Trong
tháng 7 năm 2017 thuộc tuần 15 và 16 Thường Niên, chúng ta nghe các bài đọc một
trong Thánh Lễ mỗi ngày trích trong sách Xuất Hành, đặc biệt là các bài tường thuật
về cuộc chiến đấu của dân Israel với người Ai Cập.
Tình
trạng dân Israel bị làm nô lệ ở đất Ai Cập chúng ta đã biết, Kinh Thánh mô tả
sơ lược về những biện pháp hà khắc của Pharaô đè nặng trên dân Israel, càng
ngày lại càng nghiệt ngã tàn độc hơn, tiếng dân than thở rên xiết kêu la tưởng
chừng như đứt ruột. Người Ai Cập tiếp tục tăng thêm các quy định áp đặt người
Israel cho đến biện pháp cuối cùng là chính thức công khai tiêu diệt dân này
bằng cách ra lệnh cho các bà đỡ giết hết các con trai của người Irael khi vừa
mới sinh ra. Đây rõ ràng là chuyện diệt chủng !
Không
chỉ là bắt phải è cổ mà lao động để phục vụ nhà cầm quyền Ai Cập, không còn là
không cho hưởng các tự do tối thiểu của con người, không còn là hạn chế tối đa
thực phẩm được cung cấp, không còn ngưng cung cấp thuốc men để chữa trị cho
người đau ốm… Những biên pháp này kể ra đã thấy khắc nghiệt thật, bất công
thật, khốn nạn thật, nhưng, mặc dù biết dã tâm của người Ai Cập là tiêu diệt
dân mình, dân Israel vẫn nghĩ mình nếu còn sống, may ra mình không phải chịu,
hoặc mình tìm cách thỏa hiệp, tìm cách thoát thân để cứu riêng bản thân mình và
riêng gia đình mình mà thôi. Không ai nghĩ đến dân tộc, đến đất nước, tuy ngoài
miệng thì than vãn, kêu ca khổ sở, lại chê bai những người lãnh đạo tinh thần
dân Israel không tìm ra cách nào giúp họ.
Đâu
đâu cũng nghe những lời bàn tán uất ức trong cộng đồng người Israel, người ta
xầm xì và chỉ dám xầm xì nguyền rủa nhà cầm quyền Ai Cập, những tin đồn mang
chút hy vọng nhưng rồi dần cũng đi đến tuyệt vọng, thỉnh thoảng chỗ này chỗ kia
có kẻ vùng lên nhưng nhanh chóng bị đế quốc dập tắt, và kẻ vùng lên lại hứng
chịu lời chê bai của chính cộng đồng của mình, cho là dại dột đâm đầu vào chỗ
chết ! Họ biện hộ cho việc đã không hưởng ứng và thái độ im lặng thụ động của
họ bằng cách quay sang xăm soi những khiếm khuyết của những người đã hy sinh
lên tiếng thay cho họ. Để che lấp sự hèn nhát của mình, họ chẳng ngần ngại moi
móc xét đoán đời tư của những ai dám đứng lên đấu tranh cho họ, đòi hỏi những
người này phải như là một vị thánh hoàn hảo vậy.
Vậy
là cả một cộng đồng đã câm lặng chịu khuất phục kẻ ác, kẻ mạnh. Mỗi thành phần
trong cộng đồng đều có lý do để câm lặng. Kẻ có của, người có kiến thức, và
nhất là bọn người được đế quốc ban cho một vị trí con chốt thí trong guồng máy
đàn áp thì lại càng câm như hến, họ sợ mất những cái họ đang có, đang được nhận
như là ân huệ từ chính kẻ đang bóc lột và tiêu diệt mình.
Tất
cả những cố gắng nỗ lực dù bé dù lớn từ phía con người đều thất bại, cuối cùng
chỉ có sự can thiệp của Thiên Chúa thì những chuyện bi hùng mới thực sự xảy ra
để cứu sống toàn dân Israel. Cái vênh váo kiêu căng của bọn tướng sĩ cùng với
sự phô trương binh lực hùng hậu của Ai Cập chỉ trong nháy mắt Chúa làm cho tan
tành. Thiên Chúa “lùa” quân Ai Cập ra biển để dùng chính biển phá tan sự dã man
và ác dộc của chúng, không cần đến một giọt máu nào của dân Israel trong cuộc
chiến đấu này.
Dù
vậy, rõ ràng Chúa vẫn cần hai điều để thực hiện quyền năng của Người:
- Một người, ít là một người
dám đứng lên, trực diện với Pharaô, lên tiếng đòi một cuộc giải thoát cho toàn
dân nhân danh Thiên Chúa của tự do, của công bằng và của sự sống.
- Chúa không cần dân bạo loạn
nhưng Chúa cần dân kêu cầu, tiếng kêu cầu xuất phát từ đáy lòng của bản năng
tồn tại và lòng yêu thương giống nòi.
Mọi
sự còn lại là của Chúa.
Đó
là môt phần lịch sử dân Israel và cũng là lịch sử của nhân loại, là kinh nghiệm
của một kiếp người, của mọi dân tộc.
Trên
suốt cuộc hành trình Vượt Qua này, nhiều lúc vẫn có đấy những lời than vãn kêu
ca của những kẻ hèn nhát: “Hãy cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ” ( Xh 14, 15 ),
thế nhưng, chính nỗi đau nhục nhã này, như một tương phản tuyệt vời, làm đẹp
thêm nét hào hùng của vị thủ lãnh Môsê.
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
4.8.2017
No comments:
Post a Comment