Đọc thoáng qua trình thuật Tin mừng
hôm nay khiến chúng ta có thể nhận định rằng Đức Giêsu quá cứng rắn khi tấn
công lối sống giả hình, nói một đàng làm một nẻo của các ông kinh sư và những
người thuộc nhóm Biệt Phái thời bấy giờ. Thật ra, không hẳn là như thế. Người
muốn dùng lối sống không phù hợp với tinh thần của Tin Mừng của họ để mời gọi
và giáo huấn các môn đệ xem xét lại lối sống của mình: Đâu là tiêu chuẩn của đời
sống trong cộng đoàn, uy quyền đuợc trao ban cho chúng ta nhằm vào việc phục vụ
hay thống trị nhau đây?
Đức Giêsu không hề chủ trương dậy
chúng ta chống lại với quyền bính. Trái lại, Người yêu cầu chúng ta hãy tôn trọng
và vâng phục quyền bính; bởi vì lúc đó họ ‘ngồi trên tòa Maisen’ để thi hành
tác vụ giảng dậy mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ. Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng công
khai lên án những ai lợi dụng chức quyền để làm lợi cho bản thân và phe nhóm; và thay vì làm sáng danh Chúa lại làm cho
danh mình cả sáng. Người không chấp nhận một thỏa hiệp nào về lối sống lợi dụng
chức quyền của họ.
Qua cuộc sống, Đức Giêsu đã tỏ bầy cho
chúng ta biết rằng quyền bính được trao ban để phục vụ chứ không phải để thống
trị. Tất cả đều nhằm mục đích phục vụ và phục vụ dân Thiên Chúa một cách có hiệu
quả hơn. Nhưng thưc tế lại trái ngược, thay vì phục vụ lại có những kẻ lợi dụng
chức vụ và uy quyền để làm những điều ngược lại với luật Maisen và những lời giảng
dậy của các ngôn sứ.
Một mặt họ làm bộ đạo đức thánh thiện,
đọc kinh nhiều giờ; nhưng mặt khác họ ức hiếp, chà đạp và cướp đoạt tài sản của
các bà goá. Lối sống giả hình của họ được thể hiện qua dáng vẻ bên ngoài từ
cách đeo hộp kinh thật lớn, mang tua áo thật dài và thường xuất hiện công cộng
để được tán dương. Thật ra việc đeo hộp kinh và mang tua áo không có gì là xấu
bởi lề luật quy định như thế. Thế nhưng cái sai lầm và đáng trách là họ đeo thẻ
kinh cho to và kéo tua áo dài ra để cho người khác nhìn thấy mà tán dương, còn
tâm hồn họ thì rỗng tuếch.
Trong thế giới của chúng ta hiện nay,
cho dù không còn thẻ kinh để nới rộng hay làm dài tua áo để khoe nhưng chúng ta
lại có tràng hạt để trang điểm và có sách thần vụ để đuợc khen là nguời đạo đức;
chưa kể đến mơ uớc đuợc trọng vọng và tìm chỗ nhất để ngồi trong các bữa tiệc
và rất lấy làm khoan khoái khi đuợc coi trọng nơi công cộng… Tất cả các hành vi
đó, tự bản chất chưa hẳn là các việc làm giả hình. Nó bộc lộ bản chất con người
của chúng mình. Ai lại không mơ uớc đuợc coi trọng và đuợc người ta chào hỏi
truớc!
Nhưng trong Vuơng Quốc của Đức Giêsu
thì khác. Giáo huấn và đời sống của Người không như vậy. Trong khi những người
lãnh đạo chất những bó nặng đè trên vai dân chúng. Trái lại, Đức Giêsu đã mời gọi
dân chúng chất những gánh nặng trên đôi vai của Người; chính Người sẽ bồi duỡng
và làm cho tâm hồn họ đuợc lại sức. Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy tìm ra bài học
về con đường mới, lối sống mới mà chính Người là chứng nhân. Chúa phán: “Trong
anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ.”
Điều Chúa nói quá rõ ràng ai muốn làm
lớn phải làm người phục vụ trước. Phục vụ là chìa khóa, là nguyên tắc lãnh đạo.
Quyền bính có được trao ban cũng là do Thiên Chúa. Địa vị, quyền cao chức trọng
cốt để phục vụ mọi người, chứ không phải để xa lìa con người; như Chúa phán:
“Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ”. Chính Chúa mới là ông chủ;
còn tất cả chúng ta chỉ là những tá điền. Thế mà ông chủ lại hạ mình xuống để rửa
chân cho các môn đệ, còn những kẻ thừa hành lại bắt người ta rửa chân cho mình.
Gương Chúa Giêsu còn đó. Lời nói và việc làm của Người là một. Người không bao
giờ dậy một đàng rồi đi làm một nẻo.
Chính sự hiểu
biết và thực hành này của Chúa Giêsu đã đặt ra khuôn mẫu cho cách thức thực hiện
quyền lãnh đạo trong cộng đoàn của Nước Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều bình đẳng
và là anh chị em trong gia đình của Thiên Chúa, mà chỉ có mình Ngài là người
Cha duy nhất. Và, quyền giảng dậy tối thuợng đều trực thuộc và tuôn chảy từ một
bậc Thầy duy nhất; đó chính là Đức Kitô Phục Sinh.
Không có
danh xưng nào, như các danh xưng mà chúng ta đang dùng để gọi các vị lãnh đạo
tinh thần là ‘cha hay cố đạo’, lại có thể thay thế cho danh xưng của Người Cha
và bậc Thầy chân thật và duy nhất đó. Mô hình lãnh đạo mà Chúa đặt ra hôm nay
mãi mãi là một mô hình dựa trên cuộc sống của một người đầy tớ, một “Con Nguời
đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng
sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28). Vì thế, ai lớn nhất phải là người đầy
tớ.
Bài học của Chúa thật rõ ràng. Ai
trong chúng ta cũng đuợc mời gọi để chia sẻ năng quyền này. Và ai đã được Chúa
mời gọi để chia sẻ quyền lãnh đạo với Ngài hãy cân nhắc cẩn thận để lời nói và
hành động được hợp nhất. Ai được mời gọi sống bậc tu trì thì có trách nhiệm và
bổn phận đối với cộng đòan. Ai được mời gọi sống bậc đôi bạn thì có trách nhiệm
với nhau và gia đình. Người nào có bổn phận của người ấy.
Tất cả đều là môn đệ, đều được gọi để
phục vụ. Lối sống phục vụ, theo gương Đức Giêsu, vẫn có hiệu quả hơn những lời
giảng dậy bằng đầu môi chót lưỡi. Nếu chúng ta không hành động đúng với những
gì mình giảng dạy trong nhà thờ, nơi gia đình, tại những cuộc hội họp thì lời
rao giảng của chúng ta sẽ không mang lại hiệu quả mà còn ảnh huởng đến niềm tin
của kẻ khác. Vậy việc phục vụ phải đi đôi với việc giảng dậy. Việc phục vụ phải
được xuất phát từ tình yêu thương nhau.
Tuần truớc, chúng ta đã được nghe Chúa
dậy là phải yêu mến Chúa và thương yêu nhau bằng tất cả con nguời của mình.
Cũng vậy, sứ điệp phục vụ mà Chúa mời gọi qua bài Tin Mừng hôm nay cũng là việc
cho đi tận cùng, cho đi tất cả, trả lại mọi sự cho Chúa qua việc phục vụ và rửa
chân cho nhau. Quả vậy, để có thể làm được việc này cũng là do ân huệ của Thiên
Chúa, chứ không phải do công sức hay việc làm của mình để rồi hãnh diện. Vì,
chúng ta là tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa, được dựng nên trong Đức Giê-su
Kitô, để sống mà thực hiện công trình của Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.
Ước mong, chúng ta hãy để cho Thiên
Chúa thành toàn mọi dự án của Ngài qua việc phục vụ và yêu thương nhau của
chúng ta.
Amen!
Lm Joe Mai Văn Thịnh, CSsR
No comments:
Post a Comment