CHƯƠNG 10
THÁNH PHAOLÔ
Các sử
hạnh (coi B.Rigaux, Saint Paul et ses Lettres 53-62. Les
biographies de Saint Paul)
DBS VII,
279-386 Paul (vie et doctrine)
Về Hội
thánh tiên khởi chúng ta học từ trước đến nay, chúng ta chỉ có Công vụ. Nhưng
với thánh Phaolô, ngoài Công vụ ra, chúng ta còn có các chi tiết rải rác trong
các thư của thánh Phaolô.
Xét theo
bình luận lịch sử, thì những chi tiết nói trong các thư là chứng chỉ hảo hạn.
Thí dụ Ga 1:10tt phải được coi như lược toát đáng chú ý trước hết về những năm
đầu tiên của Phaolô sau khi trở lại. Còn giá trị lịch sử của Cv, như đã nói
trước kia : Luca là sử gia nghiêm chỉnh, nhưng cũng là soạn giả gián tiếp sử
dụng những tài liệu theo một biểu thức diễn tiến của Hội thánh sơ thời có ngụ ý
một thần học, dọi lại một cảnh huống thời tác giả hơn.
I. MÔI TRƯỜNG SINH HOẠT ĐẦU TIÊN : dòng dõi, đào
tạo.
1) Tarsô : thủ phủ
tỉnh Rôma đổi tên là Kilikia. Một thành phố ở ngã ba các trục giao thông nối
Tiểu á La-hi với Siri – đã trải qua mấy lần thay chủ : từ dân Hittit, ngang qua
Assur, Batư, Hilạp rồi đến Rôma. Quan hệ về thương mãi. Chỗ gặp gỡ giữa các văn
hóa dân Sem và của Hilạp. Từ thế kỷ thứ 3 (trước kỷ nguyên), Tarsô đã bị
Hilạp-hóa rồi, nhưng cách riêng dưới triều Antiokhô IV.
Tarsô cũng
là một trung tâm văn hóa (có ít triết gia thuộc môn khắc kỷ). Về tôn giáo : hỗn
hợp giữa những tôn giáo cổ thời của người bản xứ vùng Kilikia với những bộ mặt
của tôn giáo và thần thánh Hilạp, rồi Rôma (bộ mặt thôi, lõi tủy ở dưới là các
tín ngưỡng dân Sem).
2) Phaolô
- Saul (coi LCerfaux II,175-182. Le “Super-nomen”
dans le livre des Actes. Cách riêng trang 179 về Saulos/Paulos). Có lẽ Phaolô
sinh tại Galilê, thành Ghiskhala (Giscala?) – Do cha mẹ đã có quyền công dân
Rôma. Làm sao cha ngài đã được quyền có?
Thừa hưởng? Mua? Tù binh được phóng thích? Antiokhô IV đã ban tước công
dân (Syri của dòng họ Seleucides), sau khi đã bình định thành Tarsô, cho các
người dothái, và họ được kê vào sổ một dân tộc riêng (Ricciotti, Paolô
Apostolo, 19).
Tại Tarsô,
có lẽ Phaolô đã theo học trường Hilạp trong thành, và bởi thành là một thành
văn vật, Phaolô cũng đã biết ít nhiều về tư tưởng và tín ngưỡng Hilạp. Có lẽ do
nền đào tạo Hilạp từ nhỏ nên Phaolô đã cởi mở đối với dân ngoại hơn là các tín
hữu dothái Falệtin. Đó là một sự chuẩn bị để ơn thánh sẽ làm sau này. Còn về
đào tạo Dothái? Theo Ph3:4 thì phải kết luận, việc đào tạo theo Lề luật chắc
được chú trọng trong gia đình một “Hipri”. Chắc được là Phaolô biết nói tiếng
Aram và có thể đọc Kinh thánh theo tiếng Hipri (Cv21:40b và 22:2).
Cv22:3 Luca
có một biểu thức sử hạnh (một lược yếu để viết hạnh một nhân vật phổ thông
thành một thứ loại văn để tả sự nảy nở phát triển của nhân vật : coi Cv7:20-22)
: ba giai đoạn génnèsis, trophè (trong gia đình) paideía (nhờ cha, và nhất là
thầy dạy). Thầy dạy Luca muốn nêu cao đây là Gamaliel (thụ giáo dưới chân
Gamaliel : rabbi trên bục, môn sinh ngồi dưới đất ở dưới) : rabbi danh tiếng
giữa 25-50. Trong Talmud có qui định lỏng lẻo này về các giai đoạn đời người :
lên 5, đọc sách (thánh), lên 10, Mishna; tuổi 13, các điều răn; tuổi 15,
Talmud; tuổi 18, loan phòng (lập gia đình); tuổi đôi mươi, đeo đuổi (một nghề);
tuổi ba mươi, vào thời tráng kiện nở nang đầy đủ; tuổi 50, có thể khuyên nhủ cố
vấn; tuổi 60, tuổi già...). Nếu thế thì Phaolô ở Yêrusalem vào lối 15.
Nhưng đây
là một vấn đề tranh luận kịch liệt. Như đã nói trước kia nếu hiểu Ga 1:18t cách
chặt chẽ, thì Phaolô chỉ biết Yêrusalem khi lên viếng Phêrô, năm thứ 3 sau khi
trở lại. Thực sự các lời trưng trong các thư đều dựa trên bản dịch Hilạp. Tư
tưởng Dothái và các phạm trù đặc sắc dothái in sâu vào con người của Phaolô
(chúng ta sẽ thấy những lý luận đặc sắc của các rabbi trong các thư), nhưng
phân tích văn chương các thư bắt phải nhận ảnh hưởng Hilạp trên não của Phaolô.
3) Thái độ
tôn giáo. Ga 1:14 lòng nhiệt thành của Phaolô. Lòng nhiệt thành
đó đã khiến Phaolô tưởng phải bắt bớ Hội thánh (Ga1:13 2Cor15:9 Ph3:6). Phaolô
là một Biệt phái trung thành tuân giữ Lề luật (Ph3:6) : như Phaolô sẽ nói sau
này : đã chịu cắt bì tức là tự buộc mình giữ tất cả Lề luật (Ga5:3), và đó là
một việc không phải dễ (Rm7:7-25). Nhưng Phaolô không chỉ biết có Lề luật,
Phaolô vẫn có thể là một người đạo đức thiêng liêng (những văn kiện Qumrân cho
ta thấy Lề luật có thể đi với đạo đức thiêng liêng, hiểu tinh thần của Kinh thánh).
Đàng khác, biệt phái chỉ biết có Lề luật, thì bỏ rơi phần nào đạo lý cánh
chung; các thư Phaolô nhuốm tinh thần đạo lý cánh chung của khuynh hướng khải
huyền, tức là khuynh hướng nối tiếp đạo lý của các tiên tri.
II. PHAOLÔ ĐƯỢC KÊU GỌI
Thư tịch :
B.Rigaux, St Paul et ses Lettres, 65-97 (l’Événement de Damas) (Kê sách và bài
tạp chí có liên can đến vấn đề).
Ngoài các
sử hạnh ra :
VD 39
(1961) 66-81 129-140 173-184 (Girlanda A.De Conversione Pauli in
Act.tripliciter narrata).
Baruzi
(Jean) Création religieuse et pensée contemplative (11-33 : La conversion)
(chiếu theo những chi tiết rải rác trong các thư của thánh Phaolô).
Grossouw
(W.K) Spiritualité du N.T (103-113 La conversion) (cuộc trở lại của Phaolô cốt
thiết là ra khỏi một lý tưởng tôn giáo : lý tưởng biệt phái).
1) Chứng chỉ trong các thư thánh Phaolô.
1Cor15:8-10.
Mạch lạc : những chứng nhân cho sự phục sinh của Chúa. Nhấn vào giá trị lịch sử
của sống lại. Thị kiến của Phaolô được
liệt hàng cùng các lần Chúa Yêsu hiện ra cho những chứng nhân nền tảng của Hội
thánh. Nhưng một đặc sắc: Phaolô được ơn đó ngoại thường : sau khi vòng những
việc hiển hiện của Chúa đã chấm dứt : ơn kêu gọi của ngài không xảy ra đúng
thời; tính cách khác thường đó được tả bằng tiếng “ektrôma” (abortivus).
Xuất xứ
này đặc biệt về tính cách lịch sử – về kiểu Phaolô hiểu về thị kiến đã được
(Phaolô phân biệt hẳn với những ơn lạ thần bí khác ngài đã được về sau). Liên
lạc giữa việc bắt đạo và việc ơn Thiên Chúa thình lình ập đến trên ngài. Công
việc truyền giáo xiết chặt với việc Chúa hiển hiện ra cho ngài.
Ga1:11-17
: nhân lúc phải viện chứng cho do lai siêu phàm của sứ vụ của mình, Phaolô đề
cập đến những bước tiên khởi của sứ vụ truyền giáo. Ở đây Phaolô tả thiên triệu
của mình bằng tiếng “mạc khải” (câu 12 16) một (apokalypsis) : tức là một biến
cố cánh chung đánh dấu thời cùng tận của lịch sử. Nhưng không phải đem về một
Đền thờ bởi trời, Lề luật bởi trời hay lý tưởng bởi trời, nhưng là mạc khải
“Con” của Thiên Chúa : một sự gặp gỡ hiện sinh với con người mà theo Lề luật Phaolô
đã gọi là một “chướng ngại” cho dothái, một con người bị Thiên Chúa chúc dữ và
đã loại ra khỏi cộng đồng Dân của Thiên Chúa : con người đó Phaolô được gặp gỡ
như “Con của Thiên Chúa” : được gặp gỡ là được đem ngay vào liên lạc trực tiếp
với Ngài, tức là tội lỗi được tha thứ bởi đã được gặp Ngài, và nhận biết cái
hoàn toàn vô ích, và tính cách chống đối với Thiên Chúa trong việc mình nhiệt
thành vì Lề luật : sự công chính do bởi “Tin” vào Chúa sống lại vinh hiển tuy
Ngài đã là một chướng ngại cho Phaolô bởi thập giá của Ngài. Điều Phaolô đã
được, Phaolô phải làm “mõ” rao truyền cho cả thiên hạ.
Đó là
những chứng chỉ cốt yếu : chúng ta còn có thể thêm: 2Cor9:1 Ph3:12 Rm1:1.
Các xuất
xứ đó cho ta biến cố bên trong của việc xảy ra trên đường Damas.
2) Trình thuật Cv
Chúng ta
có ba trình thuật : 9:1-19 22:6-21 26:6-21.
9:1-19
c.1 : nối
với 8:3. Luca tả tâm trạng Phaolô kịch liệt bắt đạo. Không có chút gì là lo
lắng hay mặc cảm nơi Phaolô cả.
c.2 :
Phaolô lĩnh trát bắt đạo trong các thành khác, cho đến Damas! Sao không có trát
đi Samari, Galilê. Điều trước tiên : một sự kiện của truyền thống chắc chắn :
biến cố đã xảy ra cho Phaolô tại Damas. Nhưng Luca đã đặt Phaolô tại Yêrusalem.
Làm sao nối 2 trung tâm? Luca lợi dụng ít chi tiết lịch sử riêng biệt để tạo hoàn
cảnh : 1M 15:15-21 lãnh sự Rôma Lucius viết thư cho Ptolemacus.
Kaisar
viết thư cho Siđôn (Josephus Ant.14,190-195) xác định địa vị và thẩm quyền của
Hyrkanos (quận vương và thượng tế).
Josephus
Bell. I,474 : Kaisar cho Hêrôđê quyền dẫn độ.
Nhưng
những chứng chỉ đó có thể là mạo nhập, hay chỉ có giá trị riêng biệt về một nố,
không thể áp dụng cho quyền thượng tế hay công nghị.
c.3 Tả
hoàn cảnh (nơi chốn, giờ nào). Biến cố thấy được : ánh sáng.
c.4-6. Đối
thoại giữa Phaolô và Đấng hiện ra.
c.7. Nói
đến những người đồng hành với Phaolô. Tác dụng : chứng thực cho điều xảy ra,
tuy họ không tham cuộc được.
c.8-9.
Những hậu quả sau việc xảy ra : linh hồn cũng như thể xác đều mang dấu biến cố
xảy ra. Sự yếu nhược thể xác, mắt mù. Ba ngày không ăn uống : có thể hiểu như
một cuộc chay kiêng, chỉ sự thay đổi bên trong : ăn chay đền tội.
Về trình
thuật : truyện có ít nhiều nét tương tợ với 2M 3 : truyện Hêliođôrô phụng mạng
vua Sêlêukô vào Yêrusalem để tịch thu của cải Đền thờ : vào đến kho Đền thờ,
thì một kị mã hiện ra cùng với hai thanh niên, và Hêliođôrô bị đánh đòn không
ngớt, ngã xuống đất, bị sầm tối lại xung quanh (nhất là từ 2 3:24 trở đi).
c.10.
Hananya : một môn đồ ở tại Damas, c.13 cho ta biết Hananya không phải là một
tín hữu chạy trốn. Và như thế tại Damas đã có tín hữu.
c.11 : Địa
chỉ được nói rõ ràng. Thông cù : từng chữ một “đường thẳng” tức là con đường
khải hoàn, dài 1600 thước, chạy thẳng băng từ đầu thành đến cuối thành (hướng
đông-tây), hai bên có trụ lăng, cuối có “tam quan”.
c.12 :
Hananya được thị kiến, mà Saulô cũng được thị kiến, thấy Hananya đến với mình.
c.13 :
Saulô là một người bắt đạo khét tiếng.
c.14 :
Hananya biết rõ ràng ý định và quyền hạn của Saulô! Nhưng không biết gì về điều
đã xảy ra trên đường!
c.15-16 :
Sự đổi thay Chúa sẽ làm nơi Saulô. Saulô đến để bắt bớ những kẻ kêu Danh Chúa
thì lại thành lợi khí đem Danh Chúa trong thiên hạ. Saulô đến để làm khổ kẻ kêu
Danh Chúa, thì lại được Chúa tỏ cho biết phải chịu khổ vì Danh Chúa.
17-19a :
Rồi các biến cố dồn dập diễn ra : Hananya thi hành sứ mạng; Phaolô được thấy
lại, rồi chịu thay tẩy.
22:1-16.
Trình thuật trước mặt dân chúng tại sân Đền thờ.
c.1-3 :
Muốn nhấn mạnh tư cách dothái chính cống của Phaolô. Luca lướt qua lập trường
của Phaolô đối với Lề luật.
c.4 : tả
nỗ lực bắt đạo của Phaolô (nối lại 8:3 và 9:2).
c.5 : Có
thể là nói cho độc giả xa lạ – chứ 20 năm qua rồi, biết bao đời thượng tế đã kế
nhau. Vả lại nên so với 23:2-5.
c.6 : đây
nói rõ điểm thời gian : giữa trưa. Như thế càng tỏ ra ánh sáng siêu phàm mạnh
chừng nào.
7-10 : các
điều xả ra. Cũng lại giả thiết độc giả hơn thính giả vì không lẽ Phaolô nói đến
“Chúa” cho dothái không tin.
c.11 : nói
rõ Phaolô mù vì bởi ánh sáng chói rực.
c.12-13 :
đây mới trình diện Hananya theo tư cách một người dothái đạo đức đáng tin cậy.
Bỏ ngoài thị kiến của Hananya đi.
c.14-15 :
mọi sự do Hananya nói cả. Kiểu nói Dothái, tước hiệu của Chúa Yêsu cũng cựu
trào. Điều đáng chú ý : một dothái chính cống như Hananya đã nói đến công việc
truyền giáo cho hết mọi người.
c.16 :
thanh tẩy để được tẩy sạch mọi tội lỗi.
26:4-18 :
Trong diễn từ trước mặt Agrippa.
c.4-5 :
nói đến dĩ vãng của Phaolô trong khi còn là biệt phái : Phaolô hầu như đã ở
suốt đời tại Yêrusalem.
9-11 :
công việc bắt đạo của Phaolô được tả một cách rõ rệt hơn các trình thuật khác :
hoạt động của Phaolô bành trướng rất xa, chứ không chỉ ở tại Yêrusalem mà thôi
như thấy trong 9:2 22:5.
13/ Ánh
sáng được tả mạnh hơn trong các trình thuật khác, bao hết mọi người đồng hành.
14/ Mọi
người đều ngã xuống. Tiếng nói của Đấng hiện ra được chỉ đích xác, chứ không
chỉ hàm ẩn trong tiếng “Saul”. Rồi thêm một ngạn ngữ thông thường trong thế
giới Hilạp : “Đòn xóc dí sau, cưỡng lại thì khốn” (phải hơn : đá lại...) (đòn
xóc đây là cái gậy đầu có mũi nhọn, người cày ruộng hay người phu xe dùng để
thích con bò cho nó đi lanh hơn; con bò đá lại thì mình lại chỉ hại mình thôi).
Do đây mà người ta muốn rút kết luận về tâm hồn phân vân và khủng hoảng tâm hồn
của Phaolô.
Nhưng
nghĩa trước tiên chỉ có nghĩa là : Phaolô hoàn toàn ở dưới quyền lực của Chúa
Yêsu.
16-18 : Bỏ
ngoài vai trò của Hananya. Phaolô được tả lĩnh lấy một sứ vụ tiên tri, trực
tiếp do tự Thiên Chúa ban cho : C.16 Ez 2:1 3 c.17 Yr 1:7t (1Ks16:35) c.18
Ys42:7 16. Chính Chúa sống lại sai Phaolô đi rao giảng, cũng như Yavê đã sai
các tiên tri Ezêkiel, Yêrêmya, Ebed Yahweh : sứ mạng của người tôi tớ Yavê – và
bởi đó của Chúa Yêsu – được áp dụng cho Phaolô : do sứ giả của Ngài mà Chúa
Kitô nên ánh sáng cho dân ngoại.
Bình luận
Ba trình
thuật có những điều giống nhau (Phaolô bắt đạo – Đi Damas – cuộc gặp gỡ bất ngờ
trên đường : ánh sáng – lời của Chúa cho Phaolô – lời Phaolô đáp lại – và câu
trả lời “Ta là Yêsu ngươi đang bắt bớ”) và những điều sai biệt :
- về những
kẻ đồng hành (phản ứng khác trong Cv9 Cv22)
- về vai
trò Hananya : Cv26 không nói đến một tiếng – Cv9 Cv22: lời lẽ của Hananya khác
nhau.
- về các
lời của Chúa : Cv9 rất ngắn – Cv22 cũng thế – Cv26 diễn từ.
Bởi trình
thuật sai biệt và giống nhau nên trước tiên bình luận nghĩ đến văn kiện
(Spitta, Wendt, Hirsch...) : trình thuật lặp lại là do nguồn văn – nguồn văn xử
dụng theo kiểu tâm lý sử gia tân thời (Luca không muốn bỏ ngoài một nguồn văn
nào cả). Nhưng hiện bây giờ chung chung các tác giả không nhận có nguồn văn gì
cả. Phân tích văn chương : chỗ nào cũng mang dấu tay của Luca. Bởi đó người ta
nhìn kỹ hơn đến cách soạn văn của Luca, và tác dụng của các trình thuật trong
trước tác :
Cv9 : đọc
giả đụng chạm lần đầu tiên với truyện Kêu gọi của Phaolô. Giả thiết đọc giả
chưa biết gì và ngóng xem kết thúc làm sao : Phaolô chỉ được biết phải vào Damas
(đọc giả không được biết gì thêm : một nét để vạch tỏ từ nay Phaolô hoàn toàn
tùy thuộc quyền của Chúa). Đọc giả phải dụ mình theo tâm tình các nhân vật :
với Hananya rất đỗi bỡ ngỡ trước công việc Chúa ủy thác cho : chẳng những các
kẻ đồng hành chết điếng trên đường – mà Hananya cũng ngây người ta trước cái
kinh ngạc gây nên bởi ơn kêu gọi của Phaolô. Rồi mọi sự diễn ra lanh chóng :
Hananya đến, Saulô được khỏi, được thanh tẩy và bắt đầu ngay công việc truyền
giáo. Nhưng nhiệm vụ của Phaolô mang danh Chúa (9:15) trước mặt các dân, vua
chúa, và con cái Israel đã dọn đàng cho Cv22 và Cv 26 (rõ ràng là trước mặt con
cái Israel chưa bao giờ Phaolô có thính giả Israel đông như thế và có đủ hạng
người như thế – và vua chúa : Agrippa...).
Tại sao
lại thuật đến 3 lần ? Luca đã từng cho ta những trình thuật lặp đi lặp lại như
thế (vụ Cornelius) : một phương pháp để nhấn mạnh một biến cố quan trọng, đọc
giả không nên quên. Người ta không nên để cho những vu cáo Phaolô (và bởi đó
Hội thánh) lọt vào tai mà lầm lẫn : vấn đề quan hệ khởi đầu cho sự chống đối
của người dothái, rồi đế quốc vẫn là công việc truyền giáo dân ngoại. Tại sao
đạo Chúa Kitô không ở yên trong thế giới dothái? Nếu thế thì đã chẳng có xung
đột gì cả rồi. Nhưng Luca muốn vạch rõ, chính Chúa Kitô đã dẫn đến con đường đó
: Phaolô không tự mình muốn làm tín hữu, làm thừa sai, nhưng ngài phải làm thế
: không phải sáng kiến người ta, mà là quan phòng của Thiên Chúa. Khi đặt mình
vào tác dụng văn chương của các trình thuật, chúng ta sẽ thấy những sai biệt kê
trên kia không có gì là quan trọng : tùy hoàn cảnh để trình bày một điều : “mọi
sự đều do tự Chúa” – trong một biến cố có thực : các kẻ đồng hành cũng cảm thấy
– nhưng ơn kêu gọi là ơn riêng của Phaolô (Luca phân biệt cách Phaolô cảm thấy
với cách của các kẻ đồng hành).
Bây giờ
xét đến đặc tính của các trình thuật : đặc tính thần học. Chúng ta đã thấy
Cv1:21t định nghĩa “sứ đồ” là gì. Định nghĩa đó không thể áp dụng cho Phaolô
được. Nhưng đối với Luca : Phaolô tuy không gọi được là “Sứ đồ” như nhóm 12,
cũng thực là tông đồ: vậy phải dùng trình thuật nói ra đặc sắc của sứ mạng
Phaolô :
Cv9 :
Phaolô có đặc tính tương đương với nhóm 12 : nên để ý tới c.15 17 20 “Phaolô
được Chúa sống lại hiện ra và sai đi rao giảng – được đầy Thánh thần – và ngay
sau đó đã rao giảng” (coi Cv2:4). Nên để ý lời của Hananya nhấn đến “đầy Thánh
thần” (c.18 nói đến rửa tội như phụ thêm – còn 22:16 chỉ nói đến thanh tẩy).
Cv9 nhấn
mạnh vào sự “chịu khó” vì Danh Chúa (coi Lc21:12 18: nói về Tông đồ).
Cv22 :
Phaolô là “chứng tá” (5 12 15 18 20). Và bây giờ đã đến lúc làm chứng trong tù
lao thống khổ, nên dung mạo Stêfanô được nhắc đến cách riêng (Cv7:55t : so với
22:11 : Stêfanô thấy doxa của Chúa trên trời – vừa nói ra thì bị giết – Phaolô
sống suốt đời “doxa” đã thấy và bây giờ về Yêrusalem thì cũng gần bị giết).
Chứng : bởi đã thấy : nên Cv22 nhấn vào sự thấy đặc biệt của Phaolô (c.11)
(2Cor 4:6).
Cv26 :
Phaolô là “tiên tri” : trình thuật bỏ ngoài mọi nét không can hệ cho ơn thiên
triệu bởi trời (thị kiến bởi trời : c.19: tức là thị kiến khai mạc một sứ mạng
tiên tri) : Như chúng ta đã thấy các lời của Chúa đều dùng xuất xứ tiên tri cả,
mà là những lời tiên tri thuộc thị kiến khai mạc như một sứ mạng tiên tri (và
cách riêng sự đồng nhất sứ mạng Phaolô với sứ mạng người tôi tớ Yavê).
Vậy 3
trình thuật bổ túc cho nhau để trình bày Nhiệm vụ tông đồ Phaolô.
Cắt nghĩa làm sao thị kiến của Phaolô?
Coi :
Ricciotti No.270-283 lược kê và bình luận về các thuyết. Holzner, Paul de Tarse, p.47ss.
Nhưng
Holzner cũng nhận có dọn sẵn phần nào trong tâm lý Phaolô do :
1) xúc cảm
trước cái chết của Stêfanô (Holzner p.39 41)
2) do sự
bất mãn đứng trước Lề luật (Holzner p.43s)
3) do suy
gẫm trên một vì Mêsia thống khổ (Holzner p.49).
Nhưng tựu
chung là do bởi chú giải trên các xuất xứ này :
2Cor5:16.
Một
câu có thể cắt nghĩa hoặc về sự biết bởi tiếp xúc bằng giác quan : Phaolô đã
biết Yêsu lịch sử – hoặc hiểu hoàn toàn về sự biết theo nhận thức, xác tín tôn
giáo : sự hiểu biết Chúa Kitô theo tinh thần (thần khí) chứ không theo “xác
thịt” (theo kiểu của Dothái phiệt : một sự biết tôn giáo về Chúa Kitô theo thần
khí : một kiểu biết theo xác thịt là thái độ của Phaolô khi còn là địch thủ, là
người bắt đạo). Hiểu theo kiểu thứ 2 phù hợp hơn với mạch lạc hiện tại của thư
2Cor. (coi Recherches Bibliques 5,72-92 : Connaissance charnelle et spirituelle
du Christ dans 2Cor 5:16).
Cv26:14 : đòn xóc
chỉ những bối rối lương tâm, tiếng Chúa thúc giục nhưng Phaolô đã cố làm át đi.
Nhiều nhà chú giải đã không xét kỹ đến công việc soạn tác của Luca nên coi một
lời ngạn ngữ thông thường (chỉ sự bất lực của người ta trước sức của thần linh)
như một ký ức diễn lại trạng thái tâm hồn của Phaolô. Nhưng phải xét Ph3:6 như
lời nói của chính đương sự, hơn là một lời của soạn giả ngoài cuộc. Vả lại, tác
dụng của ngạn ngữ trong diễn từ Cv26 là cốt diễn ra thái độ của tiên tri trước
thiên triệu (kiểu giống như Yêrêmya : đó là sự câu thúc của Thiên Chúa : Phaolô
luôn cảm thấy sự câu thúc phải rao giảng Tin mừng 1Cor9:16 Ph3:1).
Rm 7:7-25 được coi
như một chương tự thuật. Đây chúng ta có một vấn đề chú giải rất phiền toái.
Đối chiếu với Ga 1-14 Ph3:5-6, thì không thể coi Rm7 như tự thuật nhưng như một
“điển hình”, “một mẫu con người tôn giáo” : người nói lên không xa lạ với tâm
tình diễn tả nhưng không nhất thiết là mọi chi tiết đều phải áp dụng cho bản
thân người nói. Và thực sự tiếng “Tôi” trong đoạn hình như đi xa mọi nhân vật
lịch sử, và hướng đến trạng thái của Ađam nữa.
Hiện tại
bây giờ : khuynh hướng chung là không còn muốn cắt nghĩa việc Phaolô trở nên
bằng tạo lại những yếu tố chuẩn bị về tâm lý nữa. Điều cốt yếu và chắc chắn là
lời quả quyết của Phaolô : Chúa Kitô đã tỏ mình ra cho Phaolô (Ph3:12), khiến
Phaolô chối bỏ sự công chính theo Lề luật, tức là cả lý tưởng Phaolô đã đeo
đuổi từ trước đến bây giờ một cách nhiệt thành theo tinh thần Biệt phái, để từ
nay chỉ còn biết có Chúa Kitô (Ph3:8). Vậy mãnh lực của Thiên Chúa tỏ ra trong
sự can thiệp của Chúa sống lại trên đời Phaolô là giải thích độc nhất của các
văn kiện thuật lại việc trở lại của Phaolô.
Còn một
vấn đề nữa : phải đặt hiện tượng thị kiến của Phaolô vào loại nào? Người ta đã
bị thâm nhiễm : khách quan là phải làm sao chụp bóng được. Nên người ta lúng
túng khi thấy Phaolô nói : Thiên Chúa đã khấng mạc khải Con của Người ra trong
tôi” (Ga 1:16), người ta không dám nói đến một “ơn thần bí”. Làm sao chúng ta
có thể lấy một tiếng của chúng ta để đo lường tất cả những gì Thiên Chúa làm
nơi một tâm hồn. Vậy có thể liệt thị kiến của Phaolô vào loại các ơn thần bí,
nhưng một trật cũng phải nhận rõ ràng rằng : Phaolô phân biệt ơn được khi trở
lại khác xa mọi ơn thị kiến sẽ được trong đời Ngài, ơn được trên đường Damas,
Phaolô đặt ngang hàng với những việc Chúa hiển hiện ra cho các tông đồ trước
ngài.
Trở lại hay là thiên triệu, là ơn kêu gọi làm tông đồ?
Đây có một
vấn đề bàn đến sự tế nhận thiên triệu trong đời của Phaolô : thị kiến và trở
lại một bên, và thiên triệu hay ý thức rõ rệt về công việc truyền giáo, nhất là
truyền giáo dân ngoại một bên : hai điều đó xảy ra cùng một lúc, hay là Phaolô
đã do hoàn cảnh một thời sau mà hội ra được thánh ý Thiên Chúa trên đời mình :
là làm tông đồ dân ngoại? Một vấn đề khó giải quyết xác đáng.
Phần đông
các tác giả : là Phaolô được thiên triệu ngay lúc được ơn trở lại (coi cách
riêng ý kiến của LCerfaux, L’antinomie paulinienne de la vie apostolique :
RSR39-40 (1951-1952) (Stauffer, Die Theologie des Neuen Testa-ments,21). Thêm :
LCerfaux, Pour l’histoire du titre Apostolos dans le N.T : RSR 48(1960) 76-92.
Nhưng có
ít tác giả khác (F.Benz, EFascher, Fridrichsen, PGaech-ter) thì nói : Trong thị
kiến trở lại, Phaolô không chịu lấy một bài sai nào cả và đã không thành tông
đồ dân ngoại lúc bấy giờ (Gaechter). Khó mà rút văn tự văn kiện một giải thích
hoàn toàn thỏa đáng. Có lẽ phải dung hòa hai thuyết : Trong mạc khải Con Thiên
Chúa đã hàm ẩn cả sứ vụ.
Vấn đề thần học nêu lên do hiện tượng “Phaolô”.
Vấn đề đem
về tự cách tông đồ đặc biệt của Phaolô.
Về tiếng
Tông đồ (apostolos : coi lại RSR 48-1960 /76-92: Pour l’histoire du titre
Apostolos dans le N.T. (LCerfaux) hay : LCerfaux, Le Chrétien dans la théologie
paulinienne, 99ss.
Vấn đề địa
vịa Phaolô với thánh Phêrô : coi
Doc.Cathol.58
(1961) 495-506 : Saint Perre et St Paul. Saint Paul et la primauté romaine
(Conférence du Cardinal Doepfner).
Thiên
triệu của Phaolô là một hiện tượng mới xảy đến trong cơ sở Hội
thánh.
- Giáo hội
Yêrusalem ngần ngại chấp nhận quyền của Phaolô như Tông đồ (Cv15 Ga2:2) chứng
tỏ Phaolô có cái gì khác quyền lĩnh đạo sẵn có trong Hội thánh trước Phaolô.
- Quyền
Tông đồ và đạo lý Phaolô bị đả kích ngay trong các Giáo hội Galat, Corinthô do
Phaolô thành lập. Và khi đả kích, người ta lại muốn dựa vào uy tín của các tông
đồ và Giáo hội Yêrusalem. Nếu quyền Tông đồ của Phaolô hoàn toàn như quyền các
Tông đồ khác, thì làm gì lại có những sự kiện đó.
- Phaolô
quan tâm vào việc làm cho tín hữu các Giáo hội ngài thành lập công nhận quyền
có trong tước Tông đồ của ngài: chứng tỏ tước đó thích hợp cho thiên triệu của
ngài, nhưng tước đó nơi ngài có mang một tính cách khác đối với các tông đồ có
trước ngài.
Bây giờ
đây về tiếng dùng để tả đặc tính của 2 kiểu làm tông đồ ; tiếng “qui chế”, và
tiếng “đặc sủng” (institutionnel / charismatique) (coi LCerfaux, Le
Chrétien...116-117). Cả hai kiểu làm tông đồ đều có thể nói là qui chế và đặc
sủng. Khi dùng tiếng cho một bên, không phải là loại hết mọi tư cách của tiếng
kia cho bên ấy.
Tông đồ theo qui chế và Tông đồ bởi đặc sủng.
Nhóm 12 : Tông đồ theo qui chế.
Những đoạn
Tin mừng nói đến việc lựa chọn nhóm 12 có ít điều nan giải, nhưng chung thì
chắc rằng việc chọn 12 là một việc lịch sử, và sau khi Chúa sống lại cũng có 12
tông đồ.
Theo Tin
mừng, nhóm 12 tách khỏi các môn đồ nói chung: họ được chịu cả giáo huấn, được
Chúa báo thương khó sống lại. Chúa đã chọn họ để họ ở với Ngài (Mc3:14), để
Ngài sai đi giảng và làm phép lạ (Mc3:15). Việc lựa chọn đó đã in dấu không sao
xóa bỏ nữa nơi họ (dẫu họ là cứng tin, hay bội phản, hay chối Chúa) : Trước khi
Chúa sống lại : tư cách Tông đồ của họ còn là lâm thời (Yn6:67 : cho thấy họ
vẫn có thể tháo lui). Chỉ việc lựa chọn là đã thực thụ đi trước sứ mạng tông đồ
thực thụ. Việc lựa chọn thành như khuôn khổ Chúa sống lại dùng để trao chức vụ
Tông đồ chính thức.
Cùng với
họ Chúa đã lập phép Thánh Thể : chúng ta có thể dựa vào đó để nói rằng họ có
quyền trên các bí tích.
Khi ban
chức vụ chính thức sau Sống lại, Chúa chỉ y chuẩn sự lựa chọn đã làm trước.
Nhóm 12 như thế có tính cách tông đồ theo qui chế : Tông đồ căn cứ trên một sự
lựa chọn đã làm rồi.
Phaolô, tông đồ bởi đặc sủng.
Cách được
kêu gọi : thình lình, ngay lúc gặp Chúa sống lại, chứ không dựa trên một sự lựa
chọn có trước về thời gian. Ngay một lúc đã là Tông đồ thực thụ. Ngược với nhóm
12, Phaolô đi từ Chúa sống lại để tin vào Chúa Yêsu lịch sử.
Hoàn cảnh
của việc gặp gỡ : ngoài chuỗi những hiển hiện của Chúa sống lại, ngoài số và
hạn định của các lần hiển hiện, khi chức vụ Tông đồ đã thành lập rồi. Phaolô
được sự hiển hiện cuối cùng, và nên tông đồ cuối cùng, bởi một can thiệp ngoại
trừ, bất ngờ (vì thế mà Phaolô gọi mình là “đứa con sẩy lòng mẹ”).
Tính cách
qui chế hay đặc sủng còn có thể xét về liên lạc với :
1) Israel. Nhóm 12
tượng trưng cho Israel : nhấn đến liên tục giữa Giao ước cũ và mới, sự trung
thành của Thiên Chúa với lời hứa cho tổ tiên Israel. Sứ vụ nhóm 12 cũng nhắm
đến Israel trước tiên. Phaolô được kêu gọi phải đoạn tuyệt với lòng nhiệt thành
quá khứ, phải ra ngoài đạo Dothái; đạo lý đặc sắc bởi sự tương phản giữa hai
Giao ước, giữa Lề luật và ân sủng, đến Israel mới để rồi cuối cùng ơn cứu rỗi –
ngang qua dân ngoại – mới đến với Israel về phần xác.
2) Thánh
Thần. Nhóm 12 được chọn trước, rồi được Chúa hiện ra, rồi mới
được Thánh Thần : nói được vì họ là Tông đồ nên họ được Thánh Thần. Còn Phaolô
: hết các ơn huệ đó đến một lúc, và nói được vì Phaolô đã chịu lấy Thánh Thần
nên mới là tông đồ. Nhóm 12 được Thánh Thần như ơn của qui chế (Cv5:1-11
15:18). Nơi Phaolô, có sự phân biệt rạch ròi giữa bản thân ngài và công việc
Thánh Thần (1Cor2:1-5 2Cor3:4-6).
3) Hội
thánh. Hội thánh là một đoàn thể có phẩm trật : nhóm 12 và
Phêrô làm đầu họ là trung tâm và có quyền lĩnh đạo. Họ không chỉ là thành phần,
mà là nền tảng, qui lệ, nòng cốt cho cả Hội thánh. Phaolô đến khi Hội thánh đã
có, đã tổ chức; đến như kẻ bắt bớ : rất ngoại thường.
Chức vụ Tông đồ độc nhất. Một vấn đề cần thiết
vào thời Vaticanô II.
I. Thái độ
nhóm 12 đối với Phaolô
1) Nhóm 12 đã thừa nhận chức vụ Tông đồ của Phaolô.
Đây là vấn
đề chú giải Ga1-2. Phaolô muốn nổi bật sự tự lập tự nguồn gốc của sứ vụ mình.
Nhưng tuy thế Ga2,5-9 các tông đồ tiên khởi đã hoàn toàn công nhận sứ vụ của
Phaolô.
Nếu công
việc thừa nhận đó không làm theo nhẹ dạ hay vì tư lợi thì phải nói chúng ta có
một mầu nhiệm quan phòng siêu nhiên chi phối Hội thánh. Những người đã biết
Chúa Yêsu, đã được Ngài chọn lúc sinh thời, ý thức về trách nhiệm mang “tồn
khoản” là truyền thống Tin mừng và tinh thần Chúa Kitô đã nhận là có đầy đủ uy
tín và hiệu lực sứ vụ của một người không hề chứng kiến đời Chúa, lại đã bắt bớ
Hội thánh, và lại chỉ được Chúa hiện ra ở một nơi xa lạ, vào một thời mà từ lâu
Chúa không còn hiện ra cho ai khác nữa. Họ đã không phải đặt tay cho Phaolô, để
tấn phong hay ủy quyền cho Phaolô, nhưng “đã bắt tay tỏ dấu hiệp đồng” (Ga2:9).
Rồi việc phân chia nhiệm vụ : Phaolô chuyên lo rao giảng cho dân ngoại, còn
Phêrô và các tông đồ khác ở Yêrusalem thì lo cho dothái. Đó cũng là điều đáng để
ý : Nhóm 12 được lịnh rao giảng cho mọi dân thiên hạ (Mt28:19). Phêrô đã dẫn
đưa người ngoại vào đạo, và biết Thiên Chúa bãi bỏ sự phân biệt Dothái và dân
ngoại. Bây giờ họ nhìn nhận sứ vụ của Phaolô cho dân ngoại, tiếp tục hoạt động
tự lập; và tất nhiên cản ngăn Dothái có não chật hẹp Yêrusalem không được quấy
rối Phaolô như thể là các tông đồ nhìn nhận Phaolô được thiên triệu hoàn thành
ở ngoài họ, tự do đối với họ, một phần quan trọng của công việc ký thác cho họ.
Một sự khiêm nhượng trước những dàn xếp của Thiên Chúa quan phòng, mà chúng ta
phải nói là một phép lạ. Họ nhìn nhận Phaolô làm tròn sứ mạng của họ, và họ
phải hợp nhất với Phaolô, họ mới trông ở trung tín với chính sứ vụ họ đã được
Chúa ủy thác cho.
2) Các tông đồ đã y nhận Tin mừng Phaolô rao giảng.
Đây là
công việc chú giải Ga2 và Cv15. Chúng ta nói qua những kết luận này : Nhóm 12
đã quen sống núp bóng Đền thờ, trung thành với Lề luật nói được là cạnh tranh
nổi với Dothái chính cống nữa, thế mà họ đã nhận ra được là Tin mừng của Phaolô
giảng giữa dân ngoại với bao nhiêu kiểu trình bày khác tâm não. Họ cũng chỉ là
một Tin mừng độc nhất của Chúa Kitô. Ra khỏi tâm não của mình như thế thực là
một phép lạ nữa.
Có ít điểm
khó khăn : Cv15, Ga2:11-14. Nhưng chúng ta sẽ chú giải sau.
Tin mừng
Phaolô rao giảng không nghịch với Tin mừng của nhóm 12. Nhưng cũng không phải
là “đồ” lại từng chữ. Nhóm 12 nhờ Phaolô mà nhận ra những hậu kết phải kéo ra,
và được chứng kiến sự thành tựu viên mãn của lời họ rao giảng. Họ đã nhận ra
công việc của Chúa Kitô nơi người đến sau họ, và sung sướng tạ ơn Thiên Chúa vì
nhờ đó mà Tin mừng họ đã được tất cả hiệu lực ngoài sứ vụ của họ.
II. Thái
độ Phaolô đối với Nhóm 12.
1) Phaolô nhìn nhận chức vụ Tông đồ của Nhóm 12.
Phaolô
được ơn kêu gọi tự lập đã không tuyên bố độc lập đối với nhóm 12. Phaolô rao
giảng Tin mừng đã không nghĩ mình có thể bỏ ngoài những chứng ta tiên khởi
(1Cor15:1-5).
Thái độ
uyển chuyển của Phaolô đối với các Tông đồ : vừa quả quyết chức vụ biệt lập vừa
cho mình là nhỏ nhất, không xứng đáng gọi là Tông đồ (1Cor15:9).
Chẳng
những nhận quyền các tông đồ, mà luôn luôn duy trì hợp nhất (vấn đề Ga2:1-10).
Cuối cùng : lòng xác tín mạnh mẽ của Phaolô : Chúa sống lại hoạt động nơi ngài
không nghịch với Chúa Sống lại hành động nơi các môn đồ đầu tiên. Tin mừng chân
chính là tin mừng độc nhất các Tông đồ giảng.
Tính cách
duy nhất của nhóm tông đồ chi phối cả việc thành lập và điều khiển hết các Giáo
hội : Một Hội thánh duy nhất. Công việc của Phaolô sẽ không còn là việc của
Thiên Chúa, giả sử như các tông đồ Yêrusalem không chịu trách nhiệm : vì mọi sự
phải là do ủy quyền của một Thánh thần đã ban cho hết thảy và mỗi một người.
Đây ta có
ý niệm thần học của Phaolô về chức vụ tông đồ: Ep2:20. Phaolô có chân trong
nhóm, nhưng nhóm vượt quá, và tự lập đối với chính mình ngài : một điều Thiên
Chúa thiết lập vượt quá cá nhân mang trách nhiệm : Nhóm Tông đồ đã hiện tỏ như
một thực tại của đức tin.
2) Phaolô nhìn nhận truyền thống Tin mừng tiên khởi.
(coi
LCerfaux, La tradition selon St Paul : VieSpir. Supp.No55, 1953 176-188). Tóm
tắt : Phaolô biết truyền thống Tin mừng (1Cor7:10 / Mt5:32) 1Cor9:14 / Mt10:10
Lc10:7, Cv20:35, 1Th4:15 – nhưng cách riêng 1Cor11:23-29, 1Cor15:1-3. Phaolô
truyền cho các giáo hội của ngài truyền thống của Giáo hội Yêrusalem.
III. Quyền
chức tông đồ có tính cách tổ hợp : tay hãy nói là liên quán : quyền
của mỗi vị đầy đủ, nhưng phải thi hành làm sao mà không đoạn tục với quyền của
các vị khác. Ngay việc dùng quyền các ngài cũng dùng trong một đức tin là chỉ
có một Thánh thần điểu khiển cả nhóm, cũng như mỗi một người. Xét về mặt loài
người, một tổ chức rất đỗi bấp bênh. Nhưng đó là một tổ chức Hội thánh chịu lấy
trong lòng tin. Và xét về hậu quả, thì thấy được phần nào sự điều khiển siêu
nhiên đó, những điều ta phải nói là phép lạ trong việc công nhận chức vị giữa
nhóm 12 và Phaolô. Đó là một qui chế, nhưng qui chế bỏ ngỏ cho mãnh lực Thánh
Thần hoạt động hoàn toàn tự do (đó là đặc sủng, hay nói cách khác với Leuba, là
“biến cố”) : ở nơi nhóm 12 cũng như nơi Phaolô, nhưng cũng phải nói tính cách qui
chế nhiều hơn ở nhóm 12, và tính cách “biến cố” trổi hơn trong nố Phaolô.
Đối với
Hội thánh thời sau : ta thấy trong “chức vụ Tông đồ” có hai điều : là chức vụ,
đó là qui chế bình thường cho Hội thánh. – Nhưng là chứng tá tiên khởi trực
tiếp liên lạc với khởi nguyên của nhiệm cục mới, “biến cố” nền tảng Tân ước,
nên nó là đặc sủng. Đặc sủng không thể nào thông cho ai khác. Vậy chức vụ tông
đồ theo tính cách chức vụ sẽ cứ tiếp tục, qui chế nền tảng của Hội thánh : đó
là tính cách kế thừa của chức vụ, cho Phêrô cũng như cho các Tông đồ, bảo đảm
cho sự liên tục về chức vụ, cũng như sự liên tục về truyền thống.
Cv 9:19-30. Phaolô ở Damas và lên Yêrusalem
Từ đây vấn
đề trở nên gay go khi muốn so chiếu Cv với các thư của Phaolô có liên can đến
biến cố. Cách riêng với Ga 1:10-2:14.
Tại Damas : so Cv
9:19b-22 với Ga 1:17.
Truyền
thống Luca sử dụng không còn nhớ đến những năm Phaolô sống trong vùng Árập.
Vùng Á rập đây có thể chỉ cả dải đất đi từ sông Fơrát phía Bắc cho đến miền Nam
bên Đông Falệtin (Petra là kinh đô của dân Nabatê). Nhưng đây, chiếu theo hoàn
cảnh, thì có thể hiểu là đất đai thuộc quyền Arêta (vua người Nabatê) xung
quanh Damas. Phaolô làm gì ở đó? Có tác giả nghĩ đến suy ngắm và cầu nguyện.
Nhưng phải hơn là Phaolô đã bắt đầu truyền giáo, có lẽ giữa những nhóm Dothái,
nhưng hậu quả không bao nhiêu (Phaolô không bao giờ nói đến Giáo hội nào ngài
đã lập trong vùng này), và bởi đó mà người ta quên bặt quãng thời gian đó.
Trốn khỏi
Damas
(Cv9:23-25 Ga1:17c 2Cor11:32t.
Cv nói đến
sự cừu địch của Dothái; Ga không nói gì cả; 2Cor nói đến thái độ cừu địch của
tù trưởng Nabatê thuộc quyền vua Arêta (tức là Arithat IV lên ngôi lối –9, cai
trị 48 năm, bởi đó chết vào hạn cuối cùng là năm 40). Cách trốn : Cv và 2Cor
giống nhau. Vậy vấn đề là lý do phải chạy trốn : theo Cv hay theo Ga, hay dung
hòa.
Lên
Yêrusalem : Cv9:26-30 Ga1:18-24.
Đây là
điểm gay go nhất cho trình thuật Cv. Theo bình luận lịch sử ngày nay, thì phải
nhận nghĩa trực tiếp của lời lẽ Phaolô. Nếu thế thì trình thuật là một cách tái
tạo trình tự lịch sử theo phỏng đoán, một khi ký ức về 3 năm tại vùng Árập đã
mai một rồi (đây là một chứng để nói rằng Luca không xử dụng các thư Phaolô).
Bởi việc lên Yêrusalem đem lại sát ngay sau việc trở lại, nên tại Yêrusalem các
Tông đồ không biết (nhưng cũng lạ là Barnaba lại biết!). Đàng khác Luca tại
muốn nhấn đến việc các Tông đồ y nhận sứ vụ Phaolô, nên lại tả một bức họa rất
trái nghịch với Ga1:18t.
Phaolô
muốn cho thấy nguồn gốc siêu nhiên của thiên triệu mình, còn Luca muốn trình
bày : việc rao giảng khởi tự Yêrusalem, vai trò trung tâm của Yêrusalem, sứ vụ
duy nhất của nhóm Tông đồ. Luca gặp được một khía cạnh của đời thánh Phaolô :
tuy tự lập, ngài vẫn luôn duy trì hợp nhất của Hội thánh, sự đồng nhất đạo lý,
và truyền thống, nhất là với Phêrô : Phaolô đi Yêrusalem với mục đích rõ rệt là
“yết kiến” Phêrô (một tiếng mạnh, Phaolô nhìn nhận vai trò đặc biệt của Phêrô).
Phaolô nhấn đến mình lên có 15 ngày : để nói rằng mình không phải chịu lấy tín
thư tự Phêrô. Nhưng trong 15 ngày đó : nếu truyền thống đã là như một “Summa
theologica”, thì tất nhiên là không có thì giờ để thụ giáo. Nhưng nếu là
Kerygma tiên khởi, những ký ức chính về đời Chúa Yêsu : tất nhiên không cần hẳn
15 ngày để học hỏi cho biết!
Cv11:19-26 : Giáo hội dân ngoại tiên khởi tại Antiokia
Antiokia :
coi Ricciotti : số 30-31.
Một biến
cố nói được là khởi điểm thứ hai của Hội thánh tiên khởi bắt đầu và rất sớm :
một Hội thánh ở ngoài cộng đoàn dân tộc Dothái : đó là Giáo hội Antiokia, tương
chiếu (về tầm quan trọng) được với Yêrusalem. Antiokia là một thị trấn lớn vào
bậc nhất đế quốc : dân cư lên đến 30 vạn, trong số có đến 3 vạn người Dothái.
Có ít người Hi-hóa trốn khỏi Yêrusalem đã đem Tin mừng giảng cho người ngoại,
và đã thanh tẩy họ mà không đòi họ chịu cắt bì, rồi lại chung sống với họ, không
còn tuân giữ những qui định của Luật Môsê. Tại Damas, chúng ta thấy khác : tín
hữu vẫn lai vãng hội đường và còn là thành phần của bang Dothái địa phương. Tại
Antiokia, tín hữu sống bên cạnh hội đường như một nhóm tôn giáo tự lập, không
lấy luật Môsê làm căn cứ nữa : ngoài những điều răn chính, lòng tin đã thâu
nhận theo một nhỡn giáo mới (Mc10:18t 12:28tt), thì các luật điều khác bị gác
một bên (Mt23:23). Đó là hình ảnh chúng ta đọc được chiếu theo Ga2:23tt 11tt
Cv15:1.5. Nhưng một hậu quả không hay cũng đến ngay một lúc : tách biệt khỏi
đạo Dothái như thế, tín hữu không còn được hưởng đặc ân religio licita, đế quốc
Rôma đã công nhận cho người Dothái. Nhưng vào những buổi đầu này, giữa một trị
trấn lớn như Atiokia, Giáo hội Antiokia vẫn có thể phát triển không bị trở ngại
: chưa nghe đến xung đột nào với Dothái hay với chính quyền.
Cv9:26 :
chẳng bao lâu bàng cận cũng nhận rõ tính cách riêng biệt đối với Dothái (tuy
cũng có lắm điểm đồng nhất), và người ta đã đặt tên riêng cho cộng đoàn đó (có
lẽ vào lối năm 40), một tên mà 20 năm sau ngay ở Rôma người ta cũng biết đến
(Tacitus Ann.XV 44 : quos per flagitia invisos vulgus Chrestianos appella bat,
- và Tacitus giả thiết hiểu tiếng Christos như tên riêng của một người : auctor
hujus nominis Christus). Suốt thế kỷ II, chính tín hữu cũng tự xưng mình như
vậy nữa (chứng chỉ tiên khởi : Ignatius).
Theo
Suetonius (Vita Claudii 25) Claudius đã ra lịnh trục xuất Dothái (theo Orosius
: năm 49, và cũng phù hợp với Cv18:2) khỏi Rôma, vì họ gây náo động “impulsore
Chresto”. Mà Chrestos / Christos đọc y như nhau, nên có lẽ có những tín hữu từ
Antiokia đã qua Rôma, và đã rao giảng Tin mừng trong các Hội đường Rôma, và đã
làm cho Dothái tranh luận nhau náo động trong các Hội đường. Thư Rm cho thấy ở
Rôma cũng có một giáo hội tương tợ như ở Antiokia. Như thế biến cố thành lập
giáo hội Antiokia nói được là khởi điểm thứ hai của Hội thánh sơ thời; và do tự
Antiokia hay song song với Antiokia, điều đó cũng diễn ra tương tợ trong các
thành Syri, Kilikia (Ga1:21 Cv15:23) ngay trước khi Phaolô đến Corinthô. Điều
đó cũng đã xảy ra ở Rôma nữa (dọc theo bờ biển : Cv8:40 9:32tt 10:1tt 21:3 7
27:3).
Bình luận văn chương.
Cv11:19-26
: Biến cố quan trọng như thế, sao Luca chỉ có ít hàng buồn tẻ này? Xưa kia
người ta muốn tìm ra nguồn văn để cắt nghĩa. Nhưng nay ai cũng nhận là văn của
Luca cả. Trong tổ chức của Cv : biến cố Cornelius mới có tính cách thần học và
cốt yếu xét về nguyên tắc. Luca dành cho Phêrô việc khởi xướng truyền giáo dân
ngoại; và việc công nhận nguyên tắc thì lại dành cho công đồng Yêrusalem. Nên
Luca không tô điểm gì hơn ít yếu tố lạc lõng Luca đã vớt vát được : có những
người Hi-hóa gốc Kyrênê và Kyprô đã giảng cho dân ngoại trước tiên; vai trò của
Barnaba tại Antiokia; sự cộng tác chặt chẽ tiên khởi giữa Barnaba và Phaolô;
Barnaba lại đứng đầu trong sổ cựu trào còn giữ lại được (Cv13:1). Tổ chức trình
thuật hiện tại, có lẽ do Luca sắp đặt lại một phần nào đó theo như Luca xét là
cái nhiên. Vì thế có nhiều tác giả coi Barnaba như là chính người khởi sáng
Giáo hội Antiokia, và như vậy đã là một tiền phong sáng suốt, đã có công quyết
định đầu tiên việc giải phóng tín hữu dân ngoại khỏi Lề luật, tuy không nhất
quyết bằng Phaolô (như biến cố Ga1:11tt sẽ cho ta thấy).
Những vấn
đề hàm ẩn trong thời điểm thứ hai của Hội thánh này.
1) Từ
Yêrusalem bước qua Antiokia, Kitô giáo – xét về lịch sử tôn giáo – đã chuyển từ
khu vực văn hóa đạo Dothái Falệtin qua văn hóa Hilạp. Tin mừng được dịch ra một
tiếng khác, và một trật được lĩnh chịu lấy và chuyển đi theo những cơ sở tư
tưởng của một vũ trụ quan khác. Tin mừng nhất thiết sẽ chịu ảnh hưởng Hilạp.
Nhưng cũng phải nhớ rằng :
a) Hai khu vực không đóng kín như người
ta tưởng; hai bên đã xâm nhập vào nhau. Ảnh hưởng đã lan đến đạo Dothái-Falệtin
lâu rồi; ở Yêrusalem lại có nhóm Hi-hóa, và đã chuyển Tin mừng qua từ ngữ Hilạp
rồi. Ngoài Falệtin, nơi những vị trí quan trọng đã phát sinh những cộng đoàn
sống giữa Dothái kiều, đến đỗi những nét phụng vụ Tân ước không mang tính cách
Hilạp mà là Dothái.
b) Hội thánh sơ thời không tất nhiên ôm
lấy tất cả các quan niệm Dothái hay Hilap, nhưng đã tự tạo lấy những quan niệm
cần thiết cho sinh hoạt của mình, về luân lý (như gia đạo nói trong các thư),
nhất là về đạo lý (Kitô luận không hề có chút thần thoại).
c) Có một loạt truyền thống Kitô giáo
tự lập chung cho hết các giáo hội. Truyền thống đó không phát tự Antiokia như
người ta tưởng, nhưng là tự Yêrusalem (1Cor).
d) Không được giảm ảnh hưởng của những
người có nhiệm vụ rao giảng, và tuyên tín chung của các cộng đoàn. Hội thánh
tiên khởi có ý thức tách mình khỏi những ảnh hưởng vô ý thức của điều mà thánh
Phaolô gọi là “người cũ”. Kitô giáo Falệtin và Kitô giáo Hilạp chỉ khác nhau về
môi trường sinh hoạt và do đó mà kiểu tư tưởng và diễn đạt bị chi phối nhiều
ít.
2) Xét về
mặt thần học, việc chuyển tự Yêrusalem qua Antiokia không chỉ là đổi khu vực
văn hóa, nhưng cốt thiết là việc vượt quá khu vực Dân Giao ước. Điều kiện thánh
sử thay đổi một trật với cơ sở dựa trên vũ trụ quan. Đây Hội thánh đi hẳn vào
thế giới ngoại đạo không còn được dọn trước bằng những nhóm “kính giới Thiên
Chúa” xung quanh Hội đường. Từ trước đến bây giờ, Kerygma “Yêsu là Đức Kitô”
cũng đủ cho Dothái. Một Kerygma như thế, dân ngoại sẽ chẳng hiểu gì cả. Trước
tiên phải dùng Cựu ước mà loan báo “chỉ có một Thiên Chúa”. Và một khi có người
trở lại, thì phải nghĩ đến họ sẽ sống làm sao? Theo Lề luật? Vấn đề đặt ngay từ
đầu, và cũng ngay từ đầu, những người Hi-hóa đã thanh tẩy mà không đòi tín hữu
phải chịu cắt bì : thế là Kerygma về Chúa Yêsu, Đấng Thiên Chúa hứa cho Israel,
và Tin mừng Yêrusalem được phát triển thành Tin mừng thoát luật Môsê chung cho
dothái cũng như dân ngoại : để có thể chỉ có một đức tin, một thanh tẩy, một
Hội thánh, không rơi vào tạp giáo (Syncrétisme) mà cũng không còn là đạo
Dothái.
Công việc
đó nhiều người đã nhúng tay vào. Barnaba có công lớn, như chúng ta đã nói trên.
Nhưng nhân vật có ý thức được kêu gọi để giải quyết vấn đề là Phaolô, tông đồ
của Chúa Yêsu cho dân ngoại; vừa phải chiến đấu chống tạp giáo (như thấy lộ
diện tại Corinthô) bằng đi sâu vào Thánh sử Cựu ước (1Cor10:1tt), vừa nhất
quyết khước từ Lề luật đối với tín hữu (Ga2:21) : dựa trên mạc khải do Chúa
sống lại, Phaolô đã tế nhận hơn ai hết Tin mừng cho cả dothái lẫn dân ngoại, và
cho Hội thánh dân ngoại được dung mạo căn bản. Nhưng một khi thấy Phaolô có thể
viết cho tín hữu Rôma tín thư của mình, không ngại ngùng sợ bị chống đối, thì
ta phải nhận rằng : Tin mừng đó là của chung cho mọi Giáo hội. Và thực sự vào
cuối thế kỷ (theo 1Clem. năm 96) các thư của Phaolô đã được coi như chứng chỉ
qui lệ về Chúa Kitô. Như vậy tín thư của Phaolô là đạo lý của Hội thánh dân
ngoại, vì được mọi nơi nhận như thế, tuy không phải biết tín thư đó đã mặc sắc
thái đặc biệt thế nào ngang qua cá tính của Phaolô.
3) Và như
thế là nảy ra vấn đề Giáo hội học : lập trường lịch sử và thần học giữa Giáo
hội Falệtin và Giáo hội dân ngoại. Lập trường đó sẽ bày tỏ trong quyết nghị
Công đồng Yêrusalem (chiếu theo Cv15 và Ga2). Muốn có ý tưởng minh bạch thì
phải nhớ rằng : Giáo hội Falệtin có một, các Giáo hội đó trực thuộc Yêrusalem.
Còn Giáo hội dân ngoại : phức tạp. Có những giáo hội Phaolô thành lập, trực
thuộc quyền Phaolô. Nhưng ngoài ra còn biết bao giáo hội dân ngoại khác không
thuộc quyền Phaolô. Họ sống thế nào, liên lạc thế nào với nhau và với
Yêrusalem? Chúng ta chỉ nhờ nố các giáo hội Phaolô lập mà hiểu phần nào. Nhưng
về các giáo hội của Phaolô chúng ta có 2 trình thuật : Công vụ và các thư của
Phaolô. Công vụ cho thấy sự hiệp nhất liên tục phát triển từ Yêrusalem mà đi.
Còn Phaolô cho ta thấy những nỗ lực của ngài để cổ võ hiệp nhất. Chung chung có
hai trào lưu : Yêrusalem cũng nỗ lực tiếp xúc với các giáo hội ngoài Falệtin và
trong các giáo hội của Phaolô (đáng để ý : trước hết Phaolô hoạt động với
Barnaba, rồi với Sila : những người liên lạc mật thiết với Yêrusalem – rồi đến
hành trình thứ 3 (Êphêsô) thì cộng sự viên đều là những người thuộc quyền
ngài). Ngược lại Phaolô cũng thẩm định phải chăng việc cộng tác của các người
thuộc cộng đoàn tiên khởi, nhấn mạnh vào “Koinônia” giữa Hội thánh dân ngoại
với Yêrusalem cùng các tông đồ tiên khởi (Ga2:1 9 1Cor15:11 Rm15:27 31).
(Có thể
coi : Leuba, L’institution et l’événement : 3è Partie : Eghise nhưng đây phải
nói rằng muốn phân tách “qui chế” và “biến cố” quá rõ rệt để coi Giáo hội
Falệtin là qui chế, và Giáo hội dân ngoại là “biến cố”, Leuba đi đến một sự
phân biệt quá ép gượng nếu không phải là giả tạo).
Cv11:27-29. Lời tiên tri Agabos về cơn đói kém
Coi :
Rigaux, Saint Paul et ses Lettres, 105-107.
Vấn đề của
Luca là tả những mối liên lạc giữa Yêrusalem và Giáo hội Antiokia. Sự khắng
khít giữa hai bên, thông chia cùng nhau ơn huệ Thánh thần (ơn tiên tri) và vật
chất (quyên trợ). Đó là điều cốt thiết của trình thuật. Còn ngoài ra Luca sử
dụng những truyền thống, nhưng kiểu sắp đặt thì gây nên rất nhiều điều khó
khăn.
Cái khó
khăn đặc biệt là những hành trình của Phaolô đi Yêrusalem.
Phải so
sánh : Cv9:26-29 (A) 11:30 (B) 12:25 (C) 15:2tt (D) với trình thuật Ga1:18t (a)
2:1tt (b).
Những điều
chung chung đã được giải quyết (ít là số đông tác giả)
(i) đồng
nhất giữa hành trình A và a
(ii) dị bản Cv12:25 “in Jerusalem” (in với accusatif)
thay vì ab Ierosolymis (Vg, theo A,33 sy(h), sa bo (ar).
về nghĩa :
nếu hiểu In Jerusalem như trở lại Jerusalem (latinh sẽ dịch : reversi sunt in
Ierosolyma) thì chúng ta lại thêm một hành trình mới nữa.
Nhưng cũng
có thể hiểu theo koinè : và kéo về “hoàn tất công việc trợ cấp” ở Yêrusalem và
như vậy thì không còn là một chuyến đi.
Cũng có
thể hiểu in Ierosolyma và kéo theo “hoàn tất công việc trợ cấp “cho
Yêrusalem” (in : in favorem...)
(iii) Ga2:1 : tiếng Hilạp “dia” thường nghĩa là “trong
khoảng thời gian” nhưng đây phải nhận là “sau”.
Nhưng khởi điểm cho 14 năm có thể là :
- biến cố Damas :14 năm có thể chỉ là 12 rưỡi / 13.
- chuyến
đi Yêrusalem (Ga1:18) : 14 + 3:17 (có thể chỉ là 15 rưỡi).
Còn vấn đề
tương chiếu giữa các chuyến đi :
Thư tịch :
JDupont,
Les problèmes du livre des Act.51-67.
- Notes sur les Act.des Ap (RB62 (1955)
45-49)
- Pierreet Paul ds les Act.(RB64 (1957)
35-47.
PBenoit , La deuxième visite de StPaul à Jérusalem.
(Biblica 40 (1959) 778-792)
Brigaux, StPaul et
ses Lettres, 103-123.
Để khỏi
kéo dài một vấn đề dựa nhiều trên ức thuyết, có thể tạm nhận những kết luận này
trong Rigaux :
1. Không
có giải quyết nào là hoàn toàn chắc chắn. Chỉ có những giải quyết cái nhiên
thôi.
2. Phải
học các thư Phaolô và Cv riêng ra trước đã, tùy theo loại văn. Vấn đề tương
chiếu là phụ thêm sau. Cả hai đàng không có một niên biểu rõ rệt. Bình luận văn
chương về Cv khúc mắc. Nhưng phải dành ưu tiên cho những ký ức của Phaolô trong
các thư.
3. Đồng
nhất hành trình nói trong Ga1:18t với Cv9:26tt.
4. Về hành
trình II trong Cv
a) không rõ hẳn là Cv muốn đặt vào thời gian
Agrippa chết (năm 44).
b) Có thể đặt vào thời “đói kém” tại Falệtin
như Cv muốn nói.
5. Nhận có
một hành trình vào lối 44 mà Phaolô không nói đến không phải là tuyệt đối không
chút cái nhiên.
6. Nhưng
kiểu hành văn của Cv khiến có lý mà coi Cv11:30 12:25 như trùng với Cv15. Và
nhận rằng Ga2:1-10 nói đến một biến cố như Cv15. Và biến có đó xảy ra sau hành
trình truyền giáo I (Cv13-14). Đàng khác đặt biến cố đó vào năm 49 thì phù hợp
với nạn đói kém tại Falệtin và dự kiện Cv18:12-17 (Phaolô bị lôi ra tòa Galilê và
như thế đòi Phaolô phải có mặt tại Corinthô lối 50-51).
7. Giải
quyết như thế tất nhiên không hạp với Cv11:30 12:25; nhưng bình luận văn chương
về đoạn văn Cv này không thể nói là mong manh hay chủ quan.
8. Ga1:18
2:1 là kiểu nói những việc kế tiếp nhau, nên cũng hiểu tiếng dùng (épeita)
(rồi...) và như thế phải cộng 14 năm với 3 năm : hành trình II đi Yêrusalem xảy
ra 17 năm sau khi Phaolô trở lại, nhưng con số đó, như đã nói, có thể chỉ là 15
rưỡi. Và như vậy các biến cố đòi Phaolô chỗ này tiếp theo nhau thế này :
34 :
Phaolô trở lại
47-48 : Hành trình
truyền giáo I (Cv13-14)
49 : Phaolô
lên Yêrusalem II, Công đông Yêrusalem.
50-52 : Phaolô ở
Corinthô (cuối 50 đến tháng 7-9 năm 52).
Cv 12:1-23 : Agrippa cấm đạo. Phêrô thoát ngục.
Agrippa I
bắt bớ Hội thánh, có lẽ dưới ảnh hưởng biệt phái. Nhờ có liên lạc với Claudius,
nên Agrippa đã được quyền trên toàn cõi Falệtin từ 41-44. Một ông vua ở
Yêrusalem thì ra vẻ đạo đức đặc biệt làm cho những người sùng đạo như Biệt phái
ngưỡng mộ, nên có lẽ do bởi muốn mua lòng dân, hay do Biệt phái xúi giục (làm
tiệt nòi thứ lạc đạo mới bắt đầu đó) nên Agrippa đã nhiễu hại Hội thánh.
Trình
thuật rất đặc sắc về kiểu thuật truyện : các cảnh diễn một cách hấp dẫn từ đầu
chí cuối, làm cho người đọc cảm thấy hồi hộp sau mỗi cảnh.
Còn tranh
luận về ngày tháng Agrippa đã chết (theo Cv là ít lâu sau lễ Vượt qua, nhưng
cũng có tác giả chủ trương là trước Vượt qua).
No comments:
Post a Comment