Wednesday 24 September 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: Ca Vịnh



CA VỊNH

NHẬP ĐỀ. Coi B.J.649-653
LỊCH SỬ CHÚ GIẢI CA VỊNH

I. NHỮNG ĐẠI DIỆN CỦA TRUYỀN THỐNG DOTHÁI VÀ KITÔ GIÁO
Không thấy bàn đến vấn đề loại văn. Hay có nói đến, thì chỉ nói đến cách mập mờ, qua loa, lại không liên lạc với chú giải. Hầu hết chỉ bàn đến vấn đề tác giả. Và vấn đề được giải quyết bằng những “Đề” của các Ca vịnh, cùng những chi tiết lịch sử nói đến trong Đề đó, và cách chung dựa trên chứng chỉ Cựu ước về tài nhạc sĩ và thi sĩ của Đavít, về vai trò Đavít đã giữ trong tổ chức phụng vụ (theo sách Ký sự), sau cùng dựa trên chứng chỉ Tân ước.

II. CHÚ GIẢI BÌNH LUẬN
1/ Bình luận về truyền thống Dothái và Kitô giáo.
Môn phái bình luận với Wellhausen không thừa nhận những dự kiện của Kinh thánh và truyền thống.
a) Về các Đề : Các đề không đáng tin cậy vì muộn thời. Đàng khác không thể chắc thực được là “nói đến tác giả” hay chỉ là dấu để chỉ những sưu tập đã có Ca vịnh đó. Đavít được nhắc nhủ đến có khi vì ông đã có tài làm thơ kiểu đó, hay là các bài thơ đã được hát theo những cung nhạc, hay kiểu sùng bái ông đã sáng tạo.
b) Về nội dung Ca vịnh. Nội dung đi ngược lại với quả quyết truyền thống : Nội dung chứng tỏ nhiều khi ca vịnh là mút cùng của một biến chuyển. Các chi tiết lịch sử trong Đề của Ca vịnh là do tay một nhà xuất bản ra các Ca vịnh, hay soạn giả cuối cùng. Còn thần học của các Ca vịnh đã phát triển hơn thời Đavít nhiều, đòi phải có việc can thiệp của các ngôn sứ.
c) Lập trường của Wellhausen : Ca vịnh có liên lạc với những sách Khôn ngoan. Ca vịnh là sách những bài hát trong Đền thờ sau thời đi đày. Như thế vấn đề thời biểu bị đảo ngược lại : không phải là còn bàn xem có Ca vịnh nào sau thời lưu đày, nhưng là phải xét xem họa chăng có Ca vịnh nào thuộc thời trước lưu đày không. Các Ca vịnh không vẻ giống nhau không thể đặt trên những thời gian quá xa cách nhau. Và Wellhausen dám quả quyết : “Không có Yêrêmia thì sẽ không có Ca vịnh”. Yêrêmia là tị tổ kiểu thơ tả tâm tình, và bởi đó cũng sáng tạo loại văn Ca vịnh.

III. FORMGESCHICHTE.
Nhưng vào cuối thế kỷ 19, các vấn đề chú giải đã đến lúc thay đổi bởi những khám phá của cổ học.
Ca vịnh được chú giải theo những phương pháp mới, và trong phạm vi này, H.GUNKEL đã là người khai đường vạch lối.
A) Phương pháp
Các Ca vịnh là những bài thơ ngắn, không mạch lạc, việc thứ nhất phải làm là phải xét đến những đoạn văn tương tự :
      hoặc trong Cựu ước (Xht 15,1-14; 1Sam 2,1-10; 2Sam 22; 2Kýsự 16; Is 38...)
      hoặc trong các ngụy thư (Ca vịnh Salômô...)
      hoặc ngoài Israel : Aicập, Lưỡng hà địa.
B) Do lai và lịch sử các Ca vịnh
Trong tất cả các Ca vịnh đó, người ta phải đặt thứ tự : mà Gunkel đặt nguyên tắc : lòng đạo công cộng trong phụng vụ bao giờ cũng đi trước lòng đạo thiêng liêng của cá nhân. Bởi đó, các Ca vịnh dùng trong phụng vụ là số lớn hơn cả. Sau mỗi Ca vịnh dùng trong phụng vụ đó, thì có một cảnh huống phụng vụ cụ thể : đó là mạch lạc lịch sử, xã hội của ca vịnh “Sitz im Leben”. Người ta đã hiểu được loại văn của Ca vịnh khi người ta đã khám phá ra “Sitz im Leben” của nó, nghĩa là đặt liên lạc với hoàn cảnh lễ bái; bộ điệu, cử hành theo nghi tiết, các điều này xác định thi hứng, văn chương và nội dung của Ca vịnh.
C) Phân loại các Ca vịnh
Dựa theo các điều trên này, Gunkel phân ra những loại này :
- Tán tụng (hymnes)
- Aica công cộng
- Ca vịnh về vua
- những bài thư tạ ơn
- Aica cho cá nhân
- những loại ít quan trọng hơn : ca hành hương, ca tạ ơn của Israel, lịch sử diễn ca, ...
Thi Ca này rất phức tạp, phát xuất tự những nhóm người chuyên lo sùng bái nơi Đền thờ. Các tư tế, các ca sĩ đã học từ thuở còn nhỏ để biết cách cử hành trong lễ nhạc. Loại ca thánh này tất nhiên sẽ cũng cựu trào như chính sự sùng bái, nghĩa là với chính lúc dân tộc được cấu tạo. Kết luận này được chuẩn y bởi những Ca vịnh Aicập, của Lưỡng hà địa, và bởi những ám chỉ những phỏng theo thấy trong các sách lịch sử, ngôn sứ. Rồi với thời gian sẽ có sự thay đổi. Cái ảnh hưởng lớn lao hơn cả là đến với các ngôn sứ. Các ngôn sứ cũng chịu ảnh hưởng của sùng bái, nhưng rồi chính ngôn sứ cũng chiếu dọi lại ảnh hưởng trên các Ca vịnh.
Các Ca vịnh bởi đó sẽ hướng về chung luận thiêng liêng hơn. Và về cuối thời Dothái thì nên phức tạp hơn : Ca vịnh nên những bài suy gẫm về Lề luật, về sự khôn ngoan, đàm luận đến việc thưởng phạt.
Thuyết của Gunkel đã được hầu hết các tác giả hiện thời công nhận. Nhưng có một người đã đem thuyết áp dụng triệt để là Mowinckel. Nhưng ông cũng có những điều riêng biệt :
- không nhận là các ngôn sứ có ảnh hưởng trên loại văn Ca vịnh.
- Các bài Ca vịnh đem về hai việc phụng vụ cách riêng.
      1/ Lễ đăng quang của Yavê (khởi điểm cho chung luận)
      2/ Bệnh nhân tới đền thờ xin cho thoát khỏi thù địch : tức là các phù thủy, thầy pháp.
Mowinckel còn nhận có những lời sấm ban bố trong phụng vụ. Nhưng lời sấm đó không phải là của tư tế, nhưng của ngôn sứ sùng bái (trước tiên họ cũng giống như các phường ngôn sứ nói đến trong 1Sam 10,5t... họ có vai trò trong phụng vụ, sáng tác những Ca vịnh theo kiểu sấm ngôn. Sau lưu đày, họ sát nhập vào nhóm các ca sĩ Lêvít).

BÌNH LUẬN.
Gunkel vẫn còn ở trong những thành kiến duy lý của Wellhausen về mạc khải siêu nhiên, về phép lạ, còn muốn đối chọi sùng bái với luân lý. Hình như sùng bái đối với môn phái chỉ là di tích của một thời bán khai. Và khi so sánh các văn kiện thì quá dựa vào văn kiện ngoài Kinh thánh.
Tuy thế :
      1/ Một thành tích đáng ghi nhớ của chú giải hiện đại quan niệm loại văn. Nhưng phải biết hiểu quan niệm đó, không chỉ trong những liên lạc với tôn giáo và văn chương ngoại đạo, nghĩa là trong trạng thái phôi thai, còn là phỏng đoán mà suy diễn. Nhưng quan niệm loại văn phải đặt trong hoàn cảnh cụ thể của Israel : liên lạc chặt chẽ với truyền thống đạo Yavê, một truyền thống có tính cách siêu việt; liên lạc với các loại khác mà truyền thống đạo Yavê đãy gầy tạo nên : pháp chế, lịch sử, ngôn sứ, khôn ngoan.
      2/ Phương pháp : so sánh. Dựa trên những tiêu chuẩn nội-suy tầm theo một sinh ngữ rành rọt. Một điều thiếu sót nơi Gunkel. Và so sánh chẳng những với chứng chỉ ngoại lai của văn chương các dân khác, nhưng cách riêng với chứng chỉ có trong chính Sách thánh (lại một điều thiếu sót nơi Gunkel).


NHỮNG CA VỊNH “AICAI” HAY “KHẨN NGUYỆN”...
Các Ca vịnh này thường có những chủ đề này :
1. Nhập đề : Theo kiểu “kêu xin” (thường kèm theo nhiều lý lẽ về trông cậy, tin chắc, trình diện mình...), hay theo kiểu “than vãn”, hay “khấn nguyện”, hay có những ám chỉ về những việc theo nghi tiết.
2. Trình bày nố riêng. Người khấn trình bày tình cảnh mình trước mặt Thiên Chúa, và lý do khiến mình chạy đến cùng Thiên Chúa : bệnh tật, khốn quẫn, bị Thiên Chúa bỏ, xa cách Yêrusalem, tội lỗi, thù đich, cám dỗ ... Lời lẽ thường là bóng bảy, rất nhiều hình ảnh không dễ diễn tả ra cách cụ thể. Việc trình bày nố riêng của người khấn có thể bắt đầu bằng một lý do khởi sự bằng tiếng “ki” (nam, enim, quia...) hay “aser” (quia trong Vg), hay một hình thức nào tương tợ.
3. Lời cầu xin : thường dùng những tiếng chung, hay cũng có thể là lời cầu xin, hay lời chúc dữ cho thù địch, hay là lời cáo tội chúng; hay cũng có thể là lời cầu xin, nguyện ước cho mình... 2/ và 3/ là phần chính trong Ca vịnh.
4. Kết luận. Có thể là một nguyên tắc chung phát tự lời cầu xin hay việc trình bày nố riêng như một kết luận - hay là kết thành một lời hứa, hoặc đơn phác, hoặc kèm theo lý do (thí dụ Cv 59,17).
Ngoài ra còn những yếu tố khác không cốt yếu bằng :
5. Lời hát tạ ơn (thí dụ Cv 22 dài hơn cả).
6. Trình diện chính mình, dùng những lời lẽ làm sao để Thiên Chúa để ý đến mình hay đến nố của mình.
7. Đón trước việc can thiệp của Thiên Chúa bằng cách nhắc lại những đặc tính của Thiên Chúa, để rồi người khấn dựa vào đó mà nài xin.
8. Biện hộ : có khi người khấn xin phân phô mình vô tội.
9. Thú tội : có khi thì người khấn xin thú tội thay vì cáo kẻ khác (như trong Ca 51).
10. Lòng trông cậy, hay chắc chắn sẽ được nhậm lời; có khi có những lời vui mừng như đã được nhậm lời rồi.
Có thể liệt vào loại Ca vịnh này các Ca vinh :
“Aica” cá nhân : 5.6.7.13.17.22.25.27.28.31.35.38.39.42.43.51.54.55. 56.57.59.61.63.64.69.70.71.86.88.102.109.120.130.140.141.142.143.
“Aica” công cộng “ : 44.74.79.80.125.
                                                                                                                                            60.108.77.90
                                                                                                                                            58.82
Ca vịnh cậy trông : 3.11.16.23.41.62.131.
Như ta thấy loại Ca vịnh này rất nhiều. Muốn hiểu tâm hồn đã phát xuất ra những Ca vịnh này, cần thiết phải biết những người đã viết ra, hay đã dùng những Ca vịnh này đầu tiên là ai : tức là những ANAWIM trong dân Israel. Đó là những nhân vật cut thể mà Ca vịnh cho ta nghe thấy tiếng than vãn,khẩn xin. Đó cũng là một điều lạ đáng ngạc nhiên : linh hồn do thái được diễn tả trong tiếng chỉ “nghèo khó” bần cùng (có khi “bị cùng khổ”, hành hạ, đê tiện). Hơn nữa, những “bần cùng”, nghèo khó trong Israel lại khác biệt với “bàng cận”, đối chọi với hoàn cảnh. Họ coi mình như bị áp bức, bắt bớ. Và như thế nói đến họ cũng phải học đến những địch thù của họ. Biết những địch thù, chúng ta sẽ hiểu hơn thái độ của các kẻ “nghèo hèn”, và nhận ra rõ hơn bối cảnh xã hội và tôn giáo của phần lớn các Ca vịnh.

ANAWIM
I. Tiếng dùng : Ani và Anaw.
Hai tiếng bởi gốc rễ là anah “bị hạ xuống” hoặc là bởi một sự câu thúc bên ngoài : sự áp bức (Zach 10,2) hay Thiên Chúa sắp đặt (        1,13; 3,10), hay là bởi một trạng thái tâm lý tự động : buồn sầu (Cv 119,67) thất vọng (Is 31,4).
Tóm chung lại là ý tưởng : ra ti tiện, thấp hèn, thua kém...
Tiếng Ani là hình thức thông thường hơn cả :
- Trong Lễ thư, Thứ luật thư, các ngôn sứ trước lưu đày : tiếng đó thường có nghĩa : người nghèo, theo nghĩa “người bần cùng, thiếu thốn” (coi Tl 19,19; 23,22; Tlt 15,11; 24,12; Is 10,2; Yer 22,6). Mà người nghèo tất nhiên bị kẻ quyền thế hành hạ này khác, vô phương đề phòng, bởi đó ý niệm về quyền lợi bị khinh phiêu, về sỉ nhục, hạ giá thường đi với ý niệm thường về nghèo khó. Trong Lề luật, và các ngôn sứ, thì người góa bụa và mồ côi, người tha phương thường được liệt chung với người “nghèo” về kinh tế (Xht 22,20-24; Tlt 24,12.17; Lt 19,10; 23,22).
- Sau thời vương quyền, tiếng vẫn còn giữ nghĩa trên.
- Nhưng ngoài các chỗ như kê trên đây, thì tiếng ANI lại có một nghĩa tôn giáo, thay vì nghĩa xã hội và kinh tế : ANI là người đành lòng tự ý tuân phúc ý định của Thiên Chúa : người khiêm nhường. Như thế lại là một hình thức đạo đức. Đó là quan niệm cần phải học ở đây.
Nghĩa đó rõ được hoặc bởi mạch lạc có cắt nghĩa (Is 66,2) - hoặc tương đương với những tiếng thường áp dụng cho người nghèo, và nói được là đồng nghĩa với nó : thí dụ tiếng Justus (sadio) Cv 34,7 - (yasar) Cv 34,14, - perfectus (Cv 37,14), pius (Cv 18,28) timentes Dominum (Cv 25,16), Servus Domini (Cv 86,1). - hoặc vì đối chọi với những người dữ (Cv 10,2; 18,28).
Tiếng ANAW ít dùng hơn, nhưng cũng một nghĩa tương đương.
II. Biến chuyển của quan niệm : Làm sao quan niệm nghèo khó lại biến thành lý tưởng tôn giáo ?
A) Trong các bộ luật và các ngôn sứ trước lưu đày : thấy có sự gắng công bênh chữa người nghèo, người yếu.
- bộ luật giao ước (Xht 21,7-11.20.27; 22,22-25; 23,6.9.11.12). Amos đả kích những bất công xã hội (2,7; 8,4; Osê 12,8.9).
- Isaia chỉ trích sự xa hoa và tham lam của hạng có của (3,14.15; 10,2; 32,7) - Mica cũng vậy (2,9) coi bọn giàu bất công như thú ăn thịt người (3,2.3).
- Các bộ luật thời thế kỷ thứ 7 : Thứ luật thư quan tâm đến người nghèo (5,12-15; đ.15; 21,10-15; 23,15.16.19.20; 24,6.10-22). Lễ thư 17-26 (bộ luật thánh thiện) cũng có những khoảng tương đương (19,9.10; 23,22; 25,9-17.39-43).
B) Lý do của thái độ đó. Các ngôn sứ không phải là hạng người cổ võ đấu tranh giai cấp. Vì họ không ngại quở trách dân chúng giàu cũng như nghèo khi có những tệ tập (Os 4,9; Is 1,10; 9,12-16; Yer 5,4.31; 6,13).
Sự công bằng mà các ngài yêu cầu không phải là công bằng xã hội suông đâu, nhưng là sự công bằng mà luân lý chiếu theo Giao ước đòi hỏi, luân lý dựa vào chính mình Yavê, thì Yavê công bằng. Đó là điều phải hiểu ngầm dưới hết các văn kiện ngôn sứ hay pháp chế. Đó là những kiểu nói khác nhau trong chính Berith núi Sinai, mà sự thánh thiện của Yavê đã y chuẩn.
Như thế quan niệm công bằng nơi ngôn sứ không còn là kinh tế và chính trị, nhưng tôn giáo. Về mặt xã hội cũng như trong sùng bái, các ngôn sứ chống cự với ảnh hưởng Canaan, các nỗ lực của họ chỉ qui về việc giữ gìn thuần túy đạo Yavê trong Canaan.
C) Quan niệm về nghèo khó trong thời trước Lưu đày, cũng phải đặt trong trào lưu tư tưởng đó. Nghèo khó không phải tự nó là một lý tưởng tôn giáo, người ta đạt đến bằng việc từ bỏ của cải. Các ngôn sứ cũng quí trọng của cải : phần thưởng cho nhân đức, và thời cánh chung cũng hiện tỏ ra cho họ như một thời vừa trọn hảo về luân lý vừa sung túc mọi của vật chất (Os 2,20t).
Nhưng thực sự nghèo khó giữ khỏi kiêu ngạo và mọi kiểu bât công tức là những tội lớn trước mặt Thiên Chúa; và vì các kẻ nghèo khó bị áp bức, nên họ được chính Thiên Chúa bênh vực, bảo hộ. Họ là dân của Người (Is 3,15). Và khi nghĩ đến “số sót” trong tương lai, thì nhóm người đó cũng lại là những người đã bị áp bức (Is 11,4t). Vậy tuy rằng trong thời vương quyền, tiếng “ANI” vẫn còn áp dụng cho những người thực sự là nghèo khó, và tự nó chưa có giá trị tôn giáo, nhưng nó đã được siết chặt với những quan niệm căn bản của đạo Yavê, nên nó đã có cơ, có đà tiến đến một ý nghĩa sung túc hơn. Trong thời đó Mica, tuy không dùng tiếng, nhưng đã diễn tả xác đáng lý tưởng tôn giáo của thời sau lưu đày : “Đi đứng khiêm nhường trước mặt Yavê” (6,8).
D) Nhưng quan niệm đã được diễn tả cách mạnh mẽ khác thường, hay phải hơn đã được sống nơi Yêrêmia. Điều đó thấy cách riêng trong các chương tâm phúc của Yêrêmia : Yêrêmia nhận rõ sự thất bại của sứ mạng mình và luôn chịu bắt bớ do thù địch, hay thân hữu giả dối. Những đoạn đó diễn tả sự khốn quẫn cùng tột, cũng như sự thân mật lạ thường với Thiên Chúa, dưới hình thức một lời khẩn nguyện. Trong đó thấy diễn ra :
- Thái độ với thù địch : kêu oán trả (11,20; 12,3; 20,12), chúc dữ (17,18; 18,21-23), rồi nêu ra vất đề hạnh phúc của kẻ bất lương.
- Khốn quẫn : than phiền vì cô độc (15,17), rủa mình (15,10; 20,14-18), cao cả Thiên Chúa như đã phỉnh mình (15,18; 20,7).
- Tuy thế Lời Thiên Chúa vẫn là sự vui sướng (15,16), hoàn toànn trông cậy (17,14), phân phô hết lòng trung tín (17,7).
Tâm lý những kẻ nghèo hèn được diễn tả cách xác đáng. Rất nhiều điều đụng chạm với Ca vịnh, cả trong tiếng dùng nữa.
Nhưng ngoại trừ (20,13) thì Yêrêmia không dùng đến tiếng nghèo khó để tả tình trạng của mình. Tuy thế Yêrêmia là một “mẫu” của kẻ “nghèo khó”. Ảnh hưởng ngài sẽ sâu rộng trong văn chương sau lưu đày, có thể chắc chắn rằng dung mạo ngài đã luôn hiện tỏ nơi trí não các tác giả Ca vịnh.
E) Nhưng điều mà Yêrêmia thực hành mà không dùng tiếng thì Sophônia đã nói đến 2,3 và 3,12. “Số sót” đại diện cho Israel trong tương lai là một dân khiêm tốn, nghèo hèn. Thái độ trái ngược với những phường ngạo mạn mà Thiên Chúa sẽ trừng trị.
Như thế, cuối thời vương quyền, tiếng ANI đã mặc lấy nghĩa riêng : nhóm gồm những kẻ trung tín với Yavê, trong khốn đốn, chống đối. Còn Yêrêmia, chính vì phải đau khổ do bởi sứ mạng ngôn sứ thì đã thực hiện quan niệm đó đến một cấp độ gọi được là trọn hảo.
F) Vào cuối thời Lưu đày, Isaia-II xuất hiện. Về tiếng thì ngài ít dùng những tiếng ANI, ANW, nhưng với ngài nhiều nét của ý tưởng “nghèo khó” được rõ thêm. Is-II không nói đến cá nhân cho bằng đoàn thể : dân tộc Israel, đã phạm tội, đã khốn đốn trong lưu đày, những vẫn là dân thánh mà Yavê sẽ cứu thoát bởi lòng nhân hậu của Người : ý tưởng nghèo khó đây coi như một điều đã được Israel sống : dân tộc bị đày đọa, sỉ nhục, cướp phá, đày ải, không ai bênh vực (42,22), kim khí trong lò luyện đau thương (48,10), quyền lợi bị rẻ rúng (40,27), khốn khổ (51,26; 54,4), Sion ra như một đàn bà bị rẫy bỏ, nhãng quên, mất con cái (49,14; 54,1-6). Xung quanh là thù địch (49,24). Nhưng Israel sẽ được báo phục, không phải vì đáng công, đáng được tha thứ (42,18-20; 43,22-28; 48,8; 50,1) nhưng vì là dân Chúa đã chọn : Thiên Chúa sẽ là Redemptor “Gôel” : một tiếng nhiều ý nghĩa chuộc lại, cứu thoát, theo tước hiệu một bà con gần. Lễ thư 25,25 bắt người nghèo túng đã phải cầm đợ bán chạy, hay chuộc cả chính thân người mắc nợ không trả được nên đã làm nô lệ (Lt 25,48-49). Is-II dùng quan niệm tư pháp đó vào thần học để nói đến việc giải phóng khỏi lưu đày, nhấn đến tính cách nhưng không của việc Thiên Chúa tha thứ.
Như thế, Isaia-II nhấn thêm vào ý niệm cùng quẫn, áp bức đã có trong tiếng “nghèo khó”. Ngài cho thấy Yavê Đấng cứu chuộc độc nhất, và chắc chắn của kẻ nghèo và coi những kẻ thoát lưu đày, Israel cánh chung, như một dân “nghèo khó”.
G) Nhưng trên hết mọi hình ảnh đó, còn một nhân vật nữa : Ebed Yahweh : người tôi tớ Yavê. Ở đây ý niệm về sự “nghèo khó” được rõ định, hơn nữa được đem đến chóp đỉnh, siêu việt : đi quá quan niệm có trong các Ca vịnh : một Mêsia thống khổ.
H) Ngay sau lưu đày thì có Isaia-III. Ở đây không nói đến cả toàn thể dân Israel, nhưng đến những nhóm chống chọi nhau trong dân, những kẻ lành và những kẻ dữ. Chỉ có kẻ lành, tức là những kẻ khiêm nhường, khốn khổ, nghèo khó mới được những lời hứa. Những điều nói đến Israel trong Isaia-II thì được chuyển qua cho đoàn thể những kẻ nghèo khó, hay một người nào trong bọn họ. Thiên Chúa quan tâm đến những tâm hồn bị nghiền tán (57,15; 66,1t). Tác giả đồng thời với các Ca vịnh thời Batư.
I) Sách Gióp. Gióp là điển hình cho người mắc nạn, khinh bỏ, hành hạ, tóm lại cho người nghèo khó theo đủ các nghĩa. Tại sao có cảnh thương tâm đó ? Gióp ngay từ đầu đã tỏ mình hoàn toàn vâng phục (2,10). Trong cuộc tranh luận, Gióp bác bỏ các giải thích có trong truyền thống như là không đủ : đó là sự khôn ngoan thường tình nhưng chưa cảm thấy dằn vặt của đau khổ. Sau cùng Thiên Chúa xuất hiện : Người làm cho Gióp hiểu rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa thẳm sâu trong giới luân lý cũng như trong vũ trụ. Người dạy Gióp hãy bỏ cả sự tự tín vào sự công chính của mình. Khi đó Gióp không còn biện hộ mình vô tội nữa, nhưng hạ mình ăn năn, và khiêm tốn nín lặng vâng phục mầu nhiệm của Đấng công chính độc nhất (42,1-6).
Hai yếu tố trong ý niệm “nghèo khó” được diễn cách đầy đủ : một đàng sự khốn đốn của người ta về luân lý, một vực thẳm mà người ta không dò thấu, người ta phải tin thôi, vì chính Thiên Chúa đòi người ta phải loại bỏ chính ý tưởng về sự công chính của mình; đàng khác, sự siêu việt của Thiên Chúa, và cách cư xử của Người đối với người ta : sự thánh thiện, sự công chính của Người, người phàm không hiểu được mà phải tin thôi. Người ta ở giữa như thể hai vực thẳm, chỉ còn một điều là hạ mình xuống trong một lòng sẵn sàng vâng phục vô điều kiện.
J) Tại sao đạo của Israel sau cùng lại diễn tả sự trọn lành tôn giáo dưới hình thức đó ?
- Nguyên nhân. Một phần bởi tinh thần chung cho các tôn giáo dân Sem : các thần là chủ, là người trên. Trong dân Israel, tinh thần chung đó được tăng đến chóp đỉnh siêu việt. Một xác tín căn bản : Yavê là Chúa. Thái độ của tín hữu sẽ là kính cẩn khiêm tốn, vâng phục : các điều đó gồm tóm trong ý niệm “nghèo khó”. Sự nghèo khó đó sẽ đồng nghĩa với lòng đạo.
- Hoàn cảnh. Để quan niệm được nảy nở, cần phải có điều kiện cụ thể : đó là những thử thách dồn dập đã kéo đến trên trán : tâm hồn Dothái : bầm tím, đau thương, vô phương hy vọng ngoài lòng tin.

XUNG ĐỘT GIỮA ANAWIM VÀ ÁC NHÂN
A. Hoàn cảnh
1/ Xã hội
Trong các dân tộc xưa, tôn giáo là một việc xã hội chứ không hoàn toàn cá nhân : tôn giáo là dây liên lạc giữa bộ tộc hay dân tộc với các thần của họ. Israel trong thời đầu tiên, còn trung tín với tổ chức sa mạc thì đạo Yavê cũng hoàn toàn như thế. Giao ước Sinai là giao ước của Yavê với một dân tộc. Rồi đến thời định cư và vương quyền : ý thức liên đới bởi huyết thống đã giảm đi phần nào, những liên lạc mới bởi địa dư, kinh tế, chính trị làm giãn ra những liên lạc bộ tộc thuở trước. Sự đổi thay đó làm cá nhân được địa vị quan trọng hơn : một sự cổ võ nhân bản. Cùng với những lý do vật chất đó, việc rao giảng của các ngôn sứ cũng đem về hướng đó. Đến khi nước tan, dân phải lưu đày, thì những căn cứ vật chất cho liên đới của dân cũng tiêu ma, liên đới bây giờ chỉ có một căn cứ chống đỡ đó là ý thức về tính cách duy nhất của dân tộc, cùng những ký ức về dĩ vãng còn ghi lại trong sách thánh. Trong tha phương, nhiều người chỉ còn lý do cuối cùng này để trung tín với đạo cha ông. Bởi đó cũng dễ hiểu Ezekiel suy nghĩ riêng đến sự trách nhiệm cá nhân vạch ra đạo lý rành mạch hơn một điều đã xuất hiện trong những năm cuối cùng của vương quyền.
Trong tình cảnh đó, một hiện tượng khác cũng nên mạnh hơn : những kẻ đồng chí hướng sẽ thích tựu họp với nhau, làm thành những nhóm nhỏ, thông chia xác tín và hoài vọng của họ. Chúng ta thấy tại nơi lưu đày họ đã thích tụ họp, khởi điểm cho một thứ phụng vụ không Đền thờ. Điều đó chắc đã có trước trời lưu đày nơi các nhóm đồ đệ của các ngôn sứ. Trong thời lưu đày, Ezekiel cũng nhắm đến điều đó : hội họp các môn đệ của ngài lại làm thành một nhóm lựa chọn, “số sót” nhỏ sẽ cấu thành Israel mới. Nhóm người này là nòng cốt trong số người hồi hương. Trong xứ Phalệtin, tình trạng thế nào sau thời lưu đày, chúng ta thấy một phần nào trong các sách Esdra-Nêhêmia, và các ngôn sứ Isaia-III, Haggai, Malaki, Zakaria.
Dân chúng hỗn tạp. Có một số lớn không phải đi đày. Số người này gồm nhiều hơn cả là những người nghèo. Trong suốt thời lưu đày họ sống không người lĩnh đạo, không được săn sóc bao nhiêu về tôn giáo như những người lưu đày. Sùng bái, tế tự không được tổ chức điều hòa. Đàng khác, họ là hạng lê-thứ nghèo hèn nên họ phải phục tùng những người ngoại bang, và bởi đó cũng chịu ảnh hưởng ngoại bang. Bởi đó lòng đạo của họ không sốt sắng bao nhiêu, tôn giáo của họ bấp bênh, có thể trở lại (theo như các nỗ lực của Isaia-III), nhưng họ cũng có thể hùa theo ngoại bang, hay ít là những anh em ghẻ như người Samari.
Người Samari có khi lợi dụng Yuđa tiêu diệt mà lấn qua Yuđa. Ít ra thực sự ta thấy Yuđa đầu tiên thuộc quyền Samari. Những người này sẽ chống đối việc phục hưng Yuđa. Mãi đến một thế kỷ sau, sắc chỉ Kyrô Yuđa mới tự lập với quyền lĩnh đạo của Nêhêmia. Trong thời Batư chúng ta thấy những nhóm hồi hương chống lại người Samari, theo những xác tín họ đã có trong thời lưu đày dưới ảnh hưởng của Ezekiel, cùng việc suy gẫm Torah. Hai bên chủ trương những quan niệm khác nhau về đạo Yavê, khác đến đỗi nói được là hai tôn giáo : một bên khổ khắc cố giữ tinh tuyền, một bên xu thời và có lẽ hướng về hữu hiệu trần gian hơn.
2/ Luân lý
Tuy rằng nhóm người hồi hương sau cùng gắng gổ lắm thì cũng đã xây lại được Đền thờ, được một hành chính tự lập đối với Samari, nhưng tình trạng xã hội trên kia bắt phải nghĩ rằng còn nhiều tệ tục sẽ cứu lưu lại, những sự đồi bại nhiều kiểu nhiều thứ vẫn còn lan rộng.
- Trước hết là những sự chểnh mảng trong các giới răn như : việc giữ ngày hưu tức - thuế vụ đền thờ, những hôn nhân với dân ngoại. Các điều chúng ta đã biết rồi.
- Nhưng rễ sâu hơn là chính lòng dân chưa trở lại hoàn toàn : nhãng quên những đòi hỏi về luân lý của đạo Yavê. Tuy người ta giữ những điều Torah bắt buộc, nhưng người ta vẫn dễ dàng phóng túng : một tôn giáo chỉ có hình thức bề ngoài. Một điều mà Isaia-III chỉ trích nặng lời (58,3-12; 66,1-14), và ám chỉ trong Ngạn ngữ 7,14... Các tội kê ra đụng đến mọi giới ra8n : thờ quấy (Is 57,3-13; 65,3-5.11-12), bói toán (Za 10,2; Mal 3,5), ngôn sứ giả (Za 13,2-6). Bất công, áp bức người hèn yếu, giết người, hung bạo... (Is 58 và 59; Ngạn ngữ 1,10-19; 2,12-15; 4,14-19; Gióp 24; Mal 3,5; Neh 5), ngoại tình (Ngạn ngữ 2,16-19; 5,3-20; 6,24-35 và đ.7; Gióp 24,25; Mal 3,5).
Tình cảnh luân lý đồi bại đó quá chung, người lành thấy mình bất lực, bị uy hiếp (Is 57,1). Còn những người có quyền, cả giáo quyền nữa, cũng bị lây nhiễm, họ không phản ứng gì cả, hơn nữa chính họ cũng lợi dụng cơ hội để làm giàu (Za 10,2; 13,7+9; Mal 2,1-13).
Đó là một thời khủng hoảng, có lẽ trầm trọng hơn xưa dưới thời vương quyền, vì họ mất tổ chức chính trị tự lập rồi; đàng khác người ngoại bang xâm lấn, và các ngôn sứ đã dần dần khuất bóng.
Đó là tình trạng mà chúng ta phải để ý mới mong hiểu được những lời than vãn của các Ca vịnh, khi ám chỉ đến sự đối chọi giữa người lành và kẻ dữ.
B. Kẻ dữ
1/ Tiếng chỉ những người đó.
Các kẻ dữ được mệnh danh theo nhiều kiểu, cần phải kê ra để hiểu tâm lý của phe này, phe đối lập của các tác giả Ca vịnh.
- Những tiếng có ý nghĩa “thù đich” :
      . adversantes (3,8; 6,11; coi thêm 3,2; 13,5).
      . qui insurgunt... 3,2; 18,49
      . inimici... 35,19; 38,20
      . Persequentes... 7,2; 35,3
- Những tiếng chỉ trạng thái luân lý, tôn giáo :
      . impius... dùng đến 80 lần
      . male agentes... (22,17; 26,5...)
      . peccatores... (37,38; 51,17...)
      . fidem frangentes (25,3; 59,6...)
      . iniqua patrantes (poale awen) (Mowinckel dựa trên tiếng này để chứng cho thuyết về phù thủy, pháp sư (94,4; 101,8)...
      . versutus (18,27)
      . superbi (119,21 51 69...)
      . protervi (1,1)
      . insipientes, stulti... (49,11...) 14,1; 39,9...
Kẻ lành chỉ là số ít, đã là một chủ đề các ngôn sứ thường nêu ra (Os 4,1; Yer 5,1). Nhưng trong các Ca vịnh thì hình như là một tình trạng chiến tranh kéo dài. Kẻ dữ bao vây tứ phía như mây đen nghịt (3,2; 17,9; 25,19; 38,20; 56,3; 119,159). Yavê ngó xuống thì hầu như không thấy một ai làm lành (14,1-3; 53,2b-4). Nhưng kẻ lành cũng có đó và vì thế có xung đột. Nhưng họ làm gì lại được vì những nền tảng cũng đã bị lật đổ cả rồi (11,3).
2. Thái độ của kẻ dữ
Trong Ca vịnh đầy những ám chỉ về mưu mô phương sách của kẻ dữ.
- Điều thứ nhất nên nhận rõ : không có chiến đấu thực sự : nghĩa là hai bên đều ra công hủy diệt bên địch. Kẻ lành luôn luôn tuyên bố, họ không làm gì cho nên nỗi (7,5; 35,12-14; 38,20.21; 59,4t; 69,5; 109,4.5). Như thế, kẻ lành chỉ là nạn nhân, kẻ dữ bắt bớ hãm hại kẻ lành (7,2; 31,16; 35,3; 119,84 150 157; 142,7).
-  Những kiểu cách bắt bớ hãm hại, và tâm lý họ ra sao ? Thì khó nhận ra rõ ràng, luôn luôn tả dưới hình ảnh phóng đại. Qua những ám chỉ ta phải cố nhìn ra cảnh huống thực tế. Trước hết là những việc chiếm đoạt của cải, bất công nơi tòa án : 58,1-6; 82,1-5. Họ là quan lại, là thẩm phán. Nhưng họ không dùng quyền theo lẽ phải, lợi dụng địa vị để làm tiền, hay tây vị. Một nố nữa là “bè bạn giả dối”. Các tác giả Ca vịnh than phiền không chỉ vì bè bạn rút lui trong những cơn bĩ cực, nhưng là vì họ cố nán lại bên mình phỉnh phờ gạt gẫm : những người nhị tâm “đỏ lòng xanh vỏ” (miệng lưỡi ngọt ngào, lòng đầy ám hiểm 5,10; hai lòng 12,3). Mà tình nghĩa đây không phải là sự hướng chiều tự nhiên, nhưng là đồng tâm trong tin tưởng. Như thế người hai lòng đây làm bộ giả hình như người công chính, nhưng kỳ thực là “đã bỏ đạo”.
Còn một nố đặc biệt nữa là bệnh tật (Cv 41).
Đó là những nố rõ rệt. Ngoài ra chúng ta chỉ còn những ám chỉ, thí dụ 10,7-10; 5,7-12. Tác giả cáo các kẻ dữ phạm đủ các thứ tội. Các tội đó tóm về hai điều này : tội bằng lời nói, tội mưu hại sinh mạng người ta.
Tội miệng lưỡi : giả hình (5,10; 12,3), chế nhạo (69,12t), nói dối để hãm hại, phá danh tiếng, làm chứng gian (27,12; 31,19.21; 35,11.21; 52,5t; 119,69; 120,2t; 140,12) (các điều đó được tả cách bóng bảy : phun lửa (57,5), phun sự dữ (59,8), họng như cái mả (5,10) chực nuốt thây ma, răng như nanh sư tử (58,7), lưỡi bén như dao cạo (52,4) như gươm sắc bén (57,5; 59,8; 64,4), lời như tên nhọn (57,8; 64,5).
Các lời đó chứng tỏ rằng những lời hư từ kia muốn đi đến mưu hại sinh mạng, cố làm thiệt mạng người ta. Nhưng việc mưu hại đến sinh mạng còn có trong những tiếng : vir cruentus (5,7; 26,9; 55,24; 59,3; 139; 19). Quaerentes animam (35,4; 38,13; 40,15; 54,5; 63,10; 70,3; 86,14...) : tiếng này có nghĩa như “tìm cách giết người” (coi 1Sam 23,15; 1Vua 19,10.14; Yer 4,30; 11,21; 19,7.9...) (coi thêm 31,14; 59,7; 59,4; 11,2; 64,5; 94,6).
Đó là những điều người lành phải chịu bởi kẻ dữ. Tất nhiên trong đó phải dành phần cho sự khoác lác. 94,6 kẻ dữ muốn giết mồ côi góa bụa, một điều quá đáng. 86,14 kẻ dữ muốn hãm hại người lành, nhưng câu 17 người lành đó mắc bịnh, như thế nghĩa là họ ước ao cho chết đi. Nhưng sự mưu hai nhiều khi là những chứng gian, vu khống đem đến thiệt hại lớn.
Nhưng chắc chắn là sự thống khổ kẻ lành có thực, chứ không phải chỉ là trừu tượng. Hãy nhớ lại những bất công xã hội các ngôn sứ đã vạch ra. Thời Batư chắc cũng không kém : nhất là xứ Yuđa lại ở dưới quyền những quan lại tham tàn (Neh 5,15). Những việc hành hung, áp bức, những vụ án bất công chắc cũng nhan nhản. Rồi những việc hãm hại đến sinh mạng người lương thiện cũng không phải là hiếm trong Tiểu á. Quân du thủ du thực hiệp, đoàn cướp bóc cũng thường xảy ra (Ánsát 11,3; 1Sam 22,2; 2Sam 4,2; Os 6,9...) và chứng thuộc về thời này là Ngạn ngữ 1,10-19.
3/ Vấn đề chủ chốt
Trong các tiếng dùng chúng ta đã thấy những thù địch của các tác giả Ca vịnh lại là những người ác về luân lý. Điều đó là đặc điểm cho quan niệm đồng nhất luân lý và tôn giáo. Trong Ca vịnh cũng như trong các sách Khôn ngoan, chúng ta luôn thấy quan niệm đó, bởi đó “sự khôn ngoan” đồng nhất với “sự kính sợ Thiên Chúa” (Ngạn ngữ 1,7; Cv 111,10), kính sợ đó chính là lòng đạo. Đàng khác cũng nên để ý những kẻ dữ kia không phải là những kẻ sơ lỡ mà phạm tội, nghe theo cám dỗ, chính trong phạm vi tư tưởng mà họ chống chọi với người lành. Trong Ca vịnh ta thấy sự xung đột giữa hai quan niệm về nhân sinh : sống làm sao để được hạnh phúc trên đời? Đó là vấn đề mà các sách Khôn ngoan luôn luôn bàn luận; lựa chọn giữa sự khôn ngoan vật chất và sự khôn ngoan luân lý tôn giáo. Trong các trường những hiền nhân quân tử sẽ giải thích cho môn đồ, trong Ca vịnh thì nên những câu thơ nóng nổi của những tâm hồn đau thương, tức tối, phản kháng, hay kêu cầu Thiên Chúa.
Cv 14,1 (// 53,2) Kẻ điên tự nhủ trong lòng : không có Thiên Chúa. Lòng : cơ quan của suy nghĩa : như thế là kết luận rút tự những quan sát thực tế, kinh nghiệm, kết luận đó nên nguyên tắc chi phối hạnh kiểm. Đây không phải là tuyên tín vô thần, nhưng là phủ nhận tín điều “Thiên Chúa quan phòng” : Thiên Chúa không màng đến loài người, mọi sự cứ xảy ra như thể Người không có : Điều đó được chứng nhận trong các câu tương tợ : Cv 9,18; 10,5; 64,6; 94,7; 10,11; 73,11).
Những người vô tín ngưỡng thời nay cũng không nghĩ khác. Nhưng họ sẽ viện ra luật thiên nhiên, không cần đến nguyên nhân nào siêu việt. Những suy luận đó phát tự những quan niệm vũ trụ. Các quan niệm vũ trụ này cũng không phải là không có trong Ca vịnh (coi Cv 8 19), nhưng nơi các tác giả Ca vịnh thì quan niệm thuộc giới luân lý được chú trọng hơn. Vì thực ra, những dự kiện kinh nghiệm mà kẻ dữ dùng làm nền tảng cho vũ trụ quan của họ thuộc về giới luân lý cả, cách riêng “nguyên tắc ứng báo” : họ dám nói họ nghiệm thấy rằng về phương diện này thì như thể Thiên Chúa không có “Người phủ mặt đi, không nhìn thấy” (10,11; 64,6), “Người không phạt gì cả” (10,4 13).
Những quả quyết như thế, kẻ có lòng tin lấy làm chướng lắm : vì tất cả truyền thống Israel đều tuyên bố ngưọc lại (coi lại việc ứng báo trần gian trong Lề luật, các ngôn sứ, những chương lịch sử, những chúc lành... tất cả phong trào Thứ luật thư...). Sự nhàm lờn khinh khỉnh của họ được diễn tả trong cử chỉ : hất đầu lên (75,5t), mắt trơ tráo (17,10), miệng luyên thuyên (31,19; 73,8t; 94,4), cho mình có trí não khoáng đạt không còn trong tù tội của tệ tục hủ lậu. Đó là những đồ đề của Voltaire trong thời đó, chế diễu nhạo báng các tin tưởng những việc kiêng giữ của những tâm hồn chất phác. Người đạo đức muốn đền tội mình hay kẻ khác mà ăn chay, mặc áo nhặm vì làm đích cho lời bới xói của những kẻ vô công ngồi rồi nơi cửa thành, hay bọn nhậu nhẹt ra lới hát kháy (69,8-13). Những phường vô đạo chững chạc nghi hoặc đủ điều, hoàn toàn tín nhiệm vào phán đoán của họ (12,4t). Họ coi mình như không sao lầm được trong khi khích bác đến đỗi Cv 36,2 trình bày họ như những ngôn sứ, ngôn sứ cho sự dữ, “Sấm của tội ác ngỏ lời với kẻ dữ nơi lòng họ”. Kẻ dữ cũng làm ngôn sứ, nhưng thần tuyên sấm là tội ác, được nhân cách hóa như vị thần ngự trong lòng họ.
Như thế lý do cuối cùng cho sự xung đột giữa kẻ lành và kẻ dữ là một lý do đạo lý : xung đột giữa duy linh và duy vật.
Nhưng bi kịch ấy là những kẻ tin cố bám vào một lập trường mà kẻ dữ minh chứng được dễ dàng là khiếm khuyết trong thực tế : đó là vấn đề ứng báo. Các kẻ tin cũng cảm thấy lập trường mình yếu thế : đó là điều khốn đốn : một sự khủng hoảng trong lòng Ca vịnh là bệnh tật. Kẻ dữ, thù của bịnh nhân, sẽ coi bịnh nhân như đã bị Thiên Chúa bỏ rồi, cố tìm kiếm moi ra cho được nguyên nhân của sự đau ốm kia nơi một tội nào của bịnh nhân và nhạo cười người bịnh “đáng tội”. Nhưng cái ác hiểm của nỗ lực thù địch là làm cho người “công chính” tác khỏi Thiên Chúa bởi những quả quyết, những vu cáo, những phán đoán kia : đó là cái quái ác của kẻ thù : họ mang dung mạo của ma quỉ chỉ mong làm cho người ta bỏ Thiên Chúa (coi cách riêng Cv 38 69). Kẻ thù : là những kẻ cám dỗ. Kẻ thù như thế vừa là thù địch của người nghèo khó, vừa là địch thù của Yavê (37,20). Đó là chủ chốt của bi kịch xảy ra giữa Israel đích thật và Israel về xác thịt. Thiên Chúa có những chứng nhân thành dân tộc gồm có các con cái của Thiên Chúa (73,15) : phải làm chứng trong những trường hợp khốn quẫn hơn cả : như thể là một bi kịch muôn đời, bi kịch giữa hai nước mà bờ cõi lại ngang dọc chính bên trong Israel.
C. Thái độ của Anawim
Cuôc xung đột cốt yếu thuộc phạm vi đạo lý, phạm vi đức tin. Thế thì thái độ của những Anawim thế nào ?
1/ Chinh phục
Trong các Ca vịnh cũng thấy ít dấu nói đến chinh phục hoàn cảnh. Đó là một điều không thể không có, vì Yavê là Thiên Chúa của cả vũ trụ. Bởi đó trong 51,15 có “docebo iniquos vias tuas... et peccatores ad te convertentur”. Chỉ muốn chinh phục những kẻ đối chọi với Yavê. 25,9 cũng ám chỉ điều đó. Cũng có thể nghĩ đến những câu tạ ơn của Ca vịnh, trong đó Người khấn hứa sẽ cao rao ơn Yavê trong nhóm hội (22,23; 26,12; 40,10; 66,16...). Những nhóm hội đó là những hội sùng bái, phụng vụ...
Nhưng phải nhận rằng những lời quyết tâm chinh phục, nhiệt tâm kéo kẻ khác về Yavê thì hiếm trong Ca vịnh.
2/ Một cử chỉ được yêu chuộng là tách biệt. Như thế, tuy rằng các kẻ nghèo hèn có quan tâm đến việc của Thiên Chúa, và họ đau lòng vì thấy Người bị rẻ rúng, các tác giả Ca vịnh thua kém các hiền nhân trong sự chinh phục. Nhưng biết đau tác giả Ca vịnh là hiền nhân lại cũng không phải chỉ là một người : khi thì cầu nguyện, khi lại dạy dỗ trong các trường. Nhưng ít ra là hiền nhân khai thác những gì có tính cách phổ cập trong truyền thống đạo Yavê, và tư tưởng lại theo quan niệm Khôn ngoan, tức là một điều quốc tế. Ý tưởng của họ có phải là chinh phục hoàn cảnh không ? Nhưng ít ra họ có mục đích minh giáo và giáo dục : vì họ truyền bá đạo lý của họ cho những người lựa chọn, chứ không trà trộn với dân chúng như kiểu các ngôn sứ.
Nói chung ra trong thời Batư, tại Phalệtin, thì thái độ không phát tự lòng nhiệt nồng chinh phục, mà là bị chi phối bởi sự lo lắng duy trì lòng tin. Đây truyền thống đạo Yavê cũng là căn cứ. Giao ước Sinai là một sự lựa chọn của Thiên Chúa, và đối chọi với mọi dân tộc. Những lề luật dần dần nhấn mạnh thêm việc đối chọi với các dân ngoại, cách riêng trong Torah của Ezekiel. Rồi đến việc cấm chỉ hôn nhân với người ngoại. Đến thời Macabê sẽ thành lập phe “Hasidim” (phe những người đạo đức), thời họ Asmonê, có bè “Biệt phái” (proushim : tách biệt).
Trong thời Batư, sự thể chưa đến độ đó, chưa có phe cánh. Nhưng những kẻ trung tín nhất quyết chống lại mọi điều có thể làm họ sao nhãng việc thờ phượng Thiên Chúa. Không đi với kẻ dữ (6,9; 119,115; 139,19), không lui tới hội hè của chúng (1,1; 26,4t), không đồng bàn với chúng (141,4), lẽ tất nhiên là không hề ở chung một nhà (101,7). Hai đường trái ngược nhau, nhất thiết phải lựa chọn. Không phe cánh, nhưng sự tách biệt đã thực hiện, mỗi người đi với nhóm mình, những người cùng chung nguyên tắc và tâm tình : một bên bè những kẻ dữ (1,1; 26,4t), và bên kia nhóm những kẻ đạo đức (111,1) “coetus justorum, congregatio”. Consortium (55,15). Những kẻ đạo đức coi mình họ như liên đới chặt chặt chẽ với nhau (119,63) (sau này Biệt phái coi nhau như những “socii” habêrim). Dây liên lạc giữa kẻ lành, chính là nguyên tắc làm họ đồng ý với nhau, thực tế ra là nguyên tắc ứng bác.
Như thế là giữa dân Israel có hai khối hàn kín không thông công với nhau. Người ta không trông kẻ dữ trở lại (58,4-6). Kẻ dữ là người đần độn, một con vật; trí lòng tít mít không sao hiểu được những việc của sự quyền phép và khôn ngoan của Thiên Chúa trong vũ trụ cũng như trong đời mỗi người (92,7; Ngạnngữ 30,2; Cv 49,13-21; 73,22). Chúng không khác thể những đồ lừa ngựa không trí khôn phải dùng cây cương hàm thiếc mà gò lại (32,9), không khác gì thú vật (43,13.21) coi thêm Ngạn ngữ 13,1; 15,5; 17,10; 21,11; 23,9; 29,9; 27,22; Giáo huấn thư 22,7-13.
Như thế thì chỉ còn một kết luận là phải tránh để khỏi lây nhiễm : 13,20; 14,7; 22,24; Cv 25; 26,4-5.
Còn giữa kẻ lành với nhau : họ thích tụ hội, chuyện vãn, trong đó lòng họ được cởi mở ra, họ sung sướng gần gũi nhau 133,1-2 : những lời mà thánh Augustinô nói là đã làm phát sinh ra những tu viện : “tác giả ám chỉ đến dầu thơm ngát, đổ trên đầu những người đồng tiệc sau khi ăn uống, dầu đó cũng đổ trên các đại tư tế, các vua trong khi phong quyền, dấu chỉ họ mang sự phì nhiêu và chúc lành cho toàn xứ. Sự vui mừng phở lở chung cùng nhau đó được nói đến trong quang cảnh phụng vụ tạ ơn. Khi một người đã được thoát nạn, biện hộ cho việc Thiên Chúa quan phòng, thì các Anawim tề tựu nơi Đền thờ, và sau khi tạ ơn thì dùng tiệc thánh với nhau. Trong lúc đó là lòng người ta được sung sướng trước mặt Yavê (Cv 22,27; 69,33-34).
3/ Chúc dữ cho kẻ thù
Tình trạng đã như thế, thì tâm tình của phe này đối với phe kia chỉ có thể là “ghét” : người lành bị kẻ dữ ghét (35,19; 38,20; 34,22; 129,5) và ghét trả lại (139,21t). Lòng ghét lại muốn báo thù, nhưng người nghèo khó bởi yếu thế, bởi đạo đức, nếu không bởi tính hơn thiệt (Ngạn ngữ 25,21t), thì phú mặc quyền lợi mình cho Yavê. Trong kinh nguyện thì chẳng những họ xin được thoát kẻ thù (7,10; 17,14), nhưng còn muốn cho kẻ thù bị mang án (7,7tt) trừng trị (5,11; 7,13; 35,1-3; 59,6), tru diệt (10,5; 54,7; 55,24; 143,12)
Nhưng lòng ghét đó được diễn tả cách khủng khiếp trong những lời chúc dữ. Có khi chen lẫn với lời cầu xin. Nhưng thường thì không phải là những lời kêu cầu với Thiên Chúa, mà là những lời chúc nguyền rủa, không khác gì những tên bán trẻ kẻ nghịch.
Ước ao cho kẻ thù rút lui xấu hổ (6,11; 25,2; 31,18; 35,4.19.24-26; 40,15t; 56,10; 71,13; 86,17; 119,78), cho họ bị mắc bẫy của họ (35,8; 54,7; 63,10t; 64,9) và chết đi (31,18; 55,16; 52,7; 63,10t; 69,29; 139,19). Nhưng Ca vịnh ghê sợ hơn cả là Cv 109.
Những lời tuyên bố như thế đã làm người ta cảm thấy mâu thuẫn với Phúc âm, cách riêng là khi dùng trong Phụng vụ. Không nên tránh trút, biện hộ, nhưng cần thiết hơn phải tìm hiểu bằng cách đặt các lời đó trong hoàn cảnh tâm lý và thần học của Cựu ước.
Tai ương với tội lỗi. Một xác tín đâm sâu trong lương tâm của dân Israel là hoạn nạn không phải là một sự ngẫu nhiên, mà là hậu kết tất nhiên của sự sa ngã về luân lý : chắc chắn đến đỗi nói được là nó phát xuất tự ý muốn một trật với việc xấu. Đó là chủ đề mà các bạn hữu của Gióp ra công minh chứng 4,8; 5,6-7; 15,35. Các sách xưa cũng coi sự dữ như nhất thiết rơi lại xuống đầu người làm ra nó (Ánsát 9,19-25.56-57; 1Vua 21,17-19 22 38).
Cá nhân và hoàn cảnh. Rất nhiều liên lạc mật thiết nối ca nhân với hoàn cảnh, nên không lạ gì khi thấy gia đình (Giosua 7,24-25), dân tộc (sách các Vua) và xứ sở, đất chứa đựng người tội lỗi (Stt 3,17-18; 4,11-12) nhất nhất đều phải chịu những hậu quả của tội lỗi. Vì hình phạt một tội có thể rơi xuống những người có liên lạc với người tội lỗi bởi máu mủ, nên lẽ thường là đoàn thể tìm cách thoát khỏi nguy hiểm của tội lỗi là loại tội nhân đi (có khi cả gia đình và bà con nữa). Đó là điều làm căn cứ cho việc thuật trong Dst 16,26tt; Giosua 7,24; Tlt 19,11-13, nhiều luật lệ trong Lễ thư 19,8; Stt 7,14; Xht 12,15 19; 31,14; Lễ thư 7,20-27; 19,8; Dst 9,13; 19,20.
Việc lên án cho tội nhân và thân thuộc của hắn có thể làm dưới hình thức “chúc dữ”. Ở đây ta thấy cái xác tín về hiệu lực của lời nói : không chỉ để diễn tả tư tưởng, mà còn là một mãnh lực có thể làm ra những hiệu quả vật lý. Các điều chúc lành coi được là hiệu nghiệm, và không đổi thay được nữa (Stt 27,36t). Các điều chúc dữ cũng thế (Stt 3,14.17; 4,11-12; 2Vua 2,24), nếu hiệu quả không được cái gì khác ngăn ngừa, làm ra vô hiệu (2Sam 16,12). Nếu như lời chúc dữ lại bởi tội mà đến, thì hiệu quả lại thêm vào luật ứng báo, và tai ương càng ngăm đe người tội lỗi nặng nề hơn. Cũng theo lý đó mà Lề luật ra những lời chúc dữ cho kẻ lỗi luật. Coi Tlt 28; Lễ thư 26. Những lời nguyền rủa của ngôn sứ cũng theo một luồng tư tưởng đó (2Vua 2,24; Yer 42,18; 44,12; Mal 2,2; 3,9).
Trong một xã hội đã ra như ngoại đạo, Torah không còn được kính trọng, các ngôn sứ lại khiếm diện, thì các tác giả Ca vịnh xuất hiện như những người giải thích những tín điều xưa và chúc dữ cho địch thù nếu không bằng lời thì bằng uy tín của sách Thánh. Đó là khi giới đáng sợ, vì theo tin tưởng của Israel thì người bị chúc dữ không trông cậy bợ vào đâu nữa. Nhưng thực ra những người bị chúc dữ đã cảm làm sao, thì không được rõ, nhưng ít ra những người chúc dữ không do dự gì hiệu nghiệm của lời họ, vì họ tin vào Thiên Chúa sẽ trợ lực cho họ và những kẻ chiến đấu vì Người.
Thái độ của họ nghịch với đức yêu mến Chúa Yêsu đã dạy, nhưng trong trường hợp họ không thấy có thái độ nào khác :
- vì cảnh huống cụ thể : xung đột giữa hai đạo lý, và thù địch không còn mong gì trở lại nữa.
- vì mạc khải còn khiếm khuyết. Lòng tin tưởng vào ứng báo ngay trên trần gian bắt buộc người lành trông đợi và thôi thúc việc trừng trị kẻ tội lỗi ngay ở đời này, chẳng vậy thì sự thánh thiện, sự công chính, và sự chân thật của Thiên Chúa sẽ thất bại vô phương chữa lại.
Tóm lại, phải hiểu những lời chúc dữ đó như một lời kêu cầu tha thiết đến sự công bình của Thiên Chúa.
Thực sự việc có người công chính nghèo khó bên người dữ giàu có là một vấn đề không sao giải quyết được nếu không đi đến siêu việt, hoặc trông đợi Ngày cuối cùng của Yavê (Cv 37), hoặc nghĩ đến đời sau (Cv 73).

CA VỊNH 5
Lời ta thán, có lẽ của một người vô tội bị vu cáo (Bible Jérusalem nói là của một Lêvít), người đó khẩn cầu xin Thiên Chúa tỏ sự công chính của Người ra, cách cụ thể là bằng việc bênh chữa gỡ khỏi sự hoạn nạn (dưới hình thức vụ kiện). Câu 9 là lời xin cốt yếu.
Dàn bài :   2-4 : Lời khẩn cầu than vãn lúc sáng sớm
                          5-8 : Người khấn xin chắc sẽ được nhậm lời ngay bởi vì kẻ dữ không được phép vào trước mặt Yavê, còn chính mình đã được vào Đền thờ.
                            9 : Lời khẩn xin Thiên Chúa biện hộ bênh vực; chỉ đường đi,
                     10-11 : Lời than về kẻ nghịch và xin Thiên Chúa đoán xử.
                     12-13 : Cấu chúc vui sướng và chúc lành cho các kẻ lành.
Cảnh huống : Người khẩn xin đã được phép vào Đền thờ (8), đang dọn tế lễ, và đang khi chờ đợi, thì cầu nguyện xin Thiên Chúa tỏ ra sự cứu giúp của Người.
Tác giả : chắc là không phải Đavít (câu 8). Có người cho là một Lêvít. Còn thời buổi : khó lòng xác định. Nhiều tác giả đặt vào thời Batư (Briggs podechard, Buttenwieser...)
2-4/ Kêu van và khẩn xin Yavê để ý đến lời than thở của người cầu xin. Người khẩn xin than thở lớn tiếng (clamor) và kêu đến Thiên Chúa “rex meus et Deus meus”. Lòng tin tưởng Thiên Chúa ngự cách riêng trong Đền thờ, trong nơi cực thánh. Lời nói đến “Thiên Chúa là vua, là Chúa” : người khẩn xin tin chắc Yavê với cả quyền lực cao cả của Người có thể kêu cầu được, Người như thuộc về người khẩn xin “Deus meus”. Lời cầu xin được đem đến trước mặt Yavê ngay từ sáng sớm, và kèm theo tế lễ. Người khẩn xin đã dâng tế lễ và chờ đợi : dường như chờ đợi một lời của Yavê, có lẽ ban bố ra do miệng tư tế (một lời sấm giải thoát). Nhưng chung ra với tế lễ, cùng lòng trông cậy tha thiết, Người khấn xin cho được Thiên Chúa hiện diện, hiển diện bằng cách ban cho lời an ủi, giải oan.
5-8/ Theo ca vịnh 13, thì chỉ được nhận vào Đền thờ, như những người “khách đậu, ẩn trú”, những ai đã làm trọn những giới răn của Torah, và được tuyên bố là “justus” (sadiq). Thành ngăn đó có lẽ người khấn xin đã ngang qua được với một lương tâm yên hàn thề rằng lòng mình trong trắng. Người đó bây giờ đã đứng trong sân Đền thờ và đầy lòng tin tưởng rằng trong nơi thánh này, không kẻ dữ nào có quyền được “dừng” lại, chiếu theo lòng thành thật đúng như Thiên Chúa Đấng thấu lòng dạ đã xét đoán. Những người mà Yavê không chịu được vạch ra trong các câu 5-7. Kẻ dữ bị loại khỏi cộng đoàn sùng bái trong nơi thánh. Chỉ có kẻ lành “sadiq” mới được quyền có mặt trong Đền thờ. Mà điều đó người khấn xin cũng nhận biết là ơn huệ của Yavê “hesed” in “multitudine misericordiae tuae”. Hesed nghĩa cốt yếu là “liên lạc tình nghĩa”, hảo tâm, giữa người trên người dưới, người trong Giao ước “liên lạc và liên đới”. Người khấn xin trong sân Đền thờ, quay mặt về Đền thờ, nơi mà Yavê hiển diện, và dâng lời khấn xin trong “kính sợ”, với cả lòng tôn kính đạo đức khiêm tốn.
9/ Người khấn xin Yavê dẫn đàng chỉ lối (Novum Psalterium : viam meam : thế là không theo văn bản). Trong câu này, “justitia” và “via” là hai quan niệm bổ túc cho nhau. Justitia ở đây là việc bày tỏ ra sự “cứu thoát”, sự cứu thoát cảm thấy được trong việc Thiên Chúa can thiệp để bênh vực “thân chủ” trong vụ tranh chấp với kẻ dữ. Lời khẩn cầu xin sự can thiệp để bảo vệ sinh mạng đó cốt chống lại địch thù. “Via tua” đây là lời chỉ dạy, lịnh truyền cụ thể của Yavê, nhờ đó tương lai toang mở ra cho mắt người khấn xin. Tóm lại, xin Yavê tuyên bố Người phù hộ tôi tớ Người và ban cho một sinh lực mới cốt tại nơi sự can thiệp cứu giúp của Thiên Chúa, việc can thiệp được hiểu dưới hình thức bênh chữa trong một vụ kiện tụng.
10-12/ Lời than chống lại kẻ thù và xin tuyên án. Tự những lời này ta thấy thù địch của người khấn là những kẻ vu cáo rình mò hãm hại.
Decidant a cogitationibus suis. Không phải chỉ là thất bại trong mưu mô của chúng. Nhưng thực sự xin cho chúng ngã quị, nhào xuống (tiếng expelle eos làm cho thêm rõ nghĩa). Vì tội của chúng rất lớn lao : chúng dám đem kiện tụng (làm tất cả theo mánh khoé lừa đảo vu khống) vào chính trong Đền thờ, đến trước mặt Yavê.
Irritaverunt. Không đủ nghĩa. Vg : contre te rebelles sunt, đúng nghĩa hơn.
12-13/ Một hình ảnh tương phản với những điều ở trên : Lời nguyện ước xin cho mọi người trông cậy thành thật vào Yavê. Họ được sự vui mầng thật, sung sưóng trước mặt Yavê.
Những câu cuối này cũng là lời người khấn tin cậy mình cũng được vào nhóm những kẻ vui mầng và được Yavê chúc lành.
Ca vịnh này khẩn cầu sự công chính của Yavê “vua và Thiên Chúa” (thần của tôi) : người khấn trông đợi cứu thoát hộ phù cho đời mình đang bị ngăm đe bởi những hành động mờ ám của kẻ thù. Khuôn khổ là khuôn khổ phụng vụ “qui chế” pháp chế thánh : thề vô tội rồi mới được vào Đền thờ dâng lên. Những điều đó Chúa Kitô đã bãi bỏ : vì nơi Người tín hữu được “phép vào Đền thánh” trên trời (Heb 10,19), trong đó tín hữu được thong dong khẩn nguyện vì đã được tẩy sạch bằng máu cứu chuộc, không tẩy rửa ố nhơ nghi tiết, mà tẩy rửa lương tâm lòng trí.
Còn lời khẩn nguyện khỏi vu cáo : thì ta cũng phải nhớ Hội thánh luôn phải chiến đấu để giữ tinh tuyền đức tin và phong hóa, xứng đáng với một dân đã được thánh hóa.


No comments: