Ngày 31
tháng 5 năm 2017, chúng tôi, những Tu Sĩ DCCT nhận được lá thư của cha Bề Trên
Tổng Quyền gởi đi từ Rôma nhân ngày lễ Đức Mẹ đi thăm viếng. Lá thư cách riêng
đối với tôi là một sự kiện gây chấn động trái tim và suy tư về sứ vụ, tôi nghĩ
có thể cùng một cảm xúc như thế đối với anh em tôi trong ơn gọi An Phong, những
Tu Sĩ DCCT, cách riêng DCCT tại Việt Nam. Xin được phép chia sẻ với anh chị em
như lời chúng ta vẫn cam kết với nhau về tình hiệp thông trong Hội Thánh.
Năm
2015 – 2016, kỷ niệm 150 năm bức Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được Đức Thánh
Cha Pio IX trao cho DCCT với lời nhắn nhủ: “Hãy làm cho mọi người biết Mẹ” (
11.12.1865 ). Toàn thế Nhà Dòng trên khắp thế giới đã long trọng cử hành Năm
Thánh với nhiều hoạt động đánh dấu biến cố này. Sau Năm Thánh 2015 – 2016, năm
bức Linh Ảnh được Đức Thánh Cha Phanxicô thánh hóa, đang thực hiện các chuyến
hành hương đến các đơn vị ở khắp năm châu lục. Lễ Đức Mẹ đi viếng năm nay, cha
Bề Trên Tổng Quyền gởi thư như để làm rõ việc sùng kính bức Linh Ảnh và chỉ ra
sứ mạng hàng đầu của DCCT hôm nay trước một thế giới mang đầy thương tích. Lá
thư khá dài ở đây chúng tôi chỉ xin trích một vài điểm để chúng ta cùng nhau
suy nghĩ.
Điểm quan trọng của lá thư là: “Làm cho mọi người
biết Mẹ” không chỉ là những sinh hoạt sùng kính Mẹ, nhưng còn phải là cùng với
Mẹ trong sứ vụ thừa sai hôm nay nơi một thế giới đầy thương tích. Từ đó cha Bề
Trên Tổng Quyền đưa ra bốn từ khóa ( key-words ) để giúp biện phân sứ vụ của
chúng ta, xin được trích nguyên văn:
“Sứ vụ
của Mẹ có thể được tóm kết bằng bốn từ khóa sau đây: Đồng Hành, Quy Tụ, Cầu
Nguyện và Đấu Tranh cho công bình.
ĐỒNG HÀNH với người bị bỏ rơi và người nghèo khổ bằng lòng
thương cảm, sự dịu hiền và tình mẫu tử. Sự đồng hành này đòi buộc chúng ta phải
có tình liên đới đích thực, để dấn thân “đến gần” bên nhau suốt cuộc đời, để
trung thành và luôn kịp thời, cách đặc biệt trong những hoàn cảnh khó khăn và
thách đố.
QUY TỤ Dân Thiên Chúa như những người hành hương, cách
riêng những người nghèo và đau khổ. Hãy tạo ra những nơi chốn an toàn cho người
bị bỏ rơi và người nghèo để họ có thể đến với nhau và gặp gỡ nhau.
CẦU NGUYỆN giữa lòng Dân Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của Lời
Chúa, “những dấu chỉ thời đại”, và kinh nghiệm của người nghèo, chúng ta cùng
nhau phải tiến hành biện phân trong cầu nguyện sâu xa hầu biết làm thế nào để
hành động với lòng thương xót nhân từ, công bình và yêu thương. Lời cầu nguyện
này, cách riêng “cầu nguyện cho các tha nhân” là một yếu tố quan trọng của một
sự toàn vẹn giữa nhà thừa sai và lòng sùng kính đích thực.
ĐẤU TRANH CHO CÔNG BÌNH bằng sức mạnh có tính cách mạng của lòng mến và sự
dịu hiền. Lòng sùng kính của chúng ta đưa chúng ta vào sự liên đới trong lời
cầu nguyện để biến đổi và chữa lành thế giới bị thương tích của chúng ta. Cuộc
đấu tranh cho công bình này là hệ quả của một Đức Tin cắm rễ sâu vào mầu nhiệm
Nhập Thể.”
Lá thư được dẫn đến lời yêu cầu suy tư
duyệt xét lại các sinh hoạt của từng anh em, từng cộng đoàn, từng Nhà Thờ, từng
Đền Thờ, từng Tỉnh Dòng… của Nhà Dòng dựa trên bốn từ khóa Đồng Hành, Quy Tụ, Cầu Nguyện và Đấu Tranh. Mà ngài gọi là Thách
Đố cụ thể cho Gia Đình DCCT hôm nay.
- Bằng cách nào chúng ta có
thể đồng hành với người nghèo và người bị bỏ rơi, người bị thương tích và đau
khổ, với lòng thương cảm, sự dịu hiền và tình mẫu tử ?
- Ở đâu chúng ta có thể tạo
nên những không gian để quy tụ Dân Thiên Chúa, những nơi an toàn cho các cuộc
gặp gỡ đích thực được diễn ra ? Chúng ta có thể sử dụng những tiện nghi nào tại
các Đền của chúng ta hoặc các Giáo Xứ, các Cộng Đoàn và trường học của chúng
ta,
- Tất cả các Nhà
Thờ và Đền, các Cộng Đoàn và các cơ sở của chúng ta hãy đưa ra những khả năng
cho việc cầu nguyện và suy tư… Liệu các giờ cầu nguyện của chúng ta có thực sự
phản ánh được kinh nghiệm cụ thể và hoàn cảnh ở giữa anh chị em của chúng ta
hay không ? Liệu các hoàn cảnh và kinh nghiệm đó có đưa chúng ta từ những ý
hướng cá nhân chuyển sang việc cầu nguyện cho người khác hay không cũng như nói
đến những nhu cầu của xã hội mà chúng ta đang sống trong đó hay không ? Chúng
ta có kêu gọi người khác sử dụng phương thế cầu nguyện để biện phân Lời Chúa,
các dấu chỉ thời đại cũng như đời sống riêng của họ hay không ? Các giờ cầu nguyện
kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng ta có hội nhập và phản ánh những lời giáo
huấn mới về Phúc Âm hóa, về gia đình, về việc chăm sóc Ngôi Nhà Chung của chúng
ta cũng như về lòng thương xót hay không ? …
- Việc sùng kính Đức Mẹ Hằng
Cứu Giúp của chúng ta có lôi kéo chúng ta vào một sự dấn thân sâu xa hơn cho
việc đấu tranh cho công bình hay không ? …”
Đã mấy ngày trôi qua, ngoài các Giờ Phụng Vụ
của cộng đoàn, tôi đã bị thôi thúc bận tâm về lá thư của vị Bề Trên của chúng
tôi, “thách đố” này sẽ như thế nào đối với bản thân tôi, đối với tất cả anh em
DCCT chúng tôi hôm nay ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT,
2.6.2017
No comments:
Post a Comment