Trong kho
tàng Kinh Thánh, có câu chuyện của ngôn sứ Hôsê để lại cho người nghe những cảm
xúc mãnh liệt, ray rứt và chua xót khôn nguôi. Hôm nay, thứ năm sau Chúa Nhật
thứ 18 mùa Thường niên, Hội Thánh trong bài gẫm thứ nhất, chuyển tải cho chúng
ta một phần câu chuyện này.
Hôsê được
kêu gọi làm ngôn sứ, nhưng trước khi chính thức kêu gọi, Chúa phán bảo Môsê:
“Hãy đi cưới một người đàn bà làm điếm…” và Hôsê đã vâng lời kết hôn với một
“con điếm”. Người đàn bà này sinh cho Hôsê ba người con, Chúa truyền dạy đặt
tên cho chúng không ra sao cả, những cái tên không diễn tả hạnh phúc, sự hài
lòng hay niềm hy vọng, chỉ là những cái tên phản ánh sự bất xứng, sự ruồng bỏ,
và tầm thường. Rồi người đàn bà đó tiếp tục ngoại tình, Chúa bảo Hôsê đi tìm
kiếm về, tha thứ, yêu thương như thủa ban đầu, như chưa từng có sự gì đã xảy
ra.
Trải qua cuộc đời như vậy, Hôsê được sai đi làm Ngôn Sứ, nói lên tình
yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người, nói lên sự bất trung
bất nghĩa của con người đối với Thiên Chúa. Từ thân phận hèn hạ, Thiên Chúa yêu
thương đón nhận về, không phải để làm nô lệ, nhưng để yêu thương và chia sẻ,
những gì con người có thể làm cho Thiên Chúa thì chỉ toàn là những điều bất
xứng, những sự chẳng ra gì, chỉ là những chuyện tầm thường không đáng kể. Con
người tiếp tục ngoại tình, tiếp tục phản bội và tiếp tục lún sâu xuống sình
lầy, Thiên Chúa lại nhẫn nại đi tìm kiếm về, yêu thương, tha thứ và tiếp tục
như chưa từng xảy ra điều gì.
Vì đã
sống, đã kinh nghiệm tự thân, Hôsê loan báo một cách sinh động tình yêu thương
của Thiên Chúa, và Hôsê cùng loan báo cách sinh động về sự bất xứng của con
người. Sau này Thánh Phaolô nói rất mạnh về sự bất xứng của con người, ngài lên
án quyết liệt về một thứ kiêu căng của con người đối với Thiên Chúa và đối với
nhau, “Đã chịu lấy cách nhưng-không, sao lại vênh vang như là không chịu lấy ?”
( 1Cr 4, 7 ).
Tổ tiên chúng ta đã kiêu căng, không chấp nhận thân phận thụ tạo nên đã
mang sự chết vào cho nhân loại, Sao chúng ta lại tiếp tục con đường đó để tiếp
tục hủy hoại chính chúng ta ? Hôm qua, nghe lóm trong cuộc nói chuyện của một
số vị có trách nhiệm trong Giáo Hội Việt Nam, có vị kể rằng: một đại diện của Tòa
Thánh, sau một thời gian tiếp xúc với nhiều thành phần ở Việt Nam, khi được hỏi
đã thấy gì trong Giáo Hội Việt Nam, đã không ngần ngại trả lời… “Giáo Sĩ trị” !
Nếu nhận
xét đó đúng thì thật đáng tiếc, như thế chứng tỏ hình ảnh Đức Phanxicô không
thấm vào cách sống của những con người mang tính Giáo Sĩ trị. Họ không biết họ
là ai, từ phân tro, từ cát bụi, từ hàng “đĩ điếm”, Chúa cất nhắc lên để làm tôi
tớ, lấy gì làm vênh vang, lấy gì làm kiêu hãnh, lấy gì để phô diễn, để kể công,
để huênh hoang, để ngỡ mình là hàng khanh tướng ?
"Lạy Chúa,
con chỉ là đầy tớ vô duyên,
vô duyên bất tài…"
( Tình Chúa yêu tôi, Hải Linh, diễn ý Lc 17, 10 )
vô duyên bất tài…"
( Tình Chúa yêu tôi, Hải Linh, diễn ý Lc 17, 10 )
Xin cho
lời kinh này thật sự là lời kinh của những người được xếp vào hàng tôi tớ.
Lm. VĨNH
SANG, DCCT, 7.8.2014
No comments:
Post a Comment