Monday 19 June 2017

Lm Vĩnh Sang DCCT : ĐƯỜNG LỐI CỦA HỘI THÁNH




Khi những ngày đầu sôi động của “ngọn lửa Thái Hà” ( tháng 8 năm 2008 ) bùng cháy, một vị “quan chức” trong Giáo Triều Rôma đã hỏi tôi hai câu hỏi: Đã đối thoại chưa ? Và đâu là đường lối của Hội Thánh ? Không dễ gì trả lời được hai câu hỏi này ở những thời điểm khác đừng nói gì ở vào thời điểm ấy, câu trả lời còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều quan điểm ở nhiều góc nhìn. Thời gian đã qua gần 10 năm, một thời gian có lẽ tạm đủ để đánh giá theo kích thước mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng phần dấn thân cho công ích và hòa bình: “Thời gian thắng không gian”, đủ để thẩm định hơn thiệt trong chọn lựa thái độ đối với xã hội.

 Ngày 1.6.2017 vừa qua, từ Xuân Lộc, Ban Thường Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã gởi đến Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khóa XIV và toàn thể Dân Thiên Chúa một lá thư trình bày “Một số nhận định về Luật Tín Ngưỡng, tôn giáo 2016” nhân danh cộng đồng tín hữu Công Giáo Việt Nam, Luật “tín ngưỡng, Tôn giáo” mà Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vừa thông qua vào ngày 18 tháng 11 năm 2016, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2018.

Lá thư gồm 5 điểm, ngoài điểm 1 mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đánh giá là “có một số điểm mới và tích cực”, các điểm còn lại, điểm 2: những điều gây quan ngại, điểm 3: luật mới tiếp tục củng cố cơ chế xin - cho, điểm 4: Nhà nước “nhìn các tổ chức tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem  các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng”. Riêng điểm 5: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thẳng thắn phân biệt giữa “dân tộc” và “chế độ”. “Chế độ chính trị thì thay đổi theo thời gian, dân tộc thì trường tồn…”

Điều 5 đề cập đến thái độ “đồng hành”. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam khẳng định: “Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những con người cụ thể đã và đang làm nên dân tộc này, nhất là những người cùng khổ và bị quên lãng. Đồng hành với dân tộc là đồng hành với những giá trị làm nên di sản tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam: chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi, chống cường quyền, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách…”

Cụ thể hôm nay. Thế nào là chống ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi ? Chúng ta đang bị xâm lược trầm trọng, kinh tế chao đảo tùy thuộc quá lớn vào cách thao túng của "người anh em" Trung Quốc. Thực phẩm bị ngoại bang đầu độc nặng nề bằng nhiều kiểu nhiều cách. Môi trường: biển, rừng, không khí, nước ngọt đều bị làm cho ra tan hoang. Biên giới ngắn dần, biển đảo mất dần, vùng lãnh hải thu nhỏ dần… Luân lý đạo đức bị chủ thuyết CS làm biến chất trầm trọng… ( Ảnh chụp tàu cá Việt Nam ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị "tàu lạ" húc chìm ).

Thế nào là "chống cường quyền" ? Liên tiếp trong mấy ngày qua 2 nạn nhân, một ở Tam Bình, Thủ Đức ( Ông Ngô Chí Tâm, ngày 14 tháng 6 ), một ở Đăk Lăk ( Ông Hoàng Văn Long, ngày 16 tháng 6 ) bị gọi lên đồng CA “làm việc”  chỉ qua một đêm cả hai đều thắt cổ tử tự chết ! với hai nạn nhân này nâng số nạn nhân chết trong đồn CA lên trên 220 vụ trong ba năm vừa qua. Những cuộc xuống đường lên tiếng về chủ quyền quốc gia, về môi trường bị bắt bớ đánh đập, bỏ tù một cách tàn bạo. Bao nhiêu đất quân đội, đất tư nhân, đất tôn giáo, từ chiêu bài “đất đai thuộc về toàn dân” đã lần lượt rơi vào túi tham của các quan chức dân sự cũng như quân đội, riêng đất của quân đội trong Sàigòn trước năm 75 nay đã xây nhà, biệt thự, cửa hàng… của các quan chức đã lên đến cả hàng trăm hecta.

Thế nào là "tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách ?" Tương thân tương ái trong thời điểm này là thế nào ? Người dân hơn 4 tỉnh miền Trung khốn đốn vì biển chết đã hơn một năm, liên tiếp những cơn lũ do thủy điện mở đập ập xuống cuốn trôi ruộng nương dân lành khắp nơi, bao nhiêu học sinh miền núi đi học băng sông băng suối bằng dây cáp, dây thừng, hàng chục chiếc tàu vỏ thép nằm ụ, ngư dân tiền mất tật mang, hàng trăm căn nhà ven bờ đồng bằng sông Cửu Long đổ ụp xuống sông, nông dân được mùa thì mất giá… Lá lành đùm lá rách là phải làm sao, là phải làm những gì ?
Bấy nhiêu suy nghĩ thiết tưởng cũng tạm đủ để có câu trả lời về hai câu hỏi: Đối thoại và đường lối của Hội Thánh. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tiếng nói chính thức của Hội Thánh đã lên tiếng, chắc chẳng còn người tín hữu nào lại phải… “chòng chành giữa muôn chiều đạo lý” trong thời điểm hiện nay nữa.

( Những chữ viết nghiêng và tô đậm màu nâu là đoạn trích từ thư “Một số nhận định và suy nghĩ về Luật Tìn ngưỡng và Tôn giáo” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ).

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 16.6.2017


No comments: