, cầu nguyện, việc tham dự các thánh lễ, những việc thờ phương khác, và tất cả những việc khác giống như vậy. Thật ra dầu chỉ là hiệu quả của việc chọn lựa; còn ‘đức khôn ngoan’ mới là động lực của cuộc sống, giúp họ luôn sẵn sàng để đón đợi chú rể đến, bất cứ lúc nào. 

Vậy họ là ai? Đó là những người đã tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa không bằng môi miệng mà còn bằng chính cuộc sống của họ. Họ là những người khôn xây nhà trên đá. Họ là những đầy tớ trung tín và khôn ngoan, chọn các điều làm lợi cho chủ. Họ là thành phần tìm kiếm ý định của Thiên Chúa để sống. Và, giống như 5 cô thiếu nữ khôn ngoan trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ là những người bằng lòng chấp nhận lối sống phù hợp với yêu cầu của Tin Mừng. Trong đó các tiêu chuẩn của Nuớc Trời, những phúc thật của bài giảng trên núi, như: nghèo khó, hèn mọn, đau khổ không hẳn là những điều bất hạnh xẩy đến cho họ. Trái lại giầu có, danh vọng, uy quyền lại có thể trở thành những chuớng ngại cản đường tiến lên hạnh phúc đích thật của chúng ta. 

Hôm nay ngòai đức khôn ngoan đuợc thể hiện qua việc mang theo luợng dầu để dùng trong việc đón tiếp chàng rể; chúng ta nên để ý đến một chi tiết khác trong bài Tin Mừng; khi cánh cửa phòng tiệc cưới khép lại, các cô khờ dại không đuợc vào dự tiệc cuới; và tiếng của chàng rể vọng ra: “Tôi bảo thật các cô, tôi không hề biết các cô!” (Mt 25:12). 

Qua đó, chúng ta nhận ra việc Chúa biết ta là điều cần thiết trong cuộc sống. Còn chúng ta, hãy tạo điều kiện để Chúa biết ta. Nghe thật lạ đời, phải không? Thưa anh chị em. Bởi vì chúng ta thường được dậy bảo là hãy ra đi tìm kiếm để biết Chúa. Tuy nhiên, kiểu chúng ta biết Chúa, ra lịnh cho Chúa làm theo ý mình, yêu cầu Chúa đến lúc mình muốn cũng là những hiện tuợng rất phổ thông trong cuộc sống.  

Trên đời này cũng có nhiều kiểu biết Chúa. Những kiểu ‘biết Chúa’ của chúng ta cũng lạ đời lắm! Có ai ngờ cả nhóm, cả gia đình, cả xứ đạo đều biết Chúa; thế mà Chúa của ông này chống Chúa bà kia! Chúa của chồng thì khác Chúa của vợ. Có nhiều lúc, cả ông lẫn bà đều mang Chúa ra thề, thề sống thề chết để bảo vệ phần thắng về mình; và không ai chịu thua, cuối cùng Chúa là Đấng thua, rồi cả ông và bà đều thắng, rồi nguội lạnh với nhau. Đấy ‘biết Chúa theo ý mình’ đem đến hiệu quả là mất bình an, chia rẽ và thiếu quảng đại trong yêu thuơng và không chấp nhận để tha thứ cho nhau. Vì thế, dù ta có biết Chúa đến độ nào, thì việc biết ấy vẫn là biết có ngần có hạn. Còn Chúa biết, là biết hết, biết rõ những gì sâu thẳm nhất trong đời sống của từng người. 

Như vậy, Chúa biết ta cần thiết hơn là ta biết Chúa.
            Muốn được Chúa biết, ta cần làm những việc giống như Chúa làm; sống tiêu chuẩn giống như Chúa sống; biết thông cảm và luôn tha thứ như Chúa thuờng thứ tha. Trên hết mọi sự là mời Chúa hiện diện trong mọi cách hành xử của chúng ta. Nếu chúng ta làm đúng như thế thì Chúa sẽ vui mừng; giả như chúng ta hành động chưa tốt lắm, thì cũng không nên lo lắng quá. Bởi vì Chúa biết và còn biết rất rõ về con nguời chúng ta, biết hoàn cảnh mà chúng ta đuợc dựng nên, biết rõ những giới hạn khiến những viêc làm của chúng ta chưa đuợc tốt như lòng mong uớc. Tất cả đều phát sinh từ sự yếu đuối. Chúng ta nên nhớ rằng: khi nhận ra sự yếu đuối của chính mình có thể là lúc chúng ta tạo điều kiện để cho sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong đời sống.  

Tóm lại, niềm tin và các việc đạo đức khác như: cầu nguyện, tham dự các nghi lễ chưa hẳn là chìa khóa mở cửa phòng tiêc cưới. Muốn tham dự tiệc cưới, người tín hữu cần có lối sống phù hợp với những điều Chúa dậy trong bài giảng trên núi. Nói cách khác, qua cách suy nghĩ, nói năng và hành động của chúng ta đều phải là họa ảnh lối sống của Chúa. Đó là cách chuẩn bị tốt nhất mà chúng ta cần thực hiện. Và khi nào Chúa đến không phải là việc của mình. Vì bất cứ ngày nào hay giờ nào Chúa đến, chúng ta cũng sẵn sàng đón tiếp và dùng bữa với Chúa. 
Amen! 
Lm Joe Mai Văn Thịnh CSsR

No comments: