Monday 1 September 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR Tông Đồ Công Vụ Chương 9



CHƯƠNG 9
PHILIP – PHÊRÔ – YOAN
*******
BIÊN SOẠN I
8:4-25. Philip giảng tại Samari, Phêrô và Yoan
(Coi. L.Cerfaux, Recueil I 191-258 La Gnose Simonienne
                             259-262 Simon le Magicien à Samarie
Luca muốn trình bày hoạt động tông đồ của Philip như hậu quả trực tiếp của cơn bắt đạo. Dothái từ khước Tin mừng lại là dịp Thiên Chúa dùng để thực hiện lời hứa 1:8. Đến đây Luca nhắc lại biến cố xảy ra trước kia : Simôn phù thủy đã gây sôi nổi dân Samari. Nhưng Tin mừng mạnh thế hơn : dân Samari đã trở lại, cả Simôn cũng chịu rửa tội, và bỡ ngỡ trước phép lạ của Philip. Để làm hoàn tất công việc truyền giáo đó, Phêrô và Yoan đã đến đặt tay và ban Thánh Thần cho tín hữu (và Luca chắc ám chỉ đến những hiệu quả bên ngoài Simôn thấy được). Việc truyền giáo bên ngoài hoàn toàn ở trong sự y chuẩn của các Tông đồ.
Nhưng khi bình luận trình thuật thì chúng ta phải nói Luca đã tả mọi sự, theo nhỡn giới thời mình. Bởi đó có những câu hỏi không sao trả lời dứt khoát được. Xứ Samari có 2 thứ người : người chính gốc Dothái, cũng đạo Yavê, nhưng li khai với Yêrusalem – và những người thuộc hoàn toàn dân ngoại. Philip đã giảng cho ai? Theo mạch lạc thì phải hiểu Samari gốc Dothái. Nhưng Simôn hoạt động ở đâu? Theo những chi tiết về bè Simôn, thì nói là Simôn hoạt động giữa dân ngoại. Làm sao hai việc đó hòa hợp với nhau? Quyền năng vĩ đại (dunamis megalè) là tước hiệu thần linh có chứng chỉ dùng cho Simôn. Vậy liên lạc Simôn với công việc của Philip rất mù tối. Còn tác dụng trong trình thuật Cv : cũng như những truyện phù thủy khác (Elymas, 13:6tt; con cái của Scaeva 19:13tt), Luca muốn cho thấy phép lạ của Kitô giáo vượt xa ngoài mọi mà thuật phù phép, tương phản giữa quyền năng Thiên Chúa và phép thuật ma quỉ. Quyền năng phép lạ, trừ quỉ là của cải Hội thánh đã được do Chúa sống lại đã ban Thánh thần. Điều đó làm Hội thánh tách biệt hẳn, không có gì đụng chạm với những đạo của dân ngoại.
8:26-40 : Philip rửa tội viên hoạn quan xứ Êthiopi.
Trình thuật có tác dụng nối giữa truyện người Samari trở lại, và truyện dân ngoại chịu đạo trong nố Cornelius (Cv10). Bởi đó nhân vật cũng ở trong danh tính mập mờ : quê quán và kiểu nói về địa vị thì phải là một người ngoại. Nhưng Luca không nói ngay được như thế : vì quyền đem người ngoại vào đạo là quyền Luca dành cho Phêrô. Một người Dothái chính cống thì nào có gì đặc sắc cho việc tiến triển của truyền giáo nữa! Nhưng kiểu trình bày của Cv thì có thể nghĩ được là một người Dothái : hành hương tự phương xa về, có sách Thánh, và chuyên gẫm. Nếu Luca không nói rõ là “người kính giới Thiên Chúa” thì chỉ có thể hiểu là một người Dothái sùng đạo.
Trình thuật là một chuỗi sự lạ : Philip được lịnh đến chỗ gặp gỡ (nhưng chưa biết vì chuyện gì) – lịnh tới gần xe – đúng lúc viên hoạn quan đọc sách Ys nhằm chỗ phải đọc và Philip nghe được – viên hoạn quan đã hiểu lời tiên tri đến đỗi chỉ cần biết lời Ys viết về ai : vì có thế mới có thể thanh tẩy được.
Tương tợ như vậy chỉ có truyện Cornelius. Mà ý hai truyện hầu lại như nhau : làm sao Thiên Chúa tỏ ý định của Người là Tin mừng phải đem đến cho cả dân ngoại. Như thế là truyện này cũng như truyện Cornelius thoạt trước tiên là truyền tụng lại (trong những khu vực khác nhau : truyện Cornelius, trong khu vực của Hội thánh công khai dưới quyền lĩnh đạo của Phêrô; còn truyện viên hoạn quan : lưu truyền trong nhóm Hi-hóa). Luca lấy lại và viết lại theo trình thuật diễn tiến của Tin mừng : Yêrusalem đến Samari, rồi đến miền duyên hải. Và khi viết lại Luca đã sắp đặt theo trình tự một việc đạo : tất cả truyện hướng đến thanh tẩy. Giản lược các giai đoạn người muốn chịu thanh tẩy phải ngang qua.
10:1-11:18 : Cornelius trở lại.
Trình thuật này ta nên đọc ngay sau truyện viên hoạn quan người Êthiopi. Thời buổi : chúng ta không thể xác định rõ rệt được. Nhưng theo ý Luca thì truyện này mở cửa cho công việc truyền giáo dân ngoại. Và Luca đã hướng trước đến Công đồng Yêrusalem : Hội thánh phải rút những kết luận phải có một khi tay Thiên Chúa đã quá rõ trong biến cố.
+ 10:1-8. Thị kiến của Cornelius
Kaisaria : một thành do vua Siđôn (tên là Straton) xây cất, trước Alexandre đại đế, xưa kia gọi là “Tháp của Straton”. Augustus đã cho Hêrôđê thành ấy. Và Hêrôđê xây cất rất đồ sộ để kính hoàng đế. Vì thế mới gọi là Kaisari Sebastos. Từ năm 6 trở đi, Kaisaria là thủ phủ cho các trấn thủ. Thành có đồn lính : cơ binh gồm những Viện quân, chứ không có lính “lê dương” chính cống Rôma. Khi Agrippa I chết (44) : quân trấn đóng có 5 cohortes và một toán kị binh.
Cơ binh Ý đại lợi : Cohors II Miliaria Italica Civium Romanorum Voluntariorum. Theo bi chí thì Cohors II Iralica này trấn đóng tại Syri từ 69 đến 157. Dựa trên chứng chỉ này, nhiều tác giả công kích tính cách lịch sử của truyện (Bauernfeind : Anachronismus). Nhưng chứng hoàn toàn là “ex silention”.
Cornelius : một tên phát xuất tự gia đình Cornelius Sylla : các người nô lệ phóng thích tự gia đình đó cũng mang tên Cornelius.
Bách quản : ông Cornelius này chắc có quyền công dân Rôma. Ông là một người “kính giới” Thiên Chúa : nghĩa là theo đạo Dothái nhưng không chịu cắt bì. W.C.Van Unnik nhấn mạnh vào những tư cách của Cornelius theo nhỡn giới Dothái đó mà nói đây là một giai đoạn trung gian giữa Kitô giáo Dothái những ngày đầu, và Kitô giáo hoàn toàn dân ngoại khởi sự với Phaolô, dân ngoại tới ơn cứu rỗi còn phải ngang qua đạo Dothái. Chứng chỉ nhấn cách riêng vào tiếng “khấng nhớ đến”: một tiếng nhắc đến đặc ân của Dân Chúa chọn là “được nhớ đến” trước mặt Thiên Chúa. Đó là điều làm Phêrô ngạc nhiên (10:35). Nhưng Cornelius “đẹp lòng Thiên Chúa” theo kiểu Dothái : kính sợ Thiên Chúa và thực hành công chính. Và như thế là cũng như được sáp nhập vào Dân Thiên Chúa chọn, và vì thế đáng được chịu lấy Tin mừng cứu rỗi dành trước tiên cho con cái Israel (10:36) cho dân của Thiên Chúa (10:42).
+ 10:9-16. Thị kiến của Phêrô
Yôpê cách Kaisaria 44 km. Phêrô thấy những vật theo nghi tiết Lề luật thì bị liệt vào những vật ô uế, không được ăn. Thị kiến triệu báo và vạch tỏ rằng đường tới dân ngoại chỉ có Thiên Chúa khai quang mới có thể có được.
+ 10:17+23. Những người Cornelius sai đã đến nhà Phêrô.
Việc đó vạch ra cho Phêrô hiểu biết ý nghĩa của thị kiến.
Phêrô hiểu thế nào, chúng ta thấy trong c.10:28.
Nhưng thị kiến có nghĩa thế thực không? Nhiều tác giả hiểu Thiên Chúa bãi luật Dothái về của ăn (phân biệt sạch/nhơ trong thức ăn) để Phêrô có thể vào nhà viên bách quản và đồng bàn với người ta. Nhưng nếu chỉ bãi luật lễ thức ăn, thì còn biết bao điều khác gây nên uế tạp nữa (ngay việc vào nhà và ăn uống cùng người ngoại cũng còn ở dưới nhiều luật “uế tạp” nữa (thí dụ cách giết loài vật thế nào).
Nhiều tác giả nhận rằng thị kiến trước tiên chẳng có liên lạc gì với truyện Cornelius cả, nhưng có lẽ là một kinh nghiệm có thực của Phêrô nhân một vụ khác : vấn đề đồng bàn giữa tín hữu Dothái và tín hữu dân ngoại (Ga 2:11-14); và tuyên bố hủy bỏ luật thức ăn cho tín hữu. Sau cùng Luca đã kéo vào truyện Cornelius và hiểu về việc Thiên Chúa không còn kỳ thị người uế tạp / kẻ tinh sạch theo nghi tiết. Và thực sự 10:28 11:3 và 18 đều nhắm về người ta. Đây là cảnh thứ ba. Thần khí truyền cho Phêrô không được ngần ngại theo những người đi mời. Phương pháp thuật truyện “lặp lại”: thuật lại việc thiên thần hiện ra cho Cornelius. Nên để ý đến cách thuật truyện đó : nhấn đi nhấn lại với độc giả rằng tất cả mọi sự đã xảy ra là do ý Thiên Chúa, người ta không có sáng kiến gì cả trong việc này. Nhưng Phêrô vẫn chưa rõ mục đích việc người ta mời mình. Cornelius phải được nghe lời của Phêrô. Phêrô cũng phải đi trong rờ rẫm, điều đó càng cho thấy rõ Thiên Chúa điều khiển tất cả.
+ 10:23b-33. Phêrô đến Kaisaria. Cảnh thứ tư này đặt khung cảnh cho điều quyết định sẽ đến. Nhưng thế nào? Chưa ai biết được. Cornelius hội họp bà con bạn hữu (hình như đàng sau có ám chỉ đến việc chuẩn bị việc thành lập giáo hội Kaisaria). Phêrô đi vào : như một vị thần thánh, uy nghi mà lại khiêm nhu từ tốn (c.27). Luca tả cách xử sự trước lời tuyên bố (c.28). Sau đó Cornelius lại thuật thị kiến một lần nữa : cốt là nhấn đến “Thiên Chúa đã muốn như thế”
+ 10:34-43. Diễn từ của Phêrô. Luca dùng Kerygma tiên khởi, nhưng thích nghi với hoàn cảnh : bắt đầu với sự tế nhận về thái độ của Thiên Chúa trong việc phân phát ơn cứu rỗi cánh chung “không thiên tư tây vị” (chắc là không muốn nói đến quá khứ, nhưng là nhiệm cục cứu rỗi nhờ Chúa Yêsu). (Một lời dám nói Thiên Chúa thiên tư (nghĩa là bất công) trong việc lựa chọn Israel sẽ thành như một lời phạm thượng). Kerygma tiên khởi cho dân (Israel) được nới rộng ra cho mọi người bằng ít chi tiết đại đồng (tin mừng bình yên, Chúa muôn loài, ơn tha thứ cho mọi kẻ tin). Một Kerygma đầy đủ, tuy là lược thuật, kết thúc với lời ám chỉ về kêu gọi trở lại.
+ 10:44-48. Cornelius được chịu thanh tẩy cùng cả gia đình.
Phêrô còn đang nói (xét theo kiểu hành văn về diễn từ trên thì khá giả tạo, vì diễn từ đã đến chỗ phải kết luận – nhưng về ý tác giả thì nhấn vào ý nghĩa đặc biệt của biến cố, coi 11:15), Thánh thần đáp xuống và ơn lạ ngày Hiện xuống diễn ra lại (ngoài ý nghĩa biến cố riêng, tác giả muốn coi như quyết định của Thiên Chúa trên cả thế giới dân ngoại). Biến cố đó quyết định việc thanh tẩy người ngoại. Những người đã được thanh tẩy trong Thánh thần, thì người ta không có quyền khước từ thanh tẩy bằng nước. Bởi đó Phêrô (đại diện cho quyền Tông đồ) phải y nhận và truyền dạy ban phép thanh tẩy. Và ông lưu lại tại nhà Cornelius nhiều ngày (chứng tỏ ông coi họ như tín hữu toàn phần, đầy đủ tư cách và ý nghĩa để có thể chung sống được).
+ 11:1-18 : Phêrô biện chính cách xử sự của mình tại Yêrusalem.
Cảnh này muốn doãn lại sự khó khăn gây nên bởi việc thâu nhận người ngoại vào đạo : Cộng đoàn tiên khởi kháng cự. Nhưng Luca không nói thẳng là họ phản đối việc thanh tẩy, nhưng đánh trại qua một bên : việc đồng bàn cùng người ngoại. Đó là một cách giảm nhẹ sự chống đối của cộng đoàn đối với ý định Thiên Chúa. Để biện chính, Phêrô chỉ cần thuật lại đầu đuôi việc đã xảy ra, một cách giản lược (đủ cho độc giả hiểu là đã nói những gì thôi). Những người trách móc yên lòng và ngợi khen Thiên Chúa “đã ban cho cả dân ngoại nữa được hối cải và được sống”. Lời cuối cùng này cho thấy : Luca muốn nói rằng cả cộng đoàn coi việc xảy ra không phải như một nố riêng biệt, nhưng là một sự y nhận theo nguyên tắc về việc đón nhận người ngoại vào Hội thánh.
Tóm chung trình thuật : ý nghĩa cốt yếu thấy được nơi phương pháp “lặp lại”. Hai ý chính muốn nêu lên : Tín hữu đã chống đối việc thâu nhận người ngoại (10:14 28 47 11:2 8 17) – Chính Thiên Chúa đã dẫn đưa người ngoại vào Hội thánh (10:3 11-16 22 30 11:5-10 13). Nhưng điều Thiên Chúa làm, Thiên Chúa làm ngang qua quyền Chúa Yêsu lập : chính Phêrô đã rửa tội những người ngoại tiên khởi, và cộng đoàn Yêrusalem sau cùng đã đồng ý và y nhận như nguyên tắc. Như vậy chính Hội thánh của các tông đồ chân chính, đã khởi sự công việc truyền giáo dân ngoại, chứ không phải do lòng sốt sắng riêng tư của cá nhân tự động. Có thể việc tả một người Rôma đã nhập đạo đầu tiên cũng ăn khớp với ý định gây thiện cảm với những người cầm quyền đế quốc.

BIÊN SOẠN II
PHILIP GIẢNG TẠI SAMARI (8:4-25)
Sau loạt trình thuật về Stêfanô, thì có loạt trình thuật về Philip.
4/ Một cảnh mới : Những người bị phân tán đã biến việc chạy thoát Yêrusalem thành hành trình truyền giáo.
5/ Trong số các người đó có Philip. Ông đã đi đến xứ Samari.
In civitatem Samariae : Nếu có quán từ (như Vaticanus, Sinaiticus, Alexandrinus) thì chỉ thị trấn Samari, thời đó gọi là Sebastê. Nhưng kiểu đặt câu không đúng mẹo Hilạp. – Hay là thành chính xứ Samari – nếu là thủ đô Samari thì cần gì phải thêm tiếng Samariae. – Nên nhiều tác giả cho là một thành (nào đó) của xứ Samari, và thường đồng nhất với Sikem (hay với Gitta : quê của Simon, phù thủy, theo thánh Justinus) – người khác với Xêdarêa (bên bờ biển).
Philip : chắc là một trong “bộ bảy” – vì tông đồ Philip theo câu 8:1 thì còn ở lại Yêrusalem. Philip giảng và rửa tội, còn việc đặt tay dành cho Tông đồ. Sau khi rửa tội cho hoạn quan Êthiopi thì Philip trở về Xêdarêa (8:40), và sau đó Phaolô còn gặp Philip tại Xêdarêa (21:8).
Thời sau người ta lẫn lộn Philip tông đồ với Philip này.
6-8/ Công việc giảng dạy của Philip. Những phép lạ.
9/ Nhưng trước khi thừa sai Kitô giáo xuất hiện, thì đã có một phù thủy cao tay hoạt động tại Samari. Bởi trò ma thuật, Simon đã làm cho dân chúng kinh ngạc bỡ ngỡ. Hắn cho mình là một cái gì lớn lao vĩ đại (Lc cắt nghĩa trước c.10, theo một kiểu nói giống như đã nói về Theuda 5:36).
10/ Những hiệu quả Simon đã thu lượm được tại Samari.
Theo Justinus (I Apol.Dial) thì Simôn quê tại Gitta (Qariyet Djit, 10 km cách Nablus (Sikem) về phía Tây) – đã tới Rôma vào triều Claudius, cùng với một phụ nữ người xứ Fênixi, tên là Helena, xưa kia là một gái điếm. Y đã được người ta thờ như vị thần tối cao, và Helena được coi như Ennoia (trí khôn) phát xuất tự thần tối cao đó. Trên bờ sông Tibre có tượng đề chữ “Simoni Deo sansto!”. Nhưng chi tiết này của Justinus không đúng : tượng đã tìm thấy nhưng đề là “Simoni sanco deo Fidio” (tức vị thần của Ý-đại-lợi, thường được đồng nhất với Jupiter-Zeus).
Khai quật tại Sebastiyeh (chính thành Samari) tìm thấy bức chạm (chừng 50 phân), chạm hay mũ giáp trên có vòng là cây dầu, trên hết có ngôi sao 8 tia. Và đàng khác có đền thờ thời Rôma có lễ dâng kính Korê-Persephonê. Theo các nhà cổ học bình luận thì hai mũ chỉ hai anh em sinh đôi Dioskouroi (tức là Castor và Pollux). Dioskouroi, cùng một nữ thần là bộ ba được hâm hộ thời Hilạp. Cái thuẫn và hai mũ chỏm được tìm thấy tại đảo Delos : hai mũ vẫn là Dioskouroi, còn cái thuẫn, trước tiên là lưỡi liềm Sêlênê (mặt trăng) : chỉ Delena (tức là chị của hai anh em kia, con cái của Leđa thông dâm với Jupiter), Helena dần dần thành nữ thần sinh sản, phù hộ trong khốn quẫn nguy hiểm, ban trường sinh bất tử, rồi được loại hóa với Korê-Persephonê. Và thực sự tại Sebastiyeh còn tìm thấy được một tượng Korê, tay cầm đuốc cháy. Cha Vincent sắp lại những mảnh chạm thế này : hai mũ bên một biểu hiệu tượng trưng Helena trong chức vụ Korê (đuốc). Nếu thế thì Simon như Justinus thuật lại là Helena kia.
Hic est virtus Dei, quae vocatur magna. Chỗ này hình như Luca không hiểu rõ đạo lý Simon, hay là có ý muốn sửa đổi. Thực sự thì Simon được tôn kính như thần tối cao. Virtus magna (megalê dynamis) là tước của thần tối cao. Theo phong trào Simon, thì y tự xưng mình là giáng trần để cứu nhân độ thế. Theo thánh Irênê (Epiphanê, Hippolytus) thì đạo lý của Simon thế này : Thần tối cao đã dựng nên thiên thần. Các thiên thần dựng vũ trụ. Nhưng các thiên thần làm loạn không nhận thần tối cao, đã cầm tù Ennoia trong vũ trụ. Ennoia phát xuất tự thần tối cao, đã được sai xuống trần, giáng sinh dưới nhiều hình thức: Hêlêna thành Troia, Hêlêna, gái điếm thành Tyrô. Để giải phóng Ennoia, thần tối cao đã sai Yêsu, rồi chính mình cũng xuất hiện dưới hình thức Simon, để giải thoát Ennoia-Hêlêna tức là thánh thần. Tin thì chắc được cứu thoát, dẫu sống thế nào đi nữa... Chiếu theo đó thì cha Vincent cắt nghĩa : Simon chủ trì của đền thờ kính bộ ba, cách riêng Hêlêna (và Diokouroi), bằng chiêm tinh, mà thuật, rồi lợi dụng mê tín quần chúng đã đoạt cả thần tính diễn tả dưới hình thức trừu tượng “Megalê dynamis”.
12-13/ Trở lại công việc của Philip. Cả Simon cũng tin và chịu phép rửa.
14-17/ Công việc các Tông đồ : đặt tay và ban Thánh Thần.
18-24/ Phêrô và Simon phù thủy.
25/ Các tông đồ trở về Yêrusalem, dọc đường còn giảng trong nhiều làng mạc Samari.

PHILIP RỬA TỘI VIÊN QUẢN ĐỐC TÀI CHÍNH ÊTHIOPIA.
Trình thuật nhắm đến phép rửa : trước tiên việc rao giảng Tin lành cứu chuộc (dựa trên sách Thánh : Lời tiên tri Isaia 53), để được tin vào Chúa Yêsu. Nhưng nên để ý đến mạch lạc chung của truyện : truyện nằm giữa việc giảng Tin lành cho dân Samari và việc dân ngoại trở lại (trong đ.10). Thoạt tiên, viên quan lại này hình như là người ngoại; nhưng Luca không nói hẳn ông ta là người ngoại hay Dothái (tuy rằng Tlt23:1 một người giám không thể thành Dothái được, nhưng tiếng “Eunoukhos” có thể chỉ còn như một tước, và cũng có thể rằng Luca muốn hiểu rằng, bây giờ đến lúc lời Is56:3-5 được áp dụng thay thế cho Tlt23:1). Luca muốn đặt lu mờ đi, vì dành để chương 10 mới bàn thẳng đến vấn đề dân ngoại trở lại, và dành phần cho Phêrô. Ông quan Ethiopia này trẩy đi hành hương Yêrusalem. Trên đường về thì đọc sấm ngôn Isaia : một điều đáng lẽ chỉ một Dothái đạo đức. Luca tả cách lu mờ như thế để hoàn toàn ăn khớp với bước tiến hiện tại trong công việc truyền giáo : với người xa lạ này truyền giáo đi một bước nữa quá Juđêa-Samari, nhưng không nêu vấn đề truyền giáo dân ngoại cho hẳn : vì người Ethiopia này không trở lại Yêrusalem, cộng đoàn không biết đến.
Truyện cho thấy một loạt can thiệp khác thường của Thiên Chúa : “providentia specialissima” để đem người tha bang này đến gặp Tin lành và Phép rửa. Philip ở một chỗ xa. Một thiên thần sai ngài đến đúng chỗ để gặp. Rồi lại một lần nữa Thánh Thần Chúa chỉ cho ngài cái xe, mà không báo trước sẽ gặp gì. Và khi Philip vừa kịp ra, thì viên thị nhân đang đọc lớn tiếng đoạn Isaia. Không nói đến thiên thần, hay Thánh thần, nhưng việc gặp gỡ đó là một sự lạ. Đó là sự dun dủi do Thiên Chúa an bài. Đàng khác một điều nữa là viên thị nhân này đã thông thạo Kinh thánh đến nỗi chỉ cần biết sấm ngôn nói về ai thôi. Bởi đó nên có thể chịu phép rửa ngay sau đó.
Trình thuật như thế hướng cả về phép rửa, và phép rửa cho một người dân ngoại. Trong Công vụ chỉ có một truyện tương đương như thế : truyện Cornelius. Người ngoại thứ nhất trở lại không phải là việc người ta, nhưng là chính bởi Thiên Chúa can thiệp : cả hai truyện đều đồng ý như thế. Và nếu thế thì phải nói rằng truyện đây đã được giữ lại vì một ý nghĩa quan trọng. Trong mạch lạc của Công vụ, ý nghĩa quan trọng đó không còn thấy nữa. Bởi đó mạch lạc Công vụ không phải là khung cảnh tiên khởi của truyện : Luca đã lấy lại một truyện của một truyền thống : truyền thống của nhóm Hilạp hóa. Trong truyền thống Hilạp hóa, truyện có ý nghĩa tương đương với truyện Cornelius : thuật lại làm sao Thiên Chúa đã an bài để dẫn người ngoại đầu tiên vào đạo Chúa Kitô.
Khi Luca chịu lấy truyện, thì sắp đặt lại sao để hòa hợp với kiểu trình thuật gọi được là có hệ thống của Công vụ : quyền của các Tông đồ, và việc tiến triển của truyền giáo dưới sự chi phối của 12 tông đồ, cả việc đưa người ngoại vào đạo Chúa Kitô. Truyện chỉ có tính cách đạo đức, cho độc giả nhận thấy bước tiến của công cuộc truyền giáo.

CORNELIUS CHỊU ĐẠO (Côngvụ 10:1 – 11:18)
1/ Caesarea, xưa kia gọi là tháp Straton, Hêrôđê Cả đã xây một thành rất tráng lệ, lấy hiệu Caesarea Sebastê, để kính Augustus. Dinh trấn thủ Falệtin đặt ở đây. Có đồn binh Rôma.
Cornelius : một tên rất năng gặp, từ ngày Sylla phóng thích từng ngàn nô lệ, các người này đã lấy tên họ Sylla.
Cohors Italica có lẽ là “Cohors II Miliaria Civium Romanorum Voluntariorum” : có lẽ đầu tiên gồm có những người được phóng thích, rồi sau được quyền công dân Rôma. Sau kia được chuyển qua Syri và đóng tại đó từ ít lâu trước năm 69 cho đến thế kỷ thứ hai.
2/ Cornelius này có tham dự phụng vụ Hội đường Dothái, nhưng vì không tuân giữ tất cả Lề luật, nên chưa thành một Proselytus thực thụ, vì thế vẫn còn là người ngoại, và đối với Dothái còn là “uế tạp”.
3-8/ Thị kiến của Cornelius.
9-16/ Thị kiến của Phêrô.
Câu 16 nói 3 lần lời trên trời dạy Phêrô giết mà ăn, và 3 lần Phêrô từ chối : chứng tỏ Phêrô cố quyết chống lại, và Lời trên trời (ý định Thiên Chúa) cứ giữ vững ý định. Lời đối thoại mới lặp lại, chứ cái màn chứa thú vật chỉ đến lúc cuối cùng mới nhấc bổng lên. Và thị kiến chấm dứt. Chưa có giải quyết.
17-23a/ Những người Cornelius sai đến nhà Phêrô.
23b-33/ Phêrô đến nhà Cornelius.
Caesarea cách Joppê chừng 44 cây số.
34-43 : diễn từ của Phêrô :
         34-35 nói với hoàn cảnh
         36-41 : Kêrygma
         43a : Chứng Kinh thánh
         42-43b : lời kêu gọi trở lại.
36/ Một chương khác tương tợ là đ.13 diễn từ của Phaolô tại Antiokia Pisiđia : Phaolô nói với những người Dothái và “qui timetis Deum” (Cornelius cũng vào trường hợp một “Timens Deum”) 13:26 giúp ta hiểu câu 10:36 này : Verbum của 2 đoạn đều đem về Tin lành Kitô giáo (chưa có nghĩa như trong Yn 1:1). Thiên Chúa gởi Tin lành đến, tức là Người rao truyền sự giảng hòa (Pax) giữa chính mình Người và nhân loại. Sự giảng hòa đó được thiết lập nhờ Chúa Yêsu Kitô.
Hic est omnium Dominus : nhấn đến tính cách đại đồng của ơn cứu chuộc.
                  37-38/ Sinh thời Chúa Yêsu : công vụ Galilê.
                  39/ Các Tông đồ làm chứng.
                  40-41/ Chết và Sống lại.
                  44-48/ Cornelius và thân thuộc chịu phép rửa.


11:1-18 : Phêrô biện hộ cho cách xử sự của mình tại Yêrusalem.
1/ Lc muốn cho thấy rằng việc trở lại của người ngoại thuật đây không phải là một nố riêng, nhưng thực sự là một nố nguyên tắc : có tính cách một tuyên ngôn của Thiên Chúa về việc truyền giáo dân ngoại.
2/ Về Yêrusalem, Phêrô bị cật vấn. Bởi ai? Qui ex circumcisione! Luca không nói rõ hơn.
3/ Nhưng lời trách không phải đem về việc rửa tội người ngoại, nhưng là về việc đồng bàn với người không chịu cắt bì.
4-16/ Để biện hộ, Phêrô chỉ cần phải thuật lại những điều đã xảy ra. Nhưng biện hộ lại hoàn toàn đem về việc rửa tội Cornelius.
17/ Nếu Thiên Chúa đã ban cho tín hữu, nay cũng như xưa, chính ơn Thánh Thần, thì làm sao Phêrô có thể ngăn cản Thiên Chúa được.
18/ Các người bắt bẻ Phêrô ngã lẽ và nhận rằng : Thiên Chúa đã cho người ngoại vào Cộng đoàn Kitô giáo và nhờ đó được ơn cứu rỗi, mà không cần phải trở nên Dothái trước đây. Lời kết luận này cho thấy việc Cornelius trở lại không phải là một nố riêng biệt không quan hệ, nhưng thực sự là một quyết định chiếu theo nguyên tắc.
Như đã thấy qua, thì truyện chia làm nhiều cảnh :
10:1-8 : Cornelius được trình bày cho độc giả. Một đội trưởng trong một cơ quân cùng với thân thích và tôi tớ : đạo đức và kính sợ Thiên Chúa, nghĩa là có lai vãng Hội đường Dothái và có tiếng là người từ thiện, đạo đức. Cornelius nên như điển hình cho hạng người “kính sợ Thiên Chúa và làm lành” (10:35), những người như thế ở trong bất kỳ dân nào cũng đẹp lòng Thiên Chúa và có thể thâu nhận vào Cộng đoàn Kitô giáo. Dung mạo tương tợ với viên đội trưởng Capharnaum (Lc7:5). Lòng đạo đức đó được tỏ bày trong các câu 10:2 4 22 30. Nhớ đó là một thuật hành văn của Luca khi muốn nhấn cách riêng một điều gì mà muốn độc giả phải chú ý. Điều nhấn ở đây là : Kitô giáo không thâu nhận bất cứ người ngoại nào, nhưng chỉ những người nhân đức mà cả đạo Dothái cũng phải phục (kinh nguyện, bố thí (cùng giữ chay) là những việc đạo đức người dothái hâm mộ). Một người như thế mà được thiên thần hiện ra thì dothái cũng hiểu được. Cornelius được lịnh cho đi mời Phêrô. Nhưng không được biết là đi mời để làm gì. Lại một nét có ý nghĩa, trong việc này mọi sự đều do Thiên Chúa sắp đặt từng li từng tí. Luca cũng muốn tả lòng vâng phục của Cornelius.
10:9-16 đặt rất khéo để nối với trước và sau. Những người Cornelius sai đi khi gần tới Joppê, thì Phêrô đói và cầu nguyện trên sân mái nhà. Ngất trí, ngài thấy thòng xuống như một cái vó, trong có đủ các thú vật, và được lịnh giết mà ăn (Phêrô đói). Nhưng Phêrô một người đạo đức sửng sốt khi nghe lịnh đó. Nhưng tiếng trên trời tiếp tục : Điều Thiên Chúa đã tuyên bố là sạch, thì ngươi chớ nói là nhơ”. Sự đó xảy ra đến 3 lần. Hết ngất trí, Phêrô phân vân nghĩ ngợi. Nhưng chính Thiên Chúa đem giải quyết đến :
10:17-23a Thánh Thần dạy ngài hãy theo những người tới mời đừng do dự. Lại một lần nữa phương pháp lặp lại : Việc Thiên thần xuất hiện được thuật lại (c.22) và sau này còn hai lần nữa (c.30 và 11:13). Phương pháp có ý cho độc giả nhớ luôn rằng chính Thiên Chúa là nguyên ủy của tất cả biến cố và việc truyền giáo dân ngoại là do chính Thiên Chúa mà đến. Nhưng Thiên Chúa chưa cho Phêrô biết rõ hẳn phải đi gặp Cornelius để làm gì. Chỉ có một tiếng trổng “audire verba abs te” : Phêrô dò dẫm trong mù tối như thế thì chứng tỏ ngài không hành động theo ý riêng ngài, trong mọi sự ngài đã được Thiên Chúa hướng dẫn.
10:23b-33 chưa đem đến quyết định, nhưng dọn đường. Cornelius đã mời thân thích bạn hữu sau khi đã được Thiên Chúa dạy đi mời Phêrô. Khi thấy Phêrô, Cornelius phục xuống bái lạy, như thể gặp một nhân vật siêu phàm. Phêrô vội vàng nâng dậy và ngay thật tuyên bố : “Tôi chỉ là một người phàm”. Tuy thế độc giả vẫn cảm thấy được sự uy nghi, cao trọng, và quyền phép. Hơn thế, còn một sự nhân hậu đơn sơ nữa : c.27 loquens cum illo (đáng lẽ : thân thiết chuyện vãn : theo kiểu nhà ở như một viên đội trưởng thì vài bước đi vào nhà làm sao còn có thì giờ mà chuyện vãn hàn huyên kể lể. Nhưng Luca có vụ thực mà diễn như cuốn phim đâu, điều muốn diễn tả chính là nhân vật cao cả của cộng đoàn đã cư xử thân thiết thế nào với người ngoài (việc đối với dothái đạo đức là nghịch với điều răn). Nhưng chính vì Thiên Chúa đã cho Phêrô nhận ra (bởi thị kiến) rằng từ nay không còn ai là nhơ nữa (dĩ nhiên : do bởi gốc dân tộc nào). Đáng lẽ diễn từ 34tt có thể thuật ngay : nhưng phương pháp lặp lại diễn một lần nữa việc thiên thần hiện ra : Ấy chính Thiên Chúa muốn như thế.
10:34-43. Diễn từ : Phêrô bắt đầu bằng luận đề “Thiên Chúa không tây vị”, Luca không nhắm về dĩ vãng, nhưng về lúc này : trong thời Mêsia đây, ai là người được phép nhập vào Cộng đoàn được cứu thoát. Đó là “qui timet Deum, et operatur justitiam”. Lời có thể nhắm trước tiên đến nhóm người “kính sợ Thiên Chúa”, nhưng thực sự không loại trừ nhóm nào cả. Kế sau việc thâu nhận ai vào Cộng đoàn, thì Tin lành được lặp lại : kiểu Kerygma nhắm trước tiên thính giả dothái, Luca đã tìm cách vượt giới hạn đó bằng : annuncians pacem “giữa Thiên Chúa và loài người”, hic est omnium Dominus, và cách riêng “onne qui credunt in eum”.
10:44-48 : Nhưng điều lạ lùng quyết định chính là Thánh thần xuống trên những người ngoại đang tề tựu đó : Thiên Chúa đã cho người ngoại được phép rửa Thánh thần, thì ai còn cản trở phép rửa bằng nước nữa?
11:1-18. Như Thiên Chúa đã thắng những do dự của Phêrô, thì Phêrô cũng phải thắng những do dự của các Tông đồ khác và cả Cộng đoàn tiên khởi. Đoạn này muốn nói điều đó. Nhưng Luca không nói thẳng là họ kháng cự việc rửa tội dân ngoại, nhưng chỉ đả động đến việc đồng bàn với dân ngoại. Luca yên hòa nên không gợi ra cách gay gắt của Cộng đoàn chống lại ý định Thiên Chúa. Để biện hộ, Phêrô chỉ có việc thuật qua lại biến cố : không thuật hết cả lại, nhưng tất cả những gì cốt yếu để độc giả nhận biết bàn về điều gì. Mọi người phục lý và ngợi khen Thiên Chúa đã ban cho dân ngoại ơn hối cải để được sống : nghĩa là tất cả Cộng đoàn Tông đồ đều công nhận việc thâu nhận người ngoại vào cộng đoàn Kitô giáo.
Như thế chung ra ý nghĩa chính được nảy ra bởi những điều lặp lại : Tín hữu tiên khởi đã kháng cự việc thâu nhận người ngoại (10:14 28 47 11:2 8 17).
Hơn thế nữa : Trình thuật dài rộng này (có so sánh, thì chỉ có truyện Phaolô trở lại mới tả dài dòng và nhiều lần hơn thế này thôi) cho thấy việc rửa tội Cornelius là một chóp đỉnh của Công vụ, một bước quyết liệt trong lịch sử truyền giáo : Không phải một người vô danh tiểu tốt đã xướng xa, nhưng Thiên Chúa đã dùng chính Phêrô, kẻ cầm đầu các Tông đồ, để chịu lấy người ngoại đầu tiên vào Hội thánh, mà không bắt buộc phải phục tùng Lề luật Môsê. Luca chú trọng vào điều này đặc biệt, nên sẽ cho thấy diễn lại tại Cộng đồng Yêrusalem. Trong cộng đồng đó, Phêrô và Yacôbê sẽ ám chỉ đến nố Cornelius, và nhận ra Thiên Chúa đã quyết định từ đầu với người ngoại đầu tiên về việc dân ngoại không phải vâng giữ Lề luật.
Đứng trước một chương thế này, ta thấy được rằng có nhiều dụng ý của tác giả được lộ ra : dụng ý thần học (như thấy trên) – dụng ý minh giáo, biện hộ, khiến quyền chức Rôma khoan hồng với tôn giáo (người ngoại đầu tiên chịu đạo là một công dân, hơn nữa là người có chức trách) – dụng ý sử gia (bước tiến của Hội thánh, khung cảnh người tòng giáo tiên khởi). Bởi nhiều dụng ý như thế, cách riêng dụng ý thần học trổi hơn cả, nên thẩm định tính cách lịch sử rất khó khăn. Độc giả thời nay không nên lấy qui tắc khoa học về lịch sử mà phê phán. Chẳng vậy sẽ lấy làm lạ sao tại Cộng đồng Yêrusalem người ta bàn lại vấn đề, một tranh luận cũng giống như đ.11:1-18. Và sự gay go càng tăng thêm nếu so sánh với Gal 1:2. Ga1 1:2 tuy không đầy đủ, nhưng không có lo lắng sắp đặt biến cố, tổng hợp biến cố, nên nếu phải chọn chi tiết giữa Galat hay Công vụ thì các nhà bình luận sẽ phải chọn Galat hơn.
---------------

No comments: