NĂM
THÁNH HÀNH HƯƠNG VÀ THỪA SAI VỚI LINH ẢNH ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP
“Và
bởi đâu tôi được thế này, là mẹ Chúa tôi đến với tôi?” (Lc 1,43)
Anh em tu sĩ DCCT, quý soeur, anh
chị em giáo dân thừa sai và các cộng tác viên thân mến,
Trong Năm Thánh Hành Hương và
Thừa Sai Với Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp này, lễ Đức Mẹ Đi Thăm Viếng có một
ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta. Các Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được
ĐGH Phanxicô làm phép vẫn đang trên đường đi thăm các Tỉnh, Phụ Tỉnh, Miền,
Cộng đoàn thuộc Hội Dòng, khi chúng ta vẫn đang tiếp tục cử hành Năm Thánh.
Mỗi tuần tại Rôma, chúng tôi đều
nhận được tin tức về chuyến hành hương đặc biệt này, và tôi chắc chắn rằng anh
chị em cũng đã theo dõi nhiều sự kiện này qua ScalaNews. Đức Maria, Mẹ Hằng Cứu
Giúp, hôm nay vẫn còn tiếp tục đi thăm viếng những người con của Mẹ, như cách
đây nhiều năm, Mẹ đã đi thăm viếng và phục vụ bà Êlisabét.
Khi chúng ta chuẩn bị tuần cửu
nhật và lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi muốn cùng anh chị em suy nghĩ về ý nghĩa
và mục đích của chuyến Hành hương của Linh ảnh Thừa sai này. Chuyến viếng thăm
của Linh ảnh thật sự là thời khắc của ân sủng và năm thánh, “năm hồng ân của
ĐỨC CHÚA”. Tôi mời anh chị em cùng nhau suy nghĩ về sứ vụ của chúng ta cùng với
Mẹ Maria trở thành những Chứng nhân mang tính ngôn sứ hôm nay của Chúa Cứu Thế.
Lời nhắn nhủ của ĐGH Piô IX: “Hãy
làm cho thế giới biết Mẹ”
Vào ngày 11.12.1865, ĐGH Piô IX
đã ủy thác Linh ảnh gốc cho sự chăm sóc của Hội Dòng Chúa Cứu Thế Chí Thánh.
Ngài đã trao cho chúng ta sứ vụ “Hãy làm cho thế giới biết Mẹ.” Từ ngày phục
hồi việc tôn kính công khai bức Linh ảnh, 26.04.1866, cho đến hôm nay, các thừa
sai DCCT đã thực hiện lời nhắn nhủ này với một lòng yêu mến và sùng kính quảng
đại. Bức Linh ảnh này là một trong những bức ảnh Đức Mẹ được phổ biến và yêu
mến nhất trên thế giới. Việc cử hành sốt sắng Năm Thánh này đã làm chứng cho
lòng trung thành của Hội Dòng với lời nhắn nhủ của ĐGH Piô IX.
Chúng ta có thể bị cám dỗ nói
rằng: “Sứ vụ đã hoàn tất!” Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là một sai lầm. Chúng ta
vẫn được kêu gọi cùng nhau làm cho thế giới biết Mẹ, không chỉ trong thời đại
chúng ta mà còn cho cả các thế hệ tương lai nữa. Bức Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp này vẫn còn mang một sứ điệp rất liên hệ về niềm hy vọng và tình yêu cho
mọi người. Chúng ta vẫn còn được mời gọi để làm cho Mẹ được nhận biết và được
yêu mến trong thời đại hôm nay nữa.
Lời nhắn nhủ của ĐGH Phanxicô: Sứ
vụ của Đức Maria hôm nay
Ngày 24.12.2013, ĐGH Phanxicô đã
gửi đến chúng ta Tông huấn Evangelii Gaudium. Trong văn kiện tuyệt vời này, Đức
Thánh Cha đã mời gọi tất cả chúng ta hãy trở thành những người môn đệ-nhà thừa
sai và là những nhà truyền giáo đầy Thần Khí trong một “Hội Thánh ra đi” (EG
20). Trong bối cảnh này, ngài đã kết thúc Tông huấn bằng lời trình bày về Sứ vụ
của Đức Maria, Mẹ của Sứ vụ Truyền giáo trong Hội Thánh hôm nay (EG 284-288).
Trong những đoạn tuyệt vời này,
vang vọng lại tư tưởng Maria học của thánh Anphongsô Liguori một cách đáng lưu
ý, Đức Thánh Cha đã trình bày cho chúng ta với một lời nhắn nhủ mang tính thừa
sai mới: Hãy đồng hành với Mẹ Maria trong Sứ vụ của Mẹ hôm nay! Tôi tin rằng
lời nhắn nhủ này phải gặp được sự đồng điệu trong trái tim của mỗi tu sĩ thừa
sai DCCT cũng như trong tất cả các cộng đoàn của chúng ta. Thật ra, trình thuật
Tin Mừng mà ĐGH Phanxicô dùng để suy niệm về Đức Maria chính là bản văn Tin
Mừng của lễ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Ga 19,26-30). ĐGH viết rằng từ trên Thánh
giá, Đức Giêsu đã ủy thác cho Đức Maria một “sứ mạng cứu giúp đặc biệt” để Mẹ
đồng hành với chúng ta như một người mẹ. “Chỉ sau khi thực hiện điều đó thì Đức
Giêsu mới nhìn nhận rằng ‘mọi sự đã hoàn tất’” (EG 285). Mẹ Maria đi cùng chúng
ta như một người mẹ để chúng ta có thể nhận ra nơi hình ảnh vật chất đậm tình
mẫu tử này, Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tất cả mầu nhiệm của Tin Mừng, tất
cả mầu nhiệm của Ơn Cứu Độ.
Tiếp đến, ĐGH Phanxicô đưa ra cho
chúng ta sáu chiều kích rất quan trọng của mầu nhiệm Đức Maria trong thế giới
hôm nay:
1.
Đức Maria
dạy chúng ta làm thế nào để biến đổi thế giới hôm nay thành “ngôi nhà chung của
chúng ta” (Laudato si) bằng một sự dịu dàng và lòng yêu mến của một người mẹ.
2.
Đức Maria
đón nhận tất cả tình bạn và đem niềm vui đến cho những ai đang cần đến niềm
vui; Mẹ tinh tế cảm nhận được hoàn cảnh nhân gian của họ. Chiều kích đồng hành
thừa sai này là một chủ đề đã được triển khai hơn nữa trong Amoris laetitia.
3.
Như người
Con của Mẹ, Đức Maria cũng có lòng thương cảm và nhân từ đối với tất cả những
ai đang gặp đau khổ, hiểu được nỗi đau của họ từ chính kinh nghiệm của Mẹ. Trong
Misericordiae vultus, ĐGH Phanxicô đã mời gọi chúng ta hãy đón nhận sứ mạng này
là của chính chúng ta, trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu Cứu Thế.
4.
Đức Maria
là dấu chỉ của niềm hy vọng trong cuộc tranh đấu cho công bình. Mẹ biết nỗi lo
lắng của ngày “chuyển dạ sinh con”. Trong bài ca Magnificat, Mẹ đã nói đến đức
công bình bằng một “sự niềm nở thắm thiết” của một đức tính dịu dàng. Mẹ dạy
chúng ta rằng “bản chất có tính cách mạng của lòng mến và sự dịu hiền” (EG 288)
để biến đổi và chữa lành thế giới.
5.
Với tư
cách là một người môn đệ-nhà thừa sai, Đức Maria “sát cánh” cùng dân Thiên Chúa
và “cùng đi với họ suốt cuộc đời”. Mẹ dạy chúng ta ý nghĩa của tình liên đới!
Mẹ đi bên chúng ta. Mẹ thật trung thành và luôn kịp thời.
6.
Trong
sách Công vụ các Tông Đồ, và tại các Đền của Mẹ, Đức Maria luôn tạo nên những
không gian để quy tụ những “người hành hương” lại với nhau, nhất là những người
nghèo và đau khổ. Mẹ cầu nguyện với họ như thể cùng với những người hành hương
này chờ đợi sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần.
7.
Từ lòng đạo đức được canh tân đến
sứ vụ mang tính ngôn sứ
ĐGH Phanxicô đang mời gọi chúng
ta hôm nay cần phải gia tăng sự hiểu biết về Đức Maria như một con người đích
thực –một người như chúng ta, và là một hình ảnh về lòng nhân từ lân mẫn của
Thiên Chúa. Các quyển Tin Mừng cho chúng ta một hình ảnh mạnh mẽ về người phụ
nữ này, một người chị đích thực của chúng ta. Lời mời gọi này của ĐGH khích lệ
chúng ta hãy canh tân lòng sùng kính của chúng ta đối với Mẹ, để lòng sùng kính
đó cũng canh tân sứ vụ của chúng ta với Mẹ trong thế giới mang nhiều thương
tích của chúng ta hôm nay.
Trong quyển Những vinh quang của
Đức Maria, thánh Anphongsô đã thường xuyên khẳng định rằng nơi Đức Trinh Nữ
Maria Diễm Phúc, quyền năng phép tắc của Thiên Chúa đã “se chữ đồng” với lòng
thương xót của Thiên Chúa. Đức Maria không chỉ cảm thấy có một tình cảm dịu
hiền lớn lao dành cho chúng ta, nhưng, theo thánh ý Chúa, Mẹ còn tham gia vào
công trình cứu độ chúng ta nữa. Đây thật sự là một sứ điệp giải thoát đặc biệt
đối với những người nghèo, vì từ kinh nghiệm của họ, họ cảm thấy có những người
yêu thương họ nhưng cũng chỉ có thể giúp họ một ít, còn những người có quyền
lực thì chẳng quan tâm cứu giúp họ. Đối với thánh Anphongsô, sứ vụ của Đức
Maria trong Hội Thánh thật sự mang đậm tính Tông Đồ. Lòng sùng kính của thánh
Anphongsô dành cho Mẹ Maria nằm tại chính trung tâm của niềm xác tín là ngài
được sai đi đến với những con người bị bỏ rơi nghèo khổ, để rao giảng Tin Mừng
giải thoát, sự tha thứ và ơn cứu chuộc.
Đức Maria biết làm sao để giữ cùng
một lúc với nhau vừa tranh đấu cho công bình vừa dịu hiền lân mẫn như một người
mẹ. Nếu không có sự dịu hiền lân mẫn và lòng cảm thương này, thì cuộc tranh đấu
cho công bình có thể biến thành một ý thức hệ. Nếu như thế thì nó sẽ không thể
đưa đến sự giải thoát nhưng chỉ là chuyển sang một hình thức đàn áp khác mà
thôi. Tuy nhiên, nếu chỉ có dịu hiền lân mẫn mà không có công bình thì cũng có
thể sẽ đưa đến một loại chấp nhận “sao cũng được” theo cảm xúc, chẳng bao giờ
tạo nên những thách đố giúp cho sự tăng trưởng lớn mạnh cũng như sự tự do.
Đức Maria giữ cùng một lúc với
nhau cả hai nhân đức vừa chiêm niệm vừa thương xót. Nếu không có lòng thương
xót, sự chiêm niệm sẽ có nguy cơ thành chủ nghĩa quy hướng về chính mình
(narcissism). Điều này có thể trở thành chính loại tự quy chiếu mà ĐGH Phanxicô
phê bình trong Evangelii gaudium, là thứ ngăn cản Hội Thánh ra đi, vượt qua để
vươn ra xa và tiếp nhận lấy.
Mẹ Maria giữ cùng một lúc với
nhau trong sự hiệp nhất vừa cầu nguyện vừa hành động. Đây chính là điểm tuyệt
đối mang tính sống còn đối với người môn đệ-nhà thừa sai. Cầu nguyện mà không
có hành động thì sẽ đưa đến “chủ nghĩa duy đạo đức” và không thi hành sứ vụ gì.
Nhưng hành động mà không có cầu nguyện thì sẽ có nguy cơ trở thành chủ nghĩa
hoạt náo tăng động, phân tán và mất tập trung, là điều sẽ không thể bền vững
dài lâu. Là “người môn đệ-nhà thừa sai” đầu tiên, Đức Maria dạy chúng ta lòng
sùng kính đạo đức cần phải đưa đến sứ vụ và sứ vụ đưa chúng ta trở về lòng kính
đạo đức. Sự toàn vẹn của lòng sùng kính và sứ vụ này là nền tảng cho đặc sủng
DCCT cũng như Đời Sống Tông Đồ của chúng ta. Cùng với Mẹ Maria, dõi theo lời
dạy của thánh Anphongsô, chúng ta biết rằng chúng ta không thể có lòng sùng
kính đích thực được nếu không có sứ vụ thừa sai mãnh liệt. Cũng vậy, sứ vụ của
chúng ta sẽ được đào sâu hơn nữa cũng như được nuôi dưỡng nhờ lòng sùng kính
của chúng ta.
Những chứng nhân của Chúa Cứu
Thế: trong sự liên đới vì sứ vụ cho một thế giới bị tổn thương
Sứ vụ của chúng ta với Mẹ Maria
Hằng Cứu Giúp không phải chỉ là làm cho thế giới biết Mẹ. Trong khi chúng ta
vẫn phải tiếp tục thực hiện lời nhắn nhủ đã được ủy thác cho chúng ta, đặc biệt
là cho các thế hệ tương lai, thì hôm nay chúng ta cũng được kêu gọi làm hơn thế
nữa. ĐGH Phanxicô nhắc chúng ta nhớ rằng sứ vụ của chúng ta hôm nay phải là
đồng hành với Mẹ Maria trong chính sứ vụ CỦA MẸ như là một người môn đệ-nhà
thừa sai của Chúa Giêsu Cứu Thế! Sứ vụ Gia đình DCCT cùng với Linh ảnh Thừa sai
phản ánh chủ đề lục niên của chúng ta.
Sứ vụ của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đó
là sống như một Nhân chứng mang tính ngôn sứ của Chúa Giêsu Cứu Thế. Sứ vụ của
Mẹ có thể được tóm kết bằng 04 từ khóa sau đây: Đồng hành, Quy tụ, Cầu nguyện
và Đấu tranh cho công bình.
ĐỒNG HÀNH với người bị bỏ rơi và người nghèo khổ bằng lòng
thương cảm, sự dịu hiền và tình mẫu tử. Sự đồng hành này đòi buộc chúng ta phải
có tình liên đới đích thực, để dấn thân “đến gần” bên nhau suốt cuộc đời, để
trung thành và luôn kịp thời, cách đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn và
thách đố.
QUY TỤ dân Thiên Chúa như những người hành hương, cách
riêng những người nghèo và đau khổ. Hãy tạo ra những nơi chốn an toàn cho người
bị bỏ rơi và người nghèo để họ có thể đến với nhau và gặp gỡ nhau.
CẦU NGUYỆN giữa lòng dân Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của Lời
Chúa, “những dấu chỉ thời đại”, và kinh nghiệm của người nghèo, chúng ta cùng
nhau phải tiến hành biện phân trong cầu nguyện sâu xa hầu biết làm thế nào để
hành động với lòng thương xót nhân từ, công bình và yêu thương. Lời cầu nguyện
này, cách riêng “cầu nguyện cho các tha nhân” là một yếu tố quan trọng của một
sự toàn vẹn giữa nhà thừa sai và lòng sùng kính đích thực.
ĐẤU TRANH CHO CÔNG BÌNH bằng sức mạnh có tính cách mạng của lòng mến và sự
dịu hiền. Lòng sùng kính của chúng ta đưa chúng ta vào sự liên đới trong lời cầu
nguyện để biến đổi và chữa lành thế giới bị thương tích của chúng ta. Cuộc đấu
tranh cho công bình này là hệ quả của một đức tin cắm rễ sâu vào mầu nhiệm Nhập
Thể.
Thách đố cụ thể cho Gia đình DCCT
hôm nay
Khi chúng ta khởi đầu việc cử
hành Năm Thánh tôn vinh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, tôi đã yêu cầu mỗi Đơn vị hãy xem
xét một dự án xã hội đặc biệt để giúp người bị bỏ rơi và nghèo khổ nhằm đánh
dấu Năm Thánh quan trọng này. Một số Tỉnh và Phụ Tỉnh đã có hành động cụ thể để
trợ giúp chỗ trú ẩn cho phụ nữ và trẻ em, một số Tỉnh và Phụ Tỉnh khác gây quỹ
để trợ giúp những người tị nạn, các Đơn vị khác thì có những cách thức khác. Dĩ
nhiên, các dự án như thế không bị giới hạn vào phạm vi Năm Thánh mà thôi, và
bất cứ Đơn vị nào cũng có thể quyết định có những sự dấn thân như thế dưới sự
bảo trợ của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào bất cứ thời điểm nào cũng được.
Tuy nhiên, trong Năm Thánh Hành
Hương Với Linh Ảnh Thừa Sai này, tôi yêu cầu mỗi Đền, Thánh điện, Giáo xứ và
Đoàn thừa sai cũng như các Cộng đoàn DCCT hãy tiến hành suy tư cầu nguyện về sứ
vụ của chúng ta cùng với Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hôm nay. Chúng ta đã làm cho thế
giới biết Mẹ và còn tiếp tục làm cho thế giới biết Mẹ. ĐGH Phanxicô đã kêu gọi
chúng ta hãy suy tư về vai trò của Mẹ như một người môn đệ-nhà thừa sai hôm
nay, và hãy đồng hành với Mẹ trong sứ vụ của Mẹ cho thế giới bị thương tích của
chúng ta hôm nay. Chúng ta có thể thực hiện điều này bằng cách nào? Tôi yêu cầu
toàn thể Gia đình DCCT hãy cùng nhau tham gia vào tiến trình suy tư về lời kêu
gọi này tại cấp độ các Cộng đoàn địa phương cũng như ở cấp độ thuộc Tỉnh Dòng.
Anh em có thể sử dụng 04 từ khóa trên đây để giúp anh em suy tư: Đồng hành, Quy
tụ, Cầu nguyện và Đấu tranh.
Bằng cách nào chúng ta có thể
đồng hành với người nghèo và người bị bỏ rơi, người bị thương tích và đau khổ,
với lòng thương cảm, sự dịu hiền và tình mẫu tử? Bằng cách thức cụ thể nào
chúng ta có thể sống tình liên đới với những người di dân và tị nạn, với những
nạn nhân của nạn buôn người, với người trẻ và trẻ em đường phố, với người
nghiện ngập và không nhà cửa? Làm thế nào chúng ta có thể đồng hành với các gia
đình trẻ và các thành viên già nua tuổi tác trong các cộng đoàn của chúng ta?
Làm thế nào chúng ta có thể đồng hành với những người đang đấu tranh cho thế
giới hôm nay còn có được ý nghĩa, những người đang sống trong tuyệt vọng, những
người đã đánh mất niềm hy vọng?
Ở đâu chúng ta có thể tạo nên
những không gian để quy tụ dân Thiên Chúa, những nơi an toàn cho các cuộc gặp
gỡ đích thực được diễn ra? Chúng ta có thể sử dụng những tiện nghi nào tại các
Đền của chúng ta hoặc các Giáo xứ, các Cộng đoàn và trường học của chúng ta,
nơi người ta có thể gặp gỡ nhau, có thể tham gia các chương trình đào tạo hoặc
trao đổi thảo luận, hoặc những việc xã hội hóa và chia sẻ? Làm thế nào để các
nhà thờ của chúng ta có thể gia tăng tính đón tiếp hơn, cách riêng là đón tiếp
những người xa lạ? Liệu đang có những người cần xưng tội đang kêu mời chúng ta
và có những nơi nào để cử hành bí tích Hòa giải không?
Tất cả các Nhà thờ và Đền, các
Cộng đoàn và các cơ sở của chúng ta hãy đưa ra những khả năng cho việc cầu
nguyện và suy tư. Ở nhiều nơi, chúng ta đang củng cố mạnh mẽ và canh tân việc
làm tuần Cửu nhật kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Liệu các giờ cầu nguyện của chúng
ta có thực sự phản ánh được kinh nghiệm cụ thể và hoàn cảnh ở giữa anh chị em
của chúng ta hay không? Liệu các hoàn cảnh và kinh nghiệm đó có đưa chúng ta từ
những ý hướng cá nhân chuyển sang việc cầu nguyện cho người khác hay không cũng
như nói đến những nhu cầu của xã hội mà chúng ta đang sống trong đó hay không?
Chúng ta có kêu gọi người khác sử dụng phương thế cầu nguyện để biện phân Lời
Chúa, các dấu chỉ thời đại cũng như đời sống riêng của họ hay không? Các giờ
cầu nguyện kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta có hội nhập và phản ánh những
lời giáo huấn mới về Phúc Âm hóa, về gia đình, về việc chăm sóc Ngôi Nhà Chung
của chúng ta cũng như về lòng thương xót hay không? Các giờ cầu nguyện của
chúng ta có khích lệ và tăng cường sức mạnh cho khả năng lãnh đạo của người
giáo dân hay không?
Việc sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu
Giúp của chúng ta có lôi kéo chúng ta vào một sự dấn thân sâu xa hơn cho việc
đấu tranh cho công bình hay không? Như Đức Maria, chúng ta có giữ vững cùng một
lúc với nhau sự công bình và sự dịu hiền hay không, để sức mạnh có tính cách
mạng của lòng thương xót, sự cảm thương và lòng mến có thể biến đổi thế giới
chúng ta cho mọi người hay không? Bằng cách nào chúng ta có thể diễn tả lòng
nhiệt thành của chúng ta đối với đức công bình trong lời nói cũng như hành động
cụ thể? Chúng ta có thể thực hiện điều này bằng cách nào trong những hoàn cảnh
thực tế của chúng ta? Chúng ta có thể đưa ra một nền đào tạo nào dành cho hoạt
động vì công bình ngang qua sứ vụ của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp hôm nay?
Lời kêu gọi
Tôi mời gọi tất cả các anh chị em
hãy gửi cho tôi hoa trái của những suy tư và đối thoại của anh chị em cũng như
những kế hoạch hành động cụ thể bắt nguồn từ những suy tư và đối thoại này. Nếu
có thể, xin gửi cho tôi vào khoảng 31.10.2017. Điều này sẽ giúp không chỉ cho
thấy Chúa Thánh Thần đang hoạt động giữa chúng ta thế nào, nhưng còn có thể sử
dụng như một sự gợi hứng cho các Đơn vị khác, khi chúng ta thực hiện lời nhắn
nhủ hãy sống Lòng Sùng Kính-Tính Thừa Sai trong khắp cả Gia đình Hội Dòng Chúa
Cứu Thế của chúng ta.
Kết luận và cầu nguyện
Khi chúng ta đang tiếp tục cùng
nhau cử hành Năm Thánh Hành Hương và Thừa Sai với Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
ở khắp thế giới, ước gì đây là thời hồng ân và canh tân cho toàn thể Gia đình
DCCT.
Trong Năm Thánh này, chúng ta đã
vui mừng thực hiện lời nhắn nhủ “Hãy làm cho thế giới biết Mẹ”. Bất cứ nơi nào
chúng ta đã đi đến thì Đức Mẹ cũng đồng hành với chúng ta. Mẹ thường đi trước
chúng ta và mở cửa cho chúng ta đến hiện diện và thi hành sứ vụ – tại Haiiti,
Hàn Quốc, Ghana là một số ví dụ. Mẹ Maria vẫn còn đang đồng hành với sứ vụ của
chúng ta. Chúng ta có thể đồng hành với Mẹ trong sứ vụ của Mẹ và ngày càng trở
nên Những chứng nhân của Chúa Cứu Thế: trong sự liên đới vì sứ vụ cho một thế
giới bị tổn thương hay không?
Trong ít ngày nữa, chúng ta sẽ cử
hành Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cùng hiện diện với các môn đệ ở lầu
trên tại Giêrusalem, Đức Maria đã cầu nguyện cho việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần
mà Mẹ đã được lãnh nhận ngày Truyền Tin. Mẹ đã cầu nguyện xin Thần Khí biến đổi
các môn đệ thành các tông đồ: Các môn đệ-Nhà thừa sai cũng như các Chứng nhân
mang tính ngôn sứ của Chúa Cứu Thế, người Con của Mẹ và cũng là người Anh của
chúng ta. Ước gì những lời cầu nguyện của Mẹ đồng hành cùng chúng ta để Chúa Thánh
Thần sẽ hướng dẫn tất cả suy tư và kế hoạch của chúng ta, khi chúng ta ứng đáp
cách sâu xa hơn với lời mời gọi trở nên các môn đệ-nhà thừa sai cùng với Mẹ
Maria hôm nay, những Chứng nhân đích thực và mang tính ngôn sứ của Chúa Cứu Thế
trong thế giới bị tổn thương của chúng ta!
31.05.2017
Lễ Đức Mẹ Đi Thăm Viếng
Người anh em trong Chúa Cứu Thế,
Michael Brehl, CSsR
Bề Trên Tổng Quyền.
Chuyển ngữ: Lm. JM. Hà Ngọc Phú,
C.Ss.R.
No comments:
Post a Comment