Thursday 11 September 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn: Tôn Đồ Công Vụ CHƯƠNG 13



CHƯƠNG 13
NHÓM YACÔBÊ
VÀ VẤN ĐỀ ĐẠO LÝ CỨU RỖI BỞI TIN
--------
Ga2:11-12. Xung đột Antiokia
Coi :     Féret (H.M.) op Pièrre et Paul à Antioche et à Jérusalem
            RSR 45 (1957) 42-60 224-239 Pièrre et Paul à Antioche et à Jérusalem (par J.Dupont) (Phê bình lập trường của H.M. Féret và phủ nhận).
            LCerfaux, Le Chrétien dans la théologie paulinienne (LED 33) p.347-350 (l’affaire d’Antioche).
            Các sách chú giải thư Galát (Lagrange, P.Bonnard, Schlier, Viard).
Thời buổi
Zahn, Munck, Féret (LCerfaux, La communauté apostolique, 94-95 (1953) : trước Công đồng Yêrusalem.
:
a) Ga2 không nói rõ biến cố xảy ra hồi nào.
Ga2:11 có “hóte dé” (Féret dịch : Et quand) : tiếng có thể chỉ liên tục tư tưởng cũng như tiếp tục về thời gian.
Ga2:1-10 cũng ôm chằm nhiều việc đã xảy ra vào những thời khác nhau. Vậy thì sự liên tục về thời gian đã bỏ ngoài rồi.
b) Công vụ.
Phải xét chung những lần Phaolô có mặt tại Antiokia :
- trước hành trình truyền giáo I : không đương nhiên chút nào, chưa có vấn đề.
- sau công đồng Yêrusalem : quá ngắn cho một xung đột đòi phải có một thời gian dọn ngấm ngầm.
- vậy thì chỉ có lúc trở về sau hành trình truyền giáo là thuận tiện.
Những tương chiếu giữa trình thuật Ga2:11-21 với trình thuật Cv15.
Cv14:28 : nhiều ngày lưu lại ở Antiokia. Cv15:1-2 những người ở Yêrusalem đến và tranh luận gay gắt.
Những ý tưởng trùng nhau giữa lời lẽ Phaolô trong Ga2:14-16 với điều Phêrô nói ở Yêrusalem (Cv15:10-11). Phêrô đã được Phaolô thuyết phục cho.
Sau Công đồng Yêrusalem
Nhưng các nhà chú giải chung chung không thể nhận là Công đồng nói trong Ga2:1-10 (đồng nhất với Cv15) lại ở sau cuộc xung đột nói trong Ga2:11tt. Một điều quá rõ : cuộc xung đột chỉ có trong Ga – Cv không có một tiếng. Kiểu nói trong Ga hướng hẳn về một thời sau Công đồng. Bởi đó là một vấn đề chú giải Ga2:11t.

Chú giải
11/ Đoạn bắt đầu bằng tiếng quan trọng “hóte dé” (Vg. Cum autem) (coi RSR45,51-53) : ngoài chỗ tranh luận này, thì Phaolô đã dùng trong Ga1:15 2:12 (câu 14 có khác nhưng cũng một kiểu, Tt3:4) : các chỗ đó tiếng có một nghĩa rất tự nhiên : đặt biến cố xảy ra muốn nói đến ở vào một thời nào sau điều đã nói trước.
Vậy thì cái nhiên hơn cả là phải nhận điều nói trong Ga2:11tt đã xảy ra sau biến cố nói trong Ga2:1-10.
Kêfa chính là Phêrô (Clémentê Alex. muốn coi đó là một trong số 72 môn đồ chứ không phải Phêrô : một sự tránh né vấn đề).
Đến Antiokia làm gì? Chúng ta không biết được. Nhưng chứng tỏ giữa Hội thánh thời xưa việc giao dịch không hiếm.
Tôi đã cự lại : nhấn đến phản kháng, chứ không phải là thêm cái gì mới : phản kháng để duy trì điều đã thành thông lệ tại Antiokia: tức là sự sống chung, đồng bàn giữa hai hạng tín hữu.
Ngay trước mặt : sự phản kháng đã làm công khai, có lẽ trong một buổi hội họp của Giáo hội sở tại.
Xưa có nhiều tác giả coi như một tấn kịch hai vị bày ra để dạy một bài học (Origênê, Hiêronymô, Yoan Kim khẩu, Thêođorêtô); Augustinô đã cự lại làm cho Hiêronymô phải đổi ý.
Vì ông làm trái : tiếng Hilạp dùng đây, Schlier nói không phải là “reprehensibilis, reprehendus, reprehensus, accusatus” – nhưng cũng không hẳn là “condemnatus” – nghĩa đây là “có lỗi” ngay bởi cách cư xử của mình, chứ không cần phải ai cảnh cáo nữa.
12/ Tả trường hợp : Phêrô từ khi xuống Antiokia đã điềm nhiên sống chung với tín hữu dân ngoại (động từ : impf. thói quen hay lặp lại nhiều lần). Không rõ hẳn là bữa ăn đây là việc ăn uống thường nhật, người ta đã mời Phêrô dự, hay là “bữa tối của Chúa”.
Những người thân cận của Yacôbê. Tiếng nói hình như các người này đã được Yacôbê phái đi. Giáo hội Yêrusalem đã lâm bĩ : Rôma lấy lại quyền hành đã trao cho Agrippa I. Dân chúng cảm thấy như bị chinh phục lần thứ hai. Dân chúng sôi nổi. Tín hữu cũng bắt buộc phải tỏ mình là dothái chính cống, và phong trào muốn lan đến cả Dothái kiều. Các người này tất nhiên không có quyền gì, nhưng với họ là cả uy tín Giáo hội Yêrusalem. Những người này không đả kích Tin mừng của Phaolô. Họ chủ trương : Dothái phải giữ luật Môsê, Chúa Kitô không phải bỏ. Ở Yêrusalem ai cũng nắm giữ, tại sao Dothái ở Antiokia lại không? Lý luận đã thuyết phục được Phêrô và các tín hữu Dothái địa hạt. Phêrô đã dần dần rút lui. Và lý do Phaolô nói rõ là sợ giới cắt bì : tức là những người tự Yêrusalem xuống kia. Như thế không phải là Phêrô tuân lịnh của họ, cũng không phải là vì nhận rõ rằng Lề luật cần thiết cho ơn cứu rỗi (chẳng vậy thì Phaolô làm sao nói được câu 16).
Đây lại xuất hiện vấn đề thái độ đối với Lề luật : có ba thái độ :
i) thái độ tín hữu dân ngoại : họ được cứu rỗi duy chỉ nhờ lòng tin.
ii) thái độ tín hữu Yêrusalem : tín hữu, dẫu có thi hành các việc Lề luật dạy, cũng chỉ trông vào lòng tin để được nên công chính và được cứu rỗi. Đó là thái độ nói trong c.16.
iii) thái độ của những tín hữu đi truyền giáo (trung gian giữa đạo Dothái và dân ngoại) : những người Dothái này để có thể truyền giáo và chinh phục dân ngoại thì đã sống lăn lộn với người ngoại. Chính Kêfa cũng đã sống theo kiểu đó ở giữa dân ngoại, ngài đã bỏ một bên những luật lệ phong tục Dothái, không phải là xu thời, hay chỉ gọi là thực tiễn thôi : nếu tin rằng ơn cứu rỗi là do quyền năng Thiên Chúa thi hành trong Chúa Kitô, thì Lề luật thành vô ích và dư thừa.
13/ Kiểu cư xử của Phêrô hầu như gây một cuộc li khai lớn, và thực tế đã có một Giáo hội Dothái. Nên để ý : Các tiếng Phaolô dùng để chỉ các hạng tín hữu : dân ngoại, giới cắt bì, Dothái. Toàn là những kiểu gọi tín hữu trước khi tin đạo : chính do lai tự nhóm người nào trước kia đó đã gây những vấn đề lớn cho Hội thánh (cơ sở xã hội cần phải được chú trọng trong sự ứng đáp của lòng tin).
Úp mở : “giả hình” nhưng không phải là để lừa dối người ta mà là lộ ra một lập trường bất nhất, và đi đến nguy hại là dối mình một cách thành thực.
14/ Việc chuyển hướng trong cộng đoàn làm từ từ. Kiểu nói cho thấy là Phaolô sau một thời gian mới nhận định được tình hình.
Không thẳng thắn bước theo sự thật... Hilạp có một tiếng độc nhất trong Tân ước (cổ điển và văn chương ngoài Kinh thánh cũng không dùng) : orthopodein : có thể có nghĩa “ở trên đường thẳng, tiến thẳng”; nhưng cũng có thể đồng nghĩa giữa : ouk orthopodeĩn với “khôleúein” (què chân, đi khập khiễng).
Các tác giả Công giáo tất nhiêu liền nghĩ đến vấn đề vô ngộ (không chỉ nơi Phêrô mà thôi, mà hết các tông đồ) thì nói như Tertullianô : Con Versationis fuit vitium, non praedica-tionis.
Nên để ý chứng chỉ của Tert. này : thời đó tín điều vô ngộ của Giáo hoàng chưa minh bạch, mà các tác giả đã dè dặt như thế : một hướng dẫn có giá trị cho chú giải câu này.
Theo sự thật của Tin mừng. Dù sao cũng liên can đến sự thật Tin mừng : Vậy sự đánh lảng, tách mình riêng của Phêrô, và tín hữu Dothái phải hiểu là đi với một việc công khai cộng đoàn : dễ hiểu hơn cả là trong “bữa tối của Chúa” (1Cor 11:20tt). Sự tách biệt trong hoàn cảnh này sẽ là đề cao sự phân biệt Dothái, và dân ngoại, và giá trị của những luật lệ nghi tiết Dothái; hơn nữa, một Hội thánh bị đe dọa đang lúc phải được hiển tỏ như Mình Chúa Kitô trong “bữa tối của Chúa”; rồi đi đến việc từ bỏ sự kiện căn bản Tân ước, người ta không sống bởi việc làm chiếu theo Lề luật mà là nhờ sự hi sinh của Chúa Yêsu. Như thế là đả phá trật tự ân sủng, duy trì trật tự “việc làm” mà nguyên lý là Lề luật.
Đứng trước mối đe dọa đó, Phaolô đã phản kháng.
14b-21 Những lời của Phaolô có một trình tự : cật vấn đích danh Phêrô (14b), rồi chuyển qua “chúng ta” (15-17), kết thúc vào “tôi’ (18-21).
Có gì tương tợ như Rm7 : anh em (4a) chúng ta (4b-6), tôi (7-25). 14b-21 liên tục, Ga3:1 mới thấy chuyển qua một đoạn khác, và quay sang vấn đề trực tiếp của Giáo hội Galát. Chắc được rằng tại Antiokia, Phaolô không nói từng tiếng như thế : đoạn này có tính cách toát yếu đạo lý, nói được là Tin mừng Phaolô rao giảng là thế đó. Và khi cho viết những lời này, Phaolô không chỉ nghĩ đến thái độ Phêrô, mà còn có trước mắt vấn đề Galát : họ tưởng chỉ chìu theo ít khoản phụ tùng của Dothái phiệt; nhưng họ phải biết hậu quả sẽ xa lắm. Trước khuynh hướng chia rẽ xảy ra, cần thiết phải đề cập đến những nguyên tắc căn bản.
14b/ Trước tiên phải nêu ra trước mắt Phêrô thái độ bất nhất của ông : đứng về khía cạnh biệt phái khắc khổ như Phaolô thời còn là biệt phái, Phêrô không hề biết đến sự tinh vi của kiểu sống biệt phái, ông thuộc “am-ha-arès” không biết Lề luật, biệt phái liệt ông được với người ngoại. Đàng khác từ ngày ông là môn đồ của Chúa, nhất là từ lúc ông là thừa sai, ông không còn màng nghĩ đến luật lệ Dothái. Nay bỗng ông đổi cả. Ông có ảnh hưởng lớn trên tín hữu, vì ông là tông đồ tiên khởi, và làm đầu; tín hữu sẽ không ngại theo hành vi của ông, và như thế ông bắt người ngoại để theo kiểu Dothái.
15-16/ Muốn lĩnh hội cần phải biết trọng tâm quả quyết là nơi 16b. Chủ từ “chúng ta” ở đó phải được cắt nghĩa theo tư cách đặc biệt của nó “bẩm sinh là Dothái” trong c.15. Còn 16a nói ra lý do tại sao chủ từ “chúng tôi” đã đi đến lòng tin, và 16c theo sau để thêm chứng Kinh thánh.
15/ Một câu lạ tai nơi miệng Phaolô. Phải cắt nghĩa theo những kiểu nói tương tợ (Rm2:14 27 11:21 24 Ga4:8).
Câu này đối chọi với nhau hai hạng người. Phaolô đặt mình và tín hữu Dothái vào một hạng khác dân ngoại. Dothái có một thứ “thánh thiện bẩm sinh”. Như thế tiếng Dothái đây một tước danh dự cho một mẫu người theo một chế độ tôn giáo: thánh sử trong Giao ước cũ. Và như thế bắt phải nghĩ đến những đặc ân thánh sử nói trong Rm8:6t.
Bởi đó Phaolô đặt trước mặt hạng người đặc ân đó “dân ngoại đạo tội lỗi”.
- Không nói đến bên trong họ thế nào.
- nhưng ám chỉ đến “tương phản” với những người được có Lề luật. Không có Lề luật tức là không có thể nhiệt thành vì Lề luật, vì sự công chính phát xuất tự việc làm theo thánh ý Thiên Chúa đã được ghi chép trong Lề luật.
16/ Song biết rằng. Đối chiếu với tế nhận những đặc ân thánh sử (c.15). Phaolô bày tỏ ý thức của một người đã biết giai đoạn mới của thánh sử. Những tín hữu Dothái giả thiết cũng một quan điểm như Phaolô. Dĩ nhiên không phải mọi người đều đạt thấu một lòng tin sáng tỏ như Phaolô. Bởi đâu Phaolô “biết” như vậy? Câu 19-20 sẽ cho biết là vì biết Chúa Kitô chịu đóng đinh và được sống trong Ngài : biết thế Phaolô nhận ra các đặc ân của Dothái là còn thuộc về “xác thịt” vô hiệu lực hoàn toàn với ơn “giải án tuyên công” đích thực.
Nhận thức thứ nhất là “không có giải án tuyên công do tự việc làm”. Phủ nhận xác tín của dothái : Thiên Chúa không y chuẩn cách giải án tuyên công mà người ta tự tặng thưởng chính mình (Rm4:2). Người ta có thể nỗ lực làm công việc thánh hóa chính mình, cho mình đáng được, hay có khi bắt Thiên Chúa phải tuyên bố là mình “công chính”, trắng án; nhưng Thiên Chúa không đồng ý.
Việc làm của Lề luật : chẳng những chiếu theo những luật nghi tiết mà là tất cả Lề luật Thiên Chúa đã cho ghi chép trong Cựu ước. Các việc đó mang tư cách riêng là được xác định bởi Lề luật. Người Dothái phân biệt các việc đó với việc tự chọn lấy. Và đây là nhận chân quyết định : người ta không nên công chính, không có một lời được Thiên Chúa chấp nhận, bởi việc làm, chẳng những việc làm tự ý, mà cả việc làm chiếu theo Lề luật, nghĩa là do chính Thiên Chúa đòi nữa. Đó là chỗ đoạn giao với Dothái. Mà chẳng những Dothái mà thôi, mà bất cứ chế độ tôn giáo nào của loài người.
Nhưng là bởi lòng tin... (thánh Phaolô có nhiều kiểu nói : ex fidi Rm3:26 3:30 5:1 Ga3:8 11 24 5:4 : ex đó nhấn vào tương phản với “ex operibus legis – hoặc là “per(dia) fidem” : nhưng dĩ nhiên không phải như một việc nhờ đó mà được nên công chính – Phaolô cũng dùng trổng “fide” : péstei (Rm3:28). Các kiểu nói đó chung qui là một. Tiêu cực thì loại hẳn mọi cách làm cho người ta được khúkhèma do tự mình (Rm4:2). Rồi 16c lặp lại một lần nữa việc phủ nhận hiệu lực của việc làm theo Lề luật và trưng ra chứng Kinh thánh : Tv143:2 (Rm3:19t cho thấy ý nghĩa rõ rệt hơn nữa bởi mạch lạc : tình trạng tội lỗi và phổ cập đại đồng, không ai có thể đương đầu được với án của Thiên Chúa). Phaolô trưng theo ý, và thêm “tự việc làm Lề luật dạy” : Ngài có lý mà thêm như thế vì người cầu kinh Tv là người sống dưới Lề luật. Và khi nói “pasa sarx” : Phaolô nhấn vào người ta nguyên là người : bởi đó chúng ta có quyền rút kết luận cho bất cứ Luật nào : luật tự nhiên viết trong lòng người ta cũng thế.
Đó là lời tuyên bố “phá sản” trên mọi kinh doanh tôn giáo, và thu  thân tích đức của nhân loại trước Chúa Kitô và ngoài Chúa Kitô : nếu như quả thực họ muốn được “giải án tuyên công” trước mặt Thiên Chúa.
17/ Khó cắt nghĩa. Nhưng nên đặt lại trong hoàn cảnh của việc xung đột Antiokia, và như thế là rút ra một sự bất nhất trong thái độ của Phêrô và các tín hữu Dothái : họ quay về lại với Lề luật, tức là họ ngấm ngầm lên án kiểu sống của họ trước đây trong Kitô giáo; làm thế thì hình như họ nhận rằng họ đã lỗi phạm Lề luật khi họ đã sống thoát khỏi Lề luật, và như thế là họ đã liệt mình vào hạng tội lỗi dân ngoại. Như thế thì việc họ làm bởi theo tư cách là thuộc về Chúa Kitô và phục vụ Chúa Kitô, nên hậu kết lan đến cả Chúa Kitô : Chúa Kitô như thế đã là người phò tá sự tội (chứ không phải sự công chính).
Câu này Phaolô đổi kiểu nói : “giải án tuyên công trong Đức Kitô” và nói đó là một việc tìm kiếm, một sự đeo đuổi sự công chính cánh chung. Chúng ta gặp tiếng “trong Đức Kitô” để chỉ trạng thái mới của kẻ từ bỏ tìm công chính trong Lề luật. Một tiếng nhiều nghĩa : nói chung : có một liên lạc mới giữa Chúa Kitô và kẻ tin vào Ngài.
18/ Ai mới là người vi phạm Lề luật? Chính là những người như Phêrô, tín hữu Dothái đã tráo trở đổi thay (đã từ bỏ sự công chính Lề luật, rồi lại tìm lại sự công chính đó).
Có thể có hai cách hiểu : tại sao người trở về lại với công chính Lề luật :
a) là vi phạm : vì nhận biết rằng mình đã làm trái xưa kia khi rũ bỏ Lề luật, và bởi đó đã vi phạm Lề luật – và bởi chính vì tin mà đã làm thế xưa kia, thì việc “tin” kia thành một tội (giải thích của Lagrange, Loisy, Oepke, Beyer, Bisping...). Nhưng theo giải thích đó, Phaolô phải đặt mình thay chỗ những người ngài chỉ trích. Nhưng không lẽ Phaolô đặt mình vào một nố rõ ràng như thể một nố ngài phải kháng cự kịch liệt. Đàng khác kiểu nói có tầm xa hơn là một nố “ad hominem”.
b) vi phạm vì trong việc coi Lề luật như có giá trị “giải án tuyên công” có giá trị cứu rỗi, thì tức là thiết lập lại quyền lực của những Luật điều (giả thiết là phải thi hành mới được cứu rỗi) – những luật điều do đó mới có “vi phạm”, vì không thể hoàn toàn thi hành được đầy đủ tất cả. Giải thích này giả thiết Phaolô có nghĩ đến điều đã xảy ra tại Antiokia, nhưng nhắm đến tương lai, nhất là tình cảnh của các giáo hội Galát hơn. Trở lại Lề luật, là trở lại một chế độ đã cho phép sự tội biến những người sống dưới quyền của chế độ thành người vi phạm, nghĩa là người tội lỗi cả lòng chống lại ý của Thiên Chúa bày tỏ ra nơi một luật điều rõ định.
Vì chưng : Câu này muốn trả lời cho vấn nạn : Chúa Kitô, người phò tá sự tội. Chúa Kitô không gây thêm tội, bởi đã kéo chúng ta ra khỏi Lề luật; nhưng trái lại, trở về Lề luật thực sự mới làm người ta sa quyền sự tội.
19/ Tại sao Chúa Kitô không phò tá sự tội (c.17) và ta lại vi phạm Lề luật nếu ta trở về lại với Lề luật (c.18)? Câu trả lời dựa trên : a) dẫn chứng một biến cố đã xảy ra cho “tôi” (c.19); b) diễn giải cách sống hiện tại của “tôi” trong Chúa Kitô (c.20).
“Tôi” : hiểu chung với cả khúc này, cũng như “chúng tôi” trên kia, “tôi” là một kiểu nói đồng nhất với các “tôi” giả sử trở lại Lề luật. Nếu hiểu thế thì phải nói “tôi” điển hình cho hết thảy các tín hữu đồng một lòng tin với Phaolô về ơn cứu chuộc trong Chúa Kitô, và nhất định kháng cự lại việc tái lập Lề luật. Vậy các câu này không phải là kinh nghiệm thần bí, mà là cơ sở của tín hữu Tân ước.
Câu 19 này đã được hiểu nhiều cách.
Chết cho Lề luật : nghĩa là chặt đứt mọi liên lạc với Lề luật. Có thể so với Rm6:2 10 (chết cho tội lỗi) 7:4 (bị giết chết cho Lề luật) (Rm6:11 như thây chết đối với tội lỗi). Đối với một thây chết, mọi lịnh truyền của người sống đều vô hiệu lực.
Bây giờ tín hữu cũng vậy đối với mọi lịnh truyền của Lề luật.
Vì Lề luật mà tôi đã chết cho Lề luật. Có thể hiểu :
a) 2 tiếng Lề luật không đồng một nghĩa. Về Lề luật : tức là vì Luật của Chúa Kitô : nghĩa là lòng tin vào Chúa Kitô đã làm cho tín hữu tuyệt giao với Luật Môsê. Vấn nạn : không xác định trong văn bản. Không đi hết ý của Phaolô.
b) Vậy thì Lề luật trước sau vẫn là Luật Môsê. Vì Lề luật : Lề luật rộng nghĩa tức là Cựu ước đã tiên báo về Chúa Kitô, “cùng tận của Lề luật”, bởi loan báo như thế, Lề luật tự mình đã hủy quyền lực của mình, khi Chúa Kitô đến. Ý nghĩa hạp với tư tưởng Phaolô, nhưng không sát với mạch lạc.
c) Vì Lề luật mà chết cho Lề luật : hiểu theo Rm6:1tt và 7:4tt. Không phải chính Lề luật làm tín hữu chết (nghĩa là bởi có kinh nghiệm về tội, mà có kinh nghiệm về chết); không phải là Lề luật mở mắt cho thấy là nó không có quyền làm cho tôi nên công chính, và bởi đó dạy tôi đừng phục tùng Lề luật nữa. Theo Rm6-7 thì không phải Lề luật mà là thân xác Chúa Kitô đã làm tín hữu chết (cùng chịu đóng đinh... Ep2:14tt Co1:20 2:14). Mà chính Lề luật đã làm cho thân xác Chúa Kitô như thế. Lề luật, nguyên lý chúc dữ; Chúa Kitô đã lĩnh lấy sự chúc dữ Lề luật đã ra, và đã bị kể như đồ chúc dữ; Bởi Ngài chết như đồ chúc dữ (của Lề luật) mà Ngài đã nên nguyên lý cứu rỗi cho mọi người, bởi đó mà cũng là nguyên tắc giải phóng đối với Lề luật (Rm7:4 Rm6:3-11 trong thanh tẩy). Vậy Lề luật làm ta chết cho Lề luật : không phải trực tiếp, hay theo suy luận tâm lý, nhưng Lề luật làm ta chết cho Lề luật vì nó đã làm Chúa Kitô chết cho ta.
20/ Phần thứ 2 của trả lời vấn nạn : đi sâu vào hẳn “hiện sinh” của Giao ước mới : sự sống trong Chúa Kitô.
Tôi sống : Sống đây phải tế nhận theo hướng của Phaolô : tức là sự sống cụ thể và đích thân của tín hữu trước mặt Thiên Chúa. Materialiter : sự sống đó gồm tất cả những khả năng hay bất khả năng sinh lý, tâm lý, tâm linh; nhưng “formaliter”, cái đặc sắc là “theo phán đoán của Thiên Chúa”.
Tiếng “sống” thời ta mặc nhiều sắc thái, nội giới hóa, đượm nhiều tâm lý (sống nảy nở, sống ý thức, sống nội tâm). Chúng ta có thể đặt vào đó tất cả tâm linh người hiện đại, cả kinh nghiệm tôn giáo. Nhưng cần phải nhớ là người xưa không phân tâm tỉ mỉ, và sống hướng ngoại (nơi đối vật) nhiều hơn. Như đã nói “tôi” đây không nói đến kinh nghiệm riêng của Phaolô. Nhưng đây Phaolô trình bày “tình trạng” của tín hữu, theo tư cách tín hữu, với những kết luận thực tiễn họ phải kéo ra : giải thoát khỏi Luật cũ, thay thế công chính do Lề luật bằng công chính bên trong, công chính của những kẻ ở trong Chúa Kitô. Vậy Phaolô coi đến “sinh hoạt” nhân loại cụ thể, toàn diện, thực tế (theo lịch sử trần gian) nhưng dưới con mắt của Thiên Chúa.
Tôi sống, nhưng không còn là tôi nữa, mà là Đức Kitô trong tôi.
Tôi : chớ hiểu là một chủ từ suông; cũng đừng hiểu theo triết học hay tâm lý hiện đại “đối chiếu với tha nhân, tha vật”.
Trong tín hữu, không còn phải “con người” đó sống nữa! Tại sao?
- vì con người đó không căn cứ hi vọng của mình, “aukhèma” của mình (điều mà người ta gọi đó là “có tiếng nói”, có “tên tuổi với núi sông”, và trên hết cái “thể diện” hay “vinh dự” của mình chiếm được trước mặt Thiên Chúa), nơi chính mình, hay nơi Lề luật (cuối cùng cũng vẫn là nơi chính mình); nơi con người đó, không còn cái “tôi” nhân loại đó chưởng trị, và lộ diện trước mặt Thiên Chúa nữa.
- từ nay, khi Thiên Chúa nhìn đến kẻ tin, thì Người không còn thấy người đó trong cô quạnh lẻ loi dù là tội lỗi hay công chính theo Lề luật, nhưng như kẻ đã có “sự sống mới là Chúa Kitô” (Co3:4). Chúa Kitô đã vào “thực hữu” của người đó, và người đó được “đánh trồng” vào trong thực hữu của Chúa Kitô (Rm8:1 10 6:5) (sumphutoi : complantati). Được giải án tuyên công tức là người cũ đã bị xử tử, và bởi đó Lề luật mất quyền trên tử thi đó; và một trật người mới tàng ẩn trong Chúa Kitô đã được dựng nên trong tín hữu. Từ nay người đó bảo đảm cho mình trong Chúa Kitô, và Chúa Kitô bảo đảm nơi người đó một “sự sống một sinh hoạt”, nghĩa là một khả năng sinh sống (hữu tồn) mới trước mặt Thiên Chúa.
Cái “hữu tồn”, hay hiện sinh mới đó bây giờ sẽ thực hiện, sinh sống thế nào? Trong lòng tin của Con Thiên Chúa.
Cuộc sống của tôi lúc này trong thân xác (xác thịt). Đây không phải là “thoát tục”; phạm trù “thánh tục” (sacré / profane) thuộc giai đoạn chuẩn bị, đào tạo, còn khi Thiên Chúa can thiệp cuối cùng thì “nồi niêu cũng như chén thánh” (Za14:20t). Tín hữu không ra khỏi “hiện sinh” trần tục của mình. Cái “tôi” của tín hữu không thành hồn bướm ra ma, cũng không được phù phép biến hóa thần thông, khi trở thành tín hữu. Ai đã có sao về xã hội, về sinh lý, về địa vị : họ vẫn là thế; và 1Cor7:7, thánh Phaolô còn muốn người ta biết lợi dụng cơ hội đó mà sống. Nhưng họ phải sống một cách mới hẳn :
Tôi sống nó trong lòng tin (của) Con Thiên Chúa...
Chỉ có “tin” vào Chúa Kitô mới cho con người đó có cái gì “chắc nịch” chứ không “phù phiếm”, “rỗng không” trước mặt Thiên Chúa, và là một cái gì có thực trước mắt chính mình.
Lòng tin đó là lòng tin (vào, của) Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến... phó nộp.
Đối tượng của lòng tin này đã rõ là “Kerygma” nền tảng, những Kerygma đã được xác định rõ rệt bởi tế nhận ra “thần tính” của Đấng Cứu Thế, một điều chúng ta còn thấy hàm ẩn mà thôi trong những công thức tiên khởi. Tin nói đây là tin vào lòng mến tỏ ra cho tín hữu chính trong việc cụ thể tế hiến mình “vì tôi”. Tín hữu biết “sự sống” của mình, cái “tôi” của mình yêu bởi lòng mến của Chúa Kitô. Cái liên lạc làm cho tín hữu được quyện theo vào mầu nhiệm cứu chuộc, để nên nhất khối với Con Thiên Chúa và trở về cùng Cha là Agapè của Chúa Kitô : không phải lòng mến của ta đối với Ngài, mà là của Ngài đối với ta. Như thế đời sống “được thoát Lề luật và tội lỗi và được nên công chính) được hiểu là ở ngay trong sinh hoạt cụ thể ở trần gian, nhưng lại đã biết là được Con Thiên Chúa yêu mến trong việc Ngài tế hiến mình.
21/ là câu toát yếu và kết thúc.
Ơn của Thiên Chúa : đây là tất cả công việc cứu chuộc trong Chúa Kitô.
Thủ tiêu : tiếng dùng cho luật lệ (bãi bỏ một luật nào), “coi như không” làm mất hiệu lực, và như vậy loại bỏ đi.
Đó là tại sao phaolô đã kháng cự kịch liệt kiểu xử thế của Phêrô và tín hữu Dothái tại Antiokia (và tại xứ Galát) : tựu chung là để ơn của Thiên Chúa được nhận biết và duy trì trong Hội thánh. Phaolô kết luận bằng một lời đanh thép : giả sử như có (nhưng thực thì không) một sự công chính nhờ Lề luật (lập được nhờ giữ luật) thì Chúa Kitô đã chết một cách vô lối (không lý lẽ gì cả nữa): thập giá không cần gì nữa.

No comments: