Thursday, 4 September 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR Tông Đồ Công Vụ Chuơng 11 010914



CHƯƠNG 11
HÀNH TRÌNH TRUYỀN GIÁO I
(Cv 13-14 – Năm 47-48).
-----------
Các chặng đường : Antiokia (25km) Seleukia (96km) Kyprô (Salamin) (150km) Paphos (100km) Attalia (15km) Perge (160km) Antiokia Pisidia (130km) Ikonion (40km) Lystra (50km) Derbê.
Địa dư các địa điểm đó : coi Ricciotti, Paolô Apostolo :
Antiokia Pisidia 27 (gần làng Yavolach bây giờ)
Attalia (Adalia) 10
Đerbê 26 (bây giờ ; Gudelissin, gần Zosta hay Losta)
Ikonion 25 (bây giờ : Conia)
Lystra 26 (bây giờ di tích ở gần : Katyn Serai)
Kyprô, Salamina, Paphos : 34-35
Pergê 10 (Pamphilia)
Selêukia 31.
Cuộc hành trình này Phaolô mới cất cánh : cuộc truyền giáo nói được còn do tự cộng đoàn Antiôkia, dưới sự điều khiển của Barnaba. Nhưng chính trong hoạt động mới biết được sức vóc của Phaolô.
Phaolô biết mình được kêu gọi làm tông đồ dân ngoại, nhưng trước tiên việc rao giảng bắt đầu tự Hội đường Do kiều trong các xứ. Lề lối này Phaolô sẽ cứ giữ mãi cho dẫu vì thế mà luôn luôn xảy ra đả kích tranh luận. Nhưng đó là chiếu theo con đường thánh sử mà Phaolô muốn noi theo (Rm1:14 16), đó là xét về thần học. Nhưng thực tế ra đó cũng là phương kế giản tiện để tiếp xúc : Hội đường Dothái nói được là vai cầu tiền định trong thời đạo Dothái bành trướng trong đế quốc này để tiếp xúc với dân ngoại.
Trong hoàn cảnh đó, ta sẽ hiểu được tại sao hoạt động của Phaolô chẳng bao lâu, và trong mọi địa điểm, đã đem đến sự đoạn giao với người Dothái; còn tại Yêrusalem, Giáo hội có thể hoạt động từng mấy chục năm mà không gặp trở ngại bao nhiêu. Kerygma Phaolô đem giảng trong các hội đường Do kiều chắc không khác gì bao nhiêu. Kerygma đã giảng tại Yêrusalem. Và như thế Cv 13:16-41 có thể làm mẫu. Tin mừng loan báo xong rồi, có người muốn trở lại giữa những hạng “kính giới Thiên Chúa” hay người ngoại, thì Phaolô trả lời thế nào khi họ muốn hỏi về con đường cứu rỗi? Chúng ta có thể nghĩ đến nố Cv16:30t người cai ngục thành Philip : Hãy tin! Chứ không chịu cắt bì ! Kiểu rao giảng như thế sẽ kéo đến những hậu quả quan trọng : làm cho Hội đường hết lý do tồn tại, vì Hội đường cốt thiết là để ơn cứu rỗi ở đời này và đời sau tùy thuộc vào sự vâng phục Lề luật. Nhưng Hội đường Dothái có chịu thế đâu. Và bởi đó : phản kháng tranh luận kịch liệt, trục xuất. Nhưng khi đó Hội đường không chỉ trục xuất có một mình Phaolô, mà là nhiều phần tử hảo hạng của mình, nhưng nhất là nhiều người kính giới Thiên Chúa và chung chung những người ngoại thiện cảm tìm đàng cứu thoát. Những người này sẽ quay đến cộng đoàn Phaolô thành lập, và Hội đường bị cô lập, giảm giá trị về tôn giáo. Và bởi đó Hội đường tức tối, đầy oán hận mà làm khó dễ, nhiều khi đến cực đoan (1Th2:14tt Cv21:28). Đó là một chỗ quặt trong lịch sử đạo Dothái : đi từ Israel, chứng tá cho ơn cứu rỗi của Thiên Chúa trong thiên hạ, đến đạo Dothái thời sau bế quan tỏa cảng. Điều xảy ra càng quan trọng hơn nữa cho Hội thánh : Lời rao giảng của Phaolô dẫn đến ý thức về giai đoạn mới của thánh sử : Tin mừng độc nhất cho mọi kẻ tin, cho dù là Dothái hay là dân ngoại (như thấy trong Rm). Phaolô rao giảng Tin mừng đó ở đâu, thì cộng đoàn các kẻ tin chẳng chóng thì chầy cũng sẽ tách ra khỏi những người của Hội đường, cho dù là Dothái hay người ngoại, và sống không tùy thuộc vào Lề luật (Rm3:21), nhưng là căn cứ trên lòng tin vào Chúa Kitô. Còn việc trình bày Hành trình truyền giáo I, hình như Luca không có tài liệu dồi dào. Những chi tiết cụ thế là truyện Elyma, việc xảy ra tại Lystra.





No comments: