Saturday, 12 August 2017

Lm Joe Mai Văn Thịnh DCCT “HÃY YÊN TÂM! THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ”




Truớc khi suy ngẫm về trình thuật Tin Mừng hôm nay, tôi mời gọi anh chị em cùng ôn lại hành trình vuợt biển năm nào. Đối với tôi, biến cố kinh hòang đó đã xẩy ra cách đây gần 35 năm, thật ra, mới chỉ có 34 năm 10 tháng. Trên đường thoát chạy khỏi Việt Nam vào tháng 10 năm 1982, thuyền của chúng tôi đã bị mắc kẹt trong cơn bão (thật ra là gần cuối cơn bão). Chúng tôi đã trải qua những giây phút thật hỏang sợ. Hầu như tất cả đều bất lực truớc sự tàn phá của thiên nhiên. 

Có khỏang chừng 80 người trên tầu. Ngọai trừ gia đình chủ tầu; còn chúng tôi hòan tòan xa lạ đối với nhau. Một số gốc Công giáo; những người khác theo Phật giáo và còn một số là tín đồ của các giáo phái như Cao Đài… Nói chung, trong khoảnh khắc đó, tất cả chúng tôi không cần biết mình thuộc tôn giáo nào nữa. Tất cả đều qui huớng về Đấng Chí Tôn, Đấng Tạo Hóa để cầu xin. Chỗ này lần hạt cầu nguyện, chỗ kia niệm kinh Nam Mô. Chúng tôi cùng chia sẻ một niềm tin vào Đấng Tạo Dựng và điều khiển vũ trụ. Chúng tôi tin rằng chỉ có sức mạnh tối cao từ Đấng Tạo Hóa, Đấng có thể cứu chúng tôi khỏi cơn gian nan đầy nguy hiểm này.

Thời gian cứ thế trôi qua. Sóng biển vẫn tiếp tục gầm thét như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi vào lòng biển. Tất cả đều quá mệt mỏi và đuối sức đến độ ngay cả lời cầu nguyện cũng im dần. Tất cả đều chờ đợi sự chộp bắt của Thần Chết. 

Như anh chị em có thể đoán, giây phút này tôi còn sống. Bởi vì, sau đó cơn bão đã suy yếu dần; chúng tôi đã thóat chết và đuợc huớng dẫn đến đảo Kuku, một trong những hòn đảo rất quen thuộc đối với các thuyền nhân tạm cư tại các trại tỵ nạn bên In-đô.

Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta còn đủ can đảm để đối diện với những biến cố như thế!

Thưa anh chị em,
Như anh chị em đã biết. Đối với những người sống cùng thời với Chúa Giêsu. Họ tin rằng, sự kết hợp của biển cả và bão tố là biểu tượng của sự tàn phá và hỗn loạn; nó đe doạ sự tồn tại của con người. Và, tại một số nền văn hoá cổ đại, người ta vẫn tin rằng bão tố là biểu tuợng của thần dữ, tàn phá và tạo nguy hiểm cho chúng sinh.

Trong khi đó, Tin Mừng hôm nay đã trình bầy Đức Giêsu đi trên biển và làm cho sóng gió yên lặng. Thánh sử không nhắm đến việc Đức Giêsu làm phép lạ cho bằng nhấn mạnh đến quyền năng tái tạo của Người. Chúa có quyền trên sóng gió biển cả, có quyền trên các thế lực có thể hủy họai thế giới. Người đem đến sự bình an bằng cách khơi khơi đi trên mặt biển.

Không chỉ như thế, Người còn cho phép Phêrô và mỗi nguời chúng ta có thể làm đuợc như thế. Phêrô nhẹ nhàng đi trên mặt biển khi nhìn và tin vào Chúa. Đến lúc ông chú tâm vào giông tố, sóng gió, không tập trung vào sự hiện diện của Chúa thì ông bắt đầu bị chìm. Phêrô đã quên điều Chúa nói “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” Đó chính là sứ điệp mà Chúa muốn gửi đến cho chúng ta.

Thực tế, sợ hãi, lo sợ gắn liền với cuộc sống của con người; nó cứ quấn lấy mình. Đã làm người thì không ai trong chúng ta có thể thoát đuợc một vài lần kinh sợ. Nó làm cho chúng ta mất bình an, sống lo âu. Vì biết tầm nguy hiểm và những tác hại của nỗi sợ hãi nên Chúa nói “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”

Thế mà, chúng ta vẫn sợ, sợ mọi thứ và cũng có lúc không biết mình sợ gì nữa.
Trẻ sợ già, phụ nữ sợ bị chê xấu, sợ mất người yêu, sợ ma, sợ chết, ….
Dân công giáo sợ tội, sợ xuống hỏa ngục, sợ Thiên Chúa phạt nên mới đi lễ và tuân giữ những huấn lệnh của Chúa…

Anh chị em thử tuởng tuợng sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ như thế thì cuộc sống còn gì vui thú!

Có những ông chồng may mắn có đuợc vợ đẹp con khôn. Thay vì tin tuởng lại sợ người phối ngẫu và các con vuột khỏi tầm tay của mình, nên ông đã có lối hành xử thống trị, kiểm sóat khiến cho gia đình thành ngục tù với bầu khí đầy thê luơng và tang tóc…Từ đó, ai cũng sợ ông, và sợ nhau nữa. Cuối cùng thì điều ông sợ đã biến thành sự thật: gia đình tan vỡ chỉ vì sợ mà đánh mất đi hai yếu tố căn bản của gia đình là tin và yêu.

Lại có các tu sĩ hay linh mục, chỉ vì sợ người khác biết về mối tuơng quan giữa họ và Thiên Chúa, giữa họ và tha nhân đã phai lạt. Để bù đắp lại nỗi sợ hãi vô cớ đó, các đấng các bậc nhà mình mới tìm mọi phuơng thức, nỗ lực trong công tác tông đồ, phát huy mọi sáng kiến để thành công. Nhưng thật ra, họ tìm đủ cách để bồi đắp ‘cái tôi – super ego’ của họ. Cuối cùng ‘cái tôi’ và ‘sự sợ hãi’ phát triển đồng đều khiến họ bị rối lọan và có thể lạc đuờng.

Một vài thí dụ rất tiêu cực để thấy sự nguy hiểm của những ai thiếu niềm tin, sống trong lo âu và sợ hãi, thay vì chăm chú vào Chúa thì lại để cho giông tố và sóng gió làm cho mình lo sợ!

Cuộc sống con người hôm nay khá an toàn, thế mà lại mua đủ thứ bảo hiểm. Vì sao? Vì sợ những điều không may mắn sẽ xẩy đến. Mỗi người chúng ta đều có nỗi sợ riêng. Cần đối diện và vượt qua bằng lòng tín thác và yêu thuơng, để rồi được bình an.
Làm sao đây?

Chúa trấn an Phêrô và mỗi chúng ta: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!” 

Vì vậy,
·         Hãy tin rằng chúng ta đuợc Chúa yêu thuơng. Tin và Yêu là giải pháp giúp chúng ta sống vui hơn. Chúng ta chỉ có thể vuợt qua được nỗi sợ hãi nhờ tin vào Thiên Chúa; Đấng đang hiện diện với chúng ta trong mọi cảnh huống. Ngài yêu thuơng và chăm lo đến từng sợi tóc của chúng ta.

·         Chúng ta tin rằng đừng để sợ hãi làm chúng ta vấp ngã. Giả như có vấp ngã - thì cũng là lẽ tự nhiên - nhưng cũng đừng vì thế mà sợ Chúa phạt ta. Chúa yêu ta vô bờ bến, thuơng ta ngay lúc ta còn là tội nhân cơ mà. Tay Chúa vẫn dang rộng để chờ đợi và nắm bắt ta khi ta bắt đầu chìm. Đừng sợ, những hãy tin.

·         Vẫn biết là khó tránh đuợc cái chết. Nhưng đừng sợ chết. Cái chết về phần xác không là dấu chấm hết của đời người; vì chỉ buớc qua ngưỡng cửa của sự chết, chúng ta mới đuợc hiệp nhất viên mãn với Người.

Cuối cùng, con người chỉ thắng được các nỗi sợ hãi nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng đã nhẹ nhàng đi trên mặt biển vì Tin vào quyền năng của Thiên Chúa lúc nào cũng họat động trong và với Người. Người đã không ngã gục vì sợ hãi mà đã đi tới cùng theo ý định của Thiên Chúa. 

No comments: