Saturday 23 August 2014

Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR: CHƯƠNG 5 NHÓM 12 – PHÉP LẠ – CẦU NGUYỆN Cv 1:15-26



CHÚ GIẢI ÍT CHI TIẾT.
Vấn đề Yuđa chết so giữa Cv và Mt 27:3-10 (coi P.Benoit, Exégèse et Théologie, I, 340-359 : La mort de Judas).
Chúng ta phải nhận rằng trình thuật đã khá xa biến cố (Cv cũng như Mt) : đến đỗi có thể thành một truyện “suy nguyên luận” về một thửa đất gần Yêrusalem, và mỗi bên hiểu một đàng.
Cả 2 trình thuật đều dụng tâm vào việc “lời Kinh thánh được thành tựu” (vấn đề chú giải Mt khá rắc rối về những tiên tri trưng ra). Còn về cách chết của Yuđa : không thể giảng hòa giữa 2 trình thuật. Nhưng đây chúng ta cũng phải nghĩ đến việc thành tựu lời Kinh thánh : Mt nghĩ đến gương một kẻ bội phản trong Cựu ước : Akhitophel (2S 17:23). Còn Cv nghĩ đến Kng 4:19 : Cái nhiên hơn cả là Hội thánh sơ thời đã nhìn thấy Người Công Chính bị bắt bớ là Chúa Yêsu và như thế hạng tội ác không hiểu, và đã bắt bớ giết người công chính được nhìn thấy nơi Yuđa. Đích thực Yuđa chết thế nào, chúng ta có thể dụ dựa, nhưng thực sự kiểu chết như trong Mt không có gì bác được.
Cái chết đó có liên lạc với một thửa đất. Hai trình thuật đặt liên lạc khác nhau. Đây cũng vô phương giảng hòa. Cv muốn áp dụng lời Tv 69:26, và muốn nói lên rằng của phi nghĩa do tội ác không béo bổ gì cho Yuđa.
Heqeldama : thuộc khu ngoại ô Yêrusalem nằm chỗ gặp nhau của 3 thung lũng : Kêdrôn, Tyropoeon, Gê-Hinnom : nói được là khu kỹ nghệ : vì sẵn nước và lửa (nhờ luồng gió dễ đốt lò) : có thợ gốm, nghề nhuộm, nghề đúc. Rồi kỷ niệm nhớ lại những đống lửa xưa kia dân dị đoan Yêrusalem thiêu người (Yr 19:13). Rồi đó cũng là nghĩa địa nữa. Một khu vực “khả ố” đáng nhờm tởm.
Tóm lại chúng ta chỉ hội ra được những thành phần cấu tạo nên một trình thuật bình dân; liên lạc giữa hết các yếu tố với cái chết của Yuđa khó mà hội ra được thực sự thế nào.
C.21-22 chúng ta có một định nghĩa về chức vụ tông đồ theo đạo lý Cv. Tông đồ là kẻ nối thời Hội thánh với thời Chúa Yêsu : nhân vật lịch sử với những người lịch sử.
23. Theo đề nghị của Phêrô, cộng đoàn tiến cử 2 người.
24-26. Chọn bằng việc bắt thăm : Chính Chúa Yêsu chọn Tông đồ của Ngài.
BÌNH LUẬN TRÌNH THUẬT
1. Ta thấy được rằng c.19 không muốn nói cho những người có mặt, nhưng cho độc giả Cv. Vì thế xưa kia người ta muốn coi như “mạo nhập”. Nhưng c.18 cũng không cần gì cho những người hiện diện.
Rồi c.20 khó áp dụng cho Yuđa : trại chăn nuôi, thửa đất. Bản Hipri : của chúng nó. Có tác giả hiểu “trại” cho chức vụ Tông đồ, nhưng như thế thì cấm đặt người thay thế. Thành thử 20 cũng không hạp hoàn cảnh Falệtin những ngày đầu. Nếu thế thì c.16 dọn trước lời Kinh thánh cũng thế. C.21-22 giả thiết quá đáng : không phải mọi Tông đồ đều chứng kiến tất cả sứ vụ Chúa Yêsu từ ngày thanh tẩy.
Kết luận 16-22 không thể giữ lại chính diễn từ của Phêrô trong ngày đặt trong mạch lạc Cv.
2. Diễn từ phải coi như công việc trước tác của Luca : xây dựng một trình thuật vì đạo lý : Vai trò tông đồ trong Hội thánh. Nhưng không phải bịa được. Luca đã thu thập được nhiều ký ức đáng tin cậy : những chi tiết về việc chọn thêm thành phần nhóm 12, Matthya đã được chọn chứ không phải Barsabba.
Vai trò tông đồ trong Cộng đoàn tiên khởi, và trong Hội thánh : Luca nhấn đến điều đặc sắc nhất : làm chứng về sự Sống lại.
Phải nhớ đến Chúa Yêsu đã phải giết thế nào (toàn dân bỏ Ngài : như thế Ngài bị loại ra khỏi cộng đoàn dân của Thiên Chúa. Chết dữ dằn trước 50 tuổi : một án phạt của Thiên Chúa. Dân cũng như môn đồ kết luận được Thiên Chúa đã chứng tỏ Yêsu Nazareth là tiên tri giả). Tình trạng éo le của môn đồ : với những kinh nghiệm quá khứ, họ phải tin; nhưng với kết thúc ở Golgotha : họ không thể nào tin được. Với sự sống lại, mọi sự đổi hẳn, và vụ kiện phải được khiếu nại, bản án phải được duyệt lại (ý nghĩa chứng tá tại Yêrusalem).
Nhưng hơn thế : Sống lại cho thấy Thầy của các môn đồ là người được Thiên Chúa sủng mộ, tôn dương, họ có Đấng chuyển cầu cho họ bên hữu Thiên Chúa. Ngài hiện ra : mối liên lạc được tái lập giữa họ và Ngài : nghĩa là Ngài tha thứ tội cho họ, trung tín với họ dẫu họ đã thất trung, và cuối cùng là lòng trung tín của Thiên Chúa, ứng nghiệm theo lời Kinh thánh. – Và bởi liên lạc mới này nọ nên “anh em” của Đấng sống lại, nghĩa là nhờ Ngài họ được đưa vào liên lạc với chính Thiên Chúa, i.e liên lạc cánh chung với Thiên Chúa đã được thực hiện trong Chúa Yêsu.
Sống lại, Chúa Yêsu y chuẩn lại sứ mạng Ngài đã trao cho họ, chịu lấy sứ mạng, họ cũng chịu lấy thông điệp : làm chứng về Chúa Yêsu như Đấng Thiên Chúa sai đến trong xác phàm, bị người đời đóng đinh, nhưng được Thiên Chúa cho sống lại và tôn dương. Sứ vụ tông đồ căn cứ vào Sống lại.
Tín thư sống lại : là nền tảng của Cộng đoàn mới.
Bởi đó, Tân ước nhấn mạnh vào việc Chúa đã hiện ra (2Cor 15:3tt). Luca đã nói lên cái cơ sở của Hội thánh : Tông đồ chứng kiến Sống lại là bảo đảm cho đức tin của Hội thánh.
3. Chẳng những Luca đã giữ lại sự kiện lịch sử căn bản : Tông đồ là chứng tá về Chúa Yêsu chết và sống lại, nhưng cũng còn giữ lại một điều căn bản khác : tổ chức của Hội thánh, cho dẫu sơ sài lắm, nhưng cũng đã có thật, chứ không phải nhóm ô hợp, không qui cũ ngây ngất trong ơn của Thánh thần như những người khởi sáng phong trào Formgeschichte chủ trương.
Xưa kia người ta coi việc Hội thánh có hàng cầm đầu là một hiện tượng muộn thời. Nhưng bây giờ với những văn kiện Qumrân, điều đó không còn có thể nhận được. Thí dụ Cv 1:15-26 này nhan nhản những tiếng xưa kia người ta cho là ép nghĩa, nhưng nay chúng ta thấy rắc đầu những từ ngữ và ý niệm tương đồng với nhóm “Cộng đoàn giao ước mới” Qumrân : “phần chức vụ” (c.17), “hàng chức vụ” (c.25) dịch tiếng hầu như thuận ngữ Qumrân “abodah” và “gôral” với hai nghĩa “phần” và “hàng”, trong c.25 “chỗ dành riêng” dễ hiểu nếu ta biết đến những đoạn “chúc dữ” cho những kẻ vào giao ước “không hối cải”. C.20 tiếng “chức vụ” dịch tiếng “episkopè” : Hipri pequdah, tức là chức vụ của “paqid” (người thanh tra kiểm soát) hay mebaqqer (quản đốc, tư vụ) của nhóm Qumrân... Nhiều tiếng tuy có sắc thái Kinh thánh, nhưng lại thông dụng trong nhóm Essêni.
Cách riêng nhân số tiên khởi 120 : luật Cộng đoàn, giả thiết có những tiểu tổ gồm 10 đạo hữu và một tư tế làm chủ tịch. Thế thì cộng đoàn tiên khởi đại diện cho toàn thể Israel, nên mỗi Tông đồ làm đầu 10 người : đại hội cánh chung nhỏ nhất trong tương chiếu với Cộng đoàn Israel xuất hành khỏi Aicập để chờ đến Kh7,4 là lý tưởng Tv109:8 được chọn chính vì tiếng “episkhpè” (pequdah) thuộc mạch lạc tuyển lựa một viên chức quan trọng tức là paqid (sau này sẽ là episkopos của Hội thánh). Sau cùng trình tự các việc diễn ra trong buổi hội : lễ sách đặc biệt Dothái : Kinh thánh, chú giải (pesher) và cầu nguyện.
Xét chung các văn kiện Qumrân và các nhóm bà con thuộc phong trào Essêni : có thể nhận một nghi thức nhóm Sađóc (dòng tư tế đã chủ trì tại Đền thờ Yêrusalem cho đến khi bị nhà Hasmônê thay thế). Nghi thức đó đã được Hội thánh sơ thời chịu lấy : Tông đồ giữ địa vị hàng tư tế của nhóm Qumrân (tuy trong Cộng đoàn có Lêvít (Barnaba) và tư tế nữa (6:7)). Một nét chứng tỏ vừa có dính líu với môi trường sinh hoạt, vừa có ý thức về đặc điểm của Hội thánh : có cái gì khác hẳn mà những qui chế tôn giáo Dothái, hay đạo đức Essêni không thể có gì sẵn : hàm ẩn sự từ bỏ lễ bái và hàng tư tế cũ. Thay cho tư tế chủ tịch (paqid hay mebaqqer) những tổ chức Essêni, chúng ta có tông đồ : với quyền giảng dạy, có quyền giải thích Kinh thánh, và coi sóc Cộng đoàn, duy trì sự toàn vẹn đạo lý, chủ sự các buổi họp, điều khiển đời sống (trật tự cộng đoàn), thâu nhận trục xuất. Nhưng cũng có điều Hội thánh tiên khởi không tiếp nhận : việc hàng năm sắp hàng thứ các thành phần.
Những việc hội đoàn tín hữu chọn Matthya và Barsabba ra tổ chức khá giống hội đoàn, hay tổng hội của các nhóm Essêni (môshab harabbim. Nhưng như đã nói không sắp đặt ngôi thứ theo kiểu các nhóm Biệt phái và Essêni).
Như thế ngay trong việc tổ chức, chính lòng tin vào sự sống lại và sứ mạng do Chúa sống lại ban là cơ sở cho Cộng đoàn.
3:1-4:31. Việc chữa người bất toại và những biến sự do đó xảy ra. Hai đoạn này nên một khối, các biến cố kê theo nhau diễn ra. Duy nhất bởi phép lạ là duyên do, nhưng cũng được cắt nghĩa theo nguyên nhân (quyền năng của tên Chúa Yêsu), và hậu quả (đến lúc làm chứng cho Tên Chúa).
3:1-10. Phêrô chữa người bất toại
Truyện đơn giản gần giống như Cv 9:32-35. Có ít điều Luca đã nhấn vào để dọn trước diễn từ và phiên xử theo sau (có lẽ Yoan thuộc các điều đó, nhưng không chắc gì phải nói như thế – nhưng có lẽ hơn các lời nói đến Phêrô (chúng nhìn và nói) người kia luôn luôn ngó hai ngài xin bố thí lại ngó lên lần nữa : một thứ thôi miên! Không thế, nhưng đó kiểu tả sự đụng chạm linh thiêng chữa lành. Rồi những câu 6 (muốn đặt tương phản giữa nghèo của Tông đồ về vật chất và sự giàu có bởi Tên Yêsu), c.8b (người bất toại vào Đền thờ cần thiết để dọn diễn từ và khung cảnh diễn từ).
3:11-26. Diễn từ của Phêrô
Diễn từ này sử dụng KERYGMA tiên khởi (coi nhập đề Tin mừng Nhất lãm). Đây chúng ta chỉ bình luận về vai trò trong mạch lạc Công vụ.
Đề tài của Kerygma được nối với mạch lạc phép lạ (12 13a), ý nghĩa của lòng tin được cắt nghĩa hơn (16), chứng Kinh thánh diễn rộng hơn (22t 25b). Kiểu nói long trọng, nhưng có khi tối nghĩa. Trong diễn từ có những kiểu nói lạ tai theo kiểu văn chương khải huyền, nên có tác giả cho là một truyền thống về Elya đã được khai thác theo đạo lý Kitô giáo.
Nhưng đó chỉ là những suy tưởng, còn văn Luca thì quá rõ.
Tại sao Luca đã đặt thêm một diễn từ ở đây? (Luca đã đặt vì ta thấy được rằng c.11 là dây nối!)
Là vì phải dọn trình tự biến cố : ngay ngày Hiện xuống không lẽ đã để các Tông đồ vào tù. Biến cố phải tiệm tiến : việc chạm trán với công nghị phải do một trường hợp khác về việc giảng Chúa Yêsu – diễn từ đó phải nối với một cái gì có thể hiểu được, Luca đã lợi dụng một ký ức của cộng đoàn để làm nhịp cầu. Và đề tài mới cũng không cạn : lòng tin Hội thánh về danh Chúa Yêsu : đó là dịp cắt nghĩa cho độc giả ý nghĩa Danh Chúa Yêsu một cách cụ thể, chứ không phải như một tín điều trừu tượng.
Nhờ việc chạm trán với công nghị này, Luca sắp đặt sẵn để dẫn đến những xung đột gay gắt hơn với bè Sađóc, và do đó đến cấm cách bắt bớ.
Như thế diễn từ của Phêrô là một đoạn cốt yếu trong hàng các biến cố nhờ đó Luca hoạch định cho ta một chút gì có liên lạc về hình dung lịch sử Hội thánh tiên khởi, mà chính Luca chỉ có những ký ức rời rạc.
Ta phải nhận ra sự khôn khéo của một tác giả biết khai thác ít đề tài hiếm hoi đã thâu nhận được, tổ chức lại theo kiểu duyên do và hậu quả, và làm câu truyện đầy đủ ý nghĩa bằng những diễn từ, dựa trên Kerygma tiên khởi, rồi rút chặt với hoàn cảnh, để quyển sách trở nên một chương thần học cụ thể.
4:1-22. Tra hỏi trước Công nghị
Trình thuật đọc lần đầu ta hội chung ra ý tưởng : giam bắt vì lý do là giảng về Chúa Yêsu sống lại, nên đụng chạm đến lập trường không tin của bè Sađóc. Khi ra trước công nghị, người ta tra hỏi về quyền làm phép lạ “Nhân Danh nào?”. Phêrô tuyên bố lập trường : Danh Chúa Yêsu (nên để ý đến tự nguyên ngấm ngầm : Yêsu-Salvator; và lời hai ý trong tiếng Sôtêria : salus (lành bịnh, ơn cứu thoát) : chỗ này chúng ta lại gặp Kerygma tiên khởi. Rồi đến sự lúng túng của công nghị. Biện pháp : ngăm đe, cấm giảng tên Chúa Yêsu. Lời tuyên bố của Phêrô (nên để ý rằng lời tuyên bố như thế có gặp thấy trong Platô (Apologia 29D : Tôi kính phục và có thiện cảm nhiều với các ông, nhưng tôi sẽ vâng phục thần linh hơn là các ông; Sophokles, Antigone 449tt, Josephus, Antiquitates VI 12 6 cũng có những tư tưởng giống như thế). Rồi Phêrô và Yoan được tha : vì không có lý do để trừng trị – và vì sợ dân.
Nhìn kỹ hơn, chúng ta gặp ít nhiều điều không xuôi :
c.4 : số 5 ngàn đàn ông. Nếu còn đàn bà và trẻ con thì con số lớn thật đối với Yêrusalem (chừng 25/30 ngàn).
c.1 bè Sađóc bắt bớ vì họ không tin có sống lại. Thế thì Biệt phái cũng tin có sống lại thì sao? Vả lại ảnh hưởng Biệt phái rất lớn trong Công nghị, tuy rằng thượng tế chủ sự công nghị. Đàng khác bè Sađóc không phải là “quyền hành” trong dân.
c.7 Tra hỏi không còn nói đến Sống lại, nhưng đến quyền làm phép lạ. Và lời hỏi đó rõ ràng là chủ đề cho lời lẽ của Phêrô.
c.13 Cũng lạ là danh tính bị cấm mãi đến đây mới tỏ.
c.17 Phép lạ nhân Danh Chúa Yêsu đã được nghe biết khắp thành, lại còn cấm việc nói đến tên ấy nữa.
c.20-21 Bị cáo nhất định không tuân lịnh, Công nghị lại chỉ ngăm đe thôi. Họ sợ dân chúng, trong khi giữa dân bồng bột phấn khởi, lính đền thờ đã có thể bắt các tông đồ êm ru.
Vậy phải nhận rằng : trình thuật là sáng tác của Luca làm một trình thuật đạo đức cho cộng đoàn, chứ không phải là đã muốn doãn lại đầu đuôi mọi sự theo lịch sử.
Vậy nên để ý rằng việc bắt giam không xảy ra ngay sau phép lạ, nhưng sau diễn từ. Diễn từ lại hàn với phép lạ cách gượng gạo. Vậy phép lạ là một truyện riêng biệt. Việc bắt giam là nhân việc rao giảng Chúa sống lại, tị tổ của đàng sống. Và cuối trình thuật lại có việc cấm rao giảng nhân danh “người đó”. Luca dựa vào việc chữa lành để vạch ra quyền năng cứu rỗi của Danh Chúa Yêsu (chuyển ý nghĩa sự an lành phần xác đến phúc lành phần hồn). Rồi lại chuyển tự việc nói nhân Danh đó của phép lạ qua “rao giảng nhân Danh đó” để nói đến “quyền và phận sự rao giảng Chúa Yêsu”.
Vậy công việc soạn tác khá rõ. Và việc trình bày phiên tra hỏi trước công nghị là một bức họa khéo léo của Luca cốt trình bày một nét chung Hội thánh sơ thời : quyền và phận sự rao giảng Chúa Kitô đã được các tông đồ thi hành thế nào, làm sao các tông đồ, những người vô học thức mà nhờ ơn trên phù hộ, đã ngang nhiên làm chứng, không nao núng trước sức mạnh người đời, trước tù ngục và sự cấm đoán của chức quyền.
Còn lịch sử thì sao? Chắc có xung đột giữa các tông đồ, Hội thánh Yêrusalem và quyền hành Dothái nhân việc loan báo Chúa sống lại, thì như thế tức là lên án hành vi của họ trong vụ án Chúa Yêsu. Đó là phủ nhận tính cách hợp pháp của tòa án Dothái cũng như của người Rôma. Nhưng để khỏi đụng chạm với đế quốc, để cho thấy sự liên tục giữa Israel và Hội thánh, Luca xét đến khía cạnh riêng của quyền lĩnh đạo can trực tiếp vào việc lên án Chúa Yêsu : Bè Sađóc, những kẻ không tin vào sự sống lại. Nhưng kỳ thực Hội thánh bị rắc rối nhiều do nhóm biệt phái (coi Mt 23:13tt Lc 11:39-53 20:45-47) – rồi việc cấm cách dưới thời Agrippa, và thái độ Phaolô.
4:23-31. Lời cầu nguyện của Cộng đoàn
Coi BVC 14 (1956) 82-90 A.Hamman : Lanouvelle Pentecôte.
LMD (la Maison-Dieu) 51 (1957) 99-115 D.Rimaud sj. Lapre-miere prière liturgique dans le Livre des Actes (Ac 4:23-31) (Ps 2 et 145).
Nếu ta bỏ ngoài kiểu thuật bình dân, theo kiểu dàn cảnh, và bỏ ngoài cái tưởng tượng của ta về một phóng viên viết chương phóng sự, thì khúc này giữ lại cho chúng ta kiểu cầu nguyện và suy nghĩ thần học của Hội thánh tiên khởi : lời cầu nguyện dựa theo kiểu cầu nguyện của Dothái, theo những kinh Cựu ước (thánh vịnh 2 và các Ca vịnh Qumrân). Kitô học đây còn dùng những tước cựu trào.
Ý định của Luca : Cho thấy cách sống động tín hữu phải cư xử làm sao khi bị cấm cách : ngước mắt lên Thiên Chúa – nhìn biết cấm cách không phải là chứng Thiên Chúa phủ nhận nhưng là mọi sự đã được quan phòng – cầu nguyện không phải để tránh cấm cách, nhưng để ý định Thiên Chúa thực hiện với lòng can đảm cùng quyền phép Người tỏ bày ra.
5:17-42. Các Tông đồ trước Công nghị
Trình thuật này gợi lên 3 vấn đề :
1) Chung chung có phần trùng với đoạn 4:1-22.
Có thể so sánh :
   3:1-11 / 5:15-16        : Những phép lạ chữa lành
   3:12-26 / 5:17-21a    : Giảng trong Đền thờ
   4:1-4 / 5:21b-26        : Bị bắt
   4:5-7 / 5:27-28           : Ra trước Công nghị.
   4:8-14 / 5:29-33        : Phêrô biện hộ.
   4:15-16 / 5:34-39a    : Công nghị bàn kín
   4:17-20 / 5:39b-40a : Tuyên án
   4:21-22 / 5:40b...       : Các tông đồ được thả.
Các tác giả xưa (Harnack, Preuschen, Wellhausen Wendt, và cả nay : Reicke) coi như hai trình thuật trùng nhau để tả cũng một biến cố, và bởi đó mà họ hội ra 2 văn kiện khác nhau đã được Luca sử dụng.
J. Jeremias, khai thác một ý kiến của K. Bornhauser, minh chứng rằng giữa 2 trình thuật có tiến triển : 2 bên bổ túc cho nhau : Luật Dothái không cho phép phạt tội vi phạm Lề luật khi người có tội không nhận định được những hậu quả của việc mình. Thực tế ra, việc hạch tội ngay chỉ có thể thi hành cho những ai đã học luật các rabbi; dân thường thì phải có lời cảnh cáo trước chứng nhân, rồi khi tái phạm mới bị trừng trị. Đoạn 4 : Công nghị coi các Tông đồ như hạng vô học thức, bởi đó kết thúc vụ án bằng lời cảnh cáo ngăm đe. 5:28 rõ ràng nhắc lại lời cảnh cáo đó và vì thế có thể lên án đánh trượng được.
Nhưng trình thuật cho thấy Luca không rành luật lệ Dothái, vì thế không hoàn toàn phù hợp với thủ tục tòa án Dothái như Jeremias đã vạch ra, kiểu giải thích của Jeremias có thể nhằm với hình thức cựu trào của truyện trước khi Luca sử dụng : hai lần ra trước công nghị là 2 giai đoạn của cũng một vụ kiện theo thủ tục Dothái.
2) Vấn đề thoát ngục cách lạ lùng (5:19-25). Trong Cv chúng ta thấy chủ đề được dùng đến 3 lần (5:19 12:6-11 16:26t): đêm khuya cửa ngục được mở toang ra cách lạ lùng.
Chủ đề tự dưng mở toang ra là một chủ đề phổ thông trong nhiều vùng; trong thế giới Hilạp : chủ đề thuộc kỳ truyền về Dionysos (Bacchus) và sử hạnh những nhân vật cổ thời.
Trong Cv, sự lạ đó được chia đều giữa các tông đồ (5:19), Phêrô (12:6-11) Phaolô (16:26t) rồi lại phù chi tiết với những truyện tương tợ, nên phải nói rằng ít ra trong việc thành hình cho trình thuật Luca đã sử dụng đề tài định sẵn, nhất là trong sử hạnh các nhân vật thần thiêng, nhất là việc thoát tù lạ lùng lại chứng thực cho sứ mạng siêu phàm.
Vậy phải nói Luca sử dụng đề tài có sẵn để nói lên điều này : Tin mừng lan truyền ra không bị tù ngục, xiềng xích cầm hãm được, vì Thiên Chúa quyền năng đủ để bật tung cả tù ngục.
3) Vấn đề “Theudas”. Gamaliel nêu hai gương lịch sử để mời Công nghị kiên nhẫn. Gương thứ nhất là nố Theudas. Gamaliel đây nói đến Theudas như sống trước vụ Yuđa người Galilê dấy loạn thời Quirinius kiểm tra nhân khẩu Falệtin (năm 6). Theo Flavius Josephus thì việc đã xảy ra dưới thời trấn thủ Cuspius Fadus (Coi Abel, Histoire de la Palestine, I,455) : một tên lưu manh tự xưng là tiên tri, tụ tập đồ đảng và dẫn họ đến bờ sông Yorđan và hứa sẽ rẽ nước sông cho họ qua. Fadus sai kị binh đi dẹp, giết nhiều người, cầm tù một số, và đem thủ cấp của Theudas về Yêrusalem. Cuspius Fadus làm trấn thủ 44-46. Còn hoàn cảnh trong đó Luca đặt các lời của Gamaliel thuộc các năm 33-34. Tất nhiên 2 nguồn tin không thể giảng hòa với nhau. Tuy rằng F.Josephus nhiều khi lầm lẫn, và mâu thuẫn với chính mình, về vấn đề này các nhà bình luận cho kiểu trình bày Cv sai.
Và như thế diễn từ của Gamaliel là soạn tác của Luca, theo những điều biết mập mờ về tình hình Falệtin.
Do những nhận xét ở trên, chúng ta lại phải nói một lần nữa : trình thuật của Luca không có tham vọng làm một chương sử rành mạch, nhưng đã thâu nhận những ký ức rời rạc của cộng đoàn mà tạo nên một bức họa hào hứng có tính cách đạo đức làm phấn khởi tín hữu thời mình trong cơn cấm cách. Và một trật nơi miệng Gamaliel, nói lên ước nguyện của Hội thánh được tự do hành đạo.
Về các tông đồ, đọc thêm : LCerfaux, La Communauté apostolique, 24-38.

No comments: