Các
đoạn Kinh Thánh gợi ý suy niệm:
Lc 1, 46-55
Bấy giờ bà Maria nói:
"Linh hồn tôi ngợi khen
Ðức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái
thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi
diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
Danh Người thật chí thánh chí
tôn !
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai
kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức
mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu
căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm
nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy
dư,
người giàu có, lại đuổi về tay
trắng.
Chúa độ trì Ítraen, tôi tớ của
Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng
ta,
vì Người nhớ lại lòng thương
xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.
Thường thường chúng ta không suy tưởng về sự thật rằng
những điều ta nhìn thấy ảnh hưởng lên ta một cách mạnh mẽ, ngay cả
khi sự kiện được quan sát không đi kèm với bất kỳ từ ngữ nào. Thực
tế mà chúng ta nhìn thấy đưa ra rất nhiều thông tin, và các hiện
tượng cụ thể truyền tải thông điệp đến cho ta. Đó là vì chúng ta có
thể hiểu ý nghĩa của những hình ảnh ta quan sát, ngay cả khi không
có bình luận bằng lời.
Màu
sắc đóng vai trò không nhỏ trong quá trình này, vì nó gây cảm xúc và ý nghĩa
trên chúng ta cho dù chúng ta có ý thức về nó hay không. Có những màu chúng ta
thích và những màu chúng ta không thích; một số màu sắc đưa chúng ta vào trạng
thái trầm tĩnh hay lạc quan, trong khi những màu khác lại gây kích thích hoặc
ức chế cho chúng ta. Dù không phải lúc nào cũng cố ý, nhưng chính nhờ màu sắc
mà chúng ta diễn tả được trạng thái tâm lý, những kinh nghiệm cá nhân và nội
tâm của chúng ta. Màu sắc được phối trí trong phòng chúng ta có thể biểu tỏ
tinh thần chúng ta, và màu sắc quần áo chúng ta mặc cũng có thể diễn tả trạng
thái của chúng ta tốt hơn lời nói; đó là lý do tại sao chúng ta chọn màu quần
áo khác nhau tùy theo mỗi dịp.
Vì
thế, không khó để thấy rằng màu sắc được chọn là có lý do và nhắm tới một “ý
nghĩa” nào đó. Giá trị của màu sắc có tính biểu tượng cao, ngay cả khi những
giải thích thay đổi theo thời gian. Ví dụ trong tôn giáo, vai trò của sáng và
tối tượng trưng cho sức mạnh gia tăng; nếu đi từ màu tối qua sáng, là chúng ta
đi từ đất lên trời, từ sự dữ tiến đến sự thiện, từ buồn đến vui. Nghệ thuật
Kitô giáo có nhiều ví dụ về việc sử dụng màu sắc làm biểu tượng, chẳng hạn như
màu đỏ có nghĩa là Tình Yêu và Chúa Thánh Thần, màu trắng là Thiên Chúa Cha, Đức
Tin, Đức Khiết Tịnh, …
Bảy
sắc cầu vồng cho phép đôi mắt con người phân biệt hơn 700 màu khác nhau. Màu
sắc tỏa ra năng lượng, khả năng phục hồi năng lượng có ảnh hưởng tích cực hay
tiêu cực, dù chúng ta có ý thức hay không. Người xưa đã lưu ý rằng một cái
nhìn, một tấm hình có thể ảnh hưởng đến hành động của chúng ta, thậm chí có thể
biến đổi chúng ta, vì nó tác động lên cảm nhận của chúng ta, phần rất quan
trọng trong một bức linh ảnh.
Tuy
nhiên, màu sắc trong bức linh ảnh là một yếu tố có ý nghĩa hơn một bức tranh
trang trí đơn thuần. Cũng giống như ngôn ngữ, người ta vận dụng theo cách riêng
của mình để cố gắng diễn tả thế giới siêu hình, thì nhờ sự phối hợp các thành
phần của màu sắc, bức linh ảnh tìm cách chuyển tải thông điệp thiêng liêng một
cách sâu sắc, dù các màu sắc ấy đi theo các yếu tố vật chất.
Trong
một linh ảnh, màu sắc có ý nghĩa biểu tượng nhất định từng được sử dụng theo
truyền thống trong quá khứ. Các màu sáng thường chiếm vị trí chủ đạo chứ không
bao giờ là màu u tối hay mờ nhạt. Ví dụ như đá hoặc ngựa thường được vẽ màu đỏ
bất chấp tất cả các gam màu hiện thực và biểu tượng cho sự thiêng liêng hóa sâu
sắc. Các họa sĩ nhấn mạnh sự thiêng liêng hóa ấy chẳng hạn bằng cách vẽ áo
choàng của các nhân vật với màu sáng hơn, tạo ra ấn tượng về sự tinh tuyền,
hoặc thêm những vệt màu vàng, bởi vì không như các màu khác, màu vàng ám chỉ
trực tiếp về Thần linh, về thế giới vô hình. Hiệu quả của những vệt vàng này là
ánh sáng gợi lên sự vui mừng.
Chúng
ta hãy nhìn vào khía cạnh này trong Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Nơi ấy, Mẹ Thiên
Chúa mặc áo choàng màu xanh đậm, chính xác là màu xanh tươi, lớp áo trong màu
xanh lá cây, phủ trên đầu Mẹ, với các nếp gấp tinh vi khoác trên vai Mẹ và ở
viền áo có dải màu vàng. Bên dưới áo choàng của Mẹ, chúng ta thấy một chiếc áo
màu đỏ. Phía trên đầu của Đức Trinh Nữ, dưới khăn trùm đầu, ta thấy một khăn
màu xanh nước biển che lên tóc Mẹ.
Trong
quá khứ, màu sắc của áo quần các thánh trên tranh i-côn được ấn định theo các
tiêu chuẩn đặc biệt và tương ứng với ý nghĩa của mỗi màu. Những tiêu chuẩn ấy
thay đổi theo lịch sử. Ví dụ trong tranh i-côn Hy Lạp cổ, Đức Maria luôn mặc áo
choàng đỏ biểu tượng cho nhân tính của Mẹ và một lớp áo xanh, biểu tượng của sự
thần hóa, vì Mẹ mang Con Thiên Chúa nơi mình, trở thành Mẹ của Người. Trong các
tranh i-côn cổ, Chúa Giêsu mặc áo choàng xanh, vì Người là Thiên Chúa, và lớp
áo trong màu đỏ, biểu tượng cho nhân tính mà Người mặc lấy từ thế gian.
Vì
thế, chúng ta cần chú ý rằng các màu sắc cổ xưa được hiểu khác với những gì
chúng ta thấy trong Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp vì được vẽ muộn thời hơn. Có lẽ,
những ảnh hưởng của trường phái Venetia-Creta phương Tây, kết hợp với các nguồn
cảm hứng của truyền thống Đông và Tây phương, trộn lẫn và thể hiện nơi linh
ảnh. Vì thế, chúng ta hãy cố gắng giải mã ý nghĩa của các màu sắc trên áo trong
Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Màu
xanh nước biển thuộc gam màu "lạnh" xét ở cấp độ vật chất vì nó phản
sáng khá yếu, nhưng nó trở nên gam nóng đặc biệt xét ở cấp độ thiêng liêng.
Theo truyền thống Đông phương, màu này hướng người xem đến sự siêu việt. Nó đưa
sự thiêng liêng vào lộ trình đức tin mà nó là biểu tượng. Nó có tính hướng nội
và gợi nên sự khiêm tốn thầm lặng. Những màu sắc sậm hơn của nó làm nổi bật
công việc nội tâm và khao khát sự vĩnh cửu, sự thần hóa. Mặt khác, sự sắc màu
sáng của nó tạo ra ấn tượng về khoảng cách hay sự trung lập. Màu xanh nước biển
cũng được dùng để chỉ sự mầu nhiệm.
Do
đó, áo màu xanh nước biển của Mẹ Thiên Chúa làm cho mầu nhiệm mà Mẹ được tuyển
chọn trở nên dễ hiểu hơn: "Mừng vui
lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà" ( Lc 1, 28 ). Trước hết
đó là một biểu tượng của Đức Tin của Mẹ, nhờ đó Thiên Chúa có thể trở thành xác
phàm trong cung lòng Mẹ và bước vào thế gian này để thực hiện công trình cứu
độ. Nó biểu thị sự mở lòng của Mẹ đối với sự thánh thiêng, sự thánh hóa của Mẹ,
và là biểu tượng của sự điềm tĩnh và khiêm nhường bên trong của Đức Maria.
Chiếc áo choàng xanh của Đức Trinh Nữ cũng nhấn mạnh tình mẫu tử phổ quát của
Mẹ với việc Mẹ che chở và bảo vệ tất cả con cái mình, dưới chiếc áo choàng ấy.
Màu xanh nước biển cũng có nghĩa là quyền năng từ trời cứu chuộc thế giới này, Ơn
Cứu Độ của thế gian đến từ Thiên Chúa: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" ( Lc 1,
37 ).
Màu đỏ là một màu “không giới
hạn”, nghĩa là nó gần với ánh sáng. Bức xạ mạnh và sự kết nối chặt chẽ của nó
với lửa và máu, các yếu tố của sự sống, làm cho nó đứng đầu danh sách các màu
sắc. Nó có tính trần tục, và đại diện cho tuổi trẻ, cái đẹp, giàu sang, sức
khỏe, niềm vui và tình yêu, nhưng cũng đại diện cho chiến tranh, đam mê và phẫn
nộ. Ở cấp độ tôn giáo, nó tượng trưng cho tình yêu thiêng liêng, Chúa Thánh
Thần. Trong Cựu ước, nó ám chỉ chân lý của Thiên Chúa, và trong Tân ước, rượu
đã trở nên máu trong bữa Tiệc ly của Đức Kitô. Nó tượng trưng cho tình yêu, sự
hy sinh, lòng vị tha và sự tử đạo, cũng như sự cao trọng và phẩm giá.
Tương
phản mạnh ở cấp độ thiêng liêng, màu xanh và màu đỏ tạo nên một sự hài hòa
tuyệt vời và việc chúng xuất hiện cùng nhau có thể tượng trưng cho bản chất kép
hay phẩm giá của một người hay sự hiệp thông ngôi vị.
Quan trọng nhất là chiếc áo đỏ của Đức Maria tượng trưng cho tình
yêu và sự hy sinh lớn lao của Mẹ. Đó là sự nhắc nhớ về việc tham dự của Đức
Thánh Trinh Nữ vào đời sống và cuộc tử đạo của Đức Giêsu: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có Thân Mẫu Người…” ( Ga 19, 25 ).
Đó
cũng là một biểu tượng về sự mở lòng ra của Mẹ đối với Chúa Thánh Thần, một cử
chỉ đã được biểu tỏ cụ thể trong biến cố truyền tin: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng
trên bà” ( Lc 1, 35 ) và cũng là biểu tượng về việc hiến dâng hoàn toàn của
Mẹ cho kế hoạch cứu độ: “Vâng, tôi đây là
nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” ( Lc 1, 38 ).
Nó nhấn mạnh đến vẻ đẹp và sự hăng hái thiêng liêng của tình yêu nơi Đức Maria
và khi kết hợp với màu xanh, nó gợi nhớ đến phẩm giá cao cả của Mẹ: ân sủng
nâng tình yêu con người lên và hướng dẫn tình yêu ấy đến việc thánh hóa con
người.
Theo
Truyền Thống, Đức Maria là biểu tượng của Hội Thánh. Đó là lý do tại sao các
màu sắc trên áo Mẹ cũng ám chỉ đến cộng đoàn đức tin. Màu xanh nước biển cho
thấy cộng đoàn đức tin ấy đã được tuyển chọn và được công chính hóa do Đức Tin của
họ vào Đức Kitô, Đấng Cứu Độ ( x. Rm 8, 33 ). Vì thế, đó là biểu tượng sự
thiêng liêng của Hội Thánh, sự trung thành và tình mẫu tử phổ quát trong việc
bắt chước Mẹ Thiên Chúa. Vì qua các bí tích của Phúc Âm, Hội Thánh trao Chúa
Giêsu cho thế giới và giống như Đức Thánh Trinh Nữ, dõi theo sự lớn lên của
Người trong tâm hồn nhân loại. Hội Thánh là người khiêm nhường mang lấy sức
mạnh của Thiên Chúa và phân phát cho thế giới này.
Màu
đỏ có nghĩa là tạ ơn vì được Chúa chọn, sức mạnh lớn lao nhất của Hội Thánh là
yêu thương, quyền năng của Chúa Thánh Thần, nung đốt như lửa trong tâm hồn
những người tin. Ngọn lửa của nó mạnh đến nỗi làm cho người ta có thể từ bỏ cả
cuộc đời mình, đổ máu vì bạn hữu mình: “Không
ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn
hữu.”
( Ga 15, 13 ). Đó là lý do tại sao bất chấp sự yếu đuối của các Kitô hữu, bị
ảnh hưởng do hậu quả của tội lỗi, phẩm giá của Hội Thánh rất lớn lao và Hội
Thánh được tuyển chọn không phải là điều vô ích.
Lm. MAREK KOTYNSKI, DCCT,
Bản dịch của Lm. ĐINH HỮU
THOẠI, DCCT ( Còn tiếp nhiều kỳ )
No comments:
Post a Comment