Thursday, 29 June 2017

Suy niệm trong linh đạo DCCT: Được sai đi để rao giảng



Trong một thế giới phát triển nhanh về tin tức, chúng ta – những tu sĩ DCCT – cống hiến cuộc sống chúng ta cho thứ tin quan trọng hơn mọi tin khác. Chúng ta đã được trao phó với tin đã tồn tại từ lúc khởi đầu, đang trải dài suốt lịch sử nhân loại: câu chuyện về Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta một cách kỳ diệu nhất giống hình ảnh Ngài, và còn canh tân, cứu chuộc chúng ta cách lạ lùng hơn nữa.

Tin phải kể đến

Khi xác định chủ đề lục niên, mối quan tâm hàng đầu của Tổng Công Hội XXIV là “rao giảng Tin Mừng”.
Trong một thế giới phát triển nhanh về tin tức, chúng ta – những tu sĩ DCCT – cống hiến cuộc sống chúng ta cho thứ tin quan trọng hơn mọi tin khác. Tin vào ban sáng sẽ bị lãng quên ngay vào tối hôm ấy. Nhưng chúng ta đã được trao phó với tin đã tồn tại từ lúc khởi đầu, đang trải dài suốt lịch sử nhân loại: câu chuyện về Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta một cách kỳ diệu nhất giống hình ảnh Ngài, và còn canh tân, cứu chuộc chúng ta cách lạ lùng hơn nữa (theo Phụng Vụ Lễ Giáng Sinh).

Vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn (Tv 16,6), ơn gọi kỳ diệu của chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để nói một lời khác. Giữa những kế hoạch kiếm tìm hạnh phúc, Tin Mừng được trao phó vào tay chúng ta như những người gieo giống: đem đến một cuộc sống tươi đẹp, tốt lành, một cuộc sống vĩnh cửu. Nét đẹp ơn gọi chúng ta đã ở ngay trong tên gọi mà chúng ta cưu mang.

Ơn cứu chuộc là một sứ mạng cao cả. Thiên Chúa đã không do dự để được sinh ra trong xác phàm. Ơn cứu chuộc bắt đầu từ sự cự tuyệt. Ơn ấy nghĩa là giải phóng nhân loại khỏi những gì đè nén con người: sự bất công, nỗi khổ đau và sự tội. Nhưng mục tiêu cuối cùng của ơn cứu chuộc là niềm vui được nhận biết Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Người, phó thác cho sự quan phòng của Người.

Trong sứ mạng cao cả của Giáo Hội, Tin Mừng về lòng thương xót được trao phó cho chúng ta – những tu sĩ DCCT. Có nhiều phương thức khác nhau để đọc Tin Mừng. Qua nhiều thế kỉ, đã có lúc việc đọc Tin Mừng dùng để xét xử, đôi khi kết án đem đi thiêu sống nơi quảng trường thành phố hay kết án sa xuống hỏa ngục. Chúng ta – tu sĩ DCCT – cũng có lỗi vì dùng thập giá như một dùi cui.

Sứ vụ của tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế thật tốt đẹp song cũng cam go. Chúng ta phải rao giảng lòng lành vô cùng của Thiên Chúa cùng với việc hối cải cấp bách, lòng khoan dung của Chúa Cha và cửa hẹp vào Nước Thiên Đàng. Chúng ta sẽ bị cám dỗ bỏ cuộc nếu sức mạnh của chúng ta không xuất phát từ Thiên Chúa; và nếu chúng ta không nhận ra rằng thế giới cần tin vui này quan trọng như nó cần lương thực hằng ngày vậy.
Sức mạnh của chúng ta ở trong Lời. Và Lời thật quyền năng! Lời chảy vào tai, qua tâm trí, tràn vào tâm hồn và thân xác ta, thúc đẩy ta yêu mến hoặc chiến đấu. Lời Chúa thật có sức mạnh biết bao! Lời ấy bừng sáng những khoảnh khắc đen tối, thay đổi cả cuộc sống và tạo nên sự khác biệt giữa phép thuật và bí tích. Lời ấy làm nảy sinh sự sống mới, sự tha thứ, sức mạnh nội tâm, Thánh Thể Chúa, một giao ước trung thành, việc phục vụ và chuẩn bị cho hành trình đi vào sự sống đời đời.

Lời Chúa là ánh sáng soi bước chân con

Lời Chúa, đọc Lc 4,40-44: Tiếp đến là suy niệm, ghi nhớ rằng:
·                     Trong đoạn này, thánh Luca cho ta hình ảnh đầu tiên của Chúa Giêsu, cùng với “thời gian biểu” hoạt động của Ngài trong ngày. Những điều quan trọng nhất là: cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ, việc chữa lành, nơi hoang địa, nhưng trên hết là sự ý thức về sứ vụ của Ngài. Ngài phải tiếp tục đi đến những thành khác và hội đường khác. Niềm hăng say vì Nước Trời của Ngài lôi cuốn Ngài. Vì lẽ này mà Ngài đã đến.

·                     Mọi thứ diễn ra từ từ hoàng hôn tới lúc bình minh. Đêm tối là hình ảnh của sự trống rỗng, của sự tĩnh lặng; nó báo hiệu sự chết. Có những lúc, Đức Giêsu dành cả đêm cầu nguyện. Ngài cũng tìm vào sa mạc. Tuy vậy, vào lúc chập tối, Ngài chữa lành những người bệnh tật và xua trừ ma quỷ; vào lúc bình minh, Ngài không thể bỏ đám đông đang tìm Ngài. Đêm tối là nơi con người chịu bất lực và là thời điểm Thiên Chúa hành động.

Từ truyền thống Dòng Chúa Cứu Thế
Tình bạn giữa thánh Anphongsô và chân phúc Gennaro M. Sarnelli nảy sinh từ trong sự khẩn thiết của sứ vụ. Trong tình bạn này, chúng ta có thể thấy hai động lực chính đã thúc đẩy sự sống vào trong toàn lịch sử của Hội dòng: việc rao giảng cũng như việc quan tâm đến nhu cầu cụ thể của con người.
Cả hai vị đều nhận ra rằng Tin Mừng là chân lý duy nhất của cuộc sống, ở việc phục vụ phúc lợi toàn vẹn cho con người. Cả hai tình nguyện làm việc trong bệnh viện dành cho những bệnh n hân nan y. Là những luật sư, họ kinh nghiệm sự khác nhau giữa lề luật hợp pháp và sự hoán cải con tim. Khi là linh mục, cả hai làm việc theo phương pháp thừa sai, bắt đầu với nguyện đường về đêm. Họ có nhiều kinh nghiệm thừa sai nơi thành thị và ở vương quốc Napôli, đã gặp thấy nhiều tình trạng bị bỏ rơi.

Anphongsô và Gennaro phục vụ trong Giáo Hội nơi mà sự dốt nát tôn giáo đã dung dưỡng cho tà giáo, sự mê tín, nạn tham nhũng trong xã hội và bạo hành gia đình. Cả hai thấy rằng mục vụ bình thường vẫn chưa đủ. Ngay cả hình thức mục vụ kết hợp sám hối cũng thế. Dân chúng cần sự giúp đỡ bền vững cho việc hoán cải của họ. Họ cần kinh nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương. Vì vậy, công việc mục vụ thừa saicủa các ngài đưa đến việc hướng dẫn người ta trên hành trình đi đến sự thánh thiện, niềm khao khát chân chính và xác thực nơi mỗi người.

Đây là công việc rất lớn lao và hết sức vất vả mà Chân phước Sarnelli đã đạt được qua việc dạy giáo lý. Đây là một vai trò hiển nhiên hơn hết trong khoa sư phạm của thánh Anphongsô.

Do đó, sứ vụ bình dânDòng Chúa Cứu Thế được sinh ra, một kiểu mẫu cho sứ vụ đúng thời buổi sẽ khoác lấy các hình thức khác. Nhưng từ đầu, những trụ cột nền tảng là: việc rao giảng, “linh đạo bình dân”, sự chăm sóc cá nhân cho mọi người, việc dạy cầu nguyện, tâm nguyện chung, việc chối bỏ “sứ vụ trọng tâm” sẽ không cho phép rao giảng trong những làng quê nhỏ và những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất, việc thiết lập những hội đoàn, in ấn những tập sách nhỏ thực hành đơn giản và việc ca hát. Về sau, cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế địa phương mở rộng sứ vụ bằng cách đón tiếp mọi người và tổ chức tĩnh tâm cho giáo sĩ và giới quí tộc, những thành phần chủ chốt cho việc biến đổi các tập tục .

Thật vậy, một lịch sử đã được bắt đầu, được đảm đương với cùng một năng lực thừa sai. Chúng ta còn nhớ thánh John Neumann, ngay từ buổi đầu ngài đã được giao coi sóc khu vực phía bắc Buffalo, New York, một vùng rất rộng lớn khoảng 900 dặm, nơi mục vụ gần nhất mất khoảng 2 giờ và chỗ xa nhất mất khoảng 12 giờ đi ngựa. Nhưng đây chỉ là bước đầu. Sau khi trở thành giám mục, Neumann thấy mình được giao trọng trách với một giáo phận rộng 35.000 dặm vuông mà ngài đã tìm thăm tất tất cả, dẫn dắt tâm hồn mọi Kitô hữu thuộc đàn chiên của ngài.

Đây không đơn giản là câu chuyện của quá khứ. Ngày nay, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tiếp nối cùng một lịch sử này.

Hiến pháp ngày nay
Nếu ơn gọi của chúng ta là “theo gương Đức Kitô Cứu Thế bằng việc rao giảng Lời Chúa cho người nghèo” (HP. 1) thì chúng ta cũng phải nhận ra nguy cơ này: bận tâm người nghèo quá mức đến nỗi chúng ta lờ đi Tin Mừng.

Gần đây, Dòng Chúa Cứu Thế ưu tiên lưu tâm đến những người mà chúng ta được sai đến. Việc tái cấu trúc cũng nhắm đưa ta đến việc tìm kiếm người nghèo và người bị bỏ rơi. Bản Hướng dẫn chung cho các Hiến pháp của Công hội đưa ra ưu tiên hàng đầu đối với những người mà chúng ta được sai đến, kế đến là nội dung của việc Tin Mừng hóa (số 6).

Có lẽ lịch sử đang đòi chúng ta đảo lại những ưu tiên này: mắt chúng ta hướng nhìn (Dt 12,2) về điều mà Đức Giêsu muốn công bố cho Giáo Hội và cho thế giới trong thời điểm lịch sử này.

Chỉ với cái nhìn chiêm niệm thật sự, cùng với suy niệm và việc chia sẻ những cấp độ khác nhau của Hội dòng, ta mới có thể làm tiến triển sứ vụ của chúng ta cho người nghèo và người bị bỏ rơi. Chúng ta không phải được kêu gọi để loan báo về lòng thương xót của Đức Kitô trong Giáo Hội bị cám dỗ bởi óc vụ luật sao? Không phải chúng ta nên đi trên con đường của sự đơn giản và sự gần gũi tới những người trong một Giáo Hội bị cám dỗ bởi chủ nghĩa vinh quang sao? Nếu người ta chỉ nhìn thấy Giáo Hội như một cơ chế, cộng đoàn chúng ta không nên hiện diện ở những nơi của sự hiếu khách và sự tiện ích có sẵn sao?

Ngôn ngữ nào và việc chọn lựa mục vụ nào chúng ta sử dụng để giúp người ta gặp Đức Kitô như Đấng Cứu Chuộc: đó là, nguyên tắc hòa giải nội bộ nào của sự bình an trong những tương quan, của sự nên một với thánh ý Thiên Chúa, của niềm vui và sự phó thác trong mọi trạng huống khác nhau của cuộc sống? Và Đấng Cứu Độ phải nói gì khi đối mặt quá nhiều hình thức phô bày của sự dữ lan tràn ngày nay?

Ngày nay, một phạm vi phổ biến tăng dần đối với sứ vụ của chúng ta là quan tâm tới những người “chưa đón nhận thông điệp của Giáo Hội như là Tin Mừng” (HP. 3). Lịch sử đòi chúng ta phải hòa hợp được với những cá nhân và những người thiện chí, đường dẫn đến hạnh phúc của họ, thường bị bẻ cong bởi tội lỗi. Chúng ta được yêu cầu chú ý nhiều đến sự sống hơn là sách vở.

Có quá nhiều thứ chúng ta có thể làm và phải làm. Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc cử hành phụng vụ, ở đó hội dòng tụ họp “để sống mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm ơn cứu độ” (HP. 29). Đây là khởi điểm của chúng ta cho sứ vụ mở ra với thế giới. Chúng ta có thể làm rất nhiều bằng việc chúng ta cử hành phụng vụ. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc rao giảng của chúng ta. Đến hôm nay, “đức tin là do nghe giảng” (x. Rm 10,14-17).

Kết luận

Ta hãy cầu nguyện bằng lời của chân phúc Sarnelli:
Lạy Thiên Chúa của lòng thương xót, là Cha của mọi niềm an ủi,
Người mãi là Thiên Chúa yêu thương,
cả khi Người đáp lại ngay lời con xin hay sau đó.
Ôi Chúa của lòng con,
con tin tưởng, tuyên xưng và thờ lạy vẻ tuyệt mỹ khôn tả của Người
Đã bao lần con cảm nghiệm được sự quan phòng của Người!
Có vẻ như Người không đoái hoài trước những ưu tư của con;
Rồi chính Người đã giúp con thậm chí nhiều hơn điều con xin.
Người như thờ ơ trước những khó khăn của chúng con, như không nghe trước tiếng kêu than của chúng con;
Người như thiếp ngủ khi cuồng phong ập đến,
nhưng Người ban cho chúng con sức mạnh để chiến đấu với bão tố.
Thật vậy, Người thử thách đức tin và lòng mến của chúng con.
Ôi Đấng Quan Phòng, ôi Sự Khôn Ngoan vĩnh cửu, ôi Đấng phán xét đáng ngợi ca của con.
Chúc tụng Đấng Hóa Công, lòng thương xót của Người chẳng bao giờ bỏ rơi chúng con
miễn là chúng con nâng tâm hồn chúng con lên tới Người bằng các phương thức cầu nguyện thánh thiện. Amen.

Joseph P. Dorcey C.Ss.R 
Học viện Thánh Anphongsô (theo cssr.news)


No comments: