Thursday 18 September 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn DCCT Tông Đồ Công Vụ Chương 15



CHƯƠNG 15
TRUYỀN GIÁO DÂN NGOẠI
1. Môi trường
a) Công việc truyền giáo của người Dothái.
Trước khi Hội thánh bắt đầu đi rao giảng, người Dothái đã đi trước. Xét về ý nghĩa của việc truyền giáo đó, chúng ta phải nhận có một sự quan phòng của Thiên Chúa. Hội thánh không thể lan rộng trong một đời người như thế nếu đã không có một chỗ tựa là những hội đường của Dothái-kiều rải rác hầu hết các nơi (coi DBS tiếng Diaspora-Dispersion (II,432-445 : JVander-vorst; Catholicisme III, 890-893 Dispersion (PAuvray), Dict. Enceclopédique de la Bible, Diaspora 449-451 (AvdB)).
Văn chương : có tính cách minh giáo. Nỗ lực chung là đặt nhịp cầu giữa tư tưởng Hilạp và Kinh thánh. Philô không hẳn là đại diện đích đáng hơn cả. Nhưng những sách như Khôn ngoan (viết lối -50) được phổ biến xa rộng. Cách riêng phải nhắc đến bản dịch LXX (coi : Dict.encycl de la Bible : Septante JdF) căn bản cho việc truyền giáo của Dothái cũng như của Hội thánh.
Ai truyền giáo? Không có người nào đặc trách được sai đi, nhưng là tùy sáng kiến và lòng nhiệt thành tu nhân. Hội đường cũng là điểm tựa cho việc truyền giáo (mở cho người ngoại tham dự, châm chước thâu nạp : tòng giáo đích danh và những kẻ “kính giới Thiên Chúa”). Việc giảng trong Hội đường cũng nhắm đến chính phục : thâu nạp tư tưởng Hilạp và cách trình bày (điều mà người ta gọi là diễn từ mạc khải hay hieros logos, và diatribè, tức là cách biện luận đắc dụng trong các nhóm.
Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp người với người, chúng ta cũng thấy thế giới La-Hi đã có những người chỉ tiếp xúc bằng văn chương (Hermetica).
b) Thế giới ngoại giáo.
Chúng ta nên để ý đến những phong trào tôn giáo.
Thời này còn đang sống dưới những cải cách của Augustô: chấn hưng tôn giáo Rôma cổ thời. Nhưng việc tôn thờ Hoàng đế đã khởi sự : trước tiên bằng những tước hiệu (divi filius, augustus (sebastos)), tại Rôma chưa được áp dụng triệt để, nhưng tại các vùng phương đông, người ta đã nhân thói cổ truyền của các dân đó mà áp dụng thực sự rồi.
Nhưng tôn giáo công khai nhà nước đó không làm thỏa mản lòng đạo dân chúng : họ tìm kiếm nhiều kiểu để được an tâm trước lo âu : mà thuật, chiêm tinh; triết lý tôn giáo phổ thông dạy tu thân tích đức, nhất là các triết gia khắc kỷ nói được là những vị linh hướng đại chúng, họ giảng truyền nơi nhà tư, tụ họp ngoài đàng xá, đàm đạo với người qua lại; một cách cẩn mật hơn : nhưng đạo bí truyền, lập thành những hội, và thâu nạp bằng những lễ nghi nhập môn (coi tiếng Mystères trong DBS); và một tôn giáo không có lễ nghi sùng bái gì cả nhưng cao siêu và thâm thúy dưới vỏ ngoài triết lý là những thiên luận Hermetica (coi : Corpus hermeticum, trong Collection. Les Belles Lettres).
Hết các phong trào tôn giáo đó cố làm thỏa lòng mộ đạo của dân chúng. Nhưng lòng mộ đạo đó muốn ôm choàng đủ thứ nên khuynh hướng chung là tạp giáo. Tuy cũng phải nhận có khuynh hướng đi đến đạo độc thần. Và do sự cởi mở đón nhận bởi khao khát mộ đạo và hướng độc thần đó nên Kitô giáo đã gặp một phần nào cơ hội thuận tiện.
2. Công việc truyền giáo của Hội thánh
Lời giảng : mẫu Lc trình bày là Cv17:22-31 14:15tt mới phác họa. Cũng phải đối chiếu với 1Th1:9tt Hr6:1t. Kiểu trình bày có nhiều đụng chạm với hieros logos (diễn từ mạc khải) Hilạp (thấy cách riêng trong Hermetica). Nội dung chính đó là Kerygma tiên khởi, nhưng chỗ này nhấn vào “sự vô tri” của dân ngoại (agnoia) (hoặc vì người ta không thể biết Thiên Chúa : 1Cor1-2, cách riêng 2:10-16, tư tưởng đụng chạm với Gnôsis của Hermetica – hoặc vì bởi tội mà người ta không nhìn nhận ra được thực tại của Thiên Chúa có chứng chỉ trong thiên nhiên (Rm1:18-20), có đụng chạm với kiểu truyền giáo Dothái; hoặc là vì ngộ nhận bởi lỗi mình về việc Thiên Chúa quản trị trời đất (Cv17:23-29), và có đụng chạm với Khắc kỷ, và luồng Khôn ngoan Dothái). Sự vô tri đó có dính liền với epithumía (đam mê) (Rm1:24-27 Ep4:17-19 1P1:14) : bởi đó là một tình trạng tội lỗi. Bởi đó nên có việc giảng ơn huệ Thiên Chúa và kêu gọi trở lại. Phaolô còn nói cách khác : Ngài chỉ biết đến Chúa chịu đóng đinh : nghĩa là trình bày đường cứu rỗi của Thiên Chúa như giải thoát khỏi tội do bởi ơn của Thiên Chúa chứ không căn cứ vào khôn ngoan (triết lý) hay sự hiểu biết và mãnh lực ý chí của con người.
Đặc điểm của Kerygma truyền giáo là : trình diện mình như sự thật tuyệt đối (tuyệt đối kháng cự tạp giáo) nhưng lại có tính cách đại đồng. Đạo Dothái muốn chinh phục từng người. Kitô giáo chẳng những xác tín cả nhân loại có thể được cứu thoát nhờ Tin mừng (Cv4:12), nhưng còn mong ước “toàn thể dân ngoại” nhập đạo, cá nhân cùng đoàn thể nói chung, cả Israel cũng thế (Rm11:25tt). Một đời người sau, hi vọng đó vẫn chưa thực hiện, lại gặp chống đối nhiều (Mt22:14 Yn10:3 14tt 17:15tt Kh13:7t 17:13). Nhưng hi vọng kia vẫn còn nguyên (Mt5:13t 28:19 Yn1:9tt 8:13 Kh11:10). Khải huyền chiêm ngắm một số đông không sao đếm được đứng trước Ngai Thiên Chúa (Kh7:9 11:12 14:5).
3. Cách chinh phục
Sức mạnh thúc đẩy đã sẵn ngay trong nội dung của Tin mừng. Ngoài Phaolô với xác tín mãnh liệt mình được sai đến cho hết mọi dân thiên tạ thì mỗi một tín hữu được biết mình là “muối đất” “ánh sáng cho thế gian” (Mt5:13t) : đó là công việc làm chứng. Truyền giáo khởi sự từ Hội đường, nên Tin mừng đã vang dội không phải như lời nói đơn độc với người ngoại, nhưng trong khuôn khổ một cộng đoàn sống đạo. Bên cạnh vị tông đồ giảng đạo (như Phaolô tại trường học của Tyrannô tại Ephêsô Cv19:9t) chắc có cộng đoàn tham dự, và phụng vụ cộng đoàn cũng nên chỗ truyền giáo (1Cor14:24t). Ngoài ra còn việc chinh phục bằng tiếp xúc, có lẽ từng nhà hơn là ngoài phố xá theo kiểu các triết gia rong đường (Mt10:12t Lc19:5).
Việc chinh phục đó nhắm đến từng cả gia đình nữa (1Cor1:16 Cv16:15 31 33 18:8), khác với những đạo bí truyền. Các gia đình đó mở cửa cho những việc hội họp. Giáo hội địa phương có lẽ làm thành một số những “gia đình cộng đoàn” như thế, chứ không thể có “toàn thể đại hội” cho cả một địa hạt.
Gia đình đã nên tiểu tổ của Cộng đoàn, nên nguyên tác “sống chung với đời” được áp dụng cách hồn nhiên : tín hữu tiếp tục nghề nghiệp địa vị xã hội “mỗi người ai ở phận nấy”, cả những người vợ của người chồng ngoại, hay nô lệ với chủ ngoại (1Cor7:20-24) : mà mọi điều đó được thâu nhận hẳn trong lòng tin, thánh Phaolô nói hãy làm thế “vì Chúa” (Co3:18-4:1) : tín hữu phải dấn thân vào việc đời, để duy trì sinh hoạt nhân loại chờ ơn cứu chuộc đến cho cả thiên hạ. Cán đáng việc đời đó cũng là làm chứng cho Chúa như hoạt động ngay trong cộng đoàn (1Cor7:16 1P3:1t) : vì dưới cũng một xã hội và luật lệ chung, tín hữu sống cách khác người ngoại : trong lời nói, hạnh kiểm và chịu đựng (1P2:12 4:3t). Chịu đựng : chúng ta thấy xung đột và chống đối xảy ra ngay tự lúc đầu, tuy rằng cuối thời Phaolô mới có đụng độ toàn diện.
Còn cách bành trướng, truyền giáo cũng theo những con đường giao thông của đế quốc, và nhắm đến các trung tâm chính để lan đến hậu phương. Và bởi liên lạc thành này với thành khác cũng thông thường, nên tuy không có tổ chức theo kế hoạch, mà Hội thánh cũng liên kết chặt chẽ (nên để ý đến những lời chào cuối thư của Phaolô : liên lạc cá nhân thay cho một tổ chức, khó được dung túng trong đế quốc).

No comments: