Tuesday, 9 September 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR Tông đồ Công vụ Chương 12



CHƯƠNG 12
CỘNG ĐỒNG YÊRUSALEM
(Ga2:1-10 Cv15:1-35) năm 49.
Trình thuật Cv13-14 ngoài mục đích vạch ra ý nghĩa truyền giáo (công việc chính là việc của Thiên Chúa, nhưng Người dùng những người trần gian đứng ra cán đáng) còn có tác dụng chung cho cả trước tác, tức là dọn trước việc biện hộ và việc công nhận nguyên tắc truyền giáo dân ngoại với Tin mừng thoát ách Lề luật nói trong đoạn 15. Đây là điểm đối chọi khúc mắc giữa Cv và những điều Phaolô viết trong Ga2:1-10. Vấn đề hành trình đi Yêrusalem trong Cv15 có đồng nhất với hành trình thứ 2 đi Yêrusalem trong Ga2:1-10 : chúng ta đã nói trên là có đồng nhất. Nhưng việc tranh luận trong Cv15 : thì nhiều tác giả phân chia làm nhiều cuộc hội đàm khác nhau : hoặc là 2 (15;4-5 / 6-29) hay 3 (15:4-5 / 6-21 / 22-29). Thêm vấn đề sắc chỉ của cộng đồng cũng là một vấn đề bình luận khúc mắc : - về văn bản cũng thế - về lịch sử tính cũng thế.
Ga2:1-10
Mạch lạc của thư Ga : Phần I (đoạn Ga 1) nói đến tính cách hoàn toàn tự lập đối với người đời, cho dẫu là quyền đạo, trong thiên triệu làm Tông đồ của mình. Phaolô bây giờ đề cập đến vấn đề Tin mừng của ngài đã được công nhận do những kẻ làm tông đồ trước ngài.
1. Như đã nói trên kia : 14 năm sau hành trình đi Yêrusalem I (Ga1:18) Phaolô mới lại lên Yêrusalem. Ý tưởng nhấn vào sự cách quãng xa như thế về địa điểm cũng như về thời gian giữa Phaolô và các tông đồ Yêrusalem.
Phaolô lên với Barnaba : chỗ này thấy được là vai chính là Phaolô. Phaolô nói đến Barnaba như chứng nhân quan trọng cho những điều đã xảy ra tại Yêrusalem
Thêm có Titô : Không thể biết rõ là Phaolô đã đem theo như người trợ tá mà thôi, hay là đã dẫn nố cụ thể : xem Giáo hội Yêrusalem có thái độ nào với một tín hữu dân ngoại không cắt bì?
2. Phaolô đã lên chiếu theo (hay là vì) một mạc khải. Phaolô không nói rõ mạc khải đã đến với ngài cách nào. Điều Phaolô nhắm đến là : điều xui khiến không phải do loài người, nhưng là một lịnh truyền của Thiên Chúa (không phải ngài tự ý, cũng không phải do Antiokia sai đi hay là các quyền chức Yêrusalem mời gọi).
Phaolô “trình bày” không phải là cho biết mẫu “bài giảng”, hay thứ kinh bổn kiểu mẫu dùng trong các Giáo hội. Tiếng nói đến việc trần thuật một điều gì để chịu lấy ý kiến hay bàn luận. Trần thuật về Tin mừng ngài hiện diện đang giảng (giả thiết : ngài chỉ có một Tin mừng xưa cũng như nay (lúc đang viết thư này) : Tin mừng đó tức là Phaolô đã diễn ra và áp dụng cho dân ngoại Kerygma chung của Hội thánh thế nào, đích thực là cách giải thích trong khi truyền giáo cho dân ngoại, và nhất là Tin mừng thoát khỏi Lề luật, mà nố cắt bì là nố điển hình.
Trình bày cho ai? Theo mạch lạc thì “người ở Yêrusalem”. Nhưng sau sẽ nói rõ : cho các bậc vị vọng thôi; các bậc vị vọng đó là ai? Câu 6 cũng không nói rõ, câu 9 kê tên ba vị (các ngài là thành phần mà thôi, hay là chính nhóm riêng biệt gọi là vị vọng đó? Có thể tranh luận. Và các tác giả cũng không đồng ý một ý kiến. Có thể hạn chế vào những vị nói trong c.9.
Kẻo ra mình xưa nay...
Tiếng Hilạp (mè pôs : ne quomodo, ne forte) có thể hiểu nghĩa mạnh (để cho khỏi...) nhưng cũng có thể hiểu nhẹ hơn như một thứ tiếng đệm để nêu câu hỏi gián tiếp (họa chăng là...).
Nhưng dù sao cũng lộ ra một sự lo âu : sợ rằng.
Một vấn đề làm thắc mắc. Làm sao Phaolô có thể nghĩ mình “bôn ba” một cách “hư luống” nếu không trình bày Tin mừng cho các Tông đồ Yêrusalem và nếu những người này không đồng ý công nhận? Việc làm chứng của các Tông đồ tiên khởi là thành phần của Kerygma Phaolô rao giảng, tất nhiên đòi phải có sự đồng ý. Và nếu thế thì sao Phaolô lại nói mình tự lập? Không thể nói như Tertullianus là Phaolô không chắc về Tin mừng ngài rao giảng. Phaolô hoàn toàn xác tín về mạc khải mình đã được. Nhưng lời nói của Phaolô chỉ thực sự có lo âu : chưa biết Yêrusalem nghĩ làm sao? Hai xác tín : Tin mừng miễn chước Lề luật và nhiệm vụ chứng tá của các tông đồ Yêrusalem. Mà chỉ có một Chúa Kitô sống lại đã hiện ra cho cả hai bên, để xây dựng cũng một Hội thánh; và như thế thì cũng chỉ có một quyền Tông đồ, nền tảng cho Hội thánh đó.
Và điều Phaolô sợ ra hư luống là nhắm đến việc xây dựng Hội thánh (như trong Ph 2:16). Nếu như các Tông đồ Yêrusalem không đồng ý thì Phaolô e sợ mình lầm lạc mất : đó là kiểu hiểu của Tertullianus. Nhưng không thế : Phaolô không hề hoài nghi. Thế thì hậu quả sẽ thế nào? Vấn đề duy nhất Hội thánh, duy nhất quyền tông đồ : Phaolô sẽ không biết đặt thế nào nữa. Phaolô nhận Tin mừng miễn chước Lề luật cũng như quyền chức tông đồ Yêrusalem. Không lựa chọn một trong hai. Cũng không biết các tông đồ Yêrusalem sẽ đoán định thế nào, họ chưa hề nói (mà những kẻ quấy rối lại dựa trên uy tín các tông đồ Yêrusalem). Đó là một lòng tin phải thử thách, trong tối tăm một phần nào.
3. Phaolô chuyển ngay qua một nố cụ thể. Tự nó không quan trọng, nhưng nó là một nố điển hình : Nố Titô không bị buộc chịu cắt bì.
Titô, người tùng hành của tôi : vấn đề không vì Titô, nhưng việc đối xử với Titô là đối xử với chính Phaolô trong việc xây dựng Hội thánh dân ngoại. “Người ta” không buộc! Người ta là ai? Không nói rõ. Nhưng hiểu về những người nghe Phaolô trình bày Tin mừng. Kiểu nói có thể hiểu nhiều cách : a) không ép, nhưng có khuyên giục, và đã từ khước; b) không ép, nhưng đã thuộc nghe theo; c) không ép. Nghe Phaolô trình bày, người ta xác tín là không phải bắt tín hữu dân ngoại chịu cắt bì. b) phải loại đi; a) có thể; c) thích hợp với mạch lạc.
4. Về mẹo : câu kéo thiếu liên tục, không có động từ; bắt đầu bằng “vì những quân lộn sòng”...
- nếu nối chặt với c.3 : người ta không bắt vì những kẻ đó (trong trường hợp khác, người ta có thể nhún nhượng được để giữ sự hòa thuận) chứ người ta không chịu để cho những anh em giả thao túng coi đó là nguyên tắc. Nhưng muốn hiểu thế thì phải luôn luôn có nố Timôthê trước mắt.
- nên phải hơn : một lời cắt nghĩa tại sao nói đến Titô, ấy là vì có những người đòi phải cắt bì các tín dân ngoại và tưởng dùng nố Titô để cụ thể hóa vấn đề.
Các tiếng dùng : lộn sòng (Vg subintroductus : Lagrange “intrus”) lẻn vào, thám thính : nói lên những hành động ám muội của những người ấy.
Anhem giả : không phải là họ giả đò trở lại. Họ đích thực là tín hữu, nhưng đối với Phaolô họ không phải là phần tử chính của Hội thánh, vì họ phạm đến cốt tủy của Tin mừng : kiểu hoạt động của họ cho thấy họ thuộc thế giới khác : hoàn toàn trong Lề luật.
Nhưng họ lẻn vào thám thính ở đâu? Có thể ở Antiokia, nhưng cũng có thể nơi nhóm Phaolô tại Yêrusalem
Sự tự do : miễn cắt bì, rồi Lề luật, rồi việc làm của Lề luật như đàng cứu rỗi. Thái độ Phaolô so được với thái độ người Hilạp bênh vực thành của mình. Sự tự do là tài sản cao quí nhất. Địch thù xông đánh là viễn tượng làm nô lệ có ngay trước mắt. Phaolô dám nói là điều chứng thực tín hữu chân chính (thuộc dân ngoại) là đòi cho được sự tự do đó đối với Lề luật.
5. Bỏ ngoài vấn đề bình luận văn bản (nhận ngay văn bản nói được là chắc chắn : Phaolô đã không nể nang gì cả để phải nhún nhường trước yêu sách, dẫu chốc lát cũng không). Về văn: kiểu đặt câu không liên tục.
Lý do của việc Phaolô phản kháng là nhún nhượng đây sẽ là khước từ chính “sự thật của Tin mừng” : Tin mừng bị đe dọa ngay trong hậu kết đích thực của Tin mừng, và như thế chính bản chất của Tin mừng bị đe dọa, và do đó cả sự sống còn của cộng đoàn, và của tín hữu : lấy Lề luật làm phương kế cứu rỗi bên Chúa Kitô tức là đả phá ơn cứu rỗi của tín hữu trong Chúa Kitô. Bởi đó Phaolô một mực phản kháng đến cùng để giữ y nguyên Tin mừng và quyền tông đồ của mình.
Cho anh em. Bấy giờ Giáo hội Galát chưa có (đây nhận rằng thư Galát viết cho chính dân Galát, mà Phaolô sẽ làm trở lại trong hành trình truyền giáo II), nhưng Phaolô đã chiến đấu chung cho Hội thánh dân ngoại, trong một điều quyết định cho sự tồn vong Hội thánh dân ngoại.
6. Câu 6-7 cũng thiếu liên tục như các câu 4-5.
Câu này theo tiếng Hilạp có thể kèm theo tính cách mỉa mai về thế giá của vị nói đến đây – Nhưng tiếng Hilạp đó đã nên một thành ngữ, và trong đọan không lý gì Phaolô hạ giá những nhân vật đó đang khi nói đến việc họ công nhận Tin mừng của mình, để bác bỏ những luận điệu của đối phương, làm cho tín hữu Galát tin cậy, nên có lý mà bỏ ngoài tính cách mỉa mai đi. Đáng lý câu phải tiếp tục cách khác : từng chữ Phaolô viết : Nhưng do những bậc vị vọng... (không có gì đã ra thêm cho tôi) (nhưng Phaolô lại lặp lần nữa : quả thế các bậc vị vọng (trở nên chủ từ mất)).
Câu văn cho thấy Phaolô xúc cảm mạnh trước ký ức xưa kia, và liên tưởng giữa hai hoàn cảnh Yêrusalem và Giáo hội Galát.
Điều cốt yếu nơi câu “các ông là gì, điều đó không hệ...” cốt là ngăn ngừa một sự hiểu lầm : sự công nhận không phải là nền tảng cho quyền Tông đồ của Phaolô, họ chỉ công nhận điều đã do tự Thiên Chúa làm; không phải vì họ không thêm gì, mà Tin mừng miễn cắt bì mới ra chính đáng. Đây ngấm ngầm quan niệm quyền tông đồ tách biệt với tư cách cá nhân : điều Thiên Chúa thiết định vượt quá những cá nhân mang chức. Chỉ có Con Thiên Chúa làm người thì quyền chức mới đồng nhất với bản ngã của ngài.
7-9 : chúng ta có những quyết định về lập trường của các tông đồ. Quyết định dựa trên :
      1/ Tế nhận (câu 7) Tin mừng đã được ủy thác.
      2/ Nhận biết (câu 9) ân sủng quyền Tông đồ của Phaolô – còn câu 8 là cắt nghĩa cho câu 7.
Câu 7 : sự tế nhận đem về sự kiện “ủy thác” : Tin mừng không là của ai hết nhưng là sở hữu của Thiên Chúa – Người trao phó cho ai mặc ý Người, nhưng Người đã trao cho Phaolô để rao giảng cho dân ngoại. Tế nhận bằng nghe lời trần thuật của Phaolô (có lẽ tả công việc nữa).
Câu 8 : cắt nghĩa : nhấn vào hoạt động lạ lùng của Thiên Chúa thi thố ra nơi Phêrô (đại diện chính cho việc truyền giáo giữa Dothái) và Phaolô (nhấn đến việc khác thường : kiểu đặt câu muốn nêu lên sự di chuyển để đi đến dân ngoại). Sự so sánh vạch ra sự bình đẳng, ngang hàng.
9. Nhìn nhận ân sủng Phaolô đã được Thiên Chúa ban cho: địa vị làm Tông đồ. Họ bằng vào đâu để nhìn nhận điều đó? Người ta muốn hiểu hoặc là nơi những hậu quả thấy được của việc truyền giáo hoặc là bởi một ơn soi sáng hay mạc khải. Nhưng điều cốt yếu : họ nhìn nhận, họ xác tín về tính cách xác thực của chức tông đồ của Phaolô. Nghĩa là họ hiểu rằng, khi Chúa Yêsu xây dựng Hội thánh trên nhóm 12, thì theo ý định Thiên Chúa, Phaolô đã được nhập hàng, và được thông hết các quyền hạn Chúa Yêsu đã ban cho cả nhóm. Từ nay, một cách công khai, tính cách duy nhất của nhóm Tông đồ và bởi đó tính cách duy nhất của Hội thánh được hiện tỏ. Hết thảy các giáo hội riêng biệt đều làm thành một Hội thánh duy nhất. Và quyền tông đồ duy nhất bao trùm bảo đảm tất cả công cuộc gầy dựng và quản trị các giáo hội đó. Phaolô hoạt động và thành lập các giáo hội nhân danh bởi quyền lực và sự ủy quyền của cũng một Thánh thần đã được ban xuống cho tất cả nhóm và cho mỗi người trong nhóm. Nhưng thực tế thì có việc phân chia khu vực hoạt động : Một bên lo cho giới cắt bì, một bên lo cho dân ngoại.
Nhưng hiểu thế nào? Có thể hiểu theo :
a) địa dư : Yêrusalem dành riêng cho mình vùng Falệtin. Còn Phaolô và Barnaba thì lo cho các xứ ngoại.
Nhưng khó khăn : 1P1:1 5:13 đã dọi lại hoạt động xa lắm của Phêrô.
Đàng khác ngay Syri, Antiokia cũng là khu vực truyền giáo của tín hữu Dothái. Đàng khác không lẽ đóng cửa các vùng đó cho Phaolô và Barnaba. Cũng như không lẽ đóng cửa tất cả Dothái kiều Tây Địa Trung Hải cho những người thuộc Yêrusalem.
b) Gốc tôn giáo : mọi người Dothái thuộc khu vực hoạt động của Yêrusalem, và mọi người dân ngoại thì giao phó cho Phaolô-Barnaba. Và như thế mất phương thế tiếp xúc với hạng dân ngoại “kính giới Thiên Chúa”. Và những người đó ai sẽ lo? Vì họ cũng được dothái lo cho.
Và như thế kiểu phân chia khu vực không nên coi như công thức thỏa hiệp ở Yêrusalem, mà có là lời Phaolô rút kết luận như hướng đi, chiếu theo dụng ý của cả đoạn Ga2:1-10 : Tin mừng ngài rao giảng giữa dân ngoại đã được công nhận hoàn toàn : đương nhiên rao giảng Tin mừng thoát luật. Lời đó cốt yếu là sự ưng nhận : các ông có thể bỏ luật cắt bì trong việc truyền giáo giữa dân ngoại. Nhưng Phaolô muốn tỏ bày thỏa hiệp không phải như một sự cho phép, và coi sự hợp pháp như do sự chấp thuận của Yêrusalem, nhưng là một sự hiệp đồng trong bình đẳng.
Yacôbê đặt trước Phêrô! Có lẽ vì thế giá của Yacôbê đối với đối phương của Phaolô trong các giáo hội Galát. (Lagrange: Jacques même! Les judaisants devaient se le dire .37).
Koinônia : sự hiệp đồng. Họ bắt tay (hình ảnh vụng vì đi với  những cái “cột” trước, nhưng tiếng đã là một thành ngữ) : dấu chỉ một sự thỏa thuận, không nói ra bên nào hơn bên nào. Và sự hiệp đồng không phải là cái gì có trước mà bây giờ Phaolô được nhận vào; cũng không phải bây giờ mới có hiệp đồng trong Hội thánh. Nhưng trong việc bắt tay nhau đây : sự hiệp đồng vốn có nơi cả hai bên được công khai tỏ hiện. Ơn của Thiên Chúa bây giờ được sống đích thực một cách có ý thức nơi những người thông chia quyền chức tông đồ độc nhất.
10. Không phải cắt nghĩa chính các điều trên; không phải là điều ra thêm đã chối (câu 6), cũng không phải là một lịnh truyền, hay một cử chỉ cống hiến quyền trên, nhưng là một việc của lòng yêu mến, cụ thể hóa sự hiệp đồng, sự duy nhất, và cũng đã thấy thi hành giữa người Dothái tha bang đối với những người đồng đạo nghèo khó ở Yêrusalem.
Người nghèo : không phải là nói chung cho cả Hội thánh (không có nghĩa là như nói : “mỗi nơi các ông đi đến, các ông hãy lo cho người nghèo nghe không”) – nhưng là các tín hữu Yêrusalem và Falệtin. Phaolô nói đến sự phục vụ các thánh (Rm15:26 1Cor16:1 2Cor8:4 9:1 12). Đồng nhất “người nghèo / các thánh” và như thế : là tất cả các phần tử Giáo hội Yêrusalem : tước Ebyônim của số sót Dân Chúa.
Bình luận
Muốn thẩm định quân bình, cần phải nhớ rằng Ga2 là một phần trong chứng Phaolô về sự tự lập của mình đối với Yêrusalem. Trình thuật hướng về mục đích ấy. Bởi đó không có mục đích tường thuật đầy đủ về các biến cố xảy ra tại Yêrusalem.
Khi ta so với Ga1:18t thì hoàn cảnh có khác. Ga1:18t hầu như incognito, không liên kết với cộng đoàn nào. Không có trình bày Tin mừng rao giảng chỗ nào!
Ga2 : tuy không nói đến Antiokia, nhưng không thể hoài nghi đó là khởi điểm (vì đi với Barnaba, c.9 địa vị Barnaba ngang hàng). Để tránh người ta hiểu như thể Phaolô bị triệu, Phaolô đã nói lý do chính “mạc khải” (lịnh Thiên Chúa). Nhưng điều đó không loại hẳn khía cạnh loài người. Ý Thiên Chúa không loại nguyện vọng của cộng đoàn Antiokia. Dù sao cũng là một tình trạng bất đắc dĩ. Ga2:2 cho thấy công việc truyền giáo dân ngoại miễn chuẩn cắt bì (Lề luật) lâm nguy, nguy là vì Yêrusalem có thể khước từ Tin mừng đó. Phaolô nhấn ngang hàng (không nhận Yêrusalem có quyền phân xử, định đoạt) nhưng cũng phải nói quyết định ở Yêrusalem quan hệ đến vận mạng của việc truyền giáo dân ngoại.
Phaolô nhấn đến đàm phán riêng (2:2) với những lĩnh tụ, nhưng sự đồng ý của cộng đoàn Yêrusalem cũng rất quan trọng.
Phaolô muốn loại đi tất cả những gì có vẻ giảm địa vị đồng đẳng, nhưng dù sao, chính Phaolô và Barnaba phải lên, chứ Yêrusalem không xuống. Phaolô trình bày mọi sự như chỉ có một mình ngài, vì khi viết thư Ga, ngài nhắm đến công việc của ngài đối với Giáo hội Galát. Nhưng kỳ thực khi đi lên Yêrusalem, thì không chỉ công việc của ngài lâm nguy, nhưng là công việc của cả một giáo hội dân ngoại đã có trước ngài. Bởi thế đột ngột c.9 là sự thỏa hiệp đó không chỉ với Phaolô mà là với Barnaba nữa, và như thế là với “phái đoàn” của Giáo hội Antiokia. Vậy thì Giáo hội Yêrusalem có mặt cũng như Giáo hội Antiokia kia, ở nơi cuộc đàm phán này.
Bởi đó độc giả thư Ga phải biết rằng :
- Lập trường của Phaolô khi viết thư khác và khi sống biến cố khác. Khi viết thư, Phaolô chỉ có một mình đảm đương lấy các giáo hội đã lập sau khi tách lìa Barnaba. Còn khi sống biến cố, tuy Phaolô có ý thức về sứ mạng đời mình là tông đồ dân ngoại, ngài với Barnaba ngang hàng với nhau và là đại diện cho Giáo hội Antiokia.
- Nên cho dẫu từ ngữ Ga hình như cho thấy Phaolô chỉ có một mình đối xử với “những người thế giá” của Yêrusalem, ta phải nói đó là đơn giản hóa.
Công thức : Phêrô / Phaolô (tôi) không loại được tính cách đoàn thể ở sau họ. Vì bên Phêrô còn có Yacôbê (đặt trước Phêrô) và Yoan, và họ không phải như cá nhân, mà là như “cột trụ”, tức là trong liên đới với cộng đoàn. Thế thì Phaolô cũng thế, khi biến cố xảy ra, ngài là đại diện cho Antiokia làm một với Barnaba.
Cv15:1-35.
c.1-2 : nên so với c.24 : Luca đón trước để châm chước (nếu nói thẳng họ từ Yêrusalem, thì hình như họ đã được các tông đồ phái đến).
Hai câu nhập đề này nêu hoàn cảnh : rõ ràng là Hội thánh dân ngoại tại Antiokia không nhận cắt bì từ trước đến nay. Một điều mà trình thuật của Cv không hề nói rõ. Tranh luận sôi nổi. Người ta định để Yêrusalem (tông đồ và kỳ cựu) phân xử. Người ta : một tiếng động từ không chủ từ, nhưng thấy được là cộng đoàn. Phái đoàn đây khá đông. Lạ là Cv không nói đến Titô. So với Ga2:1 (Titô, do mạc khải...).
c.3 : Hành trình : tiễn đưa, ngang qua Fênikia, Samari. Nên để ý đến sự vui mừng của các giáo hội (Dothái) đó khi nghe đến việc dân ngoại trở lại. Điều đó muốn cho thấy rằng : không phải toàn thể tín hữu Dothái đồng ý đòi tín hữu dân ngoại phải chịu cắt bì cả đâu.
c.4 : Tất cả Giáo hội mẹ với toàn thể hàng lĩnh đạo tiếp đón phái đoàn Antiokia. Họ thuật lại mọi điều Thiên Chúa đã làm (coi 14:27). Luca không đề cập ngay đến vấn đề tranh luận. Vì nếu nói ngay đến, thì tất nhiên là trình thuật đã kết thúc rồi quyết định trong c.28a. Thế là hết chuyện. Nhưng trình thuật của Luca không chỉ là thuật lại ít biến cố có thực, nhưng còn muốn vạch ra ý nghĩa của biến cố. Ý nghĩa vạch ra không phải bằng suy tư trừu tượng, nhưng dùng chính trình thuật : lựa sự kiện, khía cạnh nhấn đến (cách riêng bằng cách lặp lại), các nhân vật, hay cách sắp đặt sự kiện. Sự kiện lựa chọn thì ít, nhưng xây dựng trong một chương sống động, hào hứng, cốt để lần lượt độc giả thấy các khía cạnh thần học của biến cố.
c.5 : Bởi thế nên Luca lặp lại ý tưởng câu 1, nhưng xác định rõ là : các kẻ đó thuộc nhóm biệt phái (một nhóm nhỏ, và rất cái nhiên là họ mới nghĩ đến việc duy trì Lề luật, coi Cv26:5).
Đó là chủ đề nêu ra. Và từ đây đến cuối trình thuật, Luca sẽ nêu các lý biện hộ cho Tin mừng miễn chước Lề luật cho dân ngoại : các lý đó là :
a) ý của Thiên Chúa (Luca sử dụng vụ Cornêlius, mà Cv10-11 đã dọn trước) (và bây giờ Phêrô nhắc lại : 7-9).
b) chứng kinh nghiệm của người ta sống trong Lề luật : Dothái bất lực giữ trọn lề luật (c.10-11).
b) chứng kinh nghiệm : những hậu quả, những việc Thiên Chúa làm do các thừa sai cho dân ngoại (c.12).
d) chứng Kinh thánh : Thiên Chúa sau cùng sẽ kêu gọi dân ngoại (c.15-18).
e) chính lề luật cũng không buộc dân ngoại giữ hết mọi điều trong Lề luật. Tín hữu dân ngoại đã giữ những điều cốt thiết để sống chung với tín hữu Dothái, chiếu theo Lề luật (c.20-21).
Vậy phải nhận kỹ cách tổ chức trình thuật. Không nên vội quyết đoán về tính cách lịch sử. Điều chắc hơn cả về ơn thần hứng vẫn là phải xem tác giả sách thánh muốn nói gì.
c.7 : đặt hoàn cảnh cho lời Phêrô. Hai phe lên tiếng chống nhau dữ dội. Đó là lúc Phêrô lên tiếng. Ngài là phát ngôn nhân đặc trách, vì không chỉ được Chúa kêu gọi đầu tiên, nhưng nhất là vì Thiên Chúa đã chọn ngài để đem người ngoại tiên khởi (tiên thường cho tất cả Hội thánh dân ngoại) vào Hội thánh.
c.7b-9 : Chứng I : Nố Cornêlius nên nố điển hình, triệu báo về thánh ý Thiên Chúa : một nố nguyên tắc. Thiên Chúa đã tỏ ý định của Người ra là ban cho họ : Tin mừng, Thánh thần, lòng tin : hoàn toàn như Hội thánh tiên khởi Yêrusalem, ngày Hiện xuống. Không đọc ra thời triệu đó tức là sa vào tội của Israel trong sa mạc : họ thử thách Thiên Chúa.
c.10 : Chứng II : Kinh nghiệm của loài người sống dưới Lề luật : người dothái xưa kia (người dothái nói chung) hay tín hữu dothái đều không  giữ nổi Lề luật họ muốn buộc dân ngoại giữ đó. Tiếng ách Lề luật (Bill I 608-610) thông dụng giữa người dothái, nhưng không phải để ta thán. Ý tưởng không hẳn là thuộc kinh nghiệm dothái (như Phêrô lịch sử) cũng không hoàn toàn theo đạo lý Phaolô về Lề luật (Lề luật, phương tiện nhờ đó người ta tìm vinh vang cho chính mình, và bởi đó làm người ta tự thị, tự mãn, và tách xa khỏi Thiên Chúa). Đó là hình ảnh Lề luật trước mắt một tín hữu dân ngoại : truyền cấm đủ thứ người ta không biết làm sao biết tường và giữ trọn được.
c.11 : Nhưng điều quyết định là ở nơi lời tuyên tín (theo Tin mừng của Phaolô) : ơn cứu rỗi do bởi ơn huệ và cho những kẻ tin. Như thế là đạo lý của đại diện của các tông đồ cũng là một với những nguyên tắc căn bản của Tin mừng giảng cho dân ngoại.
c.12 : Chứng III : Lời Phêrô nói dẹp yên mọi tranh luận. Và người ta ngóng chờ Phaolô – Barnaba trần thuật những việc Thiên Chúa đã làm : dấu lạ và điềm thiêng. Những ám chỉ cũng đủ : Luca không muốn làm nhàm đọc giả đã đọc rồi các đoạn Cv13-14. Lời lẽ của Phêrô đã được chứng nghiệm nơi việc làm của các vị thừa sai.
Nhớ đến việc soạn tác của Luca : câu 12 lập thế quân bình giữa hai diễn từ.
c.13-18 : Chứng IV : Kinh thánh cũng báo trước việc dân ngoại trở lại. Trước tiên, Yacôbê tán thành lời lẽ của Phêrô về nố Cornêlius.
c.14b là một câu đáng kinh ngạc (nhất là nơi miệng Yacôbê) : đối chọi có ý giữa “dân ngoại – và dân của Người” (ethnè / laos). Ý tưởng có tính-cách cách-mạng. Từ xưa đến nay, “laos” và “ethnè” là hai yếu tố tương phản trong thánh sử. Nhưng nay do tự “Ethnè” đã xuất hiện cho Danh Thiên Chúa một “laos”, không bằng vào những điều kiện chủng tộc, nhưng vào một điều độc nhất : tin vào Chúa Kitô.
c.16-18 : Chứng Kinh thánh (Amos9:11t) : Xuất xứ của LXX.
Bản Hipri : đế quốc Đavít được phục hồi, rộng lớn, chiếm lại cả Eđom cùng các xứ lân cận. LXX : đọc sai “tìm kiếm” (dâras) thay cho “chiếm cứ” (yâras), và “âdâm” “loài người” thay vì Eđom.
Một minh chứng hoàn toàn dựa trên LXX và xa văn bản Hipri như thế dĩ nhiên không thuộc hoàn cảnh Yêrusalem, nhưng thuộc minh giáo với Dothái kiều chỉ nói tiếng Hilạp.
Mạch lạc Cv : việc tái lập lều Đavít được hiểu về sứ mạng của Chúa Yêsu với sự sống lại, chứ không đem về việc phục hồi quốc gia Israel, hay nước của Đavít. Biến cố Sống lại (lều được tái lập) khiến dân ngoại có thể tìm kiếm “Chúa” (Chúa sống lại).
c.18 (văn bản sai chậy) lấy tự Ys45:21. Mạch lạc Ys : Yavê nói với dân ngoại về Kyrô (Yavê đã biết, đã báo trước; còn các thần của họ không biết tí gì; nên Yavê mới là Thiên Chúa đích thực; và Người kêu gọi họ trở lại. Điển Kinh thánh này được hiểu : thời Mêria, dân ngoại cũng như Dothái được kêu gọi lĩnh ơn cứu thoát.
c.19-20. Rồi Yacôbê ra đề nghị (phải hơn : quyết định) : nguyên tắc miễn chuẩn Lề luật cho tín hữu dân ngoại. Nhưng phải viết thư dạy là ách nặng ở nơi cắt bì và vô vàn luật điều này khác, chứ 4 khoản này không phải là gánh nặng.
c.22. Mọi người đồng ý, nghị quyết phái Yuđa Barsaba và Sila cầm thư đi Antiokia. Vô ích? đã có Phaolô-Barnaba? Nhưng Luca muốn nói cái hân hạnh cho cộng đoàn dân ngoại được những người có “uy thế” ở Yêrusalem mang thư đến : Yêrusalem trọng kính thế nào với Antiokia.
c.23-29. Thư của Công đồng. Lạ là không đả động đến việc chính cho vụ tranh luận : cắt bì. Lạ là kiểu soạn thư : nhắc lại việc ít tín hữu dothái gây hoang mang, nên quyết định gởi ít người đi cùng Phaolô Barnaba. Mạch lạc đoạn tục với mấy lời tuyên dương công trạng hai thừa sai. Rồi lặp lại việc sai phái đoàn để nói miệng cũng những điều đó. Sau đó mới đến điều quyết định. Là vì tác giả muốn đặt “chỉ thị” vào chỗ trọng yếu nhất : kết thúc tranh luận như một tiếng gồng tan cuộc. Nhưng “chỉ thị” phải có hoàn cảnh, sau đó là phái đoàn loan báo “chỉ thị”. Mà chỉ thị y chuẩn lề lối hoạt động của nhóm Phaolô Barnaba, nên cũng nói đến công việc của hai ngài.
Chỉ thị Công đồng Yêrusalem
Coi : LCerfaux : Recueil II.105-124 : Le chapitre XV du Livre des Actes à la lumière de la littératur ancienne.
         JDupont, Les problèmes du livre des Actes, 67-70 : de décret apostolique (trình bày ý kiến các nhà bình luận).
Văn bản : Cv15:20.
Theo các thủ bản loại B (Vaticanus) :
“dạy họ kiêng đồ nhơ uế bởi tà thần, cùng dâm bôn, thịt ngột, và máu huyết”.
Theo D : Iren Cypr :
“dạy họ kiêng đồ nhơ uế bởi tà thần, cùng dâm bôn và máu huyết và chớ làm cho kẻ khác điều mình không muốn kẻ khác làm cho mình”.
Cv15:19 : theo B...
“kiêng tránh đồ cúng, huyết, thịt ngột và dâm bôn”.
Theo D... : kiêng tránh đồ cúng, huyết, dâm bôn và chớ làm cho kẻ khác điều mình không muốn kẻ khác làm cho mình”.
Điều rõ rệt trước tiên là D... thêm “khuôn vàng thước ngọc”, và bỏ ngoài “thịt ngột”.
Thịt ngột : tức là thịt thú vật không chọc tiết. Điều cấm này liên kết với việc cấm “ăn huyết” thú vật.
Bỏ được điều luật này đi thì văn bản có thể cắt nghĩa theo luân lý, tức là cấm ba tội trọng : thờ quấy, dâm dục, giết người. Mà người ta hiểu được là luật nghi tiết khi mất hoàn cảnh dễ chuyển thành luân lý, hơn là ngược lại. Bởi thế D... hiểu được là đã bỏ ngoài “thịt ngột” và thêm “khuôn vàng thước ngọc” để thành một toát yếu luân lý cho tín hữu thời sau. Vậy phải nhận văn bản B... như cựu trào hơn.
Ý nghĩa bốn khoản
Khoản thứ nhất dĩ nhiên là của cúng. Cấm chẳng những là dự tế lễ của dân ngoại, mà còn cả việc ăn những của cúng bán ngoại chợ.
Dâm bôn : có thể chỉ tội sắc dục nói chung; nhưng người dothái cũng dùng tiếng đó để chỉ những kiểu hôn nhân giữa vòng bà con luật cấm (Lc18:6-18).
Huyết : cấm việc dùng đến máu thú vật.
Nhưng câu 21 cho chúng ta biết ý nghĩa của những khoản này ; chúng thuộc Ngũ thư. Và thực sự các khoản đó được kê trong Lc17-18. Và điều đáng chú ý là các khoản đó cũng lại có một thứ tự như trong Cv15:29 : Lv17:8 cấm cúng bái tà thần. 17:10 cấm dùng huyết loài vật. 17:13 cấm dùng thịt vật ngột, chết ngột. Lv18:7tt cấm hôn nhân trong vòng bà con thân thuộc. 4 giới luật này được nói rõ là bắt buộc người dothái cũng như “ger” (= khách ngụ cư sống với người dothái). Còn toàn thể bộ luật thì chỉ bắt buộc người dothái thôi.
Và chiếu theo mạch lạc Cv15 thì có thể nhận được là Luca coi các khoản này như một chứng phụ cho việc truyền giáo dân ngoại : cũng như dothái chính cống, tín hữu dân ngoại sẵn sàng vâng phục những luật lệ Lề luật buộc mình. Chính Lề luật chỉ kê 4 khoản đó, và tín hữu đã giữ.
Trong các văn kiện khác. Cv21:25 (lặp lại chỉ thị một lần nữa) 1Cor8:10 Rm14 : Phaolô đề cập đến việc ăn của cúng, nhưng giải quyết cách khác. Kn2:20-25 (không có đụng chạm với Cv15, nhưng với Ds25:1t – nhưng cũng nhất quyết cấm đoán việc ăn của cúng). Cv15 là một chứng về thời Luca : nói được chắc là thời đó Giáo hội của Luca biết các khoản này, và còn giữ kỹ (chẳng vậy thì ra Giáo hội đó không còn vâng phục Thánh thần nữa : Cv15:28).
Justinus (Dialog.cum Tryph.34,8) : tín hữu thà chết còn hơn là ăn của cúng. Chỉ có tín hữu sa bè ngộ đạo mới ăn của cúng.
Minucius Felis (lối 161) nói : tín hữu tránh cả huyết thú vật nữa, làm sao lại có thể ăn thịt trẻ con được theo lời vu cáo dân ngoại. Tertullianus (Apolog.9:13) “qui ne animalium.. sanguinem in epulis esculentis habemus, qui propterea suffocatis quoque et morticinis abstinemus, ne quo modo sanguine contaminemur vel intra viscera semulto”.
Do lai của chị thị. Không thể đặt liền với tranh luận công đồng Yêrusalem : việc cắt bì không đề cập đến, không đi với quả quyết Ga2:6. Nhưng đàng khác không thể nào Luca bịa ra được: Cv15:28 giả thiết là có cả một truyền thống lâu năm rồi trong Hội thánh về 4 khoản này. Bởi đó chung chung đặt việc ra chỉ thị vào một thời sau công đồng (chỉ có ít người dám đặt trước) – nhưng khi đó thì Phaolô và Barnaba không có mặt. Hoàn cảnh có thể như vụ Ga2:11-14.
Cv15 và Ga2:1-10
Sau khi đã phân tích cả hai trình thuật, chúng ta đã thấy ngay những điểm khác nhau. Giảng hòa không phải là dễ. Nhưng chúng ta thấy cả hai bên đều có khía cạnh riêng của mình. Phaolô rút kết luận của biến cố xưa để giải quyết vấn đề hiện tại của Giáo hội Galát. Luca lại trình bày chung những lý lẽ biện hộ cho công việc truyền giáo dân ngoại. Nhưng dù sao, không thể nhận như nhiều tác giả chủ trương, là chúng ta có hai biến cố riêng biệt : vì ngoài quan điểm riêng, thì còn lắm điều chung : thành phần phái đoàn Antiokia, địa vị của Yacôbê, tranh luận giữa Phaolô và dothái phiệt về vấn đề cắt bì, trần thuật công việc của Phaolô ở Yêrusalem, quyết định do ủy ban lĩnh đạo, công nhận Tin mừng thoát Lề luật và sự duy nhất của Hội thánh.
Tầm quan trọng của Công đồng Yêrusalem
EHaenchen, Apostetgeschichte 409
LGoppelt, Die apostolische und nachapostolische Zeit, 51-52.
GStahlin, Die Apostelgeschichte, 199-200.
Cv15 là phần chính giữa của Cv. Tất cả phần trước đều có liên can đến Yêrusalem : hoặc xảy ra tự Yêrusalem, hay xuất tự Yêrusalem để hướng về Yêrusalem. Với Cv15 việc phân tán ra đi mà không còn hòng trở lại : con mắt hướng đến những chân trời mới và đối với Luca là việc truyền giáo Âu châu cách riêng để đạt thấu Rôma. Cv15 cũng là nói đến tống cựu nghinh tân : Lần cuối cùng nói đến Phêrô, các tông đồ. Sau đó là Yacôbê và các kỳ cựu ở Yêrusalem, còn nơi xa bên ngoài là Phaolô và các giáo hội của ngài.
Trung tâm trình thuật đó thực sự đề cập đến vấn đề gay go nhất trong Hội thánh sơ thời : đến lúc phải tế nhận và hòa giải hai nguyên tắc hầu như mâu thuẫn : việc tự do đối với Lề luật và sự duy nhất của Hội thánh. Giải quyết vấn đề đó tức là ý nghĩa tồn tại muôn đời của công đồng Yêrusalem. Đó là điều mà Ep2:11-22 sẽ suy ngắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa dành để cho Hội thánh, và nói lên những chướng ngại phải băng qua.
Với việc dân ngoại trở lại, nhiều vấn đề phát xuất. Giao ước cũ và nhất là Lề luật có vai trò gì trong dân mới của Thiên Chúa? Liên tục và đổi mới, dân cũ và dân mới làm sao đi được với nhau? Dân đã từng sống trong Giao ước cũ, và biết rằng đó là can thiệp và thánh ý Thiên Chúa,; và dân từ xưa đến nay chẳng đụng chạm gì với mạc khải Cựu ước, làm thế nào có thể sống trong Koinônia?
Các vấn đề trước tiên chưa được hay ít được đặt ra, vì thoạt đầu thì chỉ có thể xuất hiện ở nơi Dothái kiều, tức là những người vì sinh hoạt đã phải để yên một bên ít nhiều khoản Lề luật. Tín hữu dân ngoại ở những nơi ấy ung dung hưởng sự tự do đối với Lề luật, và tín hữu Dothái cũng không đặt vấn đề. Nhưng một khi có liên lạc giữa Cộng đoàn Yêrusalem giữ nhặt nhiệm Lề luật Môsê, nhất là trong sổ lại có nhiều cựu biệt phái, tình thế sẽ đổi khác. Những lời hứa về Yêrusalem cánh chung giả thiết sự thu lại làm một con cái Thiên Chúa tản mác, để làm thành dân Thiên Chúa cánh chung. Luật Môsê là hiến chương của Giao ước với Thiên Chúa, và như thế có giá trị vĩnh tồn; vậy thì có nhận Lề luật mới được vào Giao ước và hưởng ân lộc của Tin mừng. Do chủ trương : Lề luật và Tin mừng. Phaolô đổi lại : Chúa Kitô hay là Lề luật. Và hai thái độ lấy việc cắt bì làm điển hình (Cv15:1 / Ga5:2tt). Phaolô xác tín : ai không dứt hẳn tín thị vào Lề luật, thì kẻ đó hỏng mất ơn cứu thoát vô điều kiện trong Chúa Kitô (Ga5:4). Chúa Kitô là tất cả con đường mới Thiên Chúa vạch ra để đi đến cứu thoát. Bởi tranh luận với những người thuộc cùng một phái với mình xưa mà Phaolô đặt minh bạch trong xác tín; cũng như kinh nghiệm thừa sai làm cho ngài thấu hiểu hơn kế đồ của Thiên Chúa (oikonomia nói trong Co1:25 Ep1:10 3:2 9) Tin mừng thoát luật là thánh ý Thiên Chúa. Còn kinh nghiệm thực tế là : có thể chinh phục thế giới bên ngoài cho Chúa Kitô được, chứ không bao giờ chinh phục được cho cắt bì hay là luật Dothái. Nhưng đàng khác, Phaolô cũng nhìn rõ là ý của Thiên Chúa trước sau vẫn là một, không hai; Tin mừng là thành tựu cho Lời hứa, chấp chứa trong Cựu ước. Koinônia là điều phải tìm kiếm cho được trước tiên, chứ không phải là một quyết định: Koinônia trong tuyên tín về một Tin mừng độc nhất “không thì hư luống”. Và sau cùng Koinônia đã được nên minh bạch bởi Hội thánh tiên khởi đã cùng nhau tìm cho biết lời chỉ dạy của Thiên Chúa.
Hội thánh đã ra khỏi kén bao bọc nhưng cũng giam tù. Một trật sự liên đới giữa hai cánh của Hội thánh đã giữ Hội thánh khỏi bị dìm vào môi trường xung quanh : Hội thánh Dothái được mở nhỡn khới để khỏi sa vào sự riêng rẽ, đóng kín của đạo Dothái; Hội thánh dân ngoại được lĩnh lấy truyền thống của các tông đồ để được nối chặt với Chúa Yêsu lịch sử, và truyền thống Tin mừng của các tông đồ giữ gìn Hội thánh dân ngoại bị dìm trong lòng đạo mịt mù của thế giới La-Hi.

No comments: