Tuesday 22 August 2017

Lm Đinh Hữu Thoại DCCT: (Suy niệm 8) BÀN TAY VÀ NGÔI SAO




12 BÀI SUY NIỆM VỀ LINH ẢNH MẸ HẰNG CỨU GIÚP
Meditations on the Icon of Our Mother of Perpetual Help
Suy niệm 8: BÀN TAY VÀ NGÔI SAO
Các đoạn Kinh Thánh gợi ý suy niệm:
Pl 2, 6-11
Ðức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.
Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu,
cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ;
và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Ðức Giêsu Kitô là Chúa".
Lc 1, 46-48
Bấy giờ bà Maria nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Đôi tay không chỉ dùng để làm việc, mà còn có thể diễn tả một con người. Người ta có thể dùng đôi tay để giao tiếp với chính mình, giao tiếp với các cảm xúc và trạng thái tâm hồn của người khác. Đơn giản chúng là những công cụ khi giao tiếp ngôn ngữ; chúng hỗ trợ cho ngôn ngữ lời nói, ví dụ như trường hợp những người khiếm thính hay không nói được. Khi đôi tay mở ra trong cử chỉ đón tiếp hay kết nối với tay người khác, nó diễn tả sự giao tiếp thân thiện của tâm hồn; khi đôi tay giơ lên thành nắm đấm, chúng diễn tả sự thù ghét đưa đến hủy diệt và giết hại. Vì thế, đôi tay của chúng ta có thể là những biểu tượng giúp chúng ta hướng đến một thực tại khác, chỉ về và diễn tả thực tại ấy. Nhờ những cử chỉ của đôi bàn tay, chúng ta có thể lên tới các vì sao chiếu sáng đường đi của con người và hướng dẫn họ, hoặc xuống tận nơi sâu thẳm của trái tim con người, nơi chỉ đập vì một mục đích.
Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một loại tranh i-côn có tên Hodegetria: Đức Mẹ Chỉ Đường. Như đã giải thích ở trên, tước hiệu này không chỉ nhắc lại sự kiện là bức tranh này đến từ một Tu viện Constantino, nơi trưng bày linh ảnh gốc, mà còn gợi lại thông điệp thiêng liêng chứa đựng nơi linh ảnh. Chúng ta đã tìm ra nguyên bản của loại tranh i-côn này trong kiểu diễn đạt cổ xưa về việc thờ phượng của các nhà Chiêm tinh: Đức Trinh Nữ ngồi và tay ôm Chúa Hài Nhi, giới thiệu Người với nhân loại. Trong quá trình lịch sử, loại tranh này có lẽ đã trải qua nhiều sự thay đổi khác nhau, cho đến hình thức cuối cùng của nó là tranh Hodegetria ngày nay: Mẹ Thiên Chúa giới thiệu Con của Mẹ cho thế giới tôn thờ.
Trong Linh Ảnhnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tay phải của Đức Maria không chỉ nắm lấy hai bàn tay của Chúa Giêsu, mà còn trỏ về Người: tay Mẹ không siết chặt tay Con, nhưng lại hướng các ngón tay trỏ về Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống ( Ga 14, 6 ), giống như nhiều bức tranh cùng loại. Hơn nữa, bàn tay ấp ủ và thon thả ấy diễn tả tất cả thái độ nội tâm của Mẹ: Mẹ hoàn toàn hướng về Con mình. Khi trông thấy các dụng cụ của cuộc Thương Khó mà các thiên thần biểu tỏ, Đấng Cứu Thế đã chấp nhận sứ vụ của Người. Những biểu tượng chứng tỏ điều này là chính bàn tay của Mẹ mà Chúa Giêsu đang nắm chặt, nhấn mạnh sự liên kết không thể tách rời giữa Mẹ và sứ vụ Cứu Độ. Sứ vụ ấy diễn ra trên thập giá, nhưng cũng diễn ra trong tâm hồn Mẹ thánh của Thiên Chúa, một Eva mới.
Cử chỉ đôi bàn tay của Chúa Giêsu và Mẹ Maria nắm chặt với nhau thực sự đặt ở vị trí trung tâm của bức ảnh, khiến chúng ta thường nhìn vào đó trước tiên và ta thường tập trung vào vị trí đó khi chúng ta suy niệm. Cũng chính từ cử chỉ này phát ra sứ điệp quan trọng của bức linh ảnh: Đức Maria trỏ về Chúa Giêsu Kitô là Con đường, là Sự thật và là Sự sống của chúng ta. Nói cách khác, Đức Thánh Trinh Nữ trong Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp thể hiện không lời chân lý Phúc Âm căn bản và nhắc nhớ rằng chân lý ấy là biểu tượng cho bản thể sâu thẳm nhất của sự hiện hữu nhân loại.
Đó là lý do tại sao Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp rất gần gũi với con người ngày nay, một nhân loại luôn bận rộn và mệt mỏi với việc liên tục theo đuổi một điều gì đó để cuối cùng thỏa mãn được nỗi khao khát của tâm hồn; những con người chủ yếu giàu kinh nghiệm khó khăn, đạt được trong việc theo đuổi sự mới lạ và độc đáo, kinh ngạc do thời trang thay đổi đến chóng mặt nhưng không mang lại sự nghỉ yên trọn vẹn, và cuối cùng thường để lại sự chán chường và cảm thức nội tâm bị thiêu đốt; những con người đang tìm kiếm hạnh phúc như nền tảng tối hậu cuộc đời mình, vô tình gặp Thiên Chúa, mặc dù họ không hiểu Người và thường chống lại Người. Chính nơi linh ảnh này mà con người khám phá ra rằng Thiên Chúa thật sự là Đấng đang đi tìm họ, rằng Thiên Chúa khao khát con người và không nghỉ yên cho đến khi gặp được con người diện đối diện, chẳng hạn nơi một bức ảnh, đầy sự khiêm tốn, thương xót và nhân từ.
Trong Linh ảnh của chúng ta, Mẹ Thiên Chúa quả thật là Đấng Hằng Cứu Giúp, bởi vì trong nhiều thế kỷ, Mẹ đã kiên trì chỉ đường ngay chính, con đường duy nhất xứng đáng đi lên. Con đường ấy chính là Đức Kitô. Đức Maria chỉ cho thấy Thiên Chúa đã trở nên người phàm, và vì thế Người là một Thiên Chúa gần gũi con người, Đấng Emmanuen ( Is 7,14; Mt 1,23 ). Người thực sự hiểu những kinh nghiệm của con người thời nay và luôn luôn đồng hành với họ. Mầu nhiệm nhập thể trình bày trong linh ảnh muốn nói đến sự bảo đảm rằng Thiên Chúa đang tìm kiếm chúng ta vì yêu thương. Thiên Chúa không xét xử chúng ta mà ôm ấp chúng ta để chiếu tỏa vinh quang của Người vào trong đời sống khó khăn của con người, để cứu đời sống ấy khỏi sự sai lầm và nâng nó lên khỏi những nhỏ nhen và ích kỷ và bất cứ điều gì ngăn cản con người không cho thụ hưởng tự do và niềm vui mà sự quảng đại đích thực của tâm hồn mang lại. Bức linh ảnh cho phép con người kinh nghiệm về mầu nhiệm tha thứ và cứu độ.
Đây là một linh ảnh để suy niệm rất hữu ích cho những ai khao khát muốn gia tăng đời sống nội tâm, tức là tiến triển cách có ý thức trên con đường thiêng liêng mà trên đó tương quan cá nhân với Đức Kitô định hình và phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy. Đức Thánh Trinh Nữ chỉ ra con đường đúng đắn mà con người nên đi theo: đó là Đấng Cứu Độ. Trỏ về Đức Kitô trong y phục màu xanh lá, Đức Maria nhắc nhớ người xem rằng Người là sự sống và là nguồn sự sống mới, một sự sống thiêng liêng, hay cao hơn nữa là sự sống phát sinh từ Chúa Thánh Thần. Trong sự sống ấy, trọng tâm hàng đầu không phải là những cố gắng của con người, cho dù con người là quan trọng, nhưng chính yếu là đặt trên sự tín thác của con người vào Thiên Chúa. Chính Người lãnh đạo và hướng dẫn con người dọc theo những con đường đúng đắn. Vì thế, con người trước hết cần chiêm niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập thể, Đấng đang sống và tiếp tục mạc khải chân lý về chính Người và chân lý về đời sống chúng ta. Con người cần chiêm niệm lời Thiên Chúa và linh ảnh, nhờ đó Đức Kitô trở nên chân lý và đời sống của chúng ta.
Khi trỏ vào Đức Kitô là Con Đường của đời sống thiêng liêng chúng ta, Đức Thánh Trinh Nữ giới thiệu Chúa Con đang chiêm niệm về viễn tượng Ơn Cứu Độ đạt được qua thập giá. Vì thế, Mẹ nhấn mạnh rằng đời sống thiêng liêng không phải là chìm đắm hạnh phúc trong suy niệm đạo đức, nhưng là sự tham dự đích thực vào sự sống Thiên Chúa trên trần gian này, đó là đời sống được chi phối bởi thập giá, bởi những cố gắng và đau khổ. Tình thân của chúng ta với Thiên Chúa tự biểu lộ ra và gia tăng qua việc từ bỏ và cống hiến thời gian và tài năng, cũng như sự sống của con người để phục vụ người khác, như đã được Phúc Âm dạy bảo. Do đó, đời sống thiêng liêng đích thực chính là tham dự vào tình yêu, được củng cố nhờ việc chiêm ngắm Chúa Kitô, chia sẻ công trình cứu độ con người diễn ra trên thập giá.
Đức Maria là người hướng dẫn đời sống Đức Tin chúng ta; đó là lý do tại sao khăn trùm đầu của Mẹ trong linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được trang trí bằng các ngôi sao. Ta nên nhớ rằng truyền thống Đông phương luôn trình bày Đức Trinh Nữ với mái tóc được che phủ dưới chiếc khăn trùm gọi là maphórion. ( Đức Maria được vẽ với mái tóc lộ ra, như xuất hiện trong nghệ thuật Tây phương, là điều không thể tưởng tượng trong nghệ thuật Byzantine ). Người ta thường vẽ ba ngôi sao: một ngôi sao phía trên trán Đức Maria và hai ngôi sao kia trên hai vai Mẹ. Truyền thống Đông phương thường xem ba ngôi sao ấy là biểu tượng cho sự đồng trinh của Mẹ trước, trong và sau khi sinh Đức Kitô.
Trong Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngôi sao tám cánh phía trên trán Đức Maria là sự xác nhận truyền thống này. Ngôi sao ấy cũng có thể ám chỉ ngôi sao ở Bêlem đã dẫn đường cho các nhà Chiêm tinh tìm gặp Hài Nhi Giêsu, và do đó cho biết Đức Maria là người chỉ đường đến với Đức Kitô. Ngôi sao ấy cũng là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa tràn ngập con người Mẹ. Đức Trinh Nữ Maria hoàn toàn mở lòng ra với công trình của Chúa Thánh Thần, làm cho tâm hồn Mẹ sẵn sàng cho quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Nhiều người cũng cho rằng ngôi sao này là biểu tượng của tình mẫu tử, vì nơi Đức Maria, sự đồng trinh và việc làm mẹ không loại trừ nhau, nhưng lại bổ túc lẫn nhau. Một số cho rằng ngôi sao ấy biểu tượng cho bàn tay của Thiên Chúa Cha chúc lành từ trời cao hay chim bồ câu sa xuống trong ánh sáng bằng vàng, như biểu tượng nói về Chúa Ba Ngôi.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là ngôi sao hình chữ thập trên khăn trùm đầu Đức Trinh Nữ; ngôi sao ấy nhấn mạnh sự tham gia của Mẹ Thiên Chúa trong sứ vụ Cứu Độ.
Lm. MAREK KOTYNSKI, DCCT,
Bản dịch của Lm. ĐINH HỮU THOẠI, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )

No comments: